Văn bản, cứ liệu khảo cổ học và ngôn ngữ mơ hồ

Tác giả: Lê Minh Khải – Người dịch: Hoa Quốc Văn

trongTôi đang đọc một cuốn sách về sự xuất hiện của các “nhà nước sơ khai” ở Đồng bằng sông Hồng. Cuốn sách này khẳng định là dựa trên những cứ liệu khảo cổ học, nhưng điều mà tôi thấy khi đọc sách này là cuốn sách rốt cuộc dựa nhiều vào những thông tin trong các văn bản để diễn giải các cứ liệu khảo cổ học.Như chúng ta biết, khi câu chuyện đầy đủ về Hùng vương xuất hiện ở cuối thế kỷ XIV-đầu XV, nó khẳng định rằng Hùng vương thiết lập một vương quốc có tên Văn Lang và nước ấy bao gồm 15 bộ.

Nước Văn Lang.
Nước Văn Lang.

Khoảng 1 thế ky trước, Henry Maspero đã hoài nghi tính chính xác của miêu tả này, và chỉ ra, chẳng hạn, rằng một số trong tên gọi 15 bộ được đặt ra vào thời nhà Đường, và vì vậy, không thể là tên gọi đã từng có trước đó hơn 1000 năm.

Những thông tin có vấn đề cũng như là tuyên bố rằng có một vương quốc thống nhất gọi là Văn Lang và nó được chia làm 15 bộ rõ ràng là một dạng thông tin mà các nhà khảo cổ nên đặt sang một bên và không cố dùng nó để diễn giải các cứ liệu khảo cổ. Tuy nhiên, những gì tôi gặp trong cuốn sách này lại ngược lại.

Thay vào đó, chúng ta nhận thấy những tuyên bố kiểu như sau:

“Tài liệu khảo cổ học chưa tìm được những ngôi mộ của thủ lĩnh cao nhất của cộng đồng cư dân Việt cổ thời văn hóa Đông Sơn, nhưng các ngôi mộ thủ lĩnh địa phương đã phát hiện được đây đó.”

Làm thế nào chúng ta biết rằng có một thủ lĩnh quan trọng nhất? Và làm thế nào chúng ta biết được rằng có những vị thủ lĩnh địa phương nằm dưới uy quyền của vị thủ lĩnh tối cao đó? Nếu chúng ta không tìm thấy những cứ liệu khảo cổ học chứng minh điều đó, tại sao chúng ta lại cho rằng một người như vậy từng hiện hữu? Và tại sao chúng ta đang gọi những người sống ở Đồng bằng sông Hồng ở thiên niên kỉ thứ nhất trước Công lịch là “Việt cổ”?

Ở một đoạn khác, tác giả phác ra các tộc người khác nhau mà các nhà khảo cổ học đã nhận dạng, và nói rằng bằng việc làm như vậy hy vọng rằng nó sẽ cho phép chúng ta “tiệm cận” với các “bộ” ở thời Hùng vương.

Với giả thiết công tác của chúng tôi, mô hình nhà nước Văn Lang – Âu Lạc phân bố trên 3 khu vực lớn mà sau này sẽ trở thành 3 quận lớn. Ba khu vực này chúng tôi gọi là khu vực Tiền Giao Chỉ, Tiền Cửu Chân và Tiền Nhật Nam. Dưới 3 khu vực này, chúng tôi xác lập các tộc người và địa bàn cư trú theo tên gọi các địa điểm khảo cổ nổi bật, hy vọng sẽ tiệm cận được với các “bộ” thời Hùng Vương và An Dương Vương.

Lời lẽ ở đây rất mơ hồ. “Tiệm cận” là một danh từ được dùng chủ yếu trong toán học. Trong tiếng Anh nó được xem là một “đường tiệm cận”, tức là “một đường [thẳng] dần dần đến gần một đường cong nhưng không gặp nó ở bất kỳ khoảng cách hữu hạn nào”.

Vì vậy tôi đoán điều tác giả cố gắng muốn nói ở đây là bằng việc phác ra các tộc người khác nhau mà các nhà khảo cổ đã nhận dạng, chúng ta có thể tiến gần đến việc tìm ra 15 bộ của thời Hùng vương.

Tuy nhiên, đồng thời, tác giả lại đặt từ “các bộ” trong dấu ngoặc kép nhấn mạnh để ngụ ý (?) rằng chúng ta không thể thật chắc chắn liệu các bộ ấy có thực sự có hay không.
Có hằng hà sa số những sự mơ hồ và mập mờ trong các công trình như thế. Rốt cuộc, tác giả này không thể đặt sang một bên những thông tin trên văn bản về thời cổ xưa, khi mà thậm chí những thông tin đó được chép lại muộn hơn 1500 năm và các học giả đã chứng minh là nó có vấn đề như thế nào.

Tôi nghĩ đây là một sự đáng hổ thẹn/đáng tiếc, vì sẽ thật thú vị nếu biết sẽ gặp cái gì khi chúng ta diễn giải cứ liệu khảo cổ học như nó có, mà không liên hệ đến các vua Hùng, Văn Lang, nhà nước, thủ lĩnh tối cao, thủ lĩnh địa phương, 15 bộ, v.v…

Trống đồng
Trống đồng

Nếu chúng ta xem xét riêng các cứ liệu lịch sử, mà không nhìn nó qua các văn bản được viết nhiều thế kỷ sau đó, chúng ta sẽ thấy gì?

Nguồn: http://leminhkhai.wordpress.com/2014/02/09/texts-archaeological-evidence-and-vague-language/


Nguồn: Văn bản, cứ liệu khảo cổ học và ngôn ngữ mơ hồ. Tác giả: Lê Minh Khải – Người dịch: Hoa Quốc Văn. May 6, 2014.