Đôi lời tâm sự

Lê Quốc Trinh

typingTôi tạm gác lại bài đang viết về sự thật ẩn sau Phong Trào Phật giáo 1963 để lên tiếng chia sẻ tâm sự với nhiều bạn hữu xa gần về chủ đề vận mệnh dân tộc Việt Nam từ 60 năm qua và trong 5 năm tới.

Tâm tình với bạn bè cũ và mới về hiện tình đất nước

Thân gửi các bạn hữu xa gần,

Hôm nay tôi tạm gác lại bài đang viết về sự thật ẩn sau Phong Trào Phật giáo 1963 để lên tiếng chia sẻ tâm sự với nhiều bạn hữu xa gần về chủ đề vận mệnh dân tộc Việt Nam từ 60 năm qua và trong 5 năm tới. Bài viết tâm tình này tôi xin nhờ các trang báo mạng gửi đến các bạn bè cũ và mới mà tôi tạm chia thành bốn nhóm:

– Bạn cũ trường trung học Võ Trường Toản (60-67)

– Bạn cũ Đại Học Montreal (68-73)

– Bạn cũ trong Hội VKYNTC (73-90)

– Bạn mới quen sau bài viết Lời sám hối muộn màng (05-03-2015 -…)

1. Tâm tình với các bạn cũ trường trung học Võ Trường Toản, Saigon (60-67)

Ngày Truyền Thống Võ Trường Toàn 1975. Nguồn: votruongtoan.org
Ngày Truyền Thống Võ Trường Toàn 1975. Nguồn: votruongtoan.org

Nguyên nhân khiến tôi suy tư viết bài này vì tôi mới nhận được hai lá thư của các bạn học cũ trường trung học Võ Trường Toản, Saigon, qua trung gian của hai tờ báo baotoquoc.com và DCVOnline.net; xin phép tác giả cho tôi trích dẫn hai lá thư đó và cho tôi quyền tạm thời dấu tên tác giả và vài người được nhắc đến trong lá thư, vì vấn đề an ninh cá nhân của họ trong chế độ cộng sản công an trị.

a. Lá thư của bạn NXĐ

Các bạn Võ Trường Toản thân mến,

Tình cờ anh bạn tận trời Âu chuyến đến tôi bài sám hối của một cựu học sinh Võ Trường Toản. Tôi chợt nghĩ đến nhiều bạn ta đã nằm xuống cho VNCH trong những đóng góp cho sự thanh bình thịnh vượng của vùng đất một thời chúng ta sống và lớn lên… nơi đó chúng ta đã được trau dồi kiến thức để vươn lên… nhưng chẳng ai ngờ… lại có chuyện nầy.

Anh bạn Võ Trường Toản nầy giờ mới tỉnh ngộ, có lẽ anh ta đã bị vắt chanh bỏ vỏ như bạn Dương Văn Đầy thời tôi, anh đấu tranh để rước CSBV vào Nam, được phong chức bổng lộc đến chức Chủ tịch Tổng cục du lịch Việt Nam nhưng rồi bị chết mờ ám sau khi đi liên hoan… Hiện tại còn một bạn nữa là L T H cũng còn đang tại Canada không biết đã quay đầu khấn tội như bạn Lê Quốc Trinh nầy không????

Xin chuyển các bạn Võ Trường Toản để tùy nghi.

N X Đ
(cựu học sinh Võ Trường Toản, Saigon)

b. Lá thư của bạn ĐDN

Trinh ơi,

Sau gần 50 năm, từ ngày tụi mình (lớp đệ thất D Pháp văn) rời khỏi mái trường Võ Trường Toản cho đến nay là lần đầu tiên tao mới có tin tức về mầy. Tốt nghiệp chương trình trung học xong, tụi bây, mầy LÊ QUỐC TRINH (ngồi cùng bàn thằng Đ, thằng T), thằng T.K.C., H.T.Đ., V.V.T.,… đi du học. Bạn bè còn lại, vài đứa vào được đại học Phú Thọ, Y, Dược khoa. Phần lớn lêu bêu trong các giảng đường Văn, Luật khoa chờ ngày thi hành lệnh tổng động viên. Số bạn còn lại lần lượt vào Võ bị Đà Lạt, trường SQ Hải quân, Không quân. Đáng thương và đáng khâm phục nhất có lẽ là số đông anh em đã không may bị rớt Tú Tài, phải đi Trung sĩ, đã hiên ngang đầu quân vào các Quân binh chủng thiện chiến của QLVNCH như Nhảy Dù, Thuỷ Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân,…

Trong khi phần lớn bạn bè đã nhập cuộc cùng dân tộc, để chiến đấu chống CS xâm lược, sau đó có thẳng đã vị quốc vong thân (thằng Tính chết mất xác ở Đầm Dơi, thằng Toàn chết ở kinh Xà Tón, thằng Anh chết ở Khe Sanh,…) Có thằng đã để lại chiến trường một phần thân thể (thằng Của một mắt, thằng Hải cụt hai chân,…) Máu, mồ hôi và nước mắt của bạn bè đã đổ, đã chung góp tô bồi cho núi sông, cho đất nước, cho dân tộc được trường tồn, cho tụi bây được yên tâm ăn học, với những ước mong sau nầy tụi bây sẽ trở về quê hương tiếp tay diệt Cộng và dựng xây đất nước! Nhưng tụi bây, thằng đi sau đạp cứt thằng đi trước… đi, đi mãi, đi biệt tăm, đi không về, đi làm thằng khoa bảng vô ơn. Ngọn rau tấc đất nào nuôi tụi bây khôn lớn? Tụi bây báo đáp được gì chưa?

Tao và bạn bè Võ Trường Toản rất vui khi đọc được những lời sám hối của mầy. Hy vọng mầy đã phản tỉnh thật sự, tuy rằng những thằng từng một thời ăn cơm quốc gia thờ ma CS rất tin lời thằng CS như tụi mầy. Có lẽ mầy cũng hiểu hơn ai hết là vì sao?

Hy vọng sau mầy sẽ còn nhiều thằng “bạn” như mầy sẽ thức tỉnh quay về nẻo chánh, như thằng V V T (đang làm việc cho CS tại Hà nội), thằng L T H, v.v…Trễ còn hơn không!

Chúc mầy luôn khoẻ và mau hồi phục tâm thức yêu nước thương nòi và yêu nước thật sự! Hành động chứng minh cho lời nói (sám hối)!

Tao, bạn cũ Võ Trường Toản của mầy

Đ. D. N.
(cựu học sinh Võ Trường Toản, Saigon)

Sau đây là hồi âm của tôi:

Các bạn Võ Trường Toản thân mến,

Tôi đã rớt nước mắt sau khi đọc hai lá thư lôi cuốn tôi trở lại thực tại của quê huơng đất nước. Các bạn trách móc tôi đúng vì quá nhiều hy sinh mất mát trong thế hệ trẻ của chúng ta trong thời gian tôi yên ổn học hành ở xứ người (1967-1973), tôi xin phép nhắc lại một đoạn mở đầu trong bài hát Tôi Sẽ Đi Thăm của Trịnh Công Sơn:

… “Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm,
tôi sẽ đi thăm, một phố đầy hầm,
đi thăm hầm chông và mã tấu.
Khi đất nước tôi không còn chiến tranh
bạn bè mấy đứa vừa xanh nấm mồ”…

Và cũng xin gửi gấm thêm bài Tình Ca Người Mất Trí của do nữ ca sĩ Lê Uyên trình bày để nhớ mãi thảm cảnh chiến tranh mà dân tộc Việt Nam phải gánh chịu.

Tôi nhớ mãi hình ảnh ngôi trường Võ Trường Toản (VTT) của chúng ta, nhớ các thầy cô thân yêu bỏ công sức giảng dạy để nâng cao kiến thức cho thế hệ trẻ. Nhớ những buổi học về lịch sử dân tộc Việt Nam oai hùng chống ngoại xâm phương Bắc, nhớ những bài học về văn hoá dân tộc từ bà Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương cho đến các văn sĩ thi sĩ Nguyễn Công Trứ, Tản Đà, Nguyễn Du hay nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Nhớ mãi những giờ Công Dân Giáo Dục chán ngắt vì không thể nào hiểu nổi Tam Quyền Phân Lập là gì. Sau này sống lâu dài ở xã hội Bắc Mỹ, đi bầu phiếu thường xuyên và theo dõi những cuộc tranh luận chính trị của người ta tôi mới vỡ lẽ ra dân chủ tự do là gì, rằng chính trị và kinh tế là những lĩnh vực quan trọng cho đời sống như nước và không khí. Đến lúc đó tôi mới thấy nền giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa là cao thượng, đầy tính nhân bản, khai phóng con người, là những hạt mầm tốt gieo trồng cho một vườn hoa tươi đẹp, nhưng mới ở giai đoạn phôi thai chưa đủ tuổi trưởng thành (1955-1975). Nếu không có chiến tranh tàn phá, không có chế độ cộng sản phi nhân, phản khoa học này thì dân tộc Việt Nam (miền Nam, VNCH) đã vươn lên thành một cường quốc giàu mạnh trong vùng Đông Nam Á từ lâu rồi.

Xin chân thành cám ơn các bạn Võ Trường Toản thân yêu.

2. Tâm tình với các bạn cũ Đại Học Montreal, U de M (68-73)

Trường Bách Khoa, Đại học Montreal 1971. L'École polytechnique de Montréal.Année: 1971. © Archives Nationales du Québec Auteur: Henri Rémillard. Référence: Archives nationales du Québec (Montréal).
Trường Bách khoa Kỹ thuật, Đại học Montreal 1971. L’École polytechnique de Montréal. Année: 1971. © Archives Nationales du Québec Auteur: Henri Rémillard. Référence: Archives nationales du Québec (Montréal).

Thân gửi các bạn,

Chúng ta quen nhau không lâu dài, vỏn vẹn có 5 năm thôi, nhưng hãy còn lưu lại trong ký ức tôi nhiều kỷ niệm êm đẹp với các bạn, từ trường Polytechnique (Bách Khoa Kỹ Thuật) cho đến nhiều phân khoa khác của Đại Học Montreal. Năm ngoái qua vài buổi ăn cơm và uống cà phê ở Montreal, chúng ta vô tình gặp gỡ vui vẻ sau hơn 40 năm dài, có kẻ ra đi vĩnh viễn, có người giàu sụ nhờ làm ăn phát đạt … nhưng tựu chung vài nét trẻ tuổi ngày xưa hãy còn phảng phất, nhất là tiếng Đan Mạch (Đ.M.) vẫn còn nổ như bắp rang. Tôi vui lắm vì ít nhất tôi còn tìm lại được tính khí thẳng thắn bộc trực của con người Việt Nam, một nhân tố mà tôi khó tìm thấy qua 17 năm sinh hoạt với những người tự xưng yêu nước trong HVKYNTC (73-90).

Để trả lời 2 anh bạn VTT cũng như nhiều người thắc mắc “vì lý do gì tôi gia nhập hội đoàn Yêu Nước thân Cộng”, tôi xin thổ lộ.

Đó là một buổi chiều tôi đến ca hát sinh hoạt ở nhà anh bạn L.V.A.D., ở một phòng trọ đối diện đại học Montreal. Thời điểm 72-73, trong trào lưu xuống đường biểu tình của sinh viên học sinh tại Saigon, anh D vô tình giới thiệu cho tôi và hát chung hai bản nhạc đấu tranh: bài Tự Nguyện của Trương Quốc Khánh và bài Dậy Mà Đi của Nguyễn Xuân Tân. Không ngờ những lời ca đó đã làm tôi xúc động mãnh liệt vì nó gợi cho tôi nhớ lại quãng thời gian xuống đường từ thời Pháp Nạn 1963 lây lất kéo dài đến 1967. Cùng lúc trên TV Canada xuất hiện nhiều cảnh chiến tranh khốc liệt ở Việt Nam: cảnh B-52 “rải thảm Hà Nội”(1), cảnh trực thăng vận của Hoa Kỳ đổ bộ quân sĩ VNCH trên chiến trường miền Nam, v.v. Song song với những câu hỏi của vài bạn người bản xứ Canada thắc mắc về lịch sử cận đại Việt Nam khiến cho tôi phải suy tư đi tìm sự thật. Đó là những động lực thúc đẩy tôi lấy xe bus, đi bộ đến thư viện lớn nhất thành phố Montreal tìm tòi lục lọi tài liệu tiếng Pháp, tiếng Anh lẫn tiếng Việt nói về chiến tranh Việt Nam, về sự can thiệp của Mỹ, về cộng sản Bắc Việt, về ông Hồ Chí Minh và ông Ngô Đình Diệm. Tôi đã bỏ ra hơn ba tháng trời khuân ba chồng tài liệu của các ký giả ngoại quốc nổi tiếng đương thời, như Bernard Fall(2), Wilfred Burchett(3), báo Le Monde hay Nguyễn Trung Việt, v.v. về nhà đọc ngấu nghiến. Tôi tin rằng họ trung thực vì họ không xuất phát từ các nước cộng sản, và họ xông pha chiến trường hàng ngày. Sau hơn ba tháng tìm kiếm sự thật tôi có cảm tưởng thế giới lên án Hoa Kỳ và chính phủ bù nhìn Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu trong khi lại ra sức tán dương ông Hồ đến mức độ coi ông Hồ như vị cứu tinh cho dân tộc Việt Nam. Tôi đã bị nhiễm tuyên truyền cộng sản một cách tinh vi mà không hay, cùng lúc đó ông anh tôi, là thành viên của HVKYNTC, cứ tiếp tục mang sách vở tài liệu cộng sản miền Bắc về cho tôi đọc thêm. Dần dần tôi ngả theo hướng “Yêu nước là yêu Chủ nghĩa Xã hội” của ông Hồ(4).

Tuy nhiên, có một chi tiết vô cùng quan trọng là tôi không hề biết về “Bức Công Hàm Bán Nước Phạm Văn Đồng ký ngày 14-09-1958”. Bây giờ ngồi nghĩ lại tôi bực dọc và mang tâm trạng một nguời bị lừa gạt, cố công đi tìm sự thật lịch sử mà vẫn bị bịt mắt không hay. Phải chi ngày đó (1973) Internet xuất hiện thông tin quảng bá mọi sự thật về bức công hàm PVĐ 1958, thì chắc chắn tôi không bao giờ gia nhập Hội đoàn thân Cộng.

Ngay đến tập tài liệu Pentagon Papers xuất hiện sau này, không bao giờ đề cập đến bức công hàm PVĐ 1958. Tại sao vậy? Ngày 04-9-1958, TQ ra tuyên bố đòi hỏi chủ quyền biển đảo và 10 ngày sau (14-09-1958) chính phủ VNDCCH (cộng sản miền Bắc) ra công hàm công nhận, theo tôi đó chính là cái mốc lịch sử bắt nguồn cho mọi mưu đồ xâm lược miền Nam Việt Nam của cộng sản Việt Nam và cộng sản Trung Hoa, khơi mào chiến tranh, khiến quân đội Mỹ phải can thiệp, 58000 quân sĩ HK tử trận, tiêu pha hơn 150 tỷ đô-la US, hơn 3 triệu người dân Việt Nam bị chết, mất trắng nhà cửa ruộng đồng, phiêu bạt khắp thế giới sống kiếp lưu vong. Sự kiện quan trọng này đâu phải là chuyện đùa. Tại sao thông tin bị bưng bít cho đến bây giờ mới hiển lộ? Ai có khả năng phân tích xin cho tôi một lời giải thích?

Có ai đủ khả năng lên tiếng giải thích tại sao tổng thống Mỹ J.F. Kennedy lại bị ám sát chết một cách bí ẩn chỉ sau ngày đảo chính ông Ngô Đình Diệm hơn một tuần (11-1963)? Tại sao chỉ nghe nói đến Pentagon Papers mà không bao giờ thấy xuất hiện White House Papers? Tôi xin chân thành ngồi yên lắng tai nghe. Tại sao chỉ một năm sau là quân đội Mỹ bắt đầu rục rịch đổ bộ lên Đà Nẵng sau màn chiến hạm Maddox bị tấn công trong vịnh Bắc Việt (1964)? Có ai để tâm theo dõi tình hình thế giới luc đó (1964) để biết rằng nội bộ TQ đang bị tê liệt, chém giết thủ tiêu nhau đưa đến một cuộc Cách Mạng Văn Hóa vĩ đại, gần 40 triệu nguời TQ chết và TQ tự cô lập cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài (1964)? Thời điểm đó tối ư quan trọng cho sự sống còn của chính quyền Hà Nội, vì mọi tiếp viện quân sự, vũ khí từ Liên Xô đến miền Bắc Việt Nam phải chuyên chở bằng đuờng bộ xuyên qua lãnh thổ TQ.

Có ai dám tự đặt câu hỏi rằng: “Giả dụ nếu TQ và Liên Xô cùng khối CS quốc tế thắng trận, tiêu diệt Hoa Kỳ và những nước tư bản Âu Châu … thì tương lai nhân loại toàn thế giới sẽ đi về đâu?” Giờ này chúng ta có được computer, Internet, DVD, TV HD, WiFi, Cell Phone, iPhone, iPad để liên lạc với nhau nhanh cấp kỳ hay chúng ta đang ngồi trong hàng trăm Trại Học Tập Cải Tạo và có còn hiện hữu để lên máy gõ lóc cóc trao đổi với nhau không? Xin mời các bạn trả lời.

Nói thế để các bạn thông cảm rằng, cố công đi tìm thông tin sự thật là một chuyện, nhưng có tiếp cận được sự thật hay không là chuyện khác.

Sau hết, xin chân thành cám ơn các bạn còn giữ được mối giao hảo thân tình với tôi cho đến ngày hôm nay.

3. Tâm tình với các bạn mới quen qua bài viết Sám Hối (2015-…)

Thân mến chào các bạn,

Trước hết tôi xin có lời cám ơn chân thành gửi đến chị Ngô Minh Hằng. Chị và tôi chưa hề quen biết, chưa bao giờ trao đổi với nhau trên Mạng, nhưng bài thơ “Không Muộn Đâu Anh” (5)do chị sáng tác nhanh và lời lẽ chân thành đã khiến tôi xúc động mãnh liệt. Khi nói “sám hối muộn màng” tôi thầm nghĩ mình chẳng còn năng lực là bao để dấn thân hoà sức cùng giới trẻ trong công cuộc gầy dựng lại cơ đồ Viejt Nam Cộng hòa. Cám ơn chị Hằng nhiều, hẹn gặp lại trong tương lai.

Thứ hai, tôi cũng xin gửi lời cám ơn đến ban biên tập báo DCVOnline.net đã hiệu đính, minh hoạ cùng những chú thích và trích dẫn những tài liệu liên quan đến bài viết. Cám ơn các anh chị nhiều.

Sau cùng tôi cũng xin cám ơn nhiều bạn bè xa gần gọi điện thoại đến chia sẻ, khích lệ và gửi phản hồi tích cực trên các trang báo, vận động tinh thần tôi.

Để đáp lại tấm thịnh tình, tôi mời các bạn xem lại ý kiến của tôi dưới bài Phản biện với Jonathan London của tác giả Tôn Vân Anh(6) để so sánh ý nghĩa và bản chất hai lá cờ: Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ (VNCH, 1955-1975) và Cờ Đỏ Sao Vàng (VNDCCH miền Bắc VN)

Tôi sẽ có thêm một bài khác so sánh hai bản Quốc Ca: bài Tiến Quân Ca, VNDCCH của Văn Cao và bài Tiếng Gọi Thanh Niên, VNCH của Lưu Hữu Phước để các bạn thấy sự khác biệt về ý nghĩa và giá trị lịch sử, nhất là trong tình thế dầu sôi lửa bỏng này.

Thân tặng các bạn bài hát Hải Ngoại Thương Ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, sáng tác năm 1964, để cùng nhau nghĩ về quê hương thân yêu.

…Tôi đi giữa trời bồi hồi
Cờ bay phất phới quên chuyện ngày xưa
Mong sao nước Việt đời đời
Anh dũng oai hùng chen chân thế giới …

4. Vài hàng với các bạn cũ trong Hội VKYNTC

Nguồn: Bến cảng Nhà Rồng.
Nguồn: Bến cảng Nhà Rồng.

Thân mến chào các anh chị,

Tôi không biết phải xưng hô với các anh chị như thế nào cho xứng với hiện tình đất nước bây giờ. Tôi biết chắc chắn các anh chị không lạ gì những hình ảnh cung điện và ngai vàng sáng chói của ông cựu Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh tung trên khắp báo chí, sau đó là ngày kỷ niệm đảo Gạc Ma (Trường Sa) mất vào tay TQ (14-03-1988) tổ chức âm thầm và ô nhục vì hình ảnh 64 anh bộ đội hải quân đưa thân hình làm bia sống cho bọn xâm lược phương Bắc mặc sức nhả đạn, khoái trá. Đến giờ ai ai cũng biết tin đại tướng Lê Đức Anh, bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam thời đó đã ra lệnh quân sĩ không được cầm súng bắn trả. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh về hưu gọi thẳng đại tướng Lê Đức Anh là phản quốc, phản động …Thế nhưng chẳng một ai dám động đến một sợi chân lông của Lê Đức Anh, không ai dám đặt nghi vấn về gia tài đồ sộ của Nông Đức Mạnh. Thế giới nhân loại sẽ nghĩ sao về thân phận của dân tộc Việt Nam hiện nay? Các anh chị nghĩ sao? Các anh chị có cảm thấy xấu hổ, có bực dọc hay giận dữ không khi thấy những hình ảnh mâu thuẫn và nhục nhã vẫn còn trên mảnh đất mà cha ông tổ tiên chúng ta đã bỏ ra biết bao công sức dựng nước, giữ nước để các anh chị về chơi “cưỡi ngựa xem hoa” mỗi năm?

Ngày xưa khi các anh chị rời miền Nam ra đi du học, trái tim nồng nhiệt của hàng chục sinh viên trẻ đó đã dám thành lập Hội đoàn Việt Kiều Yêu Nước tại Canada với mục tiêu phản chiến chống Mỹ cứu nước. Các anh chị tự hào hãnh diện cho hành động yêu nước dũng cảm của mình, dám tổ chức những khoá học về chủ nghĩa xã hội mà tôi thường tham dự khi mới tập tễnh bước chân vào Hội (1973). Tôi đã tham dự ba ngày cuối tuần khóa học Chủ nghĩa Xã hội do anh cựu Tổng biên tập báo Đất Việt tự đứng ra tổ chức ở một căn phòng mượn ở đại học McGill. Tôi còn nhớ mãi những bài học về “thuyết thực tiễn”, “thuyết mâu thuẫn”(7) của ông Mao Trạch Đông mà anh P. hăng say giảng giải. Và tôi cũng không quên trong thời kỳ đó một số các anh chị khác lại cũng tổ chức khoá học song song về Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, học tập theo gương bác Hồ. Tôi thực sự cảm thấy khó chịu và dị ứng vô cùng khi cầm cuốn sách Đường Kách Mệnh của Nguyễn Ái Quốc lên đọc bởi vì đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với một tác phẩm lai căng, chữ nghĩa pha chế xà bần từ tiếng Pháp gán ghép vào tiếng Việt (chữ f và chữ z). Từ đó tôi bắt đầu hiểu các anh chị là ai, và từ đó tôi bắt đầu giữ khoảng cách với các anh chị. Chưa nói đến những lục đục phân hoá nội bộ của các anh chị, chia thành hai một theo Tàu, một theo Liên Xô, không khác gì tập đoàn lãnh đạo đảng Cộng sản của các anh chị ở Việt Nam. Tình trạng xấu đến nỗi Hội Đoàn Kết Việt Kiều tại Pháp đã phải cử hai ông H.T.Đ. và N.N.G. sang Canada để tìm cách giải hoà các anh chị. Có đúng thế không? Cho nên gọi các anh chị là những người “thân Cộng” thì có gì sai không?

“Bảo vật quốc gia”: cuốn “Dường Kách Mệnh” của Nguyễn Ái Quốc. tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh giảng tại lớp Huấn luyện chính trị trong những năm 1925-1927, do Bộ Tuyên truyền của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông xuất bản ở Quảng Châu và bí mật chuyển về nước theo nhiều ngả đường khác nhau trong phong trào vô sản hóa (1927-1930)  tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh giảng tại lớp Huấn luyện chính trị trong những năm 1925-1927, do Bộ Tuyên truyền của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông xuất bản ở Quảng Châu và bí mật chuyển về nước theo nhiều ngả đường khác nhau trong phong trào vô sản hóa (1927-1930).  Nguồn:  baomoi.com
“Bảo vật quốc gia”: cuốn “Dường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc in thạch và do tác giả trực tiếp viết bản in tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh giảng tại lớp Huấn luyện chính trị trong những năm 1925-1927, do Bộ Tuyên truyền của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông xuất bản ở Quảng Châu và bí mật chuyển về Việt Nam theo nhiều ngả đường khác nhau trong phong trào vô sản hóa (1927-1930). Nguồn: baomoi.com

Đến đây, tôi xin phép tạm ngừng để kể một chuyện khôi hài như sau.

Tôi nghe loáng thoáng phe này gọi phe kia là “bọn Mao ít”. Hồi tôi học th VTT chưa hề được giáo huấn về chủ nghĩa cộng sản, cho nên tôi ngơ ngác cứ tưởng các ông nói bóng gió “mao ít, mao nhiều” hẳn là “lông ít, lông nhiều” và cứ thắc mắc mãi. Sau này mới vỡ lẽ Mao Ít là Maoism và Maoits, một loại chủ nghĩa và những người theo đuôi Mao Trạch Đông. Tôi tự nhủ phải chăng từ năm 1955 chính phủ VNCH cứ cho học trò hiểu biết rõ về chủ nghĩa cộng sản thì biết đâu tinh thần chống Cộng sẽ bùng nổ và tránh được phong trào sinh viên phản chiến biểu tình để cho MTGPMN giật dây sau lưng (Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Lê Văn Nuôi, v.v.)

“mao ít” với “mao nhiều”. Nguồn: OntheNet
“mao ít” với “mao nhiều”. Nguồn: OntheNet

Bây giờ tôi xin đề cập đến những hồi âm của vài anh trong Hội sau khi nhận được bài Sám Hối Muộn Màng của tôi. Lá thư tôi nhận sớm nhất từ nhà văn ND, người chuyên viết truyện tiểu thuyết. Anh nhắn tôi “mau hồi phục và chúc bình an”. Cuối cùng anh yêu cầu tôi “rút tên anh ra khỏi danh sách gửi E-Mail”. Một số anh khác cũng lên tiếng đòi hỏi tôi xóa tên họ trong danh sách địa chỉ email. Tôi xin trả lời thẳng như sau.

a. Đúng thế, cám ơn nhà văn ND, tôi rất muốn hồi phục sức khoẻ sớm sau khi nhận nhiều cú dao đâm sau lưng của các “đồng chí trong 17 năm sinh hoạt tích cực”. Về những nhát dao từ sau năm 1990, tôi sẽ lần lượt công bố. Câu “vắt chanh bỏ vỏ” trong bức thư của người bạn thân VTT ngày nào vẫn chưa thê thảm bằng những hình ảnh “đồng chí đâm dao sau lưng” như đã xảy ra trong một hội đoàn ở hải ngoại, những nhát dao từ những con người gọi là trí thức và có học.

b. Anh ND chúc tôi “bình an”, tôi xin cám ơn và không dám nhận. Vì lẽ tôi không thể bình an, yên vui trong tháp ngà, trong khi quê hương đất nước tôi ngày càng đắm chìm trong vũng bùn đen tối XHCN, tương lai dân tộc mờ mịt. Nếu anh ND muốn được “bình an” thì tôi xin phép trả lại lời chúc đó cho anh. Cám ơn anh.

c. Nhiều anh bạn hội viên nòng cốt xưa rất muốn tôi ngừng liên lạc gửi email nói về thảm cảnh đất nước hiện thời. Tôi sẵn lòng chiều ý các anh, và tôi xin nói thẳng với các anh rằng,

Tôi gửi email chủ ý thông tin, bàn luận chuyện quê hương đất nước hàng ngày, với trích dẫn từ báo chí “lề phải” trong nước, từ đài BBC, VOA, RFI, RFA từ La Presse (Canada), chính là mong các anh thức tỉnh trước hiện tình tổ quốc. Sau nữa tôi muốn các anh hiểu nỗi bực dọc khó chịu của kiều bào Canada khi bị tờ báo Đất Việt của Hội các anh tuyên truyền rỉ rả gần 17 năm.

Ngày xưa các anh đã tha hồ vào báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ để trích dẫn bài, xong rồi hỳ hục đánh máy, đánh dấu và tự xuất tiền đem in và gửi khắp nơi. Các anh có bao giờ tự hỏi công việc đó đem lại lợi ích gì, có bao giờ biết người nhận báo sẽ khó chịu ra sao không?

Sau cùng, trong khuôn khổ giới hạn của bài viết này, tôi không muốn tản mạn quá dài làm mệt trí người đọc, chỉ xin tóm tắt vài hàng chót để nhắn gởi đếb các anh chị còn vương vấn với chế độ cộng sản phi nhân phản khoa học rằng:

  • Chính quyền Cộng sản miền Bắc Việt Nam không có chính nghĩa gì cả khi phát động chiến tranh xâm lược miền Nam mà chỉ vì chủ nghĩa và chủ nhân. Đầu óc lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam (ở miền Bắc Việt Nam) đã bị cái vòng kim cô chủ nghĩa Cộng sản siết chặt, hai tay hai chân bị hai ông chủ cộng sản Trung Hoa và cộng sản Liên Xô kềm kẹp. Đó là sự thật đắng cay muôn đời mong các anh chị hiểu và mau sám hối để trở về với dân tộc;
  • Chính thể VNCH (ở miền Nam Việt Nam) không bao giờ áp đặt chủ nghĩa nào hết, người miền Nam Việt Nam chính danh và có chính nghĩa. Chính danh vì chính phủ đại diện hoàn toàn do nhân dân miền Nam bầu lên trong mọi cuộc bầu phiếu tự do dân chủ. Chính nghĩa bởi vì nhân dân miền Nam chiến đấu để bảo vệ tự do dân chủ và mảnh đất thân yêu;

Thân gửi các anh chị bài hát Tâm Sự Gửi Về Đâu của Phạm Duy, phổ thơ Lê Minh Ngọc (1962) nói về tâm trạng đau buồn cay đắng của một cặp tình nhân trẻ ở miền Bắc cộng sản. Chàng vì lý tưởng điên cuồng giải phóng miền Nam mà đầu quân làm bộ đội chiến đấu trong Nam, còn nàng là một cô gái quê cam chịu kiếp sống tủi hờn ngục tù trong xã hội cộng sản thời chiến tranh. Hai người ở hai phương trời cách biệt ngồi tưởng nhớ đến nhau:

…Lệ trên đá rơi hoài
Chuyện mình ai người biết
Và ai sẽ sót thương …

Mời các anh chị lắng tai nghe lời ca để thấu hiểu thực trạng đất nước dân tộc.

5. Phần kết

Sau cùng, tôi xin phép tạm dừng ở đây để không làm mệt trí người đọc, tuy rằng tôi hãy còn nhiều điều muốn nhắn gởi đến các anh chị còn vương vấn trong Hội VKYNCT, xin hẹn gặp lại lần tới.

Thân mến chào các bạn hữu xa gần, chúc sức khoẻ và thân tâm an khang.

Canada, 19-03-2015

TB: Tôi xin nhờ báo chí trên mạng nhắn với ông Liên Thành và những ai biết nhiều về phong trào Pháp Nạn 1963 liên lạc với tôi để cùng nhau bóc trần sự thật lịch sử. Tôi có cảm tưởng rằng thượng toạ Thích Trí Quang chưa phải là nhân vật chủ chốt của sự kiện. Đó chỉ là “một con tép” làm vật tế thần để thế mạng cho nhiều kẻ chủ mưu đứng sau tấm màn đen tối nhằm triệt hạ chính thể VNCH. Bài viết sắp tới sẽ nói về sự kiện lịch sử này.

 

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Bài do tác giả gởi; DCVOnline đề tựa, hiệu đính, minh họa và chú thích.

DCVOnline:
(1) Tác giả muốn nhắc đến chiến dịch Linebacker II kéo dài từ ngày 18 đến ngày 29 tháng 12, 1972 do lực lượng Không quân thứ Bẩy (AF7) và Toán Đặc nhiệm 77 của Hải Quân Hoa Kỳ oanh tạc các cơ sở hậu cần và hỗ trợ chiến tranh như đài phát thanh, các tuyến đường sắt, các nhà máy điện, và các sân bay của quân cộng sản ở quanh Hà Nội và Hải Phòng nhằm buộc chính phủ cộng sản Việt Nam trở lại cuộc đàm phán để đi đến một thỏa hiệp ngừng bắn. Một tháng sau đó Hiệp định Paris đã được ký kết vào ngày 27 tháng Giêng, 1973.
Ngày 22 tháng 12, 1972, một cánh của Bệnh viện Bạch Mai, nằm ở ngoại ô phía nam của Hà Nội, đã bị một chuỗi bom lạc mục tiêu của B-52 phá hủy làm 28 bác sĩ, y tá, dược sĩ tử thương (bệnh nhân đã được di tản khỏi bệnh viện trước đó). Con số tử vong dân sự này đã trở thành lá bài tuyên truyền của Hà Nội và các nhóm phản chiến chống Mỹ lúc đó. Bệnh viện Bạch Mai nằm cách phi đạo của sân bay Bạch Mai 1 km và cách một cơ sở chứa nhiên liệu lớn 200 m. [Thompson, Wayne, To Hanoi and Back: The U.S. Air Force and North Vietnam, 1966–1973. Washington DC: Smithsonian Institution Press, 2002 và John Morocco, Rain of Fire. Boston: Boston Publishing Company, 1985]
(2) Bernard Fall (1926-1967) là một nhà báo, sử gia chuyên về Đông Dương trong những năm 1950, 1960. Sinh tại Áo, di cư theo gia đình sang Pháp sinh sống, học đại học Paris, Munich rồi New York và định cư tại Hoa Kỳ trong những năm đầu 1950. Là một tác giả tuy tin là sự có mặt của quân đội Mỹ tại Việt Nam có thể chận được làn sóng cộng sản nhưng chỉ trích nặng nề chính phủ Ngô Đình Diệm và các chiến thuật của quân đội Mỹ tại Việt Nam. Bernard Fall trúng mìn chết ngày 21 tháng Hai 1967 khi tháp tùng Thủy quân lục chiến Mỹ trong chiến dịch Chinook II tại mặt trận ThừaThiên.

Một số tác phẩm của Bernard Fall về chiến tranh Việt Nam:
Last reflections on a war. Garden City, New York: Doubleday & Company. 1967.
Hell in a Very Small Place: The Battle of Dien Bien Phu Siege of Dien Bien Phu. Lippincott. 1966.
The Two Vietnams: a political and military analysis. 1963.
Viet-Nam Witness, 1953-66 (1966)
Street without joy; Indochina at war, 1946-54. Harrisburg, Pa.: Stackpole. 1961.
The Viet-Minh Regime (1954)
(3) Wilfred Graham Burchett (1911 – 1983) là một phóng viên chiến trường ở Á châu người Úc thiên cộng, mất sổ thông hành từ năm 1955 nhưng chỉ được chính phủ Úc cấp lại Passport vào năm 1972. Năm 1969, điệp viên KGB bỏ ngũ Yuri Krotkov điều trần trước quốc hội Mỹ cho biết Wilfred Graham Burchett là nhân viên của KGB. Ngoài ra Krotkov còn cáo buộc là Burchett đã làm gián điệp cho cộng sản Việt Nam và cộng sản Trung Hoa, đồng thời là đảng viên của đảng cộng sản Úc. Một gười khác cũng phê bình Burchette nói rằng ông ta chỉ là đảng viên bí mật của đảng cộng sản chứ không phải là nhân viên KGB. [Tibor Méray, On Burchett, Callistemon Publications, Kallista, Victoria, Australia, 2008].
Trong một vụ Burchett kiện Jack Kane, một chính khách Úc thuộc đảng Lao Động Dân chủ Úc, đòi bồi thường danh dự (1974), ông Kane đã đưa một số tù bịnh chiến tranh Đại Hàn người Úc ra làm nhân chứng về những hành vi nhục mạ, dọa nạt và đôi khi tham gia các cuộc thẩm vấn tù nhân. Hồi chánh viên Bùi Công Tương và Tô Minh Trung cũng được đưa qua Úc làm chứng trước phiên tòa rằng Alfred Burchett viết lách gian dối, không khách quan, khi tường thuật thực trạng tại các vùng giải phóng ở miền nam Việt Nam và được Hà Nội rất quý trọng coi là Chiến sĩ Đồng chí ngang với Lenin và Hồ Chí Minh. [Denis Warner, Not Always on Horseback: An Australian Correspondent at War and Peace in Asia, 1961–1993, Allen and Unwin, St Leonards, 1997 và Hồ Văn Châm, Chương Trình Chiêu Hồi, Sơn Trung Thư Trang, 2012.]
Wilfred Graham Burchett ca ngợi Bước Đại Nhảy vọt của Mao Trạch Đông và cho là Trung Cộng “đúng 100%”; 1975-76 Burchett ca ngợi chính sách và Pol Pot và hiến pháp Khmer vì tưởng rằng Norodom Shihanook (bạn của Burchett) cũng nằm trong ban lãnh đạo của Khmer đỏ. 1978 Burchett vỡ mộng, lên án Khmer đỏ, khi đi thăm các trại tị nạn cộng sản và sau đó bị Khmer đỏ lên án tử hình. 1982 Burchet dọn sang Bulgary, vẫn là một xứ cộng sản, sinh sống và chết ở đó. 2011 Việt Nam làm lễ kỷ niệm 100 ngày sinh của Burchette bằng cuộc một cuộc triển lãm ở viện bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội.
Trước 1975 Brurchett viết cuốn Passport: an autobiography (1969) và cuốn The furtive war: the United States in Vietnam and Laos, New York: International Publishers, 1963.
(4) “Yêu nước ở Hồ Chí Minh là gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn liền chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, ‘Giang sơn muôn dặm một nhà – Bốn phương vô sản đều là anh em.’” [TS. Nguyễn Quốc Phẩm, Từ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam truyền thống đến Tư tưởng Hồ Chí Minh. Học viện Chính trị Quốc gi (Tạp chí Khoa học chính trị, số 5/2001)].
(5) Ngô Minh Hằng, Không Muộn Đâu Anh, đăng nagfy 15 tháng 3, 2015 ở trang Bốn phương chữ nghĩa buồn vui ngay trên bài “Sám hối muộn màng” của Lê Quốc Trinh đăng lại ngày 6 tháng 3, 2015, bài của DCVOnline nhưng xóa mất phần “© 2015 DCVOnline và DCVOnline minh họa và chú thích” từ những trang vội vàng cắt dán và đăng lại.
(6) Tôn Vân Anh, Phản biện với Jonathan London, Đàn Chim Việt, 25/5/2013.
(7) Mao Zedong, 《矛盾论》; 1937, Mâu thuẫn luận, đây là tác phẩm quan rọng nhất của Mao Trạch Đông: tất cả mọi thứ tiến hóa như là kết quả của sự mâu thuẫn. Mao chủ trương cách mạng không bao giờ kết thúc. 《实践论》; 1937, Thật tiễn luận: Lấy kiến thức từ thực hành.

2 Comments on “Đôi lời tâm sự

  1. Bu00e0i viu1ebft chu01a1n tu00ecnh – chu1ec9 cu00f3 u0111u01b0u1ee3c u1edf mu1ed9t nu1ec1n giu00e1o du1ee5c xu00e3 hu1ed9i nhu01a1n bu1ea3n miu1ec1n Nam before nu0103m 1975: nn(1)- Bu1ea1n cu0169 tru01b0u1eddng trung hu1ecdc Vu00f5 Tru01b0u1eddng Tou1ea3n (60-67)nn(2)- Bu1ea1n cu0169 u0110u1ea1i Hu1ecdc Montreal (68-73)nn(3)- Bu1ea1n cu0169 trong Hu1ed9i VKYNTC (73-90)nn(4)- Bu1ea1n mu1edbi quen sau bu00e0i viu1ebft Lu1eddi su00e1m hu1ed1i muu1ed9n mu00e0ng (05-03-2015 -u2026)nnEm xin mu1ea1n phu00e9p u00dd kiu1ebfn u00dd cu00f2, phu00e2n tu00e1ch analyze: nn(1) Tuu1ed5i thu01a1.nn(2) Hu1ecdc u0111u01b0u1eddng.nn(3) Thu1eddi ku00ec bu1ecbnh hou1ea1n: tu00e2m thu1ea7n u0111iu00ean lou1ea1n, ngu du1ed1t, mu1eb7c du1ea7u tru1ef1 nu00e0o cu0169ng u0111u1ed9 tuu1ed5i trung niu00ean, cu00f3 ku1ebb tuu1ed5i u0111u00e3 cao (mu1eb7c du1ea7u chu1ee7 nghu0129a CS u0111ang du00e3y chu1ebft) nhu01b0ng tru1ef1 nu00e0o cu0169ng mu1ed9t lu00f2ng trung kiu00ean vu1edbi chu1ee7 nghu0129a CS; vu1eabn cu00f2n thu00e8m hu1eedi u0111u00edt Vc cho thu1ecfa mong nhu1edb CS – phu00f3ng lao phu1ea3i theo lao – mu1ed9t lu0169 giu00e0/tru1ebb u0111u1ed1n mu1ea1t!nn(4) Bu1ea1n mu1edbi quen….Thu1eddi gian su1ebd….giu1ea3 nhu1eddi!nnu0110a tu1ea1!

  2. Anh TrinhnnBu00e0i viu1ebft cu1ee7a Anh ru1ea5t hay vu00e0 hu00e0m su00fac u00fd chu00ed cu1ee7a tuu1ed5i tru1ebb VNCH. u0110u00f3 cu0169ng lu00e0 cu00e1i triu1ebft ly giu00e1o du1ee5c nhu00e2n bu1ea3n, du00e2n tu1ed9c vu00e0 khai phu00f3ng u0111u1ea3 u0111u00e0o nhiu1ec1u thu1ebf hu1ec7 sinh viu00ean.nnBu00e2y giu1edd sao khu00f4ng thu1ea5y mu1ed9t lu01b0u hu1ecdc sinh VN nu00e0o nu00f3i lu00ean cu1ea3m nghu1ec9 cu1ee7a chu00ednh mu00ecnh ?