Rồi sẽ đi tới đâu?

Lữ Giang

phaxiengVới cách hành động như trên mà gọi là “phá xiềng” thì chẳng ai tin. Nó chỉ góp phần vào việc làm xói mòn niềm tin vào chế độ mà thôi.

Trong mấy tuần qua, đã có nhiều cuộc tranh luận trên các cơ quan truyền thông cũng như các diễn đàn Internet về lời kêu gọi thành lập một chính đảng mang tên Đảng Dân Chủ Xã Hội tại Việt Nam của ông Lê Hiếu Đằng, một đảng viên đảng CSVN và lời kêu gọi “Phá Xiềng” của ông Hồ Ngọc Nhuận, một dân biểu và ký giả miền Nam hoạt động cho Cộng Sản trước năm 1975. Đa số cho rằng hai người này là cò mồi của Đảng CSVN. Một số có ý kiến nên xem họ sẽ làm gì rồi sẽ phê phán…

Trong 38 năm qua, nhiều người “cứ nghe ai hô chống cộng là theo” nên đã bị Cộng Sản hay những tên lừa đảo làm mất cả chì lẫn chài, khi nhận ra thì đã quá muộn! Do đó, trước khi đưa ra một vài nhận xét về hai lời kêu gọi nói trên, chúng tôi xin nói qua về các mưu lược mà Đảng CSVN đã xử dụng để bảo vệ quyền bính.

Mưu lược và quyền bính

Chúng ta nhớ lại, trong bài “Niềm Tin và Đạo Đức” được phổ biến hôm 15/08/2010, Tướng Lưu Á Châu (Liu Ya-zhou), Chính ủy Trường đại học Quốc phòng Trung Quốc có nói: “Trung Quốc không có nhà tư tưởng, chỉ có nhà mưu lược”.

Sách Tàu nói đến “tam thập lục kế” tượng trưng cho vô lượng kế, trong đó có cả kế “dĩ đào vi thượng sách” (bỏ chạy là cách hay nhất). Mao Trạch Đông từng nói: “Đánh vẫn cứ phải đánh, đàm vẫn cứ phải đàm, hòa vẫn cứ phải hòa.”

Sách và phim ảnh nói về mưu lược Trung Quốc tràn ngập thị trường sách báo của người Việt ở trong cũng như ngoài nước. Tuân Vực, một nhà mưu lược của Tào Tháo có nói đến bốn cách thắng của Trung Quốc, đó là “độ thắng”, “mưu thắng”, “võ thắng” và “đức thắng”. Trong bốn cách này thì “mưu thắng” bao giờ cũng chiếm ưu thế.

Đảng CSVN, con đẻ của Đảng CSTQ, cũng không có tư tưởng, chỉ có mưu lược. Nhất cử nhất động đều dùng mưu lược. Bài “Vận dụng mưu lược, chuyển hướng chú ý của đối phương” đăng trên website bachkhoatrithuc.vn ở trong nước, đã mở đầu như sau:

“Thành công thật sự sẽ thuộc về người có mưu lược hơn người. Trên đời này có rất nhiều “thành công phi thường” đạt được bằng những “cách làm phi thường”. Trong quá trình thực hiện mục tiêu của mình, chúng ta phải vừa cố gắng nỗ lực, lại vừa phải biết cách động não, suy nghĩ, vận dụng mưu lược thích hợp, tìm ra con đường ngắn nhất để tạo được mục tiêu nào đó.”

Còn “người Việt quốc gia” hay “người Việt chống cộng” thì sao?

Năm 1945 Đảng CSVN chỉ có khoảng 300 người, nhưng đã cướp được chính quyền nhờ dùng mưu lược xảo trá. VNQDĐ tuy có trên hai triệu đảng viên, nhưng cứ ngồi chờ quân đồng minh đến nên thua đậm và bị thanh toán. Cũng bằng mưu lược, năm 1954 Đảng CSVN đã chiếm được miền Bắc và năm 1975 đã chiếm được miền Nam.

Sau 30/04/1975. CSVN đã thanh toán các thành phần chống đối bằng hai phương thức sau đây.
Phương thức thứ nhất là xâm nhâp vào các tổ chức chống đối để phá vỡ. Bằng phương thức này CSVN đã thanh toán (1) Tổ chức Phục Quốc, (2) Mặt Trận Hoàng Cơ Minh, (3) Mặt Trận Thống Nhất các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam của Lê Quốc Túy và (4) Chí Nguyện Đoàn Hải Ngoại Phục Quốc của Võ Đại Tôn.

Phương thức thứ hai là hình thành các tổ chức Chống Cộng Cò Mồi để gài bẫy thanh toán các tổ chức chống đối ở Thái Lan, Cambodia và trong nước.

Một vài nhóm cò mồi điển hình

Từ năm 1975 đến nay, có rất nhiều tổ chức chống cộng có mồi được Đảng CSVN dựng lên để làm bẫy sập. Chúng tôi đã nói đến những tổ chức này nhiều lần. Hôm nay chúng tôi xin nhắc lại một vài thí dụ điển hình.

1. Nhóm Nguyễn Hữu Chánh

Ô. Nguyễn Hữu Chánh. Nguồn: OntheNet
Ô. Nguyễn Hữu Chánh. Nguồn: OntheNet

Hà Nội cho các cán bộ tình báo vào nằm ngay trong Liên Quân Kháng Chiến Đông Dương, Chính phủ Cách Mạng Việt Nam Tự Do và Đảng Dân Tộc… của Nguyễn Hữu Chánh để gài bắt các thành phấn chống đối, chẳng hạn như: Hốt 260 “chiến hữu” ở Cambodia năm 1996, trong đó có Lý Thara; tổ chức “Đại Hội Biên Thùy Đông Dương” và thành lập “Chiến khu KC 702” giả ở Thái Lan vào 30/04/1998 để tập trung tàn quân của các lực lượng kháng chiến còn lại ở Thái gồm 38 người, trong đó 33 người đang lưu vong ở Thái Lan và Cambodia, 1 người từ hải ngoại về và 4 người ở trong nước ra, rồi gài bẫy cho Công An bắt và đưa ra xét xử ngày 16/05/2001, v.v.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành “sứ mạng”, Công An đã dùng Phan Nguyễn Thành Hiền Sĩ, một người tự nhận là thành viên của CPCMVNTD của Nguyễn Hữu Chánh, đặt bom không ngòi nổ ở Tòa Đại Sứ Hà Nội ở Thái Lan vào lúc 4 giờ sáng ngày 19/06/2001. Tòa Thái Lan đã tuyên phạt Hiền Sĩ 13 năm tù, còn CSVN ban hành trát truy nã quốc tế Nguyễn Hữu Chánh về tội khủng bố. Nguyễn Hữu Chánh hết dám ra khỏi nước Mỹ.

Mấy ngày qua, Nguyễn Hũu Chánh đã lên đài truyền hình tuyên bố sẽ rút 17.000 quân đang đóng ở Biên Thùy Đông Dương trở về để đổ bộ ra chiếm lại Hoàng Sa và Trường Sa. Chánh yêu cầu đồng bào mua “bond” (công khố phiếu) của chính phủ Chánh và góp tiền mua tàu…

Có người thắc mắc: Mấy lâu nay Chánh lấy tiền đâu để nuôi 17.000 quân? Thắc mắc như thế là không hiểu gì về “tình hình chiến sự” cả. 17.000 quân đó đều là âm binh, không cần ăn uống gì, chỉ sống nhờ hơi của các đồ do bá tánh cúng. Khi đi Trường Sa, đoàn quân đó sẽ đi bằng diều chớ không đi bằng tàu. Do đó, đồng bào chớ mua “bond” hay góp tiền cho Nguyễn Hữu Chánh.

2. Nhóm Nguyễn Sĩ Bình

Nguyễn Sĩ Bình sinh năm 1955 tại làng Hội Phú, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, qua Mỹ vào tháng 4 năm 1975. Năm 1992, Nguyễn Sĩ Bình về Việt Nam và bị Công An bắt vì “tổ chức chống đối chế độ”. Nguyễn Sĩ Bình được “khoan hồng” ngày 26/06/1993 và trở về Mỹ, rồi năm 1996 qua Cambodia tổ chức cái gọi là “Đại Hội Đảng Nhân Dân Hành Động” tập trung 24 người chống cộng còn hoạt động tại Cambodia cho Công An bắt và đưa về Việt Nam truy tố và tuyên án rất nặng. Điều đáng ngạc nhiên là Nguyễn Sĩ Bình, người đứng ra tổ chức Đại Hội, và người tình là Nguyễn Thị An Nhàn, lại không bị bắt mà được “trục xuất” về Mỹ trong thư thái hân hoan!

Năm 2006 Bác Sĩ Nguyễn Xuân Ngãi đã đưa ông Hoàng Minh Chính qua Mỹ chữa bệnh, Nguyễn Sĩ Bình xúi Hoàng Minh Chính tuyên bố thành lập “Đảng Dân Chủ Việt Nam” ở hải ngoại để giúp Bình thay hình đổi dạng. Báo Công An cho biết vào tháng 3/2008, Nguyễn Tiến Trung đã giới thiệu Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định với Nguyễn Sĩ Bình để hình thành một tổ chức lật đổ chính phủ ở trong nước.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Ông Lê Công Định (t) và Ô. Nguyễn Sĩ Bình (p). Nguồn: http://thtndc.info/

Tháng 9/2009, nhóm Lê Công Định qua Mỹ gặp Nguyễn Sĩ Bình “để thống nhất thành lập các tổ chức chính trị thay thế Đảng Cộng Sản VN khi xảy ra biến cố chính trị vào năm 2010” và tuyên bố gia nhập “Đảng Dân Chủ VN” tại Mỹ. Từ ngày 01/03/2009 – 03/03/2009, Lê Công Định lại đi tham gia “khoá huấn luyện bất bạo động” được tổ chức tại Pattaya, Thái Lan, v.v..

Các cuốn băng và video thu hai cuộc họp này đều nằm trong tay Công An nên Lê Công Định phải nhận tội. Trần Huỳnh Duy Thức bị 16 năm tù, 5 năm quản chế. Nguyễn Tiến Trung 7 năm tù, 3 năm quản chế. Lê Công Định: 5 năm tù, 3 năm quản chế. Lê Thăng Long: 5 năm tù, 3 năm quản chế. Lê Công Định mới được thả ra.

3. Nhóm Nguyễn Công Bằng

Nguyễn Công Bằng chỉ là một hạ sĩ quan QLVNCH trước 1975. Khi qua Mỹ, Bằng đến ở Orange County và được Hoàng Việt Cương cài vào tổ chức của Nguyễn Hữu Chánh với bí danh là Lê Chí Thức, làm Phát Ngôn Viên cho chính phủ của Chánh.

Ô. Nguyễn Công Bằng
Ô. Nguyễn Công Bằng. Nguồn: OntheNet

Khi Chánh làm xong “sứ mạng” ở Thái Lan và Cambodia, nhóm tham mưu của Bộ Công An rút, Nguyễn Công Bằng trở về Việt Nam thành lập Đảng Thăng Tiến, Đảng Vì Dân và Liên Đảng Lạc Hổng để gài bắt nhóm Linh mục Nguyễn Văn Lý và hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Sau đó Nguyễn Công Bằng qua Houston.

Hôm 18/08/2013 Nguyễn Công Bằng mới hô lên đã bị ám sát hụt ở Siem Reap, Cambodia và nghi là Cộng Sản! Chuyện Nguyễn Công Bằng còn dài. Chúng tôi sẽ kể tiếp.

Một nguồn tin cho biết ở trong nước Đảng Việt Tân đang liên lạc với các nhà tranh đấu để “phối hợp hành động”. Đa số đã biết đó là Đảng Việt Tân giả của Công An. Nhưng nhóm Thanh Niên và Sinh Viên Vinh cũng như Việt Khang và Phương Uyên đã bị sập bẩy.

Các kế hoạch gài bẫy trong và ngoài nước của Công An còn nhiều, nhất là dưới danh nghĩa của đảng Việt Tân. Chúng tôi sẽ bàn sau.

Hai nhân vật đối kháng

Trước khi có ý kiến về hai ông Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận muốn lập Đảng Dân Chủ Xã Hội tại Việt Nam, chúng tôi xin tóm lược lý lịch của hai nhân vật này.

1. Vài nét về Lê Hiếu Đằng

Ô. Lê Hiếu Đằng (ĐH Gia Định 201). Nguồn: giadinh.edu.vn/
Ô. Lê Hiếu Đằng (ĐH Gia Định 2010). Nguồn: giadinh.edu.vn/

Lê Hiếu Đằng sinh năm 1942, người gốc Thừa Thiên vào sinh sống ở Đà Nẵng, học Trường Trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng từ 1955 đến 1962, sau đó theo học Đại Học Luật Khoa Sài Gòn, mới hết năm thứ hai, chưa xong cử nhân. Đằng đã tham gia vào tổ chức nội thành của Đảng CSVN và hoạt động dưới danh nghĩa thành viên Ban chấp hành Tổng hội sinh viên Sài Gòn và ĐH Luật Khoa.
Trong biến cố Tết Mậu Thân, “Ủy Ban Trung Ương Liên Minh các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình Việt Nam” được thành lập do Luật sư Trịnh Đình Thảo lãnh đạo; Hòa thượng Thích Đôn Hậu và Kỹ sư Lâm Văn Tết đồng Phó Chủ tịch; Tôn Thất Dương Kỵ làm Tổng thư ký; Dương Quỳnh Hoa, Hoàng Trọng Quỳ và Lê Hiếu Đằng làm Phó Tổng thư ký. Sau biến cố này, Lê Hiếu Đằng đã đi vào hoạt động bí mật và được kết nạp vào Đảng Cộng Sản. Sau đó Đằng làm Tổng thư ký Uỷ Ban nhân dân Cách mạng khu Sài Gòn Gia Định (1969-1975),

Từ 1975 đến 1983 Đằng là giảng viên Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học ở Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ thuộc Khu ủy Sài Gòn-Gia Định. Sau đó Đằng làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM (từ 1989-2009) và Đại biểu HĐND Thành phố khóa 4 và khóa 5. Tính tới 2013, Đằng đã có 45 tuổi đảng (1968 – 2013). Hiện Đằng đang bị bệnh ung thư.

2. Vài nét về Hồ Ngọc Nhuận

Ô. Hồn Ngịc NHuận. Nguồn: OntheNet
Ô. Hồn Ngọc NHuận. Nguồn: OntheNet

Hồ Ngọc Nhuận sinh năm 1935 tại Mỹ Tho, lớn lên học trường đạo rồi đi dạy học ở các trường tư thục, trong đó có trường Regina Pacis.

Năm 1966 tham gia Đoàn Thanh Niên Trừ Gian của chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, sau đó được Võ Long Triều, Ủy Viên (Bộ Trưởng) Thanh Niên của chính phủ Nguyễn Cao Kỳ cử làm Công Cán Ủy Viên đặc trách phát triển Quận 8.

Trong cuộc bầu cử Hạ Viện vào tháng 10/1967 Nhuận ra ứng cử đơn vị Quận 8 và đắc cử. Sau đó ông tái đắc cử và làm dân biểu đến 1975.

Ông tham gia nhóm đối lập của Ngô Công Đức và làm Giám Đốc Chính Tri nhật báo Tin Sáng của Ngô Công Đức. Sau 30/04/1975 tờ báo này vẫn được tiếp tục hoạt động một thời gian. Hồ Ngọc Nhuận trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM rồi Ủy viên Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam cho đến nay. Tuy nhiên, ông không phải là đảng viên.

Bỏ đảng hay bị đảng bỏ?

Qua lý lịch và lời phát biểu của hai ông Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận về việc thành lập Đảng Dân Chủ Xã Hội, chúng tôi có vài nhận xét như sau:

1. Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận tuy theo Đảng CSVN nhưng không được trọng dụng. Họ bị vứt vào cái thùng rác Mặt Trận Tổ Quốc. Sự đối kháng của họ chắc chắn đã có từ lâu nhưng đến cuối đời họ mới dám nói ra.

2. Ảnh hưởng của hai nhân vật này đối với quần chúng trong nước không cao, nên nhà cầm quyền không quan tâm nhiều những điều họ nói, vì nó không thể gây ra một phong trào đối kháng mới hoặc làm cho các cuộc đối kháng hiện tại bùng phát mạnh hơn.

3. Hồ Ngọc Nhuận chỉ là loại chính khách mà Tướng Nguyễn Khánh gọi là “chính khách phòng trà”, thường dùng dao to búa lớn mỗi khi phát biểu và có tài xách động quần chúng, nhưng không có khả năng xây dựng các cơ sở chính trị và thiết lập các kế hoạch hành động. Đó là khuyết điểm chung của đa số chính khách miềm Nam. Họ thường chỉ đi kiếm ghế.
Lê Hiếu Đằng có kiến thức và biết tùy cơ ứng biến hơn. Ông không dám đưa ra một đảng mới mà chỉ đòi tái lập hai đảng cũ được Việt Minh đưa ra năm 1946, đó là Đảng Dân Chủ và Đảng Xã Hội. Thật ra đó không phải là hai đảng đối lập mà chỉ là hai công cụ của Mặt Trận Việt Minh. Lúc đó Việt Minh tổ chức bầu cử quốc hội gian đối, nhưng không lẽ để Việt Minh chiếm hết 356 ghế? Do đó, Việt Minh phải cho ra hai đảng nữa để làm bình phong. Sau đó Việt Minh còn phải chia cho Việt Cách 20 ghế và Việt Quốc 50 ghế. Nay nếu tái lập Đảng Dân Chủ và Đảng Xã Hội theo kiểu 1946 thì cũng chỉ là một trò hề.

Với cách hành động như trên mà gọi là “phá xiềng” thì chẳng ai tin. Nó chỉ góp phần vào việc làm xói mòn niềm tin vào chế độ mà thôi.

Ngày 22/08/2013


Bài do tác giả gởi. DCVOnline minh hoạ.

1 Comment on “Rồi sẽ đi tới đâu?

  1. Bài viết này trình bày cho thấy sự yếu kém của các tổ chức chính trị quốc gia trước các hoạt động xâm nhập, gài bẫy của đảng Cộng Sản Việt Nam. Mục đính tác giả viết bài này là cho thấy phe quốc gia sẽ chẳng thắng nổi Cộng Sản vì kém mưu lược, luôn luôn bị Cộng Sản gài bẫy đánh lừa.

    Lừa dối, gài bẫy, dùng bạo lực, ám sát, giết chóc là sở trường của đảng CSVN. Nhưng “Rồi sẽ đi tới đâu”? Nó đi đến tình trạng cai trị kém về luật pháp mà ông David Koh viết trong bài “Vấn đề cải cách tại Việt Nam”, cũng đăng trên DCVOnline cùng một lúc với bài này.

    Trong số những người hoạt động chính trị chống lại đảng CSVN có những nhà trí thức, các luật gia, họ kém về mưu lược kiểu CS, họ cũng không có khả năng giết người như CS. nhưng họ có kiến thức để xây dựng một chế độ có luật pháp, hoạt động hừu hiệu, ngăn nắp.

    Lê Công Định tuy bị đám ma đầu CS gài bẫy nhưng nếu anh ta được tự do ứng cử và cầm quyền như ở các nước dân chủ thì có nhiều khả năng anh ta tổ chức guồng máy chính quyền và xã hội tại VN hoạt động theo luật pháp hơn.

    Giáo sư Nguyễn Văn Bông bị CS ám sát năm 1971 tại Sài Gòn. Ông Nguyễn Văn Bông chắc chắn không biết dùng súng và ném lựu đạn như những người đã giết ông nhưng ông có khả năng tổ chức guồng máy hành chính hữu hiệu cho Việt Nam Cộng Hòa, hơn là cái guồng máy “hành dân là chính” của đảng CSVN.

    Bà Ngô Bá Thành, được nói là đậu tiến sĩ luật tại Pháp nhưng trong suốt cuộc đời phục vụ cho chế độ CSVN, khi bà ta qua đời thì chế độ CSVN vẫn là chế độ hành xử không theo nguyên tắc pháp trị, phải nhờ Pháp soạn hộ luật. Thế trong suốt cuộc đời bà Ngô Bá Thành đã làm gì? Bà ta say mê với thứ mưu lược của đảng CSVN, đóng trò trong các Ủy Ban trá hình này, bày trò biểu tình tuyệt thực kia mà không nhìn thấy là bà ta có kiến thức về luật thì dùng kiến thức về luật đóng góp cho đất nước thì có lợi hơn gấp bội là lao vào cái trò chơi “mưu lược” của đảng CSVN. Thực tế cho thấy mà ta đã phí cả cuộc đời vào cái trò chơi “mưu lược” mà Việt Nam vẫn còn lạc hậu so với các nước xung quanh.

    Bài viết của ông David Koh đặt cạnh bài viết này của ông Lữ Giang cho thấy là sau hơn 70 năm đảng CSVN hoạt động thì ông David Koh vẫn phải nói xã hội tại Việt Nam là xã hội “mạnh ai nấy làm”, nghĩa là yếu kém về việc dùng luật pháp để cai trị. Và bài viết của ông Lữ Giang là bài viết nói về mặt mạnh của đảng CSVN là mưu mô, thủ đoạn, đánh lừa, gài bẫy. Với tất cả những trò mưu lược như vậy, Việt Nam vẫn chưa có một chế độ có luật pháp để có thể phát triển kinh tế một cách hữu hiệu. Vẫn đầy rẫy nạn tham nhũng, hối lội công ty nhà nước làm thất thoát tiền…

    Trong bài ông David Koh nói về cải cách tại Việt Nam, ông không đi vào việc sẽ đi theo hướng nào để có cải cách mà nói về cần phải cải cách như thế nào, “hiệu quả quốc gia (National Effectiveness)”, trong đó có việc bỏ cái tư tưởng “được làm vua, thua làm giặc”, phải cai trị có luật pháp. Cái tư tưởng “được làm vua, thua làm giặc” và cai trị bất chấp luật pháp là lối xử sự của những kẻ “mưu lược” chuyên dùng dối trá, gài bẫy, bạo lực để giành cho đảng mình được độc tôn. Loại người đó cũng thấy ở Trung Quốc, và chính là tập đoàn Putin đã leo trở lại chính quyền.

    Những đề nghị ông David Koh đưa ra cũng là các điểm chính trong cách cai trị của Singapore. Chính nhờ biết cách cai trị với sự “hiệu quả quốc gia (National Effectiveness)” mà ông Lý Quang Diệu đã đem lại sự thành công cho Singapore. Muốn làm được như vậy, ông Lý Quang Diệu đã phải bỏ tù những kẻ làm chính trị theo lối “mưu lược” nói dối, đánh lừa kiểu CS tại Singapore vào thập niên 1960.