Bài viết, bài gõ, bài vẽ

Lê Hữu

keyboard-and-pen-on-note-books-with-blank-pageTrong số các từ ở trong nước được người Việt ở ngoài nước sử dụng với tần suất khá cao có từ “bài viết”. Bài này xin tản mạn chút chút về cái từ lâu nay đã trở nên quen thuộc (đặc biệt trong giới truyền thông, báo chí) cả trong lẫn ngoài nước.

 

Chơi đàn, “bài vẽ” của bé Jacquelyn Ngo (6 tuổi)
Chơi đàn, “bài vẽ” của bé Jacquelyn Ngo (6 tuổi)

Bài viết dưới đây của giáo sư X gửi ra từ trong nước”.

Bên dưới là bài viết của một em học sinh trường Việt ngữ Văn Lang ở Seattle”.

Trong số các từ ở trong nước được người Việt ở ngoài nước sử dụng với tần suất khá cao có từ “bài viết”. Bài này xin tản mạn chút chút về cái từ lâu nay đã trở nên quen thuộc (đặc biệt trong giới truyền thông, báo chí) cả trong lẫn ngoài nước.

 Bài viết, vừa nghèo vừa lười

Trước hết cần tìm hiểu xem cái từ “bài viết” này ở đâu ra. Truy tầm nguồn gốc của từ này là việc không dễ dàng chút nào. Một người bạn tôi nói rằng từ “bài viết” được phổ biến kể từ khi một loạt… bài viết gọi là “Những việc cần làm ngay” của tác giả ký tên NVL xuất hiện trên một tờ báo lớn ở trong nước vào giữa năm 1987. Một bạn khác lại nói rằng từ này đã có từ thời… Nhân Văn-Giai Phẩm (trong loạt bài công kích các văn nghệ sĩ tham gia phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm có thấy lác đác từ này), hoặc trước đó nữa. Thật khó mà xác quyết, chỉ biết rằng từ này không thấy sử dụng ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, hoặc nếu có thì cũng hiếm khi chứ không tràn lan vô tội vạ trong cả nước như ngày nay.

Bài viết”, tùy trường hợp được sử dụng hiện nay, có thể được hiểu là:

1. Bài văn hoặc bài văn xuôi (phân biệt với văn vần) nói chung.

Bài viết” ở đây chỉ đơn giản là bài văn, bất luận đề tài gì. Có khi là những mẩu chuyện, những ghi chép vụn vặt, có khi là những cảm nghĩ về con người, sự việc, có khi chỉ là một bài “tập làm văn” hoặc luận văn của học sinh. Vài mẫu câu đọc được trên báo chí trong và ngoài nước:

Tổng hợp những bài viết hay nhất về tình yêu, tình bạn”.

Những bài viết của học sinh các trường Việt ngữ”.

Giải thưởng cho các bài viết hay về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông”.

2. Bài vở (những bài đăng tải, phổ biến trên báo chí).

Các bài vở gửi cho báo chí gọi chung là “bài viết”, khi đăng tải sẽ xếp loại theo thể loại của bài. Vài mẫu câu:

Bài viết có thể đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy và gửi về tòa soạn”.

Khi gửi bài viết xin sử dụng dạng chữ unicode”.

Trả lời chung về bài viết tham dự giải thưởng ‘Viết về nước Mỹ’”.

3. Như là một thể văn:

Thay vì gọi tên thể loại của bài văn thì gọi là “bài viết”. Vài mẫu câu:

Bài viết ‘Một chuyến Mỹ du’” (thay vì gọi là “Bài ký sự/phóng sự ‘Một chuyến Mỹ du’”).

Bài viết tường thuật trận đấu chung kết World Cup 2010” (thay vì “Bài tường thuật…”).

Bài viết có tựa ‘Kinh tế Mỹ đi về đâu?’” (thay vì “Bài nhận định…”).

Bài viết của bình luận gia X về vấn đề dân chủ hóa toàn cầu” (thay vì “Bài bình luận…”).

Bài viết về nguồn gốc và sự hình thành nền tân nhạc Việt” (thay vì “Bài biên khảo…”).

Bài viết vạch rõ những sai lầm của giới lãnh đạo” (thay vì “Bài phê bình…”).

Bài viết của tiến sĩ X về tình hình Biển Đông” (thay vì “Bài phân tích…”).

Một loạt bài viết tên là ‘Những việc cần làm ngay’ đăng trên trang nhất báo Nhân Dân” (thay vì “Một loạt bài báo…”).

Cứ theo cách gọi như trên, có lẽ chỉ trừ truyện dài, thơ, kịch, thư từ, đơn từ, bài phỏng vấn, bài dịch thuật, còn lại tất cả những bài văn về mọi đề tài mọi thể loại, từ ký sự, phóng sự, bài báo, bài góp ý, bài tường thuật, bài nhận định, bài nghiên cứu, bài phê bình, bài bình luận, bài tham luận, bài nghị luận, bài xã luận, bài tiểu luận, bài phiếm luận, bài khảo cứu, bài khảo luận, bài biên khảo, bài sưu tầm, đến những bài luận văn, tạp văn, tạp ghi, tạp bút, tùy bút… vân vân thảy đều gọi là “bài viết”. Thậm chí, truyện ngắn đôi khi cũng được gọi là “bài viết”.

Cách gọi bài viết “như là một thể văn” trong các ví dụ trên vừa có vẻ “nghèo” vừa có vẻ “lười”.

(1) Sao gọi là nghèo? Nghèo vì thiếu chữ, không nghĩ ra được tên một thể loại văn xuôi nào để gọi bài văn ấy. Gọi “bài viết” vì… không biết gọi là bài gì.

Trước năm 1975, những từ “bài viết”, “bài nói” hầu như không thấy sử dụng ở miền Nam (chỉ có “bài”, “bài văn”, “bài nói chuyện”), và hầu như không có bài văn xuôi nào mà không có được cái tên thể loại, cho dù người viết muốn viết kiểu nào. Viết linh tinh lang tang, viết chuyện trên trời dưới đất, chuyện không đầu không đuôi, chuyện nọ xọ chuyện kia… vẫn được gọi là “tạp bút”, “tạp ghi”, “tạp văn”, “tạp luận”, “tản văn”, “đoản văn”… Viết tả tình tả cảnh, viết tùy hứng, tùy nghi, tùy tiện, vẫn được gọi là… “tùy bút”.

Cách gọi chung chung “bài viết” như thế chỉ có làm nghèo đi chứ khó mà gọi là “làm giàu thêm kho tàng tiếng Việt”.

Cái “nghèo” này còn thể hiện ở không ít từ khác. Tính từ “tốt” chẳng hạn, được sử dụng vô tội vạ: người tốt, việc tốt, lao động tốt, học tập tốt, vệ sinh tốt, đoàn kết tốt, kỷ luật tốt, chấp hành tốt, tham gia tốt, phấn đấu tốt, tự giác tốt, kiểm điểm tốt, tiếp thu tốt, công tác tốt, đồng chí tốt, bạn bè tốt, láng giềng tốt, đối tác tốt…, cái gì cũng tốt, tốt, tốt, mà không rõ là “tốt”… như thế nào, “tốt” ra làm sao? Chỉ độc nhất có một chữ “tốt”, muốn hiểu sao thì hiểu (trong lúc tiếng Việt mình không thiếu chữ). Cũng chả cần phân biệt tính từ với trạng từ (nói “học giỏi”, “thi đấu giỏi”, “lãnh đạo giỏi”, chứ không thể nói “học tốt”, “thi đấu tốt”, “lãnh đạo tốt”…)

 Hoặc, một thời các bài viết, các sách nghiên cứu, lý luận, phê bình ở miền Bắc thường có cái tựa bắt đầu bằng chữ “Về”, nói về một sự kiện, biến cố, chủ thuyết…, như “Về chủ nghĩa thực dân mới”, “Về chủ nghĩa tư bản hiện đại”, “Về phong trào thơ mới”, “Về văn hóa văn nghệ”, “Về Tự Lực Văn Đoàn”… Hoặc, các bài bài viết lan man thường có cái tựa bắt đầu bằng “Tản mạn về…”, như “Tản mạn về tiếng Việt”, “Tản mạn về bóng đá”, “Tản mạn về rượu vang”, “Tản mạn về mùa thu”, “Tản mạn về tình yêu”, “Tản mạn về thư pháp ngày xuân”… Cách đặt tựa “Tản mạn về…” này cũng được người Việt ngoài nước tiếp thu và ưa chuộng, mặc dầu “tản mạn” (tính từ) chỉ có nghĩa tương tự “rải rác”, “rời rạc”, chứ không có nghĩa như “mạn đàm”, “chuyện trò” (động từ). Nói “ý nghĩ tản mạn” hoặc “câu chuyện tản mạn” thì hợp nghĩa hơn.

(2) Sao gọi là lười? Lười đến mức không cho nổi bài văn ấy một cái tên thể loại.

Lười vì không muốn/không chịu động não. Từ một bài tập làm văn của một học sinh tiểu học đến những bài nghiên cứu, lý luận, phê bình của các học giả, các nhà khoa bảng, hoặc nhà văn, nhà báo, người cầm bút chuyên nghiệp đều là… “bài viết” tuốt.

Lười vì gọi thế cho… xong chuyện, không phải mất thì giờ tìm kiếm cái tên gọi thích hợp. Lười vì ai gọi sao thì mình gọi vậy.

Cách gọi “nghèo” và “lười” ấy không cho người đọc có chút khái niệm nào về bài gọi là “bài viết”. Ai lại chả biết là bài viết, nhưng mà là bài… gì mới được chứ? Cái từ “bài viết” nghe rất chung chung, rất “huề vốn”.

Cách tốt nhất vẫn là chịu khó cho “bài viết” ấy một cái tên thể loại đàng hoàng.

Bài gõ, tại sao không?

 Cần hiểu như thế nào về từ “bài viết” hiện nay? Liệu có thể định nghĩa tổng quát: nói chung, “bài” gì được “viết” ra trên giấy đều có thể gọi là “bài viết” được.

Thực tế, ngày nay nhiều bài viết được gõ ra trên bàn phím computer hơn là viết ra trên giấy. Như thế chắc phải gọi là “bài gõ” thì chính xác hơn. “Bài gõ”, tại sao không? Trước lạ, sau quen. Như các “từ lạ” khác, thoạt đầu nghe lạ tai, dùng riết thành quen tai.

Gpc bài. Nguồn: .leffic.com
Gõ bài. Nguồn: .leffic.com (DCVOnline minh họa)

Viết loăng quăng trên giấy gọi là “bài viết”, gõ lóc cóc trên bàn phím gọi là “bài gõ”. Tương tự, vẽ lăng nhăng trên giấy gọi là “bài vẽ” (thay cho “họa phẩm”, “bức họa”, “bức tranh”, “bức vẽ”). “Bài vẽ”, cũng như “bài viết”, không cần phải nêu rõ thể loại, thể tài (sơn dầu, màu nước, màu bột, lập thể, trừu tượng, siêu thực, chân dung, phong cảnh, tĩnh vật…). “Bài vẽ”, thế thôi, muốn hiểu sao hiểu.

Cứ theo cách ấy, ta còn có thêm những “bài nói” (thay cho “bài nói chuyện”, “bài phát biểu”, “bài diễn thuyết”, “bài thuyết trình”, “bài thuyết giảng”, “bài thuyết pháp”), “bài đọc” (thay cho “bài diễn văn”, “bài diễn từ”, “bài tham luận”), “bài múa” (thay cho “vũ khúc”, “màn vũ”), “bài ngâm” (thay cho “thi phẩm”, “bài thơ”). Tại sao không? Bài nhạc gọi là “bài hát” thì bài thơ cũng gọi là “bài ngâm” được vậy.

Những từ “bài nói”, “bài vẽ”, “bài múa” vẫn được sử dụng trong nước (và ngoài nước, đôi khi). Vài mẫu câu:

Bài nói của Steve Jobs tại trường đại học Stanford rất lôi cuốn”.

Ban giám khảo đã chọn ra ba bài vẽ xuất sắc nhất”.

Bài múa ‘Chiều lên bản thượng’ vào chung kết”.

Cách dùng này có thể triển khai dựa trên “công thức” khá đơn giản: đi sau chữ “bài” là một động từ (như: viết/vẽ/gõ/khắc/nói/đọc/hát/ngâm/múa/chụp/quay/diễn…).

Vì sao từ “bài viết” lại được phổ biến rộng rãi từ trong nước ra đến ngoài nước? Có thể là khởi đầu báo, đài ở trong nước đăng tải, phát đi một “bài viết” của nhân vật nào đó và báo, đài ở ngoài nước khi trích dẫn đã lặp lại nguyên văn (“bài viết của…”). Từ chỗ quen nghe, quen đọc đến chỗ tiếp thu và trở thành thói quen sử dụng đến mức có muốn thay cũng chẳng biết thay bằng… từ gì. Hơn nữa, gọi “bài viết” thì cũng … tiện, đơn giản hóa và đỡ phức tạp.

Bài viết”, thôi thì cũng được đi, nếu gọi chung những “bài” viết ra trên giấy (hay gõ ra trên bàn phím), thế nhưng khi… gọi riêng thì cũng nên cho biết bài ấy là… bài gì.

Dẫu sao việc trong nước, ngoài nước đều sính dùng từ “bài viết” này (như đều sính dùng các từ ca từ, đặc trưng, đăng ký, đứng lớp, phát hiện, tâm đắc, tham gia, tranh cãi…) rất là vô tư, mà không gọi “từ” này “từ” kia, không thắc mắc khiếu nại ai dùng “từ” của ai, cũng cho thấy là người Việt trong nước và ngoài nước, trong một nghĩa nào đó, đã “gần nhau trong tiếng nói”.

Bài viết của tác giả XYZ

Chuyện “Tản mạn về từ ‘bài viết’” có thể ngừng ở đây nếu “bài viết” chỉ là… bài viết mà không cần gắn thêm cái đuôi “của tác giả…” Nói “bài viết” thôi thì e không được cụ thể, không có đầu đuôi, gốc gác rõ ràng, vì vậy mới có thêm cụm từ “bài viết của tác giả (tên tác giả)” để làm rõvụ việc, cung cấp thêm thông tin về bài viết ấy.

Một vài mẫu câu đọc được trên báo trong, ngoài nước:

Bài viết của tác giả TC rất công phu, cung cấp nhiều tư liệu có giá trị”.

Bài viết của tác giả NHQ một phần nào trả lời câu hỏi ấy”.

Bài viết của tác giả DTL đăng trong báo Xuân Người Việt”.

(Đôi lúc ta còn gặp những “bài viết của tác giả nhà văn/nhà thơ XYZ”).

Đây cũng là lối viết đặc trưng của người Việt trong và ngoài nước từ sau năm 1975 (cũng được không ít “những người viết cũ” của miền Nam tiếp thu và ưa chuộng).

Vì sao lại cần phải có thêm từ “tác giả” đứng trước tên của… tác giả? Có thể hiểu hoặc suy luận (đúng/sai) một trong những lý do thế này:

– Ghi rõ như thế cho cẩn thận và… chắc ăn (có thừa một chút cũng không sao), vì có khi bài viết ghi tên tác giả nhưng tác giả… thật lại là người nào khác.

– “Tác giả” ở đây không chỉ là… tác giả hiểu theo nghĩa thông thường mà còn là một danh xưng, danh hiệu (title), cũng tựa như “học giả”, “diễn giả”, “soạn giả”, “dịch giả”.

– “Tác giả” này không phải là nhà văn, nhà báo, nhà thơ… hay “nhà” gì chuyên nghiệp, hoặc là nhiều “nhà” quá không biết gọi sao cho đúng, bèn gọi là “tác giả” cho… gọn.

Cho dù hiểu theo nghĩa nào thì việc đặt hai chữ “tác giả” trước tên tác giả là thừa và… vô nghĩa, không khác nào nói “nhà sử gia”, “nhà tâm lý gia”, “nhà phê bình gia” (thay vì “nhà sử học”, “nhà tâm lý học”, “nhà phê bình”), hoặc “quý thính giả nghe đài”, “quý khán thính giả xem đài”. Cách dùng hợp lý bao giờ cũng là đặt hai chữ “tác giả” trước tên tác phẩm, chứ không phải trước tên tác giả. Ví dụ: nói “tác giả Cô Gái Đồ Long” chứ không nói “tác giả Kim Dung” (hoặc “tác giả nhà văn Kim Dung”), nói “tác giả Buồn Ơi, Chào Mi!” chứ không nói “tác giả Francoise Sagan”, nói “tác giả Bướm Trắng” chứ không nói “tác giả Nhất Linh”, nói “tác giả Vòng Tay Học Trò” chứ không nói “tác giả Nguyễn Thị Hoàng”…

Đề nghị vài cách điều chỉnh: ví dụ, thay vì nói/viết “Bài viết của tác giả Kim Dung”:

1. Thay tên tác giả bằng tên tác phẩm: “Bài viết của tác giả Cô Gái Đồ Long”.

2. Thay “tác giả” bằng danh hiệu (title) đứng trước tên người viết (nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà biên khảo…): “Bài viết của nhà văn Kim Dung”.

3. Không ghi “tác giả”, ghi “ông/bà/anh/chị/cô…” trước tên người viết, hoặc chỉ ghi tên người viết: “Bài viết của ông Kim Dung” hoặc “Bài viết của Kim Dung”.

Có thể ghi “Bài viết của tác giả” (không ghi tên người viết sau từ “tác giả) nếu tên tác giả (Kim Dung) đã được đề cập trước đó. Ví dụ: “Bài viết của tác giả rất lý thú”.

Trở lại với từ “bài viết”, thiết nghĩ nếu từ này được ưa chuộng vì đơn giản và… thuần Việt thì từ “tác giả” cũng nên đổi thành từ “người viết” (hay “người gõ”, “người vẽ”, “người chụp”…), vừa tương ứng với từ “bài viết” vừa thể hiện được tinh thần “ta về ta tắm ao ta” và “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Thay vì nói “Bài viết của tác giả ABC” hoặc “Bài vẽ của tác giả XYZ”, nói “Bài viết của người viết ABC” hoặc “Bài vẽ của người vẽ XYZ”. Thoạt nghe hơi lạ tai, nghe mãi cũng thành quen tai. Trước lạ, sau quen. (Từ “người viết” về sau này cũng thấy khá phổ biến, một số tác giả xưng mình là “người viết” trong các “bài viết”).

Sau hết, để kết thúc bài này, xin dẫn ra hai bài viết “mẫu” đọc được trong các báo mạng (online): * “Bài viết” thứ nhất của một em học sinh tiểu học, viết về “ông nội của em”:

Nhà em có nuôi một ông nội. Ông không có răng. Sáng sáng mẹ em cho ông nội ăn. Trưa trưa ba em cho ông nội ăn. Hôm nào không có ba và mẹ ở nhà thì ông nhịn đói. Ông nội trông nhà rất giỏi. Tuy ông già nhưng rất ít khi ngủ vì bị lao phổi, ho suốt cả đêm. Vì vậy nhà em suốt mấy chục năm nay không bị mất trộm vì chúng tưởng trong nhà em lúc nào cũng có người còn thức.

* “Bài viết” thứ hai của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, “Mọi chuyện đều là trò đùa” (trích đoạn bài “Bệnh của chữ, bệnh của người”):

Có một cách nói chỉ mới nảy sinh vài chục năm nay song được mọi người bình thường đón nhận khá hào hứng, đó là khi nói về những cái hay, cái tử tế, người nói thường kèm thêm hai chữ ‘hơi bị’ ở đằng trước: ‘Cái áo này hơi bị vừa’, ‘Cái nhà kia hơi bị nổi trong khung cảnh’, ‘Em hơi bị đẹp, anh hơi bị buồn’ (thơ Nguyễn Duy). Thử phân tích kỹ một chút: chữ ‘bị’ trong tiếng Việt vốn chỉ cái điều thụ động, không thích làm không thích nhận, hoặc đơn giản là cái gì kém, hỏng, lạc điệu. Nay nó lại được dùng cho những phẩm chất tích cực. Một quá trình tâm lý nào đã xảy ra ở đây? Tôi muốn đẩy cho ý nghĩ lan man một chút, đi tới cùng trên cái hướng mà nhiều người đã dừng. Phải chăng nay là lúc sự đời nhuế nhóa, nhiều sự việc đến với chúng ta trong cái vẻ không thuần nhất, bảo là vui cũng được, bảo là buồn cũng được? Cái tốt đẹp lại mang trong nó mầm tai họa? Cái xấu xí hóa ra lại ở với mình lâu dài? Trong đùa cợt ở đây có cả sự ê chề của kẻ bị lừa quá nhiều nên thiếu niềm tin lẫn nhận thức sâu xa về cuộc đời hỗn loạn, suy đến cùng là một cái gì giống như cảm giác về thế giới lộn ngược, và người ta phải đùa để xả hơi. Phong cách đùa bỡn trở thành ngôn ngữ chủ yếu của đời sống?

Xin cám ơn các quý độc giả đã dành thì giờ đọc qua bài viết của tác giả…

*Những chữ in nghiêng trong bài là từ ngữ hoặc cách dùng chữ ở trong nước.


Nguồn: bài viết, bài gõ, bài vẽ. Lê Hữu, damau.org, 3.02.2012

“Da Màu chủ trương một diễn đàn văn chương không biên giới, một diễn đàn mở rộng cho mọi khuynh hướng sáng tác, mọi tác giả, mọi khai phá đúng nghĩa. Da Màu thúc đẩy sự cảm thông và chấp nhận những dị biệt bắt nguồn từ văn hóa, ngôn ngữ, phái tính, màu da, lịch sử, địa lý, chính kiến… qua các hình thái văn học nghệ thuật.”

1 Comment on “Bài viết, bài gõ, bài vẽ

  1. Khi mà các đấng lãnh đạo chỉ có trình độ lớp ba trường làng thì văn hóa hiện tại ở trong nước như thế này chẳng có gì lạ cả.