Lịch sử nền văn minh Champa theo khoa khảo cổ học (I)

Khánh Sơn (Người dịch)

chumNhà nghiên cứu khoa học người Pháp Étienne François Aymonier vào năm 1885 đã khai quật dưới lòng đất tại làng Võ cạnh Nha Trang khám phá ra một văn bia (khắc chữ trên phiến đá granit [hoa cương]) bằng Phạm ngữ (Sanskrit) có niên đại vào cuối thế kỷ thứ II sau công nguyên.

Những nhà nghiên cứu/khảo cổ Pháp tại Đông Dương: Henri Parmentier,  Charles Carpeaux à Đồng Dương en 1902 và Étienne Aymonier. Nguồn: http://www.champapura.fr/
Những nhà nghiên cứu/khảo cổ Pháp tại Đông Dương: Henri Parmentier, Charles Carpeaux à Đồng Dương en 1902 và Étienne Aymonier. Nguồn: http://www.champapura.fr/

Trên văn bia ấy có ghi rõ công trạng của một vị vua Sri-Mara, người đã khai sáng ra một triều đại Vương Quốc Champa đầu tiên. Ðối chiếu với sách Thủy Kinh chú(1)Trung Hoa đã nói ở đoạn trên, ta thấy sử liệu của Trung Hoa và bia ký đã khai quật được hoàn toàn giống nhau về không gian và thời gian lập quốc.Nhân vật Sri-Mara chính là Khu Liên.

Trên văn bia Phạm ngữ của SambhuVarman (Phạm Phàn Chí) vào thế kỷ thứ XI có khắc tên một quốc gia cổ mà trong sách Tân đường Thư(2) có đề cập đến. Âu Dương Tu, Tổng kỳ đã phiên âm ra Hán ngữ là Chiêm Bà tức Champa ngày xưa.

Người Champa xuất thân từ người tiền thân nam đảo cổ Malayo Polynesian, tiền thân của tộc người Nam Đảo ngày nay, sống trên dãi bờ biển trải dài từ đảo Hải Nam Trung quốc đến Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay. Đông giáp biển Champa ( biển đông), tây giáp Tây Lào. Người Champa định cư trên dãi đất này từ đầu những năm 2000 trước công nguyên. Tài liệu chính xác nhất là những gì còn lại của nền văn hóa sa huỳnh. Từ thông tin đầu tiên trong Niên giám 1909 của tập san Trường Viễn Đông bác cổ về việc phát hiện “một kho chum khoảng 200 chiếc nằm cách mặt đất không sâu, trong một cồn cát ven vùng biển Sa Huỳnh” (huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi), đến nay hàng trăm di tích của nền văn hóa này đã được tìm thấy khắp các tỉnh ven biển miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận. Diện mạo của văn hóa Sa Huỳnh, từ nguồn gốc đến các giai đoạn phát triển, từ loại hình di tích di vật đến đặc trưng văn hóa… ngày càng rõ nét. Suốt 100 năm qua là một cuộc tìm kiếm không mệt mỏi của các nhà khảo cổ, các nhà nghiên cứu về một nền văn minh cách chúng ta hàng nghìn năm. M.Vinet – một nhà khảo cổ người Pháp – phát hiện những mộ chum đầu tiên vào năm 1909 và cũng là nơi xuất hiện những hiện vật có niên đại sớm nhất của văn hóa Sa Huỳnh.

Thật ra thuật ngữ “văn hóa Sa Huỳnh” không phải có ngay sau khi ông M.Vinet phát hiện khu mộ chum này mà phải đợi một thời gian dài sau đó, khi bà La Barre – vợ một viên chức quan thuế Pháp ở Sa Huỳnh – vốn ham thích trang sức đá quý và thủy tinh trong chum nên đã huy động dân đào khu mộ chum ở Phú Khương và Thạnh Đức, mỗi nơi thu được 120 chiếc. Đến năm 1934, một nhà khảo cổ học khác tên M. Colani tiếp tục mở rộng không gian ra các vùng lân cận như Phú Lu, Đồng Phú (Quảng Ngãi), Tăng Long, Phú Nhuận (Bình Định). Hàng trăm mộ chum tương tự cũng được phát hiện qua đợt khai quật này. Năm 1935, bà M.Colani đã công bố những phát hiện của mình cùng các đồng nghiệp trước đó tại một cuộc hội nghị tiền sử Viễn Đông ở Manila (Philippines).

Bản đồ Champa cổ. Nguồn: nguoicham.com
Bản đồ Champa cổ. Nguồn: nguoicham.com

cáo của M. Colani lập tức thu hút sự chú ý của các nhà khảo cổ. Cái tên Sa Huỳnh cùng thuật ngữ “văn hóa Sa Huỳnh” bắt đầu hình thành và liên tục mời gọi tất cả giới khảo cổ. Tuy nhiên, hai cuộc chiến tranh suốt 30 năm sau đó đã không cho phép họ thực hiện ý định của mình mà phải đợi đến sau ngày 30 tháng 4, 1975, các nhà khảo cổ Việt Nam mới làm tiếp những dang dở trước đó. Nền văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung được giới khảo cổ phát hiện từ hơn nhiều năm trước. Mười nhà khoa học Đức-Việt tiến hành khai quật di chỉ Lai Nghi ở Điện Bàn, Quảng Nam. Kết quả lần này cùng với hai đợt tiến hành năm trước đã cho ra bức tranh văn hóa Sa Huỳnh chi tiết hơn. Từ trước năm 1975, các nhà khoa học đã phát hiện ở vùng Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) một di chỉ chứng minh tại đây đã từng tồn tại một nền văn hóa phát triển đồng thời với văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc và văn hóa Óc Eo ở miền Nam, có niên đại cách đây ít nhất từ 2.400 đến 3.000 năm. Di vật tìm thấy là đồ tùy táng chôn theo người chết được hỏa táng, đặt trong các mộ chum bằng đất nung và chưa xác định được chủ nhân, vì vậy giới khảo cổ tạm gọi đó là nền văn hóa Sa Huỳnh. Do hầu hết các di chỉ đều là mộ táng, lại tập trung ở vùng duyên hải nên giới nghiên cứu đoán định rằng chủ nhân của chúng cư trú tại các hòn đảo trên Thái Bình Dương, có tục hỏa táng và chôn ở đất liền.

Do hoàn cảnh chiến tranh, những phát hiện về văn hóa Sa Huỳnh cũng chỉ dừng lại đó. Riêng tại Quảng Nam, từ những năm sau 1985, Viện Khảo cổ học Việt Nam kết hợp với bảo tàng tỉnh đã đưa lên từ trong lòng đất những kho tàng khảo cổ có liên quan đến nền văn hóa này. Các di vật xuất hiện ở nhiều nơi, đặc biệt dày đặc ở Hội An, Điện Bàn.Năm 1993-1995 với sự tài trợ của Tổ chức Toyota Foundation (Nhật Bản), Đại học Tổng hợp Hà Nội đã thực hiện một cuộc khai quật khảo cổ lớn tại Hội An. Phạm vi khảo cổ trên bình diện 70 km2, kéo dài dọc theo sông Thu Bồn. Kết quả có ý nghĩa từ cuộc khai quật này là ở đâu có dấu vết văn hóa Sa Huỳnh thì nơi đó có vết tích của văn hóa Champa. Có thể nhận định đã có sự kế thừa nào đó về mặt địa lý giữa cư dân hai nền văn hóa…

Ngoài ra, sự kiện tìm thấy 2 đồng tiền Ngũ Thù, Vương Mãng niên đại thế kỷ 1, 2 trước công nguyên, cùng các loại gốm văn in hình học kiểu Hán Hoa Nam tại Hậu Xá, đã xác định một quan hệ giao lưu giữa chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh với bên ngoài. Đồng thời, nhiều hiện vật cũng cho thấy thấp thoáng những di chỉ cư trú nằm cùng tầng văn hóa với văn hóa Sa Huỳnh… Tuy vậy với chừng đó chưa thể xác nhận được chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh từ đâu đến; có quan hệ kế thừa với vương quốc Champa cổ đại sau này hay không? Đợt khảo sát lần này của Viện Khảo cổ học Quốc gia Đức cùng Đại học Quốc gia Hà Nội tại di chỉ Lai Nghi (giáp ranh với Hội An) là để làm sáng tỏ những nghi vấn đó.

Gian trưng bày gốm Sa Huỳnh tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Nguồn: gpquinhon.org
Gian trưng bày gốm Sa Huỳnh tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Nguồn: gpquinhon.org

Có một “trung tâm thương mại” Hội An cổ đại. Tiến sĩ Andreas Reinecke, Trưởng đoàn khai quật Viện Khảo cổ chung và so sánh thuộc Viện Khảo cổ học quốc gia Đức, cho biết, kết quả thu được từ khai quật tại Lai Nghi rất lớn và có ý nghĩa rất quan trọng. Trong ba đợt đào, nhóm đã phát hiện khoảng 40 địa điểm có văn hóa Sa Huỳnh, với 62 mẫu mộ chum và mộ đất cùng hơn 10.000 di vật có giá trị. Trong đó số hạt cườm trang sức nhiều chưa từng có từ trước đến nay với 200 loại hạt chuỗi, chế tác bằng 5 loại đá khác nhau; giá trị là hai mề đay (medal) bằng đá đỏ hình chim nước và hổ chế tác rất tinh xảo, lần đầu tiên được tìm thấy tại các di chỉ ở Đông Nam Á. Giá trị nữa là 5 bộ đồ đồng (2 gương soi thời Hán), khuyên tai vàng chưa bao giờ tìm được ở Việt Nam (di chỉ giồng Cá Vồ có, nhưng loại nhỏ, có hình dáng khác). Nhiều loại trong đó chứng tỏ rằng nghề tiểu thủ công của cư dân vùng này rất phát triển. Ví dụ hai chiếc lọ gốm gần như nguyên vẹn được trang trí hoa văn tia mặt trời (thường thấy trên mặt trống đồng Đông Sơn) lạ mắt, rất đẹp bằng ba màu đỏ đen và trắng, gần như chưa từng phát hiện từ trước đến nay tại các hố khai quật văn hóa Sa Huỳnh… Những gì tìm được tại đây, có thể khẳng định rằng Lai Nghi sẽ là một trung tâm khảo cổ lớn nhất về văn hóa Sa Huỳnh của Việt Nam.

A. Reinecke nhận định

“Chưa có gì xác nhận có một mối liên hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh muộn với văn hóa Champa sớm, nhưng khả năng đã có một bộ phận cư dân văn hóa Sa Huỳnh tiếp tục sống và phát triển trong văn hóa Champa. Bây giờ chúng tôi chưa có điều kiện so sánh giữa hai nền văn hóa này. Song có một điều chắn chắn là, qua sự tương đồng của một số hiện vật tìm thấy tại đây với di chỉ tại một số hòn đảo trên vùng biển Đông Nam Á (ví dụ khuyên tai ba mấu và hai đầu thú). 2.500 năm trước đã có cư dân từ đó đến miền Trung Việt Nam.

Tuy vậy phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ này hầu hết là di chỉ mộ táng có niên đại từ thế kỷ 2 trước Công nguyên đến 300 năm sau Công nguyên. Có 3 di chỉ cư trú, nhưng chưa có niên đại chắc chắn, do vậy chưa thể coi đó là của văn hóa Sa Huỳnh. Có thể thời kỳ này người ta làm nhà bằng tranh tre, gỗ nên không để lại vết tích. Quan trọng hơn cả là qua những hiện vật tìm được có thể nói rằng trong thời kỳ này, Hội An đã là một trung tâm kinh tế lớn thu hút từ vùng núi dọc sông Thu Bồn, xuống duyên hải, từ văn hóa Đông Sơn và từ Trung Hoa đến Ấn Độ.”

Văn hóa Sa Huỳnh phát triển từ sơ kỳ đồng thau đến sơ kỳ đồ sắt, từ khoảng 2.000 năm đến những thế kỷ trước Công nguyên. Quá trình hội tụ những nguồn gốc khác nhau đã tiến tới giai đoạn phát triển cực thịnh của văn hóa này vào khoảng 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay. Chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh có quan hệ cội nguồn với các văn hóa hậu kỳ đá mới – sơ kỳ đồng thau ven biển, được coi là những người Tiền Mã Lai – Đa đảo (Proto Malayo Polynesian). Trong quá trình hình thành văn hóa Sa Huỳnh có những liên hệ với những nhóm cư dân cùng thời là những người “Tiền Môn – Khmer” hay Tiền Nam Á. Ngoài ra suốt quá trình phát triển văn hóa này còn có nhiều mối quan hệ giao lưu rộng rãi với những văn hóa thời kim khí ở Đông Nam Á. Qua đó có thể thấy chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh nói tiếng Nam Đảo hay Malayo Polynesian nhiều hơn yếu tố Nam Á. Đặc trưng cơ bản của văn hóa Sa Huỳnh là táng thức mộ chum, vò suốt từ giai đoạn sớm đến muộn, tuy ở một vài địa điểm vẫn có sự hiện diện của mộ huyệt đất.

Các khu mộ phân bố tập trung ở những cồn cát ven biển, lan dần ra các đảo ven bờ, ngoài ra còn phân bố ở vùng đồng bằng và miền núi phía tây. Di tích là những khu mộ táng rộng lớn gồm hàng chục, hàng trăm chum, vò gốm chôn đứng trong địa tầng. Loại hình chum, vò chủ yếu hình trụ, hình trứng, hình cầu đáy bằng có nắp đậy hình nón cụt hay hình lồng bàn. Đặc biệt trong các mộ táng chum, vò thuộc văn hóa Sa Huỳnh ít tìm thấy di cốt hay than tro hỏa táng, vì vậy theo các nhà nghiên cứu táng tục của cư dân Sa Huỳnh có thể là “chôn tượng trưng”. Trong chum/vò chứa nhiều đồ tùy táng gồm các chất liệu đá, gốm, sắt, đá quý, thủy tinh rất đa dạng về loại hình: dụng cụ lao động, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt, trang sức. Đặc trưng về di vật là sự phổ biến của dụng cụ lao động bằng sắt, đồ gốm tô màu trang trí nhiều đồ án hoa văn khắc vạch, đồ trang sức bằng đá ngọc, mã não, thủy tinh vòng, hạt chuỗi, khuyên tai ba mấu, khuyên tai hai đầu thú…

Chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh có nền kinh tế đa thành phần, gồm trồng trọt trên nương rẫy và khai thác sản phẩm rừng núi, trồng lúa ở đồng bằng, phát triển các nghề thủ công, đánh bắt cá ven biển và trao đổi buôn bán với những tộc người trong khu vực Đông Nam Á và xa hơn, với Trung Quốc và Ấn Độ. Những di tích văn hóa Sa Huỳnh ven biển đã có thể từng là những “tiền cảng thị” (như khu vực Hội An với di tích Hậu Xá chẳng hạn). Dù rằng việc sản xuất gốm để xuất khẩu ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Đại Việt và Xiêm, phát triển khá mạnh mẽ vào thế kỷ XIV – XV, thường là với sự khởi đầu bất ngờ của kỹ thuật Trung Quốc và kết thúc với kỹ thuật bản địa. Tuy nhiên, lịch sử hải thương của khu vực Đông Nam Á, kết hợp với những kết quả trong nghiên cứu khảo cổ học ở các quốc gia Đông Nam Á trong thời gian gần đây, đã phần nào bổ sung cho chúng ta những tư liệu quan trọng về sự xuất hiện của những sản phẩm gốm thương mại có nguồn gốc Đông Nam Á . Về đồ gốm thì hầu như tất cả các ghi chép về Champa trong Chufanchi (1225), Dauyi Zhilue (giữa thế kỷ XIV) và Yingua Shenglan (1416) đều chỉ nói đến việc nhập các đồ sứ Trung Quốc. Những tài liệu trên hầu như không nhắc đến những sản phẩm gốm ở Đông Nam Á. Lệnh cấm hoàn toàn các chuyến đi và buôn bán vải hải ngoại được ban hành năm 1371 (năm thứ 3 niên hiệu Hồng Vũ) trong thời kỳ đầu thời nhà Minh. Sau đó, nó lại được tái ban hành vài lần và cuối cùng bị bãi bỏ năm 1471 (năm thứ 6 niên hiệu Long Khánh). Nó ngăn cấm nghiêm ngặt những chuyến đi và buôn bán hải ngoại của người Trung Quốc.

Kết quả là, buôn bán gốm từ Trung Quốc bị hạn chế lớn trong thời kỳ này. Gốm Thái Lan, Việt Nam và Champa xuất hiện ở các vùng bờ biển xung quanh biển phía nam Trung Quốc như để thay thế đồ gốm Trung Quốc. Di chỉ tiêu biểu của thời kỳ này là tàu đắm ngoài khơi đảo Palawan, được khai quật năm 1995. Đồ gốm Champa bao gồm đĩa celadon, bát men nâu với thân chiết yêu và các vò men nâu của lò Gò Sành.Trong những năm gần đây, tại các lò gốm Gò Sành và một vài lò gốm khác, tất cả đều ở quanh thủ đô Vijaya thuộc tỉnh Bình Định ngày nay, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những đồ gốm xuất khẩu như đĩa men và bát men celadon và các hũ sành được sản xuất trong những thế kỷ XIV-XVII mà không hề có sự phát triển trước đó của kỹ thuật bản địa. Những mảnh vỡ của đồ gốm Gò Sành đã được khai quật thấy ở Ai Cập, đảo Tioman ở Ma-lai-xia; Santa Ana và Calatagan ở Philippines… và thường được tìm thấy cùng với những đồ sứ Trung Quốc. Có tiếng vang nhất là việc tìm thấy hàng trăm đồ gốm tráng men celadon của Gò Sành trong con tàu đắm gần hòn đảo Pandaran ở Philippines.

Bát gốm Gò Sành, thế kỷ 14th-15th, thời đại Vijaya. Origin: Go Sanh kilns, Binh Dinh province, Central Vietnam
Bát gốm Gò Sành, thế kỷ 14th-15th, thời đại Vijaya. Origin: Go Sanh kilns, Binh Dinh province, Central Vietnam

Không nghi ngờ gì nữa, những sản phẩm này bắt đầu có trước khi Đại Việt đánh chiếm Vijaya, thế nhưng những người thợ thủ công thuộc tộc người nào thì còn chưa rõ. Chắc hẳn Champa cũng đã bị cuốn vào trào lưu sản xuất đồ gốm thương mại chung ở Đông Nam Á lục địa vào thời kỳ cuối Nguyên (1260-1368) và đầu Minh (1368-1644), khi mà việc xuất khẩu đồ sứ Trung Quốc bị giảm mạnh vì khủng hoảng kinh tế và do lệnh cấm buôn bán với nước ngoài.Với việc phân phối rộng khắp bằng đường biển qua Ấn Độ Dương, đồ gốm Champa được khai quật từ địa điểm A1-Từ trên bán đảo Sinai ở Hy Lạp, từ thành phố cảng thời trung cổ của Julfar trong phạm vi của Ras al-Khaimab ở tiểu vương quốc Ả Rập, từ di chỉ Juara trên đảo Tioman ở đảo Malaysia và từ di chỉ mộ táng ở bán đảo Calatagan và tàu đắm ở ngoài biển khơi của đảo Pandanan, Philipines. Đồ gốm Champa được xuất khẩu ra nước ngoài vào khoảng thế kỷ XV và việc sản xuất đồ gốm ở Gò Sành phát triển rất rực rỡ vào thời gian ấy. Trong bất kỳ trường hợp nào, thì rõ ràng là kinh đô Champa đã có một mạng lưới buôn bán vào thế kỷ XV, gồm cả Hy Lạp, các Tiểu vương quốc Ả Rập, Malaysia, quần đảo Philippines. Thực tế này đã xác nhận sự rộng lớn của mạng lưới buôn bán của vương quốc Champa trên biển. Đồ gốm không giống với vải lụa, vẫn tồn tại trong các di chỉ mà không bị phân hủy và biến mất, thậm chí ngay cả khi chúng bị vỡ thành từng mảnh nhỏ. Khi các khu vực (lò) và niên đại sản xuất của một số đồ gốm khai quật đã được xác định, chúng sẽ là tư liệu quý giá để làm rõ niên đại và đặc trưng của chính các di chỉNằm ở vị trí trung độ trên con đường giao lưu quốc tế đông-tây, Trung Quốc với Ấn Độ và xa hơn, tới Địa Trung Hải, Đông Nam Á sớm trở thành một đầu mối mậu dịch hàng hải quốc tế. Từ đầu công nguyên, những con thuyền của cư dân trong vùng, thuyền của người Ấn, người Hoa cùng với nền văn hóa của họ đã thường xuyên qua lại vùng Đông Nam Á. Trên con đường giao lưu đó, Champa chiếm lĩnh một trong những vị trí quan trọng và thuận lợi nhất. Các cảng của Champa đóng vai trò như những cảng cuối cùng trước khi những con thuyền vượt qua vịnh Bắc Bộ vào vùng biển Trung Hoa và là nơi dừng chân đầu tiên khi từ Trung Quốc đến Malacca, Vịnh Thái Lan hay gần hơn là tới vùng hạ lưu châu thổ sông Mê Kông mà 7 thế kỷ đầu công nguyên thuộc vương quốc Phù Nam. Có thể thấy hầu hết các tuyến đường biển đến Trung Hoa hay từ Trung Hoa đi qua Ấn Độ đều rẽ qua các cảng biển Champa. Từ một đầu mối giao thông quan trọng, bờ biển Champa đã sớm trở thành một đầu mối giao thương, nơi trao đổi sản vật và sản phẩm với những thuyền bạn bè qua lại.

Champa hùng mạnh nhất vào khoàng năm 800 đến năm 1000. Trong khoảng thời điểm đó, Người Chăm rất nổi tiếng trong việc buôn bán các loại gia vị và tơ lụa với các nước như Trung Quốc, Nusantara (Indonesia, Malaysia, Brunei ngày nay) và nước Abbasiah ở Baghdad (Bá Đa – xứ 1001 đêm).Vào khoảng năm 800, người Chăm được biết đến với tài đi biển rất gỏi và những thương nhân tài ba. Theo ông Tan Sri, Prof. Emeritus Dr. Ismail Hussein, chủ tịch hội nhà văn Malaysia gọi tắt là (GAPENA) có nói. Vùng biển mà ngày nay được gọi là Biển Nam Trung Quốc thật sự trước kia được gọi là Biển Champa, nó từng là một vùng thương mại và vận chuyển quan trọng của người Chăm. Sự hùng cường về thương mại và vận chuyển của đế chế Champa nhanh chóng được nổi tiếng và rất nhiều người biết đến không chỉ ở Nusantara mà là toàn thể thế giới lúc bấy giờ, dẫn đến vùng biển này được gọi với tên Biển Champa.

Người Champa “có cái nhìn về biển đúng đắn, biết tham dự và dấn thân tích cực vào luồng thương mại quốc tế”, tận dụng những lợi thế đó để phát triển vương quốc của mình thành một cường quốc trong khu vực. Hoạt động thương mại biển đã góp phần quan trọng vào quá trình tồn tại và phát triển của vương quốc Champa trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ X đến thế kỷ XV. Quan hệ thương mại của vương quốc Champa từ nửa cuối thế kỉ X đến thế kỉ XV Trong suốt quá trình phát triển của mình, vương triều Vijaya đã dày công xây dựng các mối quan hệ với các quốc gia vùng hải đảo. Vương quốc Champa ngày càng dự nhập mạnh mẽ vào sự phát triển chung của lịch sử khu vực. Những mối quan hệ được dày công xây dựng, một mặt nhằm củng cố vị thế của Champa đối với lịch sử khu vực,mặt khác tạo ra những tiền đề thuận lợi để Champa mở rộng thương mại và dự nhập ngày càng mạnh mẽ hơn vào nền hải thương khu vực, nhằm bù lấp cho những thiếu hụt của nền kinh tế trong nước. Các vua Champa rất có ý thức trong việc buôn bán với người nước ngoài, tạo điều kiện lợi dụng và trọng dụng họ. Sau khi Quảng Đông bị phá hủy (758), việc làm ăn với thương nhân người Hoa gặp khó khăn.

Trên thực tế, từ 877 đến 951, Champa không có quan hệ bang giao gì với Trung Quốc vì sự hỗn loạn cuối thời Đường. Trong thời gian đó, họ kịp thời mở của làm ăn với thương nhân Hồi giáo Ả Rập đang ngang dọc khắp thế giới Đông-Tây. Khi Quảng Đông được mở cửa lại dưới triều Hậu Chu (951-959) và sau đó là triều Tống (960 –1279), vua Đồng Đường liền xúc tiến lại mối quan hệ giữa hai nước thông qua những nhà buôn Hồi giáo ở Panduranga. Người Hồi giáo là những người quản lý của khu buôn bán ở Panduranga. Những thương nhân Hồi giáo này đã có những liên hệ mật thiết với Vương triều Champa, được tiếp xúc thường xuyên với vua Chăm và được vua Chăm trọng dụng. Những bằng chứng mà P. Y. Manguin (1979) đã đưa ra cho thấy, trong những người thuộc đoàn sứ giả Champa sang Trung Quốc vào năm 951 và những năm sau đó, có người mang tên bắt đầu bằng chữ Pu hay Bu biến âm từ chữ Ả Rập Abu. Năm 958, người đại diện chính thức của vua Champa là người Hồi giáo có tên là Abu Hasan (P’s Ho San ). Ông đã thay mặt vua Champa là Indravarman III (917-960) tặng hoàng đế Trung Hoa nước hoa hồng, cây đèn “ngọn lửa Hy Lạp” và những viên đá quý. Năm 961, Abu Hasan trở lại Trung Hoa mang theo thư của vị vua mới là Java Indravarman I, kèm theo những tặng phẩm được liệt kê ra như gỗ trầm, ngà voi, vải lụa… và đặc biệt có 20 hũ Ả Rập. Tất cả những tặng phẩm trên có những thứ là của Champa, nhưng nhiều tặng phẩm như “nước hoa hồng”, “đèn Hy Lạp” là hàng của Ả Rập thì chắc chắn là sản phẩm thương mại được các thương nhân Hồi giáo Ả Rập đem đến trao đổi ở các cảng Chăm. Đó đều là những sản phẩm thương mại có được từ các thương cảng của Champa .Về những mặt hàng buôn bán xuất khẩu của Champa trong thời kỳ này, chúng ta có thể tham khảo các loại hàng hóa đã được trao đổi và mua bán tại cảng -thị Hội An và các cảng–thị khác ở miền Trung như Thanh Hà (Thừa Thiên- Huế ), Nước Mặn, Thị Nại (Bình Định )… trong các thế kỷ XVII-XVIII; vì sự phồn vinh của các cảng–thị này đương thời có thể được xem như sự tái sinh của các cảng – thị Champa vào những thế kỷ trước đó. Về các loại sản vật ở miền Trung Việt Nam vào thế kỷ XVI có thể tham khảo trong Ô Châu Cận Lục:

“… ngà voi, sừng tê, trầm hương, bạch ngọc hương, tô nhủ hương, biện hương, thổ cẩm trắng, thổ cẩm xanh, da trâu, nhựa thông, sừng trâu, da hươu, nhung nai, da hươu cái, lông đuôi chim công. Lông đuôi chim trĩ, hồ tiêu, mật ong, sáp vàng, dây mây …”

Những loại sản vật này, mà phần lớn đều là lâm sản nên có thể được xem là những đặc sản của Champa vào những thế kỷ trước đó, được thu nhập bởi cư dân miền ngược rồi đem trao đổi với cư dân miền xuôi. Điều đó cho thấy mối liên hệ khá chặt chẽ giữa các vương triều Champa với các tộc người miền núi mà sợi dây liên kết có lẽ là những dòng sông chảy từ thượng nguồn ra biển rất phổ biến ở miền Trung Việt Nam. Việc giữ mối liên hệ bền chặt và lâu dài giữa các vương triều Champa với các tộc người miền núi đảm bảo cho vương quốc Champa có thể duy trì được một sự cân bằng tương đối trong việc phát triển kinh tế, giữa kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp và kinh tế lâm nghiệp. Điều này còn có ý nghĩa hơn nữa khi chúng có thể đảm bảo những sản phẩm thương mại cho vương quốc Champa, để Champa có thể duy trì những mối quan hệ thương mại, buôn bán với các quốc gia trong khu vực.

Các nhà nghiên cứu đã giải thích hệ thống chính trị – kinh tế của vương quốc Champa theo một mô hình được gọi “hệ thống trao đổi ven sông”. Theo mô hình này, “hệ thống trao đổi ven sông”, có một vùng duyên hải để làm cơ sở cho một trung tâm thương mại, thường tọa lạc ở một cửa sông. Đây cũng là trung tâm giao dịch hải thương quốc tế và là điểm kết nối giữa các của sông khác của các vùng lân cận. Cũng có những trung tâm thượng nguồn, đó là những điểm tập trung ban đầu của các nguồn hàng có nguồn gốc từ những nơi ở xa sông nước. Những nguồn hàng này được sản xuất ở các vùng mà các dân cư sống trong các bản làng ở miền thượng du hoặc thượng nguồn không họp chợ. Sau đó nguồn hàng này được tập kết về các trung tâm ở ven biển.Mỗi Mandala có riêng một hệ thống trao đổi ven sông như vậy.Biên niên sử Trung Quốc từ thời kỳ Bắc Tống (960-1127) đã chỉ ra rằng vào cuối thế kỷ X đã hình thành những tuyến đường biển nối liền những địa điểm cư trú vùng biển ở quần đảo Philippines, bờ biển Bắc của Đảo Borneo và Champa.

Tống sử cho biết rằng vào năm 977, nhà cầm quyền Brunei đã gửi quà biếu đến đế chế Trung Hoa và sứ giả của phái đoàn thông báo với triều đình của đế chế rằng May-i (đảo Midoro) cách Borneo một khoảng 30 ngày đi thuyền. Năm 1003, phái đoàn được ghi lại sớm nhất mang quà biếu của Philippines đi đến Trung Quốc từ Butuan. Tống sử mô tả chính thể này ở đông bắc Mindanao như là “một đất nước nhỏ trong biển ở phía Đông của Champa, xa hơn May-i, có quan hệ thường xuyên với Champa nhưng rất hiếm khi với Trung Quốc. Nhiều thế kỷ sau, hàng hóa thương mại được chuyên chở từ miền Trung Việt Nam dọc theo tuyến phía Bắc của Borneo, như được chứng minh bởi lô hàng trên con tàu Pandanan, ở phía Tây Nam Philippines. Chúng ta không tìm ra được những bằng chứng về mối quan hệ trực tiếp giữa Philippines và Trung Quốc, ít ra cho đến đầu nhà Minh. Nhưng với Champa thì thường xuyên và khá độc đáo. Dường như Champa đã đóng vai trò độc quyền trong quan hệ với Philippines một thời gian dài (từ trước thế kỷ X đến XIII ). Do đó, thương mại và cống nạp của Philippines đến được Trung Quốc là thông qua Champa. “Con đường của đồ gốm thương mại Quảng Đông có lẽ từ Trung Quốc tới Champa và rồi tới Butuan”. Champa đóng vai trò trung gian là trạm trung chuyển đồ gốm giữa Trung Quốc với những miền định cư ở rìa phía Đông của biển Nam Trung Quốc như Ma-i, đảo Borneo và BuTuan.

William Scott cũng đã đưa ra những cứ liệu lịch sử để minh chứng cho nhận xét của Peter Burns và Roxanna Brown, trên cơ sở những ghi chép của Tống Sử: “Đoàn triều cống đầu tiên đến Trung Quốc dường như đi từ Butuan ngày 17-3-1001”. Năm 1007, Butuan thỉnh cầu với Hoàng đế Trung Hoa để được nhận một vị trí tương tự như Champa, nhưng lời thỉnh cầu bị từ chối với lý do là Butuan ở dưới trướng Champa. Chỉ vào khoảng thế kỷ XIII thì con đường liên hệ trực tiếp LuZon và Fujian mới trở nên phổ biến, trước đó tất cả các việc buôn bán với Trung Quốc đều đi bằng con đường của Champa. Nhiều khả năng, những con thuyền chạy trên vùng biển Butuan-Champa là thuyền của Champa, bởi trong thời kỳ này nghề đóng thuyền và đi biển của Champa đã rất phát triển và thủy thủ Champa là những người dày dạn kinh nghiệm. Champa đã lợi dụng vị trí trung gian của mình giữa Philippines và Trung Hoa để xúc tiến những hoạt động thương mại. Biển Champa có thể được xem là “sân chơi” của các tộc người Malayo Polynesian. Dấu vết của sự kiện này vẫn được tìm thấy ở những vùng đất đai mà ngay nay người Mã Lai vẫn đang nấm quyền sở hữu,cụ thể là tiểu bang Kelantan của Malaysia.

(Còn tiếp)


Nguồn: Lịch sử nền văn minh Champa theo khoa khảo cổ học. Khánh Sơn (Người dịch)

DCVOnline chú thích và minh họa.

(1) Sách “Thuỷ kinh” ( 水经注) là một bộ chuyên trước viết về hệ thống sông ngòi thời Cổ đại của Trung Quốc. Sách do người thời Tam Quốc biên soạn nhưng đến nay chưa biết tên đích thực của tác giả. Sách gồm 3 quyển, ghi chép 137 con sông. Nội dung sách rất sơ lược. Mỗi con sông được viết thành 1 thiên, dài ngắn không đều.
(2) Tân Đường thư (chữ Hán giản thể: 新唐书; phồn thể: 新唐書) là một sách lịch sử theo thể kỷ truyện trong 24 sách lịch sử Trung Quốc (Nhị thập tứ sử) do Âu Dương Tu thời Bắc Tống chủ biên cùng Tống Kỳ, Phạm Trấn, Lữ Hạ Khanh tham gia vào việc viết và biên soạn vào năm Khánh Lịch thứ 4 (năm 1044), đến tháng 7 năm Chí Hòa nguyên niên (năm 1054) thì hoàn thành.

Tên gốc ban đầu là Đường thư, người đời sau để phân biệt với Cựu Đường thư của Lưu Hu nhà Hậu Tấn thời Ngũ đại thập quốc nên đổi tên bộ chính sử thành Tân Đường thư. (Wikipedia).