Vấn đề “hoàn thiện nhà nước pháp quyền”

Trương Nhân Tuấn

lawNếu những người tranh đấu cho “dân chủ, nhân quyền” VN chưa hiểu được ông Dũng nói gì, trên căn bản nào đã “a dua” ủng hộ ông Dũng. Tệ hơn nữa, những người này lên án những người sử dụng từ “pháp trị” là cộng sản.

 

Pháp trị. Nguồn OntheNet
Pháp trị. Nguồn OntheNet

“Khẩn trương hoàn thiện nhà nước pháp quyền” là lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, dẫn từ Video của BBC đăng trên Youtube ngày 20-10-2014, nhân trả lời phỏng vấn Quỹ Körber tại Đức. Nguyên văn chép lại như sau:

“Câu hỏi: từ tháng 1 vừa rồi, ngài đã có những việc gì để tăng cường quyền tự do dân chủ của người dân?

Trả lời: Cái việc làm rất quan trọng của chúng tôi là sửa đổi hiến pháp, bản hiến pháp vừa được quốc hội chúng tôi thông qua vừa rồi. Đó là một bước tiến hết sức quan trọng về việc thực hiện quyền tự do dân chủ, nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường của nhà nước chúng tôi. Các bạn nên tìm hiểu bản hiến pháp mới nhất của chúng tôi.”

Như vậy, theo ông Dũng, bản hiến pháp (2013) là nền tảng để thực hiện “quyền tự do dân chủ”, “kinh tế thị trường” và “nhà nước pháp quyền”.

Vấn đề là:

Các quyền cơ bản của công dân ở Việt Nam đã có hay chưa? Có lẽ những người tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền ở VN có câu trả lời thuyết phục nhất. Bởi vì nếu VN có các quyền về dân chủ, tự do… thì họ tranh đấu nữa làm chi? Nhưng sự hiện diện của (những người tranh đấu) không là một bằng chứng. Bởi vì có (ít nhất) hai quan niệm về dân chủ và về tự do. Nếu ta xem Chương 2, hiến pháp 2013, dân chủ mà ông Dũng nói ở đây là “dân chủ nhân dân”, tức nền “dân chủ tập trung” được định nghĩa theo Marx, Lenin. Điều này đã được khẳng định nhiều lần trong Hiến pháp 2013. Trong khi đó còn có một quan niệm hoàn toàn trái ngược khác về “dân chủ”, là nền tảng chế độ của các nước tiên tiến hiện nay.

Còn tự do (mà ông Dũng nói) là “tự do chế định”, tức tự do (bị hạn chế bằng những qui định của pháp luật) theo quan niệm của Marx. Hiến pháp 2013 xác định công dân có đầy đủ các “quyền” (tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp…) như chương 2, nhưng các quyền này luôn kèm theo câu “theo hiến pháp và pháp luật”.

Điều này thể hiện trong các chế độ độc tài cộng sản, như VN, người dân được quyền “làm những điều mà luật lệ cho phép”. Trong khi các nước tự do dân chủ, người dân được quyền làm tất cả điều gì mà pháp luật không cấm.

Về “kinh tế thị trường”? Nền kinh tế Việt Nam, theo qui định điều 51 của Hiến pháp 2013, là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Đến nay Hoa Kỳ vẫn không nhìn nhận VN có nền “kinh tế thị trường”, bất chấp những yêu cầu từ phía VN. Ở VN xí nghiệp quốc doanh vẫn chiếm đa số áp đảo. Kinh tế vẫn tuân theo “kế hoạch” và sự chỉ đạo của nhà nước. Nhưng ta không thể cấm lãnh đạo VN (như ông Dũng) cho rằng nền kinh tế VN là nền “kinh tế thị trường”.

Chỉ xét hai điểm này (đối chiếu với hiến pháp 2013) ta thấy lời nói của thủ tướng NT Dũng là không sai, nếu đứng trên triết lý và lập luận của người cộng sản.

Còn về “nhà nước pháp quyền”?

Nguyên tắc về “nhà nước pháp quyền” được xác định theo điều 2 của Hiến pháp 2013.

Hầu hết trí thức VN, cũng như những “nhà tranh đấu cho nhân quyền VN”, đều nhìn nhận sự tương đương giữa “nhà nước pháp quyền” của VN với các khái niệm nền tảng của các nước dân chủ Tây phương “Rule of law” (Anh) và “Etat de droit” (Pháp). Việc này hàm ý bảo kê lời của TT Dũng là đúng.

Ngạn ngữ la-tinh có câu “nemo censetur ignorare legem”, có nghĩa tiếng Việt là “không ai có thể vịn cớ rằng mình không biết luật”. Sai do (không biết) một vài điều luật, hậu quả bản thân có thể đi tù. Sai do không phân biệt được hệ thống luật, có thể đưa vào tù cả một dân tộc.

Nguồn gốc chữ nghĩa của VN, cũng như các nước Nhật, Đại Hàn, phần lớn bắt nguồn từ Trung Quốc.

Trung Quốc (Đài Loan và VNCH trước 1975) sử dụng từ “nhà nước Pháp trị” để chỉ “Rule of law” hay “Etat de droit”. Nếu không lầm (do dịch từ google), Nhật và Đại Hàn cũng sử dụng từ “pháp trị” tương tự.(*)

Vậy tại sao lãnh đạo CSVN lại dừng từ “pháp quyền”?

Từ “pháp quyền” đầu tiên sử dụng là ông Hồ Chí Minh, trong bài vè lục bát tựa đề “Việt Nam yêu cầu ca”. Đây bản “phóng tác” của bản yêu sách 8 điểm viết bằng tiếng Pháp “Revendications du peuple Annamite – Yêu sách của nhân dân An Nam”, viết năm 1919 nhân dịp Hội nghị các đại cường thắng trận Đệ Nhất thế chiến tổ chức tại Versaille. Bài vè có câu:

“Bảy xin Hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”

Điều cần làm sáng tỏ là: ai xin, xin ai? “hiến pháp” ở đây là hiến pháp của VN hay của nước nào?

Nguyên văn yêu sách số 7, bản tiếng Pháp:

“7/ Remplacement du régime des décrets par les régimes des lois.” Nghĩa tiếng Việt là: thay thế chế độ pháp lệnh bằng chế độ luật lệ.

Điều này sẽ rõ rệt nếu ta xét lại yêu sách thứ 2:

“2/ Réforme de la justice indochinoise par l’octroi aux Indigènes des mêmes garanties judiciaires qu’aux Européens, et la suppression complète et définitive des Tribunaux d’exception qui sont des instruments de terrorisation et d’oppression contre la partie la plus honnête du peuple Annamite.”.

Tạm dịch: cải cách lại pháp lý Đông dương bằng cách ban bố cho người bản địa được bảo đảm về tư pháp (tài phán) như là người Châu Âu đồng thời bãi bỏ vĩnh viễn tất cả những loại Tòa án đặc biệt mà thực chất chỉ là những công cụ khủng bố và đàn áp thành phần những người An Nam lương thiện nhất.

“Bảy xin hiến pháp ban hành” ở đây có nghĩa là xin hiến pháp của mẫu quốc ban hành những điều “luật” để bảo đảm “quyền” của người “bản địa”.

Việc này rõ rệt hơn ở lời mở đầu của bản “yêu sách 8 điểm”:

“En attendant que le principe des Nationalités passe du domaine de l’idéal dans celui de la réalité par la reconnaissance effective du droit sacré pour les peuples de disposer d’eux- même, le peuple de l’ancien Empire Annam, aujourd’hui Indo-Chine Française, présente aux Nobles Gouvernements de l’Entente en général et à l’honorable Gouvernement Français en particulier les humbles revendications suivantes:”

Tạm dịch:

Trong khi chờ đợi các nguyên tắc về dân tộc từ lý tưởng sang thực tế, qua việc nhìn nhận quyền thiêng liêng của mỗi dân tộc được quyền tự quyết định số phận mình ; những thần dân của Đế quốc An Nam ngày trước, nay là (dân tộc) Đông Dương thuộc Pháp, trình bày với quí ngài Lãnh đạo (Đồng minh) và đặc biệt với chính quyền Pháp, những thỉnh nguyện khiêm tốn sau đây:

Như vậy,

“Bảy xin Hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”

trong bài vè của ông Hồ, người xin (dĩ nhiên là tác giả của nó) là ông Hồ. Xin ai? Hiển nhiên là “xin” lãnh đạo đồng minh (bằng những lời nịnh bợ đến mức khó thở) như (Nobles Gouvernements) và (l’honorable Gouvernement Français).

Nó có ý nghĩa là: “Xin” để được “ban phát” quyền được bình đẳng về tài phán như người Châu Âu.

Pháp quyền ở đây là “quyền tài phán”, tức “juridiction”.

Tự điển tiếng Hoa, cũng như dưới thời VNCH, vẫn dịch “juridiction” là “pháp quyền”. Tức là “quyền được xét xử”.

Ông Dũng xài “double standard”, tức là “chơi chữ”, nói sao cũng đúng. Pháp quyền ở đây là “pháp quyền” của ông Hồ.

10+10=20 là đúng hay 10+10=14 là đúng?

Cái nào cũng đúng, nếu ta đứng “trong hệ thống” của nó.

Nếu những người tranh đấu cho “dân chủ, nhân quyền” VN chưa hiểu được ông Dũng nói gì, trên căn bản nào đã “a dua” ủng hộ ông Dũng. Tệ hơn nữa, những người này lên án những người sử dụng từ “pháp trị” là cộng sản.

Tranh đấu kiểu này là đồng nghĩa với “tự sát” chính trị.


Nguồn: Vấn đề “hoàn thiện nhà nước pháp quyền”. Nhân Tuấn Trương. Facebook. 29/01/2015.

DCVOnLine: (*) Một cuốn sách mới xuất bản bằng Trung văn của  戴耀廷 [Đái Diệu Đình] Benny Y.T. Tai, giáo sư đại học Hong Kong tựa đề “法治心:超越條文與制度的法律價值” [Pháp trị tâm: Tiêu việt điều văn dữ chế độ đích pháp luật giá trị] The Passion for Rule of Law: Values beyond Legal Text and Legal Institutions (Hong Kong Educational Publishing Co., 2012).