Lịch sử nền văn minh Champa theo khoa khảo cổ học (II)

Khánh Sơn (người dịch)

champa2Sự nổi tiếng về thông thương qua lại giữa Champa và Malaysia lúc bấy giờ mạnh đến nổi khiến vùng đất này (bang Kelantan) được gọi là “nơi dừng chân của Chepa”.

Đên Champa ở Mỹ Sơn. Nguồn: Ramdas Iyer/ramdasiyer.travellerspoint.com
Đền Champa ở Mỹ Sơn. Nguồn: Ramdas Iyer/ramdasiyer.travellerspoint.com

“Chepa” ở đây là Champa phát âm theo giọng địa phương của người Kelantan-Pattani. Có lẽ chúng ta hãy nên trả lịch sử về cho lịch sử. Và những đứa con Melayo-polynesian (cụ thể là sắc dân Chăm).

Cũng như phần lớn các quốc gia Đông Nam Á khác trong lịch sử, Champa đã chủ động dự nhập mạnh mẽ vào hệ thống thương mại khu vực để bù lấp những thiếu hụt của nền kinh tế nước mình, biến tiềm năng kinh tế bên ngoài thành một bộ phận kinh tế quan trọng. Có thể thấy rằng Champa có những mặt hàng có giá trị, đáp ứng được nhu cầu của các thị trường Trung Quốc và Tây Á. Champa với các thế mạnh của mình về vị trí địa lý, đội tàu thuyền hùng hậu, cũng như những mặt hàng thương mại có giá trị, không những đã trở thành một trạm trung chuyển hàng hóa (entrepot) cho các thị trường lớn trên thế giới, mà còn là nguồn cung cấp hàng hóa quan trọng cho nền thương mại khu vực và thế giới.Hoạt động thương mại thực sự trở thành một thế mạnh và là nền tảng cho toàn bộ nền kinh tế Champa. Một nguồn hàng bí mật mà người Champa thu mua từ Butuan (Philippines) suốt nhiều thế kỷ mà các thương nhân Trung Hoa không hề hay biết. Vương quốc Champa đã có thể giấu Trung Quốc vị trí chính xác của Butuan. Champa muốn giữ bí mật vì đây là nơi sản xuất vàng có quy mô lớn và rất quan trọng. Những cuộc khai quật ở Butuan đưa ra được những bằng chứng về việc sản xuất vàng trên quy mô lớn, cả vàng thường và vàng thau, đã cho phép chúng ta thấy Champa là một nguồn vàng bí mật mà Trung Quốc không biết. Những mối liên hệ và quan hệ thương mại giữa Champa và Butuan chắc chắn đã có trước ít nhất là từ thế kỷ X.Với việc khai thác tối đa những nguồn lợi vốn là thế mạnh của mình, cùng với việc dự nhập mạnh mẽ vào luồng thương mại khu vực và quốc tế, Champa trong một thời gian dài trở thành một cường quốc thương mại trong khu vực, đóng vai trò là một trung tâm liên vùng – trung tâm thu gom và phân phối hàng hóa với chức năng trung chuyển giữa trung tâm liên thế giới với các vùng.

Từ đây, chúng ta thấy một phần nào câu hỏi trong lịch sử Champa: vì sao Champa lại có vàng nhiều, trong khi đất nước họ không có mỏ khai thác vàng. Mật độ phân bố và quy mô các di tích tháp Champa cho biết đó là những khu vực tụ cư đông đúc và lâu đời, một xã hội sức có nền sản xuất khá phát triển và do đó, vào giai đoạn cuối của nền văn hóa này có thể đã hình thành một hình thái “nhà nước sơ khai” kiểu liên minh bộ lạc. Cùng trên địa bàn mà sau này hình thành nhà nước Lâm Ấp – vương quốc Champa, mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Champa được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Những năm gần đây,nhiều cuộc khai quật khảo cổ học đã được tiến hành nhằm tìm hiểu mối quan hệ này. Địa bàn quan trọng là tỉnh Quảng Nam vì đây được xem là trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Champa. Trong nhiều di tích các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mảnh gốm vừa mang đặc điểm của gốm Sa Huỳnh và cả đặc điểm gốm Champa. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để chứng minh con đường phát triển từ văn hóa Sa Huỳnh lên văn hóa Champa. Bên cạnh đó các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra từ thư tịch cổ một số “yếu tố Sa Huỳnh” trong xã hội và văn hóa Champa. Từ không gian và thời gian, trên cơ sở những tư liệu khảo cổ học,đến nay có thể cho rằng nhà nước Champa là sự tiếp nối văn hóa Sa Huỳnh,được hình thành trên cốt lõi văn hóa Sa Huỳnh dưới ảnh hưởng những yếu tố văn hóa Trung Hoa,Ấn Độ,Trung Đông.

Phân bố trên dải đất miền Trung Việt Nam, nhưng trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh là khu vực Quảng Nam – Quảng Ngãi, còn khu vực Nam Trung Bộ, từ Phú Yên đến Bình Thuận những di tích và di vật thời tiền – sơ sử chỉ được phát hiện và nghiên cứu từ sau năm 1975. Cho đến nay số lượng di tích ở khu vực này không nhiều và có thể nói, tính chất và diện mạo của “văn hóa Sa Huỳnh” ở đây có phần khác biệt so với vùng trung tâm, kể cả giai đoạn nối tiếp từ văn hóa Sa Huỳnh sang văn hóa Champa. Văn hóa khảo cổ ở đây có những nét độc lập nhất định so với vùng trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh. Ngay từ giai đoạn đồ đồng ở khu vực Khánh Hòa đã phân lập được một văn hóa khảo cổ là “văn hóa Xóm Cồn”.

Theo công trình Văn hóa Xóm Cồn với tiền sử và sơ sử Khánh Hòa thì văn hóa Xóm Cồn là một văn hóa khác Sa Huỳnh và sớm hơn “Sa Huỳnh cổ điển”. Xóm Cồn là một văn hóa có niên đại sớm nhất thuộc thời đại kim khí ở Khánh Hòa nói riêng và miền Trung Việt Nam nói chung, mặc dù chưa xuất hiện di vật bằng kim loại nhưng dựa vào sự tiến bộ của đồ gốm cũng như trong bối cảnh đồng đại của khu vực, văn hóa Xóm Cồn có thể được xem là mở đầu cho thời đại kim khí khu vực miền Trung. Tại tất cả các di tích thuộc văn hóa này hoàn toàn vắng mặt những di vật và sắc thái văn hóa đặc trưng của Sa Huỳnh như chum, vò lớn, vũ khí công cụ bằng sắt, khuyên tai hai đầu thú và khuyên tai ba mấu…

Đến giai đoạn muộn sơ kỳ thời đại Đồ Sắt, ở một số di tích mộ vò ở Nam Trung bộ như Hòa Diêm (Cam Ranh, Khánh Hòa), Hòn Đỏ, Bàu Hòe (Bình Thuận) có nhiều yếu tố khác biệt mộ chum vò Sa Huỳnh điển hình và thậm chí còn có những yếu tố gần gũi với văn hóa Đồng Nai ở miền Đông Nam bộ như hình dáng chum, vò mai táng, hiện tượng di cốt và than tro hiện hữu trong chum, vò táng…

Như vậy, văn hóa Sa Huỳnh với giai đoạn đỉnh cao là “Sa Huỳnh cổ điển” vào sơ kỳ đồ sắt cần được hiểu là kết quả hội tụ sự phát triển của từng khu vực trong các giai đoạn thuộc thời Đồng thau trước đó (khoảng 1.500 – 500 trước công nguyên), cho đến nay biết được là ở Quảng Nam có Bàu Trám, Quảng Ngãi có Long Thạnh, Bình Châu, Cù lao Ré, đảo Lý Sơn, Bình Định có Bàu Đỏ, Phú Yên có Gò Ốc, Gò Bộng Dầu, Khánh Hòa có Xóm Cồn, Bích Đầm, Hòn Tre, Ninh Thuận có Hòn Đỏ, Bình Thuận có Bàu Hòe, đảo Phú Quý…

Ngoài ra những phát hiện khảo cổ học ở Tây Nguyên gần đây cũng góp phần chứng minh cho sự phát triển “văn hóa đa tuyến” ở khu vực miền Trung: văn hóa Biển Hồ (Gia Lai), Lung Leng (Kon Tum), những di tích ở Đăk Lắk, Đăk Nông… đều thể hiện những đặc trưng riêng biệt đồng thời vẫn có “yếu tố Sa Huỳnh” trong di tích và di vật, nhất là về mộ chum, cách thức mai táng và đồ tùy táng chôn theo. Những nhóm di tích hay văn hóa khảo cổ này có sắc thái văn hóa rất đa dạng từ biển và hải đảo đến núi và rừng, vừa độc lập với nhau vừa có mối giao lưu hoặc quan hệ tộc thuộc với nhau và cùng tham góp vào quá trình đưa văn hóa Sa Huỳnh phát triển lên đỉnh cao trong thời đại sơ kỳ Đồ Sắt (khoảng 500 năm trước Công nguyên đến đầu công nguyên). Đây cũng là hiện tượng và quy luật chung của các văn hóa thời đại kim khí như văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc với các tuyến phát triển ở lưu vực sông Hồng, sông Mã và sông Cả, văn hóa Đồng Nai với các tiểu vùng phù sa cổ Đồng Nai,lưu vực Vàm Cỏ và vùng ngập mặn ven biển Đông Nam Bộ.

Như vậy, nam và cực nam Trung Bộ là nơi tụ hội từ biển – đảo vào, từ rừng – núi xuống của nhiều tộc người và ngữ hệ từ sau thời kỳ đá mới. Sang sơ kỳ kim khí càng phân lập, về cơ bản có hai hệ: Nam Đảo ở biển và ven biển và hệ Nam Á ở đồi núi và rừng. Hai hệ này lại phân chia thành nhiều nhóm tộc người khác nhau nhưng cũng tăng cường giao lưu giao tiếp (cả xung đột nữa) về kinh tế, văn hóa, xã hội với nhau. Phân bố trên dải đất này văn hóa Sa Huỳnh là thành quả đóng góp của nhiều nhóm cư dân – tộc người, trong đó mang đậm dấu ấn văn hóa biển của những người thuộc ngữ hệ Malayo – Polynesian cư trú trên vùng đảo và quần đảo Đông Nam Á (và rộng hơn), bên cạnh dấu ấn văn hóa của những người thuộc ngữ hệ Nam Á – Môn Khmer cư trú trên dải Trường Sơn – Tây Nguyên. Quá trình tiếp xúc, giao lưu giữa các tộc người đã tạo nên sắc thái đặc trưng từng vùng, từng khu vực.Từ nền văn hóa sa huỳnh mà các nhà khỏa cổ học khai quật được, chứng minh rằng người Champa là tiền thân của người Nam Đảo Malayo – Polynesian.

Các nhà sử học từng quan niệm miền Trung là vùng đất giao thoa văn hóa giữa miền ngược và miền xuôi cũng như giữa miền Bắc và miền Nam. Theo mô hình “mạng lưới giao thương miền ngược – miền xuôi” của Bennet Bronson, hệ thống giao thương ven sông là đặc trưng tiêu biểu của một trung tâm thương mại duyên hải, vốn thường được xây dựng tại một cửa sông và đóng vai trò trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa. Ngoài ra, cũng có những trung tâm thương mại nằm sâu trong đất liền hay ở miền ngược xa xôi, có chức năng như những “trạm cung cấp” hoặc các điểm tập trung ban đầu đối với nguồn hàng hóa xuất xứ từ những vùng ở xa sông nước hơn. Cư dân sống ở miền ngược hoặc các làng bản thượng nguồn thường sản xuất và vận chuyển lâm sản đến trung tâm thương mại ở cửa sông, nơi họ tìm thấy dân cư tập trung đông đúc hơn và qua đó có thể tiếp xúc với một “nền kinh tế có trình độ kỹ thuật sản xuất tiên tiến hơn”.

Các học giả đã áp dụng mô hình của Bronson trong việc nghiên cứu lịch sử các nhà nước cổ đại ở bán đảo Malaysia và Sumatra, cũng như Champa – một vương quốc cổ chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ ở miền Trung Việt Nam. Mô hình này cũng hoàn toàn phù hợp với các điều kiện địa lý của miền Trung, nơi vương quốc Champa đã hiện hữu trong quá khứ. Tại khu vực này, hầu hết sông ngòi chảy từ Tây sang Đông, và từ các dãy núi và cao nguyên đổ ra biển. Dọc theo mỗi con sông, ở miền ngược, có nhiều làng mạc tụ cư của các dân tộc thiểu số. Nhờ những con sông này, các dân tộc vùng cao thông thương giao lưu với các trung tâm thương mại ven biển nằm ở cửa sông. Các hiện vật khảo cổ cho thấy sự giao thương giữa miền ngược – miền xuôi đã diễn ra từ thời tiền sử. Những hiện vật khảo cổ mới phát hiện (có niên đại từ thế kỷ thứ 5 TCN đến thế kỷ thứ 2) đã giúp các nhà khảo cổ học có những khám phá mới về hệ thống giao thương miền ngược-miền xuôi ở miền Trung từ thời tiền sử.Từ thập niên 1990, các nhà khảo cổ học Việt Nam và quốc tế đã khai quật được nhiều những hiện vật tại các di chỉ khảo cổ ở miền Trung, đặc biệt lưu vực sông Thu Bồn thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam, cung cấp cho chúng ta những hiểu biết toàn diện hơn về quá khứ của vùng đất này cũng như một kiến thức sâu sắc về hoạt động tương tác giữa miền ngược và miền xuôi trong suốt thời tiền sử.

Các hiện vật khảo cổ tìm thấy ở miền Trung cho thấy nơi này chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa ngoại lai, đó là của nhà Hán Trung Quốc (206 TCN – 220) và của Ấn Độ. Những hiện vật này chứng minh trong quá khứ đã có mối quan hệ hải thương giữa một số cảng-thị và các tiểu quốc ở miền Trung với các cảng-thị khác ở Trung Hoa và Ấn Độ. Miền Trung đóng vai trò quan trọng trong “Con đường Tơ lụa trên Biển” (Maritime Silk Road) trong giai đoạn từ năm 500 TCN đến năm 300, nhờ vào các nguồn tài nguyên rừng phong phú cũng như địa thế thuận lợi, nơi có nhiều ví trí tiềm năng để xây dựng các trung tâm trung chuyển hàng hóa tiện dụng.

Văn hóa Sa Huỳnh dọc sông Thu Bồn

Các nhà khảo cổ đã khai quật một số lượng lớn các di chỉ mộ táng của văn hóa Sa Huỳnh dọc hai bên bờ sông Thu Bồn, cũng như dọc theo các phụ lưu của sông này đổ xuống vùng xuôi. Năm 1985, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khai quật bãi mộ táng thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở làng Tabhing nằm sâu trong nội địa thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam, dọc theo một dòng sông chảy vào Bến Giằng, một vị trí giao thương quan trọng trong khu vực. Làng Tabhing là nơi cư trú của người Katu, một dân tộc thiểu số nói tiếng Môn-Khmer ở dãy Trường Sơn. Từ năm 1997, các nhà khảo cổ học Việt Nam phối hợp với các nhà khảo cổ học Nhật Bản tiến hành khai quật các di chỉ Sa Huỳnh tập trung ở khu vực miền núi sâu trong đất liền, dọc theo các vùng trung du và thượng lưu sông Thu Bồn.

Các di chỉ khảo cổ khai quật được ở cả đồng bằng duyên hải lẫn vùng sâu trong đất liền thuộc lưu vực sông Thu Bồn cùng bộc lộ hai giai đoạn văn hóa: một giai đoạn đầu và một giai đoạn sau. Các hiện vật văn hóa khảo cổ khai quật được tại các khu vực ở thượng nguồn lẫn hạ lưu cho thấy việc giao thương đã xuất hiện từ thời đó và phát triển liên tục từ giai đoạn đầu cho đến giai đoạn sau;chúng là những bằng chứng hiển nhiên chứng minh sự tương tác giữa miền ngược và miền xuôi suốt thời kỳ tiền sử.

Văn hóa Sa Huỳnh và Thương mại quốc tế

Thư tịch cổ của Trung Hoa cũng cung cấp chứng cứ cho thấy miền Trung Việt Nam đã xuất khẩu các loại gỗ thơm sang Trung Hoa.Theo những ghi chép của triều đình Trung Hoa từ thế kỷ thứ 3, như cuốn “Nam Châu dị vật chí” (Nanzhou Yiwu Zhi, 南州异物志), thì trầm hương được sản xuất tại châu Nhật Nam (nay là miền Trung Việt Nam) nơi cư dân thu thập gỗ trầm từ rừng núi. Hầu hết các nhà khảo cổ học nghiên cứu tại miền Trung đều đồng ý với quan điểm rằng có thể chứng minh sự tồn tại của một mối quan hệ quốc tế giữa các nền văn hóa Sa Huỳnh, Ấn Độ và Trung Hoa, diễn ra theo các giai đoạn sau.

Giai đoạn đầu, từ thế kỷ thứ V TCN đến thế kỷ thứ II, miền Trung (lưu vực sông Thu Bồn) là vùng đất giao thoa giữa hai dòng văn hóa, chịu ảnh hưởng của Trung Hoa từ phương Bắc và Ấn Độ từ phương Nam. Dựa vào các loại hàng hóa nhập khẩu, các nhà khoa học kết luận rằng trong thời kỳ này văn hóa Trung Hoa từ phương Bắc có sức ảnh hưởng mạnh hơn văn hóa Ấn Độ từ phương Nam.

Giai đoạn thứ hai là khoảng thời gian tiếp theo, từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ V, Ấn Độ và Trung Hoa có sức ảnh hưởng ngang nhau đối với miền Trung. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Ấn Độ đã trở nên vượt trội hơn so với Trung Hoa từ thế kỷ thứ V trở đi. Không gian văn hóa của các di chỉ khảo cổ Sa Huỳnh ở miền Trung, từ vùng duyên hải đến vùng núi, có sự trùng lắp chính xác với các di chỉ khảo cổ vương quốc (các tiểu quốc) Champa hình thành trong các thế kỷ sau đó.

Thu Bồn – Con sông dài nhất trong các sông chính ở miền Trung

Sông Thu Bồn. Nguồn: Panoramio/rongcoithit
Sông Thu Bồn. Nguồn: Panoramio/rongcoithit

Thu Bồn thuộc tỉnh Quảng Nam là con sông dài nhất trong các sông chính ở miền Trung. Lượng mưa trung bình ở khu vực này xấp xỉ 4.000mm/năm. Nhờ có lượng mưa dồi dào, sông Thu Bồn có nguồn nước đầy đủ quanh năm. Đây là dòng sông chính kết nối các vùng núi với các vùng duyên hải. Chính vì vậy con sông đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi. Từ thế kỷ thứ V, các triều đại Champa đã tôn thờ con sông này như một dòng sông thiêng, đặt tên là Mahanadi (Sông Mẹ Vĩ Đại) hay Nữ thần Ganga, vợ của Thần Siva. Lưu vực sông Thu Bồn là giao điểm của tất cả các sông chính ở tỉnh Quảng Nam. Nhiều khu chợ sầm uất dọc sông Thu Bồn là các địa điểm tập trung lâm sản trước khi chuyển đến phố – cảng Hội An. Thượng nguồn của sông Thu Bồn là nơi giao nhau giữa vùng núi và vùng trung du. Nơi đây có bến Hòn Kẽm – Đá Dừng ở thôn Thạch Bích, là nơi các nhà khảo cổ phát hiện được tấm bia đá có niên đại từ thế kỷ thứ VII. Theo chữ khắc trên bia này thì bia thuộc triều vua Prakasadharma (thế kỷ thứ 7):

“Sri Prakasa dharma, vua Champa luôn chiến thắng, người chủ của vùng đất này, […] đã dựng bia tại đây để thờ thần Amaresa (Siva).”

Các chữ Chàm khắc trên bia là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy khu vực này trước đây do các vua Champa cai trị. Thôn Thạch Bích cũng có những di chỉ khảo cổ tiền sử được khai quật vào tháng 8, 2001. Từ đây, các nhà nghiên cứu kết luận rằng “hệ thống giao thương miền ngược – miền xuôi” đã được cư dân Champa sớm thiết lập từ thế kỷ thứ VII, hoặc cũng có thể có trước cả thời kỳ Champa.

Các nhà khảo cổ đã phát hiện được nhiều tác phẩm nghệ thuật của người Chàm tại các khu chợ ven sông nổi tiếng thuộc hạ lưu sông Thu Bồn. Các tác phẩm này là bằng chứng cho thấy tất cả các địa điểm này đều có mối liên hệ với các di tích lịch sử Champa. Do vậy, các nhà nghiên cứu cũng giả định rằng các mô hình tương tác giữa miền ngược và miền xuôi trong khu vực này đã được hình thành từ các thời kỳ xa xưa hơn, với mục đích tập trung nguồn lâm sản để xuất khẩu, thậm chí còn trước cả thời hoàng kim của phố-cảng Hội An trong các thế kỷ XVII và XVIII. Dần dà các mô hình này được phát triển thành “mạng lưới thương mại mậu dịch rộng khắp và trở thành các khu chợ trung chuyển và xuất khẩu quan trọng bậc nhất ở biển Đông”.

‘Hệ thống giao thương miền ngược và miền xuôi’ trong thời kỳ Champa (từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ V)

Nền kinh tế của vương quốc hay các tiểu quốc Champa, ngoài nền tảng ngư nghiệp và nông nghiệp, phần lớn tập trung vào thương mại duyên hải với Ấn Độ, Trung Hoa và các vùng quốc gia khác ở Đông Nam Á. Champa chính là nguồn cung cấp gần gũi nhất, từ đây, Trung Hoa đã có thể nhập cảng nhiều loại xa xỉ phẩm như ngà voi, sừng tê, quế, trầm hương và hương liệu…, đồng thời các cảng trung chuyển hàng hóa ở vùng duyên hải cung cấp chỗ neo đậu an toàn, nước ngọt và củi gỗ cho các tàu đi dọc bờ biển từ Nam Á lên Đông Á. Do vậy, vương quốc Champa đã cung ứng những thương nhân trung gian quan trọng có ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại trong vùng biển phía nam (còn gọi là Nam Hải).

Sự hưng thịnh của các vương triều Champa được thể hiện qua các công trình kiến trúc tôn giáo. Mẫu mực của các kiến trúc này có thể thấy ở sự phong phú của các đền-tháp Phật giáo và Ấn Độ giáo xây bằng gạch tại miền Trung. Đáng chú ý nhất trong số đền-tháp này là quần thể kiến trúc Ấn Độ giáo tại Thánh địa Mỹ Sơn gồm 68 ngôi đền xây dựng từ cuối thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ XIII. Tổ chức UNESCO đã đưa quần thể kiến trúc này vào Danh sách Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1999. Ngoài ra còn một phức hợp của Thánh địa Phật giáo Đồng Dương xây dựng năm 875, hiện nay là một trong những công trình kiến trúc lịch sử Phật giáo quan trọng nhất ở Đông Nam Á.

Theo đánh giá của các nhà sử học, cư dân của vương quốc Champa (urang Campà) là những thương nhân rất tài giỏi. Dọc theo các con sông chính trong khu vực, họ đã thiết lập một mạng lưới kinh tế để trao đổi hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi. Các thương nhân này nắm giữ việc trao đổi các nhu yếu phẩm giữa cư dân ở vùng duyên hải và cư dân ở vùng núi.

Người Katu ở miền ngược

Trung tâm sinh hoạt cua một làng Katu ỏe Sekong (Laos) phía Tây của Đà Nẵng/QuarngNam. Nguồn: http://en.amica-travel.com/
Trung tâm sinh hoạt của một làng Katu ở Sekong (Laos) phía Tây của Đà Nẵng/QuarngNam. Nguồn: http://en.amica-travel.com/

Các khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam là quê hương của người Katu, một dân tộc thiểu số nói tiếng Môn-Khmer. Người Katu, hiện nay có dân số khoảng 50.000 người, đã trân trọng và ra sức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của tổ tiên họ truyền lại. Một số ít người Katu hiện đang sống tập trung ở tỉnh Sekong của CHDCND Lào dọc theo biên giới với Việt Nam. Họ vẫn còn lưu giữ “những phong tục, truyền thống,kiến thức và văn hóa dân gian rất phong phú về thiên văn học,y khoa và các ngành khoa.học khác.

Các ngôi làng rải rác của người Katu ở tỉnh Quảng Nam được xây dựng từ thượng nguồn cho đến hạ lưu của các con sông chính trong khu vực. Ngày nay, người Katu sống gần đồng bằng nhất tập trung tại thôn Phú Túc, phía Tây thành phố Đà Nẵng, cách bờ biển khoảng 15km. Người Katu tự gọi mình là “Phương”, nghĩa là “người sống ở núi rừng”.

Muối là mặt hàng quan trọng nhất trong trao đổi buôn bán giữa người miền xuôi và miền ngược. Muối được nhấn mạnh trong hầu hết các nghiên cứu về người miền ngược. Họ thậm chí còn xây dựng một con đường mậu dịch chính gọi là “Con Đường Muối”. Vào giữa thế kỷ XX, nhà dân tộc học người Pháp Jacques Dournes (Dam Bo) đã mô tả sinh động “con đường lớn” này kéo dài từ miền núi đến miền biển trong những công trình nghiên cứu của ông về các dân tộc thiểu số ở cao nguyên miền Trung. “Con Đường Muối” kết nối miền ngược và miền xuôi cũng như mang các tộc người lại gần với nhau, không chỉ để trao đổi nhu yếu phẩm mà còn vì văn hóa và hôn nhân liên sắc tộc.Thậm chí ngày nay, người Kinh ở đồng bằng,người Katu sống ở miền ngược vẫn thực hiện mua bán muối trong lưu vực sông Thu Bồn.

Việc mua bán muối với người miền xuôi đầu thế kỷ XX cũng được nhắc đến trong các câu hát dân gian của người Katu:

“Ngài là chủ muối,
Chúng tôi luôn là bạn của ngài,
Vì ngài mang trâu cho chúng tôi có thịt ăn,
Và giúp mua bán thuận lợi,
Nên chúng tôi uống rượu với ngài,
Nhà “gươl” của chúng tôi là nhà của ngài,
Vì ngài hùng mạnh và giàu có,
Chúng tôi muốn làm bạn với ngài.”

“Mạng lưới giao thương miền ngược – miền xuôi” ở miền Trung Việt Nam:Mẫu hình đa sắc tộc cộng cư trong khu vực

Nhờ có vị trí địa lý nằm giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, tỉnh Quảng Nam là vùng đất hội tụ các nền văn hóa. Điều này giải thích cho việc cộng cư của các sắc tộc nói tiếng Nam Đảo và các sắc tộc nói tiếng Nam Á (Môn-Khmer) cũng như dân tộc Kinh hoặc người nói tiếng Việt với các cư dân bản địa trước đây của vùng đất này. Trong suốt thời kỳ tiền Việt (nước Việt Nam hiện đại – ND), vào thế kỷ XVI, cư dân sống ở lưu vực sông Thu Bồn vẫn dùng ngôn ngữ Champa của riêng họ và gìn giữ các phong tục Champa cổ. Những cư dân sống ở đồng bằng này có thể đã bắt đầu nói tiếng Việt vào một thời điểm nào đó trong thế kỷ XVII. Sự pha trộn ngôn ngữ phản ánh rõ rệt trong ngữ âm độc đáo của người nói tiếng Việt sống ở lưu vực sông Thu Bồn.Yếu tố văn hóa của vương quốc Champa vẫn còn tồn tại ở miền Trung. Theo hầu hết các tường thuật của người phương Tây và người Nhật Bản đến miền Trung hay Cochin-China (tên người phương Tây dùng để gọi Đàng Trong trước hậu bán thế kỷ XIX – ND) trong suốt các thế kỷ XVI và XVII, thì ảnh hưởng của văn hóa Champa vẫn còn rất mạnh, khi vùng đất này được gọi là Kẻ Chiêm hay Xứ Chiêm. Các chứng cứ ngôn ngữ và lịch sử chỉ rõ rằng một hình mẫu của sự cộng cư từ lâu đã là đặc trưng của mối tương tác giữa các dân tộc sinh sống ở lưu vực sông Thu Bồn nói riêng cũng như ở miền Trung nói chung.

Theo những tài liệu có dấu vết thời gian rõ ràng từ sử liệu cổ Trung Hoa và các bia ký ghi nhận thì vương quốc cổ Champa chính thức xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ II, tức năm 192 khi quốc gia Lâm Ấp ra đời. Thật ra vương quốc này trước đó có rất nhiều tên: Hồ Tôn Tinh, Tượng Lâm… Sau này được đồng hóa với các tên Lâm Ấp, Hoàn Vương Quốc, Champa (Campapura), Phan Rang (Panduranga), cuối cùng là trấn Thuận Thành (Pradara). Về vùng đất Tượng Lâm, các sử liệu Trung Hoa xác quyết đó là phần đất ở vùng cực Nam quận Nhật Nam xưa kia, trực thuộc quyền quản trị hành chánh của Giao Châu thời Bắc thuộc; ngày nay là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (có tài liệu ghi đến cửa Đại Lãnh, Phú Yên). Những nhà khảo cổ phương Tây cho rằng Tượng Lâm có thể là phần đất chạy dọc theo bờ biển, từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân, nằm trong lãnh thổ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, gọi chung là Thanh Nghệ Tĩnh và Bình Trị Thiên. Một số học giả người Champa xác nhận lãnh thổ Tượng Lâm bao gồm: Indrapura (Bình Trị Thiên), Amavarati (Quảng Nam) và Vijaya ( Bình định), sau này gọi chung là Bắc Champa.Các triều vương Champa mà người sáng lập Khu Liên lên ngôi năm 192, trị vì trong nhiều năm, nhưng không biết mất năm nào và ai là người kế vị. Sử cổ Trung Hoa (Lương thư) cho biết trong khoảng thập niên 220-230, con cháu Khu Liên có gởi phái bộ đến thống đốc Quang Đông và các thái thú Giao Châu (Lã Đại và Lục Dận) triều cống và duy trì quan hệ ngoại giao. Từ sau nửa thế kỷ thứ hai sau công nguyên, phần lãnh thổ cực nam Giao Chỉ trở nên khó trị, dân cư bản địa liên tục nổi lên chống lại chính sách cai trị hà khắc của chính quyền đô hộ nhà Hán. Huyện Tượng Lâm trở thành nơi tranh chấp thường trực giữa quan quân đô hộ nhà hán và nhân dân địa phương.

Lịch sử nền văn minh Champa qua văn tự và văn hóa lễ hội

Về ngôn ngữ, người Champa được nhiều nhà nhân chủng học xếp vào dòng Nam Đảo (Malayo Polynesian), nghĩa là có nguồn gốc xuất phát từ các hải đảo phía Nam vùng biển Đông Nam Á. Điều này có thể đúng khi đối chiếu văn hóa của người Champa với văn hóa của các dân tộc cùng hệ ngôn ngữ tại Đông Nam Á vào thời tạo dựng. Nhưng qua những khám phá khảo cổ gần đây, văn minh và văn hóa của người Champa tại Việt Nam không hoàn toàn do ngoại nhập mà có sự pha trộn yếu tố văn minh và văn hóa của những nhóm cư dân bản địa có mặt từ trước.Nếu đứng trên bình diện lịch sử hình thành ngôn ngữ thì chúng ta thấy văn tự của tộc người Champa chưa hẳn có một ngôn ngữ biệt lập. Vì sao? Vì chúng ta biết lúc đầu thổ dân Champa bản địa đã sử dụng ngôn ngữ cổ Mã Lai, rồi là thổ ngữ Nam Đảo; về sau lại có sự pha trộn ngữ âm thuộc nhóm Môn Khmer. Tiếp sau đó là những đợt di dân của các tộc người thuộc nhóm hải đảo như: Java, Sumatra; các tộc người phương Bắc như: Văn Lang, Hán triều,… và những đợt du nhập văn minh Ấn Độ, Ả Rập,… đã làm cho văn tự tộc người Champa biến đổi sâu sắc. Tuy nhiên, sự biến đổi ấy chúng ta thấy yếu tố Nam Đảo vẫn còn được giữ lại mạnh nhất; có sức ảnh hưởng, chi phối đậm nét đến lối phát âm chính của tộc người Champa. Ở miền Bắc vương quốc Champa cho đến cuối năm 192, chúng ta thấy do nhu cầu trao đổi thư tín ngoại giao chính trị và giao lưu văn hóa với các nước chịu ảnh hưởng văn hóa dưới triều Hán, điều này diễn ra sôi nổi tại Giao Chỉ, nên văn tự Champa có dùng chữ Hán. Nhưng đến thế kỷ thứ III, chúng ta lại thấy các đợt triều cống được cử sang Giao Chỉ của vương quốc Lâm Ấp, những bia ký tìm được đều khắc bằng chữ Sanskrit, ngay cả tên nước là Campapura cũng mang dáng dấp địa danh Ấn Độ. Điều này cũng có nghĩa là văn tự Ấn Độ đi theo các nhà truyền giáo đã được phổ biến rộng rãi tại Lâm Ấp và trở thành quốc ngữ của Champa Ngoài các bia ký, văn học Champa có nhiều thể loại gồm có các sử thi (Akayet) như Akayet Deva Muno, các trường ca như Ariya Cam-Bini, Ariya Sah Pakei, các giai thoại, cổ tích cổ điển…

Akayet Deva Muno là thi phẩm ca nổi tiếng, đóng vai trò quan trọng trong văn học Champa và được phổ biến rất rộng rãi. Có lẽ đây là tác phẩm đầu tiên được sáng tác bằng chữ akhar thrah (chữ viết Champa thông dụng). Tác phẩm kể về cuộc chiến đấu cam go anh hùng của Deva Muno chống lại Deva Samulaik, cứu công chúa Ratna và mang lại hòa bình cho thế giới trần gian. Năm 1975, G. Moussay đã xác định nguồn gốc Mã Lai của thi phẩm Akayet Deva Muno. Sử thi Akayet Deva Muno vay mượn cốt truyện Hikayat Deva Mandu của Mã Lai. Bản in sử thi này đã được chuyển tự ra tiếng Pháp, Việt, Mã Lai. Gần đây, Insara trong một bài nghiên cứu đã hiệu đính và sửa chửa một số sai lầm trong các bản chuyển tự.

Sau thời đại Po Rome vào thế kỷ 18, có hai tác phẩm Ariya Sah Pakei và Ariya Bini-Cam xuất hiện. Ariya Sah Pakei nói về một chuyện tình và phản ảnh nhân sinh quan Champa.

Ariya Bini-Cam nói lên sự xung đột giữa hai tôn giáo Bàlamôn Ấn độ và Hồi giáo qua một chuyện tình đổ vỡ giữa một hoàng thân Champa và công chúa Hồi giáo. Sự xung đột và mất niềm tin của người Champa với văn hóa Ấn Độ dẫn đến sự sụp đổ của vương quốc Champa.

Đứng trước những đền, tháp Champa còn lại không bị hủy mất qua chiến tranh và thời gian với các điêu khắc đặc sắc khác nhau đã làm nhiều người phải rung động trước cái uy nghi, hùng tráng và vẽ đẹp huyền bí của chúng. Với rất ít ký tự để lại, việc thẩm định niên đại, xếp loại các kiến trúc, điêu khắc và tìm hiểu quá trình phát triển nghệ thuật Champa là một công trình khó khăn cần sự nghiên cứu công phu tỉ mỉ không những qua tư liệu lịch sử mà còn qua tín ngưỡng tôn giáo, phong cách cấu trúc, điêu khắc của tháp, đền, và nghệ thuật trang trí tạo hình.

Từ một số các tháp, đền đã biết được niên đại qua bia ký hay tư liệu lịch sử làm chuẩn, ta có thể thẩm định thời kỳ hay xếp loại các công trình khác chưa biết qua các phong cách kiến trúc hay nghệ thuật tạo hình của các tháp. Các nhà nghiên cứu nghệ thuật Champa như H. Parmentier, P. Stein, J. Boisselier ở thế kỷ trước đã sắp xếp và phân loại để phát họa ra những nét chính của quá trình lịch sử phát triển nghệ thuật Champa. Hiện nay cách phân loại phong cách nghệ thuật tạo hình của P. Stein (và cải tiến thêm bởi Boisselier năm 1963) vẫn còn được coi là khuông mẫu chuẩn có giá trị khoa học làm nền tảng cho những ai nghiên cứu về nghệ thuật Champa.

Trong di tích quần thể Mỹ Sơn, thì đền Mỹ Sơn E1 là xưa nhất dưới thời trị vì của vua Prakasadharma (Vikrantavarman I) vào thế kỷ 7. Điêu khắc ở mi cửa đền bằng đá rất đẹp với hoa văn trang trí thật phong phú và điêu nghệ. Tượng ở đền Mỹ Sơn E1 ít nhưng đều là các kiệt tác trong nghệ thuật Champa, vì thế phong cách của nghệ thuật này được đặt theo tên đền. Phong cách Mỹ Sơn E1 bắt đầu sắc thái bản địa trong nghệ thuật, thoát khỏi sự sao chép máy móc của phong cách Ấn độ. Phong cách Mỹ Sơn E1 được coi là phong cách cổ điển Champa. Tính cách lý tưởng của truyền thống Gupta Ấn độ kết hợp hài hòa với sức sống tự nhiên bản địa. Các điêu khắc tượng, thú vật được thể hiện rất sống động. Ở đây có sự tương tự với nghệ thuật Dvaravati của người Mon (vùng Miến điện và Thái Lan hiện nay) và nghệ thuật Indonesia. Ảnh hưởng của nghệ thuật Khmer tiền-Angkor cũng được nhận rõ. Điều này cho phép các học giả xác định niên đại của chúng bằng cách so sánh với các tác phẩm điêu khắc Khmer mà niên đại đã được biết. Sự ảnh hưởng của hai nghệ thuật phong cách Mỹ Sơn E1 và Khmer tiền-Angkor là do sự liên hệ gia đình giữa vua Champa và hậu duệ vua Khmer Ishanavarman I, người xây dựng Sambor Prei Kut.

Vào thời Hoàn Vương (758-859), các kiến trúc Champa được xây dựng theo phong cách Hòa Lai. Phong cách Hòa Lai bắt nguồn ở phía nam có những sắc thái khác với phong Hòa Lai. Phong cách Hòa Lai bắt nguồn ở phía nam có những sắc thái khác với phong cách Mỹ Sơn E1 phát triển ở phía bắc vào thời kỳ trước trong thế kỷ 7. Đặc trưng của phong cách Hòa Lai là chú trọng về kiến trúc hơn là trang trí. Di tích Hòa Lai có ba tháp lớn, thon cao rất đẹp thể hiện ưu thế nổi bật của kiến trúc lên trên điêu khắc trang trí. Đền Mỹ Sơn C7 cũng thuộc phong cách Hoà Lai. Vào thời kỳ này, nhiều tượng đồng đã được tìm thấy ở Champa và chịu ảnh hưởng của Phật giáo Đại thừa. Các tượng này chỉ có thể là có nguồn gốc từ Java mang đến Champa hay được đúc lại ở địa phương phỏng theo tượng đồng Java của phong cách nghệ thuật Nalanda. Sự hiện diện của các tượng đồng này dĩ nhiên có liên quan đến những cuộc tấn công của Java vào Champa và khắp Đông Nam Á lục địa ở cuối thế kỷ thứ 8. Mặc dầu không nhiều nhưng các tượng này có ảnh hưởng đến nghệ thuật Champa suốt một thế kỷ rưỡi sau đó. Không những nghệ thuật tạo hình bị ảnh hưởng từ Java mà cả tín ngưỡng Phật giáo đại thừa từ Java đã được các vua Champa cuối thế kỷ 9 áp dụng. Vua Champa trở thành tín đồ trung thành của tôn giáo mới này.

Sau phong cách Hòa Lai là phong cách Đồng Dương. Các tượng ở đền A13, B4 trong quần thể Mỹ Sơn đều bắt nguồn từ phong cách Đồng Dương. Các đền ở Đồng Dương được xây cất rất đồ sộ, nhưng khác với Hòa Lai là trang trí trên đền rất dầy đặt và nổi bật chứ không bị kiến trúc đền lấn át. Đa số các mô típ trang trí Đồng Dương có ảnh hưởng từ Indonesia và các tượng điêu khắc thể hiện rõ ràng tín ngưỡng Phật giáo đại thừa. Khuôn mặt trên tượng được điêu khắc với những nét phóng đại các đặc tính chủng tộc của người Champa (như môi dày, mủi rộng).

Kế tiếp phong cách Đồng Dương là phong cách Khương Mỹ. Phong cách Khương Mỹ thể hiện sự chuyển tiếp từ Đồng Dương đến phong cách Mỹ Sơn A1 và Trà Kiệu (thế kỷ 10). Nghệ thuật và kiến trúc Chăm theo phong cách Mỹ Sơn A1 và Trà Kiệu được coi là thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật Chăm. Về kiến trúc, phong cách Mỹ Sơn A1 có sức sống mạnh mẽ, tinh tế, trang nhã. Kiến trúc đền Mỹ Sơn A1 thể hiện sự cân bằng, quí phái về hình dáng với các trang trí ở đền rất kín đáo thanh tao, không có quá nhiều chạm trổ chi tiết không cần thiết. Các cửa và mặt đền có những cột tạo thành những khuôn chứa các tượng những người thờ phụng rất trang nhã. Về điêu khắc, các tượng ở Mỹ Sơn A1 và Trà Kiệu mặc dù có chút ảnh hưởng Indonesian nhưng rất là đặc thù nguyên tác Chăm. Các tượng thú vật rất thật và sống động. Tượng vũ công apsara có thân hình uốn cong cân xứng với khuôn mặt trầm tỉnh, đẹp đẽ và mĩm cười thoát trần (như tượng vũ công Trà Kiệu ở viện bảo tàng Đà Nẵng). Sự quí phái và trang nhã của các tượng vũ công đạt đến tuyệt đỉnh của nghệ thuật Champa.

(Còn tiếp)


Nguồn: Lịch sử nền văn minh Champa theo khoa khảo cổ học. Khánh Sơn (người dịch).

DCVOnline minh họa.