Tìm sự mở đầu bằng hai kết thúc (I)

Sơn Diệu Mai

lingerie-dog-paris-lr“Không chỉ riêng đảng Việt Tân, tôi còn từ chối tiếp xúc với các thứ đảng dân chủ khác lập ngoài biên giới cũng như mấy ông cách mạng sa-lông như Nguyễn Gia Kiểng và Nguyễn Ngọc Giao.” – Dương Thu Hương.

Sau khi anh Khương đăng loạt bài “Bàn về những lá cờ và bóng ma phía sau” một người bạn từ ba chục năm nay không gặp bỗng nhiên điện thoại cho tôi. Tôi ngỡ ngàng đến nỗi cứ à ới vớ vẩn hồi lâu, chẳng biết là đang nói với ai và vì sao họ lại có số điện thoại của mình. Chừng như biết ý, anh ta xưng danh:

– Tôi Quang đây, tôi xin cô Hạnh số điện thoại của cậu.

– A, ra anh; tôi đáp. Giọng anh thay đổi nhiều quá nên tôi không nhận ra. Anh ta nói:

– Tôi muốn xin cậu số điện thoại của Khương. Không ngờ cái gã bảnh trai cù lần ấy bỗng nhiên viết được một loạt bài xuất sắc. Tôi bức xúc quá, muốn gặp cậu ta để bắt tay khen ngợi.

Cái giọng kẻ cả ấy khiến tôi khó chịu, tuy nhiên, lại nghĩ anh ta là hàng xóm của cô Hạnh em gái tôi nên tôi dằn lòng đáp:

– Vợ chồng Khương đi nghỉ hè, bao giờ họ về tôi sẽ hỏi.

– Bao giờ họ về?

– Tôi không rõ, ít nhất là một tháng nữa.

– Ồ, chán thật; tôi nghe anh ta thở dài thất vọng rồi đột nhiên lên tiếng: Này Hồng, cậu đã đọc mấy bài báo của Khương chưa?

– Đọc rồi.

– Cậu nghĩ sao?

– Tôi nghĩ là đúng.

– Tuyệt vời; anh ta cất tiếng khen và quay lại trách móc tôi: Tại sao cậu lại kiệm lời như vậy? Không phải đúng mà là tuyệt vời, tuyệt vời, nghe rõ chưa? Đánh trúng lắm.

– Tôi nghĩ là đúng, không hơn không kém. Tôi đáp với vẻ lạnh lùng. Nhưng anh ta dường như không để ý đến thái độ của tôi, vồ vập nói:

– Khương đi vắng thì cậu có thể thay gã mà gặp tôi không? Hai cậu thân nhau lắm mà.

– Rất tiếc, lúc này tôi bận lắm; tôi đáp.

– Mùa nghỉ hè, Paris vắng vẻ mà cậu bận gì đến nỗi không dành nổi vài giờ để tiếp tôi? Quang nói vẻ đay nghiến, và tôi, bỗng nhớ lại “thời chúng ta còn trẻ” cái câu hát của ba mươi năm trước vang vọng khiến tôi quên đi sự khó chịu mà chấp nhận lời đề nghị của anh ta:

– Thôi được, tôi sẽ tiếp anh vào một trưa chủ nhật; tôi nói: Anh muốn ta gặp nhau ở đâu?

– Nhà thờ Đức bà, quán Esmeralda.

Tôi xuýt bật cười nhưng ghìm được. Nhà thờ Đức Bà là điểm du lịch, lúc nào cũng đông nghẹt, muốn nói chuyện mà đến đấy thì quả là vô duyên. Còn quán Esmeralda là mốt của những ai thích suy tưởng ông Hugo, nhưng tìm thú ẩm thực ở quán ấy thì quả là…tỉnh lẻ. Quang đã sống khá nhiều năm ở Paris, vì cớ gì lại chọn quán ấy, tôi không hiểu nhưng cũng chẳng có thời gian đào bới nỗi tò mò nên chấp thuận tức thì và xác định ngày hẹn.

– Cảm ơn, cảm ơn nhiều…

Anh ta nói lời cuối và chúng tôi cùng tắt máy.

Quang, Khương và tôi cùng đến Paris một năm, hơn kém nhau vài tháng. Ngẫu nhiên, chúng tôi cùng học một trường và cùng nội trú nên thường gặp nhau ở quán ăn công cộng. Vì Khương và tôi ở chung phòng nên chúng tôi chia xẻ nhiều thời gian hơn và gắn bó hơn. Quang ở khu nhà khác, cùng với mấy sinh viên Lào và Căm-pu-chia. Thêm nữa, anh ta là một người có cá tính đặc biệt, một gã cực hữu có máu giang hồ, hoặc nói rõ hơn là máu lục lâm, có nghĩa là nếu bạn không vừa ý Quang, anh ta sẵn sàng cho bạn nếm vài cái bạt tai quay cu lơ hoặc mấy quả đấm nổ đom đóm mắt bất cần phải trái. Nếu gặp đối thủ mạnh hơn, anh ta sẵn sàng mang con mắt thâm máu đọng hàng tuần lễ liền, còn nếu gặp những kẻ yếu hơn, anh ta có thể bẻ giò hoặc chặt gẫy cánh tay họ, theo đúng cách “con nhà võ”. Trước khi sang Pháp, nghe nói ở Sài-gòn Quang theo học nhiều năm Karate và đã đạt đến đai nâu. Vì thế, Khương và tôi đều lảng xa anh ta, chúng tôi không thuộc loại có máu võ biền, chúng tôi không dám vác con mắt tím bầm máu đọng nghênh ngang xuống nhà ăn như Quang, bởi trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ vô cùng xấu hổ. Quang hơn Khương và tôi vài tuổi, ngay từ phút đầu gặp mặt, anh ta đã gọi chúng tôi là cậu một cách hiển nhiên cứ như cái khoảng cách vài năm ấy đã san định thứ bậc trên dưới. Thoạt tiên, Khương tức lắm, nhưng tôi bảo anh ấy: “Kệ xác gã. Mỗi người một thói quen. Thói quen của gã là gặp bất cứ đứa con gái nào cũng kêu là em và gặp bất cứ thằng con trai nào cũng gọi là cậu hoặc mày”.

Khương nói, “Đó là thói quen của kẻ trịch thượng. Tôi không chịu.”

Tôi vặn, “Làm gì bây giờ? Phải chăng anh muốn đánh nhau với gã để yêu cầu: anh phải gọi tôi là anh, phải đối xử với tôi một cách bình đẳng? Có phải thực lòng anh muốn thế chăng? Và liệu hành động như thế thì có kết quả không?”

Khương thở dài rồi im lặng. Từ đấy chúng tôi không bàn chuyện cũ. Đương nhiên chúng tôi cũng không bao giờ để cho Quang cơ hội lại gần mình. Đến nhà ăn công cộng, nếu vì lý do nào đấy buộc phải ngồi chung một bàn, chúng tôi tiếp chuyện anh ta với vẻ lịch sự và sau đó nhanh chóng rút lui. Vào những dịp đi dã ngoại, chúng tôi cố gắng thu xếp để ở khác nhóm. Chúng tôi muốn yên thân. Bởi vì, Quang là một trong những kẻ cực hữu ghê gớm nhất tôi bắt gặp. Như tất cả những kẻ cực đoan, anh ta không cho ai được quyền nói khác mình. Dù lẩn tránh, Khương và tôi cũng nhiều lần phải chứng kiến các cuộc ẩu đả giữa Quang với nhóm đối lập. Tôi không quên được gương mặt đầy hăm doạ của anh ta, con mắt tím như sim, khi thì hàm rách, khi thì trán lủng, băng keo cứ thay nhau dính hết chỗ này đến chỗ kia. Tôi cũng không quên dáng điệu “yên hùng” của anh ta khi đi vào hội trường, trưng bầy các vết thương như các hoạ phẩm trong phòng triển lãm.

Sau đại học, tôi kiếm được việc ở Paris còn Quang lấy một người vợ Pháp trước khi tìm được việc. Lấy vợ rồi, anh không gặp bạn bè nữa. Nghe đâu, sau khi sinh đứa con đầu lòng, vợ chồng anh sang Thuỵ sĩ. Khoảng ngót hai chục năm sau, cô em tôi bỗng gặp Quang trên sân chơi khu chung cư nó ở. Thêm nữa, anh ta lại ở cùng một tầng với Hạnh, chung cầu thang. Theo Hạnh thì anh ta sống một mình đã khá lâu. Vợ chồng anh ly hôn vài năm sau khi đến Thuỵ sĩ. Quang nuôi đứa con trai lớn, cô vợ nuôi đứa con gái. Quang cũng đã chuyển nhà nhiều lần trước khi rời đến khu chung cư này và trở thành láng giềng của Hạnh. Đó là một người láng giềng ít thiện cảm. Anh ta không quan hệ với ai, ngoài những lời chào cho phải phép. Gặp Hạnh luôn, nhưng không bao giờ anh ta hỏi thăm tôi một lời. Vì chúng tôi ủng hộ cuộc chiến tranh chống Mỹ nên Quang gọi chúng tôi là bọn theo đuôi Việt Cộng, chúng tôi trở thành kẻ thù của anh ta. Ba mươi năm, không một cuộc gặp, chẳng một tin nhắn hay lời chào hỏi, chứng tỏ giữa Quang và chúng tôi chẳng hề có nhu cầu tiếp xúc. Bây giờ, anh ta gọi điện, hẳn chỉ vì mấy bài báo của Khương. Cô Hạnh cho số điện thoại mà không hỏi ý tôi chắc là do sợ hãi. Bình thường, cô em tôi không dám làm một việc vô lý như thế. Nhưng tôi hiểu rằng ở Thuỵ sĩ đám người Việt sống không nhiều, mọi người đều quen nhau, vì nể nhau. Hơn nữa, với tính kẻ cả, áp đặt, Quang không cho ai quyền từ chối. Thành ra, trong khi đi đến điểm hẹn, tôi vừa có sự tò mò khi gặp lại một nhân vật trong cuốn truyện cũ, vừa có đôi phần ấm ức trước một kẻ tự cho mình cái quyền đứng trên đầu mọi người.

Esmeralda, Paris. Leica M9 with 35mm Summilux Asph at F5.6, 1/710, ISO160. Nguồn: http://blog.yanidel.com/
Esmeralda, Paris. Leica M9 with 35mm Summilux Asph at F5.6, 1/710, ISO160. Nguồn: http://blog.yanidel.com/

Chúng tôi gặp nhau ở quán Esmeralda như Quang đề nghị. Mấy phút đầu không khỏi xao xuyến vì dẫu sao, sự hiện diện của anh cũng nhắc tôi thời sinh viên, những giọt nước mắt nhớ nhà, những bữa cơm buồn tẻ của căng-tin ngày cuối tuần, những đêm Noel trơ trọi mấy thằng tóc đen da vàng trong khu nội trú. Hai chúng tôi đều đã già đi. Tóc tôi đã muối tiêu còn anh ta đã hói.

– Cậu thay đổi nhiều quá; Quang nói.

– Tôi biết; tôi gật đầu.

– Tôi cũng chẳng hơn gì; anh ta nói tiếp và hấp háy đôi mắt: Cậu sắp sáu chục rồi. Còn tôi năm nay đã vượt qua đầu Sáu. Sang năm tôi về hưu.

Tôi lắc đầu:

– Không phải sắp mà năm nay tôi đã tròn sáu chục. Tôi cũng đang nhẩm tính ngày về hưu.

Tôi mời anh ngồi.

– Vào trong kia; Quang chỉ một chiếc bàn khác ở góc phòng.

Tôi hỏi:

– Tôi ngỡ anh có nhu cầu ngắm phố xá. Ít ra cũng sáu bẩy năm anh chưa thấy lại Paris.

Quang nhún vai:

– Đó chỉ là cái cớ thôi.

Chúng tôi đổi bàn một cách mau lẹ bởi lúc này khá sớm so với giờ ăn nên quán vắng. Chẳng cần ai hướng dẫn cũng có thể chọn được chỗ ưng ý. Tôi chờ Quang sắp xếp hành lý rồi mới ngồi xuống ghế. Nhìn anh lui cui xếp mấy chiếc cặp da lẫn túi, tôi đoán anh từ nhà ga đến thẳng đây. Cách ăn mặc của anh tố cáo cuộc sống độc thân. Rất nhiều người sống độc thân vào thời đại này. Nhưng nếu những người độc thân châu Âu vẫn thường xuyên chăm chút hình thức lẫn vệ sinh thân thể họ thì đa số dân ta tỏ ra biếng nhác. Đặc biệt là mấy ông độc thân về hưu, có nghĩa là sự cố gắng cuối cùng bị huỷ bỏ. Còn đi làm, còn phải cố ăn mặc cho nghiêm chỉnh, sơ-mi phải sạch phải là thật phẳng, cà-vạt phải đúng điệu và hợp mầu với đồ lớn. Hết đi làm, coi như kể từ nay hết nợ, ta hoàn toàn độc lập tự do. Thế là, tha hồ cho cổ áo quăn queo, sơ-mi thay bằng thứ áo pull sẫm mầu để hà tiện giặt. Áo khoác ngoài cũng vậy, chọn, thứ nào đó để “tiện bề xài”. Tất thảy các chi tiết này đều đồng hiện trên con người Quang khiến tôi không khỏi cười thầm. Tôi nhớ lại gã trai ba mươi năm trước, thời đó anh ta có một thân hình quyến rũ, cơ bắp cuồn cuộn, dáng điệu ngang tàng, và mặc dù những vết thương của các cuộc ẩu đả, anh ta vẫn bốc ra thứ mùi rất ga-lăng, khiến các cô nàng châu Á cũng như châu Âu bị cuốn hút như đám thiêu thân lao vào lửa. Một số nàng đặt cho anh biệt hiệu Quang Tác-zăng. Cái gã Tác-zăng ấy chẳng giống chút nào người đàn ông mặc chiếc pull đen nhàu nát trước mặt tôi giờ đây. Quang không biết tôi quan sát anh ta bởi trước khi anh quay đầu lại, tôi đã kịp hướng cái nhìn ra ngoài phố.

Vừa yên vị, Quang lập tức vào chuyện:

– Trước đây, các cậu thuộc loại thân cộng sản. Đọc loạt bài báo vừa rồi, tôi thấy Khương chuyển hướng hoàn toàn. Tuy khó chịu với lối quy chụp như vậy, nhưng vì anh ta là khách nên tôi ôn tồn đáp:

– Trước đây, chúng tôi ủng hộ cuộc chiến tranh chống Mỹ, thời đó bất cứ người dân có lương tâm nào cũng hành động như chúng tôi. Còn bây giờ, chúng tôi đấu tranh cho dân chủ, cho sự thay đổi của đất nước, và chúng tôi hành động vì mục tiêu ấy.

Dường như đoán được nỗi bực tức của tôi, Quang vội xua tay:

– Thôi, thôi, cho qua chuyện ấy. Cuộc chiến tranh đó đã kết thúc mấy chục năm rồi. Vấn đề bây giờ là chúng ta phải đánh cộng sản, bài cậu Khương viết rất hay.

Tôi đáp:

– Tôi đã nói rồi, bài ấy viết chân xác. Tôi không thích tâng bốc ai, dù đó là bạn tôi. Tôi nghĩ Khương cũng vậy, cậu ấy sẽ hài lòng nếu có nhiều người chia xẻ các ý tưởng. Và thế là đủ. Quang lặp lại:

– Tôi không nịnh đâu, đánh trúng đấy. Tôi lặng im.

Bất cần thái độ của tôi, Quang khoái trá nói tiếp: – Hay nhất là câu Ngửi rắm Tầu. Mà cũng lạ, Khương là dân đô thị sao lại học mót được thứ ngôn ngữ ấy? Nó là đặc sản của vùng quê tôi, mắm cáy và chả rươi. Đặc sản, cậu hiểu chưa?

Tôi cười:

– Anh ấy học bà thủ thư hàng xóm. Bà ấy gốc Thái bình nên chắc cũng biết mắm cáy, chả rươi như anh.

Quang liền vỗ đùi rồi ngửa mặt cười khanh khách, cười rất to khiến tôi phải đưa mắt nhìn quanh. May là quán vắng khách. Cô nàng Esmeralda chắc đã tan biến dưới mồ nên chẳng còn quyến rũ được ai. Không để ý đến vẻ ngại ngùng của tôi, Quang vẫn tiếp tục cười:

– Thảo nào ! Thảo nào !

Nhìn vẻ mặt đầy tự mãn của anh, bỗng dưng tôi bật câu hỏi:

– Theo anh thì chỉ có riêng đám cộng sản mắc chứng ngửi rắm Tầu? Quang dừng lại, vẻ ngơ ngác:

– Cậu định hỏi gì?

Tôi nhắc lại, và lần này không phải vô tình mà cố ý:

– Tôi muốn biết ý nghĩ thực của anh về vấn đề này. Theo anh, vào thời điểm 1945, chỉ có đám cộng sản mắc bệnh ngửi rắm Tầu hay còn những đảng khác nữa cũng mắc chung căn bệnh ấy. Đại Việt hay Quốc Dân đảng chẳng hạn?

Sau khi nghe rõ câu hỏi, mặt Quang bỗng nhiên đỏ lựng. Màu đỏ mỗi lúc mỗi gay gắt và hai thái dương anh giật giật như người mắc chứng co gân. Anh chồm qua bàn, nhưng kịp ghìm lại, cặp mắt hung dữ chiếu thẳng vào mặt tôi:

– Cậu đểu thật. Bạn bè sau mấy chục năm mới gặp nhau sao cậu lại móc máy tôi?

Tôi thấy thái độ anh thật kì cục, nhưng vẫn giữ giọng bình thản:

– Tại sao anh lại cáu kỷnh một cách vô cớ như vậy? Tôi không có nhu cầu móc máy bất cứ ai. Nhưng nếu chúng ta bàn đến lịch sử, trong thời điểm lịch sử ấy có bao nhiêu dữ kiện đều phải xem xét mới có thể nhìn nhận vấn đề một cách toàn cục và chính xác. Tôi biết ông cụ anh thuộc đảng Quốc Dân đảng. Nhưng chúng ta không nên lệ thuộc vào gia đình đến mức quay mặt đi trước sự thật.

Quang im lặng.

Tôi hỏi tiếp:

– Anh đã đọc cuốn “Việt Nam một thế kỷ qua” của ông Nguyễn Tường Bách chưa? Quang đáp gọn lỏn:

– Tôi chưa đọc. Tôi không có thì giờ.

Nhìn mắt anh, tôi biết anh nói dối.

Câu chuyện đến đấy tắc nghẽn. Bỗng dưng tôi kẹt vào một tình thế khó chịu. Dù sao chăng nữa, anh ấy đến từ xa và tôi phải giữ vai chủ nhân, tuy cuộc gặp gỡ này là do anh ấy đề nghị. Tôi không thể đứng lên, bỏ về. Còn ngồi lại, ắt tiếp tục chịu đựng một thái độ không có gì hoà nhã. Tôi bắt đầu hối tiếc vì đã nhận lời anh ta để đến đây nhưng chưa biết xử trí ra sao. Đúng lúc ấy, người bồi mang thực đơn ra và hai chúng tôi túm lấy nó như cơ hội để cho không khí dịu đi. Liếc qua liếc lại mấy lượt, Quang bỗng đưa mắt nhìn ra đường phố rồi sau một tiếng thở dài, nói:

– Dù sao cũng là Paris, Thuỵ sĩ buồn hơn.

Tôi im lặng.

Quang lại cúi xuống tấm menu, hỏi:

– Cậu lấy gì?

Tôi đáp:

– Tôi lấy một cái ra-gu cừu.

Anh nhìn tôi:

– Cậu thích thịt cừu thật à? Nếu thế, cậu thuộc loại hiếm. Tôi ở châu Âu mấy chục năm mà vẫn không quen được mùi cừu. Tôi lấy món cà-ri gà vậy. Tôi chọn rượu và sau đó, chúng tôi buộc phải quay lại cuộc đối thoại vì chẳng còn cớ gì để lẩn tránh. Hồi ở trường, chúng tôi không thân thiết đến mức tạo ra hàng kho kỷ niệm để giờ đây có thể gật gù nhấc ly lên hạ ly xuống và moi chúng ra nhắm nháp. Cú điện thoại của Quang và cuộc gặp gỡ hôm nay chỉ do các bài báo xui khiến mà thôi. Vậy, nếu anh ấy muốn gặp tôi vì mục đích chính trị, nói cách khác, vì chủ đề Chống cộng thì tốt hơn cả là tôi nên đi thẳng vào vấn đề. Tôi nói:

– Tôi nhận lời gặp lại anh vì tôi tin rằng chúng ta là những người đứng đắn. Người đứng đắn có thể đồng ý hoặc không đồng ý với kẻ đối thoại nhưng không thể chụp mũ lên họ, và quy kết cho họ những thứ mưu mô theo ý nghĩ chủ quan của mình. Nếu anh chấp nhận nguyên tắc ấy, tôi tiếp tục câu chuyện. Nếu không chúng ta có thể kết thúc bữa cơm một cách nhanh chóng rồi ai về nhà nấy.

– Tôi có hơi nóng, nhưng tôi đến đây là để nói chuyện. Tôi có đói đâu để quay lại Paris xin cậu một bữa cơm?

– Cảm ơn anh, nếu thế, chúng ta có thể tiếp tục câu chuyện một cách bình tĩnh. Bình tĩnh, ít nhất tôi đề nghị như vậy.

– O.K; Quang búng ngón tay, ra hiệu chấp nhận điều kiện đó.

Tôi nói tiếp:

– Anh có để ý đến đầu đề bài báo của Khương: “Bàn về những lá cờ và bóng ma phía sau”? Trước khi viết, anh ấy đã bàn đi bàn lại với tôi. Chủ trương của chúng tôi là một: Chúng tôi không chỉ bàn riêng về lá cờ của những người cộng sản. Nếu anh nghĩ rằng chúng tôi chỉ muốn hạ bệ một lá cờ đỏ sao vàng thôi thì anh đã lầm. Chúng tôi chủ trương hạ bệ cả lá cờ đỏ sao vàng lẫn lá cờ vàng ba sọc. Dẫu rằng, anh và tôi, chúng ta đều lớn lên dưới bóng lá cờ vàng. Quang giương mắt nhìn chòng chọc vào mặt tôi, và cái nhìn của anh phản bội lại lời anh vừa hứa: anh chẳng thể bình tĩnh được.

– Tại sao? anh hỏi, cố nén giọng cho có vẻ bình thường.

– Tại sao? Tôi nhại lại, vẻ hơi riễu cợt cho dù trong thâm tâm không muốn làm điều đó: Trước khi trả lời anh, tôi xin nhắc lại câu hỏi lúc nãy: Ngoài đảng Cộng sản ra, đảng Đại Việt và Quốc Dân đảng có mắc bệnh ngửi rắm Tầu không? Quang im lặng, rồi sau một lát lưỡng lự, xì qua răng:

– Cứ tạm cho là có đi, thì đã sao?

Tôi lắc đầu:

– Không thể tạm cho là có được, bởi chúng ta không chơi trò đánh đố cũng không chơi chữ. Bàn về các sự kiện lịch sử thì phải xác thực, hoặc có, hoặc không. Quang tiếp tục im lặng. Tôi không muốn dồn anh ta vào ngõ cụt nên nói tiếp:

– Ông cụ anh là đảng viên Quốc Dân đảng, tôi chắc không chỉ anh mà cả gia đình anh biết điều đó và cả gia đình anh đều đọc cuốn “Việt Nam, một thế kỷ qua” của ông Nguyễn Tường Bách. Ai chả muốn biết về cái thế giới liên quan đến người thân yêu nhất của đời mình?

Anh tiếp tục im lặng. Tôi thầm nghĩ: Ít nhất, anh ta đã công nhận sự thật. Im lặng được xem như lời thú nhận. Và tôi nói tiếp:

– Không chỉ Quốc Dân đảng mà Đại Việt cũng bám rất chắc vào mảnh đất Trung Hoa để nảy nở và phát triển. Đó gọi là “sự nối tiếp truyền thống”. Đọc Việt Nam Sử Lược của cụ Trần trọng Kim sẽ thấy rõ điều này. Nếu các triều đình Việt Nam xưa hoàn toàn sao chép mô hình chính trị và xã hội của phương Bắc thì việc cả ba đảng, Cộng sản, Quốc Dân đảng và Đại Việt đều lệ thuộc vào các đảng phái chính trị cùng mầu sắc ở Trung Quốc là điều dễ hiểu. Cả ba đảng ấy đều có một người cha chung là lớp quý tộc phong kiến, tức là lớp Sĩ mà sự cố gắng cuối cùng của họ là phong trào Cần Vương. Phong trào này thất bại, sự thất bại ấy vừa là hồi chuông cáo chung cho lớp Sĩ, vừa là tiếng kèn trận thúc giục lớp hậu sinh mở những con đường khác. Quả thực, lớp hậu sinh của các nhà nho đã hết sức cố gắng để tìm lối thoát cho đất nước, nhưng họ không thể thay đổi ngay tức khắc bản thân, nói cụ thể là cách nhìn, lối suy nghĩ, sự cảm thụ, đại loại là thói quen trong hoạt động tinh thần. Thế nên, ngay cả khi đi tìm đường mới thì bước chân họ vẫn vô tình dẫm lên những vệt chân của tổ tiên, tức là họ vẫn quay cổ nhìn về phương Bắc, và cả ba chính đảng trên đều tìm chỗ dựa trên mảnh đất Trung Hoa.

Chúng ta biết trong vật lý có một thứ lực gọi là quán tính. Một con tầu đang lao trên đường ray, một người đang đạp xe, một chiếc ô-tô đang chạy… Tất cả những chuyển động kể trên không thể dừng lại ngay tức khắc vì lực quán tính còn đẩy chúng trượt lên một đoạn ngay cả khi đã hãm phanh rồi. Các chính đảng của Việt Nam thời ấy không hề có phanh hãm, không có ý thức để tự hãm phanh cho nên việc họ châu đầu về phương bắc là những chuyển động hoàn toàn theo quán tính, nói cách khác, theo dòng chẩy muôn năm của lịch sử. Cũng không nên trách họ bởi thời ấy, chân trời duy nhất đối với đám đông kẻ sĩ vẫn là phương bắc, số người theo học ở phương Tây không đủ làm cán cân nghiêng. Thêm nữa, kẻ thù dân tộc lại là thực dân Pháp nên sự ngờ vực, thậm chí ác cảm với những gì dính líu đến phương Tây cũng là điều dễ hiểu. Chính vì mặc cảm này nên nhóm Phan chu Trinh mới nảy ra ý tưởng đi về phía Đông, phía đất nước Mặt trời mọc, tìm đường cứu nước. Sau này, khi thế chiến II xảy ra, phát xít Nhật tràn đến nước ta, dân chúng mới chứng kiến sự tàn bạo của đám lính đến từ phía Mặt trời mọc khủng khiếp đến nhường nào. Lúc ấy, những ai chủ trương Nhật-Việt đuề huề mới ngã ngửa ra mà vỡ mộng. Mọi con đường lịch sử đều phải qua những khúc quanh co, mò mẫm và con người phải trả giá cho những ảo tưởng bằng máu và nước mắt. Nếu chúng ta chấp nhận sự thật như nó vốn là thế thì chúng ta mới gọi được đúng căn bệnh và chỉ khi nào tìm được căn bệnh, ta mới có thể tìm được phương thuốc.

Tôi ngừng lại vì người bồi bàn đem các món ăn ra. Tôi rót rượu. Quang đưa cốc chạm vào cốc của tôi mạnh đến mức tôi phải nhìn lại xem thuỷ tinh có bị nứt hay không. Mấy chục năm đã qua thân xác đổi thay nhưng tính anh ta vẫn thế, mạnh mẽ đến hung bạo. Một thứ biểu dương uy lực vô thức, một thứ triển lãm thường trực cái ngã khổng lồ. Tôi thầm nghĩ “Với tính cách như thế, làm sao anh ta có thể ngồi nhà bế con và làm nội trợ cho cô vợ Pháp đi làm trong bốn năm liền, trước khi tìm được việc tại Thuỵ sĩ?” Đời thật oái oăm.

Chúng tôi lặng lẽ ăn và uống cho đến khi đĩa ra-gu của tôi sạch trơn và món cà-ri gà của anh ta cũng hết. Quang bảo:

– Tôi sẽ lấy một đĩa phô-ma với mứt quả cho món tráng miệng.

Tôi hỏi:

– Anh không sợ lên cân sao?

Anh ta lắc đầu:

– Lên cân thì có giá trị gì? Một khi đầu đã hói thì giữ làm gì cái bụng? Tôi im lặng, nghĩ “Quả là anh ta hói sớm. Mái tóc anh ta trước kia dầy gấp đôi tóc mình. Thời gian khủng khiếp thật”. Người bồi bàn thu dọn những chiếc đĩa rỗng. Trong khi chờ đợi món tráng miệng chúng tôi uống rượu. Vẫn còn nửa chai. Quang gõ những ngón tay xuống bàn rồi nói:

– Thôi, bây giờ trở lại chuyện. Tôi đồng ý là cả ba đảng đều tìm căn cứ địa ở Tầu. Cứ cho là họ đều mắc chứng nô lệ bắc phương. Nhưng ít nhất, chúng tôi cũng là những người đầu tiên hướng theo mô hình nhà nước dân chủ.

– Đúng; tôi gật đầu: Các anh tìm sự giúp đỡ của Tưởng Giới Thạch. Nhưng với hơn tám triệu quân, Tưởng đã bị Mao nuốt chửng dù Mao lúc đó chỉ có hơn hai triệu quân. Lý do vì sao, anh đã rõ: Hơn tám triệu quân Tưởng không được dân chúng ủng hộ vì họ là lũ cướp, họ không có kỷ luật và tinh thần chiến đấu. Còn lính của Mao lúc đó là đội quân có kỷ luật, không trộm cướp của dân, không hãm hiếp đàn bà, không phá hoại. Thể chế nào cũng do con người thực hiện. Chọn một hình mẫu xã hội tối ưu, nhưng bộ máy thực hiện hình mẫu đó lại tồi tệ thì kết quả sẽ ngược lại điều mong muốn. Tôi lấy ví dụ, nhà nước cộng hoà của ông Ngô đình Diệm được dựng lên theo mô hình dân chủ của nước Mỹ, nhưng trong thực tế đó là một thứ triều đình, bởi vì các đại diện của tam quyền phân lập đều đứng dưới chân giường bà mẹ ông Diệm để chúc Tết bà ta. Đã cùng đứng dưới chân một cái giường thì không thể phân lập được. Vì lẽ đó, khi chửi cộng sản thì cũng nên nhớ rằng, ở phương Nam, một nhà nước dân chủ đã không thể đứng vững trên mảnh đất mà dân cư của nó chưa có khái niệm dân chủ, nói cách khác hình mẫu triều đình phong kiến còn cắm sâu trong óc họ. Đó cũng là một thứ lực quán tính. Mà thứ quán tính này khống chế trước tiên những kẻ cầm quyền.

– Cậu lầm, Quang nhếch mép cười mai mỉa: Căn nguyên thất bại là ở chỗ người Mỹ muốn tôn giáo hoá nhà nước. Họ muốn đưa ông Jésu của họ lên ngôi, trong khi đại đa số người Việt theo đạo Phật. Khi họ vỡ lẽ ra thì đã muộn rồi. Vì thế mới có cú đảo chính năm 63.

– Tôi đồng ý với anh nửa phần và chỉ nửa phần mà thôi. Đúng là không thể quay lại nhà nước tôn giáo, bởi tôn giáo nào cũng lạm dụng mọi điều kiện để xây đắp quyền lực cho chính nó. Quyền lực là một cái túi không đáy, loài dã thú không biết no. Đức giáo hoàng cũng là một Hoàng đế tột đỉnh quyền uy và ông ta hoàn toàn ý thức được điều đó.

Châu Âu đã thấm đủ kinh nghiệm về tôn giáo nên sau cách mạng Pháp, nhà nước thế tục mới trở thành mô hình có tính phổ biến cho toàn lục địa và mô hình này cho phép xã hội phát triển một cách mạnh mẽ. Vì thế, chẳng ai chối bỏ sách lược sai lầm của người Mỹ. Tuy nhiên, đấy không phải lý do duy nhất. Nếu ông Diệm không phải dân theo đạo Thiên chúa mà là một người vô thần liệu ông ta có lập Đảng Cần lao Nhân vị không và có nghiền nát những đảng viên Quốc Dân đảng hay không? Tôi cho là sự thể không thay đổi dẫu rằng quá trình đổ vỡ có thể kéo dài hơn.

Vì thực chất, ông Diệm là một ông quan, dù ông quan ấy biết khoác đồ âu phục. Một ông quan kém cỏi trong đám các ông quan bởi từ xưa đã có những ông quan thanh liêm cấm không cho con mình thắng gian một ván cờ, hoặc không cho chính con trai mình nhậm chức vì biết tư cách lẫn khả năng của anh ta không xứng. Ông Diệm không đủ trí khôn để khống chế những kẻ thân quyến, ngược lại, ông ta bị họ lạm dụng và dắt mũi. Ông Diệm cũng xử dụng những kẻ tôi tớ vào các vị trí quan trọng, ví như bổ nhiệm gã kéo xe cho mình vào một chức vị mà một kẻ tôi tớ không thể đảm nhiệm. Về điều này, ông Diệm còn thua xa những người sống từ hơn hai ngàn năm trước.

Nếu anh quên, có thể đọc lại chuyện thời Tấn, Trung Quân uý của Tấn là Kỳ Hề khi cáo lão đã đề cử Giải Hổ, con trai Giải Dương là kẻ thù của mình thay thế. Cùng một cách hành xử như ông Diệm, ở miền Bắc, Mai Chí Thọ, em ruột Lê Đức Thọ, khi làm bộ trưởng bộ nội vụ cũng bổ nhiệm Lê Tẩu, người lái xe riêng của ông ta lên làm thứ trưởng mặc kệ tiếng la ó của đám sĩ quan. Vậy thì, miền Nam và miền Bắc đánh nhau, chửi rủa nhau, nhưng sau cùng họ hành động hệt như nhau; dù người theo cộng sản, kẻ theo Mỹ, nhưng thực chất họ vẫn chỉ là cái phần đuôi kéo dài ra của chế độ phong kiến phương đông; họ lập lên nhà nước nào, mang mầu cờ sắc áo nào thì về thực chất, đó cũng chỉ là một triều đình nguỵ trang mà trong đó, quyền lực thâu tóm vào tay một nhóm người; tóm lại, chế độ Thiểu trị (Oligarchie/ Oligarchy).

Sự đổi thay một thể chế, trước hết phải tính trên trình độ giác ngộ chung của dân chúng. Ngoài yếu tố Dân trí, còn phải có một yếu tố khác, không kém phần quyết định, đó là tư cách người cầm quyền. Ở những khúc quanh của lịch sử, cần phải xuất hiện người “bẻ ghi tầu”, tôi tạm ví như vậy. Đấy là những cá nhân đủ tài năng thao lược, và trước hết, là đủ đạo đức để đặt quyền lợi của dân tộc lên trên quyền lợi của bản thân mình, tóm lại, họ phải hy sinh bản thân vì nghĩa cả. Xưa đến nay, tôi chỉ mới thấy một người có đủ tư cách đó, một người cao thượng, ông Gorbachev, kẻ đào huyệt cho nhà nước Xô Viết. Để phá tan thể chế cộng sản, ông ấy đã phải tiêu diệt trước hết quyền lực của chính mình cùng với đặc quyền đặc lợi mà cả gia đình ông ta trông cậy vào.

Người bồi bàn mang món tráng miệng lên. Tôi nhâm nhi tách cà-phê trong khi Quang tấn công đĩa phô-ma. Lúc ấy, tôi mới thấy rằng tóc anh ta không chỉ hói mà cũng bạc khá nhiều. Phía trên gáy gần như trắng xoá nên phần tóc nhu nhơ tiêu muối còn lại giống hệt một mẩu ru-băng vắt qua đầu. Nói cho đúng, không phải là một mẩu ru-băng mà như mảnh vỏ của một miếng dưa hấu, có nghĩa là hai đầu thót lại còn phần giữa phình ra.

Không ngẩng lên, Quang hỏi:

– Cậu đang quan sát cái đầu vô lý của tôi, đúng không?

– Không… Tôi chối một cách yếu ớt rồi sau đó đành thú nhận: Tóc anh bạc một cách khá độc đáo.

– Đúng vậy, đồ con khỉ; anh ta càu nhàu, chẳng giống ai. Thường người ta bạc nửa trước, hoặc nửa bên trái, hoặc nửa bên phải. Tóc tôi bạc vòng quanh, chừa lại một vệt như chỏm đào của lũ trẻ nhà quê thời xưa vậy. Đi đến đâu cũng gây nỗi tò mò cho thiên hạ.

– Nhuộm đi; tôi nói.

– Con trai tôi cũng bắt nhuộm nhưng tôi lười; anh đáp.

– Con trai anh vẫn ở với anh? tôi hỏi.

– Không; anh lắc đầu: Nó có vợ và hai con, ở riêng từ lâu rồi. Năm thì mười hoạ mới ghé thăm tôi. Có khi cách quãng đến ba bốn năm liền. Anh ta dừng lại, vẻ rầu rĩ, mắt bỗng đăm đăm dán vào lọ mù-tạc. Tôi lặng lẽ nhấm nháp thứ nước đắng như kí-ninh đã trở thành một thứ ma tuý cần phải có sau mỗi bữa cơm, bao nhiêu lần định bỏ mà không bỏ được. Quang, sau một tiếng thở dài, nói tiếp: Cũng đến tuổi chán mọi thứ. Tôi phì cười:

– Tôi không nghĩ như vậy. Anh tuyên bố chán mọi thứ nhưng khi đọc mấy bài báo của Khương, anh liền gọi điện và yêu cầu gặp anh ấy, rồi khi biết Khương đi vắng anh lại đòi gặp tôi, điều đó có nghĩa anh còn hăng hái, còn muốn lôi kéo đồng minh vào “chiến tuyến chống cộng” cùng với mình. Vậy thì anh còn khá trẻ so với mái tóc bạc rất độc đáo của anh. Mọi người bảo tôi là anh giữ một vai trò khá quan trọng trong đảng Việt Tân?

– Tôi không chối; Quang đáp với một giọng đột nhiên sừng sộ: Nhiều người trong đảng Việt Tân giấu diếm danh tính của họ nhưng tôi không giấu, tôi công khai.

– Đó là một sự thật; tôi đáp: Anh có hiểu vì sao rất nhiều người trong đảng Việt Tân không dám công nhận họ là đảng viên hay không?

– Tôi không biết; Quang đáp cộc lốc và gạt chiếc đĩa rỗng sang một bên: Mà tôi cũng không cần biết. Việc ai người nấy làm. Mặt anh ta lại đỏ lên và tôi nhìn những vệt đỏ loang trên thái dương sang hai gò má của anh ta với cảm giác chán chường. Vài giây sau, có lẽ chợt nhận ra thái độ hung hăng, cộc cằn lẫn những lời lẽ kì cục của mình, Quang liền vơ lấy giỏ bánh mì, móc ruột một khúc bánh và bắt đầu vê một cách nghiến ngấu. Dường như nỗi tức giận của anh ta được xả trút trong cử chỉ đó. Sau một hồi im lặng, tôi nói:

– Anh không cần căng thẳng. Tôi không có ý định vào đảng Việt Tân và tôi cũng không có ý định chống phá đảng của các anh. Nhưng trừ phi anh coi hành vi chống cộng như một trò giải trí cuối tuần, còn nếu anh muốn làm việc đó một cách hữu hiệu, anh phải tính đếm mọi chuyện. Sự việc nào cũng có nguyên do. Sự giấu mặt của một số khá đông đảng viên đảng Việt Tân tố cáo những vấn đề tồn tại trong đảng ấy, hoặc vấn đề nhân sự, tức là nhân cách những người lãnh đạo và các thành phần trong đảng, hoặc vấn đề đường lối chính trị và phương thức thực hiện đường lối ấy. Các vấn đề trên là căn nguyên khiến nhiều người muốn giấu mặt, chôn tên. Họ giấu mặt vì họ sợ nhem nhuốc, vì họ không tin vào tính xác đáng của đường lối, hoặc họ ngờ vực tính hiệu quả của hành động, hoặc họ muốn từ bỏ đảng những chưa tiện vì còn quá nhiều sợi dây trói cột, hoặc họ muốn thủ thế chờ thời cơ….Vì lý do nào chăng nữa, sự giấu mặt của đám người này cũng chứng tỏ họ không muốn chịu trách nhiệm về lựa chọn chính trị của mình. Nhận định của tôi đúng hay sai? Quang không đáp, tiếp tục vê ruột bánh.

Tôi nói tiếp:

– Tôi rất tiếc là đã làm anh buồn. Nhưng tôi không thể nói những điều giả dối. Xưa nay, tôi không hề tham gia đảng phái nào vì tôi không tin họ. Nói cho đúng, tôi không ham làm chính trị, tôi ưa chữ nhàn. Nhưng giờ đây, đất nước có nguy cơ rơi vào tay Tầu. Triều đình cộng sản thối nát, chắc chắn không đủ khả năng lãnh đạo dân chúng làm một cuộc chiến đấu. Nguy cơ “Một ngàn năm Bắc thuộc” khiến những kẻ như tôi phải hành động, dù trước đây anh vẫn chế riễu Khương lẫn tôi là những con chuột ngày. Quả thực, chúng tôi không phải những kẻ có sứ mệnh tiên phong; nói cách khác, về bản tính chúng tôi không là những avant-gardiste. Cũng quả thực là mấy chục năm nay, tôi chỉ coi cái tiểu gia đình của mình là mối quan tâm gần như duy nhất.

Cuộc dấn thân của tôi lúc này xét cho xâu xa cũng ích kỷ mà thôi: Tôi muốn cho những đứa con tôi và lũ con của chúng còn một tổ quốc Việt Nam để đi về, chứ không phải là một tỉnh lỵ của Tầu với các đường phố trưng toàn thứ chữ vuông như hòm của ông Khổng tử. Thế nên, Khương cũng như tôi và những người cùng ý tưởng như chúng tôi, buộc phải nói lên sự thật, mặc dù cái sự thật này có thể khiến một số người như anh phản ứng.

Lâu nay, chúng tôi vẫn theo dõi phong trào dân chủ trong nước. Theo rõi một cách âm thầm, không tham gia bình phán, không kết nối với bất cứ phe nhóm nào. Lực lượng dân chủ trong nước đã phát triển một bước khá dài so với thời trước, nhưng để làm một cuộc thay đổi, lực lượng ấy còn quá mỏng, và thêm nữa, bị chia rẽ. Một trong các nhóm “đấu tranh cho dân chủ” ấy bị lũng đoạn vì các anh, đảng Việt Tân.

Tác phẩm của các anh là khối 8406. Khối ấy, thoạt tiên tập trung được khá đông những người có tâm huyết với dân tộc, đất nước, nhưng càng ngày càng tan rã khi mà họ nhận thức được sự thật phía sau cái chiêu bài “đấu tranh cho dân chủ” ấy là gì. Cứ xem những tờ báo các anh in ra, phát cho dân chúng là biết. Dưới cái chủ trương: “Hạ bệ thần tượng Hồ chí Minh, đấu tranh cho dân chủ” các anh sáng tác hàng loạt bài chửi rủa, bôi nhọ ông Hồ. Chửi tục tĩu đến mức ai có chữ cũng phải hổ thẹn khi đọc những dòng chữ ấy. Bịa tạc, vu cáo, bôi nhọ đến mức người đọc có cảm giác phải ngồi đối thoại với quân lưu manh đầu đường, xó chợ. Các anh dùng những cây bút thuê hạ lưu như Thái Hoàng khiến ngay cả những người thù cộng sản cũng không chấp nhận nổi vì nó tố cáo tư cách cống rãnh của kẻ viết. Các anh muốn làm cách mạng nhưng không hiểu cách mạng là sự nghiệp của số đông. Chín mươi phần trăm dân Việt Nam còn yêu ông Hồ, đền thờ ông Hồ nghi ngút hương khói, vậy mà các anh quyết tâm “hạ bệ Hồ chí Minh” để đưa đảng của các anh lên, một nước Việt mới, Việt Tân, như tên gọi. Rút cục, kết quả các anh thu được là phá hoại phong trào dân chủ, khiến người dân co cụm với chính quyền cộng sản. Họ nói rằng:

“Cộng sản khốn nạn thật, nhưng bọn này còn khốn nạn hơn cộng sản. Thôi, cứ để vật nào nguyên chỗ nấy.” Hoặc là:

“Không ai muốn đánh đổ một lũ hủi để đưa một lũ cùi lên thay.”

Bây giờ, các anh xem cái khối 8406 ấy còn được bao nhiêu người? Và hãy xem trong 90 triệu người dân, bao nhiêu người đi với các anh?

Quang không trả lời. Sau một lát im lặng, tôi nói tiếp:

– Tôi có quen nhà văn Dương Thu Hương, mấy năm trước, thấy tên bà trong danh sách 8406, tôi ngạc nhiên hỏi. Bà Dương Thu Hương đáp rằng:

duong_thuhuong
Dương Thu Hương. Nguồn: thestar.com, Sep 01 2012

“Một người quen của tôi ghi tên tôi vào đấy. Cậu ta rất tử tế và hiền lành nên tôi không nỡ gạt bỏ. Nhưng tôi chưa bao giờ hoạt động chung với cái khối 8406 ấy cả. Lần duy nhất tôi chấp nhận hành động chung với đảng Việt Tân là cuộc phỏng vấn ghi hình năm 2010. Lúc đó, tôi chủ trương: Liên minh để đánh Tầu. Sau lần ấy, tôi thôi luôn, thôi một cách dứt khoát vì biết rõ không có con đường chung giữa chúng tôi. Không chỉ riêng đảng Việt Tân, tôi còn từ chối tiếp xúc với các thứ đảng dân chủ khác lập ngoài biên giới cũng như mấy ông cách mạng sa-lông như Nguyễn Gia Kiểng và Nguyễn Ngọc Giao. Tôi đã từng viết báo công khai về điều này. Vì sao? Vì các nhà cách mạng sa-lông luôn luôn giầu trí tưởng… bở.

Nói theo ngôn ngữ của nông dân sông Đuống sông Hồng họ là đội quân Khố trắng. Họ ngỡ cách mạng là một cuộc leo núi dã ngoại (Randonnée/hiking) hoặc một buổi đánh võ mồm quanh nồi lẩu ở quận 13. Phong trào còn như trứng để đầu đẳng, đường còn dài, còn muôn vàn gian nan, khốn khổ; chiến thắng chưa nhìn thấy ở đâu mà ông nào ông nấy đã xông lên đòi: “Tại sao tôi không là người lãnh đạo?” Như thế có nghĩa rằng chưa có cỗ họ đã đòi cầm đũa. Thật kì cục. Lòng vị kỷ của con người là một thứ quái vật còn khó hình dung hơn đám quái vật tưởng tượng trong thần thoại Hy-lạp. Thế nên, tôi phải lánh thật xa họ, lánh càng xa càng tốt. Nhóm của tôi hoạt động độc lập. Tôi rất tiếc là phải chiến đấu một mình, nhưng thà như thế còn hơn dây dưa với một đám người rồi nghe họ cãi cọ nhau, tranh hơn tranh kém. Rơi vào cái vòng luẩn quẩn ấy có nghĩa tự giết mình và thiêu huỷ luôn cuộc tranh đấu. Thời gian đã minh chứng sự lựa chọn đó là chính xác. Cuộc sống thật sự của tôi ở lại Việt Nam, với nhóm đồng đội của tôi.”

(Còn tiếp phần Kết)

© 2013 DCVOnline

3 Comments on “Tìm sự mở đầu bằng hai kết thúc (I)

  1. Bài viết khá hay, hừng hực. Nhưng than ôi, có một chiều thu lá thu rơi…,
    It ai trong chúng ta ” ngộ ‘ ra rằng : sau WWII, trước tại họa Cộng
    sản, thì người Mỹ tự gánh vác vai trò ” sen đầm quốc tế ,” leader of
    the international community. Vì đó, hai miền Nam Bắc VN chúng ta
    ục nhau chí chat, đều do chỉ thị quốc tế, bên này hay bên kia.
    Sự chung kết toàn bộ vấn đề VN cũng sẽ do quốc tế.. Thì nói chi
    đến một đảng Việt Tân, hay Thông luận, hay Phong trào 8406 vô danh?
    chưa bao giờ là đối thủ máu xương với CSVN, như cựu VNCH.
    Hiệp định Ba Lê 1973 chỉ bị vi phạm trầm trọng, chứ chưa hề bị hủy bỏ.
    Sự thống nhất VN cũng chỉ là De Facto, mà chưa là De Jure, quy định.
    CS VN trở nên mồ côi, đã nằm trong vòng tay Mỹ. Và, come what may.
    Điều gì phải đến, sẽ đến nay mai. Chú ý cho rằng, Trung Quốc cũng
    chống lại sự thống nhứt trái phép của Bắc Việt, coi như de facto.

    • Có ngươi vặn vẹo cù nhầy mà rằng:
      VNCH và HĐ Ba lê đã …chìm vô lịch sử, statu quo zối, hết zội,
      giấc mơ huyền.
      Nếu là mơ huyền, thì mấy nước Đông Âu, trong khi bị CS chiếm,
      vẫn có mặt trong LHQ đó. Anh cu Bắc Hàn xâm lăng Nam Hàn,
      vẫn có mặt trong LHQ đấy !
      Không! Cuối cùng, luật là luật. Campuchia đã là tiền đề, 1993.
      Một ngày năm ấy, người ta gỡ tấm bảng Ủy Ban Nhân Dân Nam
      Vang, và gắn trở lại tấm bảng cũ: Tòa Thị chính Nam Vang.
      Vậy có Thơ rằng :
      Tất cả mai về vui dựng xây,
      Tháo tung binh khì, hết tù đầy.
      Người hiền như thuở còn thơ ấu,
      Nước Việt về xuân đẹp tháng ngày. (Ý-Yên)

  2. “- Anh có hiểu vì sao rất nhiều người trong đảng Việt Tân không dám công nhận họ là đảng viên hay không?”

    – Anh có hiểu vì sao Phạm văn Đồng không dám nhận mình là cộng sản không?

    – Anh có hiểu vì sao Hồ chí Minh không dám nhận mình là cộng sản không?

    *****

    “Chín mươi phần trăm dân Việt Nam còn yêu ông Hồ, đền thờ ông Hồ nghi ngút hương khói”

    Đếm cách nào mà ra con số tục tĩu 90 phần trăm vậy?
    Ngửi cách nào mà ra những hương khói cống rãnh vậy?

    *****
    Có độc giả nói, đại ý: những người miền bắc, sinh ra lớn lên ở miền bắc, có một cái nhìn về Hồ chí Minh khác với cái nhìn của người dân VNCH và người Việt hải ngoại, phải tôn trọng sự khác biệt ấy.

    Thiết tưởng đó là một phát biểu hết sức sai lầm!

    Nếu bác tác giả và tôi cùng xem bức tranh Mona Lisa, xong bác tác giả nói: “Mona Lisa có nụ cười đẹp”, còn tôi, trình độ thẩm mỹ chẳng có gì, nói: nụ cười sao mà ngờ nghệch, cứ nụ cười này thì không biết là phải hoảng chưa bao nhiêu lần!

    Thì đúng là đã có 2 cái nhìn khác biệt, và phải tôn trọng những cái nhìn khác biệt của nhau

    Nhưng, nếu bác tác giả và tôi đuọc dẫn đi xem triển lãm Marilyn Monroe, tôi đuọc cho xem tấm hình Marilyn Monroe đứng trên miệng hầm gió metro, sau đó tôi nói: “MM thật là sexy”.

    Còn bác tác giả, cũng đuọc gọi là đuọc dẫn vào xem tấm hình, nói là hình MM, nhưng thực ra, khi bác tác giả vào xem, thì người ta đã tráo tấm hình, đã lấy đi tấm hình MM, thay vào đó là bức tranh La Joconde.

    Sau khi xem xong, bác tác giả nói: “MM có nụ cười dịu dàng, chứ MM không sexy như cái mấy cái bút thuê hạ lưu kia nói”!

    Thì “2 cái nhìn” trong trường hợp sau không thể đuọc gọi là “những cái nhìn khác biệt”, và trong trường hợp này, không thể chấp nhận điều đuọc gọi là “phải tôn trọng những cái nhìn khác biệt”.

    Vì sao? Vì trong trường hợp trên, 2 quan sát viên đều cùng nhìn vào một đối vật có thật, cho nên có thể nói là có 2 cái nhìn khác biệt.

    Còn trong trường hợp sau, một người đuọc nhìn vào sự thật, một người bị nhìn vào sự lừa dối.

    Không thể nói là “có 2 cái nhìn khác biệt” khi một cái nhìn là nhìn qua sự lừa dối.

    Cái nhìn qua sự lừa dối thì hoàn toàn không có giá trị, không những không thể đuọc tôn trọng, mà còn phải vạch ra sự lừa dối trong đó.

    *****
    Điều mà tác giả gọi là “chín mươi phần trăm dân Việt Nam còn yêu ông Hồ”, thì, cũng giống như thí dụ trên, là điều hoàn toàn giả dối, không có thật. Vì cái “yêu” đó là “yêu” vào những điều giả dối do bọn trí thức cộng sản chân chính tim đỏ thẻ đỏ chuyên nghề làm chứng gian bịa đặt ra, che dấu tội ác cho Hồ chí Minh, tô vẽ những hoành tráng không có thật cho cộng sản, cho cụ Hồ chí Minh the serial killer,

    Chừng nào mà ở VN người ta đuọc viết, đuọc nói, đuọc nêu lên những hành động tội ác của Hồ chí Minh cho mọi người cùng biết, thì sau đó bao nhiêu phần trăm thù ghét Hồ chí Minh, bao nhiêu phần trăm “yêu ông hồ” mới là điều có giá trị.

    Ngược lại, nếu vẫn chỉ có một tổng biên tập cộng sản cho hàng trăm tờ báo “cách mạng”, cho hàng chục ngàn ký giả “xã hội chủ nghĩa”, với sự chống lưng của những tên công an cộng sản Hồ chí Minh, bắt cả nước phải đọc, nghe một luận điệu bịp bợm ca ngợi Hồ chí Minh,

    chừng nào vẫn còn những phiên tòa kăng gu ru cộng sản, còn những tên công an cộng sản Hồ chí Minh hung ác, phi nhân tính, lăm le bắn giết, tàn nhẫn đánh đập phụ nữ, mang phụ nữ VN vào trụ sở công an mà xúc phạm, đạp vào hạ bộ phụ nữ, những ai nói khác, vạch trần tội ác hồ chí minh, vạch trần luận điệu làm chứng gian của bọn trí thức xã nghĩa, trí thức kiki, trí thức 19-5 tung hô Hồ chí Minh

    thì cái “90 phần trăm” ấy vẫn chỉ là tục tĩu, thì cái huơng khói ấy vẫn chỉ là hương khói cống rãnh