Việt Nam đang bấp bênh

Roger Mitton | DCVOnline lược dịch

babui_16062014Tháng Năm vừa qua, Bắc Kinh đưa một giàn khoan dầu khổng lồ vào một khu vực của Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam, đã gây sốc và làm giới lãnh đạo Đảng Cộng sản tại Hà Nội sợ hãi và gây ra bất đồng nghiêm trọng trong hàng ngũ của họ.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (phải) và Ủy viên Quốc vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì mỉm cười trong một cuộc họp tại Hà Nội vào ngày 18 tháng Sáu. Ảnh: AFP.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (phải) và Ủy viên Quốc vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì mỉm cười trong một cuộc họp tại Hà Nội vào ngày 18 tháng Sáu. Ảnh: AFP.

Trung Quốc trước sau gì vẫn là hàng xóm của Việt Nam, là đối tác ý thức hệ và còn là đối tác thương mại lớn nhất hiện nay; động thái hung hãn của TQ không khác gì nhát dao đâm sau lưng đồng minh thân cận.

Có lẽ quan trọng nhất là điều Việt Nam bị đâm bởi một nước đồng minh mà lực lượng quân sự hoàn toàn vượt xa của Việt Nam, vì vậy bất kỳ loại đối kháng mạnh với TQ nào đều có thể coi là tự sát.

Tuy nhiên, Việt Nam phải làm gì đó nếu không ban lãnh đạo của đảng CSVN sẽ bị mất mặt.

Vì vậy, sau một cuộc tranh luận nội bộ gay gắt, các thành viên của Bộ Chính trị, cơ quan cao nhất của đảng, đã đồng ý cho phép có các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Lãnh sự quán TQ tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi tin nhắn trên toàn quốc tới mọi người Việt Nam có điện thoại di động thúc giục họ sẵn sàng hy sinh cho đất mẹ.

Đó là một loại phản xạ bánh chè – một trong những biện pháp đã dùng trước đây và chẳng có ảnh hưởng gì đến Bắc Kinh.

Vì vậy, rõ ràng là Việt Nam phải có phản ứng khác. Nhưng trong khi các nhà lãnh đạo Đảng rúng động, quần chúng Việt Nam đã tự quyết định vấn đề.

Họ mở rộng các cuộc biểu tình ôn hòa của họ từ trước các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc đến các nhà máy và văn phòng được cho là do công ty Trung Quốc điều hành – và những cuộc biểu tình đã trở thành bạo loạn.

Trong tình trạng căng thẳng như thế, người biểu tình không xem xét các nhà máy họ tấn công có thực sự là của Trung Quốc hay không; họ chỉ đoán dựa theo tin đồn và biển hiệu.

Vì vậy, trong các khu công nghiệp ở Bình Dương và Đồng Nai, gần thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ các nhà máy Trung Quốc bị san bằng và nhân viên bị đánh đập, nhưng những người đến từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Khi giới lãnh đạo Hà Nội chợt tỉnh và nhận thấy chuyện đang xảy ra, họ đã huy động lực lượng an ninh và quân sự để dập tắt dã man các cuộc bạo loạn.

Và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gời tin nhắn cho tất cả người dân yêu cầu họ ôn hòa và không nên tự phát.

Nhưng thiệt hại vì cuộc bạo loạn, với 7 triệu USD bồi thường cho các nạn nhân đã chết hay bị thương tích và các nhà máy đổ vỡ, cháy rụi đã không xoa dịu được những doanh nhân bị sốc hiện đang lo ngại Việt Nam không còn là một nơi an toàn để đầu tư.

Tệ hơn nữa là sau đó Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì cấp thời đến Hà Nội để thẩm định thiệt hại và đọc sắc luật về bạo loạn cho giới lãnh đạo của Việt Nam nghe.

Dương Khiết Trì thẳng thắn nói với lãnh đạo Việt Nam rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục dùng “mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ chủ quyền và các hoạt động của giàn khoan dầu, theo quan điểm của Bắc Kinh, rõ ràng là ở trong các vùng biển của Trung Quốc.

Dương Khiết Trì cảnh cáo Việt Nam sẽ phải gánh chịu hậu quả xấu nếu Việt Nam hợp tác với các nước khác, cụ thể là Hoa Kỳ, trong việc chống lại tuyên bố chủ quyền về biển đảo của Trung Quốc. Hoặc khi Việt Nam tham gia với Philippines trong vụ kiện trước Liên Hiệp Quốc.

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm: “Việt Nam phải chấm dứt mọi sự can thiệp và sách nhiễu của, ngưng thổi phồng lên vấn đề này và dừng lại gieo rắc bất đồng để tạo ra tranh chấp mới, và đối phó đúng đắn với hậu quả nghiêm trọng vì những cuộc bạo loạn gần đây.”

Chắc chắn thất vọng vì bị Trung Quốc lên lớp, giới lãnh đạo của Hà Nội đã triệu tập một cuộc họp Bộ Chính trị ngay sau khi Dương Khiết Trì rời Việt Nam. Một cuộc tranh cãi sôi sục hiềm thù đã xảy ra sau đó.

“Giới lãnh đạo Việt Nam đã từng bị phân hóa vì mối quan hệ với Trung Quốc,” Edmund Malesky, một chuyên gia về Việt Nam tại Đại học Duke của Mỹ cho biết.

Một nhóm, do Thủ tướng cầm đầu, cho rằng Hà Nội nên đứng vững và tiếp tục vận động sự giúp đỡ của Washington.

Một phe, do TBT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, chống lại khuynh hướng đó và thúc giục không nên chống đối Beiijing nữa – và phe của Nguyễn Phú Trọng đã thắng.

Kết quả là, một chuyến thăm dự kiến ​​trong tháng này của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh sang Mỹ đã bị hoãn.

Cơ bản, Hà Nội đã đầu hàng. Việt Nam sẽ không có nhiều cuộc biểu tình khác, sẽ không có khiếu kiện tại Liên Hiệp Quốc, sẽ không có diễn tập quân sự với Mỹ và sẽ không dẫn đầu một mặt trận ASEAN chống lại Bắc Kinh.

Trong khi đó thì Trung Quốc đã đưa một giàn khoan dầu thứ hai vào vùng biển đang có tranh chấp và cho biết họ có kế hoạch đua thêm 50 giàn khoan khác vào đó trong những năm sắp tới. Và đó là những gì Trung Quốc sẽ làm.

© 2014 DCVOnline


Nguồn: Vietnam suffers from the wobbles. Roger Milton. The Myanmar Times. Thứ Hai 7 tháng 7, 2014