Gởi Đàn Chim Việt

Phạm Như Ý

Điển hình, DCVOnline cũng đã và đang bị gọi là Việt Cộng trá hình, là bọn chỉ điểm cho Hà Nội, v.v…

Lớn lên ở đất người hơn 2/3 cuộc đời, tôi chưa lúc nào có những điều kiện và phương tiện để biết về quê mẹ của tôi nhiều như bây giờ. Điều tôi đã biết rất đơn giản, Việt Nam là một nước nghèo, người dân thiếu ăn, thiếu mặc; Về mặt chính trị của Việt Nam thì tôi càng mù tịt và không đủ trình độ để nhận xét.

Việt Nam là một nước nghèo, người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Đồng bằng sống Cửu Long (2015). Nguồn: Shutterstock

Sau khi định cư ở Mỹ được 10 năm, vào một ngày đẹp trời, tôi hớn hở quyết định về Việt Nam một lần để thăm lại quê xưa, nơi tôi sinh ra và lớn lên không và ở đó một thời gian không lâu lắm nhưng đầy kỷ niệm (đau thương của con nít). Chuyến đi đó tôi rất khó chịu vì đã phải trải qua nhiều cảnh ngộ mà tôi chưa hề biết đến: từ sự hối lộ trắng trợn của nhân viên hải quan, rồi công an phường đòi tiền khi gia đình lên báo việc tôi về tạm trú, cho đến công an giao thông, và ngay cả chuyên viên ở nhà thương, v.v… Mười hai năm đã qua đi nhưng tôi chưa quên được bộ mặt trơ trẽn lẫn tội nghiệp của ông bác sĩ tại nhà thương Chợ Rẫy khi ông ta thẳng thừng đòi tiền trước khi ký tên trên giấy bệnh lý cho tôi. Những bộ mặt ấy làm tôi buồn nôn và rất giận. Đã không ít lần tôi gây và mắng vào mặt những người đó để rồi cuối cùng tôi cũng phải trả tiền. Nếu không, họ không chứng giấy tờ cho tôi. Khi đó tôi mới hiểu được những giá trị của môi trường và xã hội tôi đang sống tại xứ người không có tại quê mẹ của tôi. Kể từ ngày đó tôi chán ghét những hình ảnh đã kiểm nghiệm tại Việt Nam trong chuyến về thăm quê mẹ. Nhưng, có lẽ như nhiều bạn trẻ khác, tôi không biết nên làm gì hay cần làm gì, chỉ hiểu rằng cung cách làm việc của viên chức hành chánh Việt Nam không thể chấp nhận được với lớp người trẻ đã hấp thụ văn minh của thế giới tự do như tại nước Mỹ này.

Sau khi chuyến về thăm ấy tôi trở lại Mỹ, lòng hậm hực pha lẫn sự khi dễ. Tôi kể cho gia đình và bạn thân của tôi về những việc tôi gặp phải ở Việt Nam và kết luận rằng nếu phải sống dưới một xã hội như vậy, thà tôi chết sướng hơn. Câu nói ấy, tôi nói với cả cảm nhận của mình. Sự thật là vậy đó, lúc làm việc với các nhân viên công chức Việt Nam, tôi thật là kinh tởm họ, và cảm giác bị ngộp như thiếu dưỡng khí. Tôi tưởng mình sẽ lăn đùng ra chết. Tôi chạy ra khỏi những nơi ấy như bị quỷ đuổi, như bị ma rượt. Đôi lúc tôi không còn nhịn được nữa (dù là được người thân nhiều lần năn nỉ, dặn dò là nhịn để cho qua chuyện và xong giấy tờ). Người như muốn điên lên, tức đến độ muốn ực máu ra mồm. Thật không thể tưởng tượng nổi lối làm việc thiếu văn minh, cách hành xử vô văn hoá cùng với kiểu sử dụng luật rừng của họ.

Tuy đã hiểu được phần nào xã hội Việt Nam hiện thật qua chuyến đi đó, nhưng tôi vẫn chưa ý thức được rằng Việt Nam dưới sự cai trị của đảng cộng sản, con người hoàn toàn mất những tự do căn bản. Tôi đã không biết được những tờ báo mà tôi đọc ở Việt Nam chỉ là phương tiện tuyên truyền, để phục vụ cho đảng cộng sản Việt Nam. Và còn rất nhiều điều khác mà tôi không biết. Đến một hôm tôi được bạn cho biết về diễn đàn Paltalk và cũng chính tại đây tôi đã có cơ hội biết đến và tìm đọc những trang báo điện tử như DanChimViet, YKien, Vietbao, v.v…

Kể từ ngày đó, nhờ những trang báo điện tử, tôi học hỏi được và biết nhiều việc mà từ nhỏ đến lớn tôi chưa hề biết tới. Thí dụ, những tài liệu về cuộc chiến tranh Quốc – Cộng, những hy sinh của anh hùng trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, những tài liệu dâng đất nhượng biển của đảng cộng sản Việt Nam cho Trung Cộng, đồng thời biết được những tin tức đấu tranh đòi hỏi tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân trong và ngoài nước – tin cập nhật, hay cuộc đấu tranh bất bạo động của các vị lãnh đạo các tôn giáo và các nhà vận động dân chủ trong nước, và những bài dịch thuật, bình luận chính trị, kinh tế, môi trường v.v… Tất cả, đối với tôi, là những tư liệu học hỏi quý báu vô cùng. Mỗi ngày nếu không được nghe và đọc tin tức trên mạng internet tôi có cảm giác như là chưa được ăn hôm đó. Đói, với người thích ăn như tôi, thì thật là điều khổ sở. Ai thích ăn sẽ hiểu được nổi đau dịu dàng đó, và sẽ thông cảm cho tôi.

Trong ba năm qua tôi tiếp cận với nhiều tài liệu, thông tin trong và ngoài nước qua rất nhiều trang báo điện tử. Trong số đó, DanChimViet.com là trang báo mà tôi đọc nhiều nhất. Tôi thích cách viết khôi hài, đầy châm biếm của tác giả Tưởng Năng Tiến. Tôi cảm thông và thấy gần gũi hơn với những anh chị đang hoạt động dân chủ trong nước qua những bài viết của Huỳnh Việt Lang, Trần Khải Thanh Thủy, Du Lam và nhiều người khác. Biếm họa của Babui thì thật tuyệt vời, chắc không ít lần làm xốn sang bộ đồ lòng của chóp bu Bắc Bộ phủ.

Dĩ nhiên tôi không thể không nhắc đến những ý kiến bạn đọc trong diễn đàn tự do Đàn Chim Việt. Ở đó, rất nhiều bạn đọc với những suy nghĩ, lý luận sâu sắc bẻ gãy luận điệu dối trá của những tên nô bộc của đảng cộng sản Việt Nam. Nơi đó, diễn đàn tự do Đàn Chim Việt, thể hiện sinh hoạt dân chủ mà ở Việt Nam hiện nay không có – dù chỉ là trên những trang báo điện tử của đảng cộng sản Việt Nam, khoan nói tới hiện thật ngoài đời.

OK, mấy ông khôi hài, mấy bà châm biếm nhưng ông bà lấy tiền ở đâu làm báo, mây ông bà viết bài, biên tập có ăn lương hôn? Nói nghe coi!. Nguồn: Daily Outlook Afghanistan.

DCVOnline đóng góp không nhỏ đối với cuộc đấu tranh cho một Việt Nam dân chủ. Có điều là ĐCV đôi lúc đưa tin hơi (bị) chậm nhưng tin tức của họ trung thực; Có phải vì quá cẩn thận và dè dặt về nguồn gốc của thông tin mà họ đưa tin chậm? Hay vì họ thiếu nhân sự? Điều mà tôi tự hỏi là những tờ báo điện tử như DCVOnline này lấy tiền ở đâu để thực hiện công việc truyền thông như họ đang làm? Thường thì các báo điện tử phát triển thu nhập bằng những góc quảng cáo thương mại. Nhưng chỉ vài quảng cáo như trên DCVOnline hiện nay thì làm sao có thể mang lại đủ thu nhập để trang trải chi phí và thù lao cho nhân sự bảo quản, phát hành trang báo hàng ngày như vậy? Nhìn vào trang ban biên tập, tất cả là 11 người, những người bảo quản trang ĐCV này có được trả lương không? Bao nhiêu người được trả lương? Và bao nhiêu người làm công không vì muốn đóng góp sức của mình cho công cuộc đấu tranh trên mặt truyền thông?

Nói đến việc đấu tranh thì tôi như con chim mới tập vươn đôi cánh, nên kinh nghiệm và kiến thức rất hạn chế và đóng góp còn rất khiêm tốn, nhưng đầy tốn kém. Mỗi lần đi vận động, đi biểu tình, đi dự các cuộc hội thảo xa gần, đi đâu cũng toàn lấy tiền túi ra cả. Có như vậy mới thấy thương các chú, bác, đàn anh, đàn chị đi trước trong cuộc đấu tranh dân chủ này. Họ bỏ tiền, đổ mồ hôi, rơi nước mắt, thậm chí có nhiều người đã bỏ cả tính mạng, bỏ sự sống an vui của cá nhân cho cuộc đấu tranh. Vậy mà họ vẫn phải nghe lời ong tiếng ve. Nhẹ là lời phiền hà và buồn lòng của vợ con, cha mẹ, anh chị em, hay gay gắt hơn chút là lời chê trách “ăn cơm nhà, vác ngà voi”.

À, còn cái vụ vu khống, chụp mũ nữa. Đây vẫn là điều nhức nhối và thường xảy ra với người đi vận động, tranh đấu cho dân chủ. Trong công cuộc đấu tranh chúng ta thường nghe, thấy sự thóa mạ, quy chụp cho nhau những tội trạng dị hợm, ngược đời. Điển hình, DCVOnline cũng đã và đang bị gọi là Việt Cộng trá hình, là bọn chỉ điểm cho Hà Nội, v.v… Tôi không có tài, hay có đủ thông tin để biết được Đàn Chim Việt là Việt Cộng hay là Việt gian. Nhưng tôi thấy trang báo DCVOnline đăng toàn những bài viết của nhiều tác giả trong và ngoài nước mang tính chất “cực kỳ phản động” và “tiết lộ bí mật quốc gia” cộng thêm nhiều tài liệu và bài vở “âm mưu lật đổ nhà nước CHXHCN”. Bao nhiêu đó cũng đủ cho ban biên tập của DCVOnline mang bản án chung thân với nhà cầm quyền Hà Nội. Thiệt tình, bản thân tôi không dám xem họ là Việt gian để không phụ lòng những người đang đóng góp với cuộc đấu tranh trên mặt truyền thông, bảo vệ người cầm bút và quyền tự do ngôn luận.

Nói gần nói xa hổng qua nói thiệt. Tôi viết bài này trước tiên là để tâm sự với bạn đọc xa gần về cảm nghĩ đơn sơ, của một người trẻ tuổi lớn lên ở hải ngoại, về vai trò của mặt trận truyền thông trong cuộc đấu tranh giữa dân chủ và độc tài với tầm ảnh hưởng rất lớn đối với thanh niên nam nữ trong và ngoài nước. Thứ đến, tôi mong được gởi đến Đàn Chim Việt những thắc mắc như đã nêu trên về tài chánh và nhân sự. Đồng thời tôi xin đưa ý kiến với độc giả và ban biên tập về việc vận động bạn đọc DCVOnline cùng đóng góp tài chánh để DCV có thể sinh hoạt rộng rãi hơn. Mỗi người trong chúng ta đều biết việc đấu tranh đòi dân chủ cho Việt Nam cần rất nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng tài chánh (tiền) là một thành tố rất quan trọng trong cuộc vận động dân chủ này. Không có tiền, không thể vận động, không thể hoạt động, hay tranh đấu dù ở bất cứ mặt trận nào.

Ngày nào, tôi cũng ít nhất một lần ghé trang DCVOnline. Và lúc nào tới đó tôi cũng thấy số lượng từ 460 đến 650 bạn đọc. Với lượng người đọc khắp nơi và cả ngày như thế đó, người ta có thể khiêm tốn tạm đặt giả thiết DCV chỉ có khoảng 500 độc giả sẵn sàng ủng hộ tài chánh, OK “mua” báo hàng ngày. Và lại xin giả sử một lần nữa: mỗi người ủng hộ (không kể các chú bác đang coi DCV là Việt cộng hay Việt gian) chỉ đóng góp 60 USD mỗi năm, hay 5 USD một tháng. 16 xu mỗi ngày như vậy vẫn nhiều lần ít hơn tờ báo địa phương hàng ngày tôi mua, rẻ nhất phải là 50 xu. Tờ báo 50 xu đó toàn là quảng cáo, bài đọc chỉ được vài trang đầu với tin tức địa phương. Với 16 xu một ngày, “mua ủng hộ” DCVOnline, người ta có thể cập nhật tin tức của Việt Nam, có thông tin về những hoạt động dân chủ, tranh đấu của người Việt trong và ngoài nước, cộng thêm những bài nhận định chính trị, xã luận quý giá của nhiều tác giả khác nhau. Tính đi tính lại, 16 xu mỗi ngày thật là con số gần như là không đáng kể. Nếu 500 người chúng ta cùng hứng thú mỗi ngày vào đọc báo, cùng chia sẻ những cố gắng của Đàn Chim Việt, và kiêm nhường đóng góp phần mình như là một hành động tích cực, đơn giản, trực tiếp giúp công cuộc vận động dân chủ ở mặt truyền thông được tốt hơn và hiệu quả hơn.

Hơn 16 xu lẻ để ủng hộ Đàn Chim Việt hàng ngày. Nguồn: Twitter

Để lời nói đi đôi với việc làm tôi xin được góp phần nhỏ của riêng mình sau khi nhận được trả lời của ban biên tập.(*) Tôi hy vọng với chia sẻ thực tế và tấm lòng của bạn đọc, DCVOnline sẽ có nhiều phương tiện hơn để giúp những người đang tranh đấu bằng ngòi viết của mình thêm vững niềm tin và ý chí để cùng chung sức xây dựng một ngày mai Việt Nam Tự Do Dân Chủ.

Copyright © 2006-2018 DCVOnline

Đã đăng lần đầu ngày 20-10-2006 

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net



(*DCVOnline trước hết xin cám ơn thiện chí của bạn đọc Phạm Như Ý. Thắc mắc của bạn tập trung vào 2 câu hỏi chính:

1. “Điều mà tôi tự hỏi là những tờ báo điện tử như DCVOnline này lấy tiền ở đâu để thực hiện công việc truyền thông như họ đang làm?”

Trả lời: Từ khi ra đời số nguyệt san đầu tiên vào tháng 11/1999 đến nay đã gần 7 năm. Đàn Chim Việt tồn tại, duy trì và phát triển độc lập, đứng trên đôi chân của mình là chính, dựa vào nguồn tài chính chủ yếu, căn bản là đóng góp tiền bạc trực tiếp của tất cả thành viên Đàn Chim Việt. Thứ đến là tiền bán báo trong thời gian phát hành nguyệt san và sau hết là tiền (không nhiều) quảng cáo và những đóng góp ủng hộ không điều kiện – ĐCV rất trân trọng – của các mạnh thường quân.

2. “Những người bảo quản trang ĐCV này có được trả lương không? Bao nhiêu người được trả lương?”

Trả lời: Tất cả thành viên trong Ban Biên Tập DCVOnline và trong các bộ phận khác của DCV Inc. cho đến nay là những người làm việc không lương. Là thành viên của một tổ chức bất vụ lợi (Not-for-profit corporation), mỗi người trong DCV Inc. trước khi tình nguyện gia nhập đã hoàn toàn ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ, cho nên đã xác định được tính chất công việc và sự dấn thân, cống hiến vô tư của mình trong hoàn cảnh thực tế của DCV Inc.