Jean Baptiste Ngô Ðình Diệm (1897-1963): Thời kỳ chưa nắm quyền, 1897-1954 (P4)

Chính Đạo

ndd1Cuối cùng, ngày 16/6/1954, giữa lúc chính phủ Laniel đã từ chức và Pierre Mandès-France có nhiều triển vọng lên làm Thủ tướng, Bảo Ðại bổ nhiệm Diệm làm Thủ tướng toàn quyền. Ngày 25/6/1954, Diệm cùng một đoàn tùy tùng nhỏ lên đường về nước.

F. Chính phủ lâm thời & Thỏa ước Hạ Long II (5/6/1948)

Trong khi đó, tại nội địa, các chuẩn bị cho Bảo Ðại hồi hương vẫn tiếp tục. Ngày 27/1/1948, Cao Ðài và Hoà Hảo ký hiệp ước tương trợ. Ngày 8/2, Việt Nam Quốc Gia Liên Hiệp họp ở Huế.

Sau khi chính phủ Ramadier khẳng định vẫn tin cậy Bollaert trong việc thương thuyết với Bảo Ðại, cuối tháng 2/1948, Diệm lại qua Hong Kong. Ngày 14/3, Bảo Ðại về tới Hong Kong. Sau đó, tiếp kiến Chủ tịch các Hội Ðồng An Dân Hà Nội và Hội Ðồng Chấp Chánh Huế. Tướng Xuân và Lê Văn Hoạch cùng những người khác yêu cầu Bảo Ðại xúc tiến nhanh hơn việc thương thảo. Xuân cũng đồng ý thống nhất ba miền. Ðại diện Hoà Hảo-Dân Xã là Trần Văn Soái, Lê Văn Kính (tức Lương Văn Tường, Lương Trọng Tường hay Kinh Lý Tường), Phan Khắc Sửu và Nguyễn Hữu Ðạt (?) qua Hong Kong gặp Bảo Ðại từ ngày 19 tới 26/3/1948. Bởi thế, Bảo Ðại sai Diệm về Sài Gòn báo cho Bollaert biết là “Nguyện vọng của dân Việt vượt quá những điều ký kết ở Hạ Long [Nguyên văn: “Les aspirations du peuple vietnamien dépassaient les termes de l’accord d’Halong [12/1947].”(89)
89. SHAT (Vincennes), 10H xxx.

Mặt khác, ngày 26/3, Bảo Ðại viết thư cho đại diện những đoàn thể chính trị và tôn giáo, khẳng định chấp thuận việc thành lập chính phủ lâm thời trung ương để thương thuyết với Pháp. Cuối tháng 4/1948, Xuân qua Hồng Kông gặp Bảo Ðại;được chấp thuận cho lập chính phủ trung ương lâm thời. Ðầu tháng 5/1948, Paris phê chuẩn việc Xuân làm Thủ tướng, và sẽ trực tiếp ký Hiệp ước với Bollaert, với sự “chứng kiến” của Bảo Ðại.(90)
90. Ngày 12/5/1948, Ðại sứ Mỹ Caffery điện báo về BNG là Vụ trưởng Á Châu Bộ Ngoại Giao Pháp tiết lộ rằng Paris đã cho phép Bollaert chấp thuận việc thành lập một chình phủ lâm thời với Xuân làm Thủ tướng. Tuy nhiên, chính phủ này phải đặt ở Hà Nội hay Huế. Việc thương thuyết giữa Bollaert và Xuân sẽ dựa trên căn bản Hiệp ước Hạ Long ngày 7/12/1947. Bảo Ðại sẽ ký tên vào Hiệp ước mới (5/6/1948) giữa Bollaert và Xuân.

Ngày 15/5, Bảo Ðại gửi thông điệp cử Xuân thành lập Chính phủ trung ương lâm thời.(91) Năm ngày sau, 20/5, một nhóm 37 người, có cả Phạm Công Tắc, họp Ðại hội tại Sài Gòn, ký quyết nghị “Vâng thánh ý” lập Chính phủ Trung ương lâm thời Việt Nam. Tại Ðại hội này, các đại diện ra tuyên cáo: Việt Nam là một nước đồng minh mà không phải “liên hiệp” [associés]; VN có quyền gửi các lãnh sự ngoại giao; VN có những nhân viên ngoại giao ở hải ngoại; VN có thể được các nước ngoài nhìn nhận, mà như thế được tình trạng “dominion” như của Bri-tên.(92)
91. Công báo Việt Nam [CBVN], I:1 (4/6/1948), tr. 4.
92. SHAT [Vincennes], 10H xxx.

Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân (giữa). Trần Văn Hữu (bên trái). Nguồn: OntheNet
Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân (giữa). Torng tấn Nam Phần Trần Văn Hữu (bên trái). Nguồn: OntheNet

Ngày 21/5/1948, chính phủ Trung ương Lâm Thời thành hình. Hai ngày sau, 23/5, Nguyễn Văn Xuân ký Sắc lệnh số 1, thành lập “Chính phủ Trung ương lâm thời Việt Nam,” do Xuân “chủ tọa.”(93)
93. Công báo Nam phần Việt Nam, 3:22 [31/5/1948]:359; CBVN, I:1 [4/6/1948]:7.Cùng ngày, Xuân ban hành Nghị định thứ 2, công bố tổ chức và chức quyền của chính phủ này; SHAT (Vincennes), 10H xxx.

Ngày này, Bollaert và Xuân trao đổi văn thư về việc thành lập chính phủ trên. Bốn ngày sau, 27/5, Xuân trình diện chính phủ lên Bảo Ðại ở Hong Kong.(94)
94. CBVN, I:1 [4/6/48]:4.

Ngày này, Robert Schumann “ghi nhận” sự thành lập chính phủ Xuân. Ngày 1/6/1948, Xuân công bố danh sách chính phủ. (95)
95. Chủ tịch Hội đồng Tổng trưởng, kiêm Tổng trưởng Quốc Phòng: Nguyễn Văn Xuân. QVK, Phó Chủ tịch, Tổng trấn Nam Phần: Trần Văn Hữu. QVK, Tổng trấn Trung phần: Phan Văn Giáo. QVK, Tổng trấn Bắc phần: Nghiêm Xuân Thiện. QVK, Tùng Bộ Quốc Phòng: Trần Quang Vinh. Lễ nghi, Quốc Gia Giáo dục: Nguyễn Khoa Toàn. Nội vụ: Nguyễn Hữu Trí [không nhận] Tư pháp: Nguyễn Khắc Vệ. Tài chánh/Kinh tế Quốc gia: Nguyễn Trung Vinh. Công tác & Kế hoạch: Nguyễn Văn Ty.Thông tin, Báo chí & Tuyên truyền: Phan Huy Ðán, Y sĩ [sau đổi tên thành Phan Quang Ðán] Canh Nông: Trần Thiện Vàng. Y tế: Ðặng Hữu Chí, Y sĩ. Thứ trưởng tùng Dinh Chủ tịch: Ðinh Xuân Quảng. Thứ trưởng tùng Bộ Quốc gia Giáo dục: Hà Xuân Tế (CBVN, I:1, [4/6/1948]:15-6). Vì Nguyễn Hữu Trí từ chối Bộ Nội vụ, chức này do Xuân kiêm nhiệm. Ngày 25/9/1948, Trí được cử làm đại diện VN tại Paris, với Vũ Quí Mão làm “Ðặc vụ viên.” “Chỉ dụ” ngày 9/6/1948 bổ nhiệm Ðỗ Quang Giai làm Thứ trưởng Nội vụ; và Ngô Quốc Còn, Thứ trưởng Lao Ðộng & Hoạt động xã hội; CBVN, I:2 [18/6/1948]:23-4). Qua ngày 28/6/1948, Lê Công Bộ làm Thứ trưởng Nội An; CBVN, I:3[31/7/1948]:35. Ngày 2/6/1948, Xuân ký sắc lệnh thứ ba, ban hành “Pháp qui tạm thời” (Statut Provisoire) của nước Việt Nam. Cờ vàng, ba sọc đỏ. Quốc ca: Thanh niên hành khúc [nhưng không nhắc tên tác giả Lưu Hữu Phước]. Ngày 7/6/1948, Xuân ký sắc lệnh hủy bỏ pháp qui tạm thời này. Một tuần sau, ngày 14/6, Xuân ký Sắc lệnh liên quan đến các tổ chức công quyền tạm thời. Việt Nam chia làm ba [3] miền, thủ đô là Hà Nội. Quốc kỳ là cờ vàng (chiều dọc bằng 2/3 chiều dài), giữa có ba sọc đỏ (dày bằng 1/15 chiều dọc của lá cờ và cũng cách nhau chừng ấy). Quốc ca: Thanh niên hành khúc. Theo Nguyễn Văn Tâm, Tâm là tác giả lá cờ vàng ba [3] sọc đỏ và chọn bài hát của Lưu Hữu Phước làm quốc ca. Theo Nguyễn Khánh, lá cờ vàng ba sọc đỏ là biến thể của lá cờ nền vàng ba sọc xanh của Cộng Hòa Nam Kỳ.

Ngày 3/6, khi Xuân ra trước Hội đồng Tư Vấn Nam Kỳ, yêu cầu được yểm trợ trước khi đi Hạ Long, Ðảng Quốc Gia Ðộc Lập, mới thành lập, công kích Xuân là bán đứng Nam Kỳ. Dẫu vậy, ngày 5/6/1948, Bollaert và Xuân cùng các đại diện chính quyền ở ba miền (Nghiêm Xuân Thiện, Ðặng Hữu Chí [Bắc], Phan Văn Giáo, Nguyễn Khoa Toàn, Ðinh Xuân Quảng [Trung], và Trần Văn Hữu, Lê Văn Hoạch [Nam]) gặp nhau trên chiến hạm Duguay-Trouin, “dưới sự chứng kiến” của “đế “ Bảo Ðại. Sau đó ra Tuyên ngôn chung (Déclaration Commune) ba [3] điểm; theo đó, điều 1 xác định:“Nước Pháp long trọng nhìn nhận sự độc lập của nước Việt Nam. Từ rày về sau, việc tự do thực hiện nền thống nhất quốc gia tùy nơi nước Việt Nam. Về phần mình, nước Việt Nam tuyên bố chịu gia nhập vào Liên Hiệp Pháp với danh nghĩa một quốc gia đồng hội với nước Pháp.” [Nguyên bản tiếng Pháp: “La France reconnait solennement l’indépendance du Vietnam auquel il appartient de réaliser librement son unité. De son côté, le Vietnam proclame son adhésion à l’Union Francaise en qualité d’Etat associé à la France. L’indépendence du Vietnam n’a d’autres limites que celles que lui impose son appartenance à l’Union Francaise.”] (96)
96. CBVN, I:2 [18/6/48]:18; CAOM (Aix), GGI, Amiraux, 50062. Ngoài ra, 2/Việt Nam bảo đảm tôn trọng những quyền lợi của công dân Pháp, tôn trọng các nguyên tắc dân chủ, và dành ưu tiên cho các cố vấn và chuyên viên kỹ thuật Pháp trong việc tổ chức nội bộ cùng kinh tế; 3/ sau khi thiết lập một chính phủ lâm thời, các đại diện Việt Nam và Pháp sẽ ký những thỏa ước về văn hoá, chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính và kỹ thuật.

Ngoài Tuyên Ngôn Chung nói trên, còn có một phụ bản mật, với nội dung tương tự như mật ước ngày 7/12/1947. Bảo Ðại, Nguyễn Văn Xuân và Bollaert cũng ra ba tuyên cáo riêng lập lại những điều căn bản trên.(97) Ngay sau đó, Bảo Ðại rời Hong Kong qua Paris.
97. FRUS, 1948, VI:25. Ngày 6/6/1948, tại Hà Nội, Báo L’Entente, cùng hầu hết các báo chí loan tin về “Hiệp ước” (Accords) Hạ Long. Theo các báo này, Bảo Ðại đã ký hiệp ước với Bollaert, dưới sự chúng kiến của Nguyễn Văn Xuân. Theo Phó Lãnh sự Mỹ Edwin C. Rendall tại Hà Nội, cả ba người cùng ký, và Bảo Ðại dùng thêm hai chữ “S.M.” (Sa Majesté) trước tên mình; FRUS, 1948, VI:24. Hôm sau, 7/6, Hồ phản đối việc “bọn bù nhìn” (fantoche) ký kết hòa ước với bất cứ nước ngoài nào. Ngày 9/6/1948, Tổng Lãnh sự Abbott gặp Xuân và Hữu. Theo Xuân cần đạt hoà ước gấp, nếu muốn có cơ hội thành công. Việc thương thuyết sẽ tiếp tục ở cả Pháp và Việt Nam, do “Siêu Ðại sứ” Bảo Ðại thực hiện. Có thể Bảo Ðại sẽ hồi hương, nếu đó là kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý. (Tướng Pierre Boyer de Latour du Moulin, Tư lệnh Quân Pháp ở miền Nam thì cho rằng Bảo Ðại sẽ hồi hương trong một thời gian ngắn). Xuân không mấy tin tưởng vào việc chiêu hồi những người Quốc Gia trong hàng ngũ Việt Minh. Việt Minh đang áp dụng những thủ đoạn hung bạo–kể cả chôn sống–để ngăn chặn phong trào về tề; FRUS, 1948, VI:25-6). Ngày 9/6/1948 này, Ferdinand Baeyens, Giám đốc Á Châu vụ Pháp, thông báo Ðại sứ Bruce: Chính phủ Pháp rất bi quan về chính phủ Xuân. Bảo Ðại không ưa Xuân, chỉ giữ Xuân cho tới lúc “tường đã khô.” Bộ Ngoại Giao và Hải ngoại Pháp đều muốn thay Xuân, chẳng hạn như Diệm; FRUS, 1948, VII:24-25. Sau khi Joseph Laniel (6/1953-6/1954) đồng ý trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam ngày 3/7/1953,(134) họ Ngô ráo riết vận động lên cầm quyền.

Ít nữa thì “Hiệp ước” Hạ Long cũng mang lại vài tin vui. Ðiều khiến Pháp hài lòng nhất là ngày 17/6/1948, Lê Văn “Bảy” Viễn bỏ Việt Minh mang quân Bình Xuyên về hợp tác với Bảo Ðại. Ngày Chủ Nhật, 1/8/1948, Xuân bổ nhiệm Bảy Viễn làm Ðại tá tạm thời, tùng sự dưới quyền Trần Văn Hữu.(98)
98. Nghị định ngày 23/8/1948; CBVN, I:8 (4/9/1948):102. Bảy Viễn đặt bản doanh ở số 31, rue de Canton, Chợ Lớn

Ðể làm vui lòng giáo phái Hòa Hảo, Xuân cử Lê Công Bộ làm Thứ trưởng Nội vụ, và ngày 26/6/1948, phong Trần Văn Soái lên Thiếu tướng thực thụ.

G. Hiệp ước Elysées (8/3/1949)

Mặc dù đã ký Tuyên Ngôn Chung Hạ Long II, dư luận Pháp vẫn chưa muốn trao trả độc lập và thống nhất cho Việt Nam. Bollaert rất bất mãn, tuyên bố chỉ trở lại Việt Nam nếu Quốc Hội Pháp công nhận thỏa ước này. Ngoại trưởng Marshall nỗ lực can thiệp, nhưng cả hai chính phủ Robert Schumann và André Marie đều ngần ngại.(99)
99. Ngày 3/7/1948, Ngoại trưởng Marshall điện cho Woodruff Wallner, Phụ tá Vụ trưởng Tây Âu, đang có mặt tại Paris:

1. Mặc dù vấn đề thống nhất ba kỳ của Việt Nam cần Quốc Hội Pháp phê chuẩn, nhưng Thủ tướng Robert Schumann cần công khai yểm trợ chữ ký của Bollaert;
2. Liệu chính phủ Schumann có gặp trở ngại khi đưa ra Quốc Hội biểu quyết việc thống nhất ba kỳ?
3. Mặc dù Schumann không dám đưa vấn đề ra trước Quốc Hội, nhưng có lẽ cần những lãnh đạo cao cấp nhất–Schumann, Bidault, và Coste-Floret–cùng ra sức;
4. Vấn đề sát nhập Nam Kỳ chỉ khó khăn trong hiện tại? Nếu thế, lúc nào thuận lợi?
5. Cần có những nhượng bộ nào để chứng tỏ thành khẩn khởi đầu?

Cuộc chiến ở Việt Nam đã kéo dài gần ba năm, và Pháp khó đạt một chiến thắng quân sự. Cuộc chiến này làm suy yếu nền kinh tế của Pháp và liên hệ của phương Tây với các sắc dân phương Ðông. Quan điểm của Bộ Ngoại Giao Mỹ là sự tiếp tục cuộc trình diễn những hình nộm mà Pháp đã sản xuất suốt hai năm qua chỉ giúp HCM mạnh hơn, và bảo đảm việc xuất hiện một quốc gia do Cộng Sản thống trị, ngả theo phe Liên Sô. Ðể tránh điều này, điều quan trọng hơn cả là phải cho cái gọi là chính phủ trung ương hiện nay, hoặc bất cứ một chính phủ chống Cộng nào, một cơ hội thành công bằng những nhân nhượng có thể quyến rũ đại đa số những thành phần không Cộng Sản; FRUS, 1948, VI:30.

Ngày 9/7/1948, Bollaert nói đang đòi Quốc Hội phải phê chuẩn Hiệp ước Hạ Long, như một điều kiện để trở lại Ðông Dương. Bollaert đã yêu cầu chính phủ Schumann và Quốc Hội phải có hành động trước cuối tháng 7/1948, và hy vọng sẽ thuyết phục được Schumann đệ trình trước Quốc Hội toàn bộ hồ sơ. Tại Quốc Hội, Bollaert cũng tin rằng sẽ thắng lợi với một đa số vừa phải, để phê chuẩn thỏa ước Hạ-long cũng như chính sách của Bollaert tại Ðông Dương. Quyết nghị của Quốc Hội cũng đương nhiên hủy bỏ Hiệp ước 1862 [đúng hơn, hiệp ước 1874], theo đó Nam Kỳ được cắt nhượng cho Pháp. Tuy nhiên, việc sát nhập Nam Kỳ trở lại với lãnh thổ Việt Nam cần một cuộc trưng cầu dân ý; nhưng trong hoàn cảnh hiện tại không dễ tổ chức trưng cầu dân ý. Về những thỏa ước kỹ thuật, Bollaert cho rằng có thể bắt đầu thảo luận từ mùa Thu 1948, không cần sự chấp thuận của Quốc Hội. Thứ Hai, 19/7/1948: Bollaert khẳng định QH phải phê chuẩn Hiệp ước Hạ Long. Không đồng ý với đề nghị “chấp nhận ngầm” mà Coste-Floret đưa ra ngày 17/7/1948. Bollaert cũng lo ngại Bảo Ðại mải mê vui hưởng lạc thú ở Âu Châu, không muốn trở lại Ðông Dương, và yêu cầu Mỹ can thiệp; FRUS, 1948, VI:34-5. (Thứ Hai, 19/7/1948: Thủ tướng Schumann xin từ chức. Thứ Tư, 21/7/1948: André Marie được cử làm Thủ Tướng. Thứ Hai, 26/7/1948: Chính phủ Marie nhiệm chức. Schumann, cựu Thủ tướng, nắm Bộ Ngoại giao. 5/8/1948: Ðại sứ Caffery báo cáo: Bollaert không chịu trở lại Ðông Dương nếu Quốc Hội không thảo luận về vấn đề thỏa ước Hạ-long. 19/8/1948: Thủ tướng Marie tuyên bố ủng hộ Tuyên Ngôn Chung Hạ Long. Tuy nhiên, chưa có một quyết định chính thức nào của Quốc Hội Pháp. Bollaert muốn được phê chuẩn chính thức như một hiệp ước, và trở thành Hiến chương của nền bang giao Pháp-Việt (Charte des rapports franco-vietnamiens).

Trong khi đó, Bảo Ðại không chứng tỏ dấu hiệu nào sẽ về nước ngay. Có nhiều nguyên do. Trước hết là phản ứng dữ dội của phe Việt Minh Cộng Sản. Ngày 27/4/1949, khi nước đã cạn, ngọn lửa “thánh chiến chống Cộng” ngày càng bốc mạnh, và Mao đã chiếm Bắc Kinh, Hồ lên án tử hình Bảo Ðại, rồi công khai chống “đế quốc đầu xỏ Mỹ.” Ðồng thời xiết chặt quan hệ với Ðảng CSTH—qua những cuộc hành quân hỗn hợp tiêu diệt và ngăn chặn tàn binh Tưởng tràn vào Bắc Việt, hay đánh phá Thập Vạn Ðại Sơn, nằm sát biên giới Quảng Tây-Cao Bằng. Ngày 7/6, Hồ gay gắt phản đối việc “bọn bù nhìn” [fantoche] ký kết hòa ước với bất cứ nước ngoài nào. Cơ quan tuyên truyền Việt Minh phát động chiến dịch bôi nhọ từ Bảo Ðại tới những người khác trong chính phủ Xuân. Việt Minh cũng gia tăng hành động khủng bố—kể cả chôn sống—để ngăn chặn phong trào về tề. (100) Xuân và các cộng sự viên cũng bị lên án tử hình.
100. FRUS, 1948, VI:25-6; Lê Văn Hiến, Nhật ký một bộ trưởng, 2 tập (Ðà Nẵng: NXB Ðà Nẵng, 2004), II:60 [24-27/4/1949: Tuyên Quang: Tiếp tục Hội nghị HCKC toàn quốc. HCM kết tội Bảo Ðại là phản quốc; giao cho tòa án quân sự xét xử. 27/4/1949, HCM tuyên bố xử tử Bảo Ðại.]

Mặt khác, Bảo Ðại vẫn nhấn mạnh đòi hỏi thống nhất lãnh thổ và độc lập thực sự.(101)
101. FRUS, 1948, VII:42. Ngày 9/7/1948, Bollaert ăn trưa với Bảo Ðại. Khi Bollaert hỏi về việc hồi hương, Bảo Ðại nói là còn tùy hoàn cảnh. Bảo Ðại muốn đạt được càng nhiều nhượng bộ của Pháp càng tốt; FRUS, 1948, VI:32-3.

Quan trọng hơn cả là sự chống đối của thành phần bảo thủ Pháp. Theo một viên chức Mỹ, Phụ tá Tây Âu Vụ Bộ Ngoại Giao Mỹ, Wallner, chính phủ Schumann đang chuẩn bị ra điều trần về ngân sách quân sự và quĩ yểm trợ kinh tế trước khi QH tái nhóm ngày 15/7, nên có lẽ chẳng dám ném ra thỏi thuốc nổ Ðông Dương. Trong khi đó tại QH các đảng Cộng Sản, Gaullist và PRL chắc chắn sẽ chống đối. Số dân biểu Xã Hội chống lại có lẽ không nhiều, mặc dù nghị quyết về vấn đề thương thuyết với HCM đã thông qua. Có lẽ Schumann sẽ không đưa vấn đề ra trước Quốc Hội, nhưng Bollaert thì nhất quyết đòi Quốc Hội thảo luận, hoặc sẽ từ chức. Wallner đề nghị Marshall nên cảnh giác Schumann là Pháp đang đối diện hai con đường: chấp nhận ngay nguyên tắc Việt Nam độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp và thống nhất ba kỳ; hoặc, sẽ mất cả Ðông Dương.(102)
102. FRUS, 1948, VI:32-3. Ngày 14/7, Marshall chấp thuận đề nghị của Wallner, chỉ thị cho Ðại sứ Caffery tiếp xúc chính phủ Truman. Ngày 15/7, Caffery thông báo đã hoàn tất nhiệm vụ, nhưng nhân viên Bộ Ngoại Giao Pháp cho biết vấn đề cực kỳ khó khăn; Ibid., tr. 33-34. Năm ngày sau, 19/7, chính phủ Schuman bị đổ.

Thêm vào đó, ngày 28/8/1948 chính phủ André Marie (26/7-28/8/1948) bị đổ. Ngày 11/9, Henri Queuille được cử lập chính phủ mới, với Schumann làm Ngoại trưởng, Ramadier nắm Quốc Phòng. Tháng 10/1948, Bollaert về nước. Ngày 20/10, Queuille cử Léon Pignon làm Cao Ủy Ðông Dương.(103) Pignon vội xúc tiến ngay việc thương thuyết với Bảo Ðại, vì lúc này áp lực của Liên Bang Mỹ ngày một mạnh.(104)
103. CAOM (Aix), INF, c. 154/1354.
104. Ngày Chủ Nhật, 17/1/1949, Lovett, XLTV Ngoại trưởng Mỹ, gửi công điện cho Ðại sứ tại Pháp: Mỹ muốn thấy Pháp đi đến thỏa thuận với Bảo Ðại hay bất cứ một “nhóm quốc gia chân chính” nào khác có khả năng lôi kéo đa số dân chúng, và không thể cam kết yểm trợ một chính phủ không vận động được dân chúng ủng hộ, sẽ biến thành một chính phủ bù nhìn, tách biệt khỏi dân chúng, và sự hiện hữu chỉ dựa vào binh lực Pháp. Caffery sẽ được thông báo về hành động phối hợp Mỹ, Bri-tên và Pháp để chống Cộng Sản sau khi nhận được báo cáo của Bri-tên; FRUS, 1949, VII:5. Ngày Thứ Tư, 20/1/1949, Ðại sứ Caffery điện báo là Pignon cho biết đã đạt được các điểm căn bản. Hai bên đồng ý rằng cần Quốc Hội Pháp phê chuẩn việc thống nhất Nam Kỳ trước khi chính thức công bố các điểm thỏa thuận để bảo đảm rằng dân chúng sẽ chấp nhận giải pháp Bảo Ðại. Vấn đề chủ quyền gồm hai [2] lãnh vực: Ngoại giao và nội bộ. Về nội bộ, việc bàn giao cơ cấu hành chính có thể thực hiện bất cứ lúc nào, nhưng về tư pháp, cần sắc luật của Quốc Hội. Chính phủ Pháp đang nghiên cứu thời điểm cho Bảo Ðại hồi hương, và chuẩn bị hồ sơ chuyển qua Quốc Hội. Quốc Hội sẽ bàn thảo về việc này trước ngày bầu cử hàng tổng (canton) ngày 15/3/1949. Nếu chính phủ thay đổi lập trường, hay Quốc Hội không phê chuẩn, Pignon sẽ từ chức; FRUS, 1949, VII:6.

Những chiến thắng liên tiếp của Mao Trạch Ðông tại lục địa khiến Pháp hối hả hơn trong việc thực hành thí nghiệm Bảo Ðại. Ngày 22/1/1949, Tưởng Giới Thạch từ chức, rồi bay ra Ðài Loan. (Lý Tôn Nhân lên thay). Ðang điều đình với Bảo Ðại, Chủ Nhật, 24/1/1949, Cao ủy Pignon phải hối hả bay về Ðông Dương đối ứng tình thế mới. Ðầu tháng 2/1949, Ðảng CSTQ chiếm Bắc Kinh.
Biến cố này khiến thương thuyết Pháp-Bảo Ðại vượt nhanh qua những trở ngại kỹ thuật. Buổi tối Thứ Tư, 17/2/1949, Bửu Lộc, Chánh văn phòng của Bảo Ðại, từ Cannes về Paris, cho Ðại sứ Mỹ Caffery biết rằng Bảo Ðại sẽ được Tổng thống Pháp Vincent Auriol mời lên Paris ký Hiệp ước vào tuần sau, và trở về Việt Nam bằng tàu chiến vào đầu tháng 4/1949.(105) Ngày 25/2, báo chí Paris công bố nội dung thỏa ước Pháp-Bảo Ðại. Rồi, ngày 8/3/1949 Auriol trao đổi công hàm với Bảo Ðại, theo đó “Pháp long trọng công nhận” một nước Việt Nam độc lập và dân chúng có quyền tự do quyết định sự thống nhất lãnh thổ của mình, theo tinh thần Hiệp ước Hạ Long, kèm theo một phụ bản các điều thỏa thuận với Pignon.(106)
105. FRUS, 1949, VII:7.
106. FRUS, 1949, VII:10. Thư ngày 8/3/1949 của Auriol gửi Bảo Ðại gồm 7 mục chính: Việt Nam thống nhất (Unité du Vietnam); Vấn đề ngoại giao (Question diplomatique); Vấn đề quân sự (Question militaire): Việt Nam sẽ có một quân đội riêng để duy trì trật tự, an ninh nội địa và bảo vệ đế quốc (la défense de l’Empire). Trong trường hợp tự vệ, có thể được các lực lượng Liên Hiệp Pháp yểm trợ (appuyé par les forces de l’Union francaise). Quân đội VN cũng tham dự vào cuộc bảo vệ biên cương của toàn Khối Liên Hiệp Pháp; Vấn đề chủ quyền trong nước (Souveraineté interne); Vấn đề tư pháp; Vấn đề văn hóa; Vấn đề kinh tế và tài chính (CP 290).
Phía sau hậu trường, Bộ trưởng Hải ngoại Coste-Floret vận động Quốc Hội Pháp biểu quyết cấp thời một sắc luật thành lập một Hội đồng Lãnh thổ Nam kỳ (Assemblée Territoriale de Cochinchine, HÐLTNK), gồm 12 đại diện Pháp và 24 đại diện Việt, để quyết định số phận Nam Kỳ. Viên chức Pháp cũng giữ kín nội dung “Hiệp ước Elysées” tới ngày Bảo Ðại về nước, dự trù vào 25/4/1949 để có một “kích xúc tâm lý” (choc psychologique).(107)
107. AAN, 1949:1545-546. Phụ bản các điều thỏa thuận chỉ công bố vào ngày 18/6/1949.

Ngày Thứ Năm, 9/3, Quốc Hội Pháp bắt đầu thảo luận về Thỏa ước Elysées và vấn đề Nam Kỳ. Báo Franc-Tireur của Ðảng Xã hội Gaullist đăng thư đề ngày 17/1/1949 của Guy Mollet gửi Thủ tướng Queuille: Bác giải pháp Bảo Ðại, và kêu gọi thương thuyết với Hồ. Theo dân biểu Jean Guillon, “Giải pháp quân sự không thể thắng; Bảo Ðại chẳng có một chút uy thế nào ở Việt Nam. Việt Nam đứng sau lưng Hồ Chí Minh. Trước tiên phải thương thuyết với Hồ Chí Minh.”(108) Hôm sau, 10/3, nhiều dân biểu Cộng Sản và Gaullist tiếp tục phản đối. Dân biểu Guillon cho đó là “sự sao chép vụng về của Hiệp ước [sơ bộ] 6/3/1946, chỉ là một thứ hình thức (facade).” Việc làm của Coste-Floret, theo Guillon, “thiếp vàng lại một ông vua mất chức, được biết nhiều ở các sân golf tại Cannes hay những tay bồi rượu ở các hộp đêm hơn là trong lớp nông dân.”(109)
108. Nguyên văn: “La solution militaire n’est pas obtenue; Bao Dai ne jouit d’aucune autorité au Viet Nam. Le Viet Nam est derrière Ho Chi Minh. Il faut traiter en premier lieu avec Ho Chi Minh; AAN, 1949:1521.
109. AAN, 1949:1522-523.

Guillon cũng cho rằng chính phủ Pháp đã chịu áp lực của Mỹ, đề cập đến chuyến thăm Ðông Dương của cựu đại sứ Mỹ Bullit, vào tháng 9/1948; rồi cảnh cáo rằng thanh niên Pháp đang bị giết để bảo vệ quyền lợi kinh tế của Mỹ. Theo Guillon: “Thực ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh không làm hài lòng ông Bullit, vì trong thời gian Nhật đầu hàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ chối những đề nghị do Tướng Gallagher nhân danh Washington đưa ra.” Guillon cũng dẫn lời của Cuisinier, trên báo Revue socialiste [Tạp chí Xã hội] số tháng 7/1948, nhận định về Hồ:

‟Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qui tụ được những người quốc gia không đảng phái cũng như một số đông những người Ki-tô giáo yêu nước. Chống lại ông ta chỉ có cựu quan lại, cựu công chức, vài trưởng giả giàu có—mà không phải tất cả họ—và những cá nhân, dưới chế độ Nhật cũng như Pháp, đã nghĩ đến sự gia tăng quyền lợi bản thân mà họ có thể rút ra từ phe này hay phe kia, dù không vì bất cứ phe nào, trước khi nghĩ đến tổ quốc hay việc bảo vệ một lập trường chính trị.” (110)
110. AAN, 1949:1523, col 3.

Guillon còn dẫn lời cựu Thủ tướng Léon Blum, trên báo Le Populaire ngày 6/8/1947:

“Thưa vâng, người ta phải thương thuyết với những đại diện thực [authentiques] và xứng đáng [qualifiés] của dân chúng Việt Nam, bất kể họ là ai, bất kể chính kiến hay cá nhân nào. Vâng, Hồ Chí Minh chưa chết, dù ai có nói gì đi nữa, ông ta còn sống, đã tiếp kiến ông Paul Mus, đã gửi cho tôi một công hàm ít ngày trước, là đại diện chính thức và xứng đáng của dân chúng Việt Nam.”(111)
111. AAN, 1949:1523, col 3.

Dẫu vậy, ngày Thứ Bảy, 11/3, Quốc Hội Pháp chấp thuận lập Hội đồng Lãnh thổ Nam Kỳ [HÐLTNK] với số phiếu 387/193. Dự thảo luật này chuyển lên Thượng viện [Conseil de la République] để biểu quyết ngày hôm sau. Ngày Chủ Nhật, 12/3, Thượng Viện Pháp, với số phiếu 185/97, chấp thuận dự luật thành lập HÐLTNK với vài sửa đổi. Sau đó, gửi trả lại Hạ Viện. Hạ Viện chấp thuận. Luật này được in trên Công báo [JOF] ngày 24/3/1949. Thủ tục này dựa theo Ðiều thứ 75 của Hiến pháp: Một phần lãnh thổ của Cộng Hoà Pháp hoặc Liên Hiệp Pháp có thể biến đổi, do Luật của Quốc Hội, sau khi đã tham khảo với Hội nghị địa phương và Hội đồng Liên Hiệp Pháp. Như thế, theo Ðiều 27 của Hiến pháp, không cần phải trưng cầu dân ý [referendum]. Thứ Ba, 14/3/1949, Pháp ban hành Luật tổ chức HÐLTNK. Hội đồng gồm 16 Pháp (12 nghiệp đoàn, thương gia; 4 tự do) và 48 Việt (8 Sài Gòn, Chợ Lớn; 40 cho các tỉnh). Ngày 23/3, ban hành Nghị định áp dụng luật ngày 14/3/1949 tại Ðông Dương. Ngày 10/4, HÐLTNK bầu xong, gồm 54 thành viên, 14 Pháp và 40 Việt. Ngày 24/4, HÐLTNK đồng ý tái nhập Nam Kỳ vào Việt Nam.(112) Ngày 24/4/1949 này, Bảo Ðại lên đường về nước. Bốn ngày sau, 28/4, Bảo Ðại từ Singapore về tới Sài Gòn, nhưng lên thẳng Ðà Lạt.(113)
112. CAOM (Aix), PA 19, Carton 4/68; AAN, 1949:1590, col1; FRUS, 1949, VII:11.
113. SHAT (Vincennes), Indochine, 10H xxx.

Mãi tới ngày 10/6/1949—sau khi Quốc Hội Pháp chấp thuận cho Nam Kỳ sát nhập vào Việt Nam (3/6/1949) và Tổng thống Auriol ban hành Luật công nhận Việt Nam thống nhất (4/6/1949), đồng thời báo chí Pháp công bố một thư Auriol gửi Bảo Ðại khẳng định QH Pháp đã thông qua luật sát nhập Nam Kỳ vào Việt Nam; như thế “độc lập và thống nhất của Việt Nam, trong Liên Hiệp Pháp, đã trở thành sự thực” (6/6/1949)—Bảo Ðại mới xuống Sài Gòn trao đổi văn kiện với Pignon và ra mắt quốc dân.

Trong thời gian chờ đợi, Bảo Ðại vận động xin viện trợ Mỹ. Ngày 2/6, Ðại sứ Mỹ Bruce từ Paris điện báo “Quốc trưởng” Bảo Ðại muốn được Mỹ nhìn nhận trên thực tế (de facto recognition), được viện trợ kinh tế trực tiếp, và giúp vũ khí qua trung gian Pháp (50,000-60,000 súng). Cũng muốn Mỹ gửi đến những phái đoàn thiện chí, và nâng Toà Tổng lãnh sự lên hàng Phái bộ (Legation).(114) Tuy nhiên, đa số chuyên viên Mỹ đều cho rằng Thỏa ước Elysées “quá ít, quá chậm” (too little, too late). Pháp cần rộng rãi hơn nữa trong việc diễn dịch và thi hành thỏa ước, vì giải pháp Bảo Ðại chỉ có khoảng 50-50 thành công. Giám Ðốc Tây Âu vụ, Douglas MacArthur II, khẳng định các quan điểm cho rằng Mỹ sẽ đổ viện trợ vào Ðông Dương để ngăn chặn vùng này lọt vào tay CS, hay quân viện Mỹ sẽ giúp Pháp đạt một chiến thắng quân sự, hoàn toàn sai lầm và nguy hiểm.(115)
114. FRUS, 1949, VII:35-36.
115. FRUS, 1949, VII:27,31.
[Sau khi Hồ nhìn nhận TC ngày 15/1/1950, ba ngày sau BK thừa nhận VNDCCH, rồi Nga nhìn nhận VNDCCH ngày 30/1/1950. Theo lịch Mỹ, Bắc Kinh thừa nhận VNCH ngày 17/1/1950, và Nga ngày 29/1/1950.] United States-Vietnam Relations, 1945-1967, Bk 1, I. A-59.
Ngày 1/2/1950, Acheson tuyên bố:

The recognition by the Kremlin of Ho Chi Minh’s Communist movement in Indochina comes as a surprise. The Soviet acknowledgment of this movement would remove any illusions as to the ‘nationalist’ nature of HCM’s aims and reveals Ho in his true colors as the mortal enemy of native independence in Indochina. United States-Vietnam Relations, 1945-1967, Bk 1, I. A-59.
Ambassador Jessup has already expressed to Emperor Bao Dai our best wishes for prosperity and stability in Vietnam, and the hope that closer relationship will be established between Vietnam and the United States. United States-Vietnam Relations, 1945-1967, Bk 1, I. A-59-60.

4/2/1950: The US Consul General in Sai Gon was instructed to deliver the following message to Bao Dai: Recognition of Bao Dai was followed swiftly by French request for US aid.
16/2/1950: Pháp xin viện trợ quân sự, kinh tế và chính trị cho Đông Dương (FRUS, 1950, VI:730). [Xem 8/5/1950]

Bởi thế, mặc dù trong thông điệp chúc mừng Bộ Ngoại Giao Pháp về Hiệp ước 8/3/1949, Bộ Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh “Dân tộc Việt Nam sẽ mắc phải một lầm lỗi tai hại nếu không ủng hộ chính phủ thành lập qua Hoà ước 8/3/1949.” Ngày 2/5, Ngoại trưởng Dean Acheson chỉ thị Tổng lãnh sự Abbott ở Sài Gòn: “Phải cố tránh gây sự hiểu lầm là Mỹ trên thực tế nhìn nhận chế độ Bảo Ðại.”(116) Cho tới ngày 7/10/1949, sau khi Mao tuyên bố thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, chính phủ Mỹ vẫn cảm thấy chưa tiện công nhận chính phủ Bảo Ðại.
116. FRUS, 1949, VII: 21-22, 38-45.

Sự trì hoãn của Mỹ phản ảnh sự khác biệt sâu đậm giữa Pháp và Mỹ. Ðông Dương, với Pháp, là quyền lợi chính trị, kinh tế và văn hóa. Với Mỹ, chiến lược chống Cộng là bản căn. Buổi nói chuyện ngày 13/4/1949 giữa W. Walton Butterworth, Giám đốc Viễn Ðông vụ, và Charles S. Reed, Ðông Nam Á vụ, với Jean Daridan, Cố vấn Toà Ðại sứ Pháp, phần nào phản ảnh tâm ý các viên chức Mỹ. Khi Daridan đặt câu hỏi liệu Mỹ có yểm trợ Bảo Ðại hay chăng nếu sau một thời gian kế hoạch Bảo Ðại chứng tỏ có tiến bộ, Butterworth khẳng định chỉ muốn giúp những người chống Cộng.(117)
117. FRUS, 1949, VII:19-20.

Ngày 10/5, Acheson chỉ thị cho Tổng Lãnh sự Abbott: Mỹ muốn thí nghiệm Bảo Ðại thành công vì chẳng có một lựa chọn nào khác hơn. Ðang chờ cơ hội thuận tiện để công nhận Quốc Gia Việt Nam, cũng như cho viện trợ vũ khí và kinh tế. Tuy nhiên, muốn Pháp có những nhượng bộ cần thiết trước khi chiến thắng của Mao Trạch Ðông tạo ảnh hưởng tại Ðông Dương. Với những người quốc gia, nếu Pháp nhân nhượng những điều cần thiết, có thể thuyết phục họ rằng: 1/ mục đích yêu nước của họ có thể thực hiện được qua sự thoả thuận Pháp-Bảo Ðại; 2/ chính phủ Bảo Ðại đại diện đích thực cho Việt Nam vì có thể bao gồm cả những phần tử không Cộng Sản hiện đang ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh; 3/ Bảo Ðại là giải pháp duy nhất bảo vệ Việt Nam trước những âm mưu xâm lấn (khuynh đảo) của Trung Cộng. Cũng cần cảnh cáo Bảo Ðại về sự nguy hiểm nếu mời Cộng Sản tham gia chính phủ. Mối quan tâm của Mỹ là liệu chính phủ Bảo Ðại có thể tồn tại được hay chăng. Abbott không nên đi Ðà Lạt tiếp xúc Bảo Ðại, nhưng có thể tiếp xúc không chính thức với những người thân cận của Bảo Ðại.(118)
118. FRUS, 1949, VII:24-25; Pentagon Papers, Gravel, I:63.

Ngày 20/5/1949, Acheson còn chỉ thị Lãnh sự Hà Nội William Gibson giải thích thêm cho Xuân những điểm sau: Nhìn vào quá khứ của Hồ, không thể có kết luận nào hơn rằng Hồ là Cộng Sản, nếu (1) Hồ không tuyên bố cắt đứt liên hệ với Liên Sô và chủ thuyết Cộng Sản, và (2) tiếp tục được báo chí Cộng Sản ca ngợi cũng như ủng hộ. Hơn nữa, Mỹ không thấy khía cạnh quốc gia của Hồ qua lá cờ đỏ sao vàng. Vấn đề Hồ vừa là Cộng Sản, vừa là quốc gia không đáng lưu tâm (irrelevant). Tất cả những cán bộ Stalin ở các nước [cựu] thuộc địa đều là người quốc gia. Sau khi đã đạt được mục đích quốc gia (tức độc lập), mục tiêu kế tiếp sẽ là biến quốc gia thành phụ thuộc cho mục đích Cộng Sản, và tận diệt không những chỉ người chống đối, mà cả các phần tử bị nghi ngờ là không đúng đường lối…. Nếu mời Hồ và CS gia nhập chính phủ Bảo Ðại, chỉ đình hoãn việc Việt Nam trở thành độc lập, hay một vệ tinh của Cộng Sản cho tới lúc thời cơ của những người quốc gia bị kém sút. Dĩ nhiên, trên lý thuyết, có thể thiết lập một chế độ Cộng Sản quốc gia như Yugoslavia [của Tito] tại bất cứ vùng nào ở xa vòng kiềm toả của Hồng quân Liên Sô. Nhưng Việt Nam đang trong vòng kiềm tỏa của Hồng quân Trung Hoa. Nếu Pháp đồng ý thực hiện Thỏa ước Elysées một cách cấp tiến, việc quan trọng nhất của Bảo Ðại và Xuân là phải lôi kéo được sự ủng hộ của dân chúng. Như trong trường hợp Trung Hoa, nước Mỹ không “bỏ rơi” (wrote it off) chính phủ Thạch, mà chính những người quốc gia Trung Hoa yếu kém quá mức và không có ý chí tranh đấu.(119)
119. FRUS, 1949, VII:29-30.
Chẳng hiểu có sự tiến cử của Reed hay chăng—lúc này Reed đã về Ban Viễn Ðông vụ ở BNG Mỹ—dịp này đích thân Bộ trưởng Hải Ngoại Coste-Floret cố thuyết phục Diệm lập chính phủ, nhưng không thành công. Diệm nêu lý do sợ giáo dân Ki-tô bị VM thảm sát.(120)
120. Irving 1975:69. Ngày Thứ Hai, 6/3/1949, tình báo Pháp báo cáo: Việt Minh triệu tập một buổi họp các cấp chỉ huy quân sự cấp trung đoàn tại Ðồng-Tháp-Mười, hoạch định kế hoạch tấn công trả đũa việc Bảo Ðại hồi hương, tức vào dịp không trăng từ 22 tới 28 tháng 3 (CP 208). Thứ Tư, 8/3/1949, Việt Minh thành lập Ðặc khu Sài Gòn/ Chợ Lớn, gồm các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, và khu Ðông Thành cũ (?) Quyết định này do Nguyễn Bình, Lê Duẩn và Phạm Ngọc Thuần ký. Ban chỉ huy của Ðặc khu: Chủ tịch: Tô Ký, Phó Tư lệnh Khu 7; Phụ tá: Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch, Ủy viên quân sự đặc khu Sài-gòn / Chợ-lớn; Bí thư: Ta Nhut Tu (?),Thanh tra chính trị và công an Ðông Nam Bộ; Chủ tịch UBHC Sài Gòn / Chợ Lớn; Chính ủy:Xung, Trưởng phòng chính trị Khu 7. Khu 7 cũ tiếp tục hiện hữu. Bộ Chỉ huy gồm có: Chỉ huy trưởng, Huỳnh Văn Nghệ; Phụ tá: Nguyễn Van Dung; Chính ủy: Nguyễn Văn Tri. (CP 208) Ngày 26/4/1950, nhân cuộc biểu tình chào mừng Bảo Ðại hồi hương tổ chức linh đình tại Hà Nội, Việt Minh ném một quả lựu đạn, khiến một em bé tử thương. Theo Lãnh sự Gibson, Pháp kiều bắt đầu bán các cơ sở kinh doanh, chuẩn bị hồi hương; FRUS, 1949, VII:21.
Ngày 1/7/1949, Bảo Ðại ký sắc lệnh số 1-CP công bố danh sách chính phủ.(121) Ngày 12/7, Bảo Ðại về Huế. Ngày 14/7, từ Huế, Bảo Ðại hiệu triệu quốc dân. Hai ngày sau, 16/7, ra Hà Nội.
121. Thủ Tướng: “Ðức” Bảo Ðại, Quốc trưởng. Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng: Trung tướng Nguyễn Văn Xuân. Tổng trưởng Ngoại Giao: Nguyễn Phan Long; Tư Pháp: Nguyễn Khắc Vệ; Quốc Gia Kinh tế và Kế hoạch: Trần Văn Văn. Bộ trưởng Phủ Thủ tướng kiêm Nội vụ: Vũ Ngọc Trản; BT Tài chánh: Dương Tấn Tài; BT Ngoại Giao: Lê Thăng; BT Quốc Phòng: Trần Quang Vinh; BT Thương Mại & Kỹ nghệ: Hoàng Cung; BT Canh Nông, Xã hội, Lao động: Phan Khắc Sửu; BT Công tác, Giao thông & Kiến thiết: Trần Văn Của; BT Quốc Gia Giáo dục: Phan Huy Quát; BT Thanh niên: Nguyễn Tôn Hoàn; BT Y tế: Nguyễn Hữu Phiếm; BT Thông tin: Trần Văn Tuyên. TTK Chính phủ: Ðặng Trinh Kỳ; CBVN, II:2 [13/8/1949]:14. Ngày 3/7/1949, Bảo Ðại ký sắc lệnh 4-CP, bổ nhiệm Nguyễn Hữu Trí làm Thủ hiến Bắc Việt; Phan Văn Giáo, Thủ hiến Trung Việt, và Trần Văn Hữu, Thủ hiến Nam Việt; CBVN, II:1 [6/8/1949]:6.

Ngày, 15/7/1949, Giáo hoàng Pius XII (1939-1958) ra lệnh “rút thông công” bất cứ ai có liên hệ với Cộng Sản. Thánh lệnh này phần nào giải tỏa mối lo ngại của Diệm, nhưng Diệm vẫn chưa chịu hợp tác với Bảo Ðại. Trong khi đó, các cộng đồng Ki-tô ngày một nghiêng về phía Thế giới Tự Do, thắp hồng “cuộc thánh chiến” chống Cộng Sản.

Ngày 21/9, Diệm về Huế, sống ở nhà Ngô Ðình Cẩn (1911-1964), em trai áp út. Ngày 22/11—trong khi Hồng quân Trung Cộng đang tiến sát dần tới biên giới Việt-Hoa—Diệm rời Huế vào Sài Gòn, rồi Vĩnh Long, và Ðà Lạt (2/1950).

Tháng 3/1950, Giám mục Từ tại Phát Diệm sai Lê Quang Luật vào Nam yêu cầu Diệm đừng “chùm chăn” và “ngang bướng” nữa, cần yểm trợ Bảo Ðại.(122) Ngày 9/4/1950, Tổng lãnh sự Mỹ Edmund Gullion, XLTV Ðại sứ, báo cáo chính phủ Nguyễn Phan Long (21/1-6/1950) sắp đổ và Trần Văn Hữu có thể lên thay. Gullion nghĩ rằng Pháp hẳn muốn Diệm, nhưng Bảo Ðại không đồng ý.
122. Ngày 24/3/1950, Luật tiết lộ với cơ quan tình báo Pháp (SEHAN) rằng Diệm không thân cận được với Bảo Ðại vì bản tính nhu nhược (faible) và thiếu cương quyết (indécis) của Bảo Ðại. Nếu lên nắm quyền, Diệm sẽ chống Cộng thẳng tay, mà muốn thế cần có sự tín nhiệm và yểm trợ tuyệt đối của Bảo Ðại. Ðiều này chắc không có. Ngoài ra, lập trường chính trị của Diệm cũng khác biệt. Thứ nhất Diệm muốn biết chắc thể chế độ chính trị của Việt Nam sẽ được tương tự như India trong Liên Hiệp Bri-tên. Nhưng sự bảo đảm chắc chắn này không được chứng tỏ qua thực tế, như việc bàn giao chủ quyền, hay qua sự tiến hoá của các khuynh hướng chính trị tại Pháp. Luật thêm rằng tại miền Bắc, Diệm chẳng có bao nhiêu người ủng hộ, ngoại trừ phe Ki-tô chịu ảnh hưởng Phát Diệm. Tại Hà-nội, theo Luật, có thể có Trần Văn Lai, Trần Trung Dung và Nguyễn Xuân Chữ. SHAT (Vincennes), Indochine, 10H xxx.

Giữa năm 1950, Diệm có ý định thành lập một lực lượng thứ ba, thân Mỹ, chống Pháp để lôi kéo những người bất mãn trong hàng ngũ Việt Minh. Cuối tháng 6/1950, tổ chức Phong Trào Quốc Gia Quá Khích ra đời ở Trung và Nam Việt, có liên hệ với Diệm.

Ngày 10/9/1950: Hà-Nội: Cơ quan SEHAN nhận định về Lê Quang Luật. Theo SEHAN, Luật đang trong tình trạng khó xử. Luật rất bất mãn việc Diệm cử Trần Trung Dung làm đại diện miền Bắc; nhưng Từ quí mến nếu không phải chịu ảnh hưởng Diệm. Hơn nữa, là người quốc gia cấp tiến, Luật chẳng biết cách nào cải thiện tinh thần Trung cổ của các giáo hữu tại Phát Diệm cùng các đoàn viên đảng Xã Hội Công Giáo của Diệm.

Nhóm Duy Dân – thành lập một cách bí mật từ năm 1945, gồm Lý Ðông A, Lê Quang Luật, Phạm Xuân Ninh, Nguyễn Mỹ Lợi và Nghiêm Xuân Hồng–đã ra đời vì bất mãn các đảng phái cũ bất lực, không thể đối chọi với Việt Minh. Nhờ sự khôn khéo của Luật, Duy Dân lôi kéo được một số đảng viên VNQDÐ đang trốn tránh ở Phát Diệm và Phủ Lý. Giám mục Từ cũng khuyến khích một số giáo dân gia nhập Duy Dân. Mục đích của Luật là qui tụ những người không theo đạo Ki-tô, dưới hình thức một đảng “bí mật” mà Luật vô hiệu hoá đến độ không có hoạt động gì cả. Hành động chống Việt Minh dành cho Liên Hiệp Dân Chúng do Phát Diệm thành lập, và dưới sự chỉ huy của Linh mục Quỳnh, nghiêng về hợp tác với Pháp. Tuy nhiên, tại Nghệ An, tổ chức này trở lại chính sách bất hợp tác của Ðảng Xã Hội Công Giáo.

Luật bắt đầu tỏ dấu hiệu hòa hoãn với Ðại Việt qua danh hiệu Duy Dân. Tại Hà Nội, Nghiêm Xuân Hồng bị Luật giật giây đến độ ra công viết học thuyết, triết thuyết dù chưa có học vấn cao đẳng vững chãi, và chẳng cần cải chính tin đồn rằng Lý Ðông A chính là mình.

Tại Phát Diệm, người chống Luật là Linh mục Xuyên (10H xxx).

H. Hồ ngả theo cộng sản

Từ năm 1945-1948, Hồ Chí Minh bắt đầu có liên lạc chặt chẽ với Ðảng Cộng Sản Trung Hoa [Zhonghua gongshandang]. Một trung đoàn Trung Cộng [TC] tỉnh Quảng Ðông đã được Hồ cho phép hoạt động tại vùng Việt Bắc để tránh sự tận diệt của Tưởng Giới Thạch. Từ tháng 6 tới tháng 10/1949, một số đơn vị Việt Minh cũng tham dự chiến dịch Thập Vạn Ðại Sơn ở vùng ranh giới Vân Nam/Quảng Tây của Trung Cộng. Tuy nhiên, chỉ từ đầu năm 1950, Hồ mới công khai ngả theo phe Cộng Sản. Do sự khuyến khích của Bắc Kinh, từ thượng tuần tháng 1/1950, Hồ Chí Minh đi bộ 17 ngày đêm qua tới Nam Ninh (Quảng Tây), rồi được Lưu Thiếu Kỳ đón lên Bắc Kinh. Hồ cho biết mục đích của chuyến đi là xin viện trợ. Vì cả Mao Trạch Ðông lẫn Chu Ân Lai đã qua Mat-scơ-va, ngày 3/2, Lưu Thiếu Kỳ dàn xếp cho HCM qua Nga. Tại Mat-scơ-va, HCM được gặp Stalin. Stalin hỏi Hồ về lý do giải tán Ðảng Cộng Sản Ðông Dương (chính thức từ ngày 11/11/1945), rồi chỉ thị cho Mao tiếp tay Ðảng CSÐD. Ðây là lần đầu tiên Hồ được gặp “người thép” Nga, dù đã chính thức hoạt động cho QTCS từ hơn phần tư thế kỷ trước.(123)
123. Một trong những biên khảo xuất sắc về liên hệ giữa QTCS với Ðảng CSÐD do học giả Anatoli Sokolov thực hiện. Ấn bản Việt ngữ của tác phẩm này, theo Sokolov, không được chính xác. Một số phụ chú đã bị cắt bỏ. Tuyển tập Lê Hồng Phong (Hà Nội: 2002) cũng chứa đựng nhiều tài liệu Nga giá trị. Xem thêm những công bố của học giả Việt như Ðỗ Quang Hưng, Trần Văn Hưng, v.v. trong Tạp chí Lịch Sử Ðảng (1999-2000). Tác phẩm Ho Chi Minh: The Missing Years, 1924-1941 (2003) của Quinn-Judge và

Ðể chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Bắc Kinh, ngày 15/1/1950, đài phát thanh Việt Minh công bố chính phủ VNDCCH của Hồ chính thức công nhận chính quyền Cộng Sản Trung Hoa, và yêu cầu các nước Cộng Sản mở quan hệ ngoại giao với chính phủ VNDCCH. Ba ngày sau, 18/1, Bắc Kinh nhìn nhận VNDCCH. Ngày 30/1 đến phiên Mat-scơ-va. Các nước Cộng Sản khác liên tục mở bang giao với chế độ Hồ.

Ngày 17/2/1950, Hồ tháp tùng phái đoàn Mao và Chu Ân Lai rời Mat-scơ-va. Sau đó, Hồ ở lại Bắc Kinh tiếp tục thảo luận về viện trợ. Lưu Thiếu Kỳ, Phó Chủ tịch Trung Cộng, đích thân điều động công tác “nghĩa vụ quốc tế” này. Hồ xin Bắc Kinh cung cấp chuyên viên quân sự để cố vấn và chỉ huy từ cấp Trung đoàn và Sư đoàn trở lên, nhưng Lưu Thiếu Kỳ chỉ đồng ý gửi cố vấn. Luo Guibo [La Quí Ba] được chọn làm Cố vấn trưởng chính trị; trong khi Wei Guoqing [Vi Quốc Thanh] cầm đầu phái đoàn cố vấn quân sự với nhân số khoảng 280 người. Trung Cộng cũng hứa giúp huấn luyện và trang bị vũ khí cho 6 đại đoàn (sư đoàn) Việt Minh. Các trung đoàn đầu tiên qua Vân Nam huấn luyện thuộc Ðại đoàn Quân Tiên Phong (308) của Vương Thừa Vũ, và 312 của Lê [Trịnh] Trọng Tấn. Ðể bảo đảm cho việc tiếp vận từ Trung Cộng, Bắc Kinh giúp Hồ mở chiến dịch biên giới “Cao-Bắc-Lạng,” hay Lê Hồng Phong II (16/9-14/10/1950), nhằm tiêu diệt lực lượng đồn trú tại Lạng Sơn và Cao Bằng. Người thực sự chỉ huy trận này là Chen Geng [Trần Canh], Tư lệnh Quân Khu Vân Nam, do Hồ xin đích danh. Tướng Marcel Carpentier rúng động, phải cho lệnh triệt thoái tất cả những vị trí trú quân dài theo biên giới, chỉ giữ lại Tiên Yên-Móng Cáy và Lai Châu.(124)
124. Hầu hết các chi tiết trên đã được công bố từ thập niên 1950. Tuy nhiên, ngày tháng và chi tiết mới được tài liệu Trung Cộng xác tín từ thập niên 1990. Xem Vũ Ngự Chiêu, “Chuyến Ði Cầu Viện Bí Mật Năm 1950 Của Hồ;” Hợp Lưu Magazine (Fountain Valley, CA), No. 109, Tháng 3-4/2010, tr. [5-25]. Xem thêm Qiang Zhai, China & The Vietnam Wars, 1950-1975 (Chapel Hill: Univ. of North Carolina Press, 2000), tr. 15-20; Võ Nguyên Giáp, Ðường tới Ðiện Biên Phủ (Hà Nội: NXBQÐND, 2001), tr. 10-16.

Từ ngày này, thế trận thay đổi hoàn toàn. Việt Minh bắt đầu chủ động chiến trường. Chính phủ Hồ được giao nhiệm vụ mới: Tiền đồn của Xã hội chủ nghĩa.(125)
125. Ðại tướng Giáp, trong tập hồi ký Ðiện Biên Phủ (1994) và trong các ấn bản mới của hồi ký (2001) đã ghi nhận sự thực lịch sử cay đắng này.

Trong khối Tự Do, ngày 4/2/1950, Mỹ nhìn nhận chế độ Bảo Ðại vì “Hồ đã để lộ bản chất thật sự Cộng Sản.” Rồi đến Bri-tên và một số nước khác. Từ ngày này Pháp tìm cách lôi kéo Mỹ và Bri-tên vào trận chiến chống Cộng ở Ðông Dương. Ðại sứ Donald Heath (1950-1954) của Mỹ thận trọng thêm vào mối đe dọa của Trung Cộng hai chữ “Nga Sô.” Việc Mỹ tham chiến ở Triều Tiên từ tháng 6/1950, và nhất là cuộc triệt thoái các tiền đồn biên giới Việt-Hoa, khiến cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Nga bắt đầu chi phối nội tình Việt Nam. Pháp bị đặt vào vị thế cực kỳ tế nhị. Một mặt, cần thành lập quân đội bản xứ để phụ giúp cho quân viễn chinh Pháp; và ngày càng tùy thuộc nhiều hơn vào viện trợ Mỹ. Mặt khác, giới thẩm quyền Mỹ không ngừng áp lực Pháp phải trao trả dần độc lập cho Việt Nam, và áp lực Mỹ gia tăng theo viện trợ.

Winston Churchill—người cực lực chống lại kế hoạch Quốc tế quản trị [International Trusteeship] Ðông Dương của Tổng thống Franklin D. Roosevelt, và tác giả thuật ngữ “bức màn sắt” ở Âu châu—sau ngày lên nắm chức Thủ tướng Bri-tên lần thứ hai, cũng muốn dựng “bức màn tre” ở Ðông Dương. Nhưng Churchill chỉ muốn góp ý mà không tán thành việc gửi quân tác chiến qua Ðông Dương.(126)
126. Ngày 21/6/1954, Churchill viết thư cho Eisenhower, đề nghị thành lập một chiến tuyến chống Cộng trong vùng Thái Bình Dương [“establishing a firm front against Communism in the Pacific sphere]. Churchill cũng tán thành việc thành lập một Liên Phòng Ðông Nam Á, giống như Liên Phòng Bắc Ðại Tây Dương tại vùng Ðại Tây Dương và Âu châu [We should certainly have a SEATO, corresponding to NATO [4/4/1949] in the Atlantic and European sphere]. Churchill nhấn mạnh: “In no foreseeable circumstances, except possibly a local rescue, could British troops be used in Indochina, and if we were asked our opinion we should advise against United States local intervention except for rescue;” FRUS, 1952-1954, XIII, 2:1728-729.

VI. “Lê gót nơi quê người”

Trong bài hát “Suy Tôn Ngô Tổng Thống,” để tô hồng cho thành tích cách mạng của Diệm, nhà văn Thanh Nam viết: “Ai bao năm từng lê gót nơi quê người, cứu đất nước, v.v.” Thực tế, cuộc hành trình ra ngoại quốc của Diệm chẳng có vẻ gì gian khổ. Trước hết, qua Mỹ, được gặp gỡ những nhân vật quyền thế; rồi qua Vatican gặp Giáo hoàng Pius XII; trở lại Mỹ, tu học ở các tu viện và diễn thuyết đó đây; và cuối cùng qua Belgium, vận động làm Thủ tướng.

A. Qua mỹ xin viện trợ

Ngày 18/6/1950, Giám mục Thục gặp XLTV Ðại sứ Gullion tại Sài Gòn, xin giấy nhập cảnh Mỹ trên đường qua Roma dự năm Thánh cho mình và Diệm. Tháng 7/1950, có tin Diệm nhiều lần bị Việt Minh đe dọa đến tính mạng. Ngày 15/7, Diệm về Huế thăm mẹ bị đau nặng. Ngày 2/8, Diệm trở lại Sài Gòn sau khi ghé ngang Ðà Nẵng. Ngày 14/8, Diệm cùng Thục rời Sài Gòn trên tàu La Marseillaise. Gặp Cường Ðể ở Nhật, bàn việc lập một chính phủ chống Cộng.(127)
127. Sau đó, có tin đồn Cường Ðể về Bangkok, được một cán bộ CS tên Quy hết sức chiều đãi. Tuy nhiên, hiện chưa có tài liệu nào minh chứng việc này.

Ngày 2/9, Diệm và Thục tới Mỹ. Hơn hai tuần sau, ngày 21/9, William S. B. Lacy, Trưởng Nha Philippines và Ðông Nam Á, tiếp Diệm và Thục. Thục tuyên bố phải lập một quân đội quốc gia, lấy giáo dân Ki-tô làm hạt nhân để không sợ đào ngũ mang súng hàng VM. Lacy nhận xét rằng Thục mới là phát ngôn chính, trong khi Diệm chỉ tán thưởng ý kiến Thục.(128)
128. FRUS, 1950, VI:884-886. Tối 25/10/1950, Acheson điện cho Heath về việc thành lập QÐGVN. Theo Acheson, viên chức Pháp nghĩ rằng có thể đưa các lực lượng giáo phái vào, tổng số chừng 75,000 người. Thục, Chi và Diệm cũng muốn biến lực lượng Ki-tô Giáo thành một phần quân đội; Ibid., VI:909-10. Ý kiến của Thục, thực ra, chẳng có gì mới lạ. Từ năm 1947, quan tướng Pháp đã khéo léo sử dụng các sứ quân tôn giáo, và ngay cả băng đảng, để ngăn chặn Việt Minh. Các Ðơn Vị Lưu Ðộng Bảo Vệ Ki-tô Giáo của Leroy [UMDC] hoạt động không xa giáo phận của Thục. Tháng 7/1950, Bộ Chỉ Huy UMDC rời về tỉnh lỵ Bến Tre. Trung tá Leroy được làm Tỉnh trưởng tỉnh này [cho tới ngày 25/11/1952; SHAT (Vincennes), 10H xxx.

Ngày 15/10, Diệm và Thục rời Mỹ qua Paris. Sau đó, xuống Roma, rồi trở lại Paris vào trung tuần tháng 11/1950. Ngày 8/12/1950, Thục rời Âu Châu trở lại Việt Nam. Cuối tháng đó, qua trung gian Bửu Kĩnh, Nghị viên Hội Ðồng Liên Hiệp Pháp, Diệm gửi cho Bảo Ðại một thư riêng, đề nghị một chương trình hoạt động.(129) Sau đó Diệm lại sang Mỹ. Ngày 15/1/1951, Diệm khai với nhân viên Bộ Ngoại Giao Mỹ là mới từ Paris qua được khoảng một tháng để nghiên cứu về giáo lý và cơ cấu chính quyền Mỹ. Nói thêm là đã cho Bảo Ðại biết sẵn sàng làm Thủ Tướng với một số điều kiện.(130)
129. Ngày Thứ Tư, 24/1/1951, XLTV Ðại sứ Mỹ Gullion báo cáo là Bảo Ðại đã nhận được thư của Diệm. Nhưng Bảo Ðại không ưa Diệm vì Diệm từng nhiều lần từ chối hợp tác. Phần anh em Diệm và Thục chủ trương giải pháp lập Bảo Long lên ngôi, với Nam Phương và Cường Ðể làm Nhiếp Chính; FRUS, 1951, VI:359-61.
130. FRUS, 1951, VI:348.

Trong thời gian ở Mỹ, nhờ sự che chở của Francis Spellman, Hồng Y Giám đốc Tuyên úy Ki-tô Roma trong quân đội Mỹ, Diệm tá túc tại Tu viện Maryknoll, thuộc tỉnh Lakewood, tiểu bang New Jersey. Có dịp làm quen với Thẩm phán Tối cao Pháp viện William O. Douglas, nhiều Thượng Nghị sĩ, Dân biểu như Mike Mansfield (Montana), John F. Kennedy (Massachusetts), Walter Judd, v.v. Diễn thuyết tại nhiều nơi. Từ ngày này, Diệm trở thành một lá bài “chí sĩ quốc gia chống Cộng” trừ bị của Mỹ. Diệm cũng thường tuyên bố mình là nhân vật được biết nhiều nhất tại Việt Nam, chỉ thua có Hồ Chí Minh.(131)
131. Ngày 21/6/1954, Diệm nói với Ðại sứ Heath: “I am best known figure in Vietnam after Ho Chi Minh;” FRUS, 1952-1954, XIII:1727. Khi đại ngôn điều này, Diệm quên mất Bảo Ðại, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tường Tam, v.v. Phê bình về lời hợm hĩnh của Diệm, một viên chức ngoại giao Mỹ nhận xét Diệm là “nhân vật thứ hai, cách rất xa, Hồ Chí Minh.”

Ðại sứ Heath nhiều hơn một lần tiến cử Diệm trong các cuộc khủng hoảng chính phủ, nhưng cả Bảo Ðại lẫn Pháp chỉ muốn những người đáng tin cậy như Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, v.v. Ngày 12/5/1952, chẳng hạn, Heath đề nghị cho Bảo Ðại nắm chức Thủ tướng, và mời những người có khả năng như Nguyễn Hữu Trí hay Ngô Ðình Diệm vào nội các, với chức vụ Phó Thủ Tướng; Pháp ra tuyên ngôn về một chính sách “tiến hoá” (evolutionary statement) đối với nền độc lập của Việt Nam; sửa đổi một số điều khoản lỗi thời trong Hiệp định 8/3/1949 và Hiệp ước Pau; đẩy mạnh hơn việc thiết lập QÐVN.(132) Khoảng một năm sau, ngày 28/4/1953, Heath nhận xét rằng Bảo Ðại thông minh và hữu dụng như biểu hiệu đoàn kết Bắc-Nam, nhưng không có khả năng cỡ Churchill và đại loại; Tâm nhiệt tình và hữu hiệu, nhưng không đủ khả năng đoàn kết toàn quốc vì tính tình và lập trường thân Pháp; chỉ còn lại hai ứng cử viên Diệm và Trí. Hiện tại, Diệm không được vì cứng cổ [intransigence], chống Pháp, không được Bảo Ðại ưa, và không ưa Bảo Ðại. Chỉ còn lại Trí xứng đáng nhất.(133)
132. FRUS, 1952-1954, I:134-41.
133. FRUS, 1952-1954, I:522-523.

B. Qua Âu châu

Sau khi Joseph Laniel (6/1953-6/1954) đồng ý trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam ngày 3/7/1953,(134) họ Ngô ráo riết vận động lên cầm quyền. Tại Việt Nam, Thục và Nhu mở rộng hoạt động với các tổ chức tôn giáo và chính trị. Nhu hợp tác với Lê Văn “Bảy” Viễn, Phạm Công Tắc, v.v. mưu toan thành lập một liên minh chính trị vào cuối năm 1953. Ðầu năm 1954, Thục, Nhu cùng nhóm Tinh Thần của Y sĩ Trần Văn Ðỗ và Liên Ðoàn Thanh Lao Công của Trần Quốc Bửu lập ra tổ chức tiền thân của Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Ðảng, tức Cần Lao.( 135)
134. Thương thuyết bắt đầu từ ngày 8/3/1954. Ngày 4/6/1954 [28/4/1954], Laniel và Nguyễn Trung Vinh ký thoả hiệp “kiện toàn [perfection] nền độc lập của Việt Nam.” Hiệp ước này chỉ được “paraphé” [ký tắt]; SHAT (Vinvennes), xxx [1K 233, d. 40].
135. Xem chi tiết về tổ chức này trong Chính Ðạo, VNNB, Tập I-C: 1955-1963 (Houston: Văn Hóa, 2000) & Tập II-B: Các tổ chức chính trị (Houston: Văn Hóa, đang in). Xem thêm Phạm Văn Liễu, Trả Ta Sông Núi, I:333-342. Nên lưu ý, trong Chính Cương của Cần Lao, không hề đề cập đến thuyết “sáng tạo” hay “tạo hóa” mà đôi lần đề cập đến thuyết “tiến hóa.” Ðiều này chứng tỏ Nhu có thể là một tín đồ Ki-tô, nhưng “chống Giáo sĩ” [anti-clerical] như Nhu thú nhận với Phái đoàn điều tra LHQ vào ngày 28/10/1963; UNGA, Agenda Item 77, Doc. A/5630, 7/12/1963.

Diệm cũng từ Mỹ sang Belgium lo tiếp xúc Bảo Ðại, mới từ Việt Nam qua Pháp chữa bệnh sán gan. Ngày 14/5, Bảo Ðại gọi Diệm qua Paris, và Diệm đồng ý hợp tác. Ba ngày sau, Bảo Ðại cử Ngô Ðình Luyện làm “đặc phái viên” tại Hội nghị Geneva để bí mật tiếp xúc với Mỹ. Ngày 24/5, khi được nhân viên Tòa Ðại sứ Mỹ ở Paris tiếp kiến, Diệm tiết lộ đã được Bảo Ðại ủy quyền về Việt Nam nghiên cứu việc thành lập một chính phủ mới. Diệm dự định rời Pháp ngày 26/5, nhưng sau đó hủy bỏ.

Sau cuộc gặp gỡ này, Mỹ chấp thuận Diệm, không vì Diệm là nhân vật lý tưởng, mà vì những người tiền nhiệm quá kém cỏi, và Diệm có hậu thuẫn của một số giáo mục Ki-tô. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Dulles còn chủ trương khuyến khích Pháp tiếp tục hiện diện ở Ðông Dương, nên chưa thuận yểm trợ trực tiếp cho QGVN như Bảo Ðại và Diệm yêu cầu. Phần Bảo Ðại cũng được nhóm cực hữu Pháp áp lực đưa Diệm lên thay Bửu Lộc. Nhưng cái giá Diệm đòi hỏi khá cao: Toàn quyền về dân sự và quân sự. Trước ám ảnh đại họa Pháp sẽ cắt nửa nước cho Việt Minh, và tổng tuyển cử trong một thời gian ngắn để giải quyết thể chế chính trị tương lai, Bảo Ðại đành nhân nhượng–chỉ bắt Diệm phải thề trước thập tự giá là tuyệt đối trung thành, và duy trì ngôi báu nhà Nguyễn.

Ngày 25/6/1954, Ngô Đình Diệm về nước. Nguồn: OntheNet
Ngày 25/6/1954, Ngô Đình Diệm về nước. Nguồn: OntheNet

Cuối cùng, ngày 16/6/1954, giữa lúc chính phủ Laniel đã từ chức và Pierre Mandès-France có nhiều triển vọng lên làm Thủ tướng, Bảo Ðại bổ nhiệm Diệm làm Thủ tướng toàn quyền. Ngày 25/6/1954, Diệm cùng một đoàn tùy tùng nhỏ lên đường về nước.

(Còn tiếp)

© 2004, 2012 Chieu N. Vu. All Rights Reserved.


Nguồn: Jean Baptiste Ngô Ðình Diệm (1897-1963): Thời kỳ chưa nắm quyền, 1897-1954. Chính Đạo. Hợp Lưu, Thứ Năm, 7 Tháng Mười Một-2013. DCVOnline minh họa.

5 Comments on “Jean Baptiste Ngô Ðình Diệm (1897-1963): Thời kỳ chưa nắm quyền, 1897-1954 (P4)

  1. Việc đem tên thánh của ông Ngô đình Diệm để đặt vào đề tài bài viết là sự kỳ thị người Công giáo.
    Trong giấy khai sinh và thẻ căn cước cũng như thẻ học sinh hay họ tên dùng trong công sở , chưa từng có ai bị gán thêm tên thánh của đạo giáo của mình

    • Không phải không trong sáng. Đó là di căn một bầy tôi dưới triều Ngô Đình Diệm. Những người này đã góp phần vào cái chết của một tổng thống.

      • Thời kỳ chưa nắm quyền, 1897-1954 có liên quan gì đến… “di căn một bầy tôi dưới triều Ngô Đình Diệm”.

  2. Trích: “Tuy nhiên, chỉ từ đầu năm 1950, Hồ mới công khai ngả theo phe Cộng Sản.”

    Nói chính xác, từ đầu 1950, Hồ Chí Minh mới lộ ra bộ mặt Cộng Sản chứ còn ngả theo phe Cộng Sản thì Hồ Chí Minh đã ngả từ lâu rồi. Khi thấy CS thắng ở Trung Quốc và có khả năng giúp đỡ mình, Hồ Chí Minh ra mặt CS và loại dần các thành phần không chịu theo CS trong hàng ngũ Việt Minh.

  3. Rất đồng quan niệm với bạn Tâm Việt. Theo kinh nghiệm của tôi, khi theo dõi các bài viết và lời bình thì “người viết” có bút hiệu “chính đạo” khi viết về chí sĩ Ngô Đình Diệm và chính thể VNCH thời trước 1963 , hầu như là 99% quan niệm của tác giả là “bêu xấu” và lợi dụng cái niềm tin đạo giáo của cụ Ngô để “bêu xấu” giáo hội Công Giáo Rô Ma. Thật là một điều “vô liêm sỉ” cho một người cầm bút,… chính những luận điệu xuyên tạc và bôi nhọ của tác giả Chính Đạo đạ vô hình chung tự tố cáo tác giả cùng một phe với Trần Chung Ngọc nói riêng và Phật giáo VN do phe Thích Trí Quang cũng như bọn “ăn cơm quốc gia thờ ma Việt Cộng” trong giáo hội Phật Giáo luôn luôn tìm mọi cách xuyên tạc và cố tình làm mất đi chính nghĩa của chính thể VNCH…..