Bia Mộ – Chương 1

Trưng Vương

tombstoneTác giả và cuốn “Bia Mộ”

Dương Kế Thằng người huyện Hy Thủy tỉnh Hồ Bắc, sinh tháng 11 năm 1940, tốt nghiệp trung học năm 1960 ở trường trung học số 1 Hy Thủy, năm 1962 thi đỗ vào trường đại học Thanh Hoa, tháng 4 năm 1964 gia nhập đảng cộng sản Trung Quốc.Tốt nghiệp chuyên nghành lái máy cày khoa động lực học ở đại học Thanh Hoa năm 1966, ông gia nhập vào Tân Hoa Xã từ ngày 10 tháng 1 năm 1968 với chức vụ là phóng viên Tân Hoa Xã ở phân xã Thiên Tân và làm việc ở đây cho tới năm 2001. Trong thời gian công tác 33 năm ở đây, ông đã viết hàng ngàn bài báo, điều tra báo cáo và nhiều trong số đó được tầng lớp lãnh đạo cao nhất của Trung Cộng đánh giá cao. Năm 1984 được chọn là phóng viên ưu tú. Sau khi nghỉ hưu năm 2001 ông làm trong ban biên tập, cố vấn cho nhiều tạp chí như “Cải cách Trung Quốc”; năm 2003 Dương Kế Thằng bắt đầu làm phó tổng biên tập cho tạp chí “Viêm Hoàng Xuân Thu” cho tới nay. Ông có nhiều tác phẩm như “Thời đại Đặng Tiểu Bình” “Phân tích giai tầng xã hội Trung Quốc đương đại” “Đấu tranh chính trị trong thời đại cải cách mở cửa ở Trung Quốc”, v.v.

Dương Kế Thằng... một nhà báo có gan bằng thép (Tania Branigan, The Guardian). Nguồn ảnh: Adam Dean/Panos
Dương Kế Thằng… một nhà báo có gan bằng thép (Tania Branigan, The Guardian). Nguồn ảnh: Adam Dean/Panos

Cuốn “Bia mộ” bản tiếng Trung được xuất bản năm 2008 ở Hongkong, tại Trung Quốc được liệt vào sách cấm, được giới trí thức ưa chuộng đồng thời tác giả cũng bị theo dõi và gây áp lực. Đấy là một tác phẩm của một trí thức Trung Quốc thực hiện trong hơn 10 năm thu thập tài liệu thực địa, hàng ngàn trang tài liệu của chính Đảng Cộng sản và những cuộc phỏng vấn, ghi chép đầy đủ nhất về giai đoạn cầm quyền của Trung Cộng trong thời gian 1958-1961. “Bia mộ” là cuốn sách điều tra đầy đủ nhất, ghi chép toàn diện nhất về nạn đói lớn dưới thời cai trị của hoàng đế đỏ Mao Trạch Đông với hơn 36 triệu nạn nhân đã chết đói trong giai đoạn này. Điểm chính Dương Kế Thằng đã chứng minh rằng Đảng Công sản, từ trưởng thôn đến Chủ tịch Mao, biết chính xác những gì đang xảy ra nhưng đã quá biến thái vì ý thức hệ để thay đổi chính sách để hàng chục triệu người phải chết. Dương Kế Thằng trong một phỏng vấn với đài RFI đã nói: “Đây không chỉ là một bi kịch của Trung Quốc, nó còn là bi kịch của cả loài người. Bài học này không những cần người Trung Quốc tổng kết nó, mà cả nhân loại cũng cần rút ra bài học, để từ nay trở về sau vĩnh viễn không phát sinh ra thảm kịch tương tự”.

Nguyên bản tiếng Trung gồm hai tập tổng cộng 1800 trang do đó chỉ một phần nhỏ của cuốn “Bia Mộ” sẽ được giới thiệu đến bạn đọc.

Trẻ em đói khát (Thượng Hải). Nguồn ảnh: Topography/ TopFoto
Trẻ em đói khát (Thượng Hải). Nguồn ảnh: Topography/ TopFoto

Trẻ em đói khát (Thượng Hải). Nguồn ảnh: Topography/ TopFoto

Chương 1 – Họa từ Trung Nguyên

Tỉnh Hà Nam nằm ở khu vực Trung Nguyên của Trung Quốc. Vào những năm 60 của thế kỷ 20, ngọn cờ đỏ nơi đây được giương cao nhất, “kinh nghiệm” cũng được đưa ra nhiều nhất, nạn đói cũng mười phần nghiêm trọng. Nạn đói ở Hà Nam chính là bắt đầu từ phong trào chính trị. Vào tháng 7 năm 1957 có 7 vạn người bị mang ra đấu tố với tội danh “thành phần phái hữu”, chiếm 15% trên tổng số 55 vạn người trên toàn quốc, cũng chiếm 15% tổng số cán bộ của tỉnh Hà Nam. Tới năm 1958 trong đảng lại triển khai “ phong trào phê bình đấu tranh chống lại phái hữu Phan Dương Vương và bè lũ”. Những phong trào chính trị này tạo nên không khí khủng bố sợ hãi và điên cuồng, tạo nên …cùng sự tàn nhẫn, kéo theo một loạt những thảm kịch về nhân mạng, trong đó có “sự kiện Tín Dương”gây sự chú ý nhiều.

1. Sự kiện Tín Dương

Căn cứ theo lời kể của đặc phái viên được ủy ban giám sát Trung Công Trung Ương (tiền thân của ủy ban kỷ luật đảng hiện nay) phái đi điều tra Hà Nam là Lý Kiên nói với tôi, tỉnh Hà Nam có 3 địa phương có số người chết đói nhiều nhất, một là Tín Dương, hai là Nam Dương, ba là Hứa Xương. Năm đó sự kiện Tín Dương có sức ảnh hưởng lớn nhất, tạo thành chấn động một thời với cái tên “sự kiện Tín Dương”.

Tín Dương nằm ở phía Đông Nam tỉnh Hà Nam, giáp giới với Hiếu Cảm của tỉnh Hồ Bắc, với Hoàng San, An Khánh, Lục An, Phụ Dương của tỉnh An Huy. Vào năm 1958, khu vực Tín Dương bao gồm 18 huyện là Tín Dương, Tức Huyện, Cố Sử, Hoàng Xuyên, Tân Huyện, La Sơn, Hoài Tân, Thương Thành, Quang Sơn, Xác Sơn, Tây Bình, Nhữ Nam, Tân Thái, Tẩm Dương, Toại Bình, Thượng Thái, Bình Dư, Chính Dương và 2 trấn là Tín Dương và Trú Mã Điếm (vào thời điểm đó Trú Mã Điếm là trấn). Toàn khu vực có diện tích 28.000 km2, dân số 8.5 triệu người. Một nửa diện tích khu vực này là lão căn cứ địa Đại Biệt Sơn, Đồng Bách Sơn, trong thời chiến tranh hy sinh khoảng mười mấy vạn người.

Đại Biệt Sơn. Nguồn ảnh: flickr.com
Đại Biệt Sơn. Nguồn ảnh: flickr.com

Năm đó có người già đã nói “đối với đảng cộng sản mà nói, mỗi gốc cây, ngọn cỏ ở Đại Biệt Sơn đều có công lao”. Khu vực này là vùng cung cấp bông và lương thực trọng điểm của tỉnh Hà Nam, còn sản xuất cả trà, gỗ, tre bương, cây trẩu, dược liệu, còn được gọi là xứ giàu cơm cá. Nơi đây còn có khu thắng cảnh Công Kê Sơn nổi tiếng. Người ta thường nói tỉnh Hà Nam có tam dương thái bình (Tín Dương, Nam Dương, Lạc Dương) chính là 3 nới có điều kiện kinh tế tự nhiên tốt nhất Hà Nam. Từ cuối năm 1959 tới mùa xuân năm 1960, có ít nhất 1 triệu người chết đói, chiếm tỉ lệ 1/8 dân số trở lên. Mặt khác trong nhiều năm, sự việc động trời này bị ỉm đi, thời gian đã cách hơn 40 năm mà bên ngoài cũng không biết được sự thật bên trong.

Vào tháng 9 năm 1999, để tìm hiểu chân tướng của “sự kiện Tín Dương”, tôi đã có chuyến đi tới đấy, đi cùng có phóng viên cao cấp của Tân Hoa Xã ở Hà Nam là Cố Nguyệt Trung và phóng viên thường trú Tín Dương của Tân Hoa Xã thời kỳ nạn đói lớn là Lỗ Bảo Quốc (sau này nghỉ hưu ở vị trí chủ tịch ban tuyên truyền của đảng ủy thành phố Trú Mã Điếm). Do mối quan hệ tốt giữa Cố Nguyệt Trung và cán bộ địa phương, thị ủy Tín Dương đối đãi rất nhiệt tình với chúng tôi, nhưng sau khi biết được mục đích chuyến đi của chúng tôi thì cảm thấy rất khó xử, họ bèn đem ban tuyên truyền dẫn chúng tôi đi thăm thú Công Kê Sơn, hy vọng chúng tôi sẽ đi chơi mấy hôm rồi lại quay về. Chúng tôi đi chơi trên núi 1 ngày, hôm sau liền xuống núi, rồi lợi dụng hơn 1 tuần thời gian để hoàn thành nhiệm vụ điều tra tìm hiểu này.

Chúng tôi đã tổ chức một buổi gặp gỡ nói chuyện với những nhân chứng của “Sự kiện Tín Dương” tại khách sạn nơi ở là khách sạn Sư Hà với những nhân vật mấu chốt (những cán bộ đảng ủy cấp xã và cấp huyện lúc đó), sau đó còn xuống tận nơi thăm một số nông dân địa phương. Sau khi quay về Trịnh Châu còn đọc thêm nhiều tài liệu lịch sử liên quan, sau đó đã làm rõ tường tận được tình hình của “sự kiện Tín Dương” khi đó.

a. Những lời hồ ngôn loạn ngữ dưới áp lực chính trị của cấp trên đưa xuống

Với thể chế chính trị như thế ở Trung Quốc: mệnh lệnh được cấp trên ban ra và cấp dưới phải thi hành, cấp trên có tranh chấp chính trị, cấp dưới cũng làm một cuộc đấu tranh chính trị giống y như vậy, càng xuống dưới càng mở rộng, càng tàn khốc. Tỉnh Hà Nam sau khi tổ chức phê đấu “Phan, Dương, Vương” (xem chú thích) liền tổ chức tiếp phong trào chống thành phần phái hữu.

Chúng ta có thể nhìn thấy tính chất tàn khốc của những cuộc phê bình đấu tố chính trị qua huyện Quang Sơn khu vực Tín Dương. Ngày 11 tháng 11 năm 1959, huyện Quang Sơn tổ chức hội nghị đảng ủy mở rộng để phê bình đấu tố một thành viên trong ban bí thư huyện ủy là Trương Phú Hồng. Trương Phú Hồng bị chụp cho 2 cái mũ “phái hữu” và “phần tử thoái hóa biến chất”.

Trên hội nghị đấu tố, Bí thư huyện ủy là Mã Long Sơn đi đầu đá ông Trương 1 cái, quần chúng liền ùn ùn kéo lên, người thì giật tóc, người kéo tai, người thì đạp vào đầu gối. Ngày 12 trên hội nghị huyện ủy mở rộng cũng đấu tố Trương thêm 2 ngày, đánh cho ông ta máu mồm, máu mũi, máu tai chảy cả ra ngoài, tóc thì cũng bị giật mất một mảng, trên người thì bộ quân phục màu vàng bị xé thành từng miếng từng miếng, đi lại rất khó khăn. Sang tới ngày 13 thì lại giao Trương cho cán bộ bên cơ quan huyện ủy tiếp tục đấu tố. Mã Long Sơn trên hội nghị đấu tố lại tiếp tục bạt tai Trương 2 cái, sau khi đấu tố thêm 1 ngày, Trương đã không thể đi lại được nữa. Sang ngày 14 lại tiếp tục đấu tố ở một cơ quan trực thuộc huyện ủy. Ngày 15 lại giao cho các cán bộ công xã tiếp tục đấu tố, lúc này thì Trương chỉ còn có thể bò dài trên đất mà thôi. Những người tham gia đấu tố thì dùng chân đạp, tóc thì từng mảng, từng mảng bị giật mất sạch. Sang ngày 16 lại giao cho công xã đấu tố thêm nửa ngày, lúc này Trương sắp chết, liền được kéo về phòng ở, lúc này đã mất kiểm soát tiểu tiện, đại tiện, không ăn uống được nữa. Sang ngày 17 thì nói rằng Trương đang giả bệnh, lại rồi ra đấu tố lần nữa. Ngày 18 thì nói Trương là thành phần phản động, đang mong chờ Tưởng Giới Thạch quay lại, lại tổ chức cán bộ lôi Trường từ trên giường xuống đất đấu tố tiếp, Trương muốn uống nước cũng không có ai đưa cho uống, sang buổi trưa ngày 19 thì Trương chết.

Theo hồi ức của đặc phái viên khu vực Tín Dương là Trương Thụ Phiên, vào mùa xuân năm 1959, để giải quyết vấn đề nạn đói của nông dân, Mã Long Sơn từng để Trương Phú Hồng đến một đội sản xuất để thí điểm sản xuất khoán cho từng hộ (vào lúc đó ở những nơi khác làm như vậy, Trung Cộng Trung Ương cũng không phê bình). Sau hội nghị Lư Sơn, thì ghép việc khoán sản xuất đến từng hộ vào tội thành phần chủ nghĩa phái hữu. Mã Long Sơn đã không gánh trách nhiệm, lại nói là do Trương tự ý làm. Trương không phục liền nói do bí thư Mã phái anh ta đi làm. Ở dưới chế độ chuyên chế, quan to một cấp có thể ép chết người, sau đó Trương Phú Hồng phải chịu kết cục bi thảm.

Việc đấu tố ở những huyện khác cũng diễn ra rất tàn khốc, ví dụ Tức huyện tổ chức phê bình đấu tố phó bí thư huyện ủy là Phong Bội Nhiên, nói anh ta phủ định đường lối ba ngọn cờ hồng. Bí thư huyện ủy là Từ Tích Lan tổ chức hội nghị đấu tranh phê bình, trên hội nghị thì họ Từ với sung ngắn để bên cạnh, Phong Bội Nhiên đứng ở dưới, có người nắm lấy cổ, có người đấm vào anh ta, có người thì xông vào đạp.

Theo như phó bí thư cấp ủy Tín Dương, đặc phái viên Trương Thụ Phiên nhớ lại, toàn khu có tới 12.000 lượt người bị mang ra đấu tố đánh đập. Dưới áp lực chính trị từ trên đè xuống, cán bộ cấp dưới phải hồ ngôn loạn ngữ nói quàng xiên để thoát tội cho mình.

Vào ngày 8 tháng 6 năm 1958, “Nhân Dân Nhật Báo” cho đăng một bản tin nói rằng đội sản xuất số 2 thuộc công xã nông nghiệp Vệ Tinh huyện Toại Bình trồng tiểu mạch với năng suất bình quân 2015 cân/mẫu (1 cân Tàu bằng 0.5kg). Sau khi tin tức được truyền đi rộng rãi. Ngày 12 tháng 6 thì Nhân Dân Nhật Báo lại đăng thêm một tin tức nữa là phân đội sản xuất số 2 thuộc đội sản xuất số 1 thuộc công xã nông nghiệp Vệ Tinh huyện Toại Bình trồng tiểu mạch với năng suất bình quân là 3530.75 cân. Sang ngày 12 tháng 7, “Nhân Dân Nhật Báo “lại truyền đi bản tin công xã Thành Quan thuộc huyện Tây Bình lại xuất hiện tiểu mạch có năng suất là 7320 cân/mẫu, lại càng được đề cao tuyên truyền điển hình.

3 “ngôi sao sáng” điển hình này đều là tin tức từ Tín Dương, là kết quả của phong trào “chống phái hữu”. Dưới không khí đấu tranh chính trị cao như thế, chỉ cần ai có sự hoài nghi đối với kết quả sản xuất nông nghiệp có sản lượng cao như vậy, ngay lập tức bị chụp ngay cái mũ “vấy bẩn vào điển hình sản xuất tiên tiến” “thành phần thuộc phái hoài nghi”, chỉ cần ai nói việc sản xuất có năng suất cao là giả đều sẽ bị mang ra đấu tố.

Vào năm 1959 ở Tín Dương có nạn hạn hán. Vào thời gian đó toàn quốc đều là một dải nắng nóng, Huyện ủy Tín Dương đề ra khẩu hiệu” Đại hạn được mùa lớn”. Dưới tình huống bị thiên tai rõ ràng như thế, lại nói muốn có sản lượng vượt qua năm 1959. Phó bí thư phụ trách nông nghiệp, đặc phái viên Trương Thụ Phiên vào tháng 8 đã tổ chức hội nghị huyện Tín Dương, muốn mọi người nói ra tình hình thực tế để đánh giá thiệt hại, hiểu biết tình trạng thiên tai, có biện pháp hạn chế thiệt hại, chuyển qua trồng các loại hoa màu khác, dự phòng nạn đói. Sau đó hội nghị xuất hiện các ý kiến khác nhau. Không lâu sau đó, tinh thần hội nghị Lư Sơn quán triệt đưa xuống, áp lực chính trị càng ngày càng lớn, cấp ủy yêu cầu các huyện báo cáo tình hình thu hoạch vụ thu vượt sản lượng. Dưới tình hình này thì sản lượng càng báo lên càng cao, báo cáo sau luôn vượt báo cáo trước, lãnh đạo các huyện không dám báo cáo lên trước tiên, sợ báo cáo ít sẽ bị phê bình. Căn cứ vào hồi ức sau 40 năm của chuyên viên hội nghị lúc đó là Dư Đức Hồng nói với tác giả cuốn sách, ban đầu báo lên là 300 ức cân Tàu – 15 triệu tấn. Lúc đó Trương Thụ Phiên và Khâu Tấn Mẫn hai người không tin là nhiều như vậy, yêu cầu mọi người báo cáo lại, sau đó báo là 7.5 triệu tấn, sau cuối cùng rớt xuống còn 3.6 triệu tấn. Đảng ủy địa phương khi thảo luận thì có 8 trên 9 người trong ban thường vụ cho rằng năm 1959 có sản lượng thu hoạch vượt qua năm 1958. Năm 1958 có sản lượng là 56 ức cân – 2.8 triệu tấn, năm 1959 là 72 ức cân – 3.6 triệu tấn là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên Trương Thụ Phiên chỉ tin con số thực vào khoảng 30-40 ức cân – 1.5 tới 2 triệu tấn.

Vào cuối tháng 8 đầu tháng 9, Ủy ban thường vụ tỉnh ủy Hà Nam triệu tập hội nghị mở rộng quán triệt tinh thần hội nghị Lư Sơn, bên Tín Dương do Trương Thụ Phiên dẫn đầu tham gia hội nghị(bí thư đảng ủy địa phương Lộ Hiến Văn không dẫn đầu). Hội nghị vừa mở đầu đã yêu cầu bí thư các nơi báo cáo sản lượng. Trương Thụ Phiên báo cáo với thường vụ con số mà bên đảng ủy địa phương đã thảo luận là 72 ức cân, sau đó lại nói ý kiến của cá nhân mình(khoảng 30-40 ức cân), bên thường vụ tỉnh ủy rất không vừa ý với ý kiến của Trương Thụ Phiên, liền hỏi Lộ Hiến Văn: “bên Tín Dương các anh làm ăn kiểu gì vậy?”. Dưới áp lực của ủy ban thường vụ tỉnh, Lộ Hiến Văn triệu tập hội nghị những cán bộ huyện Tín Dương tham gia hội nghị lần này, những cán bộ này đều cúi đầu không nói gì khi hội nghị bắt đầu, dưới áp lực của Lộ Hiến Văn, có người to gan hỏi lại: “Không phải là lúc ở địa phương đã báo cáo qua rồi à?”. Lộ Hiến Văn nói :”Có người có ý kiến với báo cáo sản lượng ở địa phương”. “Có người” ở đây chính là ám chỉ Trương Thụ Phiên. Tiếp đó, tại hội nghị mở rộng, phải làm theo ý kiến chỉ đạo của tỉnh ủy, muốn mỗi địa phương tìm cho ra điển hình của “phe hữu” vào tiếp tục tiến hành đấu tố. Sau đó triển khai đấu tố với chủ tịch huyện Bình Dư là Tào Minh vì đã nói thật, sau đó bãi miễn chức vụ của Tào Minh.

b. Căn cứ vào những lời hồ ngôn loạn ngữ để xác định chỉ tiêu trưng thu

Những con số không phải là khoe khoang mà có được, chính nông dân là những người phải gánh chịu hậu quả thảm khốc thực tế chứ không phải đám quan chức bàn giấy quan liêu. Báo cáo sản lượng nông nghiệp cao sẽ dẫn tới việc phải trưng thu lương thực cho đủ thành tích. Hà Nam là một trong những tỉnh có sản lượng nông nghiệp đi đầu Trung Quốc, nên áp lực trưng thu đủ chỉ tiêu rất lớn, đối với những địa phương có thể trưng thu được liền trưng thu. Trương Thụ Phiên trong đoạn ghi âm hồi ức này viết lại như sau:

Sau hội nghị mở rộng, tôi lãnh nhiệm vụ quay lại địa bàn phụ trách trưng thu lương thực. Tỉnh ủy vẫn căn cứ theo sản lượng vụ thu năm 1958 để làm căn cứ cho chỉ tiêu trưng thu. Khu vực chúng tôi vừa hoàn thành chỉ tiêu 16 ức cân – 800 nghìn tấn, đem cả lương thực khẩu phần của nông dân, lẫn cả thóc giống nộp lên trên, nhiều nơi không còn gì để ăn, bắt đầu xuất hiện nạn đói ở một số nơi. Rất nhiều nhà bếp ở các công xã nông nghiệp không thể nổi lửa vì không có gì cả, nông dân các nơi không còn cách nào khác, ở nhà bắt đầu ăn lá khoai, rau dại trừ bữa.

Trong báo cáo của tổ công tác do Trung Ương và tỉnh ủy vào ngày 18 tháng 6 năm 1960 với nhan đề “Báo cáo điều tra về vấn đề tử vong do thiếu lương thực ở khu vực Tin Dương tỉnh Hà Nam” viết chỉ tiêu trưng thu nhỏ hơn số liệu 800 nghìn tấn của Trương Thụ Phiên một chút, nhưng cũng cho rằng chính trưng thu quá nhiều đã đem lại hàng loạt vấn đề nghiêm trọng:

Năm 1959 khu vực Tín Dương có nạn hạn hán, do đó sản lượng lương thực toàn khu vực chỉ là 32.58 ức cân(1.62 triệu tấn), ít hơn so với sản lượng năm 1958 tới 46.1%, trong lúc đó bên đảng ủy Tín Dương dự báo sản lượng là 64.27 ức cân(3.21 triệu tấn). Tỉnh ủy liền căn cứ vào con số dự báo này đề ra chỉ tiêu trưng thu là 9.6 ức cân(480 nghìn tấn), nhiều hơn con số năm 1958 tới 21500 tấn. Đảng ủy địa khu lại tăng thêm 5% khi giao chỉ tiêu về các huyện, tổng chỉ tiêu trưng thu là 10.49 ức cân(524,500 tấn). Toàn vùng sau khi thu đủ chỉ tiêu, trừ đi số thóc giống, số làm thức ăn chăn nuôi thì chỉ còn lại khẩu phần lương thực trung bình mỗi người trong 1 năm là 164.5 cân thóc (82.25kg), nếu tính mỗi tháng mỗi người ăn hết 35 cân(17.5kg) có thể ăn trong 4 tháng. Vào lúc đó không có lương thực phụ, không có dầu ăn, 35 cân thóc thì quy ra gạo chỉ cỡ 25 cân gì đó (12-13 kg), tức là vào tình trạng nửa no nửa đói. Thêm vào trong vùng có khoảng 1.8 triệu người phải làm các công trình thủy lợi, cũng ăn hết một bộ phận đáng kể lương thực.

Theo điều tra của tỉnh ủy Hà Nam sau sự kiện Tín Dương: “Vào năm ngoái, tổng sản lượng lương thực thu hoạch vụ thu của Tín Dương chỉ khoảng hơn 20 ức cân(hơn 1 triệu tấn) nhưng lại nói láo lên thành 64 ức cân(3.2 triệu tấn), trên tỉnh đưa chỉ tiêu cho Tín Dương trưng thu là 9.6 ức cân(480 nghìn tấn), lại thêm địa khu, huyện, xã lại tăng thêm chỉ tiêu, làm cho tổng chỉ tiêu trưng thu nhiều hơn mức của tỉnh đưa xuống ít nhất là 20%. Vào trung tuần tháng 10, sau khi hoàn thành việc trưng thư được hơn 7 ức cân(350 nghìn tấn) thì có 3751 nhà ăn tập thể phải ngừng hoạt động (khoảng 370.000 người), dưới tình hình này lại còn tổ chức hoạt động bố ráp “chống việc che giấu, không giao nộp lương thực”, cho rằng hiện tượng cất giấu lương thực ở mức phổ biến, cơ hồ các hợp tác xã, các đội sản xuất đều có, từ đó tăng cường thêm các hoạt động khám xét, bố ráp, làm nghiêm trọng thêm tình hình nạn đói.

Năm 1958, Tín Dương tổ chức các đội luyện thép với quy mô 1.2 triệu người, chiếm 30% tổng số lao động toàn vùng. Huyện Thương Thành phao ra tin tức sản lượng luyện thép mỗi ngày đạt tới 6000 tấn, trở thành “ngôi sao sáng”, bộ gang thép liền tổ chức hội nghị ở ngay hiện trường. Lò luyện thép đắp bằng đất thủ công không sản xuất ra được thép, liền lấy nồi niêu nấu ăn của nông dân, các tay nắm trên cửa, chuông đồng trong các đền miếu nấu chảy thành thép phế liệu rồi báo cáo sản lượng lên trên làm tin mừng. Việc luyện thép này đã làm tiêu tốn một lượng lớn lương thực. Với hơn 500 nghìn người làm các trục, con lăn thép, hơn 2 triệu người làm các công trình thủy lợi, số này chỉ việc mở da bụng ra ăn cũng hết một lượng lớn lương thực, số lương thực còn ở các đội sản xuất còn ít hơn nữa.

© 2013 DCVOnline


DCVOnline: Dương Kế Thằng (Yang Jisheng), Mộ Bia (Mubei), Hà Nam (Henan), Tín Dương (Xinyang), Nam Dương (Nanyang), Hứa Xương (Xuchang), Hồ Bắc (Hubei), Hiếu Cảm (Xiao Gan), An Huy (Anhui), An Khánh (Anqing), Phụ Dương (Fuyang), Lục An (Lu’an), Hoàng San (Huangshan), Đại Biệt Sơn (Dabie Shan)