Đất mẹ

Đặng Ngữ

rootNhưng một cái cây vốn sinh trưởng từ miền Trung vẫn luôn nhìn xuống gốc rễ của mình…và thỉnh thoảng tôi vội vã trở về ăn một bữa cơm với Mẹ.

Ngày hôm qua, trời gần như làm mưa suốt. Có đôi lúc, ông trời dường như dừng lại lấy hơi, nắng được thể lóe lên một chút hi vọng nhưng sau đó lại tiếp tục đổ mưa.

Mưa Sài Gòn. Nguồn: Linhtn
Mưa Sài Gòn. Nguồn: Linhtn

Hôm nay, từ đầu giờ khuya đã có những cơn mưa nhỏ. Đến sáng mây đen vần vũ và trời đổ mưa nặng hạt hơn. Gió quần thảo lúc thì trên cao lúc dưới thấp, bầu trời xám xịt. Ngay cả mấy con chim sẻ nâu trên mái nhà thường ngày ríu rít là thế mà hôm nay im bặt như thể có con mèo to đang rình mò trước tổ.

Nhớ nhà. Nhớ những ngày mưa Đà Nẵng. Nhớ cả những cơn bão biển. Những cơn bão biển ở quê tôi thật khủng khiếp, chúng thường xuyên xuất hiện vào quãng tháng này trong năm cho đến ra giêng. Khi những cơn bão đến, gió lốc kèm mưa to và sấm giật đùng đùng kéo đổ tất cả những gì có thể kéo đổ. Chỉ những gì bám chặt vào lòng đất mới có thể tồn tại qua cơn bão: những ngôi nhà xây kiên cố với móng vững chãi, những cái cây có bộ rễ khỏe đâm sâu vào lòng đất, những cái cột được trồng kỹ vài mét…Những móng nhà làm qua loa, những cây to nhưng có bộ rễ mặt…đều gẫy đổ, hư hại. Đất mẹ đã luôn ôm những đứa con của mình vào lòng và che chở cho tất cả.

Tạp chí Văn 1974
Tạp chí Văn 1974

Gần đây tôi thích đọc Võ Phiến. Những bút ký, tản văn, tiểu luận, phê bình…thể loại nào cũng làm tôi mê đắm. Thật lòng, tôi muốn nhìn được như Võ Phiến, muốn được nghe như Võ Phiến, muốn được cảm như Võ Phiến và muốn được viết như Võ Phiến. Nhưng cảm giác như Võ Phiến đã không còn là Võ Phiến kể từ khi ông rời Việt Nam. Vẫn con người đó, vẫn giọng văn đó nhưng Võ Phiến trước và sau khi rời quê hương như thể hai con người khác nhau, càng về sau này Võ Phiến càng hụt hơi và đuối dần. Lẽ dĩ nhiên, Võ Phiến ngày càng nhiều tuổi nhưng tôi không có ý rằng vì sức khỏe mà ông càng ngày càng đuối sức. Ngay cả trong những thể loại mang nặng tính lý trí và logic như phê bình, tiểu luận tôi vẫn nhìn thấy ngọn lửa bùng cháy trong lời văn và lối diễn đạt rất Võ Phiến. Thật rất khó để diễn đạt cụ thể nhưng ngọn lửa sau này cháy trong Võ Phiến. Nó cứ như thứ lửa đốt bằng gas hoặc bằng một thứ nguyên liệu nào đấy rất lạ lẫm chứ không phải bằng thứ than củi nóng ấm được làm từ cây rừng non nước Bình Định. Cá nhân tôi vẫn thèm thứ than củi nóng ấm ấy hơn thứ lửa đỏ rực đốt bằng gas kia.

Làng rượu Bàu Đá ở An Nhơn. Nguồn: svhttdl.binhdinh.gov.vn/
Làng rượu Bầu Đá ở An Nhơn. Nguồn: svhttdl.binhdinh.gov.vn/

Ở Bình Định có một thứ rượu rất nổi tiếng: rượu Bầu Đá. Rượu hoàn toàn được chưng cất bằng phương pháp thủ công nên có hương vị đặc biệt. Bây giờ, tiếng tăm của rượu Bầu Đá đã lan rộng trong cả nước và cả ngoài nước, đã in dấu trong thơ ca, nhạc họa, đã xuất hiện trong giai thoại làng văn nghệ, đã trở thành sự nhắc nhở thân tình của bạn hữu mỗi khi gặp một người Bình Định ghé ra tỉnh ngoài: “Có mang Bầu Đá không?” Bây giờ tôi thấy người ta bày bán ở các cửa hàng loại rượu Bầu Đá với dạng chai thủy tinh chữ nhật, bầu sứ giả cổ… có nhãn hiệu in ấn khá bắt mắt nhưng chắc rằng đó không phải loại rượu mà Võ Phiến đã từng uống để thấm đẫm hơi rượu Bầu Đá trong từng câu chữ của ông thời trước. Đùa vui. Tôi không tưởng tượng được sẽ thế nào nếu bắt cóc Sơn Nam và sau đó đem thả vào rừng rậm Amazon vài tháng vài năm rồi bảo ông viết về những cánh rừng nhiệt đới đấy. Hẳn nhiên ông cũng sẽ viết được, viết hay nhưng tôi không chắc lắm việc ông kể về rừng Amazon hay hơn người thổ dân ở đất. Không. Tôi thích nghe Sơn Nam kể về đất rừng Phương Nam, về miệt U Minh, về đất về người ở đấy hơn. Cây cam Vinh mọc ở Vinh thì trái vừa ngọt lại vừa đẹp màu sắc. Cây cam Vinh mà đem trồng trên đất cù lao miền Hậu Giang thì sao nhỉ? Tôi thật không sao biết được.

Hội An. Nguồn: whitejadetravel.com
Hội An. Nguồn: whitejadetravel.com

Tôi sống ở Sài Gòn. Mà Sài Gòn cách Đà Nẵng non ngàn cây số. Mẹ tôi thì đang ở Đà Nẵng. Có đôi khi, buổi sáng tôi vội vã quay về, ăn một bữa cơm với Mẹ và tối hôm lại quay trở về Sài Gòn. Tôi đã lớn, lớn như cái cây sao cây dầu mà người ta thường trồng trên đường phố Sài Gòn. Thân tôi đen nhám xù xì và tán tôi thì rộng để có thể che chở cho con tôi. Nhưng tôi vẫn luôn sợ hãi khi nhìn xuống bộ rễ của mình, những cái rễ có vẻ to khỏe nổi trên mặt đất, chúng không thật sự bám chặt vào lòng đất mẹ. Ở miền Nam hầu như không có bão. Nhưng một cái cây vốn sinh trưởng từ miền Trung vẫn luôn nhìn xuống gốc rễ của mình…và thỉnh thoảng tôi vội vã trở về ăn một bữa cơm với Mẹ.

Sài Gòn, 22/09/2013


Nguồn: Đất mẹ. Đặng Ngữ, Blog Freeborn Vietnamese, 22/9/2013.