Bài học Nhật Bản (3)

Khôi Nguyên, HVR

chalkSong song với những chính sách cải cách kinh tế dựa vào các yếu tố thuận lợi và điều kiện sẵn có, được đặt trên nền tảng ý thức cao độ về tinh thần quốc gia dân tộc, nền giáo dục của Nhật Bản cũng là một lĩnh vực rất quan trọng góp phần làm thay đổi bộ mặt đất nước mặt trời mọc, đồng thời đưa địa vị xứ Phù Tang lên hàng cường quốc trên thế giới từ sau bước phát triển thần kỳ ở giữa thế kỷ thứ 20.

Giáo dục (1/3)

Giáo dục chính là nguồn tài nguyên vô tận sản sinh nhân tài, tinh hoa cho đất nước để từ đó làm đà thúc đẩy bước tiến xây dựng nền móng xã hội, kiến thiết quốc gia trên con đường hùng mạnh phú cường. Qua tiền đề này, trong loạt bài Phù Tang Ký Sự với đề tài “Bài Học Nhật Bản” xin được cùng quý vị tìm hiểu về lịch sử nền giáo dục Nhật Bản.

Với hình thể địa lý tự nhiên là một đảo quốc thiếu thốn tài nguyên nên mục tiêu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực làm việc trong nước luôn là vấn đề ưu tiên hàng đầu của chính quyền Nhật Bản suốt từ thời phong kiến cho đến ngày nay và nếu có sự khác biệt thì cũng chỉ là những yếu tố tùy thuộc vào bối cảnh lịch sử của từng thời kỳ. Theo sử liệu, từ thời cổ đại xa xưa, người Nhật Bản chưa có ý niệm rõ ràng về giáo dục nhưng căn cứ theo nội dung quyển thi ca cổ là “Bần Cùng Vấn Đáp Ca” (Hingu Monto Ka) của nhà thơ Yamanoue no Okura (Sơn Thượng ức Lương, 660–733) vốn thuộc dòng quý tộc vào cuối thế kỷ thứ 7, thì những điều hướng dẫn, chỉ dạy con cái của các bậc phu huynh đã được đề cao và hình thành tuy chưa sắp xếp thành hệ thống quy củ.

Thơ của Nguồn: McCullough, Stanford University Press, 1985
Thơ của Yamanoue no Okura. Nguồn: McCullough, Stanford University Press, 1985

Trước đó, vị thái tử tên Thánh Đức (Shotoku Taishi) sinh năm 574 mất năm 622 cũng được coi là một nhà chính trị rất quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là việc truyền bá kiến thức Phật học với công trình biên soạn những bài luận giải về các bộ kinh Phật như Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (Saddharma Pundarika Sutra) thường gọi vắn tắt là Pháp Hoa Kinh, cùng Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh (Vimalakirti Sutra) và Thắng Man Kinh (Srimaladevi Sutra) vốn là những quyển kinh chứa đựng giáo lý chính yếu của Phật Giáo Đại Thừa nói về sự chuyển hóa của Phật Tính và khả năng giải thoát chúng sinh. Mặt khác, Thánh Đức thái tử còn có công xây dựng 7 ngôi chùa, trong đó chùa Pháp Long Tự (Horyuji) vẫn còn là một di tích thu hút nhiều người đến tham bái ở tỉnh Nara ngày nay, vốn đã được cơ quan UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1993 do đặc tính kiến trúc bằng loại gổ cổ xưa nhất thế giới. Pháp Long Tự có tên nguyên thủy là Pháp Long Học Vấn Tự (Horyu Gakumonji), cũng đã cho thấy tầm mức quan tâm về giáo dục của thái tử Thánh Đức.

Đến đầu thế kỷ thứ 8, Nhật Bản chính thức thành lập chế độ giáo dục dựa theo khuôn mẫu điều luật Vĩnh Huy của nhà Đường, Trung Hoa với cơ chế đào tạo giáo dục để bổ nhiệm quan lại điều hành cấp trung ương gọi là Quốc Tử Giám trong thời kỳ Nho học cực thịnh. Tuy nhiên, Nhật Bản chỉ căn cứ theo khuôn mẫu này trên hình thức cách gọi tên còn về nội dung giáo dục và tuyển chọn quan lại thì được phát triển theo đặc tính văn hóa riêng biệt của mình. Cùng lúc, sự du nhập hệ thống chữ viết Hán tự và Nho Giáo đã đưa Nhật Bản tiến đến việc xây dựng những trường học dành cho giới thượng lưu do triều đình đề xướng với chương trình giảng dạy về lịch sử, văn chương, toán học. Kế đến, các trường học thuật chuyên ngành lần lượt ra đời với những môn học về Y, Dược, Châm Cứu, Bấm Huyệt, Thiên Văn và Nhã Nhạc, tức loại nhạc cung đình.

Sau đó, do Thiền Học bành trướng rộng khắp Nhật Bản nên các Thiền Viện đã trở thành nơi giáo dục tư tưởng mang tầm ảnh hưởng đến chính sách cai trị của các sứ quân, lãnh chúa trong suốt gần 400 năm từ thế kỷ thứ 12 đến cuối thế kỷ thứ 16. Đây cũng là giai đoạn mà nền giáo dục được phổ biến trong mọi tầng lớp dân chúng khi học vấn không còn là đặc quyền ưu tiên của giới quý tộc hoặc giai cấp thượng lưu giàu có.Vì sự phát triển xã hội kèm theo mức gia tăng dân số đưa đến nhu cầu cấp bách cần thiết nguồn nhân lực cung ứng nên từ đó người dân được dến trường học tập để nâng cao kiến thức lẫn tay nghề chuyên môn.

Trong thời kỳ phong kiến cực thịnh Edo (1603-1868) của Nhật Bản , ở các thị trấn làng mạc hẻo lánh cũng đã có nhiều trường học được gọi là Terakoya (Tự Tử Phòng) với chữ Tự là Chùa, Tử là trẻ con và Phòng là căn phòng, do nhà chùa và các đoàn thể của địa phương thiết lập, được coi là một hình thức giáo dục dân gian dể giúp cho giới bình dân có được kiến thức căn bản về chữ nghĩa, số học cùng các kiến thức liên quan đến ngành nghề sinh sống của họ. Điều đặc biệt là tuy Terakoya được coi như những lớp dạy trẻ mẫu giáo vỡ lòng, những sau đó lại phát triển rất nhanh chóng và có nhiều người lớn theo học nên ở vào thời mạt kỳ của chế độ phong kiến, tức cuối thế kỷ thứ 19, tỷ lệ số người Nhật biết chữ đạt đến một con số khá cao khiến cho những người phương Tây đến đây phải ngạc nhiên thán phục vì họ cho rằng các quốc gia vùng châu Á đều bị chậm tiến, lạc hậu. Nhưng người Tây Phương không biết rằng ngay từ buổi ban đầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nước Nhật đã có đến hơn 11.000 trường học. Đây cũng là điểm khởi nguồn của hệ thống giáo dục thời Minh Trị vốn đặt nặng về hình thức thi cử với chính sách mở ra thêm nhiều trường học để giáo dục dân chúng trong công cuộc canh tân xứ sở.

Dù sao lúc đương thời, nước Nhật cũng mới chuyển mình từ chế độ phong kiến do các sứ quân lãnh chúa nắm quyền thao túng bước sang thời kỳ cải cách của vua Minh Trị Thiên Hoàng nên nguồn nhân lực do triều đình tuyển dụng phải trải qua những đợt thi cử gắt gao và sinh ra nạn phân biệt giai cấp. Nhưng ngay sau khi ổn định triều chính, vua Minh Trị đã ban hành luật Tứ Dân Bình Đẳng, trong đó Sĩ Nông Công Thương đều có quyền lợi và nghĩa vụ đối với đất nước như nhau. Tuy nhiên, cho tới thời đệ Nhị Thế Chiến, nền giáo dục bậc đại học ở Nhật Bản vẫn còn tồn tại kiểu mẫu đào tạo một số rất ít sinh viên để đưa họ trở thành viên chức cấp cao của chính quyền trung ương.

Qua bối cảnh này, giáo dục được xem là con đường cạnh tranh duy nhất để có cơ hội tiến thân và thực sự được xem là bình đẳng với các tầng lớp thượng lưu tại Nhật Bản. Chính vì vậy mà nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi (Phúc Trạch Dụ Cát) đã đề cao tư tưởng nâng cao dân trí qua quyển sách “Khuyến Khích Học Vấn” và đả phá chính sách đặt nặng hình thức đào tạo nhân tài để củng cố lực lượng quân đội, quan lại của vua Minh Trị Thiên Hoàng.

Cũng qua quyển sách mang giá trị tư tưởng đề cao học vấn này, Fukuzawa Yukicho còn nhấn mạnh đến lợi ích của sự giáo dục để làm thức tĩnh tinh thần độc lập, ý chí độc lập của người dân trong một quốc gia nhược tiểu đang bị đe doạ trước nhiều nguy cơ xâm chiếm từ ngoại bang mà chúng tôi xin được trích dẫn sau đây, nhằm đối chiếu với tình trạng đất nước Việt Namhiện nay:

Fukuzawa Yukicho. Nguồn: cristoraul.com

Fukuzawa Yukicho. Nguồn: cristoraul.com
Fukuzawa Yukicho. Nguồn: cristoraul.com

“Từ đời này qua đời khác, người ta chỉ học để làm quan chứ có ai muốn học để làm dân đâu. Làm quan đã trở thành cái đích trong cuộc đời. Ngay cả các bậc sĩ phu danh giá cũng không thoát khỏi ảnh hưởng đó. Tuy nhiên, xu hướng “làm quan” cũng là điều dễ hiểu vì tính chất xã hội đã khiến người ta phải như vậy. Cứ thế, trào lưu “quyền lực là chìa khóa vạn năng” nhiễm sâu vào lòng người. Nên dân ta ai cũng chỉ muốn làm trong công sở chính quyền, rồi tìm cách leo lên hàng quan chức chính phủ để có quyền hành và bổng lộc.

Tóm lại, hiện nay Nhật Bản có chính phủ, có cả dân. Nhưng có lẽ chúng ta mới chỉ có dân mà chưa có “quốc dân Nhật Bản”.

Khai hóa văn minh bắt đầu từ việc tự mình bắt tay vào làm và chứng minh bằng thực tế cụ thể, cho mọi người tận mắt thấy việc thực. Làm trước nói sau. Chứ không thể để như tình trạng nước ta hiện nay, hễ định làm gì cứ phải họp bàn, giải thích, thảo luận dài dòng vô bổ. Chính phủ có quyền ban hành chỉ thị, mệnh lệnh. Nhưng hiểu và biến những chỉ thị này thành hiện thực phải là người dân, là khu vực tư nhân. Chính vì thế, song song với việc mở trường tư thục, chúng ta quyết định thực hiện sự nghiệp khai sáng cho dân chúng bằng cách giảng dạy học thuật, làm thương nghiệp, nghiên cứu luật pháp, xuất bản sách, phát hành báo, với tư cách của một người thuộc khu vực tư nhân, không nằm trong chính phủ.

Chúng ta làm việc này trong phạm vi, bổn phận của một quốc dân làm theo luật pháp, không sợ làm mất thể diện chính phủ. Nếu chính phủ đi ngược lại lợi ích của người dân, với bổn phận của mình, chúng ta sẽ đường đường chính chính kháng nghị, tranh luận với chính phủ cho đến khi chính phủ tỉnh ngộ, để giành lại chữ “Tự do Dân quyền”.

Trình độ của nền văn minh hiện có ở nước ta là kết quả của bao đời ông cha chúng ta tự lực làm nên, nhưng nếu đem so với phương Tây thì rõ ràng “mình mới bước được một bước thì người ta đã nhảy ba bước”. Đã chậm hơn phương Tây thì đương nhiên phải học, đằng này trong chúng ta lại nảy sinh tư tưởng chỉ biết ngồi bi quan than thở: vì họ chạy nhanh như vậy ta có cố mấy cũng chẳng làm sao mà bằng được phương Tây.

Đến giờ chúng ta mới cảm nhận được môt thực tế là nền độc lập của nước ta sao mà mong manh, yếu ớt đến khi đứng trước sức mạnh của phương Tây.

Không thể đánh giá được công cuộc khai hóa văn minh của một nước nếu chỉ nhìn vào diện mạo bề ngoài không thôi. Dù chính phủ Minh Trị có tự mãn đến mấy vì đã xây dựng đợc rất nhiều trường học, nhà máy xí nghiệp, xây dựng lục quân hải quân, thì tất cả những thứ đó cũng chỉ là cái vỏ bên ngoài, chỉ là “phần xác” của một quốc gia văn minh. Để hoàn thiện hình thức bề ngoài thì rất đơn giản vì chỉ cần có tiền. Có tiền là xây được trường học, mua được máy móc, dựng được nhà xưởng, trang bị, súng ống, tàu bè cho quân đội.

Nhưng, có một vấn đề không hiện ra thành hình ở đây. Vấn đề này mắt không nhìn thấy, tai không nghe được, không thể mua bán, không thể vay mượn. Nó liên quan tới tất cả người Nhật Bản chúng ta. Nó có ảnh hưởng rất mạnh. Không có nó, mọi hình thái của văn minh như những gì mà tôi đã nêu ra ở trên đều không thể phát huy được hiệu quả trong thực tế. Nó là cái quan trọng nhất và phải được coi là “phần hồn” của văn minh. Vậy đó là cái gì?

Đó chính là: “Chí khí độc lập của người dân, tinh thần độc lập của nhân dân!”

Chính nhờ vào những tư tưởng đặt quyền lợi dân tộc lên trên chính quyền của Fukuzawa Yukichi, người dân Nhật đã nhìn ra thời cuộc và vị trí của đất nước Nhật Bản trong bối cảnh đứng trước hiểm họa xâm chiếm của Tây Phương và từ đó những tư tưởng này cùng với sự sáng suốt của vua Minh Trị kịp thời đẩy mạnh chính sách cải cách toàn diện mà trong đó giáo dục được nâng cao nên Nhật Bản đã tạo được nền móng vững chắc cho công cuộc tái kiến quốc gia sau khi bị chiến tranh tàn phá cho đến nay

Nhìn qua cách nhận định trung thực với những lời lẽ hùng hồn của một nhà tư tưởng khai phóng, tận tụy vì nền độc lập quốc gia, hạnh phúc dân tộc và đi trước thời đại như Fukuzawa Yukichi, người Việt Nam chúng ta không khỏi đau lòng nhớ lại hình ảnh của nhà chí sĩ Phan Bội Châu, người từng khởi xướng phong trào Đông Du vào đầu thế kỷ 20, với mục đích khuyến khích và đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật thu thập kiến thức để nâng cao dân trí nhằm góp phần vào công cuộc đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập quốc gia. Nhưng đáng tiếc là cuộc vận động của nhà chí sĩ họ Phan một đời vì nước đã không thành công vì nhiều yếu tố lịch sử nghiệt ngã lúc đương thời.

Trong khi Nhật Bản đang vươn vai thành một cường quốc bậc nhất trong vùng Châu Á thì đầu năm 1905, cụ Phan Bội Châu rời Việt Nam bôn ba khắp nơi như Hồng Kông, Quảng Châu, rồi Thượng Hải và từ đó sang Nhật. Tại đây, cụ Phan gặp Lương Khải Siêu, một nhà trí thức cải cách của Trung Hoa, đang lưu vong ở Nhật. Một trong những tác phẩm để đời của nhà cách mạng Phan Bội Châu là “Việt Nam Vong Quốc Sử” cũng được Lương Khải Siêu vận động nguồn tài chính xuất bản. Sau đó, Lương Khải Siêu còn giới thiệu cụ Phan với các nhà lãnh đạo chính trị Nhật Bản nhằm yêu cầu phía Nhật Bản giúp đỡ cụ trong việc đánh đuổi thực dân Pháp.

Nhờ vậy, nhà chí sĩ Phan Bội Châu đã gặp được hai nhân vật là Okuma Shigenobu (Đại Ôi Trọng Tín), giữ chức Thủ Tướng Nhật Bản vào các năm 1898 và 1914 và là người sáng lập Đại học Waseda, cùng Inukai Tsuyoshi (Khuyển Dưỡng Nghị, sau trở thành thủ tướng vào các năm 1931-1932).

Theo ý nguyện ban đầu của cụ Phan Bội Châu là mong muốn chính quyền Nhật giúp đỡ về mặt quân sự như cung cấp vũ khí, huấn luyện binh sĩ để chuẩn bị khởi nghĩa. Nhưng theo cách nhìn của Inukai Tsuyoshi và Okuma Shigenobu thì đầu tiên Việt Nam cần phải có kế hoạch đào tạo lớp nhân tài để xây dựng một đội ngũ trí thức mới và sau này họ sẽ là những người khởi xướng và lãnh đạo cuộc cách mạng giành độc lập từ tay thực dân Pháp.

Từ đó, qua cuộc vận động của cụ Phan Bội Châu, phong trào Đông Du hình thành với hàng trăm thanh niên Việt Namyêu nước sang Nhật du học. Trong dịp này, cụ Phan cũng có cơ hội tìm hiểu những tài liệu liên quan đến công cuộc canh tân đất nước thời Minh Trị Duy Tân nên càng nhìn ra được tầm quan trọng về yếu tố giáo dục, đào tạo nhân tài trên con đường đưa nước ra khỏi ách đô hộ và tiến đến vị trí cường quốc. Hơn nữa, chiến thắng cuối cùng của Nhật Bản trong cuộc đụng độ với Nga tại eo biển Tsushima (Đối Mã) vào năm 1905 còn làm nức lòng giới sĩ phu Việt Namcũng như toàn thể các quốc gia châu Á về khả năng tự cường của quốc gia mình trước thế lực quân sự ngoại xâm Tây Phương.

Từ năm 1907, sau khi cụ Phan Bội Châu về nước phía Nhật Bản đã giữ lời hứa thu nhận khoảng 200 thanh niên Việt Namsang du học, trong khi cụ Phan cũng đưa một nhân vật thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn là Kỳ Ngoại Hầu Cường Để sang Nhật để hoạt động cùng với giới thanh niên của phong trào Đông Du qua tổ chức Việt Nam Duy Tân Hội do ông Cường Đề lãnh đạo. Theo kế hoạch ban đầu, Việt Nam Duy Tân Hội là nơi hoạt động và học hỏi những kinh nghiệm xây dựng đất nước theo mô hình của Nhật Bản nên được coi là tiền thân của nhà nước quân chủ lập hiến sau này nếu Việt Namđánh đuổi được thực dân Pháp

Trong khi tình hình tạm thời được coi là thuận lợi với niềm kỳ vọng lớp thanh niên sau khi thành tài trở về giúp nước thì diễn tiến thời cuộc sau đó giữa các cường quốc tranh hùng đã làm thay đổi kế hoạch của cụ Phan Bội Châu. Do việc tranh giành quyền lợi ở các quốc gia thuộc địa, Nhật đã bắt tay với Pháp qua việc hai bên ký kết hiệp ước Pháp-Nhật mà qua đó Nhật Bản thừa nhận quyền lợi của Pháp ở các thuộc địa Châu Á, còn Pháp tôn trọng quyền lợi của Nhật ở bán đảo Triều Tiên, Mãn Châu và Đài Loan.

Vì vậy, từ năm 1908 theo yêu cầu của Pháp, chính quyền Nhật Bản đã trục xuất nhóm thanh niên Việt Namcùng với Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, coi như phong trào Đông Du bị tan rã và điều quan trọng nhất cho thấy công cuộc cách mạng đưa đất nước ra khỏi vòng nô lệ ngoại bang hay thoát khỏi ách độc tài của các đảng phái cầm quyền người bản xứ đều không thể nhờ cạnh người ngoại cuộc mà phải do chính người dân trong nước thực hiện nếu không muốn bị phản bội bất cứ lúc nào.

Đó cũng chính là bài học về ý thức độc lập quốc gia, tinh thần độc lập dân tộc mà nền giáo dục của một đất nước phải xây dựng và bồi đắp cho các thế hệ theo như nhận định của nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi.

Nhân đề cập đến tinh thần độc lập , có một giai thoại liên quan đến phong trào Đông Du mà có lẽ chúng ta đều từng nghe qua.

Đó là theo lời thuật lại của cụ Lê Dư, hiệu là Sở Cuồng một nhà nghiên cứu văn học-lịch sử Việt Namtừng theo cụ Phan Bội Châu sang Nhật du học, kể lại rằng:

“Lúc cụ Phan Bội Châu mới sang Tàu, một nhân sĩ Trung Hoa là Dương Giác Đôn, đưa cụ đến gặo một đại thần của triều đình Mãn Thanh là Trang Uẩn Khoan. Họ Trang tuy tiếp cụ Phan rất ân cần nhưng sau khi cụ ra về, Trang Uẩn Khoan lại bảo Dương Giác Đôn: rằng “Người Việt Nam có bản tính nô lệ nên dù có vài chí sĩ như Phan Bội Châu cũng không làm được gì”. Sau đó, vào năm 1912, khi Tôn Dật Tiên, tức Tôn Văn là người khởi xướng cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 lật đổ triều đình Mãn Thanh, sang viếng thăm Nhật Bản và được nhà chính khách Nhật là Khuyển Dưỡng Nghị (tức Inukai Tsuyoshi) khoản đãi. Sau bữa tiệc, Khuyển Dưỡng Nghị bất thần hỏi Tôn văn: “Tôi được biết Tiên sinh có dịp qua Hà Nội, xin Tiên sinh cho biết tôn ý về dân tộc Việt Nam?”

Bị hỏi một cách đột ngột, Tôn Văn chỉ kịp nhớ lại câu nói của Trang Uẩn Khoan, rồi vội vã đáp: “Người Việt Nam vốn nô lệ căn tính. Ngày xưa, họ bị người Hán chúng tôi đô hộ, ngày nay họ lại bị người Pháp cai trị. Dân tộc ấy quả không có tương lai”.
Nghe xong, Khuyển Dưỡng Nghị liền nói: “Về điểm này tôi xin phép không đồng ý với Tiên sinh. Ngày nay người Việt Namthua Pháp vì không có khí giới tối tân, nhưng cứ xét theo lịch sử, thì trong số Bách Việt, chỉ có họ là thoát khỏi, không bị Hán hóa. Tôi tin rằng một dân tộc biết tự bảo vệ một cách bền bỉ, như vậy thì thế nào sớm muộn cũng sẽ giành lại được quyền độc lập tự chủ.”

Lúc này, Tôn Văn đỏ mặt, vì hiểu ý Khuyển Dưỡng Nghị muốn châm chọc, cho rằng Tôn Văn có nguồn gốc là người Quảng Đông, tổ tiên là người Khách Gia (Hakka), tức người Hẹ một sắc tộc trong Bách Việt, nhưng kém xa dân tộc Việt Nam, vì đã bị Hán hóa hoàn toàn. Sau bữa tiệc, Khuyển Dưỡng Nghị còn gọi điện thoại mời mấy người học sinh người Việt do ông bảo trợ đến để kể cho họ nghe câu chuyện và tỏ ra hớn hở vì đã thắng Tôn Văn trong cuộc đối thoại.

Chú thích: ở đây, chúng tôi cũng xin được không dùng từ An Nam trong giai thoại này vì đây là cách gọi trịch thượng có ý khinh miệt của người Tàu mà sử dụng chữ Việt Nam vừa chính xác vừa mang tính khách quan.

Tóm lại, qua câu chuyện giai thoại này, chúng ta càng nhận thấy vai trò rất quan trọng nơi ý thức và tinh thần độc lập của một dân tộc mà qua đó nền giáo dục lại càng quan trọng hơn vì là điều kiện để xây dựng, bồi đắp, lưu truyền cho nòi giống.

Đến đây, chúng tôi xin tạm dừng và hẹn gặp lại quý thính giả trong phần 2 về đề tài nền giáo dục Nhật Bản vào tuần tới.


 Nguồn: Bài đã phát thanh do Hồn Việt Radio gởi đến DCVOnline.net.