Một lời xin lỗi

Tưởng Năng Tiến

Civilians Return to Bombed HomesDù ở bên này hay “Bên Kia Đèo Bá Thở”, những bà mẹ, bà vợ Việt Nam – ngay trong mơ – đều không (dám) mong đợi một lời xin lỗi từ bất cứ ai. Đừng nói chi đến một số tiền bồi hoàn, vì họ đã mất chồng hay con (hoặc cả hai) trong cuộc chiến – hoàn toàn không cần thiết – vừa qua.

đây là thời chủ nhân ăn mày ăn nhặt
trong khi đầy tớ nhân dân ăn ngập mặt ngập mũi ăn hớt, ăn bẩn, ăn tục, ăn lận, ăn chận, ăn cướp, ăn gian, ăn tham, ăn lường, ăn bịp, ăn suông, ăn ké, ăn chia, ăn sống, ăn lạnh, ăn nóng, ăn theo, ăn chực, ăn vạ, ăn lẻ, ăn si,
ăn tất tần tật
chỉ trừ ăn năn…

Phan Nhiên Hạo

Từ Úc Châu, Trà Bồng có bài tường thuật (“Nước Úc Và Lời Xin Lỗi”) đọc được trên Web Đàn Chim Việt – vào ngày 14 tháng 2 năm 08 – xin được tóm gọn như sau:

“Thứ Tư, ngày 13 tháng 2 năm 2008 là một ngày lịch sử của nước Úc. Lúc 9 giờ sáng ông Kevin Rudd, Thủ tướng Úc đã đọc lời tạ lỗi trước toàn dân Úc trong quốc hội… “

“Lời tạ lỗi được trực tiếp truyền đi trên khắp các hệ thống thông tin tân tiến của thế kỷ 21. Người ta có thể nghe qua máy thâu thanh. Người ta có thể xem qua máy truyền hình hay internet. Công chúng có thể theo dõi trực tiếp qua các màn hình khổng lồ đặt ngoài trời ở nơi công cộng của các thành phố lớn…”

“Hồi 1995 một ủy ban được thành lập để điều tra việc các trẻ em thổ dân bị cách ly khỏi gia đình của chúng. Những cơ quan chính phủ đã mang các trẻ em này về nuôi dưỡng trong các cơ sở tôn giáo, chính phủ, hoặc phân phối cho những gia đình da trắng nhận làm con nuôi. Kết quả cuộc điều tra được đệ trình lên quốc hội vào năm 1997”.

“Bản tường trình được gọi là “Bringing Them Home” (Mang Họ Về Với Gia Ðình). Một trong số những đề nghị mà bản tường trình nêu lên là chính phủ nên có lời xin lỗi người thổ dân về chính sách sai lầm này…”

“Bản tường trình gọi chung các trẻ em này là ‘stolen generations’ (các thế hệ bị lấy đi). Trong đó kê rõ nhiều trường hợp khác nhau. Ða số bị cảnh sát hoặc nhân viên xã hội dắt đi khi cha mẹ vắng nhà, hoặc khi các em đi học, hay trên đường về nhà. Tức là không hề có sự đồng ý của cha mẹ. Cũng có những trường hợp nhân viên xã hội hứa chỉ mang các em đi một thời gian ngắn…”

‘Thời gian ngắn’ này có khi kéo dài tới 30 năm. Có những trẻ suốt đời không bao giờ gặp lại cha mẹ ruột…”
“Không ai biết chính xác con số các trẻ em bị bứng gốc ra khỏi gia đình là bao nhiêu. Nhưng các ước lượng có tính toán lên tới hàng chục ngàn trẻ em thuộc nhiều thế hệ khác nhau…”

“Hàng chục ngàn người đã tập trung trước các màn hình ngoài trời khắp nơi, bất chấp thời tiết mưa lạnh để đón xem. Họ đã đón nhận từng lời xin lỗi với nước mắt dâng trào trong vui mừng, với những vòng tay ôm chặt lấy nhau quấn quít, với những nụ cười rạng rỡ như chưa bao giờ rạng rỡ như vậy, với những tràng vỗ tay và nhảy mừng tung tăng như con trẻ…”

“Ðiều quan trọng là lời xin lỗi cùng bài diễn văn sau đó của ông không hề hàm chứa một lời biện minh nào cả. Ðó là một lời xin lỗi rất thành tâm. Chính vì thế nó đã được đón nhận một cách nồng nàn. Biến cố này chắc chắn là một điểm son trong lịch sử nước Úc. Như ông nói, nó sẽ xoá đi “vết chàm trong tâm hồn của nước Úc.”

Cũng từ Úc Châu, đặc phái viên Nick Bryan của BBC, có bài tường thuật khác (“Chuyện Của Người Bị Đánh Cắp”) nhìn từ một khía cạnh khác – ít lạc quan hơn. Tác giả trích dẫn lời của ông Frank Byrne, một nạn nhân của thế hệ bị “đánh cắp”, nay đã ở tuổi thất tuần:

“Tôi đã bị tổn thương. Tôi đã bị tổn thương tột cùng. Từ khi người ta đưa tôi đi khỏi mẹ tôi đã sống trong sự giận dữ và thương tiếc…’’Xin lỗi chỉ là một từ thôi. Một từ trống rỗng… Bồi thường cũng không thay đổi được gì cho tôi…Nó không làm mẹ tôi sống lại. Tôi đã bị tổn thương, mẹ tôi đã bị tổn thương”.

Câu chuyện thương tâm của những thế hệ thổ dân bị đánh cắp (lost generations) ở Úc Châu khiến tôi nhớ đến hàng triệu những bà mẹ khác, và những đứa trẻ “bị đánh cắp khác” – nơi những làng mạc xa xôi khác, ở quê mình. Xin ghi lại vài ba trường hợp:

“… trong giai đoạn ác liệt sau cùng của chiến cuộc tại miền Nam này, nếu không vì lý do quan trọng, đảng và nhà nước cộng sản nhất định không bao giờ khổ công gom góp thiếu nhi ở đây đưa ra Bắc, trải qua bao nhiêu gian nan khó nhọc… họ đang ra sức thực hiện một kế hoạch bắt trẻ qui mô trên một phạm vi hết sức rộng lớn: đồng loạt người ta phát giác ra trẻ em bị bắt ở khắp nơi từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Pleiku, Kontum, đến Mỹ Tho, Cà Mau, người ta gặp những toán trẻ em chuyển ra Bắc Việt bằng phi cơ từ Cam Bốt, hoặc bị dẫn đi lũ lượt trên đường mòn Hồ Chí Minh…”

“Hỡi các em bé của đồng bằng Nam Việt xanh ngát bị bắt đưa đi, từng hàng từng lớp nối nhau dìu nhau ra núi rừng Việt Bắc! Riêng về phần mình, các em đã chịu côi cút ngay từ lúc này; còn đất nước thì sẽ vì những chuyến ra đi của các em mà lâm vào cảnh đau thương bất tận. Tai hoạ xẩy đến cho các em cũng là tai họa về sau cho xứ sở.”

(Võ Phiến. “Bắt Trẻ Đồng Xanh”. (Trích Tuyển Tập Võ Phiến, 2nd ed. Người Việt, Hoa Kỳ 2006, 270 – 276).

Và đây không phải là chuyến ra Bắc đầu tiên của những người dân ở trong Nam:

“Cuộc chiến này xuất hiện ngay từ cuộc liên hoan chia tay giữa kẻ ở người đi trong thời hạn 300 ngày tập kết, những cuộc liên hoan có hát có múa, có bánh trái tiệc tùng… Nó xuất hiện ngay từ những đám cưới vội vã sau ngày đình chiến, những đám cưới lắm khi tổ chức tập thể, do trưởng cơ quan, trướng đơn vị chủ tọa. Nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến này không phải là những kẻ ngã gục vào những năm 1958, 1959. mà là những cô gái tức khắc biến thành goá bụa từ 1954” (V.P. Sđd, 270)

Đó là chuyện những thiếu phụ mất chồng, và những bà mẹ mất con – ở miền Nam. Còn ở miền Bắc, cái nôi của cuộc chiến, sự mất mát còn lớn lao hơn. Nơi đây, Nguyễn Chí Thiện đã có lần nhìn thấy “giấy báo tử rơi đầy mái rạ”.

Tất nhiên, đó là những mái rạ của những làng mạc ở miền xuôi. Nơi miền ngược, có những thôn bản xa xôi heo hút đến độ mà giấy báo tử không bao giờ đến tay người nhận – như trường hợp sau đây:

“Trên bản đồ quân sự cũng như bản đồ của nha Ðịa Dư không bao giờ có địa danh ‘Ðèo Bá Thở’. Bởi vì đặt cái tên cho ngọn đèo này chính là tôi và một vài người bạn… Ngọn đồi nằm không xa trại giam chúng tôi trong tỉnh Yên Bái. Ngày ngày đội chúng tôi có mười anh em phải băng qua bên kia cái đèo khốn nạn này, tới một khu rừng toàn thị là tre, nưá, giang…”
“Mấy ngày đầu chúng tôi không chú ý tới cuối dốc bên kia có một cái nhà tranh đã sập. Người chủ căn nhà lấy vài thân tre to, chống cái mái lên, nên mái nhà chạm đất. Tất nhiên trong tình trạng đó nó không có cửa. Chúng tôi đã vài lần đi về ngang đó và tưởng nó đã bỏ hoang, bởi vì trông nó còn thua một cái chòi chăn vịt ở miền Nam.”

“Một hôm cả bọn chúng tôi thấy trời còn sớm, nên nghỉ lại bên kia dốc một lát trước khi ‘bá thở’. Chúng tôi nghe lục đục trong cái chòi bỏ hoang, và phát giác đuợc một cụ già thật già. Nét mặt bà cụ nhăn nheo hệt như những vết nẻ của ruộng bị hạn hán nhiều ngày. Bà già có một cặp mắt nâu đục, lờ đờ và đầy rỉ mắt. Bà già mặc một cái áo bông vá chằng vá đụp. Phải gọi đây là cái áo vá trên những miếng vá. Nó nặng dễ chừng đến năm ký chứ không chơi. Chúng tôi gạ chuyện, song tất nhiên bà già biết chúng tôi là tù ‘Ngụy’ nên không hé răng một nửa lời”.

“Hôm sau trong lúc đốn tre chúng tôi hội ý. Chúng tôi lấy dư ra mỗi ngày vài cây về dấu ở gần căn lều của bà cụ. Ðược vài ngày đủ tre để dựng lại căn lều, chúng tôi để hai người lại sửa còn tám người vào rừng đốn tre cho đủ số lượng của mười người. Chúng tôi cũng cắt tranh về để dậm lại những chỗ quá mục nát. Căn nhà sửa xong, có cửa để chui ra chui vào. Bà già khi đó tự động nói chuyện với tụi tôi:

-Lão có ba đứa con, một đứa đã có giấy tử sĩ, hai đưa kia thì hoà bình lâu rồi, nhưng lão không hề nhận được một chữ của chúng từ ngày chúng đi… (Hoàng Khởi Phong. “Bên Kia Ðèo Bá Thở”.

(Trích Cây Tùng Trước Bão. Thời Văn, Hoa Kỳ 2001, 75-77).

Thành tích cuộc Tổng tiến công Mậu Thân của đảng CSVN. Nguồn: samjamesglobal.com
Thành tích cuộc Tổng tiến công Mậu Thân của đảng CSVN. Nguồn: samjamesglobal.com

Dù ở bên này hay “Bên Kia Đèo Bá Thở”, những bà mẹ, bà vợ Việt Nam – ngay trong mơ – đều không (dám) mong đợi một lời xin lỗi từ bất cứ ai. Đừng nói chi đến một số tiền bồi hoàn, vì họ đã mất chồng hay con (hoặc cả hai) trong cuộc chiến – hoàn toàn không cần thiết – vừa qua. Nhiều người, có lẽ, chỉ còn mong đợi những cái giấy báo tử mà nhà nước (vẫn) chưa kịp gửi để họ có thể an lòng, trước khi nhắm mắt – thế thôi.

Sự mong chờ này đã kéo dài hơn ba muơi năm qua, và có vẻ như là sự chờ mong hơi quá đáng – đối với sự mẫn cảm (dường như không hề có) nơi những người đang cầm quyền, ở Việt Nam. Nơi đây, sau cuộc chiến, một chế độ mới đã được thiết lập và một thời đại mới đã mở ra – cho cả nước:

đây là thời chủ nhân ăn mày ăn nhặt trong khi đầy tớ nhân dân ăn ngập mặt ngập mũi ăn hớt, ăn bẩn, ăn tục, ăn lận, ăn chận, ăn cướp, ăn gian, ăn tham, ăn lường, ăn bịp, ăn suông, ăn ké, ăn chia, ăn sống, ăn lạnh, ăn nóng, ăn theo, ăn chực, ăn vạ, ăn lẻ, ăn si,

ăn tất tần tật,

chỉ trừ ăn năn

© 2008 DCVOnline