Samurai

Khôi Nguyên, HVR

samuraiChữ “Samurai” có cách đọc theo âm Hán Việt là “Thị” và được người Nhật sử dụng như một biệt danh để nói về những người biết võ nghệ làm thuộc hạ cho giới võ tướng (Shogun) và các lãnh chúa (Daimyo) hoặc giai cấp quý tộc trong thời kỳ phong kiến ở thế kỷ thứ 10 cho đến thế kỷ thứ 19. 

Phù Tang ký sự

Cách đây hơn 2 năm, trận động đất kinh hoàng xảy ra vào tháng Ba năm 2011 tại vùng Đông Bắc Nhật Bản tuy gây thiệt hại nặng nề về vật chất lẫn nhân mạng nhưng cũng đã khiến dư luận thế giới kính phục về sự chịu đựng và cách ứng xử bình tĩnh của người Nhật trước cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Sau thảm họa mang tính cách kỷ lục này, hiện nay người dân vùng Đông Bắc Nhật Bản đang trở lại sinh hoạt bình thường bên cạnh những vết tích của trận địa chấn và sóng thần đã được khôi phục hoàn toàn với tốc độ nhanh chóng. Qua đó, một lần nữa cho thấy sức mạnh tinh thần đặt trên nền tảng kỷ luật trật tự và ý thức tòng phục giới lãnh đạo, đã giúp Nhật Bản vượt qua sự tàn phá của thiên tai mà nhiều người cho rằng đây chính là một trong những nét biểu hiện đặc tính nơi tinh thần Võ Sĩ Đạo hay thường được gọi là Samurai của người Nhật vốn xuất phát từ khoảng thế kỷ thứ 10.

Chữ “Samurai” có cách đọc theo âm Hán Việt là “Thị” và được người Nhật sử dụng như một biệt danh để nói về những người biết võ nghệ làm thuộc hạ cho giới võ tướng (Shogun) và các lãnh chúa (Daimyo) hoặc giai cấp quý tộc trong thời kỳ phong kiến ở thế kỷ thứ 10 cho đến thế kỷ thứ 19. Samurai vốn có ý nghĩa nguyên gốc từ động từ “Saburau” nghĩa là tòng phục, phục vụ, bảo vệ. Từ đó, giới kiếm sĩ Samurai tuy chỉ được xếp vào địa vị hạng 6 trong hệ thống giai tầng của xã hội phong kiến Nhật Bản nhưng vì họ phục vụ cho giới nắm quyền lực quốc gia nên cũng được coi là một giai cấp cao hơn những kiếm khách dân gian thế tục.

Thị. Nguồn: Wikipedia
Thị. Nguồn: Wikipedia

Về mặt chiết tự, chữ Samurai là Thị có bộ Nhân đứng trước chữ Tự. Nhân là người và Tự là chùa, đền thờ hay còn có nghĩa dinh thự tức nơi cư ngụ của giới quan lại. Vì vậy, chữ người đứng trước chữ dinh thự đồng nghĩa với người hầu việc.

Theo người Nhật, Samurai chỉ là cận vệ hoặc thị vệ, tức một thành phần thấp nhất trong giai cấp võ sĩ mà Nhật ngữ gọi là bushi vì giai cấp này gồm cả giới võ tướng cùng lãnh chúa. Tuy nhiên, qua cách nhìn của người ngoại quốc thì danh từ Samurai lại được hiểu theo nghĩa bao quát là người võ sĩ. Do đó, từ những tài liệu dịch thuật được phổ biến rộng rãi ngoài lãnh thổ Nhật Bản hiện nay, Samurai mặc nhiên được nhìn nhận là người đại diện giới võ sĩ thời phong kiến, còn đối với tiếng Việt thì được chuyển dịch là võ sĩ đạo.

Trong Nhật ngữ, võ sĩ đạo đọc là “Bushido” vốn được coi là nền tảng căn bản về giá trị văn hóa và triết lý đạo đức của giới võ sĩ. Sau khi trải qua nhiều thế hệ, những giá trị tinh thần này được tổng hợp thành hệ tư tưởng mang đặc tính luân lý có sức ảnh hưởng sâu rộng trong nếp sống xã hội Nhật Bản cho đến ngày nay.

Vào thời trung cổ và cận đại, tinh thần võ sĩ đạo là những quy tắc tất yếu buộc giới võ sĩ phải tuân theo ý niệm về các đức tính như trung thành, hy sinh, tín nghĩa, tiết kiệm, giản dị, thượng võ, nhân ái. Sau đó, các đức tính này được cụ thể hóa và thấm sâu vào xã hội rồi trở thành bản sắc riêng biệt của người dân Nhật qua những điều tâm niệm như: trung thành với Thiên Hoàng, hiếu thảo với cha mẹ, nghiêm khắc với bản thân, nhân từ đức độ với kẻ dưới, khoan dung độ lượng với kẻ địch, tránh điều dục vọng cá nhân, tôn trọng lẽ công chính, xem danh dự nặng hơn danh vọng phú quý. Vì vậy, tinh thần Võ Sĩ Đạo còn được gọi là tinh thần Nhật Bản.

Theo sử liệu, Samurai có nguồn gốc hình thành từ lực lượng quân binh được các lãnh chúa hoặc những tài phiệt địa phương tuyển chọn gồm những người thông thạo võ nghệ, kiếm cung, binh pháp để trợ giúp quân đội triều đình dẹp trừ các nhóm phiến loạn. Khởi nguồn từ sự kiện vua Hoàn Vũ Thiên Hoàng (Kammu Tenno) với kế hoạch mở rộng cương thổ về phía Bắc vùng Bản Châu đã khởi binh tấn công tộc dân Hà Di (Ebisu) nhưng bị thất bại nên phải mượn quân của những thế lực địa phương với hình thức chiêu dụ là tấn phong cho các nhân vật lãnh đạo chức Chinh Di Đại Tướng Quân (Seii Taishogun) thường gọi tắt là Shogun tức võ tướng.

Từ thế kỷ thứ 9, thế lực quân sự tại các địa phương ngày càng bành trướng và tỏ ý xem thường triều đình nên ngôi vị Thiên Hoàng chỉ còn là hình thức. Đây chính là cục diện xoay chuyển bước ngoặc quan trọng đưa nước Nhật rơi vào thời kỳ lộng quyền của giới võ tướng và lãnh chúa với đa số đều xuất thân từ những chi tộc có ít nhiều liên quan đến hoàng gia hoặc các thị tộc bình dân. Ngoài sự phát triển lớn mạnh không ngừng, giới võ sĩ còn tụ họp thành những khối liên minh có tổ chức quân đội quy mô và hùng mạnh nên nảy sinh nhu cầu đề ra hệ thống kỷ cương áp dụng riêng cho các Samurai. Từ đó, tư tưởng Võ Sĩ Đạo ra đời và đến đầu thế kỷ thứ 17, các võ sĩ Samurai giao đấu tại chiến trường còn phải tuân phục tinh thần “chọn lựa cái chết cao quý”, tức tuẫn tiết trong danh dự.

Sau khi vua Minh Trị Thiên Hoàng phục hồi quyền lực của triều đình và chấm dứt giai đoạn 265 năm thao túng của các vị võ tướng, tuy giới võ sĩ Samurai không còn được trọng dụng như xưa, nhưng tinh thần võ sĩ đạo vẫn được duy trì trong quân đội với danh xưng gọi là “Tinh Thần Nhật Bản đối với Thiên Hoàng’’. Chính vì sự ảnh hưởng này nên có rất nhiều binh sĩ Nhật đã áp dụng tinh thần võ sĩ đạo sau khi bại trận trong Đệ Nhị Thế Chiến bằng cách tự sát trong danh dự chứ không chịu đầu hàng hay chấp nhận làm tù binh.

Hơn nữa, từ sau khi Nhật Bản chiến thắng quân Thanh trong cuộc chiến tranh Giáp Ngọ hay còn gọi là cuộc chiến Nhật- Thanh vào tháng 4/1895, tinh thần võ sĩ đạo lại được tái cổ xúy tại xứ Phù Tang như một sự trổi dậy mãnh liệt về niềm tự hào dân tộc của một đảo quốc nhỏ bé nhưng có sức mạnh quân sự vượt trội nhất trong khu vực Châu Á lúc đương thời.

Xuyên suốt thời kỳ trải dài từ khoảng thế kỷ thứ 7 cho đến khi vua Minh Trị Thiên Hoàng thâu tóm quyền lực về một mối vào năm 1868, hình ảnh của giới võ sĩ Samurai đã gắn liền với dòng lịch sử đầy biến động tranh chấp ảnh hưởng giữa các thế lực lãnh chúa Nhật Bản.

Điều đáng kể là tuy xuất thân bình dân, nhưng hầu hết các võ sĩ Samurai đều có tinh thần hiếu học nên dù lúc ban đầu triều đình chỉ xem họ là giai cấp thất phu thô lỗ nhưng thực chất, câu “văn võ song toàn” rất xứng đáng để nói về một võ sĩ Samurai thời xưa. Nổi bật nhất là nhân vật Taira No Tadanori (Bình Trung Độ) được xem là tay kiếm sĩ kiêm nhà thơ kiệt xuất nhất của giới Samurai vào thế kỷ thứ 12.

Chính vì có trình độ học vấn, nên các tay kiếm khách Samurai tuy chỉ làm thuộc hạ nhưng sau đó có rất nhiều người đã leo đến đỉnh cao võ tướng, hùng cứ một phương. Trong bối cảnh các thế lực quý tộc thay nhau tranh quyền tại triều đình, giới võ sĩ Samurai lại trở thành những đội quân hoàng tộc nên địa vị của họ càng được nâng cao và trở thành một trào lưu trong xã hội Nhật từ sau thế kỷ thứ 12.

Vào năm 1192, sau khi được triều đình phong chức Chinh Di Đại Tướng Quân, vị võ tướng Minamimoto No Yorimoto là nhân vật thiết lập triều đại Bakufu, tức Mạc Phủ, chính thức nắm quyền cai trị quốc gia, đánh dấu thời kỳ Nhật Bản bị giới võ sĩ thống trị cho đến năm 1867. Danh từ Mạc Phủ xuất phát từ ý nghĩa Mạc là tấm màn, còn Phủ là nơi quan chức cao cấp để văn thư. Mặt khác, Mạc Phủ còn có nghĩa là lều vải dùng làm tổng hành dinh cho các võ tướng trong lúc điều động quân binh tại chiến trường. Riêng tại Nhật, Mạc Phủ được hiểu là chính quyền quân đội.

Cho đến thế kỷ thứ 15 là thời kỳ Chiến Quốc khi Nhật Bản bị chia cắt thành nhiều mảnh qua những trận chiến kéo dài gần 100 năm giữa các võ tướng cùng lãnh chúa. Cuối cùng người bình định cuộc chiến loạn và thống nhất đất nước là lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi (Phong Điền Tú Cát) đã ban phát nhiều đặc quyền cho giới võ sĩ Samurai để tưởng thưởng công lao, trong đó có quyền được mang theo vũ khí ở mọi nơi.

Katana, wakizashi, và Tanto. Nguồn: ceros-de-hispania.com
Katana, wakizashi, và Tanto. Nguồn: ceros-de-hispania.com

Riêng về vũ khí, từ thời Kamakura (1185-1333) giới Samurai được mang theo hai thanh kiếm có kích thước khác biệt và thường đeo bên trái của đai áo với kiếm dài gọi là Katana và kiếm ngắn là Wakisashi, ngoài ra họ có thể mang thêm một con đao nhỏ gọi là Tanto tức đoản đao chuyên dùng để rạch bụng tự sát. Đối với các võ sĩ Samurai, tự sát là một ân huệ để phục hồi danh dự sau khi họ phạm lầm lỗi hoặc dùng cái chết để bảo vệ danh dự theo tinh thần Võ sĩ Đạo. Ngày nay, có lẽ dư luận đã quá quen thuộc với thuật ngữ Harakiri hoặc Seppuku đều có nghĩa là mổ bụng theo tiếng Nhật.

Từ khi giới võ sĩ Samurai hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 7, mối liên quan giữa họ và người chủ nhân được coi là hình thức thuê mướn, tức Samurai chỉ làm người hầu cận cho các nhà tài phiệt hay các vị lãnh chúa theo mức lương mà đôi bên thỏa thuận. Nhưng sau khi tư tưởng của tinh thần võ sĩ đạo ra đời, ý niệm về lòng trung thành tuyệt đối với chủ nhân đã trở thành nét bản sắc đặc biệt của giới Samurai. Trường hợp chủ nhân của võ sĩ Samurai qua đời khiến họ không còn người lãnh đạo, cũng như không trực thuộc một đạo quân nào thì trên nền tảng của lòng trung thành tuyệt đối họ không được phục vụ cho một chủ nhân mới nào khác và đa số đều lui về cuộc sống dân giã hoặc đi tu hay tiếp tục con đường võ thuật của một tay kiếm khách sống đời tự do không ràng buộc. Lúc đó, họ không còn nằm trong giai cấp võ sĩ Samurai mà được gọi là Ronin, tức Lãng Nhân với hàm ý nói về những người có cuộc sống phiêu lãng giang hồ.

Trong lịch sử phong kiến Nhật Bản, giới Lãng Nhân cũng được truyền tụng qua câu chuyện nổi tiếng gọi là “Ako Ronin” (Xích Huệ Lãng Nhân) nói về lòng trung nghĩa của 47 tay Khôi Nguyên, HVRkiếm khách chấp nhận lấy cái chết để báo thù rửa nhục cho chủ nhân. Câu chuyện này đã trở thành huyền thoại tiêu biểu của tinh thần Võ Sĩ Đạo nên luôn được dàn dựng thành nhiều phiên bản kịch nghệ, phim ảnh, truyện tranh, tiểu thuyết tại Nhật. Dồng thời, truyền thuyết 47 tay kiếm khách Lãng Nhân còn được giới văn học xứ Phù Tang liệt vào danh mục hàng đầu của quyển “Trung Thần Tàng” (Chushin Gura), tức Kho Tàng Những Tấm Gương Trung Thần”.

Chuyện xảy ra từ năm 1701 dưới thời võ tướng Tokugawa Tsunayoshi (Đức Xuyên Cương Cát) nắm quyền cai trị đất nước bên cạnh cương vị bù nhìn của vua Đông Sơn Thiên Hoàng. Trong lần tiếp đón quan khâm sai triều đình vào dịp đầu năm, võ tướng Tokugawa Tsunayoshi đã phái vị lãnh chúa trẻ tuổi Asano Naganori (Thiển Dã Trường Cư) của phiên trấn Ako đi đến thành Edo để đảm nhiệm nghi lễ cung nghinh. Bên cạnh đó, còn có quan trọng thần Kira Yoshinaka (Cát Lương Nghĩa Anh) được giao phó nhiệm vụ cố vấn vì Asano chưa đủ kinh nghiệm về nghi thức lễ tân. Nhưng Kira vốn nổi tiếng là kẻ tham lam, nham hiểm và thấy Asano không chịu hối lộ tiền bạc nên tức giận rồi lăng nhục lãnh chúa Asano trước sứ giả triều đình.

Sau một thời gian nhẫn nhịn, Asano quyết định rửa hận bằng cách vung gươm chém Kira bị thương ngay tại thành Edo nên phạm trọng tội và bị võ tướng Tokugawa Tsunayoshi xử chết với đặc ân cho phép mổ bụng tự sát. Theo luật đương thời, thành trì đất đai của Asano cũng bị tịch biên và hơn 300 thuộc hạ Samurai dưới trướng đều trở thành Lãng Nhân. Trong số này, Lãng Nhân Oishi Yoshio (Đại Thạch Lương Hùng) là người đã quy tụ 46 kiếm khách khác tìm cách rửa hận cho chủ nhân. Khoảng 3 năm sau, trong một đêm tuyết rơi tầm tã, 47 kiếm khách lãng nhân tấn công vào dinh thự kẻ thù và cắt đầu Kira mang về tế trước mộ Asano tại ngôi chùa Tuyền Nhạc Tự (Senkakuji).

Bia mộ các samurai, đã tự sát sau khi trả thù cho lãnh chúa, tại dền  Sengakuji. Nguồn: awma.com
Bia mộ các samurai, đã tự sát sau khi trả thù cho lãnh chúa, tại dền Sengakuji. Nguồn: awma.com

Cảm động trước tấm lòng trung thành của 47 nghĩa sĩ, võ tướng Tokugawa Tsunayoshi đã phục hồi danh dự Samurai của họ bằng cách cho phép tất cả được mổ bụng tự sát và được an táng bên cạnh ngôi mộ chủ nhân. Hiện nay, di tích 47 bia mộ này vẫn còn tại ở ngôi chùa Tuyền Nhạc Tự tọa lạc ở tại khu trung tâm thủ đô Tokyo.

Ngoài ra, một nhân vật Lãng Nhân khác cũng được truyền tụng trong dân gian Nhật Bản với nhiều giai thoại lý thú là tay kiếm khách “Thiên Hạ Vô Địch” Miyamoto Musashi (Cung Bản Vũ Tàng), thường được gọi vắn tắt là Musashi. Vốn sinh trưởng trong thời kỳ chinh chiến loạn lạc ở thế kỷ thứ 17 nên Musashi đã tự rèn luyện võ thuật và trở thành tổ sư của môn “Binh Pháp Nhị Thiên Nhất Lưu” (Niten Ichi Ryu Hyoho) chuyên sử dụng song kiếm hợp nhất.

Trở lại bối cảnh năm 1868 với cuộc cải cách thần kỳ gọi là Minh Trị Duy Tân theo đường lối Tây phương, vua Minh Trị Thiên Hoàng được đa số tầng lớp dân chúng và giới lãnh chúa ủng hộ nên đánh đổ được các thế lực của triều đại Mạc Phủ, hồi phục quyền cai trị đất nước. Sau đó, vua Minh Trị tuyên bố xóa bỏ chế độ phong kiến để thành lập quốc gia Quân Chủ Lập Hiến với bản hiến pháp ra đời năm 1889 và chủ trương bốn giai cấp sĩ , nông, công, thương đều ngang hàng, gọi là “Tứ Dân Bình Đẳng” và sĩ ở đây tức là tầng lớp võ sĩ. Vì vậy, giai cấp Samurai trên thực tế coi như bị bãi bỏ và lực lượng quân đội mới theo mô hình Tây phương của Nhật Bản được hình thành với sự tham gia của nhiều cựu võ sĩ Samurai. Do mang nặng tinh thần võ sĩ đạo thể hiện qua đặc tính kỷ luật cao nên nhiều cựu Samurai còn được huấn luyện để trở thành những Sĩ Quan ưu tú của quân đội Hoàng Gia. Mặt khác, với trình độ học vấn cùng kỹ thuật họ còn hòa nhập vào guồng máy hành chính quốc gia và cống hiến tài năng cho xã hội trong nhiều lĩnh vực như văn hóa, truyền thông, nghệ thuật. Từ đó, tinh thần võ sĩ đạo theo chiều hướng “trung quân ái quốc” vẫn được lưu truyền trong xã hội Nhật Bản cho đến nay.

Seven Samurai. Nguồn: gabrielglewis.com
Seven Samurai. Nguồn: gabrielglewis.com

Nhắc đến “Samurai”, có lẽ giới ái mộ phim ảnh đều không thể nào quên được tác phẩm “Seven Samurai” với tên nguyên gốc là “Shichinin no Samurai”, tức “7 Chàng Kiếm Khách Võ Sĩ Đạo” do nhà đạo diễn lừng danh quốc tế của Nhật Bản Kurosawa Akira (Hắc Trạch Minh) thực hiện vào năm 1954. Đây chính là bộ phim đặc sắc nhất của đạo diễn kiêm nhà biên soạn kịch bản Kurosawa Akira , được xếp vào một trong những tác phẩm điện ảnh kiệt xuất nhất xuyên qua mọi thời đại. Mức độ ảnh hưởng của “7 Tay Kiếm Khách Võ Sĩ Đạo”còn trở thành nguồn cảm hứng cho nhà đạo diễn nổi danh Hollywood là John Sturges dàn dựng bộ phim có nội dung tương tự mang tựa đề “The Magnificent” vào năm 1969, được chuyển dịch sang lời Việt là “7 Tay Súng Oai Hùng” với bối cảnh đấu súng của những chàng cao bồi ở miền viễn Tây Hoa Kỳ.

Riêng về tác phẩm “7 Chàng Kiếm Khách Võ Sĩ Đạo”, ngoài nghệ thuật mô tả bức tranh xã hội Nhật Bản vào thế kỷ thứ 16, ông Kurosawa Akira còn giới thiệu đến khán giả những hình ảnh chân thực và đầy đủ nhất về đặc tính của giới kiếm sĩ Samurai đương thời qua câu chuyện kể về một ngôi làng nhỏ ở vùng nông thôn luôn bị bọn cướp quấy nhiễu vào mỗi mùa gặt khi chúng kéo về, không những chỉ chiếm đoạt lương thực mà còn hãm hiếp phụ nữ. Trải qua thời gian nhẫn nhục chịu đựng, dân làng quyết định chống lại bọn cướp bằng cách gom góp tiền bạc để thuê mướn các tay kiếm sĩ. Từ đó, 7 chàng võ sĩ xuất hiện và tuy mang cá tính trái ngược nhưng họ đều có chung tinh thần trượng nghĩa giúp dân trừ gian diệt bạo. Cho đến khi quân cướp kéo về làng vào mùa gặt như hàng năm thì chúng bị trận đánh phục kích bất ngờ của dân làng do 7 tay kiếm khách dàn quân bố trận. Cuối cùng, tuy bọn cướp bị đánh tan nhưng cũng có 4 tay kiếm sĩ Samurai hy sinh. Còn lại 3 chàng võ sĩ vẫn tiếp tục con đường phiêu bạt lãng du dù dân làng hoan nghênh họ ở lại vui hưởng cảnh an lạc thái bình.

Mặt khác, bộ phim “The Last Samurai” trình chiếu từ năm 2003 do nam tài tử Tom Cruise thủ diễn vai chính cũng là một tác phẩm nói về tinh thần bất khuất và lòng trung thành tuyệt đối của giới Samurai đối với Thiên Hoàng Nhật Bản. Lồng trong bối cảnh xung đột trầm trọng giữa triều đình và giai cấp võ sĩ dưới thời vua Minh Trị Thiên Hoàng, tác phẩm “The Last Samurai” đã dựa vào giai đoạn lịch sử có thật về cuộc chiến tranh Mậu Thìn từ năm 1867 đến năm 1869 và chiến tranh Tây Nam diễn ra vào năm 1877 do giới võ sĩ tại các vùng phiên trấn nổi lên chống lại chính sách canh tân đất nước của vua Minh Trị Thiên Hoàng khiến họ bị tước giảm quyền lợi và không còn được trọng dụng trong xã hội.


Nguồn: Bài đã phát thanh do Hồn Việt Radio gởi đến DCVOnline.net.