Lễ hội Nhật Bản (2/2)

Khôi Nguyên, HVR

hoiLễ hội Hakata Gion Yamakasa là một nét đẹp văn hóa truyền thống của Fukuoka và cả vùng Kyushu.

Phù tang ký sự: Lễ hội Nhật Bản

So với các tỉnh thành và địa phương khác trên toàn quốc, cố đô Kyoto là nơi còn lưu lại rất nhiều di tích lịch sử với những ngôi chùa trang nghiêm, đền thờ cổ kính và các khu phố cổ đậm nét hoài niệm về một thời vàng son rực rỡ của triều đại vua chúa, giúp cho du khách dễ dàng cảm nhận hơn về nét văn hóa độc đáo của xứ Hoa Anh Đào mà qua đó các lễ hội như càng làm sống lại các thời kỳ xa xưa.

Vào mùa Xuân, đế đô Kyoto có hai lễ hội lớn được liệt vào hàng cổ xưa nhất thế giới luôn thu hút người dân lẫn du khách ngoại quốc viếng thăm là lễ hội Aoi Matsuri (Quỳ Tế) và Mifune Matsuri (Tam Thuyền Tế).

Aoi Matsuri. trekearth.com
Aoi Matsuri. trekearth.com

Lễ hội Aoi Matsuri khởi nguồn từ thời đại Heian, tức vào thế kỷ thứ 6 với danh xưng được đặt tên theo những chiếc lá màu sẫm, láng bóng của cây Aoi, tức cây thục quì hay còn gọi là Mãn Đình Hồng có nguồn gốc từ các quốc gia Trung Âu và Trung Hoa với phần lá và rễ cây có rất nhiều công dụng về dược tính. Trong khi tại Nhật theo ý nghĩa của lễ hội Aoi, lá cây thục quỳ là biểu tượng chống lại các thiên tai nên được trang trí trong suốt thời gian diễn ra dịp lễ hội tưng bừng này.

Với hai phần chính là các cuộc diễn hành và các nghi lễ linh thiêng, Aoi Matsuri được tổ chức vào ngày 15/5 hàng năm là thời điểm những cánh hoa anh đào cuối cùng sặp rụng hết để nhường chỗ cho là hoa diên vĩ đua nhau chớm nở. Sống động nhất là đoàn diễn hành được gọi là đám rước hoàng gia gồm 2 xe bò, 36 con ngựa và hàng trăm người trong trang phục của thời kỳ Heian đầy màu sắc, nhất là có tay áo rộng cùng chiếc mũ ngộ nghĩnh. Qua đó, cũng có nhiều nhân vật lịch sử được tái hiện và trở thành trung tâm của đám rước khi họ đứng trên những chiếc kiệu lộng lẫy để cho mọi người chiêm ngưởng, chẳng hạn như các vị Thiên Hoàng hoặc nàng công chúa Saio Dai thường được nhắc đến trong sử thi Nhật Bản. Bên cạnh đó là những quan lại, binh lính và đoàn tùy tùng cầm lọng che to lớn, trang trí bằng nhiều loại hoa gọi Furyu Gasa, càng làm cho buổi diễn hành được bắt đầu từ 10 giờ sáng thêm phần đặc sắc. Kế đến, phần nghi lễ được được cử hành tại hai đền thần nổi tiếng vùng Kyoto là Kamomi Oya Jinja (Hạ Mậu Ngự Tổ Thần Xã) và Kamowake Ikazuchi Jinja (Hạ Mậu Biệt Lôi Thần Xã)

Lễ hội mùa Xuân thứ hai của Kyoto là Mifune Matsuri tức lễ hội tam thuyền), diễn ra vào ngày chủ nhật của tuần thứ 3 trong tháng Năm, tại địa danh Arashiyama, gần trung tâm Kyoto, vốn là nơi có nhiều thắng cảnh đặc biệt là những ngôi nhà được xếp vào danh sách di tích lịch sử. Lễ hội này nhằm kỷ niệm thời kỳ thanh bình thịnh vượng của Nhật Bản vào thời đại Heian. Có khoảng 30 chiếc thuyền rồng dùng cho buổi lễ này kèm theo những đội thuyền nhỏ làm lễ chèo ngược dòng, chở những người trong trang phục truyền thống, có long thuyền của hoàng gia dẫn đầu. Còn lại những chiếc thuyền khác chuyên về các tiết mục giải trí như ca múa, trình diễn nhạc cụ, trà đạo và ngâm thơ. Người thưởng ngoạn sẽ có dịp thưởng thức phần biểu diễn của nhạc công, nghệ sĩ ca múa và các phần trích đoạn của thể loại kịch No rất nổi tiếng của Nhật Bản. Riêng về thể loại Gagaku, tức Nhã Nhạc là một loại nhạc có âm điệu truyền thống, trau chuốt và thanh nhã của Nhật, thì được biểu diễn trên chiếc long thuyền cho hoàng tộc thưởng lãm. Du khách có thể thuê những chiếc thuyền có bàn đạp hay mái chèo để đến gần các thuyền biểu diễn ca múa, ngâm thơ. Thông thường, có đến hàng ngàn người đứng dọc hai bên bờ sông đến xem lễ hội Tam Thuyền.

Mifune Matsuri. kojikisankyoto.wordpress.com
Mifune Matsuri. kojikisankyoto.wordpress.com

Tương tự như những lễ hội khác, lễ hội “tam thuyền” nhằm biểu hiện sự trân trọng của người Nhật đối với di sản quốc gia và tinh thần kế thừa đặc tính văn hóa đất nước.

Ngoài ra, Kyoto còn là vùng đất được vinh dự tổ chức một trong 3 lễ hội truyền thống lớn nhất của nước Nhật là Gion Matsuri, tức lễ hội Kỳ Viên vào dịp mùa Hè hàng năm. So với 2 lễ hội lớn khác là lễ hội Kanda (Thần Điền) ở Tokyo và lễ hội Tenjin (Thiên Thần) ở Osaka, Gion Matsuri ở Kyoto nhiều phần trang trọng, rực rỡ và quy mô hơn nên đây cũng được coi là kỳ lễ hội lớn nhất tại xứ sở Hoa anh đào. Bởi lẽ, lễ hội Gion bao gồm các nghi lễ thể hiện phong tục tập quán cổ xưa của người Nhật kéo dài liên tục gần một tháng từ ngày 1/7 đến 29/7 hàng năm tại ngôi đền thiêng Yasaka Jinja (Bát Phản Thần Xã) ở khu vực Gion tại Kyoto.

Gion Matsuri. alljapantours.com
Gion Matsuri. alljapantours.com

Tuy nhiên, tâm điểm của lễ hội Gion chỉ dành trọn trong ngày 17/7 với hàng chục cổ xe kéo được trang trí thành những chiếc kiệu diễn hành qua các đường phố trung tâm Kyoto diễn ra từ 9 giờ sáng đến 1 giờ trưa. Cũng trong thời gian này thành phố Kyoto tuy luôn khoác bộ mặt cổ kính, hiền hòa bổng nhiên chợt trở nên nhộn nhịp náo động với những sinh hoạt lễ hội tấp nập người xem, tạo thành bầu không khí vui tươi đầy sức sống trong cảnh an lạc thái bình.

Lễ hội Gion có lịch sử khoảng 1100 năm và được duy trì đều đặn cho đến nay với mục đích phô bày nét văn hóa truyền thống và sự phồn thịnh của Kyoto. Cho đến đời vua Minh Trị Thiên Hoàng, lễ hội này từng được gọi Kỳ Viên Ngự Linh Hội (Gion Goryoe). Theo lịch sử Nhật Bản, vào năm 869 tức niên hiệu Trinh Quan Thiên Hoàng (Jokan Tenno) năm thứ 11, khắp nước Nhật bổng xảy ra một trận dịch bệnh lan tràn nguy cấp khiến vua Trinh Quan phải đến ngôi đền Yasaka để cầu an cho dân chúng thoát qua bệnh dịch nguy hiểm. Lúc đó, nhà vua Nhật đã cho làm 66 cỗ xe trang trọng tượng trưng cho 66 đơn vị hành chính lúc đương thời để cùng người dân tham gia vào buổi cầu nguyện.

Sau đó, cơn đại dịch chấm dứt nên nhà vua ban chiếu đặt ra lễ hội cầu an Gion hàng năm để cầu cho quốc thái dân an, tránh được bệnh tật. Tuy vậy, mãi đến năm 970 lễ hội Gion mới được tổ chức đều đặn hàng năm vào ngày 14 tháng 6. Kế đến, do nhiều biến động lịch sử nên Gion Matsuri cũng bị gián đoạn nhiều lần. Và đến tháng 6 năm 1500, lễ hội này mới thực sự được khôi phục đúng với hình thức rực rỡ và bầu không khí tưng bừng như lúc ban đầu. Cũng từ đó việc trang trí các cỗ xe diễn hành trong lễ hội được giao cho cư dân Kyoto đảm trách. Chính vì lẽ này mà mỗi cỗ xe, gọi là Hoko về cả nội dung lẫn hình thức đều mang nhiều nét đa dạng phong phú do sự sáng tạo riêng biệt của từng nhóm thiết kế. Đặc biệt là từ thời kỳ Momoyama đến thời kỳ Edo khi hoạt động mậu dịch ngoại thương phát đạt và các ngành nghề dệt, thêu ở Kyoto trở nên phồn thịnh thì hình thức trang trí cho các cỗ xe Hoko vào mỗi dịp lễ hội Gion cũng là cách để người dân Kyoto thể hiện sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, văn hóa của vùng kinh đô một thời vang bóng.
Ngày nay, tham dự trong đoàn diễn hành tại lễ hội Gion càng có nhiều loại xe được trang trí đủ màu sắc và hình dáng đẹp mắt với những mảnh lụa được thêu tinh xảo và các tặng vật từ nhiều quốc gia trên thế giới cùng với những món đồ thủ công mang đậm nét văn hoá truyền thống của Nhật. Một cỗ xe lớn thường nặng khỏang 12 tấn, cao khoảng 26 mét và để kéo cỗ xe này cần hơn 40 thanh niên khỏe mạnh. Mỗi cỗ xe này hàng năm sau khi sử dụng xong được tháo gỡ, cất giữ cẩn thận ở đền thần Yasaka. Theo phương pháp truyền thống công việc láp rắp thiết kế và tạo dụng cho cổ xe thường mất khoảng 3 ngày.

Cùng với đoàn xe diễn hành rộn rịp qua các đường phố vào ngày 17/7, du khách cũng sẽ được nhìn thấy những cô gái Nhật duyên dáng dịu dàng trong bộ kimomo đủ màu nổi bật dưới ánh nắng rạng ngời của mùa Hè và có lẽ sẽ thấy lòng mình bâng khuâng theo dòng hồi tưởng về những thời đại xa xưa của vùng cố đô Kyoto.
Mùa Hè còn là dịp để người Nhật tổ chức các buổi lễ nhảy múa cổ truyền dân tộc. Trong đó, nổi tiếng là nhất là lễ hội Bon Odori và Awa Odori.

Bon Odori xuất nguồn từ lễ Vu Lan mà tiếng Nhật gọi là O Bon, tương tự như Lễ Báo Hiếu của Phật Giáo và có cùng ý nghĩa theo quan niệm các nước Á Đông cho rằng vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch là ngày xá tội vong nhân. Tại Nhật, đây là dịp để cử hành nghi lễ dâng lên Thần Phật những lời cầu nguyện và tổ chức những buổi múa hát để đón chào linh hồn tổ tiên trở về cùng gia đình. Từ thế kỉ 14 đến nay,phong tục này đã trở thành một lễ hội ca múa và treo đèn lồng vào mùa Hè. Ngoài ra, còn kèm theo tục thả trên sông những chiếc đèn lồng và các ngọn nến đặt trong chiếc thuyền nhỏ bằng giấy để hướng dẫn các linh hồn trở lại nơi chốn yên nghỉ sau khi được trở về cùng gia đình. Tại các bãi đất trống người Nhật dựng lên các ngọn tháp bằng tre và sân khấu có những người đánh trống để ca múa suốt đêm. Họ nắm tay nhau thành một vòng tròn đi quanh các ngọn tháp rồi lập đi lập lại những điệu múa đơn giản liên tục trông rất ngoạn mục. Trước đây ngày lễ này được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, nhưng hiện nay được quy định vào ngày 17/7 hoặc tháng 8 dương lịch, tùy theo từng địa phương. Vào dịp này, nhiều người Nhật làm việc ở xa nhà thường về thăm gia đình và viếng mộ người thân.

Awa Odori. insidejapantours.com
Awa Odori. insidejapantours.com

Trong khi đó Awa Odori là một lễ hội múa dân gian diễn ra vào giữa tháng 8 tại tỉnh Tokushima ở vùng Đông Bắc Nhật Bản. Tại buổi lễ này, có nhiều đoàn người đại diện cho đội múa của các khu vực trong tỉnh, mặc đồng phục cổ truyền với chiếc nón đặc biệt được gắp lại ép sát đầu và múa điệu múa đặc trưng đi diễn hành khắp các phố. Họ là những người được chọn để biểu diễn bài múa vốn là những động tác nhanh nhẹn, dứt khoát và đều đặn nên trông rất thu hút.

Cùng lúc, tại một tỉnh nằm sát Tokushima là tỉnh Kochi cũng có tập tục nhảy múa trong lễ hội Yosakoi, được xem là một hình thức nghệ thuật cận đại của Nhật Bản. Yosakoi là những động tác biến thể từ điệu múa mùa hè truyền thống Awa Odori, được hình thành tại tỉnh Kochi.

“Yosakoi” là tiếng địa phương của tỉnh của Kochi, có nghĩa là “Đêm nay mời bạn đến” và thành ngữ này đã trở thành tên gọi của điệu múa trong dịp lễ hội của tỉnh Kochi nên Yosakoi cũng trở thành tên của lễ hội vui nhộn này.

Lễ hội Yosakoi được bắt đầu từ năm vua Chiêu Hòa Thiên Hoàng thứ 29, tức năm 1954 tại một khu phố của thành phố Kochi với ý nghĩa cầu mong cho việc làm ăn phát đạt. Từ đó, cư dân tinh Kochi ở đây đã không ngừng cải tiến và tập luyện điệu múa Yosakoi để cạnh tranh với điệu múa Awa Odori của tỉnh Tokushima nên lễ hội Yosakoi còn được xem là một sự kết hợp đặc biệt giữa các động tác múa truyền thống Nhật Bản và âm nhạc hiện đại. Vì vậy, âm điệu và cách nhảy của Yosakoi rất sôi động và mạnh mẽ. Các điệu múa thường được dàn dựng cho những đội múa đông người, cũng như tất cả mọi người đều có thể tham gia đội múa Yosakoi, bất kể tuổi tác hay giới tính. Đây cũng là sự kiện nổi bật trong các kỳ lễ hội thể thao thường được các trường Trung Học ở Nhật tổ chức. Điệu múa đi kèm với các bài dân ca của Kochi với tên Yosakoi-Buchi, tức giai điệu Yosakoi.

Yosakoi Matsuri . asianoffbeat.com
Yosakoi Matsuri . asianoffbeat.com

Vào Năm 1991, lễ hội Yosakoi Matsuri được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Sapporo ở tỉnh Hokkaido cực Bắc Nhật Bản rồi từ đó lan rộng ra khắp các tỉnh thành trên toàn quốc. Do xuất phát từ tín ngưỡng về tự do buôn bán và có nền tảng âm nhạc hiện đại nên lễ hội này đã được giới trẻ địa phương đón nhận nồng nhiệt. Ngày nay, ngoại trừ tỉnh Tokushima, lễ hội Yosakoi được tổ chức tại khắp nơi ở Nhật. Hơn nữa, nó còn được tổ chức định kỳ tại Hawaii và một số nước Đông Nam Á.

Một đặc điểm thu hút khác của lễ hội Yosakoi là y phục đa dạng. Tuy vậy, loại áo Happi và trang phục Yutaka thường hay được dùng nhất và mặc dù có thể lựa chọn nhiều màu sắc nhưng các thành viên trong một đội múa phải mặc kiểu giống nhau. Áo Happi là loại áo khoác không có nút, tay áo rộng, có in những biểu tượng riêng biệt và thường được người Nhật dùng các dịp lễ hội hoặc dành cho các nhân viên bán hàng hay các tiệm ăn. Còn Yutaka là một loại kimono đơn giản.

Ngoài các điệu múa, điểm đặc biệt của Yosakoi là sử dụng Naruko là miếng gỗ nhỏ tạo tiếng gõ mà người múa cầm trong tay). Màu sắc truyền thống của naruko là đen và vàng nhưng những đội múa yosakoi thường sáng tạo những naruko của riêng mình, lựa chọn màu sắc và chất liệu phù hợp với trang phục của họ. Tuy việc sử dụng naruko là điều cần thiết trong điệu múa Yosakoi nhưng ngày nay có nhiều nhóm múa lại chọn nhạc cụ cầm tay khác như trống, những dụng cụ có thể tạo tiếng gõ, hay cầm cờ, gậy v.v.

Nền nhạc chính của lễ hội Yosakoi dựa trên bài hát gốc có tên gọi là “Yosakoi Naruko” do tác giả Takemasa Eisaku (Vũ Chính Anh Sách) sáng tác. Bài hát này dựa trên 3 ca khúc khác là “Yosakoi-bushi” (giai điệu yosakoi), “Yokkore” (một bài hát đồng dao), và “Jinma-mo” (một bài dân ca vùng Kochi ).

Trong cùng thời điểm từ đầu đến giữa tháng 7, cũng là lúc diễn ra lễ hội Hakata Gion Yamakasa tại thành phố Fukuoka ở vùng Kyushu, tức Cửu Châu ở phía Nam Nhật Bản.

Ngoài danh tiếng là một trong những thành phố lớn của Nhật Bản, Fukuoka còn được biết đến với nhiều nét đẹp văn hóa lâu đời mà qua đó lễ Hội Hakata Gion Yamakasa (Bác Đa Kỳ Viên Sơn Lạp) là một lễ hội trứ danh vào mùa hè được tổ chức từ ngày mồng Một đến 15 tháng 7 hàng năm tại ngôi đền Kushida Jinja (Trất Điền Thần Xã). Lễ hội này có lịch sử dài hơn 750 năm và từ năm 1979 lễ hội Hakata Gion Yamakasa được nhìn nhận là một tài sản văn hóa dân gian rất quan trọng của Nhật bản.

Theo truyền thuyết, vào năm 1241, một vị cao tăng tên Thánh Nhất trụ trì ngôi chùa Thừa Thiên tự đã được người dân trong vùng khiêng đi để rẩy nước thần dọc theo đường, nhằm trừ một cơn dịch hoành hành tại Hakata nên lễ hội Hakaga Gion Yamakasa mang hình thức rước kiệu thần đã có nguồn gốc từ sự kiện này.

Riêng về từ Yamakasa mang ý nghĩa là một hình thức chuyên chở dùng để tế thần gồm có kiệu gọi là Mikoshi và Dashi là cổ xe đẩy. Vì vậy, ý nghĩa của lễ hội này là rước kiệu và kéo các cổ xe, trên đó có đặt hình tượng các vị thần hoặc nhân vật thần thoại trong tín ngưỡng Nhật Bản. Có hai loại Yamakasa là Kazariyamakasa tức loại cổ xe rước có trang trí và Kakiyamakasa là loại kiệu rước để khiêng. Kazariyamakasa có hình dáng rất đẹp, với chiều cao khoảng 16 m và được trang trí nhiều loại búp bê lộng lẫy, diễn tả các câu chuyện lịch sử và thần thoại. Ngược lại, Kakiyamakasa thì có chiều cao khoảng 5-6 m, nhưng nặng gần 1 tấn. Có khoảng 7 chiếc xe rước được làm trong lễ hội, và ngày cuối cùng sẽ có cuộc đua kiệu rước được gọi là Oiyama.

Oiyama. STR/AFP/Getty Images
Oiyama. STR/AFP/Getty Images

Trong cuộc đua kiệu Oiyama, những đội kiệu các địa phương khác nhau sẽ khiêng kiệu chạy đua trên một quãng đường khoảng 5km. Từ lúc 5 giờ sáng, cùng với tiếng trống đánh, đội đua đầu tiên sẽ khiêng kiệu bắt đầu xuất phát từ đền Kushida, và các đội khác sẽ tiếp nối lần lượt sau mỗi 5 phút. Đội nào vượt qua quãng đường trên trong thời gian nhanh nhất sẽ là đội chiến thắng. Mặc dù thời gian của cuộc đua vào buổi sáng sớm như vậy, nhưng mỗi năm đều có hàng trăm nghìn khách du lịch từ khắp nơi ở Nhật Bản đến xem cuộc đua từ sáng sớm và thích thú với những tiếng kêu “Oisshoi, Oisshoi” của các đội đua đang rước kiệu, có nghĩa tương tự như chữ “dô ta” của VN khi đang cùng làm một việc nặng nhọc nào đó. Có hàng trăm người thay nhau khiêng kiệu rước, và theo qui định có 32 người khiêng kiệu cùng một lúc. Tóm lại, lễ hội Hakata Gion Yamakasa là một nét đẹp văn hóa truyền thống của Fukuoka và cả vùng Kyushu.


Nguồn: Bài đã phát thanh do Hồn Việt Radio gởi đến DCVOnline.net.