Về cuốn “Mặt Trận Đại Học” của Bạch Diện Thư sinh (I)

Nguyễn Văn Lục

mtdh5Sách viết của cộng sản về các phong trào, về các đoàn thể, về các mặt trận trí vận do cộng sản cài đặt thì nhiều và đủ loại. Có thể nói có tới trên dưới hàng chục phong trào liên tục quậy phá miền Nam nhân danh các lý tưởng như “hòa bình”, “dân tộc”, “quyền con người”, “quyền phụ nữ”, v.v.

Giới thiệu và góp ý về cuốn Mặt Trận Đại Học của Bạch Diện Thư sinh

Mặt trận Đại học. Nguồn:  Bạch Diện Thư Sinh/Hoàng Sa
Mặt trận Đại học. Nguồn: Bạch Diện Thư Sinh/T.s. Hoàng Sa

Những phong trào ‘đòi hỏi’ này như những cái cớ, như phên dậu che chắn những tội ác của cộng sản. Nào là Phong trào Phụ Nữ đòi quyền sống, Liên đoàn Phụ nữ Phật tử, Hội các bà mẹ có con bị bắt tù, Phong trào Dân tộc Tự quyết, Lực lượng bảo vệ Văn hóa, Dân tộc, Ủy Ban Vận động Cải thiện Chế độ Lao tù miền Nam. Mặt trận Nhân dân Tranh thủ Hòa Bình, Lực lượng Thanh niên Cứu đói, Ký giả ăn mày.

Nhiều tổ chức chỉ có cái tên và cài đặt một vài người đứng tên làm bình phong trong mỗi tổ chức.

Và các phong trào này càng xuất hiện lộ liễu và nở rộ kể từ thập niên 1970 trở đi tại Sài Gòn.

Sáng mở mắt ra, đi làm, ra đường là thấy cộng sản trá hình rồi.

Sau 1975, các nhân sự và các phong trào ấy lộ diện và họ hãnh diện công khai hóa, phô trương các thành tích của họ trong việc chống Mỹ, chống Thiệu. Chẳng hạn như cuốn “Văn Khoa một thời sống đẹp” mà mục đích là phô trương những thành tích chẳng lấy gì làm sáng giá trong sinh hoạt sinh viên ở Văn Khoa.

Chẳng hạn thành tích nắm được các nhóm Nhân Văn, Sử Địa, Việt Hán, v.v. Thành tích in được các giáo trình của giáo sư cho sinh viên, tổ chức một buổi du ngoạn. Những thành tích ấy cũng đẹp, nhưng chỉ có tính cách trang trí cho tuổi trẻ sinh viên mà thôi. Và họ còn đưa ra danh sách những cảm tình viên Văn Khoa mà không cần che đậy.

Cuốn “Giữa ngàn thác lũ” qua tựa đề lại kín đáo khoe khoang dòng họ gia đình. Cuốn này không quan trọng, không đáng đọc. Cuốn “Một cuộc đời dầy thử thách” cũng vậy, chú trọng thành tích cá nhân không có gì đáng nói. Nhưng cuốn này cũng rút ra được đôi điều lý thú. Ông tác giả cảm thấy đau lòng, khi cán bộ Trung ương từ Hà Nội vào tiếp thu thì tiếp thu 10, giao lại cho cơ quan một.

Đó phải chăng là thành tích mở đầu của tư bản đỏ!

Nói chung, như trong hai tập “Trui rèn trong lửa đỏ” phần đông họ không ngần ngại công khai xác nhận những thành tích như ám sát, thủ tiêu, đốt xe Mỹ, cài đặt người vào mọi cơ quan đoàn thể, tôn giáo, nhất là khối Phật giáo Ấn Quang, đại học Vạn Hạnh, một số chùa quanh Sài Gòn.

Họ gọi chung những nơi này là “những điểm hẹn”, từ đó xuất phát ra những cuộc biểu tình chống chính phủ. Những nơi đó mang nhãn hiệu tôn giáo, người của ta không dễ vào được, biết mà đành chịu?

Trường hợp TT Thích Thiện Minh thuyết pháp ở trụ sở Thích Quảng Đức, đường Công Lý có nội dung sách đông quần chúng để lật đổ chính phủ. Ông và 19 sinh viên phải ra trước tòa án Mặt trận, tội danh chứa chấp vũ khí, tài liệu bất hợp pháp bị lên án 5 năm cấm cố, 10 năm khổ sai(1).

Chẳng bao lâu sau, ông lại được thả. Thời Việt Nam Cộng hòa ông xông xáo như thế, ăn to nói lớn. Sau 1975, cộng sản bắt ông đi tù và ông chết một cách đáng ngờ khi bị giam.

Quan trọng hơn cả, họ cũng công khai nhìn nhận đã thủ tiêu ám sát những nhân vật quốc gia như ký giả Từ Chung, giáo sư Nguyễn Văn Bông, các giáo sư Y khoa Lê Minh Trí, Trần Anh, các sinh viên như Lê Khắc Sinh Nhật, sinh viên y khoa Trần Quốc Chương, bắn bị thương các sinh viên Ngô Vương Toại và Nguyễn Văn Tần, tức ký giả Cao Sơn, bắn bị thương Bùi Hồng Sỹ, v.v.

(T) Bộ trưởng Giáo Dục Lê Minh Trí bị khủng bố Việt cộng đạt mìn sát hại  (Sài Gòn 06-01-1969 - Tổng trưởng Bộ Giáo Dục BS Lê Minh Trí bị   lúc 7g50 tại góc Nguyễn Du - Hai Bà Trưng). (P): Gs. Nguyễn Văn Bông bịc khủng bố Việt cộng ám sát trưa ngày 10.11.1971.  tại ngã tư Cao Thắng - Phan Thanh Giản, Saigon. Nguồn: DCVOnline tổng hợp.
(T) Bộ trưởng Bộ trưởng Giáo dục và Thanh niên Lê Minh Trí bị khủng bố Việt cộng đặt mìn sát hại tại lúc 7g50, 6/1/1969 tại góc Nguyễn Du – Hai Bà Trưng, Saigon. (P): Gs. Nguyễn Văn Bông (hình năm 1967) bị khủng bố Việt cộng ám sát trưa ngày 10/11/1971 tại ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản, Saigon. Nguồn: OntheNet/DCVOnline tổng hợp.

Chúng ta đã làm gì và truy lùng ra được những thủ phạm ám sát người ngay giữa ban ngày? Có thể nào nhân dân miền Nam chấp nhận được cảnh giáo sư y khoa Lê Minh Trí, nắm chết bên vệ đường trước sự thản nhiên và vô tình của mọi người. Cảnh sát của trung tá Nguyễn Văn Luân làm gì và ở đâu?

Việc công khai hóa này cũng hay, vì nhiều khi dư luận thời đó có thói quen gán ghép trách nhiệm các vụ ám sát này cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa như trong trường hợp giáo sư Nguyễn Văn Bông. Tuy nhiên còn một vụ chưa rõ là việc ám sát ông Trần Văn Văn, một lãnh tụ miền Nam trong nhóm Caravelle.

Họ còn có cả một danh sách hồ sơ đen những người mà họ định thủ tiêu hay ám sát. Nhân tiện đây, xin phép tác giả cuốn Mặt trận Đại học nêu tên một số người mà may mắn nay còn sống. Tác giả Bạch Diện thư sinh đã trích dẫn một bài báo của giáo sư Nguyễn Văn Trung nhan đề “Đôi điều trao đổi với nhà văn Mai Kim Ngọc” trong tờ Văn Học, số 124, trang 68 như sau:

“Tôi vẫn còn giữ một danh sách của đội quyết tử cảnh cáo một số sinh viên thuộc các phân khoa như Ngô Thế Vinh (Y Khoa).

Và tác giả Song Nhị, trong cuốn “Nửa thế kỷ Việt Nam” đã đưa ra một danh sách 17 người bị cộng sản lên án tử hình còn có các sinh viên Phạm Quân Khanh, Phạm Hưng, Phạm Tài Tấn (Thư Sinh), Phạm Bằng Tường, Nguyễn Tường Quý, Khổng Trọng Hinh, Nguyễn Văn Tấn( Cao Sơn, đã quá vãng), Hồng Nguyên Sĩ(2).

Để được biết một cách thật chính xác, tôi đã điện thoại hỏi trực tiếp nhà báo Song Nhị, cũng là một nhân viên của Phủ Đặc Ủy tình báo, anh cho biết anh đã hỏi trực tiếp những người trong cuộc và họ đều xác nhận như vậy. Đó là các anh Phạm Tài Tấn, Phạm Bằng Tường, Nguyễn Văn Tấn cung cấp trong một cuộc phỏng vấn có thu âm tại San Jose ngày 20/3/2010 cùng tham chiếu bài viết “Chạm mặt tử thần” của Hoàng Xuân Sơn, đăng trên Sài Nhỏ, số 961, 23-4-2010, tr A6-A7(3).

Thực tế, phải nhìn nhận các phong trào này đã lôi cuốn được một số trí thức cũng như sinh viên học sinh miền Nam ngả theo họ.

Nhưng tỉ lệ sinh viên theo cộng sản là bao nhiêu? Không có thống kê nào cho biết. Nhưng riêng ở Văn Khoa Sài Gòn sinh viên tham gia các phong trào là 263 người. Và con số bị tù là 67 người bị bắt(4).Trong khi đó tổng số sinh viên văn Khoa ghi tên theo học có thể lên đến con số 6-7000 người.

Trong số những sinh viên bị bắt, có một số khuôn mặt quen thuộc như Cao Thị Quế Hương, Ngô Đa, Lâm Bá Phát, Đoàn Khắc Xuyên, Nguyễn Thị Yến. Có những người hoạt động rất tích cực như Cao Thị Quế Hương, Nguyễn Thị Yến.

Việt cộng Cao Thị Quế Hương (196x-201x)< DCVOnline tổn hợp.
Việt cộng Cao Thị Quế Hương (196x-201x)< DCVOnline tổng hợp.

Nhưng cho đến nay không cách nào đánh giá đúng mức từng người được. Mức độ dấn thân tùy thuộc từng người, từng hoàn cảnh. Sinh viên Văn khoa, Luật khoa, hay Vạn Hạnh, số người tham gia hoạt động nhiều bởi vì nơi đây là những nơi chấp nhận dễ dãi các thành phần không trúng tuyển tại các phân khoa khác. Không Học được Đại Học Sư Phạm, kỹ sư Phú Thọ, Y Khoa, Quốc Gia Hành Chánh vì có thi tuyển, có chọn lọc thì kéo nhau ghi tên Văn Khoa. Học thật cũng nhiều mà học chơi cũng không thiếu. Các sinh viên này có nhiều thuận lợi và nhất là thời giờ rảnh rang tụ họp để đi làm ‘Chính trị’ mà cả ‘Chính em’ nữa.

Chỉ đạo các phong trào này là Trần Bạch Đằng, bí danh Tư Ánh người lãnh đạo mặt trận đô thị. Tác gỉả Mặt trận Đại học đã dành một số trang để viết về cuộc đời hoạt động của ông Tư Ánh.

Ở đây, tôi chỉ xin nói thêm một số chi tiết mà chỉ những người cùng hoạt động với Tư Ánh mới biết được. Đó là trường hợp anh Lê Tùng Minh, một cán binh tập kết ra Bắc, vào lại miền Nam và có thời làm việc với Trần Bạch Đằng. Anh Lê Tùng Minh, tên thật Tô Minh Trung, thạc sĩ sử Hà Nội 1960. Một người biết rất rõ về cuộc đời hoạt động của Trần Bạch Đằng, về những bước thăng trầm, về những năm tháng bị trù dập của Tư Ánh. Anh Lê Tùng Minh cũng giống như nhà văn Xuân Vũ, họ biết nhau từ Hà Nội vì cùng là dân tập kết khi có cơ hội vào miền Nam đã tìm cách ra hồi chánh.

Sau khi hồi chánh, anh được điều động về làm việc cho Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo. Xuân Vũ sau đó làm cho đài Mẹ Việt Nam.

Có một số những Hồi Chánh viên sau này trở thành vốn quý cho miền Nam như đại tá Nguyễn Bé, nhà văn Xuân Vũ, anh Lê Tùng Minh. Vốn quý của Xuân Vũ nằm trong văn học và tuyên truyền. Vốn quý của đại tá Nguyễn Bé trong tài tổ chức, trong trung tâm huấn luyện xây dựng nông thôn ở Vũng Tàu. Người Mỹ ngay cả Phó tổng thống Humphrey cũng quý trọng ông. Các sĩ quan xuất thân trường võ bị như Trung tá Trần Văn Nam, trưởng khối hành chánh hết sức trân trọng đại tá Nguyễn Bé về sự hiểu biết, về tài tổ chức, về tính nết bình dân và nhân cách là ông không hề tơ hào, tham nhũng. Gia cảnh túng thiếu, bà Bé phải đi bán thêm thuốc lá độ nhật.

Giá chúng ta có được 20 chục Nguyễn Bé trong các cơ quan thì hay biết mấy.

Theo anh Lê Tùng Minh, phía Việt Nam Cộng hòa đã truy lùng gắt gao để bắt cho bằng được Trần Bạch Đằng. Ông Trần Kim Tuyến lo việc bắt này mà không xong. Cũng theo anh Lê Tùng Minh, cuộc đời Trần Bạch Đằng trôi nổi, bị truy lùng có lúc phải chạy về an toàn khu. Khi về hoạt động lại ở Sài Gòn, Tư Ánh được giáo sư Dương Minh Thới, cha của bà bác sĩ Dương Quỳnh Hoa bảo bọc. Rất tiếc, nay anh lâm trọng bệnh không trả lời điện thoại cũng như thư từ(5). Phần tôi, mất đi một nguồn tài liệu.

Việt cộng Trần Bạch Đằnh (1970. Hà Nội; 2005 Tp. HCM). DCVOnline tổng hợp
Việt cộng Trần Bạch Đằng (1970. Hà Nội; 2005 Tp. HCM). Nguồn: OntheNet/DCVOnline tổng hợp

Hỗ trợ tích cực các phong trào này thì có một số thành phần như các giáo sư Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Linh mục Chân Tín và một số người mà tác giả Bạch Diện Thư sinh gọi là nhóm tội ác như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đoan Trinh.

Và tác giả Mặt trận Đại học cũng không quên nêu tên các nhân vật phía bên kia nổi tiếng một thời mà có thể trong quan hệ quen biết bạn bè, kẻ bên này, kẻ theo bên kia như trường hợp Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Đăng Trừng, Đào Hiếu, Hạ Đình Nguyên.

Cuối cùng có những thành phần quốc gia, có thời lãnh đạo quốc gia, mà tôi gọi họ là những kẻ vẽ đường cho hươu chạy, vì đuổi theo mục đích cá nhân hay bè phái, như các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Cao Kỳ cũng được tác giả viết thành một chương ‘kể tội’ các ông.

Đây là một cuốn sách nên có và nên đọc như bất cứ một tài liệu liên quan đến lịch sử đất nước. Nên đọc vì nhiều điều có thể chúng ta chưa biết.

Trong khi đó câu hỏi tôi đặt ra cho tác giả và người đọc là về phía chính quyền Quốc gia, chúng ta đã làm gì và làm được gì để đối phó với sự xâm nhập và những hoạt động của các nhóm sinh viên thuộc thành đoàn này?

Trước 1963, hầu như hoạt động của giới sinh viên tả phái hay thân cộng không đáng kể, hoặc họ không dám xuất đầu lộ diện công khai nên chính quyền tương đối rảnh tay.

Kinh nghiệm cá nhân là vào những năm đầu thập niên 1960, tôi chưa hề có cơ hội được biết về các tổ chức cộng sản này.

Còn đối với giới sinh viên trẻ như chúng tôi thời 1960, tình báo là chuyện người lớn, chuyện mấy tên cộng sản chuyên nghiệp là chuyện không đáng quan tâm. Đa số sinh viên đều thuộc thành phần người quốc gia. Ngay cả những đại diện sinh viên xuống đường, biểu tình như cơm bữa như trường hợp chủ tịch sinh viên Lê Hữu Bôi, Nguyễn Trọng Nho cũng vẫn là người quốc gia.

Nhưng cộng sản thì sẵn sàng chờ đợi những cơ hội thuận lợi để quấy phá, để xâm nhập. Chúng đã kín đáo hoạt động. Và đó là nghề của họ ngay từ khi đảng mới thành lập!(6)

Trách nhiệm giới sinh viên Quốc gia thời đó cũng có: Đó là sự thờ ơ, sự thiếu cảnh giác của họ!

Tuy nhiên, ngay trong thời kỳ đầu nền Đệ Nhất Cộng Hòa, chính quyền Ngô Đình Diệm và ông Trần Chánh Thành, bộ trưởng thông tin đã quan tâm tới mối hiểm nguy cộng sản rồi.

Họ có chính sách, đường lối tuyên truyền, chống cộng, học tập chống cộng trong giới sinh viên, học sinh.Trong lớp học ở trường công như Chu Văn An, các thầy giáo dậy công dân đã biến giờ học công dân thành giờ học ‘Tố Cộng’. Bên cạnh đó, đã có nhiều sách vở nay đã không còn nữa đã được in ấn khoảng thời gian 1955-1958(7).

Lại một lần nữa, việc học tập chống cộng sản thường bị lơ là. Nhà trường, giáo sư nhiều khi làm lấy lệ. Những sách chống cộng mấy người đọc? Nếu chúng ta có cơ hội đọc những lời cảnh báo của Suzanne Labin trong “Nước đã đến chân”. Hay đọc cuốn “Chính Đề Việt Nam” của Tùng Phong. Hoặc “Chúng ta không thể để cho Việt Nam rơi vào tay cộng sản” của Robert A. Scalapino. Việt Cộng không mặt của George A. Carver (“The Faceless Viet Cong”).

Chính đề Viiejt Nam. Nguồn: Tùng Phong, 1965
Chính đề Việtt Nam. Nguồn: Tùng Phong/NXB Đồng Nai, Saigon, 1965

Hoặc những cuốn sách rất dễ tiếp cận và phổ biến như “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc” của Hoàng Văn Chí. Nếu ai chưa đọc cuốn này thì kể như không biết gì về cộng sản cả. Đọc mà không thấm thì tốt hơn hết cho đi tù cải tạo một lần cho biết.

Một trong những cuốn sách để lại trong tôi nhiều ấn tượng là cuốn: “Thoát ly hỏa ngục” của bác sĩ Tom Dooley. Tôi nhớ mãi cuốn này. Và ngay cả bây giờ, giới trẻ Việt Nam nếu được đọc cuốn này cũng vẫn tốt cho họ.

Vì thế, tôi nghĩ rằng không mấy người hiểu cộng sản?

Việc chống Cộng lấy có đã gây phản tác dụng.

Giới trẻ không muốn nghe biết về những điều được coi như nhàm chán ấy nữa. Công việc chống Cộng được coi như công việc được khoán trắng cho chính phủ!

Lại thêm một lổi lầm cần phải nhìn nhận.

Trên trận tuyến tình báo và phản tình báo, Việt Nam Cộng Hòa có những ngành đặc biệt nào để đương đầu với cộng sản? Đã có những tài liệu nào về tình báo và phản tình báo? Những ngành như Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo bắt được bao nhiêu cộng sản nằm vùng, khám phá được bao nhiêu ổ cộng sản cỡ Mười Hương? Hỏi để hỏi, còn câu trả lời là một chuyện khác!

Trong khi đó, trong cuốn “Sáu năm hoạt động của chính phủ”, tác giả Hồ Đắc Huân liệt kê cho thấy, chỉ riêng ngành công an thôi đã bắt được 25.700 cán bộ cộng sản(8).

Con số của ngành công an đưa ra như thế đặt vấn đề tính hiệu quả của ngành tình báo như Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình báo? Nhiều người cho đến nay cũng không được biết cụ thể như thế nào? Lý do là nhiều hoạt động mật không thể công khai hóa tài liệu.

Cái khuyết điểm lớn của người quốc gia là đã không học đủ để chống cộng sản.

Ngay trong Phủ Đặc ủy Tình báo, ai là người chịu khó đọc các tài liệu và tìm cách truyền lại cho các người khác?

Về điểm này, xin anh Bửu Uy thứ cho về việc tôi tiết lộ cách thức làm việc thiếu tính hiệu quả của Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình báo. Anh là người của A17 được cài đặt vào Văn Khoa một cách bí mật. Anh được coi nhừ ‘nằm vùng’ để bắt trọn ổ bọn sinh viên Thành Đoàn. Vậy mà anh đã bị lộ. Họ đã lật tẩy anh và công khai nói ra. Xin trích dẫn:

‘Năm học 1973-1974, chính quyền Sài Gòn đã đưa sinh viên công an Nguyễn Phúc Bửu Uy lên làm Chủ tịch Ban chấp hành sinh viên Văn Khoa rồi sau đó là Chủ tịch Tổng Hội sinh viên Sài Gòn. Bửu Uy tự xưng là ‘Sinh viên tự do’ hô hào ‘Cương quyết duy trì sự ổn định đại học,  cương quyết vạch mặt tẩy chay những phần tử ngoan cố còn sót lại’. Tháng 7-1973, nhóm Bửu Uy lấy lại trụ sở nhóm Nhân Văn gây khó khăn cho nhóm’(9).

Hoạt động của Bửu Uy như thế là công khai thì làm thế nào Phủ Đặc Ủy có thể cài người, xâm nhập vào các tổ chức của cộng sãn?

Vì thế, sự theo dõi, xâm nhập, cài người và công tác mật vụ của chúng ta quả thực có giới hạn?

Trước đây còn có các cuốn như “Những Huyền thoại & Sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm” của Vĩnh Phúc tiết lộ một số những hoạt động của bác sĩ Trần Kim Tuyến kể lại. Cuốn sách được coi như một thứ Oral History của tác giả Vĩnh Phúc hỏi về một người, một phía, không có tham khảo khác. Nhưng nhiều sự kiện được trình bày và tiết lộ cũng giúp người đọc hiểu được một phần về nền đệ nhất cộng hòa, hóa giải nhiều điều sai lầm hoặc thuộc huyền thoại. Cuốn sách được nhiều người tìm đọc.

Nhưng hoạt động tình báo của phía người quốc gia hẳn còn nhiều hoạt động khác mà người ở ngoài không biết được?

Cuốn “Dòng họ ngô Đình, giấc mơ chưa đạt” của tác giả Nguyễn Văn Minh cho thấy tác giả là người biết rõ ông Cẩn hơn ai hết vì đã làm việc sát cánh với ông Ngô Đình Cẩn trong 8 năm (1955-1963). Mặc dầu vậy, những bí ẩn về con người và những hoạt động của ông Cẩn vẫn còn nhiều điều chưa được giải mã. Trớ trêu là nay có nhiều sách phía bên kia viết về ông Cẩn với một sự trân trọng đáng ngạc nhiên như cuốn “Đoàn Mật Vụ Ngô Đình Cẩn”, của Lê Phan. Và nhất là cuốn “Bội phản hay Chân chính” do những người từng bị tù đầy thời ông Ngô Đình Cẩn lên tiếng. Những người này sau khi được thả ra đã bị đảng cộng sản cách ly, không dùng vì cho rằng họ bị ‘nhiễm độc’ tư bản. Họ đã lên tiếng, kêu oan và đã có dịp nói rõ cái tổ chức mật vụ Ngô Đình Cẩn nó khủng khiếp, nó dễ sợ như thế nào!

Một trong những tác giả của cuốn sách là ông Văn Tiến Mạnh. Vào năm 1993, cuốn sách “Bội Phản hay Chân Chính” mới được chính thức cho xuất bản với tựa đề rút ngắn lại: “Người chân Chính”. Ông Dư Văn Chất là người trách nhiệm chấp bút cuốn sách này. Ông cũng là người từng nếm trải kinh nghiệm ‘siêu đẳng’ về mật vụ Ngô Đình Cẩn.

Đây là một kinh nghiệm lý thú vì trăm người như một, từ trong nhà thân thuộc đến ra ngoài, người ta thường có cái nhìn ‘coi thường’ không nói là khinh miệt ông Ngô Đình Cẩn.

Từ ý tưởng này, tôi sẽ xin ngồi viết lại về con người ấy, về hành trạng con người ây cũng như về cái chết ‘oan uổng’ của ông và những bản án rất nặng dành cho những người dưới quyền ông.

Theo tôi, họ không đáng bị nhận những bản án có tính cách chính trị của một thời kỳ mông muội đầy tinh thần xã thôn.

Tôi muốn được trả lại công đạo cho họ!

(Còn tiếp)

© 2015 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Bài do tác giả gởi. DCVOnline minh hoạ.

(1) Trần Nhã Nguyên, “Lịch dử Việt Nam 1940—2007”, trang 508. Sau 1975, Ông Thích Thiện Minh bị bắt giam tù và chết năm 1978 với nhiều nghi án.
(2) Song Nhị, “Nửa thế kỷ Việt Nam”, Cội Nguồn, 2010, ấn bản lần hai, trang 98.
(3) Bạch Diện Thư Sinh, “Mặt trận Đại Học”, trang 130.
(4) “Văn Khoa một thời sống đẹp”, trang 450-470.
(5) Theo anh Lê Tùng Minh, ông Trần Kim Tuyến cố tìm rượt bắt Trần Bạch Đằng, tự là Tư Ánh. Nhưng không được. Tư Ánh đã tìm cách trú ẩn tại nhà giáo sư Dương Văn Thới, cha của bà bác sĩ Dương Quỳnh Hoa từ năm 1955-1960. Dưới quyền Tư Ánh có Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy, Đỗ Hữu Nhật, Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Minh Triết.
(6) Trong cuốn Trần Văn Thạch (1905-1945), cây bút chống bạo quyền áp bức, tác giả là Trần Mỹ Châu, con gái của ông Trần Văn Thạch. Trong đó, ông Trần Văn Thạch, một trí thức thuộc nhóm cộng sản đệ tứ bị Pháp bắt đi tù Côn Đảo cùng với các đồng chí của ông như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm Hùm, Hồ Hữu Tường, Huỳnh Phú Sổ, Nguyễn Văn Tạo, v.v.
Ông Trần Văn Thạch đã kể lại bọn cộng sản đệ tam, nhờ kinh nghiệm học hỏi từ Nga Xô và Trung Cộng nên khi ở đảo Côn Sơn, họ đã tìm cách cài đặt người của họ vào các công việc như:
– Nhà bếp, nhờ đó có thể lén giấu cơm cháo nuôi đồng chí của họ;
– Trạm xá, để tận tình cứu chữa cho đồng chí và đồng thời bỏ mặc kẻ đối nghịch không cùng phe. Nhất là các thứ bệnh kiết lỵ. Nguyễn An Ninh chết ngày 14- 3- 1943 vì không có thuốc.
Làm bồi tây và đồng thời tố cáo những kẻ thù nghịch.
(7) Chẳng hạn, các cuốn “Việt Nam; tiết lộ của một nhân chứng” của Suzanne Labin (Vietnam; révélations d’un témoin), “Thoát ly hỏa ngục” của Thomas Dooley (“Deliver Us from Evil: The Story of Vietnam’s Flight to Freedom” (New York : Farrar, Straus and Cudahy, 1956)), “Kỹ thuật phá hoại của cộng sản tại Tiệp Khắc 1938-1948” của Josef Korbel (“The Communist Subersion of Czechoslovakia 1938-1948”), “Giai cấp mới” của Milovan Djilas (Fall of the New Class: A History of Communism’s Self-Destruction), v.v.
(8) Hồ Đắc Huân, “Sáu năm hoạt động”, trang 391.
(9) “Văn Khoa một thời sống đẹp”, trang 63

1 Comment on “Về cuốn “Mặt Trận Đại Học” của Bạch Diện Thư sinh (I)

  1. ÔI THÔI

    Ôi thôi đọc lại cũng hay

    Những ngày xưa ấy cùi đày
    núi sông

    Có bao mèo mả gà
    đồng

    Bên ngoài mặc áo anh hùng
    ghê thay

    Đến nay thấm
    thoát những ngày

    Cổ bài lật ngữa toày hoay
    ra rồi

    Nước non nghĩ lại ngậm
    ngùi

    Chuyện anh hùng náo toàn
    cùi thế thôi

    Từ vinh đến nhục mấy hồi

    Để sau lịch sử còn ngồi
    lọc ra

    Biết đâu chính đáng gian

    Biết ai chỉ kiểu tà mà
    dại khờ

    Bây giờ ngậm miệng láo lơ

    Một thời nhốn nháo lờ quờ
    đáng thương

    ĐẠI NGÀN

    (04/6/15)