Giải Nobel Kinh Tế 2013

Kiều Tiến Dũng

Dr. Francis Crick's Nobel Prize Medal on Heritage AuctionsĐược gọi tắt là giải Nobel Kinh Tế nhưng thật ra đấy là giải thưởng mang tên chính thức là Giải Thưởng Sveriges Riksbank về Kinh Tế để tưởng niệm ông Alfred Nobel. Nhưng giải thưởng này cũng thuộc quyền quyết định của Hàn Lâm Viện Khoa Học Hoàng Gia Thụy Điển.

Giải này chỉ bắt đầu từ năm 1969, và năm nay 2013, giải thưởng Kinh Tế lần thứ 45 đã được công bố hôm qua thứ Hai 14/10/2013 là sẽ được trao cho Gs Eugene Fama, Gs Lars Hansen và Gs Robert Shiller:

“cho các công trình phân tích thực nghiệm về giá cả các tài sản kinh tế.”

**
Sơ lược tiểu sử ba vị giáo sư Hoa Kỳ đoạt giải Nobel Kinh Tế năm 2013:

Giải Nobel Kinh tes 2013. Nguồn: REUTERS/Claudio Bresciani/TT News Agency
Giải Nobel Kinh tes 2013. Nguồn: REUTERS/Claudio Bresciani/TT News Agency

Gs Eugene Fama, 74 tuổi, sinh tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts. Ông hoàn tất luận án tiến sĩ năm 1964 tại đại học Chicago, và một trong hai Gs đỡ đầu luận án của ông là Gs Merton Miller cũng đã đoạt giải Nobel Kinh Tế trước đó. Hiện thời là ông Fama là Gs ngành Tài Chính cũng tại đại học Chicago.

Gs Lars Hansen, 62 tuổi. Ông lấy bằng tiến sĩ vào năm 1978 tại Đại Học Minnesota thuộc thành phố Minneapolis. Ông hiện là Gs ngành Kinh Tế và Toán Thống Kê cũng tại đại học Chicago.

Sau cùng là Gs Robert Shiller, 67 tuổi, sinh tại thành phố Detroit. Michigan. Vào năm 1972, ông trình luận án tiến sĩ tại đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology). Hiện thời ông đang là Gs ngành Kinh Tế Học tại Đại Học Yale, thuộc tiểu bang Connecticut. GS Shiller còn được liệt vào danh sách 100 nhà kinh tế có nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới hiện nay.

**
Gs Shiller hồi tháng 6 năm nay đã lên tiếng cảnh giác rằng chính sách kích thích kinh tế của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ bằng cách hạ giảm lãi suất chính thức (xuống gần như zero từ cuối năm 2008) đã khuyến khích việc đầu cơ quá trớn vào bất động sản, không những ở Hoa Kỳ mà còn ở khắp nơi trên thế giới, làm giá nhà tăng quá mức thành những bong bóng giả tạo, nghĩa là khi giá cả vượt lên quá cao so với giá trị căn bản của nhà cửa.

Riêng tại Hoa Kỳ, giá nhà đã tăng vọt lên đến 12% trong năm qua. Ngoài ra giá bất động sản cùng nhảy vọt ở một số quốc gia khác như Trung Cộng, Ba Tây, Ấn Độ, Úc, Na Uy và Bỉ.

Trước đây trong quá khứ, năm 2005, chính Gs Shiller cũng đã lên tiếng cảnh báo là giá nhà ở Hoa Kỳ có nguy cơ bị hâm nóng quá mức. Và không lâu sau đó, thị trường nhà cửa của Hoa Kỳ bị sụp đổ gây nên vụ khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2008 – 2009.

**
Giải thưởng Kinh Tế năm nay được đặt dưới một đề tài chung là về việc định giá tương lai của các tài sản kinh tế như cổ phần chứng khoán (stocks) hay các tín phiếu tài chánh (bonds). Tuy vậy công trinh của 3 vị giáo sư được giải lại rất khác nhau, và có phần trái ngược nhau ở nhiều điểm.

Công trình của Gs Lars Hansen mang tính chất kỹ thuật nhiều nhất trong việc ông đã tìm ra và phát triển một khái niệm và phép tính trong toán thống kê (generalized method of moments) cho các phương trình kinh tế phức tạp. Về hai công trình có vẻ trái ngược của hai giáo sư kia, thì Gs Hansen đã cho là các công trình đó tuy trái ngược nhưng lại bổ túc cho nhau – mặc dù là ngay lúc này người ta chưa biết là mô hình nào là chính xác hơn mô hình nào.

Gs Eugene Fama được coi là cha đẻ của giả thuyết thị trường chứng khoán là vô cùng hiệu quả (efficient market hypothesis). Nói cách khác là ở mỗi một thời điểm giá cả thị trường chứng khoán được định đoạt một cách chính xác nhất, với tất cả những dữ kiện và tin tức có được vào lúc bấy giờ. Điều này có nghĩa là mọi phỏng đoán của ta về giá cả tương lai của thị trường đều là vô vọng, vì không ai có thể định giá chính xác hơn thị trường – trừ phi ta có những dữ kiện về một cổ phần nào đó mà không một ai khác có. Một khi thị trường đã có được đầy đủ các tin tức dữ kiện rồi thì những thay đổi giá cả về sau chỉ là một “hành trình ngẫu nhiên” (theo từ chuyên môn toán học gọi là random walk).

Hệ quả của giả thuyết này là các quỹ đầu tư (investment funds) không thể cho ta nhiều lợi nhuận về lâu về dài như chính thị trường chứng khoán. Do đó cách đầu tư hay nhất là mua những chỉ số của thị trường (market index) qua các quỹ chỉ số (index funds) thay vì mua bán các cổ phần riêng lẻ.

**
Nếu hệ quả của giả thuyết trên đây là ta không thể định giá một cách chính xác các cổ phần trong một tương lai ngắn hạn được, thì Gs Shiller đã dựa trên các dữ kiện quá khứ để chứng minh được rằng ta lại có thể định giá chúng khá chính xác trong một tương lai dài hạn!

Tuy nhiên ngày nay người ta cũng chưa biết tại sao ta có thể định giá tương lai dài hạn chính xác hơn tương lai ngắn hạn như thế. Để giải thích hiện tượng này, Gs Shiller cho rằng con người không phải lúc nào cũng dùng lý luận mà chính thái độ và cái nhìn đầy cảm xúc của con người đã cho ta có thể đoán trước được phần nào phản ứng của con người trong nhưng tình huống tương tự. Chính vì phản ứng tâm lý của con người nên ta đã định giá quá lố so với giá trị cơ bản của tài sản. Và rồi sau đó giá cả sẽ dược điều chỉnh lại trong tương lai khi lý luận trở lại với con người được dựa trên sự thật và dữ kiện hơn là cảm xúc bốc đồng nhất thời. Đây được gọi là ngành học “behavorial finance” – ngành tài chính dựa trên thái độ tâm lý.

Điều này đã làm cho một số người đặt nghi vấn về mức độ chính xác của giả thuyết của Gs Fama về sự hiệu quả của thị trường. Lý thú hơn nữa, chính Gs Fama gần đây cũng đã đưa ra một giả thuyết là ta có thể chọn lựa được cổ phần nào phải mua và những cổ phần nào có thể bán để đem lại lợi nhuận trên trung bình.

**
Ngành tài chánh thị trường chứng khoán là một bộ môn còn tương đối mới mẻ và đang được đẩy mạnh và nghiên cứu từ nhiều hướng khác nhau, không hẳn là chỉ thuần sử dụng các phương pháp toán thống kê. Và ngay cả các khái niệm và phương pháp nghiên cứu trong vật lý cũng bắt đầu được áp dụng vào thị trường qua bộ môn rất mới được đặt tên là Econophysics — tạm dich là ngành Vật Lý Kinh Tế.

(Cá nhân tôi cũng đang có những nghiên cứu và cũng đang đỡ đầu cho một luận án tiến sĩ tại đại học Melbourne về ngành Econophysics này.)

**
Bản chất của việc dự đoán thị trường như được trình bày trên đây thoạt nghe qua có vẻ nghịch lý và hoàn toàn trái ngược với việc dự đoán thời tiết chẳng hạn. Với thời tiết ta có thể dự đoán chính xác nắng mưa, nóng lạnh trong thời gian vài ngày ngắn ngủi. Nhưng càng đi xa hơn vào tương lai thì những dự đoán đó lại càng kém chính xác hơn. Đây là hệ quả của hiện tượng gọi là chaos (tức là hỗn loạn) của những phương trình toán học phi tuyến tính (non-linear equations). Hiện tượng chaos này thường được vật cách hóa qua cái khẽ đập cánh của nàng bướm nhỏ bé ở Singapore mà có thể gây ra những trân bão ở nửa vòng quay trái đất. (Hay lấy cái ví dụ mà hầu như quý vị đàn ông trong chúng ta ai cũng đều biết, đấy là cái khẽ chớp mắt của mấy nàng cũng lại có thể gây ra bao sóng gió bão tố về sau.)

Dự đoán trong thị trường chứng khoán thì ngược lại: hầu như không được chính xác trong thời hạn ngắn, nhưng càng về lâu về dài thì lại khá hơn! Nhưng đấy cũng không phải là điều phải làm ta hết đổi ngạc nhiên. Ngay chính bản thân chúng ta đây còn không dự đoán được là những gì mình sẽ làm gì trong vài giờ, vài ngày, tháng, năm tới đây sẽ thành công hay thất bại. Nhưng chúng ta ai cũng có thể khẳng định chắc chắn là về lâu về dài, ai cũng sẽ phải ra đi: sinh ký tử quy là vậy.

Do đó điều quan trọng không phải ở cái điểm tới cuối cùng kia, mà quan trọng và ý nghĩa hơn hết chính là ở những gì ta đang cố gắng thực hiện ngay bây giờ, trong thời điểm này. Hãy sống cho trọn vẹn.

Melbourne, Úc Châu
Tháng 10, 2013


Nguồn: Bài đã phát thanh do Hồn Việt Radio gởi đến DCVOnline.net.