Khổng và Cộng (Kết)

Sơn Diệu Mai

congsanvnChỉ có điều, nếu họ muốn làm người Việt Nam, họ muốn chống Tàu thì họ phải ném lá cờ đỏ sao vàng đi mà sáng tạo ra một lá cờ khác, mầu sắc khắc, hình tượng khác.

Trong một bối cảnh xã hội tối tăm, man rợ, dân đen bị đầy đoạ như thế, mớ Lễ Nhạc mà ông Thánh Khổng rao giảng chỉ là trò phù phiếm làm đẹp lòng một số vương tôn công tử, những kẻ sống trong lâu đài và không hề nhìn ngó nỗi thống khổ của nhân dân.

Đặc điểm thứ hai trong lý thuyết trị nước của Khổng Khâu là nó tạo nên một hệ thống thứ bậc bất di bất dịch trong xã hội, cái hệ thống đó ấn định quyền cho một thiểu số và gạt những kẻ còn lại vào lề đường. Hãy nghe Nguyễn Hiến Lê viết về thần tượng của ông ta:

“Ông (tức Khổng Khâu) tự cho mình trách nhiệm khuyến cáo các vua chúa diệt bọn nghịch thần của bất cứ nước nào. Ông muốn Ai công đóng vai thiên tử nhà Chu, hoặc ít nhất là vai Tề hoàn công, mượn danh nghĩa thiên tử, mà lập lại trật tự xã hội, duy trì chế độ phong kiến.

Thí quân là tội lớn, ông không tha. Ngay đến việc tiếm lễ, dùng một điệu vũ trái phép, ông cũng không chịu được. Chẳng hạn đầu đời Chu đã quy định: thiên tử dùng vũ “bát dật” tám hàng, mỗi hàng tám người múa hát; chư hầu thì “lục dật”, sáu hàng, mỗi hàng sáu người ; đại phu thì “tứ dật”, bốn hàng, mỗi hàng bốn người ; sĩ thì “nhị dật”, hai hàng, mỗi hàng hai người. Quý Tôn Hoàn tử chỉ là một đại phu nước Lỗ, chỉ được vùng vũ “tứ dật” mà đã vùng vũ “bát dật” trong đại sảnh nhà ông ta, như vậy là tiếm lễ, tự cho mình ngang hàng với thiên tử, trên cả vua Lỗ nữa. Cho nên Khổng Tử bất bình, mắng: Việc đó mà nhẫn tâm làm được thì việc gì làm không nhẫn tâm làm được? Thị khả nhẫn dã, thục bất khả nhẫn dã?”

(Khổng Tử – Nguyễn hiến Lê, trang 143)

Đọc đoạn trên ta thấy Khổng Khâu quả là kẻ đầy tham vọng, cái việc ông ta muốn làm còn thị uy, áp đặt, ngược ngạo một trăm lần hơn cái việc mà mấy thập kỷ vừa qua, người ta lên án: “Mỹ, tên sen đầm quốc tế”. Còn trật tự thứ bậc về các loại lễ tám, lục, tứ với nhị dật kia rõ ràng là một sơ đồ biểu trưng cho một xã hội đóng kín, khép chặt, một xã hội xác ướp với mớ áo thêu rồng thêu phượng của nó.

Mẫu mực của Khổng Tử. Nguồn: personal.psu.edu
Mẫu mực của Khổng Tử. Nguồn: personal.psu.edu

Vua chúa Việt Nam, vì cắm đầu tuân thủ luật lệ của triều đình phương bắc nên họ chỉ có thể tạo nên cái cảnh tượng u ám sau đây:

“… Tình thế trong nước như đã nói trên, công nghệ không có, buôn bán không ra gì, trừ việc cấy cầy làm ruộng ra thì người nghèo đói không có nghề nghiệp gì mà làm ăn cả, cho nên thuở ấy tuy một tiền được bốn bát gạo, mà vẫn có người chết đói, vì rằng giá gạo thì rẻ, nhưng kiếm được đồng tiền thật là khó.
….Nhà cửa phần nhiều là nhà tranh nhà lá, ít khi có nhà ngói nhà gạch. Kiểu nhà làm cũng phải theo kiểu thường mà làm, chứ không được làm nhà lầu và làm nhà theo kiểu chữ Công, hay kiểu chữ Môn. Ai làm nhà cửa không đúng phép, thì cho là lộng hành, phải tội.

Cách ăn mặc thì chỉ có đồ vải đồ nâu, người nghèo khổ chỉ có manh áo cánh và thường thì đóng cái khố, có đi đâu mới mặc cái quần vải dài đến đầu gối. Người sung túc mới có vài cái áo nâu đen và vài cái quần hoặc nhuộm nâu hoặc để trắng, chứ không được mặc đồ gấm vóc và đi giày. Nhà vua cấm như thế, là cũng có ý muốn cho dân không quen thói xa hoa hoang phí, chỉ trừ những người làm quan làm tư mới có cái đặc ân được ăn mặc hơn người. Cũng vì thế cho nên người trong nước ai cũng mong được làm quan cho hiển đạt cái thân hình và cho rỡ ràng mẹ cha, chứ không lo nghĩ làm việc gì khác nữa. Hễ ai đi học mà vì lẽ gì thi không đỗ, làm quan không được, thì bức chí quay ra làm giặc để tìm cách hiển vinh, thành ra trong nước hay có giặc giã…”

(Việt Nam sử lược – Trần trọng Kim, tập 2, trang 251-252 – Nhà xuất bản Sống mới – P.O. Box 2744, năm 1978)

Đến đây, tôi chợt nhớ lại những năm cuối thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80, mấy ông cộng sản Hà Nội cấm thanh niên mặc quần ống loe, ống hẹp, để tóc dài. Thi thoảng lại có một chiến dịch “truy quét văn hoá đồi truỵ”, công an lẫn dân phòng huy động xe cộ chắn hai đầu phố, dồn dân chúng vào trong, đoạn lấy kéo cắt nát ống quần của những ai ngoài tiêu chuẩn cộng sản, tức không loe, không tuýp, rồi cắt cụt tóc ai không để kiểu lành mạnh tức là vượt ra ngoài kiểu Móng lừa, Lá đa. Đám thanh niên bị săn đuổi và hành nhục như tội phạm. Dân chúng đứng ngoài xem, mắt lấm lét, mồm câm như hến. Còn về sự ăn uống thì dân chúng buộc phải ăn gạo mục, sắn thối, trong lúc quan lại được mua thực phẩm ở các cửa hàng đặc biệt: Tôn Đản và Nhà thờ.

Hồi đó có câu ca này:

“Tôn Đản là chợ vua quan
Nhà thờ là chợ trung gian nịnh thần
Đồng xuân chợ của thương nhân
Vỉa hè chợ của nhân dân anh hùng”

Vậy thì, từ thứ Lễ Nhạc Bát, Lục, Tứ, Nhị dật của Khổng Khâu, đến luật lệ cấm dân làm nhà kiểu chữ Công và chữ Môn, cấm dân mặc áo gấm đi giầy của vua Tự Đức, tiếp đó lại đến thứ bậc: Chợ Tôn Đản, chợ Nhà thờ, chợ Đồng Xuân, chợ vỉa hè của nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội phải chăng là những lưỡi cầy được đúc từ cùng một khuôn, là các thứ lọ được nung trong cùng một lò gốm?

Đọc lại và ngẫm lại mới thấy cả một hệ thống xã hội mấy ngàn năm dưới “ánh sáng Khổng Tử” là một thứ xã hội giả trá, bất nhân, bất công, một thứ nhà tù vô hình cùm trói hàng trăm triệu con người dưới một thứ quyền năng vừa tàn bạo vừa mê hoặc. Nguyên lý của đạo Khổng là thế này:
“Không ở chức vụ nào thì đừng mưu tính việc của chức vụ đó – Bất tại kì vị, bất mưu kì chính”
Ai giữ phận nấy, cứ theo đúng tổ chức xã hội rất chặt chẽ, rất tôn ti của Chu công. Việc quốc gia là của bậc đại phu, dân chúng không được quyền nhòm ngó. Thế nên, Trung hoa là nước đầu tiên trên hành tinh phát hiện ra thuốc súng nhưng đến triều bà Từ Hi thì phải dùng đến đội Nghĩa Hoà Đoàn, vẽ mặt vẽ mày như muốn hù ma doạ quỷ, cổ đeo bùa yểm hòng chống lại súng đạn của lính Anh. Súng Anh bắn chết hàng loạt như ngả rạ, bùa không thiêng mà vẽ mặt cũng chẳng che chắn được tử thần. Lúc đó mới khom lưng quỳ gối cắt đất nhượng. Rồi sau đó, các bậc quân tử của thánh Khổng đành cúi đầu đi qua những tấm biển đề “Cấm người Trung hoa và chó”, giả vờ như không biết chữ. Còn ở Việt Nam, người dân Nam bộ hàng ngàn năm nay không biết đến chữ đói, phải chờ triều đình cộng sản vào thống trị mới hiểu nổi cái Đói là gì (thú nhận của Trần văn Giàu). Sự thật ấy hẳn không ai dám chối.

Vì sao có nông nỗi ấy?

Dễ hiểu thôi. Vì vua chúa mà được áp đặt, được truyền ngôi theo dòng giống, theo bè đảng, hoặc theo tiền bạc thì tuyệt đại đa số là quân ngu dốt, tham lam và tàn bạo.

Bây giờ, ta có thể khẳng định là xã hội cộng sản là xã hội phong kiến được tô điểm lại và căn để dựa trên hình thức tập quyền, quân chủ. Trước năm 1917 nước Nga là nước còn duy trì chế độ nông nô. Trước năm 1949, Trung quốc là xứ sở của đạo Khổng và các đại biểu của lớp tư sản dân tộc non yểu như Tôn trung Sơn, Tưởng giới Thạch đều nhanh chóng bị Mao trạch Đông nuốt chửng. Tương tự như thế, ở Việt Nam đảng cộng sản đánh bại Quốc Dân Đảng lẫn Đại Việt. Như thế, phải có một mối liên hệ hữu cơ giữa thể chế phong kiến với thể chế cộng sản. Phải có một lý do nào đó, gọi là cơ duyên cũng được mà gọi là lô-gic cũng xong, để giải thích hiện tượng này.

Mọi cuộc tìm kiếm trên đời đều phải bắt nguồn từ chữ: Tại sao?

Tại sao giữa đám vô số hiền triết Trung hoa, Khổng Tử được tôn là Thánh trong hàng ngàn năm qua? Tôi đã trình bầy phía trên rồi và giờ tôi xin nhắc lại: Vì ông ta là thành luỹ bảo vệ chế đội quân vương, là con chó trung thành giữ cho những kẻ ngồi trên ngai vàng được yên ổn, đưa ông ta lên làm Thánh tức là nêu Đài gương lớn để các thế hệ kẻ sĩ mọi thời đại tiếp tục noi theo, tiếp tục giữ vai trò bầy chó mẫn cán đứng canh trước cửa các cấm thành. Vua chúa không phải những kẻ thiếu óc xét đoán khi sử dụng Khổng Tử. Bởi vì, trong thực tế ông ta đúng là thứ vũ khí vạn năng cho việc duy trì quyền lực. Dưới tất thẩy mọi thứ lý lẽ và hành vi của con người, dù thô sơ hay xảo trá, hãy tìm ra điểm Khởi thuỷ và điểm Tận cùng: QUYỀN LỢI.

Cũng như vậy, chỉ có QUYỀN LỢI là động lực duy nhất cho tất thảy mọi cuộc vận động xã hội cũng như các cuộc cách mạng, từ cổ chí kim. Với chế độ phong kiến, Khổng Tử quả là hạt kim cương, là món quà vô giá cho đám vua chúa.

Bây giờ, để hiểu rõ thêm nhân cách của Khổng Khâu, chúng ta hãy lẩy lên vài nét trong sách Luận Ngữ (Thiên Hương đảng) phác hoạ chân dung của ông ta:

“…Khi lên xe thì đứng ngay ngắn rồi mới nắm sợi dây để bước lên, ngồi xe thì không quay đầu lại, không nói nhanh, không chỉ trỏ (bài 17) ; ở triều đình, khi rảo bước tiến lên thì hai tay đưa thẳng ra như cánh chim (bài 3, 4) theo Tư Mã Thiên thì ngay thời Khổng Tử, các đại phu nước Tề cũng đã chê thói đưa cánh tay ra như chim đó rồi.
Ở triều đình, cung kính thái quá, có vẻ như giả dối. Khi vua lâm triều, thì ông cung kính, có vẻ không yên tâm (bài 2). Đi ngang ngai vua, dù ngai trống, ông biến sắc, chân bước run run, nói như chẳng ra lời (bài 4) ; khi đi sứ nước ngoài, cầm thẻ ngọc Khuê thì ông khom khom như bưng chẳng nổi (…) ông biến sắc như sợ sệt, chân ren rén bước từng bước như noi theo một vật gì (bài 5)…”

(Khổng Tử – Nguyễn Hiến Lê, trang 99)

Ở trang trước đó , 98, tác giả Nguyễn Hiến Lê có một nhận xét: nhiều người không thích thiên đó vì thấy Khổng Tử: khó tính, kỳ cục…

Tôi cho rằng ông Nguyễn Hiến Lê cố tình nói chệch đi: Người ta không thích Thiên Hương đảng trong cuốn Luận ngữ bởi họ nhục. Không phải nhục ít mà nhục nhiều. Nhục một cách đau đớn. Nhục một cách ray rứt. Đức thánh Khổng của họ ở chương này hiện nguyên hình là kẻ tôi tớ của bọn vua chúa, tôi tớ một cách chân tình, tôi tớ một cách tự nguyện, một cách cốt tuỷ, một cách sung sướng, cho đến nỗi đi qua ngai vua trống mà mặt cũng biến sắc, chân bước run run, miệng nói chẳng ra lời… Trước biểu trưng của quyền lực, Khổng Khâu là kẻ không có xương sống. Nói cách khác, ông ta có phẩm chất loài nhuyễn thể. Khốn khổ thay cho ông Thánh, kẻ đã đẻ ra thuyết Quân tử xét cho cùng lại là con người hoàn toàn trái ngược với hình tượng mà ông ta cố sức dựng xây. Nhưng khốn khổ hơn nữa là, hàng triệu sĩ tử từ phương bắc xuống phương Nam đều cúi đầu, khom lưng trước một kẻ hèn hạ như thế, coi ông ta là thần tượng của mình. Bấy lâu nay họ đinh ninh đó là bậc Quân tử, hiển hiện trong hào quang chói loà mà vầng hào quang này được thắp sáng từ những đời xa xưa, từ cha, ông , cụ , kị….của họ. Theo thói thường, đại đa số dân chúng định giá sự vật qua con mắt của mẹ cha, ông bà, các bậc tiền bối. Sau nữa, họ bắt chước những người xung quanh. Số người thực sự đủ chữ nghĩa để đọc lý thuyết Khổng Tử không nhiều, và số người sau khi đọc dám phân tích, suy nghĩ, định giá lại càng ít hơn nữa. Vì lý do ấy, một khi ông Thánh Khổng được truyền tụng đồn thổi do dư luận, được vái vọng từ xa, ông ta còn nguyên là ông Thánh, nói cách khác một nhân vật được huyền thoại hoá. Giờ, đọc Thiên hương đảng, là cơ hội mà những con nhang đệ tử chuyên vái vọng ông ta từ xa có cơ hội sáp lại gần, có cơ hội kéo những lớp lụa đỏ lụa vàng ngăn cách họ với Vĩ nhân, họ thấy một Khổng Khâu bằng xương bằng thịt, một kẻ có thiên hướng nô lệ bẩm sinh, một kẻ ham hố vinh hoa đến nỗi chỉ cần sáp gần nó, ngửi thấy mùi của nó là đã chao đảo, mất thăng bằng. Thường nhật, Khổng Khâu có thể dùng mọi kỹ thuật của diễn ngôn để che đậy cái phần thâm sâu nhất trong tâm tư mình, nhưng một khi đứng trước ngai vàng, sự xúc động không còn ghìm nén được, lúc ấy, con người thực sự của ông ta bộc lộ ra. Nói theo dân phương Tây thì đó chính là lúc “Chiếc mặt nạ rơi xuống”.

Nếu Khổng Tử là một tên nô lệ tự nguyện phải chăng tất thảy những kẻ thờ phụng ông ta cũng có cùng một cấu trúc tâm lý như vậy: Họ là hạng người không có khát vọng tự do, hơn nữa, họ không có khả năng tồn tại độc lập?

Dường như khó có câu trả lời thứ hai.

Các nhà nho Việt Nam luôn luôn phải núp dưới bóng một thần tượng nào đó để mà sống, để mà hành động, vì bản thân họ không tự tin rằng mình có “chính danh”. Đọc lại sử thì thấy rằng khi triều nhà Lê mục ruỗng ra rồi mà các văn thân vẫn phải giương lá cờ “phò Lê diệt Trịnh”. Khi triều Nguyễn hủ hoá, đồi bại để mất nước vào tay Pháp các văn thân vẫn phải giương cao cờ Cần vương để chống ngoại xâm. Họ không đủ khả năng để hiểu thời đại họ đang sống. Họ cũng không đủ khả năng hiểu chính họ là ai. Bởi vì, họ không đủ khả năng để đứng một cách độc lập như một cá thể. Sĩ phu, cho dù được coi là tầng lớp quý tộc, tinh hoa của xã hội, nhưng họ còn phải đi rất xa, rất lâu mới đến được cái điểm mà người ta họi là trí thức. Chúng ta, với độ lùi của thời gian, cần phải nhìn lại bối cảnh xã hội và tâm lý lớp Sĩ thời đó, nói cách khác, chúng ta cần phải đốt đuốc mà soi lại cái đêm xưa kia tổ tiên chúng ta đã sống để có thể xác định được những duyên cớ xô dạt họ vào sự thất bại.

Xin quý vị đọc lại vài dòng ghi chép của ông Trần trọng Kim:

“Nguyên sự học ngày xưa có cái mục đích chân chính là học cho hiểu đạo lí, biết phải trái, và luyện tập tâm tính cho thành người có tiết tháo và có phẩm cách cao quý, để gặp thời thì ra giúp nước giúp dân, nếu không, thì làm người ngay chính trong xã hội. Sau dần vì cái sự sanh hoạt ở đời, sự học hành thành ra cái học chuyên về mặt cử nghiệp, nghĩa là học chỉ cốt lấy đỗ để ra làm quan…Chương trình sự học cử nghiệp có những gì? Bao nhiêu công phu của người đi học chú trọng vào sự học cho nhớ những sách Tứ Thư, Ngũ Kinh cùng những lời thể – chú của tiền nho trong những sách ấy và học thêm mấy bộ sử nước Tàu. (…) Ấy là dùng hư văn mà xét tài thực dụng, đem sự hoa mỹ làm mực thước đo tài kinh luân. Bởi vậy ai hay kinh nghĩa đã nghĩ mình hơn người, ai tài thơ phú đã tưởng mình giỏi nghề trị nước. Việc đời thì tối tăm mờ mịt mà lại tự phụ và kiêu căng, cho thiên hạ như rơm rác, coi mình như thần thánh.
Sự học của mình đã hư hỏng như thế, những hủ tục lại ăn sâu vào trí não, thành ra một thứ cố tật không sao sửa chữa được…Cho nên, trong khi người ta tiến thì ta thoái, người ta thịnh thì ta suy…
Bọn sĩ phu là người có học, làm tai mắt cho mọi người mà còn kém cỏi như thế, thì bảo dân gian khôn ngoan làm sao được?

(Việt Nam lược sử – Trần trọng Kim, tập 2; trang 250, 251 – Nhà xuất bản Sống mới P.O. Box 2744, in năm 1978)

Đây nữa, ông Trần trọng Kim bàn về triều đình nhà Nguyễn:

“Đình thần là các quan ở trong triều giúp vua để lo việc nước. Nhưng lúc bấy giờ tình thế đã nguy ngập lắm, vì từ đầu thập-cửu thế kỉ trở đi, sự sinh hoạt và học thuật của thiên hạ đã tiến bộ nhiều mà sự cạnh tranh của các nước cũng kịch liệt hơn trước. Thế mà những người giữ cái trách nhiệm chính trị nước mình, chỉ chăm việc văn chương, khéo nghề nghiên bút, bàn đến quốc sự thì phi Nghiêu Thuấn lại Hạ, Thương, Chu, việc mấy ngàn năm trước cứ đem làm gương cho thời hiện tại, rồi cứ nghễu nghện tự xưng mình hơn người, cho thiên hạ là dã man…
Thành ra, người không biết thì cứ một niềm tự đắc, người biết thì phải làm câm làm điếc, không thở ra với ai được, phải ngồi khoanh tay mà chịu…”

(Việt Nam sử lược- Trần trọng Kim, tập 2; trang 239)

Ở đoạn này, ông Trần trọng Kim nói đến: “người biết thì phải làm câm làm điếc”, ấy là muốn nhắc đến nhóm cải cách, gồm các ông Nguyễn trường Tộ, Đinh văn Điền, Nguyễn Hiệp, Lê Đĩnh, Phan Liêm… Nhóm cải cách này có thể ví như những bộ óc duy nhất còn có ánh sáng vào thời điểm ấy, nhưng họ ở giữa một tầng lớp quan lại ngu dốt tăm tối như thế nên không thể nào cựa quạy được. Đó là luật “chuyên chế của số đông”.

Ông Trần trọng Kim thở than: Âu cũng là vận nước.

Tôi cho rằng: Cái vận nước tối tăm này nó có cỗi rễ ở căn bệnh Khổng Nho hoặc nói nôm na căn bệnh Ngửi rắm Tầu.

Khổng Khâu cứ mở mồm là gọi các tộc dân khác là man di. Triều đình Trung hoa gọi các nước chư hầu là chó mèo, chồn cáo, sâu bọ. Họ chính thức dùng chữ chó để gọi người Việt. Vậy mà, đến lượt đám quan lại Việt lại học theo ông chủ của mình gọi dân Tây dương là bọn man di, man di vì không viết chữ Hán, man di vì không biết quỳ gối, khom lưng, ôm chân vua để lạy theo kiểu Tàu, man di vì không biết Nghiêu Thuấn với Ngũ hoàng là cái chi chi…

Thật hài hước.

Kẻ ở trong hang thì không biết mình ở trong hang vì không bao giờ nhìn thấy ánh mặt trời. Đám quan lại triều Nguyễn cố tình quên đi rằng chính họ bị triều đình phương bắc coi là man di để có thể tiếp tục yên trí mà ôm chân chúng. Để các bạn đọc trẻ hiểu rõ ngày xưa triều đình Trung quốc khinh bỉ vua chúa Việt Nam ra sao, tôi xin đưa ra một dẫn chứng:

Thế kỷ XVIII, nước ta có ông quan nổi tiếng về tài chữ nghĩa đến mức được liệt danh là bác học, nhưng ông ta cũng nổi tiếng không kém về thói tham nhũng, nên lời bình phẩm của hậu thế cũng rậm rạp, đa chiều. Đó là ông Lê Quý Đôn.

Sách Vân Đài loại ngữ viết như sau (trang 8, 9):

“Năm Cảnh hưng thứ 21(1760) Thái thượng hoàng Lê Ý Tôn mất, Lê Quý Đôn được cử cùng Trần huy Mật cầm đầu sứ bộ sang báo tang cùng vua nhà Mãn Thanh. Tại triều đình Mãn Thanh, Lê Quý Đôn được nhiều bậc đại thần và danh nho phải kính phục về tài học uyên bác, và văn chương lỗi lạc của ông. Nhưng chuyến đi này có điều đáng kể hơn hết là khi trở về đến Quế lâm, ông đã viết thư cho viên quan đầu tỉnh Quảng tây, phản đối việc Thanh triều đã dùng chữ Di quan Di mục để gọi sứ bộ ta trên những văn thư của họ. Trước sự phản đối của Lê Quý Đôn, viên Bố chánh Quảng tây là Diệp Tồn Nhân phải chịu là đúng và làm sớ tâu lên triều đình. Thanh triều cũng phải chấp nhận đề nghị, thông sức cho các địa phương Trung quốc, khi nói về sứ bộ ta thì phải dùng bốn chữ: Sứ bộ An nam.”

Như thế, trước năm 1760, tất thảy những đoàn đi sứ của Việt Nam đều phải nhẫn nhục chấp nhận thân phận Di quan, Di mục. Và việc làm của Lê Quý Đôn ngày ấy đã được coi là một chiến công hiển hách lắm rồi.

Bây giờ, trở lại thời điểm nước ta rơi vào tay thực dân Pháp, bởi ở thời điểm ấy, ta nhìn rõ hơn bao giờ hết căn bệnh mãn tính của xã hội Việt Nam. Ông Trần trọng Kim khi viết cuốn Việt Nam lược sử đã tự xưng danh là Lệ thần. Điều ấy có nghĩa ông tự xác nhận là mình ở trong cái Lò nhà Nguyễn. Cho nên, phải xem những dòng chữ trong cuốn sách ấy là bằng chứng về nỗi đau đớn và sự thú nhận những dầy vò, nhục nhã của ông:

“…Xưa nay ta vẫn công nhận nước Tàu là thượng quốc và vẫn phải lệ triều cống. Hễ khi nào trong nước có việc biến loạn thì vẫn trông mong nước Tàu sang cứu. Không ngờ từ thế kỷ XIX trở đi, thế lực các nước bên Âu tây mạnh lên, người phương Tây đi lược địa rất nhiều, mà tình thế nước Tàu thì rất là suy nhược…

Lúc ấy nước Tàu chẳng khác cái nhà hẩm nát sắp đổ, mà ta vẫn không tỉnh ngộ, cứ mê mộng là nước ấy còn cường thịnh, có thể giúp ta được trong cơn nguy hiểm. Bởi vậy khi quân Pháp đã lấy Bắc kỳ rồi, người mình còn trông cậy ở quân cứu viện của Tàu. Phương ngôn ta có câu rằng: Chết đuối vớ phải bọt, thật là đúng lắm. Nếu người Tàu có đủ thế lực cứu được ta, thì trước hết họ hãy cứu lấy họ đã. Nhưng lúc bấy giờ từ vua quan cho chí bọn sĩ phu trong nước ta, ai là người hiểu rõ cái tình thế ấy? Cho nên không những là ta không chịu cải cách chính thể của ta cho hợp thời mà lại còn làm những điều ngang ngạnh để cho chóng hỏng việc. Ấy cũng là cái vận nước chẳng may, song những người đương lộ lúc ấy cũng không sao tránh được cái lỗi của mình vậy.
(…)
Triều đình ta bấy giờ nghĩ nước Pháp cố ý chiếm đoạt, và lại tưởng rằng nước Tàu có thể bênh vực được mình, cho nên mới sai ông Phạm Thận Duật sang Thiên Tân cầu cứu…

Tuy vậy, không những là Tàu không cứu được mình mà lại còn muốn nhân dịp để mượn tiếng sang lấy nước mình. Xem như khi thành Hà Nội thất thủ, quan tổng đốc Lưỡng Quảng là Trương Thụ Thanh làm mật sớ tâu về với vua Thanh, đại lược nói rằng: Nước Nam và nước Tàu tiếp giáp với nhau mà thế lực nước Nam thật suy hèn, không có thể tự chủ được nữa, vậy ta nên mượn tiếng sang đánh giặc mà đóng giữ các tỉnh ở thượng du. Đợi khi có biến thì ta chiếm lấy những tỉnh ở phía bắc sông Hồng Hà. Bởi vậy triều đình nhà Thanh mới sai Tạ kinh Bưu, Đường cảnh Tùng đem quân sang đóng ở Bắc ninh và ở Sơn tây, sau lại sai quan bố chính Quảng tây là Từ diên Húc đem quân sang tiếp ứng”.

(Việt Nam lược sử – Trần trọng Kim, tập 2 ; trang 292 , 293, 299)

Đến đây, tôi nghĩ cũng tạm đủ để độc giả nhìn lại thời mạt của triều Nguyễn. Nếu so sánh với ngày nay, quý vị sẽ thấy rất nhiều yếu tố tương đồng. Chỉ có điều khác biệt là giờ đây, không phải nòng đại bác của bọn man di Tây dương áp vào bờ biển nước ta, mà là họng súng của chính Thiên triều. Ván cờ đã đổi. Nhưng óc nô lệ, sự ngu muội của triều đình cộng sản thì lặp lại nguyên xi trạng thái của triều đình Tự Đức năm xưa. Một bộ máy tê liệt vì hai lý do: Thói quen tôi đòi, theo đuôi và Tệ tham nhũng. Phải nhắc lại rằng người cộng sản Việt Nam không rơi từ trên trời xuống, họ là một bộ phận của dân tộc Việt, họ mang đầy đủ các phẩm tính tích cực cũng như tiêu cực của dân tộc ấy. Não trạng của họ giờ đây chẳng qua cũng là sự nối dài não trạng của đám quan triều đình nhà Nguyễn năm xưa. Như tôi đã nói, lịch sử vốn dai dẳng hơn chúng ta vẫn tưởng. Và thói quen là bản tính thứ hai của con người. Sống trong bóng tối u mê hàng ngàn năm tạo thành một nhịp sinh tồn, một điệu suy tư, một dòng cảm hứng mà con người không tự nhận thức được. Một thứ goût được hình thành, vĩnh định. Vì thế, sự ra đời của lá cờ đỏ sao vàng là kết tinh của ngần ấy yếu tố, một minh chứng hiển nhiên cho thói quen ngàn năm nô lệ trước bắc phương. Nếu như trước đây, không thiếu người theo quốc gia (Quốc Dân Đảng và Đại Việt ) than khóc vì sự thắng lợi của cộng sản trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thì giờ đây, ắt không thiếu người cộng sản run rẩy vì lo sợ cho tương lai. Đường lối chính trị của đảng đặt họ vào sự giằng giật, phân tranh giữa Một người Việt Nam yêu nước, muốn duy trì nền độc lập với Một người cộng sản phương nam, lệ thuộc đám cộng sản phương bắc. Nếu họ chấp nhận đường lối này, ắt họ phải chịu thân phận hai lần nô lệ (double de l’esclavage). Xưa kia, họ ngẩng cao đầu vì chiến thắng, giờ đây, họ phải cắm mặt nhìn xuống đất vì chấp nhận sự nhục nhã. Không có gì lạ, xưa nay dòng đời vốn chảy trôi như thế:

“Hoạ là chỗ núp của phúc, phúc là nơi sinh ra hoạ.”

Hơn hai ngàn năm trước Lão tử đã nói rồi. Năm 1945, sự thắng lợi của người cộng sản trên đấu trường lịch sử là không tránh được vì mảnh đất này âm u hồn ma của Khổng Khâu. Chế độ dân chủ không thể đặt chân vào nơi mà con chó giữ cấm thành cho chế độ quân vương vẫn ngồi chồm chỗm. Nhưng từ 1945 đến nay, 68 năm đã trôi qua. Hoa đã rữa, nhị đã tàn. Những người cộng sản thôi là chim phượng hoàng mà chỉ còn là bầy qụa. Cái xã hội chủ nghĩa mà họ xây dựng về bản chất đâu có khác gì khuôn mẫu Chu công. Độc giả chỉ cần so sánh hình ảnh này thôi: Tứ Thư , Ngũ Kinh đã biến thành Sách đỏ của Mao trạch Đông, người cầm lái vĩ đại. Ở Trung quốc, thứ sách ấy được tụng hơn kinh thánh. Ở Việt Nam thì nó là thứ Văn hoá vô sản mà ông Tố Hữu gần như là kẻ độc nhất chiếm diễn đàn, bên cạnh “nhà thơ Hồ chí Minh” trong mấy thập kỷ liền. Để lặp lại hành vi của Tần Thuỷ Hoàng, đã có ông Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ và bộ trưởng bộ văn hoá, ra lệnh đốt sách (xin lỗi, tôi không còn nhớ rõ năm tháng). Và, để hoàn thiện cái phần so sánh này, tôi xin nhắc độc giả về sự việc vào khoảng năm 2011-2012, khi đảng cộng sản vờ vĩnh kêu gọi dân góp ý để sửa sang luật, một nhà báo nào đó yêu cầu thay đổi chính sách độc đảng, liền lập tức bị ông Nguyễn Phú Trọng mắng rằng:

“Không còn đạo đức nữa hay sao mà dám chủ trương đa đảng?”

Sau đó, ông ta hạ lệnh đuổi việc nhà báo trên, tức là bóp dạ dày thay vì cắt mũi.

Cái sự kiện này khiến tôi cười phá lên vì chợt nhớ đến đoạn Khổng Khâu mắng Quý Tôn Hoàn tử khi đã dám dùng vũ bát dật tại gia sảnh là kẻ Nhẫn tâm. Hai nghìn năm trăm năm đã trôi qua mà óc con người vẫn thế thôi, Khổng Tử quả là con vi trùng dai dẳng nhất, sức đề kháng lớn nhất ở xã hội Á Đông. Đó là loại vi trùng gây bệnh nhũn não. Không phải Mác hay Lê mà chính ông ta mới là vị thầy đích thực của những người cộng sản Việt Nam, cũng như trước kia, ông ta đã từng là thần tượng dài lâu cho các nhà Nho, lớp Sĩ của nước Việt.
Tuy nhiên, thời đại đã thay đổi.

Thanh niên Việt Nam bây giờ không còn muốn người ta ra lệnh cho họ chỉ được dùng vũ hai dật hay bốn dật nữa. Họ thích gì họ nhẩy kiểu nấy. Chỉ có điều, nếu họ muốn làm người Việt Nam, họ muốn chống Tàu thì họ phải ném lá cờ đỏ sao vàng đi mà sáng tạo ra một lá cờ khác, mầu sắc khắc, hình tượng khác.

Người ta không thể cam kết làm thân phận nô lệ khi đã có khát vọng dân chủ và tự do.

© 2013 DCVOnline