Bảo tồn và Phát triển: Tôi cực kỳ bi quan!

Nguyễn Thị Hậu

hkcCuộc sống cần thay đổi tốt hơn cả vật chất và tinh thần nhưng hình như hiện nay người ta quan tâm nhiều hơn cho sự thay đổi về vật chất mà ít quan tâm gìn giữ những giá trị tinh thần…

Diễn Đàn: Tiếp theo khu Eden (và quán nước Givral nổi tiếng), mấy năm trước, nay tới lượt toà Thương xá Tax đang bị đập phá, tiếng là để “giải phóng mặt bằng” cho công trình xây dựng nhà ga tàu điện ngầm ở khu trung tâm T.p. H.C.M. nhưng tương lai sẽ là một trung tâm thương mại mới, một toà nhà hơn 40 tầng; thời Eden bị phá, nhường chỗ cho khu Vincom 1, người ta không cần đến cái cớ xây nhà ga métro. Thương xá Tax vốn là Grands Magasins Charner thời Pháp, được khánh thành cách đây đúng 90 năm, và có thể coi như một trong những di sản kiến trúc Pháp cuối cùng ở trung tâm Sài Gòn – khu Lê Lợi, Nguyễn Huệ hiện nay. Những quyết định của chính quyền san bằng các khu phố, kể cả những căn nhà có giá trị kiến trúc, lịch sử, hay những hàng cây cổ thụ…, đã gặp không ít phản ứng không đồng tình của người dân. Bài trả lời phỏng vấn của Tiến sĩ Khảo cổ Nguyễn Thị Hậu với báo Pháp Luật T.p. HCM đề cập tới nhiều khía cạnh cơ bản trong mối tương quan thường bị coi nhẹ giữa bảo tồn và phát triển. Bài đã đăng một phần trên báo Pháp Luật  T.p. HCM (báo giấy) ngày 7/9/2014, dưới đây là toàn văn do tác giả gửi cho Diễn Đàn.

nth_pl7914
Trò chuyện với Hồng Thu – báo Pháp Luật T.p. HCM). Nguồn: Facebook Hậu Khảo Cổ

Hồng Thu (HT): Trong tình hình qui hoạch khu trung tâm Sài Gòn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của người dân như hiện nay, bà có suy nghĩ gì?

Nguyễn Thị Hậu (NTH): Đừng để cho người dân có cảm xúc tiêu cực. Đó là điều không quá khó đối với người làm công tác quản lý. Vấn đề là chỉ là tư duy thôi, nếu đặt bảo tồn ngang với cái phát triển thì phải có một phương thức khác. Người ta thường nghĩ bảo tồn sẽ làm hạn chế phát triển hoặc đã phát triển thì dứt khoát phải phá bảo tồn. Tôi không nghĩ thế, bởi vì qui hoạch đô thị các nước xung quanh có rất nhiều bài học mà mình có thể học được. Không khó chút nào. Cho nên quan trọng là tư duy của mình có thực sự coi trọng bảo tồn hay không. Điều này xuất phát từ hai vấn đề: Một là do anh không hiểu giá trị cần phải bảo tồn hoặc hai là bản thân anh không coi trọng việc bảo tồn.

HT: Như vậy cán cân giữa bảo tồn và phát triển sẽ nghiêng về phát triển hơn?

NTH:Rõ ràng lúc nào cán cân cũng nghiêng về phát triển nhưng để cố gắng bảo tồn được thì có những phương thức, cách thức thực hiện và cách thức truyền đạt thông tin đến cộng đồng như thế nào cho có sự đồng thuận hay ít nhất không bị phản ứng ngược. Làm gì thì cũng phải có một quá trình chứ không phải ra quyết định rồi làm ngay mà cộng đồng không được biết? Ít nhất chuyện chặt hàng cây cổ thụ đường Lê Lợi và phá bỏ thương xá Tax người dân chỉ biết thông báo cuối cùng là sẽ phá và người ta bất ngờ nhìn thấy tận nơi là cây đã bị chặt, thế thôi. Nếu người dân được biết cụ thể khu vực đó sẽ tiến hành làm những gì thì có thể người ta hiến kế, trong quá trình trao đi đổi lại người dân cũng hiểu nhiều hơn về vấn đề. Hoặc người có chuyên môn, sáng kiến sẽ đưa ra được một biện pháp tốt hơn. Bởi vì để xây dựng cái mới không nhất thiết phải đập phá cái cũ.

HT: Nhưng trong tình hình bây giờ, cây đã chặt, đường sá đã bị đào bới, bà nghĩ có cách nào để khắc phục hay đành buông xuôi “lỡ rồi, cứ làm luôn”?

NTH: Cũng có khi họ nghĩ “lỡ làm thì làm luôn” thật, bởi vì có nghe phản ánh thì cũng đã quyết định rồi. Trong thực tế, từ quyết định cho đến thực hiện còn có một qui trình. Vấn đề là các cấp quản lý thành phố có coi trọng tiếng nói của người dân hay không. Người dân ở đây bao gồm cả người bình thường, người có chuyên môn, những nhà khoa học… Tất cả những người góp ý cho thành phố này đều với tư cách đầu tiên là một công dân của một đô thị. Quan điểm của tôi về đô thị, trước hết nó phải là của cộng đồng người dân, sau đó mới là của các nhà quản lý.

HT: Như vậy rõ ràng người dân có quyền tham gia vào quá trình qui hoạch kiến trúc đô thị?

NTH: Đó là qui chế dân chủ cụ thể hơn là qui chế dân chủ cơ sở. Nhưng thực tế diễn ra thì sao? Tất cả các qui hoạch chung về tuyến nhà ga thì người dân không được biết rộng rãi, thường xuyên mà chỉ công bố trong một lúc nào đó. Trong khi dân mình thì luôn bị sự bận rộn cơm áo đời sống hàng ngày cuốn đi. Ví dụ để chuẩn bị làm nhà ga thì cần có một tấm pa nô dựng lên ngay tại đó, cho biết kế hoạch triển khai, hình thức thực hiện như thế này, thế này… từ trước đó khoảng một năm thì mọi việc sẽ khác. Kể cả thương xá Tax, trước đây vấn đề cũng được đặt ra vào khoảng năm 2006,2007. Khi đó báo chí cũng lên tiếng rồi chuyện cũng im luôn, không thấy nhắc lại cho đến nay. Giá mà trước khi trở lại chuyện thương xá Tax, các cấp quản lý qui hoạch đưa lên báo chí cho người ta hiểu toàn cảnh câu chuyện, rằng chúng tôi từng đặt ra vấn đề vào năm đó và hiện tại chúng tôi có những băn khoăn gì khi tiến hành qui hoạch. Sau đó chính quyền có làm theo góp ý của người dân hay không thì còn tùy thuộc vào những tính toán cụ thể nhưng ít nhất người dân cũng được biết thông tin. Đó mới là sự minh bạch, công khai và dân chủ.

HT: Có những giá trị gì mà bà nghĩ không nên động vào?

GMC trở thành Tax từ thập niên 1960.
GMC trở thành Tax từ thập niên 1960.

NTH: Nếu nhìn tổng thể Sài Gòn thì thời Bến Nghé – thành Gia Định hầu như không còn dấu tích gì cả, may chăng có còn là còn trong lòng đất. Cái này thuộc về công tác khảo cổ mà từ lâu ít người quan tâm. Tính về đô thị Sài Gòn thì có những tuyến đường đặc trưng mà người ta thường biết đến từ thời Pháp ở thế kỷ 19. Từ sau năm 1954 thì các công trình mới của thời Việt Nam cộng hòa xây dựng. nhưng hầu như chưa có những nghiên cứu cụ thể để thấy được giá trị của chúng. Tôi cho rằng mỗi thời có một kiểu kiến trúc đặc trưng, đẹp hay không đẹp thì thuộc về chuyên môn, tôi không dám đánh giá. Nhưng với một đô thị, người ta nhìn nhận lịch sử của nó đầu tiên qua lịch sử kiến trúc đô thị. Quay trở lại đô thị Sài Gòn, người ta thường đánh giá nó ở lịch sử 100 năm từ thời Pháp thuộc, kể cả qui hoạch, kể cả kiến trúc. Nói đến đô thị Sài Gòn thì chắc chắn người ta phải nói đến khu trung tâm Sài Gòn. Đó là trung tâm hành chính của thành phố, cũng là trung tâm chính trị khác với Chợ Lớn là trung tâm thương mại buôn bán. Trung tâm Sài Gòn dưới góc độ nghiên cứu lịch sử, văn hóa và khảo cổ, tôi nhận thấy có ít nhất các điểm, các tuyến này cần phải hết sức cẩn trọng khi động vào, đó là phạm vi trong các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ mở rộng ra đến dọc Bến Bạch Đằng, hẹp hơn là đường Nguyễn Thị Minh Khai – Phạm Ngọc Thạch – Đồng Khởi xuống đến đường Tôn Đức Thắng, rồi khu vực chợ Bến Thành, đường Hàm Nghi… Các điểm cần lưu ý, là khu vực dinh Độc lập xây dựng trong khu vực Vườn ông Thượng thời Nguyễn. Điểm thứ hai là từ nhà thờ Đức Bà dọc đường Đồng Khởi xuống đến điểm thứ ba là khách sạn Majectic. Điểm thứ tư là chợ Bến Thành. Bốn điểm này quây lại thành khu vực lõi của đô thị Sài Gòn từ thời Nguyễn cho đến thời Pháp. Đụng vào cái lõi này phải hết sức cẩn trọng, nó không khác khu vực Hồ Gươm ngoài Hà Nội. Lịch sử thì mình không so sánh được về thời gian nhưng giá trị văn hóa lịch sử thì tôi nghĩ không chỉ phụ thuộc vào độ dài thời gian mà phụ thuộc chủ yếu vào quá trình xây dựng và đặc điểm của nó. Đó là khu vực mà người Pháp đã qui hoạch trở thành trung tâm với những công trình điển hình.

HT: Trong trường hợp những công trình này xuống cấp thì phải làm sao, thưa bà?

NTH: Tôi cho rằng cần phải bảo tồn theo kiểu trùng tu nguyên trạng. Khu vực Vincom 1 thì quá xấu rồi nhưng Vincom 2 thì còn mang dáng cổ điển, dù sao cũng hòa nhập cảnh quang chung và đặc biệt làm cho người ta vẫn nhớ lại ký ức xa xưa. Trước kia phá bỏ Eden tôi cũng rất tiếc vì Khu Eden vẫn có thể cải tạo được. Khu nhà đối diện Vincom 1 trên đường Đồng Khởi cũng vậy. Khách sạn Caravel xây lên cao tầng đặt cạnh Nhà hát thành phố làm cho Nhà hát lớn không giữ được vẻ đẹp cổ điển và làm tổng thể khu vực này xấu đi vì mất đi những nét cổ xưa. Đó là kinh nghiệm để không nên xây một tòa nhà như thế ở khu vực trung tâm Nguyễn Huệ – Lê Lợi. Nếu từng công trình đơn lẻ thì có thể đẹp về kiến trúc nhưng đặt nó cạnh công trình mang dấu ấn lịch sử thì làm hỏng cả cảnh quan. Nhìn qui hoạch kiến trúc đô thị và giá trị của nó thì nên nhìn tổng thể chứ đừng chỉ thấy cục bộ ở một công trình cụ thể nào đó mà mình muốn thay đổi. Thương xá Tax cũng là một trường hợp như vậy. Cứ nhìn như thế thì thành phố này sẽ còn bị phá thêm nhiều công trình có giá trị văn hóa lịch sử khác. Phải chăng vì nhìn từng “điểm” mà không nhìn trên “diện” nên người ta đã dễ dàng phá bỏ mọi cái. Cũng như cánh cửa ngôi nhà cổ bị hỏng, người ta có thể nào thản nhiên tháo bỏ và lắp vào đó một cánh cửa EuroWindow dù rất đẹp, rất hiện đại? Hiểu được sự trái khoáy này mới thấy sự cần thiết của ngành qui hoạch đô thị chứ không đơn giản là kiến trúc đô thị. Nếu chỉ chú trọng xây mới từng công trình thì rất có thể sau này người ta bỗng thấy công trình cổ xấu quá trong tổng thể những công trình mới hiện đại xung quanh, và thế là người ta sẽ đập bỏ đi, “tội lỗi” lúc này bỗng dưng thuộc về công trình cổ.

HT: Ẩn đằng sau bộ mặt qui hoạch khu vực trung tâm thành phố là cái hồn, là ký ức, những câu chuyện. Với tư cách là một công dân của thành phố, bà có tiếc nuối điều gì?

NTH: Tôi sống ở thành phố này ngót ngét 40 năm. Cả quãng đời tuổi trẻ, trưởng thành cho đến hôm nay tôi gắn bó với Sài Gòn. Sài Gòn với tôi thân thuộc lắm. Khu trung tâm với lễ hội, đường hoa, đường sách, bắn pháo hoa đêm giao thừa… Nhà thờ Đức Bà, nhà hát thành phố, chợ Bến Thành, thương xá Tax… in sâu trong trí nhớ. Nó là ký ức của người Sài Gòn, nó là đặc điểm để khách xa nhận diện Sài Gòn. Không chỉ tôi mà những bạn trẻ gắn bó với Sài Gòn trên dưới chục năm, kể cả những người từng gắn bó với Sài Gòn gần cả đời, đi xa Sài Gòn mười mấy 20 năm cũng đều mang cảm xúc như vậy. Giá trị một vùng đất nằm ở ký ức của con người. Công trình, cảnh quan không có giá trị khi không được ký ức con người ghi nhận. Xóa bỏ công trình, cảnh quan nhiều khi chính là xóa bỏ ký ức con người, về lâu dài chính là góp phần xóa bỏ lịch sử, cả lịch sử ký ức và lịch sử bằng vật thể cụ thể. Trước đây khi phà Thủ Thiêm biến mất, nhường cho đường hầm Thủ Thiêm thì tôi cũng tiếc, nhưng cái tiếc đó chỉ là hoài niệm bởi tôi hiểu sự thay đổi đó là cần thiết mà quan trọng hơn là vì hợp lý. Xây đường tàu điện ngầm cho thành phố là cần thiết nhưng có nhất thiết vì vậy mà dứt khoát phải chặt cây hay không? Cải tạo khu vực trung tâm là cần thiết nhưng có nhất thiết phải đập bỏ thương xá Tax để xây lên tòa nhà 40 tầng hay không? Thú thật tôi nghe cụm từ “40 tầng” tôi rất dị ứng, không phải tôi dị ứng với cái mới mà chỉ là tôi không thể nào hình dung được có một tòa nhà cao tương tự Bitexco mọc lên ngay chỗ đó, rồi sẽ không có gì ngạc nhiên nếu sau đó phía bên kia đường Nguyễn Huệ cũng mọc lên một tòa nhà sừng sững tương tự với lý do để cho đối xứng.

HT: Từng lên tiếng ủng hộ quan điểm bảo vệ di tích Ba Son với ụ tàu cổ cũng như từng nêu ý kiến về nhiều nội dung qui hoạch tại TP.HCM thì lần này với qui hoạch khu trung tâm, với ý kiến như trên, bà có ngại bị qui kết là bảo thủ khi muốn bảo lưu cái cũ, phản đối cái mới?

NTH: Tôi không thay đổi quan điểm của mình. Lý do đơn giản, làm một người dân ở đô thị, tôi cũng có nhiều bức xúc về cơ sở hạ tầng đô thị. Nhưng đồng thời là người làm công tác bảo tồn, quan điểm của tôi phải có sự “thỏa hiệp” nhất định giữa bảo tồn và phát triển. Từng làm ở Viện Nghiên cứu và Phát triển, tôi hiểu nhu cầu của thành phố nên tôi không khăng khăng bảo vệ cái cũ hoàn toàn dưới góc độ nghề nghiệp của mình mà không nhìn thấy cái khó của các ngành nghề khác. Ngay trong việc đề nghị bảo vệ di tích Ba Son thì tôi cũng chỉ đề nghị bảo tồn những gì đáng bảo tồn chứ đâu có đề nghị bảo vệ toàn bộ cụm cảng đó. Như là hai ụ tàu thì phải bảo vệ vì chúng được xây dựng trên cơ sở ụ tàu từ thời Nguyễn Ánh và nó cũng là cơ sở công nghiệp đầu tiên mà người Pháp xây dựng tại Việt Nam. Rõ ràng nó có giá trị về mặt lịch sử công nghiệp, chưa kể lịch sử cách mạng. Trong qui hoạch khu trung tâm thành phố cũng vậy, tôi rất hiểu nhu cầu phát triển của thành phố, là một công dân tôi cũng muốn sống trong một thành phố phát triển hiện đại, trong một số trường hợp mình phải chấp nhận sự đánh đổi. Nhưng phải hiểu cái gì có thể đánh đổi còn cái gì thì không.

HT: Hiện tại, bà hình dung gì về một viễn cảnh trung tâm Sài Gòn với cách thức qui hoạch kiến trúc như hiện nay?

NTH: Là người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa, tôi cực kỳ bi quan. Sài Gòn khi đó sẽ là một thành phố hiện đại với nhiều tòa nhà cao tầng nhưng sẽ rất giống những nơi mình đã đến. Với những kiến trúc hiện đại đang hiện hữu ở khu trung tâm Sài Gòn thì tôi nhận thấy chẳng khác gì kiến trúc của nhiều thành phố trên thế giới. Cảnh quan chung sẽ khiến người ta hoàn toàn không còn cảm giác về nét riêng của Sài Gòn. Nét riêng không cứ “cổ” mới là riêng. Cái mới, cái hiện đại vẫn có thể có bản sắc riêng. Đáng nói là ngay cả cái mới mình cũng chưa có cái gì gọi là nét riêng. Tất cả các đô thị Việt Nam đang bắt đầu có kiến trúc như nhau, từ đô thị ở đồng bằng, ở miền núi đến miền biển; từ đô thị lâu đời như Hà Nội cho đến các đô thị trẻ hơn như Sài Gòn và các thành phố của các tỉnh. Khoảng từ đầu những năm 2000 đến nay chúng càng trở nên giống hệt nhau. Trong khi đó, sự đa dạng mới làm nên bản sắc văn hóa. Tìm ra đâu đặc trưng năng động, phóng khoáng, bao dung của Sài Gòn khi mà diện mạo của nó cũng y chang các thành phố khác?

HT: Nhưng giả sử có người nói rằng năng động, phóng khoáng, bao dung là cái hồn của Sài Gòn, không liên quan đến vỏ ngoài kiến trúc đô thị thì bà nghĩ sao?

Mô hình dự án toà tháp Tax Plaza cao 40 tầng.
Mô hình dự án toà tháp Tax Plaza cao 40 tầng.

NTH: Con người không thể tách rời môi trường sống bao gồm cả cảnh quan tự nhiên và cảnh quan nhân văn. Vì sao thế hệ trước người ta luôn nhớ và yêu quý Sài Gòn cũng bởi người ta sống trong khung cảnh đó, gần như cả trăm năm không thay đổi, nếu có thay đổi cũng chỉ diễn ra ở ngoại vi trung tâm. Ký ức về tình cảm đối với thành phố sẽ được di truyền qua từng thế hệ, nếu không còn gì để nhắc nhớ thì không còn ký ức. Mà khi cư dân không có tình yêu, không được củng cố tình cảm đối với nơi họ sống thì làm sao có thể hết mình xây dựng và bảo vệ nó? Còn bây giờ, khi khoảng cách giữa kinh tế và văn hóa cách nhau ngày càng xa thì liệu vài chục năm nữa người Sài Gòn có còn mang cốt cách đặc trưng vốn có? Cuộc sống cần thay đổi tốt hơn cả vật chất và tinh thần nhưng hình như hiện nay người ta quan tâm nhiều hơn cho sự thay đổi về vật chất mà ít quan tâm gìn giữ những giá trị tinh thần…

Sài Gòn 6/9/2014


Nguồn: Bảo tồn và Phát triển: Tôi cực kỳ bi quan!. Nguyễn Thị Hậu.Trò chuyện với Hồng Thu – báo Pháp Luật T.p. HCM. 07/09/2014.

DCVOnline – Đọc thêm Chia tay Thương xá Tax. Nguyễn Ngọc Chính. DCVOnline minh họa.