Bài học Nhật Bản (4)

Khôi Nguyên, HVR

japan-pupilsNhật Bản đã và đang trở thành một trong những cường quốc giáo dục hàng đầu của thế giới.

Giáo dục (2/3)

Ngày nay, bên cạnh địa vị của một cường quốc kinh tế với sức mạnh chi phối và tạo ảnh hưởng khắp thế giới, Nhật Bản còn được biết đến là một đất nước có hệ thống giáo dục rất đa dạng kèm theo phẩm chất đào tạo đạt tiêu chuẩn cao. Qua những con số thống kế trong năm 2012, hầu như ở Nhật Bản không có tình trạng người mù chữ và đặc biệt hơn là số lượng học sinh theo học tiếp tục lên bậc đại học, cao đẳng hoặc chuyên ngành đã vượt qua ngưỡng cửa 70% tức sánh bằng Hoa Kỳ và còn bỏ xa một số quốc gia trong khối Liên Âu, đã cho thấy mức độ hiệu quả của nền giáo dục đạt phẩm chất đào tạo và hình thành nền móng vững chắc cho Nhật Bản tiếp tục phát triển kinh tế trong thời hiện đại. Do đó, hệ thống giáo dục của Nhật Bản cũng được xếp hạng Ba trên thế giới chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Anh Quốc.

Xét về nguyên nhân gần, thì nhờ vào chiến lược giáo dục mang tầm nhìn sâu rộng, ngay từ năm 1984 Nhật Bản đã chuẩn bị cho một đội ngũ trí thức nhằm cung ứng cho nhu cầu bước vào thế kỷ thứ 21 qua việc xây dựng một hệ thống giáo dục gọi là Shogai Gakushu (Sinh Nhai Học Tập), tức Life Long Learning, được chuyển dịch là hệ thống giáo dục suốt đời, có ý nghĩa là con người luôn tiếp tục những hoạt động trong cuộc đời dựa trên nền tảng của sự học tập. Trong tiếng Nhật, dụng ngữ “Sinh Nhai Học Tập” đã cho thấy cuộc sống gắn liền với sự học và được Ban Thẩm định Hội đồng Giáo dục Trung ương của bộ Giáo Dục diễn nghĩa một cách rộng hơn rằng,

“Nhằm mục đích phát triển tư tưởng, trí tuệ để nâng cao cuộc sống, con người ai cũng phải dựa vào khả năng đóng góp cho xã hội của mình vốn là những kiến thức đặt trên nền tảng của sự học hành. Đó chính là những kỹ thuật, kỹ năng, sự hiểu biết được ứng dụng cho từng người. Đồng thời, những kiến thức này cũng do mỗi cá nhân tự lựa chọn để thích hợp với khả năng đóng góp của mình. Điều này được gọi là sự học tập cả đời.”

Qua hệ thống giáo dục suốt đời, Nhật Bản đã xây dựng thành công một xã hội khuyến khích và quý trọng sự học tập với thế hệ trẻ phát triển toàn diện, năng động, tự chủ, sáng tạo, có khả năng đáp ứng những nhu cầu mới trong nền kinh tế của thời đại toàn cầu hóa nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Nhật Bản trên trường quốc tế. Điều này cũng được chứng tỏ qua sự kiện Nhật Bản đang dần hồi phục kinh tế sau thời kỳ suy trầm và dù cho có tụt xuống vị trí cường quốc kinh tế hạng Ba sau Trung cộng, nhưng Nhật Bản vẫn là một đầu tàu quan trọng ở khu vực châu Á có tầm ảnh hưởng sinh tử đến nền kinh tế toàn cầu cũng như không ai có thể phủ nhận được sức mạnh to lớn từ nền tảng hạ tầng cơ sở của Nhật. Trong khi Trung cộng chỉ nhờ vào sự đầu tư mạnh mẽ của giới doanh nhân ngoại quốc. trong đó có cả Nhật Bản, nên vươn lên từ lợi thế lương nhân công rẻ mạt, tạo giá thành thấp rồi phát triển từ thế mạnh xuất cảng, nhưng đó chỉ là bộ mặt phồn vinh bên ngoài vì với hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, môi trường bị tàn phá, đất đai canh tác bị sa mạc hóa, nền kinh tế luôn phải đương đầu với vấn nạn cung cấp lương thực cho khối lượng dân số khổng lồ của Trung cộng có thể sụp đổ nhanh chóng bất cứ lúc nào.

Trở lại hệ thống giáo dục hiện hành của Nhật Bản, nhờ vào chính sách đa dạng hóa và chuẩn bị kỹ lưỡng, các chương trình đào tạo nhân tài này đã giúp Nhật Bản đạt được kết quả cao trong các kỳ đánh giá phẩm chất giáo dục quốc tế PISA (Programme for International Student Assessment) vào các năm 2000, năm 2003, năm 2006 và nhất là trong những năm gần đây. PISA là một chương trình điều tra kết quả học tập của học sinh do tổ chức Hợp các & Phát triển Kinh tế OCED (The Organisation for Economic Co-operation and Development) thực hiện. Tổ chức OCED cũng được coi là diễn đàn kinh tế của 34 quốc gia thành viên gồm những nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới với mức thu nhập người dân cao. Trong số này, Nhật Bản cùng Đại Hàn và Do Thái là 3 quốc gia thành viên thuộc khu vực Châu Á, còn Úc và Tân Tây Lan là hai quốc gia thành viên của Châu Đại Dương cùng với 25 thành viên của Châu Âu và 4 thành viên khác ở khu Bắc Mỹ, Nam Mỹ.

Daigaku Wakumon http://books.google.ca
Daigaku Wakumon http://books.google.ca

Bên cạnh đó, phải kể đến hệ thống các trường cao đẳng chuyên nghiệp, dạy nghề ở Nhật cũng phát triển song hành với nền giáo dục kiến thức lý thuyết để tránh tình trạng “nhiều thầy, thiếu thợ”, vốn được coi đáp ứng cho hai nhu cầu đặt ưu tiên hàng đầu trong hệ thống đào tại học sinh Nhật Bản gồm có: thứ nhất hình thành hệ thống giáo dục cưỡng bách ở bậc tiểu học và trung học cấp 2 với mức độ phổ biến rộng khắp toàn quốc và xem đó một là nghĩa vụ đối với quốc gia, thứ hai mở các trường dạy nghề và đạo tạo đội ngũ có tay nghề kỹ thuật cao thuộc mọi lĩnh vực cung ứng cho kinh tế như nông, lâm, ngư nghiệp và ngành công nghiệp. Nhờ vậy, Nhật Bản có được nguồn nhân lực tương đối cân bằng để hình thành nền tảng vững chắc cho những bước phát triển hiện nay. Tuy nhiên, trước tình trạng lão hóa dân số ngày càng rõ nét, Nhật Bản cũng phải mở cửa đón nhận nhân công nước ngoài qua các chương trình đặt trên danh nghĩa đào tạo nghiên cứu sinh và thực tập sinh ngoại quốc từ những năm đầu thập niên 2000.

Trong khi đó, xét về nguyên nhân xa thì phải trở về lịch sử từ thời phong kiến cực thịnh là giữa thời kỳ Edo ở thế kỷ 17 với nền học thuật đặc thù của Nhật Bản gọi là Quốc Học (Kuni Gaku) để phân biệt học thuật Tây Phương mà lúc đương thời người Nhật đặt tên là Rangaku (Lan Học), tức những kiến thức do người Hòa Lan du nhập vào xứ Phù Tang khi đất nước này mở cửa giao thương với bên ngoài. Đặc tính của nền Quốc Học là quy gộp những điều nghiên cứu, lý luận về văn hóa, tư tưởng và tinh thần của người Nhật để đối chiếu với nền tảng của Nho học và Phật Học vốn được truyền bá trước đó đã lâu đời, rồi từ đó chọn lọc những giá trị thực tiển áp dụng vào cuộc sống.

Trên thực tế, ảnh hưởng của Nho học tại Nhật Bản chỉ là một phần nhỏ phù hợp với dân tộc tính người Á Đông trong thời đại phong kiến, nên từ khi nền Quốc Học ra đời, Nho học chỉ còn là bóng mờ quá khứ và trở thành đối tượng bị phê phán của một số nhà tư tưởng mới kèm theo trào lưu đòi phế bỏ chế độ phiên trấn do các sứ quân hoặc lãnh chúa nằm quyền cai trị người dân ở từng địa phương và đặt dưới quyền thống trị của Mạc Phủ ở cấp chính quyền trung ương. Chẳng hạn như nhà tư tưởng Kumazawa Banzan (Hùng Trạch Phiên Sơn) đã viết quyển sách “Đại Học Hoặc Vấn” (Daigaku Wakumon) theo văn thể vấn đáp qua ý nghĩa đưa ra những nghi vấn về nền học thuật Nho học chủ trương trung quân ái quốc một cách cực đoan.

Keisei Hisaku. Nguồn: geocities.jp
Keisei Hisaku. Nguồn: geocities.jp

Kế đến, tác giả Honda Toshiaki (Bản Đa Lợi Minh) trong quyển luận thư “Kinh Thế Bí Sách” (Keisei Hisaku) cũng đưa ra lời kêu gọi giới võ tướng nắm quyền đương thời hãy mở rộng giao thương và học hỏi nơi người Tây Phương để phát triển đảo quốc Nhật Bản. Tất cả những tác phẩm, tài liệu này được gọi chung là Kinh Thế Luận (Keiseiron), vốn viết tắt từ chữ Kinh Thế Tế Dân (Keisei Saimin) nghĩa là Trị Thế Cứu Dân do các nhà tư tưởng xuất thân từ cửa Khổng sân Trình đã sớm nhìn ra được bối cảnh thời cuộc thay đổi nên quyết định từ bỏ ảnh hưởng của Nho học, để đưa đất nước vượt ra khỏi cảnh lạc hậu. Nhưng phải đợi đến khi vua Minh Trị Thiên Hoàng khôi phục quyền lực của triều đình, giải thể chế độ Mạc Phủ từ khoảng gần cuối thế kỷ thứ 19 thì những chính sách quyết đoán, cải cách mạnh mẽ của Nhật Bản mới thực sự được thực hiện trên toàn bộ lĩnh vực kinh tế, giáo dục, xã hội và chính trị.

Một đặc điểm khác trong dòng phát triển nền giáo dục dưới thời phong kiến Nhật Bản là sự hạn chế phần nào đối với nữ giới. Điển hình là từ niên hiệu Đại Bảo Thiên Hoàng năm thứ 2, tức năm 702, theo điều luật giáo dục được ban hành tuy phái nữ không được theo học tại trường đào tạo giới quan liêu, nhưng vẫn được học tại các trường dạy về y, dược, nhã nhạc, thi ca. Kế đến, vào thời Heian (Bình An, 794-1192) khi hệ thống chữ viết Vạn Diệp Giả Danh (Manyogana) là loại chữ cổ mượn ký tự của chữ Hán để diễn đạt tiếng Nhật được ra đời thì cũng xuất hiện dòng thi ca của phái nữ. Đây cũng là thời kỳ phát triển nền giáo dục về nghệ thuật cầm, kỳ, thi, họa, ngâm thơ và đặc biệt là môn học về thơ Nhật Bản gọi là Hòa Ca rất quan trọng đối với sự học vấn của nữ giới.

Qua đó, một tác phẩm thuộc loại truyện kể mang tựa đề Genji Monogatari (Nguyên Thị Vật Ngữ) thường được gọi tắt là truyện Genji, có nghĩa là câu chuyện kể về người tên Nguyên Thị, được xem là quyển tiểu thuyết xuất hiện đầu tiên của nhân loại nếu hiểu theo ý nghĩa tiểu thuyết ngày nay, lại do một phụ nữ Nhật Bản có biệt danh là Murasaki Shikibu (Tử Thức Bộ) sáng tác. Murasaki Shikibu là một nữ văn sĩ cung đình Nhật Bản được suy định rằng sinh và mất trong khoảng thời gian từ năm 970-1014 và không rõ tên thật của bà là gì.

Murasaki Shikibu. CBC.ca
Murasaki Shikibu. Nguồn: CBC.ca

Truyện Genji Monogatari được sáng tác vào khoảng những năm 1010 thời đại Heian bằng chữ viết Vạn Diệp Giả Danh, theo thể loại monogatari, tức loạitruyện cổ điển đã có lịch sử phát triển từ 200 năm trước đó của Nhật Bản. Tác phẩm này gồm 54 chương, thuộc một trong những truyện dài nhất, tuy có phần phức tạp về nội dung nhưng lại quyến rũ người xem do yếu tố trữ tình, ly kỳ. Riêng về mặt lịch sử văn học thế giới, bộ truyện này được đánh giá là quyển tiểu thuyết ra đời sớm hơn rất nhiều so với sự ra đời của tiểu thuyết ở châu Âu với tác phẩm Don Quixote de la Mancha của Miguel de Cervantes, hoặc quyển Hồng Lâu Mộng của Trung Hoa đến 6 thế kỷ.
Tác phẩm này gồm hai phần: phần chính gồm khoảng 44 tập đầu tiên đề cập đến những cuộc phiêu lưu tình ái trong cung đình của hoàng tử Genji tại kinh đô. 10 tập tiếp theo được viết về con trai của Genji tên là Kaoru.

Theo nhận định của giới nghiên cứu lịch sử văn học thế giới, truyện Genji vừa chịu ảnh hưởng của truyện hoang đường, truyện thơ, lại hấp thụ truyền thống của thơ cổ và thể văn nhật ký, đã xây dựng nên một thế giới hư cấu tráng lệ, được xem như tác phẩm văn học tiêu biểu của Nhật Bản ở mọi thời đại, tương tự như truyện Kiều ở Việt Nam hoặc kịch bản Romeo & Juliet hay Hamlet của Shakespeare ở Anh. Tác giả của truyện không sử dụng yếu tố hư cấu như hư cấu mông lung mà dựa vào hư cấu để biểu hiện một cách sắc bén chân tướng của người đời.

Truyện Genji nổi tiếng đến mức được đem giảng dạy trong chương trình giáo dục và học sinh bậc tiểu học ở Nhật cũng biết nhưng thực ra để thấu hiểu bản nguyên tác thì có lẽ không có mấy người. Do đó, độc giả phải thưởng thức bằng những bản dịch thành tiếng Nhật ngày nay. Hơn nữa, phiên bản chính của truyện Genji ra đời khoảng năm 1008-1010 đã mất và bản sao lại ngày nay là phiên bản từ thời Kamakura tức 200 năm sau khi tác phẩm này ra đời vốn có nhiều chỗ không được rõ ràng về cú pháp. Ngoài ra, loại tiếng cổ ngữ và kính ngữ lại được sử dụng đầy dẫy khiến người đọc khó lòng nắm hiểu ý tưởng của tác giả.

Tương tự như nhiều quốc gia trên thế giới, quá trình phát triển nền giáo dục của Nhật Bản gắn liền với sự phát triển của chế độ chính trị, kinh tế và đời sống văn hóa-xã hội. Từ một xã hội phong kiến tập quyền khép kín, kinh tế tiểu nông, công nghệ lạc hậu, tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn, Nhật Bản đã có bước nhảy vọt về giáo dục qua việc thành lập Bộ Giáo dục vào năm1871 đưa đến chính sách phát triển hệ thống cưỡng bách giáo dục bậc tiểu học bắt và bình đẳng đối với tất cả trẻ em từ 6 tuổi, không phân biệt nam nữ, tôn giáo, thành phần xã hội… Chính sách cưỡng bách giáo dục cũng được thực hiện và điều chỉnh theo từng giai đoạn thích hợp. Số năm học bắt buộc được nâng dần từ 3-4 năm vào 1886 trở thành 6 năm vào năm 1908. Vào năm 1899. tỷ lệ nhập học bậc tiểu học đã đạt 99%. Còn nền giáo dục cưỡng bách và miễn phí 9 năm, tức đến hết trung học cấp hai được thực hiện từ năm 1947 với việc ban hành Luật cơ bản về Giáo dục và Luật giáo dục nhà trường. Nhờ chính sách này mà ngay từ đầu thế kỷ 20, Nhật Bản đã sớm thực hiện thành công viêc phổ cập cưỡng bách giáo dục bậc tiểu học cho trẻ em trong độ tuổi quy định, tức một thành tựu giáo dục cơ bản mà ở thời đó chưa có nhiều quốc gia thực hiện được.

Sau khi bại trận và bắt đầu tái kiến đất nước, hệ thống giáo dục cơ bản của Nhật được quy định theo dạng 6-3-3-4. Nghĩa là tiểu học 6 năm, trung học cấp hai 3 năm, trung học cấp ba 3 năm , tổng cộng là 12 năm học giáo dục phổ thông. Sau khi học xong bậc phổ thông thì học sinh có thể tiếp tục theo học các bậc cao hơn.

Điều đáng kể là tỷ lệ người dân biết chữ cao nhất trên thế giới được xem là một thành tựu nổi bật của nền giáo dục Nhật Bản từ sau đệ Nhị Thế chiến. Vì vậy, số người Nhật trẻ tuổi đóng góp công sức làm việc cho xã hội với trình độ văn hoá cao hơn cũng tăng nhiều so với thời kỳ trước đó. Cụ thể là vào năm 1950, hơn 45% học sinh Nhật Bản tốt nghiệp cấp 2, tức là sau khi hoàn thành chương trình cưỡng bách giáo dục, bắt đầu đi làm việc ở độ tuổi 15, còn 43% học sinh vào trung học phổ thông để tiếp tục học. Hiện tỷ lệ học sinh tiếp theo học bậc trung học cấp ba của Nhật Bản đã tăng đến mức 97%.

Hệ thống giáo dục Nhật Bản cũng chia làm 3 loại gồm Quốc Lập (Kokuritsu) tức trường của quốc gia, Công Lập (Koritsu) trường do chính quyền địa phương xây dựng và Tư Lập (Shiritsu) là tư thục. Trong đó, hệ thống giáo dục công lập Nhật Bản chiếm đa số với khoảng 95% ở cấp tiểu học và trung học. Chương trình giảng dạy cho bậc tiểu học, trung học được bộ Giáo Dục ban hành và quản trị rất chặt chẽ. Cứ sau khoảng 10 năm, Bộ Giáo dục lại ban hành giáo trình và sách giáo khoa theo tiêu chuẩn mới phù hợp với xu hướng thời đại, có nội dung chi tiết hướng dẫn cụ thể cho mỗi môn học tại trường tiểu học và các trường trung học . Việc chỉnh sửa các chương trình giảng dạy và sách giáo khoa được cơ chế hội đồng chuyên môn bao gồm các chuyên gia về giáo trình, giáo sư tại các trường đại học, giáo viên, thành viên của các ban ngành giáo dục tại địa phương và những bậc lão thành có kinh nghiệm khác trong xã hội, cùng biên soạn.

Trong khi đó trường dạy nghề tư nhân cũng chiếm tỷ lệ 80%-90% trong tổng số trường dạy nghề trên cả nước với đặc điểm kà ngành kỹ thuật thông tin chiếm đa số. Ở các thành phố lớn có các trung tâm đào tạo kỹ thuật thông tin và kỹ thuật hoạt động độc lập. Các trung tâm này có vai trò đào tạo giáo viên, hoàn thiện tài liệu và nghiên cứu phương pháp giảng dạy. Để sử dụng hiệu quả các nguồn ngân sách quốc gia, các trung tâm đào tạo ở những thành phố được trang bị dụng cụ, máy móc tối tân như các hệ thống máy điện toán quy mô lớn.

Chi tiêu hàng năm của các cơ sở giáo dục cho mỗi học sinh/sinh  viên cho mọi dịch vụ. Nguồn: OECD
Chi tiêu hàng năm (2007 US dollars) của các cơ sở giáo dục cho mỗi học sinh/sinh viên cho mọi dịch vụ. Nguồn: OECD

Giáo dục đại học của Nhật Bản được mở rộng bắt đầu từ những năm thập niên 1960 do nhu cầu của sự phát triển kinh tế quá nhanh chóng. Năm 2008, Nhật Bản đã có đến 589 trường đại học tư thục, khoảng 86 đại học công lập cấp quốc gia và 90 đại học công lập địa phương. Phần lớn ngân sách quốc gia được dành cho giáo dục đại học công lập khi chiếm gần 1,3% GDP, mặc dù phần lớn sinh viên đang theo học ở các đại học tư thục.

Trước năm 1998, sự phân bố vai trò của các trường đại học là phải đáp ứng được tiêu chuẩn là: đại học công lập cung ứng nhân lực quốc gia; đại học địa phương cung ứng nhân lực cho cấp tỉnh và thành phố, còn đại học tư thục thì đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường. Tuy nhiên, sự phân bố này sau đó không còn thích hợp với tình hình thực tế do sự thay đổi hình thức và nội dung giảng dạy của các trường đại học dẫn đến việc xóa bỏ ranh giới giữa 3 khu vực. Tỷ lệ học sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng ở Nhật Bản ngày càng nhiều, hiện chỉ đứng sau Hoa Kỳ (khoảng 50%).

Tóm lại, Nhật Bản đã và đang trở thành một trong những cường quốc giáo dục hàng đầu của thế giới.


Nguồn: Bài đã phát thanh do Hồn Việt Radio gởi đến DCVOnline.net.