Từ Mác Lê Nin đến McDonald’s

HV Radio

mac‟Chủ nghĩa xã hội là con đường dài nhất, đẫm máu nhất từ Mác Lê Nin đến McDonald’s”.

Hôm Thứ Bảy ngày 8/2/2014 đại công ty McDonald’s, một trong những biểu tượng phổ biến nhất của cái mà người Cộng sản gọi là ‘chủ nghĩa tư bản Mỹ’, đã chính thức khai trương cửa hàng McDonald’s đầu tiên của họ tại Việt nam, và ngay tại nơi chế độ CSVN tuyên xưng là ‘thành phố tên vàng HCM’.

Cửa hàng McDonald’s có 350 chỗ ngồi nằm ngay tại 1 giao lộ đông đúc, ngay bùng binh đường Điện Biên Phủ (Phan thanh Giản cũ) và Nguyễn Bình Khiêm, phường Đa Kao, quận 1.

Giấy phép nhượng (độc) quyền để mở (các) nhà hàng McDonald’s ở Việt Nam trong tay của một thương gia Mỹ gốc Việt trẻ tuổi tên Nguyễn Bảo Hoàng, giám đốc công ty Good Day Hospitality. Cùng dự lễ cắt băng khánh thành với Nguyễn Bảo Hoàng là Phó Chủ tịch UBND thành phố Saigon (HCM) Nguyễn Thị Hồng và cả Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear.

Theo cái nhìn bình dân thì sau Coca Cola, McDonald’s vốn là hình ảnh dễ nhận biết nhất về ‘đời sống Mỹ, xã hội Mỹ’, và cũng là biểu tượng cho mơ ước của hàng tỷ người ở các nước kém phát triển trên toàn cầu.

Vì vậy , chuyện cửa hàng McDonald’s đầu tiên xuất hiện ở đất nước vẫn còn do một chế độ độc tài đảng trị, kiên quyết tung hô khẩu hiệu rỗng tuếch ‘kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội’, một trong 3 nhà nước cuối cùng còn bám víu và viện dẫn Mác Lê nin như Việt Nam là chuyện thu hút được nhiều chú ý (tuy rằng trước McDonald’s, hàng loạt cửa hàng, thương hiệu thực phẩm ‘to go’ của Mỹ như KFC, Burger King đã đến Việt nam).

Nhưng đáng chú ý hơn trong chuyện này là nhân vật được tập đoàn McDonald’s chọn để nhượng quyền khai thác tại Việt nam không phải là một thương gia … tầm thường.

Như báo chí trong nước rầm rộ loan tin thì thương gia Mỹ gốc Việt Nguyễn Bảo Hoàng là một người có ‘Lý lịch trong sáng, sự nghiệp huy hoàng’.

Bài báo trên tờ Vietnam Net, trong mục kinh tế nguyên văn như sau

Từ Mác đến Big Mac
Từ Mác đến Big Mac

Henry Nguyễn, một doanh nhân thành đạt gốc Việt đưa McDonald, có tiểu sử hoàn hảo và đầy màu hồng. Henry Nguyễn, tên thật là Nguyễn Bảo Hoàng, sinh năm 1974 tại Sài Gòn trong gia đình có 4 anh em. Đến năm 1975, ông cùng gia đình chuyển sang định cư tại bang Virginia, Mỹ. Nguyễn Bảo Hoàng học đại học tại Harvard, tại đây ông được học bổng Harvard National Scholar và tốt nghiệp cử nhân văn học cổ điển với hạng xuất sắc Magna Cum Laude năm 1995. Ông Hoàng cũng đồng thời tốt nghiệp bác sĩ y khoa và thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Northwestern và Kellogg School of Management. Ông Hoàng từng là giám đốc điều hành cho công ty VITC tại khu vực châu Á, một công ty viễn thông Mỹ chuyên về IP và công nghệ. Ông cũng là cộng sự tại Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs tại NewYork chuyên nghiên cứu về các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và phát triển phần mềm.

[‟chuyển sang định cư” là cách nói trại của nhóm chữ ‟đi tị nạn cộng sản”; người Việt ‟chuyển sang định cư” có nghĩa là những người vượt biểt, vượt biên, là thuyền nhân bỏ nước đi tìm tự do – DCVOnline]

Một trong những thành công lớn nhất của ông Hoàng là đầu tư vào VCCORP và PeaceSoft khiến tỉ suất sinh lời nội bộ tăng lên 30%. Theo ông Hoàng, những con số không dừng lại ở đó, trong năm tới lãi suất sẽ tăng gấp 5 lần so với ban đầu.

Ngày 17/11/2008, ông Hoàng kết hôn với bà Nguyễn Thanh Phượng. Ông Hoàng cho biết,ông luôn mơ ước được quay về quê hương đất nước Việt Nam, lập nghiệp và lấy vợ là người Việt. Giờ đây ông đã có được tất cả những gì mình mong muốn. Ông cũng là người có công lớn đưa chuỗi cửa hàng ăn nhanh hàng đầu thế giới McDonald về Việt Nam. Những nhà hàng đầu tiên được đặt tại TP HCM do chính ông quản lý.

“Từ bé đến nay, tôi vẫn luôn là người hâm mộ cuồng nhiệt của McDonald. Đó là nơi tôi có nhiều trải nghiệm thú vị và một trong số đó là việc làm đầu tiên của tôi khi ở tuổi vị thành niên. Từ khi trở về Việt Nam hơn 10 năm trước, tôi vẫn luôn mơ ước một ngày nào đó có thể đưa McDonald’s đến với quê hương mình”, ông Nguyễn Bảo Hoàng nói.

*

‘Lý lịch trong sáng’ là thuật ngữ thường để chỉ những thành phần con ông cháu cha của chế độ, những gia đình được xếp vào dạng ‘có công cách mạng’, hoặc ít nhất cũng phải thuộc dạng ‘thành phần cơ bản’ – tức ba đời bần cố nông. Chưa hết, ‘tiểu sử đầy màu hồng’ khiến người đọc liên tưởng đến những phần tử ngày nay ở Việt nam gọi là ‘các thái tử đảng’ hay con cái của những quan chức cộng sản cao cấp.

Trong khi đó, dư luận từ lâu biết rõ Nguyễn Bảo Hoàng là con trai của Nguyễn Bang, một viên chức cao cấp thời Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1975, gia đình Nguyễn Bang di tản sớm khỏi Việt nam sang Hoa Kỳ tỵ nạn cộng sản. Đáng lẽ, theo lệ thường thì đối với chế độ CSVN, người như Nguyễn Bảo Hoàng bị xếp vào dạng ‘lý lịch có vấn đề’ hoặc ‘gia đình phản động’. Thế nhưng lý do khiến Nguyễn Bảo Hoàng được các bồi bút chế độ xưng tụng là ‘lý lịch trong sáng’ là vì vợ Hoàng, Nguyễn Thanh Phượng, chính là con gái của Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng.

Xét lý lịch ba đời vốn vẫn là thủ tục (hoặc đúng hơn, nguyên tắc) tối quan trọng của chế độ cộng sản. Hàng triệu con em của những người từng là quân nhân công chức VNCH , sau năm 1975 , đã cay đắng chứng nghiệm điều này (y hệt hàng trăm ngàn người đã trải qua ở miền Bắc sau năm 1954).

Như trên một trang facebook, khi nhìn về hiện tình đời sống Việt Nam ngày nay dân trí thấp kém, xã hội rối loạn vô trật tự, mọi người ra đường đối xử với nhau chỉ bằng phản ứng bản năng, một người trong nước đã nhận định,

… về thủ phạm làm dân ngu thì mọi thứ cũng từ cái gốc mà ra. Một thời ngăn sông cấm chợ, chủ nghĩa lý lịch làm dân bần hàn. Bần hàn thì đâm bần tiện, bần tiện riết thì thành hạ tiện.

Em nói chuyện nhỏ thôi, thế hệ em sinh sau 1975, năm 1984 em học lớp 1, lúc đó mới 6 tuổi thì biết con mẹ gì là con cháu ngụy quân ngụy quyền, nhưng vào lớp cô giáo nói giọng Bắc chỉ mặt “thế chúng mày con ngụy mà đi học làm gì?” Lên lớp 6, cũng không được cho học tiếng Anh, nhưng hễ cứ là con cán bộ thì được ưu tiên chọn ngoại ngữ. Đến thời em học đại học, năm 1995 thì may mắn hơn một chút, đã thôi bị xét duyệt lý lịch. Nhưng bà chị, ông anh em những năm 1988-1990 bị xét lý lịch để cấm không cho thi vào các ngành cụ thể thời thượng lúc đó. Giáo dục như thế, thì đòi hỏi dân trí nó ra thế nào?

*

Như vậy đã quá rõ, qua trường hợp ngoại lệ này, phải chăng Nguyễn Tấn Dũng muốn nặn ra ‘lý lịch trong sáng’ cho con rể để tiếp tục củng cố thêm quyền lực của giới tư bản đỏ?

Điều đáng nói là các tờ báo trong nước, khi loan tin rầm rộ về chuyện khai trương cửa hàng McDonald’s của Nguyễn Bảo Hoàng, tuy có nhắc đến chuyện ‘vợ Nguyễn Bảo Hoàng là Nguyễn Thanh Phượng’ nhưng không báo nào dám nói rõ ‘Hoàng là con rể Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng’.

Trong khi đó thì ký giả Bill Hayton, từng là 1 phóng viên thường trú tại Việt nam và là tác giả quyển “Vietnam: Rising Dragon,” xuất bản năm 2010, nói về mối liên hệ nhân quả, chằng chịt giữa tiền bạc và quyền lực trong chế độ độc đảng ở Việt Nam hiện nay đã nhận định ngay

“mọi luật lệ quy định ở Việt nam luôn luôn mơ hồ, muốn giải thích thế nào cũng được nên các quan chức nhà nước có vô số cơ hội để hoặc trì hoãn, hoặc đẩy mạnh tiến độ chấp thuận kế hoạch đầu tư của người nước ngoài; nhưng Nguyễn Bảo Hoàng đã dư sức thương thuyết một cách dễ dàng. Tại sao? Có ông bố vợ là kẻ nắm quyền lực hàng thứ nhì như thế thì rõ ràng Nguyễn Bảo Hoàng nắm trong tay bửu bối hiếm có, là cùng lúc vừa có chiếc vé vàng thượng hạng lại kèm theo tấm thẻ miễn ngồi tù.”

*

Nhân chuyện luật pháp quy định như ký giả Bill Hayton đã nêu thì cũng nên nghe một người trong nước nhận xét:

Còn về luật pháp ư, có người bênh vực cho Đảng, ngụy biện đòi phải có bàn tay sắt, dẫn chứng các chế độ ở Singapore, Nam Hàn trước kia vv.Nhìn lại nhan nhản những bản án bỏ túi, thậm chí những người làm thẩm phán, chánh án thì trình độ, phẩm cách thế nào, ra sao thì đã thừa biết rõ. Một cơ chế như vậy mà leo lẻo ‘chế độ pháp trị, thượng tôn pháp luật’ là thế nào? Còn chấp pháp, thực thi pháp luật, lại chủ yếu chỉ toàn dựa vào nghị định, thông tư, mà lắm khi mấy cái văn bản pháp quy lại chọi ngược 180 độ với pháp luật. Hành pháp nắm quyền làm luật luôn thì đó là cái gì? Và đến khi nào thì luật pháp mới bãi bỏ không coi yếu tố ‘có công cách mạng, gia đình cách mạng’ là tình tiết ưu tiên để khoan hồng, giảm án tối đa? Thượng tôn pháp luật phải nằm trong não trạng của những người làm luật trước đã.

Ngay những quan chức cao cấp thượng hạng của chế độ, toàn những hạt giống đỏ thì đều hoặc cho con du học để rồi theo con qua Mỹ mà sống… vậy thì cái đất nước này đã và sẽ như thế nào đây?

Nếu theo quy luật khách quan (như biện chứng) thì hiện tượng, sự việc… đang xảy ra là điều tất yếu. Muốn có bàn tay sắt ư? Trước hết phải có những con người thiệt sắt, biết xấu hổ, biết nhục, biết đặt lợi ích cá nhân dưới lợi ích quốc gia, dân tộc.

*

Nếu tính từ khi Nguyễn Tất Thành tìm được ‘chân lý’ ở chủ nghĩa Mác Lê nin (như tài liệu của đảng CSVN vẫn tuyên truyền “tháng 7 nǎm 1920 qua báo Nhân đạo (L’Humanité) Pháp, Nguyễn A’i Quốc được đọc Luận cương của V.I Lê nin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Sau này nhớ lại niềm sung sướng khi đọc Luận cương của V. I Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Luận cương của V. I Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên nhu đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ.! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta” ) đến nay lịch sử đi chưa hết 100 năm!

Như người Ba Lan có câu ‘chủ nghĩa xã hội là con đường dài nhất từ chủ nghĩa tư bản đến chủ nghĩa tư bản’, người Việt nam có thể ngậm ngùi than ‟chủ nghĩa xã hội là con đường dài nhất, đẫm máu nhất từ Mác Lê Nin đến McDonald’s”.

Có lẽ chính đa số những đảng viên Cộng sản Việt nam hiện nay, nếu có tiền để vào nhà hàng McDonald’s, hẳn phải cay đắng hơn hết khi cắn miếng hamburger!

© HVR


Nguồn: Từ Mác Lê Nin đến McDonald’s. HVR. Hồn Việt Radio. February 13, 2014