Nhã Thuyên, Lê Thăng Long & những người “Trotsky”…

Đặng Ngữ

wildThuần hóa là quá trình mà trong đó loài người thông qua việc sử dụng chọn lọc nhân tạo một số loài thực vật và động vật hoang dã hoặc trở thành lương thực – thực phẩm dự trữ hoặc trở thành những con vật chịu sự điều khiển của con người.

Người Ai Cập cổ thuần hóa bò để lấy sữa. Nguồn Wikipedia.org
Người Ai Cập cổ thuần hóa bò để lấy sữa. Nguồn Wikipedia.org

Nói khác đi, thuần hóa đồng nghĩa với việc con người gắn thêm một số thuộc tính “người” vào những loài vật hoang dã. Những con vật được thuần hóa dần thích nghi với con người qua nhiều thế hệ nhằm phục vụ con người vào một mục đích tính nào đó. Thoạt tiên là với loài chó, con người đã thuần hóa chó từ những năm 15000 TCN. Sau đó đến loài cừu, dê, lợn, mèo… Các loài có cánh như chim, gà…đến với loài người muộn hơn, cách đây 3000 TCN cho đến 2500 TCN.

Trong lịch sử nhân loại, loài người chắc hẳn cũng đã từng cố gắng thuần hóa một số loài dã thú như sư tử, cọp, báo, gấu… Nhưng tất cả mọi cố gắng đều vô hiệu. Hay nói cách khác, cho đến thời đại ngày nay và cho đến mai hậu, con người đành bó tay trong nỗ lực thuần hóa những loài dã thú hung hãn này. May chăng hoặc Chúa hoặc mấy nghệ sĩ xiếc thú mới có khả năng điều khiển những chủng loài này. Từ lâu, loài người nói chung đã từ bỏ chương trình điên rồ này ngoại trừ những người thật sự điên rồ hoặc những người gần giống người điên rồ: những người ảo tưởng.

Nhà văn Nhã Thuyên (tôi chưa được hân hạnh gặp chị lần nào) không biết có phải loại người điên rồ không (tôi mong rằng không). Nhưng tôi cho rằng, cũng giống như phần đông văn nghệ sĩ, chị mắc một căn bệnh chung: ảo tưởng. Ảo tưởng về việc thông qua tiếng nói ôn hòa, tiếng nói lệch ra ngoài qũy đạo ý thức hệ, tiếng nói phản biện… có thể thay đổi ý thức nhà cầm quyền. Mọi so sánh đều khập khiển, nhưng trong việc này Nhã Thuyên cũng như các vị tiền bối trong giới văn nghệ – nổi tiếng với vụ án Nhân Văn Giai Phẩm – những Lê Đạt, Trần Dần, Văn Cao, Phùng Quán… đều ảo tưởng về việc thuần hóa những con dã thú của xã hội hiện đại. Tôi không rõ việc Nhã Thuyên cần tấm bằng thạc sỹ vào việc gì, chức danh đó có giúp ích được gì cho sự nghiệp văn chương của cô, hay tấm bằng có giúp được cho Nhã Thuyên có được một vị trí cao hơn nơi văn đàn tội nghiệp này hoặc một vị trí cao hơn trong bộ máy…

Nếu vì những đều này, e rằng Nhã Thuyên và người hướng dẫn cô đã chọn sai đề tài. Việc chọn nhóm Mở Miệng với những tên tuổi ngoài lề Lý Đợi – Bùi Chát, ngược chiều ý thức hệ chính thống của nhà cầm quyền đã là một sai lầm tệ hại. Tấm bằng thạc sỹ đâu cần Nhã Thuyên phải lựa chọn một đề tài hóc búa đến như vậy. Tệ hại hơn nữa là nhà văn lại đem đề tài này ra để bảo vệ trước một hội đồng “tuyên giáo” mà một câu một lời đi ngược đường lối có thể bị quy kết, có thể khiến con đường chính trị của các vị chức sắc đó lâm vào đường cụt. Nhã Thuyên là ai mà có thể khiến họ chấp nhận hi sinh con đường, địa vị đang có của mình. Trong cơn ngủ gật triền miên, các vị trong hội đồng chấm luận án có thể cho qua, cho điểm tuyệt đối 10/10. Nhưng khi hệ thống đánh động, lập tức họ tỉnh giấc, bản năng chính trị – tính năng dã thú cường bạo – trỗi dậy, đương nhiên, họ chối phăng và quật lại Nhã Thuyên tơi bời cũng là điều dễ hiểu.
Nhã Thuyên hi vọng gì ở những kẻ nhổ ra đấy rồi liếm vào ngay đấy. Theo tôi, là một nhà văn nhưng Nhã Thuyên vẫn mắc căn bệnh muôn thuở của các nhà văn Việt: lười đọc. Nếu đã từng đọc những tài liệu có liên quan đến vụ Nhân Văn Giai Phẩm hoặc cô có thể tham khảo với những nhân chứng sống như nhà văn Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn… thì hẳn Nhã Thuyên đã không ấm ức đòi tự do học thuật, tư do tư tưởng… như thế nữa. Tự do là thứ không thể xin. Tự do là thứ phải giành lấy. Văn nghệ sĩ muôn đời “ngây ngô” với thực tế chính trị. Khi vướng vào chính trị, họ lập tức trở thành vật tế Cụ.

Phiên tòa tại Hà Nội (19/01/1960) xét xử vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Từ trái sang phải: Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Thuỵ An, Phan Tại và Lê Nguyên Chí. Nguồn anh: DR/Thụy Khuê/RFI
Phiên tòa tại Hà Nội (19/01/1960) xét xử vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Từ trái sang phải: Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Thuỵ An, Phan Tại và Lê Nguyên Chí.
Nguồn anh: DR/Thụy Khuê/RFI

Tôi không đủ thời gian để quan tâm đầy đủ và chi tiết đến vụ việc có liên quan đến luận văn của Nhã Thuyên. Việc này, cùng với việc ông Lê Thăng Long tuyên bố rời khỏi Con Đường Việt Nam để gia nhập đảng Cộng sản làm tôi nghĩ nhiều đến căn bệnh ảo tưởng của giới trí thức. Dường như sau bao nhiêu năm, trải qua vài bai thế hệ, những người trí thức Việt Nam vẫn không khá hơn là mấy. Căn bệnh ảo tưởng đã chuyển sang căn bệnh hoang tưởng: van nài dân chủ hóa. Hãy hỏi những người như ông Lê Hiếu Đằng về những người một thời là đồng đội của ông ta. Hãy tham khảo ý kiến của các vị Dương Bạch Mai, Tạ Thu Thâu… về con đường họ từng đi. Tiếc thay tất cả họ đều đi xa mà không để lại bất cứ một “Lời Thú Tội” nào cả. Cho đến thế kỷ XXI, giới trí thức Việt Nam vẫn chìm đắm trên con đường ảo tưởng như Trotsky đã từng ảo tưởng về Stalin.

Ảo tưởng. Nguồn: paradoxplaza.com
Ảo tưởng. Nguồn: paradoxplaza.com

Tôi muốn kết luận bài này như sau:

“Chỉ có Chúa hay nghệ sĩ xiếc thú mới có khả năng điều khiển thú dữ. Hoặc chỉ có những kẻ điên và những kẻ ảo tưởng mới nghĩ đến việc đó mà thôi.”

Sài Gòn, trưa 31/03/2014


Nguồn: . Đặng Ngữ, 31/03/2014