Việt Nam, Trung Quốc và cuộc khủng hoảng giàn khoan: Ai chớp mắt?

Carl Thayer | Trà Mi lược dịch

economistZachary Abuza, một giáo sư tại Đại học Simmons ở Boston, cho rằng Việt Nam đã cong lưng dưới áp lực của Trung Quốc, trong khi Alexander Vuving, một giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương ở Hawaii, cho rằng Việt Nam đã không lui bước và Trung Quốc đã chớp mắt.

Giàn khoan HYSY-981. Nguồn: Wikimedia Commons
Giàn khoan HYSY-981. Nguồn: Wikimedia Commons

Việt Nam đã cúi đầu trước áp lực của Trung Quốc hay Trung Quốc đã chớp mắt?

Thông báo bất ngờ của Trung Quốc vào ngày 15 tháng Bảy cho biết họ rút giàn khoan HYSY-981 khỏi vùng biển Việt Nam đã đưa đến một cuộc tranh luận giữa các chuyên gia học giả về lý do tại sao họ đã làm như thế.

Zachary Abuza, một giáo sư tại Đại học Simmons ở Boston, cho rằng Việt Nam đã cong lưng dưới áp lực của Trung Quốc, trong khi Alexander Vuving, một giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương ở Hawaii, cho rằng Việt Nam đã không lui bước và Trung Quốc đã chớp mắt.

Phân tích của Abuza đăng ở mục “Phát biểu tự do” của tờ Asia Times ngày 29 tháng Bảy, độc đáo, khiêu khích và nhiều suy đoán.

Abuza cho rằng Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam “là mối đe dọa gây chia rẽ nhất từ trước tới nay cho giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở Hà Nội.” Thành viên của Bộ Chính trị đảng CSVN không chỉ chia rẽ sâu sắc, mà đa số còn chọn xuống thang cuộc khủng hoảng bằng cách chấp nhận lùi bước trước áp lực của Trung Quốc. Abuza viết:

“Quyết định lùi bước của Hà Nội có thể đưa đến hệ quả nghiêm trọng. Sự nhân nhượng của Việt Nam với Trung Quốc rất có thể sẽ dẫn đến nhiều cuộc gây hấn hơn.”

Chính sách nhân nhượng (của Việt Nam), Abuza kết luận, “sẽ gây nguy hiểm cho chính chế độ … [và] tính hợp pháp của nó.”

Để hỗ trợ cho lập luận, Abuza đã đưa ra một số thông tin rất chi tiết về cách ban lãnh đạo đảng CSVN đi đến quyết định, bình thường là chuyện rất bí mật. Lập luận của Abuza có thể tóm tắt trong bốn điểm sau đây:

1. Đầu tiên, để đáp ứng với sự quyết đoán của Trung Quốc trong việc đặt giàn khoan HYSY 981 trong vùng biển Việt Nam vào đầu tháng Năm, Abuza quả quyết rằng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp vào tháng Sáu và “nhất quyết lên án sự xâm lược và xâm lấn của Trung Quốc.”

2. Thứ hai, chuyến viếng thăm Hà Nội của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) vào ngày 18 tháng Sáu là then chốt. Trước khi họ Dương đến Hà Nội giới lãnh đạo Việt Nam hy vọng rằng Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc sẽ có nhượng bộ ngoại giao. Theo Abuza thì điều ngược lại đã xảy ra. Dương Khiết Trì đã “không hòa giải,” mà còn “mắng chủ nhà đã ‘thổi phồng’ tình hình” và cảnh cáo “trực tiếp rằng Trung Quốc sẽ ‘dùng mọi biện pháp cần thiết’ để bảo vệ giàn khoan.”

3. Thứ ba, kết quả của chuyến viếng thăm Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc đã khiến đa số trong số 16 thành viên Bộ Chính trị đảo ngược quyết tâm hồi đầu tháng Sáu. Theo Abuza, nhóm thiểu số sáu thành viên BCT ủng hộ “một chiến lược đa diện” để đối phó với Trung Quốc, trong khi mười thành viên phe đa số ủng hộ sự xuống thang cuộc khủng hoảng để làm vừa lòng Trung Quốc.

Phân tích mang tính suy đoán nhiều nhất của Abuza là cách phân loại thành viên Bộ Chính trị đảng CSVN thành hai nhóm như trên. Theo Abuza, nhóm thiểu số gồm có sáu thành viên: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bí thư Đảng ủy Thành phố Hồ Chí Minh, người “ủng hộ đổi mới”, Lê Thanh Hải, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thông [sic] Thị Phóng.

Mười người trong nhóm đa số gồm: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng Tô Huy Rứa, Thường trực Ban Bí thư Trung ương đảng Lê Hồng Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng Ngô Văn Dụ, Trưởng ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, “có lẽ” có Bộ trưởng cho Công an Trần Đại Quang, và “rất có thể” cả Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

4. Thứ tư, hệ quả của sự đảo ngược chính sách này là Bộ Chính trị xếp lại một quyết định đã có trước đó là sẽ đi kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế, xuống giọng không đòi phải có một Quy tắc ràng buộc về Ứng xử ở Biển Đông, và hủy bỏ chuyến đi “​​Washington đã dự định và đã công bố” của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Bộ Chính trị đã quyết định thăm dò Washington về “mức độ cam kết để giữ một vai trò trong một cuộc xung đột có thể có với Trung Quốc ở Biển Đông” bằng cách cử Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đi thay chỗ của Bộ trưởng Minh.

Abuza kết luận rằng đa số trong Bộ Chính trị “không sẵn sàng đối phó với Trung Quốc” và “có một số hy vọng rằng khi Việt Nam nhượng bộ ở quần đảo Hoàng Sa thì Trung Quốc sẽ đáp trả ở quần đảo Trường Sa.”

Alexander Vuving đưa ra một nhận định tương phản trong bài bình luận tựa đề “Có phải Trung Quốc Chớp mắt trong biển Nam Trung Hoa” đăng trên trang The National Interest. Vuving viết rằng cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu là

“Một trận chiến bằng ý chí … bên quyết tâm hơn có thể giành được chiến thắng ngay cả khi đó là bên yếu hơn. Khi chủ quyền bị đe dọa, cả hai quốc gia thử thách quyết tâm của nhau để xem ai sẽ chớp mắt trước.”

Ngay sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, giới lãnh đạo Hà Nội đã tìm cách thương lượng với Bắc Kinh. Trung Quốc trả lời với bốn điều kiện tiên quyết: Việt Nam phải chấm dứt sách nhiễu giàn khoan dầu; Việt Nam phải thôi không tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa; Việt Nam không được kiện Trung Quốc; và Việt Nam không lôi kéo bên thứ ba, chẳng hạn như Hoa Kỳ, vào cuộc.

Theo Vuving, trả lời của tập thể lãnh đạo đảng CSVN Việt Nam là bỏ kế hoạch đi kiện Trung Quốc và hoãn chuyến đi Washington của Ngoại trưởng Minh. Tái độ này tạo tiền đề cho Trung Quốc để thể hiện “một hành động xuống thang tương ứng.”

Vào ngày 15 tháng Bảy, Trung Quốc thông báo họ đã rút giàn khoan HYSD 981 khỏi vùng biển Việt Nam và, trong một tuyên bố khác, cho hay họ đã thả 13 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trước đó. Vuving kết luận rằng “những hành động của Bắc Kinh có thể trông giống như một sự mặc cả ngầm, nhưng thực sự bản chất lại một cái gì đó khác hẳn.”

Vuving lưu ý tính đối xứng và sự mong manh của những nhượng bộ của cả hai bên Trung Quốc và Vietnam. Nói cách khác, mỗi bên có thể đảo ngược hành động của mình bất kỳ lúc nào.

Trái với Abuza, Vuving xét đến động cơ thúc đẩy của hai bên, Trung Quốc và Việt Nam, trong bài phân tích. Vuving kết luận rằng việc Hà Nội chiều lòng Bắc Kinh chỉ là “một phần nhỏ, nếu có, của nước cờ.”

Vuving lập luận rằng cho đến khi có cuộc khủng hoảng giàn khoan thì Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến thuật “thái xúc xích”; đây là cách để Bắc Kinh giữ “sự cân bằng tinh tế giữa sự quyết đoán và kiềm chế để những hành động [của TQ] đủ để thay đổi thực tế nhưng không đủ để là một lý do tốt khiến đối phương trở nên quyết tâm chống lại” họ.

Không như Abuza đã khẳng định rằng giới lãnh đạo Việt Nam đã đầu hàng Trung Quốc và “Hoa Kỳ … đã không vào cuộc một cách có ý nghĩa,” Vuving kết luận ngược lại. Theo Vuving, sự bắt nạt của Trung Quốc đã đưa đến một sự thay đổi chưa từng có về cách nhìn của Việt Nam đối với Bắc Kinh và “cùng với sự đe dọa sẽ liên minh với Hoa Kỳ, trên thực tế, nó chính là một sự thay đổi lớn trong cách Hà Nội đối phó với Bắc Kinh.”

Hơn nữa, Vuving lưu ý “khuynh hướng chung … đã giúp thêm động lực cho những quốc gia như Nhật Bản, Philippines, Australia, Ấn Độ và Việt Nam, để điều chỉnh tư thế quân sự và chính sách đối ngoại để đối đầu với những gây hấn của Trung Quốc một cách có hiệu quả hơn.”

Ở kết luận, Vuving lập luận rằng trong quá khứ, nhiều nước, kể cả Việt Nam và Hoa Kỳ, đã tạo ra một “trần thủy tinh” và “áp dụng chính sách kiềm chế vì sợ chọc giận con khủng long”. Trung Quốc “khéo léo khai thác sự sợ hãi này bằng chiến thuật “thái xúc xích”. Kết quả của cuộc khủng hoảng giàn khoan là cái trần thủy tinh đã vỡ và người ta thấy Trung Quốc “không khác nhiều so với các diễn viên khác”, cũng sợ phải leo thang. Nói cách khác, Trung Quốc đã chớp mắt.

Nhận định của Abuza về những quyết định của Việt Nam có thể bị nghi ngờ về tính hợp lý và chính xác thực tế.

a. Đầu tiên, không có chứng cớ nào là Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp hồi đầu tháng Sáu. Như một quan sát viên tại Hà Nội ghi nhận qua trao đổi riêng tư, “chưa hề có lời rù rì nào tại Hà Nội về một cuộc họp như vậy … và cũng khó để che đậy một chuyện lớn như một cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương đảng.” Một viên chức cao cấp của chính phủ xác nhận vào cuối tháng Bảy rằng không có cuộc họp nào của Ban Chấp hành Trung ương đảng đã được tổ chức kể từ hội nghị lần thứ chín (từ 8-14 tháng Năm).

Hơn nữa, như một nhà ngoại giao tại Hà Nội ghi nhận riêng với The Diplomat,

“Nếu trên thực tế ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN đã họp vào đầu tháng Sáu ‘đồng lòng quyết tâm lên án sự xâm lược và xâm lấn của Trung Quốc’ thì tại sao đảng CSVN không công bố bất kỳ một nghị quyết nào về điều này sau cuộc họp. Như thế sẽ chẳng trấn an dư luận trong nước về việc đảng đang quan tâm giải quyết tình hình sao?”

b. Thứ hai, chuyện Abuza kể về chuyến thăm của Ủy viên Quốc vụ TQ Dương Khiết Trì tại Hà Nội ngày 18 tháng 6 tập trung quá hẹp vào cường điệu của họ Dương. Cho đến khi có chuyến đi Hà Nội của Dương Khiết Trì thì Trung Quốc đã từ chối khoảng ba mươi lời yêu cầu từ phía Việt Nam để mở các cuộc đàm phán về cuộc khủng hoảng giàn khoan, nhưng họ Dương đã tham dự cuộc họp thường niên, được chuẩn bị từ lâu, ​​của Ban chỉ đạo chung về hợp tác song phương. Đây là một chỉ dấu quan trọng của sự sẵn sàng về phía Trung Quốc để đối thoại với Việt Nam.

Đọc kỹ tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam người ta thấy rằng khi Dương Khiết Trì sang Việt Nam gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đã có một thỏa thuận chung để “tiếp tục thảo luận về cách để giảm bớt căng thẳng và giải quyết các vấn đề liên quan đến biển đảo.” Sau chuyến thăm của Dương Khiết Trì, các phương tiện truyền thông Trung Quốc miêu tả kết quả tích cực hơn nhiều so với những gì Abuza trích dẫn từ báo chí phương Tây. Theo Vuving ghi nhận, chuyến đi Hà Nội của họ Dương nhằm chuẩn bị cho một cuộc mặc cả ngầm để xuống thang khủng hoảng.

c. Thứ ba, Abuza không cung cấp nguồn tin cho phép ông khẳng định rằng Bộ Chính trị đã họp lại sau chuyến viếng thăm của Dương Khiết Trì và hủy bỏ nghị quyết lên án Trung Quốc xâm lược. Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan điều hành cao nhất giữa các kỳ đại hội đảng trên toàn quốc. Như đã thấy rõ về mặt nội chính vào năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương đã nhiều lần hủy bỏ quyết định của Bộ Chính trị.

Được biết, Bộ Chính trị đã họp nhiều lần trong cuộc khủng hoảng giàn khoan cả trước và sau chuyến thăm của Dương Khiết Trì. Trong một chuyến viếng thăm Việt Nam vào cuối tháng Bảy, tác giả bài này đã được các nguồn tin ngoại giao là Bộ Chính trị đã bỏ phiếu 9-5 “phê duyệt đề xuất để đi kiện Trung Quốc ra trước trọng tài quốc tế.”

Giới ngoại giao tại Hà Nội, đang theo dõi khít khao các sự kiện này, cho rằng cuộc họp quyết định của Bộ Chính trị đã diễn ra vào đầu tháng Bảy. Đây là thời điểm trước khi Trung Quốc thông báo họ rút giàn khoan HYSY-981.

Không thể biết chắc chắn mỗi thành viên của Bộ Chính trị đã biểu quyết thế nào tại cuộc họp đầu tháng Bảy. Một thăm dò với giới quan sát thạo tin người Việt Nam và người nước ngoài ở Hà Nội cho thấy như sau:

i. Nhóm đa số (9 người trong BCT) gồm: Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng, Lê Thanh Hải, Lê Hồng Anh, Tòng Thị Phóng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân và có thể có cả Phùng Quang Thanh.

ii. Năm thành viên nhóm thiểu số gồm Nguyễn Phú Trọng, Tô Huy Rứa, Phạm Quang Nghị, Ngô Văn Dụ và Đinh Thế Huynh.

Thông tin cho rằng hai thành viên Bộ Chính trị bỏ phiếu trắng là không chính xác. Vào đầu tháng Bảy hai thành viên của Bộ Chính trị đã ra nước ngoài và không thể tham dự cuộc họp. Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã đến thăm Đức từ ngày 3-4, trong khi Phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm Argentina và Chile từ 30 Tháng Sáu – 5 tháng Bảy.

d. Thứ tư, Abuza sai lầm trong việc khẳng định rằng chuyến đi của Ngoại trưởng Minh sang Hoa Kỳ đã bị hủy bỏ và thành viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị đã được gửi đi thay thế. Chuyến đi của Minh chỉ bị hoãn lại cho đến tháng Chín. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Washington và Bộ Ngoại giao Mỹ đang thảo luận về thời điểm của chuyến thăm của Bộ trưởng Phạm Bình Minh.

Chuyến thăm Mỹ của Phạm Quang Nghị được cho là để đánh bóng chuyên môn đối ngoại của Nghị và thăm dò hiện trạng của mối quan hệ Việt-Mỹ trước chuyến đi Mỹ của Bộ trưởng Minh.

Dường như không thể xảy ra chuyện Bộ Chính trị xếp lại quyết định phải đi kiện Trung Quốc hay Việt Nam hạ giá tầm quan trọng một quy tắc ràng buộc ứng xử ở Biển Đông. Vào ngày 26 tháng Bảy, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã triệu tập một hội nghị quốc tế về các “vấn đề pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.” Một số tham dự viên Việt Nam ghi nhận riêng rằng những khuyến nghị của hội nghị này sẽ được chuyển đến giới lãnh đạo cao cấp trước một cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương định triệu tập trong tháng Tám.

Việt Nam vẫn hoàn toàn ủng hộ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sự hỗ trợ cuae ASEAN cho một Quy tắc ràng buộc về Ứng xử ở Biển Đông. Năm ngoái Trung Quốc đã trở mặt và đồng ý gặp giới chức ASEAN để thảo luận về một Quy tắc Ứng xử trong khuôn khổ các cuộc thảo luận về việc thực thi Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông. Việt Nam hẳn sẽ không hạ giá sự hỗ trợ cho một Quy tắc Ứng xử để hòa hoãn với Trung Quốc. Cả hai bên cam kết dùng ngoại giao để giải quyết những khác biệt. Việt Nam có thực sự tin rằng một Quy ước Ứng xử sẽ được điều đình hay không lại là một vấn đề khác. Như một viên chức cao cấp Việt Nam nói với The Diplomat, “hành trình quan trọng hơn điểm đến.”

Trong các cuộc họp hàng năm sắp diễn ra giữa các Bộ trưởng Ngoại giao trong khối ASEAN, Diễn đàn Khu vực và các cuộc họp liên quan giữa các nước ASEAN với các đối tác, tất cả sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng giàn khoan và những việc sẽ phải làm. Rõ ràng là Trung Quốc sẽ phải chịu áp lực lớn về mặt ngoại giao để ngưng ngay những động thái khiêu khích ở Biển Đông.

Cuộc khủng hoảng giàn khoan đã chứng minh rằng Việt Nam đã biểu dương quyết tâm và có khả năng đối phó với Trung Quốc. Việt Nam khó có thể tịch từ bỏ bất kỳ lựa chọn nào kể cả việc đi kiện Trung Quốc. Vì lợi ích quốc gia, Việt Nam phải giữ thế cờ này để tùy cơ ứng biến.

Giới lãnh đạo thận trọng của Việt Nam không thể quỵ lụy vì áp lực của Trung Quốc trong khi họ đang lưỡng lự muốn liên kết với Hoa Kỳ. Việt Nam và Trung Quốc còn nhiều công tác ngoại giao phải làm để chỉnh sửa quan hệ song phương bị sứt mẻ và khôi phục lòng tin chiến lược. Việt Nam cũng có khả năng để thắt chặt thêm quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ.

Giàn Khoan HY-981 của TQ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đàu tháng 5 đến 15/7/2014.
Giàn Khoan HY-981 của TQ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đàu tháng 5 đến 15/7/2014.

Có nhiều khả năng chính sách đối ngoại Việt Nam sẽ là một sự liên tục hơn là sự thay đổi. Việt Nam sẽ tiếp tục áp dụng lệnh cấm của Ban Chasp hành Trung ương theo Nghị quyết số 8 để đấu tranh và hợp tác với các cường quốc nhằm phát triển lợi ích quốc gia và theo đuổi khuynh hướng đa phương trong quan hệ đối ngoại.

© 2014 DCVOnline


Nguồn: Vietnam, China and the Oil Rig Crisis: Who Blinked? . Did Vietnam buckle under Chinese pressure or did China blink? By Carl Thayer. The Diplomat. August 04, 2014.