Hà Nội đi kiện Bắc Kinh?

Lữ Giang

lotsRốt cuộc, rất khó để thấy Việt Nam đi kiện Trung Quốc. Việt Nam vẫn chưa tìm được lối thoát nào cho Biển Đông, đành ngồi chịu trận.

Sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng cấm đánh cá trên Biển Đông bao trùm cả Hòa Sa và Trường Sa, ngày 14/1/2014, Đài Á Châu Tự Do (RFA) cho phổ biến bài “Kiện Trung Quốc, Việt Nam được gì?” của phóng viên Mặc Lâm phỏng vấn hai nhân vật có hiểu biết về Biển Đông, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ và Thạc sĩ Hoàng Việt hiện đang giảng dạy tại Đại học luật thành phố Hồ Chí Minh.

 Trung Quốc áp đặt biên giới ngư trường: Quy định mới (của TQ) áp đặt ngày 1 tháng giêng giới hạn tất cả các tàu thuyền nước ngoài không được đánh bắt cá trong một khu vực bao gồm hai phần ba vùng biển Đông (phía nam biển Trung Hoa). Nguồn:  Washington Free Beacon
Trung Quốc áp đặt biên giới ngư trường: Quy định mới (của TQ) áp đặt ngày 1 tháng giêng giới hạn tất cả các tàu thuyền nước ngoài không được đánh bắt cá trong một khu vực bao gồm hai phần ba vùng biển Đông (phía nam biển Trung Hoa). Nguồn: Washington Free Beacon

Trong bài báo cáo về Biển Đông truowsc “các lãnh đạo Đảng ủy khối, lãnh đạo Đảng, Tuyên giáo, Công tác chính trị, Quản lý sinh viên, Đoàn, Hội thanh niên các trường Đại học Cao đẳng Hà Nội” hôm 19/12/2012, Đại Tá Trần Đăng Thanh thuộc Học Viện Chính Trị Bộ Quốc Phòng VN đã nói toẹc ra tất cả những mưu lược mà “các thế lực thù địch” đang xử dụng để “chống phá chúng ta trong tình hình hiện nay”. Trong báo cáo này, Đại Tá Trần Đăng Thanh nói rất rõ:

“Thực ra mà nói, Mỹ đang thực hiện chiến lược hai mặt. Một mặt đang dùng Việt Nam như một lực lượng tiên phong để chặn Trung Quốc. Mặt thứ hai đang tìm mọi cách để phá vỡ mối quan hệ đoàn kết lâu đời của Việt Nam, giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc mà người hưởng lợi sẽ là nước Mỹ.”

Ngày 23/12/2012, Đài RFA đưa lên bài “ĐT Trần Đăng Thanh vô tình tiết lộ bí mật quốc gia”của Mặc Lâm phỏng vấn David Brown, một nhà ngoại giao và chuyên gia trong vấn đề Việt Nam.

Một vài chiêu thức

Trong nhiều năm qua, Đài RFA đã phỏng vấn một số trí thức XHCN bất mãn với chế độ vì không được trọng dụng, đòi các nhà lãnh đạo Việt Nam phải thực thi tự do dân chủ, tôn trọng nhân quyền, diệt trừ tham nhũng, cải cách kinh tế, chống Trung Quốc, v.v.

Để đối phó với chiến dịch này, ngoài việc bắt bớ và truy tố các thành phần hay các tổ chức bị coi là nguy hiểm, Đảng CSVN còn cho mở các chiến dịch chiến tranh tâm lý để chống lại. Vụ Đại Tá Trần Đăng Thanh “nói toạc móng heo” nói trên là một trong những hình thức phản pháo.

Nhưng đầu năm nay, Đảng CSVN đã xử dụng một chiêu thức mới lạ hơn, đó là thu gom các đòi hỏi chính của giới đối kháng lại thành thông điệp đầu năm của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và coi đó là đường lối của “Đảng và Nhà Nước ta”. Nhiều nhà bình luận và cơ quan truyền thông Việt ngữ ở hải ngoại đã tỏ ra rất ngạc nhiên và hỏi nhau: “CSVN bắt đầu thay đổi thật sự sao?” Nhưng họ đã lầm. Đó chỉ là một trong các chiêu thức phản pháo.

Một trận giao đấu ngoạn mục

Đặc biệt, trong vụ kỷ niệm 40 năm cuộc chiến Hoàng Sa, hai bên đã giao đấu khá ngoạn mục. Ngày 6/1/2014 Đài RFA đi bài “Vinh danh tử sĩ Hoàng Sa: một cơ hội hòa giải” để đẩy Hà Nội vào ngõ bí. Ký giả Nam Nguyên đã phỏng vấn một số người bất đồng chính kiến trong nước. Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, một nhà nghiên cứu Biển Đông nói:

“Khi mà đã công nhận chính quyền VNCH đã đề kháng chống cự lại sự xâm lược của Trung Quốc, thì dĩ nhiên vinh danh bất cứ ai đã hy sinh trong vấn đề Hoàng Sa. Hiện nay tôi chưa biết cụ thể sẽ như thế nào nhưng bây giờ là xu hướng chung và mọi người đang mong đợi.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A phát biểu:

“Những chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong cuộc bảo vệ Hoàng Sa là những anh hùng của dân tộc Việt Nam này. Tôi nghĩ là bất luận chính thể nào cũng phải trân trọng và tôn vinh những người như thế. Khi mà một chính phủ, một chế độ không làm được điều ấy thì trong người dân người cũng làm việc đó, có lúc thì âm thầm có lúc thì công khai. Những chuyện ấy rất là bình thường và lịch sử nhân dân Việt Nam sẽ luôn luôn ghi nhớ những người ấy như là những người con thân yêu của đất nước.”

Hà Nội phản ứng khá lẹ làng, cho các báo trong nước đăng trong nhiều tuần lễ gần như toàn bộ các tài liệu liên quan đến cuộc chiến Hoàng Sa 1974 do Mỹ, VNCH và Trung Quốc công bố. Viện Minh triết Việt tổ chức một cuộc hội thảo về Hoàng Sa, còn trường Đại học Đà Nẵng tổ chức trưng bày hiện vật về Hoàng sa, Trường sa. Ngày 17/1/2014 website vnexpress.net cho đăng bài “30 phút đấu pháo trong trận hải chiến Hoàng Sa” do Nguyễn Hùng Cường tổng kết khá khách quan và chính xác.

Nhiều người Việt chống cộng ở hải ngoại đã vui mừng hớn hở: CSVN đã phải công nhận VNCH rồi!

Những cú “đá giò lái”

Nhưng ngày 14/1/2014 Blog my.opera.com/thanhniendatviet/blog/ ở trong nước đã cho tung ra bài“Bí mật về ‘Hải chiến Hoàng Sa 1974’ và những điều chưa biết” dưới hình thức “link tổng hợp” đã khiến nhiều người té ngửa bò càng. Nhóm Giao Điểm Phật Giáo chủ trương “đồng hành với dân tộc”, tức với Đảng CSVN, đã vội chụp lấy và cho phổ biến trên sachhiem.net ngay!

Bài báo mở đầu bằng tiểu đề “Khi rút quân khỏi VN thì Mỹ đã bán toàn bộ biển Đông cho Trung Quốc” và từ đó đặt ra 12 câu hỏi, chẳng hạn như: Tại sao tầu HQ-5 lại bắn vào tầu quân mình? Tại sao con tầu ngắm bắn điện tử HQ-4 không tham chiến? Vũ khí của Trung Quốc và Ngụy ai hơn ai, hơn mấy lần? Tại sao có nhiều máy bay F-5 trong phi đội lớn thứ 3 thế giới lúc đó… nhưng toàn bộ các máy bay thúc thủ? Bài viết dài 20 trang đánh máy.

Chúng tôi chưa bàn đến những điểm đúng và những điểm sai trong bài nói trên, nhưng phải coi đây là một cú “đá giò lái”. Ngày 16/1/2014, Đài BBC đưa bài “Cựu binh: ‘Hoàng Sa đáng ra không mất’” nữa, thế là ngày 18/1/2014, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng tuyên bố hủy bỏ lễ tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa với lý do ‟chuẩn bị chưa được chu đáo”. Lại một cú “đá giò lái” khác.

Thua keo này bấy keo khác

Trước hết, RFA nhắc lại Công Hàm 1958 của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng và cho rằng Hà Nội phải đưa công hàm này ra trước Tòa Án Quốc Tế để xin phán xử theo học thuyết Estoppel, công hàm đó có giá trị hay không.

Xin lưu ý, trong bài “Trở lại chuyện bán đất” phổ biến ngày 13/7/2011, chúng tôi đã nói rõ nếu áp dụng học thuyết “Promissory Estoppel” trong Common Law hay nguyên tắc “Promesse de vente vaut vente” trong Roman Law, Công Hàm 1958 của Phạm Văn Đồng có giá trị hay không? Khi nào hứa bán có giá trị như bán?

Tiếp theo, RFA đã phỏng vấn Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Ông Trục cho rằng sự lên tiếng “có giá trị nhóm lên ngọn lửa chống xâm lăng trong nước nhưng không có kết quả cụ thể gì đối với quốc tế.” Theo ông, bà Giáo sư Monique Chemillier Gendreau của Pháp nói rằng Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý cũng như lịch sử về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên nếu Hà Nội không nhanh chóng có hành động công khai chống lại việc Trung Quốc chiếm giữ Hoàng Sa thì sẽ bị Tòa Quốc tế buộc có thái độ thụ động trong một thời gian dài và do đó quy định acquiescement, tức sự đồng thuận, có thể được thành lập.

Khi nói như vậy, ông Trục hơi “cường điệu” để hù dọa. Không phải trong mọi trường hợp thinh lặng đều bị luật pháp coi là đồng thuận. [Xem các án lệ Groslière, 10 décembre 1981, D. 1983, I. R. 78 hay Guinchard, 23 novembre 1983, Gaz. Pal. 1984, Pan. 151 thì sẽ rõ.] Nó không đơn giản như ông Trục dọa.

Nhưng ông cũng đưa ra một trở ngại mà chúng tôi đã nói nhiều lần, đó là khi có phán quyết của Tòa Án Quốc Tế mà Trung Quốc không thi hành thì phải đưa ra Hội Đồng Bảo An LHQ. Nhưng tại đây Trung Quốc có quyền phủ quyết, nên cũng không thi hành được.

Người thứ hai được RFA phỏng vấn là Thạc sĩ Hoàng Việt hiện đang giảng dạy tại Đại học luật Sài Gòn. Ông cũng nêu lên khó khăn mà chúng tôi đã nêu ra nhiều lần là Tòa Án Quốc Tế đòi hỏi phải có sự đồng thuận thi hành án tòa mới xét xử. Trung Quốc không thuận thì kể như bó tay. Do đó Philippines phải đưa ra Tòa Trọng Tài Quốc Tế, vì Tòa này có thể xử khuyết tịch khi một bên không đồng ý tranh tụng. Nhưng theo ông, các phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế trước sau gì cũng chỉ mang ý nghĩa chính trị và không có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, nếu không tôn trọng phán quyết của tòa, Trung Quốc sẽ bị thế giới nhìn dưới ánh mắt phủ định trong tất cả mọi giao dịch và việc Trung Quốc cấm tàu cá Việt Nam ra hành nghề tại quần đảo Hoàng Sa sẽ bị thế giới lên án.

Rồi sẽ tới đâu?

Lý luận của hai ông Trần Công Trục và Hoàng Việt quá yếu, không đủ sức thuyết phục chính phủ Việt Nam cũng như công luận thấy rằng đi kiện Trung Quốc là hay nhất. Nếu phán quyết của Tòa Án Quốc Tế mà có hiệu lực cưởng hành như vụ kiện đền Preah Vihear giữa Cambodia và Thái Lan thì nên đi kiện, còn kiện chỉ để tạo áp lực quốc tế thì chẳng kiện làm gì. Khi ban hành lệnh thiết lập vùng nhận diện phòng không và vùng cấm đánh cá, Trung Quốc có coi dư luận quốc tế ra gì đâu? Mỹ là quốc gia có quyền lực nhất, nhưng chỉ phản đối lấy lệ rồi để Trung Quốc làm gì thì làm; vì quyền lợi của Mỹ ở Trung Quốc còn quá nhiều, chạy theo mấy nước bé xí làm gì?

Ông Trần Công Trục có nói đến bà Monique Chemillier-Gendreau, nhưng chúng tôi tin bà không bao giờ xúi Việt Nam đi kiện, vì bà nắm rất vững tình trạng pháp lý về chủ quyền các đảo trên Biển Đông. Với tư cách là giáo sư Trường Đại học Reims ở Pháp, dạy về môn quốc tế công pháp và khoa học chính trị, bà đã sưu tìm tài liệu trong văn khố Pháp và viết cuốn “La souveraineté sur les archipels Paracels et Spratleys” (Chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) cho xuất bản năm 1996. Từ đó bà trở thành chuyên viên về Biển Đông, được mời làm Tư vấn cho Văn phòng các Tiêu chuẩn Quốc tế và các Vấn đề Pháp lý. Bà còn là cộng tác viên thường xuyên của báo Le Monde diplomatique.

Nhờ quyển sách của bà, Ủy ban Biên Giới của Việt Nam đã tìm ra được nhiều tài liệu chính xác về Biển Đông và chính phủ Việt Nam đã mời bà cộng tác. Phải đọc cuốn sách này mới thấy được vấn đề xác định chủ quyền của các đảo trên Biển Đông phức tạp như thế nào. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một bài khác.

Trong bài Chuyện Mỹ – VN “đối tác chiến lược” phổ biến ngày 18/7/2013, chúng tôi đã nói: Giữa Trung Quốc và Mỹ, Hà Nội sẽ chọn Trung Quốc vì ba lý do chính:

1. Lý do thứ nhất là ơn nghĩa giữa Đảng CSTQ và Đảng CSVN quá nhiều. Qua hai cuộc chiến, nếu không có Trung Quốc, Đảng CSVN sẽ không có cơ ngươi như ngày nay.

2. Lý do thứ hai, Trung Quốc là nước “núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển” và là một nước lớn. Bất cứ sự phong tỏa nào của Trung Quốc cũng sẽ gây tổn hại lớn cho Việt Nam. Ngày xưa các vua Lê Lợi và Quang Trung sau khi đánh thắng quân Tàu rồi đều tìm cách làm hòa với Trung Quốc. Đọc sớ cầu hòa của hai vua này, chúng ta thấy quá thê thảm, nhưng đó là cách xử thế của nước nhỏ để tồn tại. Chiêm Thành vì không biết món “võ lòn” này nên bị xóa tên trong lịch sử.

3. Lý do thứ ba là Mỹ không đáng tin cậy. Đại Tá Trần Đăng Thanh đã nhận định: “Họ đang thực hiện ‘thả con săn sắt, bắt con cá rô’. Họ chưa bao giờ tốt thật sự với chúng ta, tội ác của họ trời không dung, đất không tha.”

VNCH mà còn bị Mỹ bán cho Trung Quốc, CHXHCNVN mà nghĩa lý gì?

Ngư dân trên Biển Đông. Nguồn: AP
Ngư dân trên Biển Đông. Nguồn: AP

Rốt cuộc, rất khó để thấy Việt Nam đi kiện Trung Quốc. Việt Nam vẫn chưa tìm được lối thoát nào cho Biển Đông, đành ngồi chịu trận.

Ngày 24/1/2014


Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline hiệu đính và minh họa.

3 Comments on “Hà Nội đi kiện Bắc Kinh?

  1. Trích: “Rốt cuộc, rất khó để thấy Việt Nam đi kiện Trung Quốc. Việt Nam vẫn chưa tìm được lối thoát nào cho Biển Đông, đành ngồi chịu trận.”

    Chịu trận có nghĩa là muốn lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa nhưng không có cách nào. Thực ra CSVN có chịu trận hay không? CSVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc trong mấy chục năm lúc ông Hồ còn cầm quyền thì có gì mà phải gọi là chịu trận? Trung Quốc có chiếm Hoàng Sa, Trường Sa 500 năm nữa thì các ông lớn trong đảng CSVN cũng vẫn vinh hoa, phú quí, con cái các ông cũng vẫn nối nghiệp cha ông, có mất mát gì đâu.

  2. Trích: “3. Lý do thứ ba là Mỹ không đáng tin cậy. VNCH mà còn bị Mỹ bán cho Trung Quốc, CHXHCNVN mà nghĩa lý gì?”

    Vấn đề Mỹ bỏ VNCH đó là do sự tấn công dai dẳng của phe CS. Đến một lúc nào đó việc bỏ hàng tỉ đô la ra để giữ miền Nam sẽ không còn đáng giá nữa, trong khi Liên Xô thì sẵn sàng bỏ hàng tỉ đô la ra để có được miền Nam.

    Nhưng Mỹ không đáng tin cậy đối với CSVN là ở chỗ Mỹ muốn thay đổi cơ cấu chính trị tại Việt Nam. Đó là cơ cấu với người dân cũng có quyền và có nhiều đảng khác cũng có quyền hoạt động. Như thế thì địa vị của đảng CSVN trở nên bấp bênh. Đảng CSVN cho phép dân nói và phải hoạt động ngang hàng với các đảng khác thì không chắc là đảng CSVN sẽ giữ được quyền lực mãi mãi. Trong trường hợp này, Mỹ không đáng tin cậy với đảng CSVN nhưng Mỹ vẫn có thể là đồng minh tin cậy với nước Việt Nam. Mỹ có thể tiếp tục chính sách thân thiện và bảo vệ Việt Nam lâu dài, bất kể đảng nào được bầu lên cầm quyền tại Việt Nam. Cũng giống như Mỹ đã duy trì quan hệ với các nước Tây Âu và bảo vệ các nước này trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, mặc dù tại các nước này, các đảng phái khác nhau thay phiên nhau cầm quyền.

  3. Bọn csvn ngồi chịu trận là đúng thôi…chịu trận để cầu vinh..thì tại sao không ngồi,ngồi chịu trận thì cũng phải thôi…người csvn chỉ có tài…có khả năng chém giết dân-tộc mình…người cùng chũng tộc… thì bọn csvn giỏi lắm.Còn đối vói kẻ ngoại xăm thì rút đầu vào vỏ ốc…như loài giun dế.Bọn nầy chỉ có trời chu đất diệt,cho nên người dân VN luôn ngồi chờ…chờ một vị anh hùng phù đổng từ trên trời rơi xuống…và chờ ngày bị đồng hóa..và thế là hết phim có tựa đề “Việt-nam”