Tôi chỉ là Ashkenazy!

Đặng Hữu Phúc

pianistTôi xin được bắt đầu bài viết này bằng một câu chuyện có thật xảy ra ở TP Hồ Chí Minh vào năm 1995. Chuyện như sau: Trong một chuyến đi bằng đường hàng không, do trục trặc, nghệ sĩ Piano lớn của thời đại chúng ta là Vladimir Ashkenazy đã phải dừng lại ở TP HCM hai ngày.

Nguồn: avaxsearch.net
Nguồn: avaxsearch.net

Quốc nạn loạn chức danh, học vị

Tất nhiên một nghệ sĩ lớn như Ashkenazy khó lòng mà không bị phát hiện ra trong thế giới nhiều thông tin này. Và ông đã được mời tổ chức một buổi hoà nhạc nho nhỏ cho những người hâm mộ. Với sự khiêm tốn vốn có ở những người vĩ đại, ông chỉ muốn biểu diễn ở phòng nhỏ trong Nhạc viện TPHCM và chủ yếu dành cho một công chúng hẹp, trong giới nhà nghề. Việc này tất nhiên được nhạc viện thành phố chú ý ngay và họ muốn biến chuyến thăm bất đắc dĩ này quảng cáo thêm cho uy tín của nhạc viện.

Người lãnh đạo nhạc viện lúc đó là một giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân đã dẫn đầu một nhóm giáo sư, tiến sĩ của nhạc viện TPHCM đón tiếp Ashkenazy.

Trong buổi tiếp, sau khi trân trọng giới thiệu với Ashkenazy từng thành viên của ta với đầy đủ chức danh, học vị, thì việc mà phía ta muốn hỏi ông ta, để đưa vào programe (tờ in chương trình) và giới thiệu khi biểu diễn là: Ashkenazy là gì? Thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư hay là gì gì hơn thế nữa? Và câu trả lời là: Tôi chỉ là Ashkenazy.

Tưởng khách không hiểu. Chủ lại hỏi lại và gợi ý thêm cho dễ hiểu hơn: chắc một nghệ sĩ lớn như ông thì phải có tham gia giảng dạy, vậy khi đó chức danh và học vị của ông là gì? Câu trả lời vẫn không thay đổi: Tôi chỉ là Ashkenazy.

Ô hay! Lạ cái ông này, cỡ như ông ta ít nhất cũng phải có một chức danh gì chứ? hay ông ta giấu? Và cuộc gặng hỏi vẫn tiếp tục. Tuy vậy, truy mãi, cuối cùng, dù đông người, ta đã phải chịu thua một mình ông, vì câu trả lời vẫn chỉ có thế, dù đã được pha thêm chút khó chịu: Tôi chỉ là Ashkenazy!

Người đứng giữa cầm quyển sách là Ashkenazy - ông không nhìn vào ống kính. Ảnh:  Đặng Hữu Phúc
Người đứng giữa cầm quyển sách là Ashkenazy – ông không nhìn vào ống kính. Ảnh: Đặng Hữu Phúc

Cách giới thiệu một cuộc hoà nhạc ngày nay và cái tên cha sinh mẹ đẻ

Trên thế giới thì hàng trăm năm nay, khi giới thiệu một buổi biểu diễn nhạc chuyên nghiệp (hoặc in trên bìa CD) chỉ đơn giản như sau, ví dụ:
1/Về tác giả: Sonate số 2, giọng Si giáng thứ của F.Chopin.
2/Về biểu diễn: Piano: V.Ashkenazy

Cách đây khoảng trên hai chục năm, ở Việt Nam ta cũng tương tự như vậy. Nhưng bây giờ thì khác xa rồi, thường họ sẽ giới thiệu theo công thức như sau:

1/ Về tác giả: Tên tác phẩm, của + Chức danh (giáo sư, phó giáo sư) + học vị (tiến sĩ, thạc sĩ) + Danh hiệu (nghệ sĩ Nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Nhà giáo Nhân dân, nhà giáo ưu tú). + Giải thưởng (giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước) + Chức vụ quản lý (Chủ tịch, Giám đốc, Hiệu trưởng, Viện trưởng…) + tên tác giả

2/ Về biểu diễn: Độc tấu + tên nhạc cụ, do + Chức danh (giáo sư, phó giáo sư) + học vị (tiến sĩ, thạc sĩ) + Danh hiệu (nghệ sĩ Nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Nhà giáo Nhân dân, nhà giáo ưu tú) + Giải thưởng (giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước) + Chức vụ quản lý (Chủ tịch, Giám đốc, Hiệu trưởng, Viện trưởng…) + tên người + biểu diễn

Mời bạn đọc thử lắp những chức danh, danh hiệu này trước những tên tuổi như: Mozart, Beethoven, Chopin ….. hoặc: Karajan, Rubinstein, Horowitz, vv… bạn sẽ thấy nó hài hước tới mức nào ngay. Thêm bất cứ cái gì trước những cái tên đó, đều là một sự xúc phạm khó tha thứ. Tự nó đã là vàng mười. Sự sâu sắc luôn mộc mạc, giản dị. Ngược lại với sự son phấn loè loẹt, hàng mã.

Và không chỉ dừng lại ở các cuộc biểu diễn, mà ngay cả trong các cuộc họp hành, hiếu hỷ. Khi mời ai lên phát biểu, người ta cũng luôn luôn phủ đầu làm tối tăm mặt mũi cử toạ bằng một tràng dài các chức danh, học vị, chức vụ quản lý, chức vụ Đảng, cuối cùng mới đến tên người. Điều này dần dần đã thành thói quen, gây sự thiếu thân thiện và tủi phận với những kẻ chỉ có cụt lủn mỗi cái tên cha sinh mẹ đẻ. Họ cảm thấy hẫng như mình thiếu hẳn một cái đuôi.

Cuộc họp nội bộ ngày xưa thì giản dị: “Mời anh Trí” hay “Mời chị Tuệ” lên phát biểu. Chỉ vỏn vẹn có 3 từ thôi, mà sao thân mật, ấm cúng và hiệu quả biết bao. Còn bây giờ thì phải khoảng trên dưới 30 từ. Cũng theo công thức trên, ta lại cùng nghép thử, ví dụ:

Xin kính mời + chức danh + học vị + toàn bộ danh hiệu đã được phong + toàn bộ giải thưởng đã được tặng + toàn bộ chức vụ quản lý, chức vụ Đảng đang có + Ông(Bà) + họ tên đầy đủ + lên phát biểu.

Mời bạn tham khảo thêm tên và tước hiệu của cụ Phan Thanh Giản (1796-1867) một đại thần triều Nguyễn phong kiến như sau: Hiệp biện Đại học sĩ, lãnh Lễ bộ thượng thư, kiêm quản Hộ bộ ấn triện, sung Kinh diên giảng quan, sung Cơ mật viện đại thần, kiêm Quốc tử giám sự vụ, kiêm quản Văn thần phò mã đô uý, Phan Thanh Giản, tự Tĩnh Bá, hiệu Ước Phu. (50 từ)

Ôi, nếu cụ sống lại và đến dự một cuộc họp nội bộ của chúng ta ngày nay, và được ta giới thiệu cụ với đầy đủ chức danh như trên, thì chắc cụ rất hãnh diện. Vì lũ con cháu chúng ta sao mà giống thời các cụ thế! tiếp nối được truyền thống cha ông xưa. Và vẫn đang liên tục phát triển.

Đây là hiện tượng phổ biến trên toàn quốc khoảng hai chục năm nay chứ không chỉ riêng ở một đơn vị nào, và nó vẫn còn đang phát triển theo hướng rườm rà hơn nữa. Tôi sợ với đà này, một ngày nào đó, ngay trong gia đình, bố mẹ, con cái, vợ chồng… hoặc bạn bè gặp nhau ngoài phố, khi gọi nhau cũng phải kèm theo những danh hiệu rườm rà đã kể trên thì thực là rồ dại.

Vậy bạn đọc nghĩ sao về những hiện tượng này? Bản chất của những hiện tượng này là gì?

Một cuộc chạy đua chức danh trên toàn quốc “trồng lúa thu hoạch khoai”

Ta tự hào về chế độ ưu việt xã hội chủ nghĩa (mà hiện nay chỉ có người dân ở một số ít nước được hưởng là: Triều Tiên, Cu ba, Lào và Trung Quốc) mọi người đều bình đẳng. Nhưng thực chất thì người ta đang dựa theo chức quyền để phân chia đẳng cấp, quyền lợi, tất nhiên chức càng cao, bổng lộc càng lớn.

Lúc sống đã vậy, tận tới lúc chết chôn ở đâu cũng có tiêu chuẩn dựa theo chức tước. Vì thế cả xã hội đều trọng chức quyền. Mà muốn có chức quyền thì cần có bằng cấp, cộng thêm danh hiệu Đảng viên, là người ta có thể tiến thân, có thể trở thành lực lượng lãnh đạo với nhiều bổng lộc mà không cần phải có thực lực.

Đó là nguyên nhân sâu xa đã và đang dẫn đến việc nhiều kẻ cơ hội đổ xô đi săn bằng cấp bằng mọi giá. Đua bằng cấp, chức danh chứ không đua tài năng. Bởi đua tài năng, cuộc đua dưới ánh mặt trời, thì khó hơn nhiều, dễ lộ chân tướng và dễ bị thua. Bao nhiêu sức lực, thời gian và tiền bạc đáng ra để tập trung làm chuyên môn, làm nghề thì lại bị phung phí vào các cuộc đua tranh lấy bằng cấp. Nhìn vào con đường để trở thành thạc sĩ, tiến sĩ hiện nay ở nước ta đã bị biến chất. Nhiều người có lòng tự trọng không khỏi ngại ngùng và muốn lánh xa.

Bằng cấp và chức danh chân chính, lương thiện thì rất có ích cho xã hội. Trước kia, số giáo sư, tiến sĩ ở ta không nhiều, nhưng đó là những tên tuổi như: Đào Duy Anh, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Mạnh Tường… Còn ngày nay thì đúng là “Ta tự hào đi lên. Ôi Việt Nam” giáo sư nhiều đến mức có thể “ra ngõ gặp giáo sư”. Với thực trạng này thì nền học thuật của nước nhà có nguy cơ trở thành hữu danh, vô thực.

Trong lĩnh vực biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp, để chơi đàn, hát, làm được concert thì khó quá, muốn thế phải rèn luyện hàng ngày, phải hy sinh rất nhiều mà lại không oai bằng rẽ ngang đi làm tiến sĩ, đơn giản hơn, chóng được thăng chức với nhiều bổng lộc hơn.

Kết quả là: mục đích cuối cùng và duy nhất của âm nhạc là tiếng đàn, tiếng hát, những buổi concert và viết những tác phẩm âm nhạc chuyên nghiệp thì dần dần không còn ai làm, thay vào đó là rất nhiều tiến sĩ âm nhạc ra đời. Có được cái bằng tiến sĩ, phần lớn không ai chơi đàn và hát nữa. Tiền của nhân dân bỏ ra đào tạo họ để mang lại tiếng đàn tiếng hát cho đời đã trở thành vô ích vì sai mục đích. Trồng lúa thì lại thu hoạch khoai!

Hướng dẫn làm luận văn tiến sĩ chéo ngành chéo nghề

Ở hầu hết các trung tâm đào tạo đại học của Việt Nam trên toàn quốc hiện nay, để có được chức danh thạc sĩ, tiến sĩ, phải có người hướng dẫn viết luận văn, luận án. Đó là các giáo sư, phó giáo sư. Nhưng để đào tạo ra càng nhiều, càng nhanh và để “phổ cập” học vị thạc sĩ, tiến sĩ, người ta đã sử dụng các giáo sư hoặc phó giáo sư nghề này, hướng dẫn luận văn cho các thạc sĩ, tiến sĩ nghề khác.

Tuy cùng là một ngành, nhưng càng lên cao, càng phải chuyên sâu, và cùng một ngành nhưng rất nhiều nghề hoàn toàn khác nhau. Ví dụ như trong ngành thể thao thì môn cờ tướng với bắn súng hoặc đấm bốc, không hề có liên quan đến nhau. Hoặc trong ngành điện ảnh thì nghề viết kịch bản và nghề tạo khói lửa, cũng không hề có liên quan. Nghề nào cũng vậy. Nên dù biện minh rằng, đó là “hướng dẫn phương pháp luận” thì cũng chỉ là ngụy biện, và không thể chấp nhận được.

Thử tưởng tượng trong cùng ngành y. Giáo sư chuyên nghề phụ khoa lại đi hướng dẫn luận văn cho tiến sĩ chuyên nghề nha khoa thì có được không? Bởi vì hai bộ phận này của cơ thể chúng ta là hoàn toàn khác nhau, có những chức năng hoàn toàn khác nhau. Vậy mà chéo ngành chéo nghề vẫn vô tư hướng dẫn đã trở thành bình thường từ lâu.

Vậy xin hỏi cấp trên có biết vấn đề này không? Với những sự hướng dẫn như vậy, những bản luận văn đó có giá trị gì không? Và trong việc này liệu có thể tránh được tiêu cực không? Có được cái bằng cấp ấy, có đáng tự hào để mời mọi người đi khao “rửa bằng” không? Có lẽ sự “rửa bằng” nghĩa đen lại chính xác hơn vì nó vốn không được sạch sẽ cho lắm.

Theo chúng tôi, cấp bộ hãy cho dừng ngay kiểu hướng dẫn trái ngành trái nghề như hiện nay ở hầu hết các cơ sở đào tạo trên cả nước. Và cho rà soát lại tất cả các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ đã có. Nếu không phải do người hướng dẫn có cùng chuyên môn thì cho thu hồi lại, và các luận văn đó phải được làm lại, với sự hướng dẫn của các giáo sư cùng chuyên ngành và công khai việc này trong giới chuyên ngành.

Các danh hiệu, giải thưởng, câu chuyện cười ra nước mắt

Vườn hoa chỉ có 2 loại hoa

Định kỳ một hai năm gì đó, ta có những đợt phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ Nhân dân và trao tặng các giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Việc này không phải do người Việt Nam ta nghĩ ra, mà do chúng ta học tập từ Liên Xô cũ. Họ phong nghệ sĩ Công Huân, nghệ sĩ Nhân dân, giải Xtalin, giải Lê Nin về văn học nghệ thuật. (Ví dụ Giao Hưởng số 11 của Shotstakovich được giải Xtalin năm 1953 vv…)

Sau khi Liên Xô tan vỡ, họ đã bỏ thói quen đã có từ hàng chục năm này. Rất nhiều cách tổ chức dập theo kiểu Liên Xô cũ như: nền kinh tế có kế hoạch, hành chính bao cấp, phân phối theo tem phiếu, v.v… Việt Nam nay đã bỏ. Nhưng không hiểu vì sao cái thói quen trao những danh hiệu và giải thưởng văn học nghệ thuật học từ họ thì ta lại vẫn duy trì? Bởi vì nó là một phần đồng bộ trong tư duy cấu thành chế độ bao cấp, cơ chế xin cho?

Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh bằng máu và nước mắt một quy luật là: những chính sách dập khuôn theo ngoại bang sớm muộn rồi cũng gây những hậu quả xấu, thậm chí là những thảm hoạ dân tộc.

Về việc phong danh hiệu nghệ sĩ, hãy để chính những nghệ sĩ, bằng tài năng, họ làm nên tên tuổi riêng của mình (như Ashkenazy) thì nó mới có giá trị thực, bền lâu và duy nhất. Không ai có thể ghen tỵ với ai được, vì không ai giống ai. Hàng ngàn nghệ sĩ tài năng, thì sẽ có hàng ngàn cái tên khác nhau, có giá trị khác nhau, giống như vườn hoa với muôn hoa, muôn màu khoe sắc, chứ không phải chỉ có 2 loại hoa “ưu tú” và “nhân dân”.

Mà muốn được hưởng các danh hiệu này, phải làm đơn xin, cùng sự “vận động” để được phong (ban) tặng từ trên xuống. Trong hoàn cảnh đất nước ta tệ nạn xã hội tràn lan. Khó có thể tránh khỏi nhiều sự tiêu cực trong sự ban tặng danh hiệu, nếu vẫn giữ kiểu cơ chế ban phát như cũ.

Về việc trao giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, đây cũng là một kiểu cơ chế xin cho với những thành phần Ban giám khảo hoàn toàn được chỉ định từ trên, với những tiêu chí chấm giải tuỳ hứng. Người xin trao giải cũng phải làm đơn và “vận động”.

Riêng trong ngành nhạc đã xảy ra những câu chuyện cười ra nước mắt xung quanh việc trao giải thưởng này. Điển hình là trong đợt đua tranh phong tặng năm 2006 (đây nên là đợt phong tặng cuối cùng) cả nước đều biết tới những chuyện “đồng nghiệp tương tàn” mà báo chí gọi là “cơn địa chấn trong làng nhạc”. Nếu ta lại cứ tiếp tục trao giải thì không ai có thể khẳng định rằng những cơn “địa chấn” sẽ không trở thành “động đất”!

Nói tóm lại, Nhà nước Việt Nam nên bỏ lối tư duy kiểu dập theo Liên Xô cũ này!

Kết

Hãy để cho mọi người đánh giá tài năng và giá trị con người qua công việc. Dù anh có độn vào trước cái tên của anh hàng trăm danh vị đi nữa mà sản phẩm anh làm ra cho xã hội không có, hoặc tồi, hoặc có hại, thì khác nào gỗ mục được sơn son thếp vàng?

Một xã hội lành mạnh và có tương lai, là một xã hội biết tôn trọng những tài năng và những giá trị thực, bất kể họ có hay không có bằng cấp danh vị cao, tiền của nhiều, chức tước lớn.

Đối với người làm nghề nhạc chuyên nghiệp, thì đó là tiếng đàn, tiếng hát của người biểu diễn và tác phẩm của người sáng tác. Anh hãy tự hào về điều đó, và hãy gắn nó với cái tên cha sinh mẹ đẻ, chứ không phải là những thứ bằng cấp, danh hiệu (mà ở nước ta hiện nay của rởm nhiều hơn thật) và chức vụ quản lý anh đang có, đó chỉ là những thứ son phấn nhất thời.

Bảng giá trị tưởng như là chân lý đơn giản và hiển nhiên này lại đang bị lật ngược. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh thành tích, cơ hội, trọng bằng cấp, trọng chức quyền. Nó đang làm tê liệt trí tuệ Việt Nam. Phải chăng nó là một trong ba loại giặc đang đe doạ sự tồn vong của dân tộc mà Hồ Chí Minh đã nói, đó là: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm? Với tiềm năng trí tuệ thế này, rồi dân tộc Việt Nam ta sẽ đi đến đâu? “Một dân tộc dốt, là một dân tộc yếu” (Hồ Chí Minh)

Là một người hoạt động trong nghề nhạc, tôi thấy cần phải viết bài này chỉ vì trách nhiệm công dân, với mong muốn nền học thuật nước nhà – nhất là âm nhạc – ngày càng trở nên lành mạnh và thực chất hơn. Tôi không nhằm vào bất cứ ai và cũng mong đừng ai giật mình bởi tôi luôn luôn kính trọng sâu sắc những giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ chân chính. Tuy không nhiều, nhưng họ có lương tri và trình độ chuyên môn thực sự. Tôi chắc rằng những người này sẽ ủng hộ những ý kiến trên của tôi.

Vì chúng ta đã nói dối quá nhiều và quá lâu rồi, nên những lời nói tử tế bây giờ lại trở nên hài hước. Tuy vậy – dù chỉ nhỏ bé như con dã tràng – tôi vẫn muốn nói rằng: Đừng sợ thay đổi vì chỉ nghĩ tới quyền lợi của bản thân, hãy nghĩ tới một tương lai tốt hơn cho tất cả. Đừng sợ ánh sáng, sợ thuốc đắng và sự thật.

Để kết bài viết này tôi xin mượn một câu Kiều của [Giáo sư, tiến sĩ] Nguyễn Du (xin tạ tội với bậc tiền nhân vì sự xúc phạm này):

“Mượn màu son phấn đánh lừa con đen”

Chữ “Con đen” ở đây được hiểu là những người dân bình thường.


Nguồn: Tôi chỉ là Ashkenazy!.
Đặng Hữu Phúc. Tuần Việt Nam, 24/06/2009

3 Comments on “Tôi chỉ là Ashkenazy!

  1. Cho tu1ef1 do cu1ea1nh tranh, cu1ea3 vu1ec1 chu00ednh tru1ecb lu1eabn kinh tu1ebf. Tu1ef1 do cu1ea1nh tranh thu00ec ku1ebb cu00f3 thu1ef1c tu00e0i su1ebd thu1eafng. Ku1ebb tru1ecdng hu01b0 danh mu00e0 tu00e0i nu0103ng khu00f4ng cu00f3 khu00f4ng thu1ec3 tu1ed3n tu1ea1i trong cuu1ed9c ganh u0111ua.

  2. Khi u0111u1ea5t nu01b0u1edbc cu00f3 nhiu1ec1u hu01b0 danh thu00ec du00e2n tu1ed9c u1ea5y su1ebd tu00e0n lu1ee5n.

  3. u0110u00e3 lu00e0 ngu01b0u1eddi Viu1ec7t ta thu00ec du00f9 u1edf trong hay ngou00e0i nu01b0u1edbc, cu00e1i thu1ebf hu1ec7 giu00e0 chu00fang ta lu00e0 phu1ea3i Nu1ed5 mu1ed9t chu00fat nu00f3 mu1edbi vui.nVu0103n hu00f3a cu1ee7a chu00fang ta mu00e0. Bu1ecf u0111i mu1ed9t su1edbm, mu1ed9t chiu1ec1u u0111u00e2u cu00f3 u0111u01b0u1ee3c!nCu00f3 vu1eady nu00f3 mu1edbi vui. Ngu1ee7 mu1edbi ngon.