Những suy nghĩ vụn vặt về đồng tiền & quốc gia

Đặng Ngữ

VNCH$1Thường nghe nói, nước ta có 4000 (bốn ngàn) năm văn hiến. Trên đồng tiền Việt Nam tôi không thấy hình ảnh nhà văn học, nhà văn hóa, nhà chính trị, nhà quân sự nào ngoài ông Cụ cả… Bỏ qua chuyện thần thánh hóa lịch sử hay lịch sử hóa thần thánh, tôi nghi ngờ 4000 năm ấy.

Đã từ khá lâu rồi tôi không còn nhận lương bằng tiền mặt.

Hàng tháng, công ty đều đặn chuyển vào tài khoản cá nhân của tôi số tiền lương theo đúng như hợp đồng lao động đã ký kết sau khi trừ các khoản thuế theo quy định. Nếu ở Mỹ, tôi được xem như một công dân tốt vì hàng tháng đều đặn đóng góp một khoản đáng kể vào ngân sách quốc gia.

Số tiền ấy, ý tôi muốn nói đến số tiền thuế thu nhập cá nhân hàng tháng, được dành để làm gì?

Về nguyên tắc, người đóng thuế ở Mỹ có quyền được biết số tiền ấy được chi dùng như thế nào, các khoản chi ra sao, để trả lương cho các viên chức chính phủ, chi phúc lợi xã hội, chi cho quốc phòng…có trăm thứ phải liệt kê đường hoàng. Quốc hội, đại diện cho những người đóng thuế, xem xét thông qua các khoản chi này: ngân sách hàng năm. Quốc hội thông qua, nhân viên chính phủ được trả lương. Quốc hội không thông qua, chính phủ ngừng hoạt động. Ngày hôm qua, chính phủ Mỹ ngừng hoạt động một phần. Lý do rất đơn giản: người đóng thuế không hài lòng với các khoản chi vô tội vạ, vung tay quá trán, không đúng mục đích… Nôm na cái chuyện xảy ra ở bên Mỹ nó như vậy. Việt Nam, lẽ tất nhiên, đừng mơ nhé. Đóng thuế thì cứ việc đóng thuế, chi bao nhiêu tiền vốn việc của nhà quan, không mượn người đóng thuế phải suy nghĩ.

5000 đồng, mệnh giá lớn nhất thời VNDCCH - có chữ hán và chữ Việt. Nguồn: OntheNet
5000 đồng, mệnh giá lớn nhất thời VNDCCH – có chữ hán và chữ Việt. Nguồn: OntheNet
Tiền VNCN, mênh giá cao nhất, innawm 1971, không phát hành. Hình Trương Công Định. Nguồn: ONtheNet
1000 đồng VNCH, mênh giá cao nhất, in năm 1971, không phát hành. Mặt trước: hình ông Trương Công Định (?) Nguồn: OntheNet

Người nước ngoài đến Việt Nam thường kinh ngạc về nhiều thứ.

Điều thứ nhất, ngay khi ra khỏi sân bay: giao thông hỗn loạn chẳng theo một trật tự nào cả. Nhiều người nước ngoài nói: “Viet Nam, country of motorbikes”. Điều tiếp theo, đồng tiền Việt Nam cũng gây cho họ ngạc nhiên không kém: nhiều loại tiền giấy khác nhau và rất nhiều số không (số 0). Họ nói: “Viet Nam, country of zeros”. Đồng Việt Nam của mình, để xem nào, chính thức thì có tờ 200 đồng, tờ 500 đồng, tờ 1000 đồng, tờ 2000 đồng, tờ 5000 đồng, tờ 10000 đồng, tờ 20000 đồng, tờ 50000 đồng, tờ 100000 đồng, tờ 200000 đồng và tờ 500000 đồng. Những người có hơi khỏe có thể đếm hết những tờ tiền của chúng ta. Thỉnh thoảng tôi gặp vài người nước ngoài, khi có việc phải thanh toán tiền cà phê hay cho một bữa ăn chẳng hạn, họ lúng ta lúng tung đếm những số không (số 0). Vài người có tính hiếu kỳ, tìm đổi tờ 500000 đồng mang về nước. Hỏi để làm gì? Họ trả lời: “để tao làm vật chứng khi về nước, không thôi người ta bảo tao xạo”.

Tờ giấy bạc 500000 đồng của nước CHXHCN Việt Nam. Nguồn: OntheNet
Tờ giấy bạc 500000 đồng của nước CHXHCN Việt Nam. Nguồn: OntheNet

Ừ,trên qủa đất này chỉ có vài nước tin được chuyện này mà không cần vật chứng. Toàn những nước có chỉ số hạnh phúc hàng đầu thế giới cả. Hóa ra chuyện chỉ số hạnh phúc mà có dạo dân tình xôn xao lại liên quan đến mệnh giá đồng tiền. Mệnh giá càng cao, chỉ số hạnh phúc càng ngất ngưỡng.
Dạ vâng.,em đây đã hiểu.

Quay trở lại chuyện đồng tiền (bank notes). Tất cả những tờ tiền giấy Việt Nam Đồng (tiền xèng hình như không còn lưu hành) đều in hình ông Cụ. Khuôn mặt Cụ hiền từ, mắt sáng, râu dài. Hình như Cụ nhìn mọi người và cười mỉm. Cười vì lý do gì, tôi đây không nghĩ đến việc đó. Lúc trước, ý tôi muốn nói hồi chưa sử dụng giấy polyme, đồng tiền của mình chất lượng không được tốt, thường nhăn nheo dúm dó. Bây giờ chất lượng có khá hơn nhưng so với những tờ tiền của các nước khác thì không so sánh được.

Về chất lượng giấy, hoa văn, hình ảnh trên tờ tiền, tôi thích tờ tiền Mỹ hơn các tờ tiền nước khác. Tôi cũng thích cả cái câu được in trên đồng đô la Mỹ: “In God, we trust”. Dân tộc nào còn tin ở Thượng Đế thì Thượng Đế hẳn nhiên phù hộ cho họ. Tất nhiên, nếu ta còn tin vào Thượng Đế và Thượng Đế phải còn sống thì mới phù hộ được.

10,000 đô-la, mệnh giá cao nhất lưu hành 1918-46. Hình Salmon P. Chase, Thẩm phán Tối cao pháp viện Mỹ (1864-73). Nguồn: Wikipedia
10,000 đô-la, mệnh giá cao nhất lưu hành 1918-46. Hình Salmon P. Chase, Thẩm phán Tối cao pháp viện Mỹ (1864-73). Nguồn: Wikipedia

Tôi không thích tờ đô Mỹ ở một điểm: hình mấy ông tổng thống Mỹ được in ở trên đó. Nước Mỹ có nhiều chuyện hay hơn nhiều chứ không chỉ mấy ông tổng thống. Nếu tôi ở vị trí giám đốc cục dự trữ liên bang, tôi cho in hình John D. Rockerfeller, hình Henry Ford, hình Thomas Edison hoặc Bill Gates, Steve Jobs, hoặc Mark Zuckerberg cho nó thời thượng. Như thế, hình ảnh nước Mỹ sẽ được nâng lên một tầm cao mới, đại diện cho nhiều giá trị Mỹ hơn. Tất nhiên, bạn có thể đề nghị in logo của Coca Cola, Nike, Microsoft hoặc Disneyland chẳng hạn.

Chẳng có gì điên rồ ở nước Mỹ.

Tôi thích nước Nhật. Không; phải nói tôi mê nước Nhật và văn hóa của người Nhật Bản thì đúng hơn. Nước Nhật có hoa anh đào này, nước Nhật có lá phong đỏ này, nước Nhật có sushi này…nước Nhật có rất nhiều thứ làm người ta phải nhớ đến. Nhiều bạn trẻ Việt Nam chúng ta rất thích đọc các tác phẩm văn học Nhật Bản. Nổi tiếng và nóng hổi nhất bây giờ phải kể đến Haruki Murakami. Nhưng nền văn học lừng danh của Nhật Bản không chỉ có chừng đó cái tên. Những tên tuỗi lẫy lừng thế giới hiện đại phải kể đến có Natsume Soseki, Yasunari Kawabata, Dazai Osamu…

5000¥ phát hành từ năm 2004, in hình nhà văn Ichiyō (HiguchiNatsu Higuchi, 1872-1896). Nguồn: Wikipedia
5000¥ phát hành từ năm 2004, in hình nhà văn Ichiyō Higuchi (HiguchiNatsu Higuchi, 1872-1896). Nguồn: Wikipedia

Lùi về quá khứ, Nhật Bản tự hào với những nữ sĩ Ono no Komachi, Murasaki Shikibu, Higuchi Ichiyo. Ai đã từng đọc qua những gì họ viết đều không thể không mê đắm. Nước Nhật được tôn trọng không chỉ vì họ có một nền kinh tế hùng mạnh mà còn bởi họ có một nền văn hóa thật sự tinh hoa được gầy dựng bởi những tên tuổi thuộc tầm trên của nhân loại. Để tưởng nhớ đến họ, nước Nhật đã cho in hình của bốn nhà văn học lên đồng Yên của mình: nhà văn Natsume Soseki và ba nữ sĩ lừng danh Ono no Komachi, Murasaki Shikibu, Higuchi Ichiyo. Một người khác, sư biểu của nước Nhật hiện đại, Voltaire của nước Nhật hiện đại – Yukichi Fukuzawa được ghi nhớ trên tờ 10000 Yen.

 10000 yen, in hình triết gia Yukichi Fukuzawa, người sáng lập ĐH Keio. Nguồn Wikipedia.
10000¥, in hình triết gia Yukichi Fukuzawa, người sáng lập ĐH Keio. Nguồn Wikipedia.

Người Nhật rất mực tôn trọng Nhật Hoàng. Nhưng Nhật Hoàng vẫn không có chỗ nơi đồng tiền quốc gia. Viễn vông. Nếu có thể, tôi muốn tưởng nhớ các nữ sĩ của chúng ta Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm theo cùng một cách như vậy. Nếu phải in nhiều loại mệnh giá, tôi sẽ thêm các nhà văn hóa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Nếu còn chỗ thì trong danh sách chờ sẽ thêm các nhà quân sự như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo chẳng hạn.

Buồn. Tôi không thể.

Việt Nam, nếu xét về mặt lãnh thổ địa lý và theo sách vở, kéo dài từ Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mau. Nghe đồn, phía Bắc đã không còn được như sách vở đã nêu, phía Nam thì chúng ta đã chính thức hoàn tất cắm mốc biên giới với Campuchia; phía Đông mặt biển thì đang tranh chấp căng thẳng mà e rằng phần nhiều ta thua; phía Tây thì hồi đó giờ không thay đổi. Nhưng biên giới của một quốc gia liệu chỉ chừng đó? Nghĩ về nước Mỹ. Có người hỏi một người Mỹ: “nước Mỹ rộng bao nhiêu?” Người Mỹ trả lời: “biên giới nước Mỹ kéo dài đến nơi nào người ta sử dụng đồng đô la Mỹ”. Hiện thực. Đồng Việt Nam chỉ có giá trị trong lãnh thổ Việt Nam. Mang ra nước ngoài, nó không có giá trị chuyển đổi. Về mặt này, chúng ta thua cả nước Lào nhỏ bé. Và tất nhiên, thua xa đồng Bath Thái, đồng ringgit Mã Lai, đồng đô la Singapore. Tôi thường được cử đi công tác nước ngoài và đã từng đi khá nhiều nước. Tôi chưa thấy nước nào chấp nhận sử dụng tiền đồng Việt Nam.

Thường nghe nói, nước ta có 4000 (bốn ngàn) năm văn hiến. Trên đồng tiền Việt Nam tôi không thấy hình ảnh nhà văn học, nhà văn hóa, nhà chính trị, nhà quân sự nào ngoài ông Cụ cả. Tôi thích đồng tiền của chúng ta theo một kiểu khác hơn cái kiểu hiện nay. Bỏ qua chuyện thần thánh hóa lịch sử hay lịch sử hóa thần thánh, tôi nghi ngờ 4000 năm ấy.

Chúng ta chỉ có văn hiến từ thời ông Cụ chăng?

Hỏi mà không trả lời.

Sài Gòn 03/10/2013


Nguồn: Những suy nghĩ vụn vặt về đồng tiền & quốc gia. Đặng Ngữ, Facebook, 3/10/2013. DCVOnline minh hoạ.