Viện Khổng Tử: Tự đánh bóng hay là chủ nghĩa đế quốc văn hóa?

Tao Xie | Trà Mi lược dịch

logoĐể diễn giải lời uyên bác của Khổng Tử dài dòng hơn, có lẽ giới lãnh đạo Trung Quốc không nên quá lo lắng về việc có ít quyền lực mềm ở nước ngoài mà cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc xây dựng một xã hội thịnh vượng, tự do, và công bằng trong nước.

Con Rồng. Tem Trung Quốc. Nguồn: CNN
Con Rồng. Tem Trung Quốc. Nguồn: CNN

Tiêu điểm

    • Trung Quốc rất quan tâm quảng bá văn hóa cũng như sức mạnh kinh tế và quân sự của mình.
    • Chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc đấu tranh ý thức thệ trên toàn thế giới bằng các Viện Khổng Tử.
    • Một số cơ sở giáo dục Mỹ cắt quan hệ với chương trình Viện Khổng Tử vì quan tâm đến tự do học thuật.
    • Tao Xie: Trung Quốc nên thu hút người nước ngoài bằng học bổng, và văn hóa phẩm thì tốt hơn.

CNN: Tao Xie là một giáo sư khoa  chính trị học tại Trường Anh ngữ và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Nghiên cứu Nước ngoài ở Bắc Kinh. Ông là tác giả của Mỹ-Trung Quan hệ: Chính sách Trung Quốc tại Capitol Hill (U.S.-China Relations: China Policy on Capitol Hill) và đồng tác giả của Sống chung với Con Rồng (Living with the Dragon: How the American Public Views the Rise of China). Đây là quan điểm riêng của tác giả.

Bắc Kinh (CNN) – Lý do hiện hữu của những Viện Khổng Tử – một chuỗi các trung tâm văn học quốc tế do một cánh tay của chính phủ Trung Quốc điều hành – là điều dễ hiểu.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong ba mươi năm qua, Trung Quốc, một lần nữa, lại là trung tâm trong cộng đồng quốc tế.

Trong những năm đầu đổi mới, Trung Quốc bắt buộc phải mang thế giới bên ngoài – đặc biệt là công nghệ và vốn đầu tư– vào Hoa lục.

Ngày nay, Trung Quốc khẩn thiết muốn giới thiệu một quốc gia tái sinh với thế giới bên ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh của vô số những định kiến, nhận thức sai lầm, và méo mó về Trung Quốc vẫn còn phổ biến ở nhiều nước ngoài.

Giới thiệu về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc cho người nước ngoài là một ý tưởng tốt, nhưng quá xông xáo làm điều đó bằng các Viện Khổng Tử đã gây ra vấn đề.

Hanban (汉办, Hán Biện) – cơ quan của chính phủ Trung Quốc điều hành hoạt động của những Viện Khổng Tử – thường cho người ta một ấn tượng rằng họ đâng  thực hiện một chiến dịch trên toàn cầu về ý thức hệ.

Một số tổ chức giáo dục Hoa Kỳ – mới đây nhất là trường Đại học Chicago và Đại học Tiểu bang Pennsylvania – được biết đã quyết định cắt đứt quan hệ với các chương trình Viện Khổng Tử vì mối quan tâm đến tự do học thuật.

Trong một sự kiện được biết đến rộng rãi đã làm người ta thêm nghi ngờ về chiến dịch ý thức hệ của chương trình Viện Khổng Tử, Hanban đã ra lệnh cắt bỏ nhiều trang của một Học viện Đài Loan khỏi một tờ chương trình phát hành tại hội nghị lần thứ 20 của Hiệp hội châu Âu về Nghiên cứu Trung Quốc ở Bồ Đào Nha vào tháng Bảy năm nay.

Phát triển sức mạnh mềm

Đến cuối năm 2013 đã có 440 viện và 646 lớp học Khổng Tử nhỏ hơn trên khắp 120 quốc gia.

Viện Khổng Tử đầu tiên được thành lập vào năm 2004 tại Hàn Quốc, như thế có thể xem đây là một “Bước Nhảy Vọt” văn hóa nhắm vào người nước ngoài.

Giới lãnh đạo của Trung Quốc dường như đã xác tín rằng mặc dù Trung Quốc đã có sức mạnh cứng vượt trội – về mặt kinh tế và quân sự – nhưng sẽ không được xem như là một sức mạnh toàn cầu thực sự như Hoa Kỳ cho đến khi Trung Quốc có được sức mạnh mềm không kém.

Những nguyên tố của quyền lực mềm của Trung Quốc thường mà người nước ngoài, khi được hỏi về quan điểm của họ về Trung Quốc, thường đề cập đến là Vạn lý Trường thành, Tử Cấm Thành, gấu trúc, Kung Fu, và Peking Opera.

Với ngoại lệ là gấu trúc, còn lại đều các sản phẩm văn hóa của Trung Quốc cổ đại. Những gì Trung Quốc thiếu không phải là văn hóa tự nó mà là nền văn hóa hiện đại có thể dễ dàng cộng hưởng với thế giới.

Thay vì quảng bá những Viện Khổng Tử đang gây tranh cãi và bị một số xem là một dấu hiệu chủ nghĩa thực dân văn hóa của một Trung Quốc đang lên, tốt hơn, chính phủ nên thu hút người nước ngoài đến Trung Quốc bằng học bổng, tài trợ nghiên cứu, và các sản phẩm văn hóa.

Khổng Tử sẽ nói gì?

Khổng giáo là hệ tư tưởng thống trị trong lịch sử của Trung Quốc cho đến năm 1911. Nó gồm một tập hợp các giá trị, chuẩn mực và thông lệ mà phần lớn rút ra từ những lời dạy của Khổng Tử, một nhà giáo triết học sống trong khoảng 551-470 trước Tây lịch.

Dù Khổng giáo có nhiều điều để nói đến gần như tất cả mọi khía cạnh của xã hội Trung Quốc, nhưng nó không chủ trương xông xáo truyền bá văn hóa Trung Quốc ra ngoài Trung Quốc.

Thay vào đó, ít nhất là theo quan điểm của tôi, Khổng giáo khuyên hoàng đế Trung Hoa xây dựng Trung Hoa như một “thành phố trên đồi” – một tấm gương sáng của nền văn hóa tiên tiến cho người khác phải ngưỡng mộ và noi theo.

Cạnh đó, hầu như không có bất cứ điều gì trong Khổng giáo vừa là nét đặc thù của Trung Quốc vừa lôi cuốn tất cả mọi người.

Thực ra, một số các nguyên tố cốt lõi của Khổng giáo – như quyền của nhà nước đặt trên quyền cá nhân con người, xã hội phân cấp, và sự kính nể uy quyền – rõ ràng là ngược lại với xu hướng chủ đạo của thế giới ngày nay.

Những người quen thuộc với lịch sử của Trung Quốc sau năm 1949 sẽ thấy việc chính phủ Cộng sản Trung Hoa đang rao bán Khổng Tử như là biểu tượng của văn hóa Trung Quốc là một sự mỉa mai.

Khổng Tử và tư tưởng của ông đã bị tấn công, bị coi là lạc hậu và là một trở ngại cho việc hiện đại hóa Trung Quốc trong cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976).

Kết quả là, Khổng giáo đã bị cách ly ra khỏi nhịp điệu phát triển xã hội của Trung Quốc, rồi lại được lãnh đạo Trung Quốc cho hồi sinh và thúc đẩy trong mười năm qua.

Cuối cùng, chìa khóa cho sức mạnh mềm của Trung Quốc xoay quanh việc hiện đại hóa nền văn hóa Trung Quốc thay vì đem di sản cổ xưa đi rao bán.

Hiện đại hóa văn hóa như thế không những chỉ phải có nhiều sản phẩm văn hóa và sự đổi mới doanh nghiệp, mà còn phải có cải cách cơ bản ngay từ máu thịt chính trị của Trung Quốc.

Để diễn giải lời uyên bác của Khổng Tử dài dòng hơn, có lẽ giới lãnh đạo Trung Quốc không nên quá lo lắng về việc có ít quyền lực mềm ở nước ngoài mà cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc xây dựng một xã hội thịnh vượng, tự do, và công bằng trong nước.

© 2014 DCVOnline


Nguồn: China’s Confucius Institutes: Self-promotion or cultural imperialism? By Tao Xie, đặc biệt cho CNN, Tue 21 Tháng Mười 2014