Cuộc Cách mạng xã hội thầm lặng của Ai Cập

Koert DEBEUF, Ayman ABDELMEGUID | Trà Mi dịch

twitterThế hệ đã phát động cuộc cách mạng quảng trường Tahrir trong năm 2011 đang thay đổi Ai Cập một lần nữa.

Tuori trẻ Ai Cập. Nguồn Foreign Policy.
Tuổi trẻ Ai Cập. Nguồn Foreign Policy.

CAIRO – Bốn năm sau khi dân Ai Cập lật đổ người lãnh đạo độc tài Hosni Mubarak, nhiều người, đặc biệt là ở châu Âu, đã không còn hy vọng gì ở Ai Cập nữa. Tổng thống duy nhất được bầu chọn một cách dân chủ, Mohamed Morsi của Khối Huynh đệ Hồi giáo, bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự – và bản án tử hình của ông vừa được xác nhận. Đứng đầu là Tổng thống Abdel Fattah el–Sisi và các lực lượng vũ trang, các phần tử của chế độ Mubarak đang hoàn toàn trở lại vị trí quyền lực. Trong khi đó, nhiều người lãnh đạo của các cuộc biểu tình ở quảng trường Tahrir thì đang ở trong tù. Tự do chính trị và dân chủ Ai Cập dường như xa vời hơn hơn bao giờ hết. Nhưng những gì đang diễn ra hiện nay lại sâu sắc hơn nhiều so với cái gọi là mùa Xuân Ả Rập hay mùa Đông: Ngoài tầm mắt công chúng, một cuộc cách mạng xã hội đang thay đổi Ai Cập.

Lần đầu tiên trong năm mươi năm qua, phụ nữ đã bắt đầu bỏ mạng che mặt và vai của họ. Mỗi người Ai Cập dường như đều biết ít nhất một người phụ nữ trong gia đình hoặc trong vòng bạn bè đã cam kết thực hiện hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa cách mạng này. Và đây không phải là hành động tệ thế tục duy nhất đang thịnh hành ở Ai Cập. Trong riêng tư, ngày càng nhiều người thảo luận về những điều cấm kỵ như chủ nghĩa vô thần — hoặc ngay cả bản sắc tính dục. Bằng cách này, họ đang bất chấp không những trào lưu chính thống nghiêm ngặt của Hồi giáo như khối Huynh đệ Hồi giáo, mà còn cả những “định chế” Hồi giáo đang được chế độ hiện hành bảo vệ.

Cuộc cách mạng thầm lặng này mâu thuẫn với những tin tức hàng ngày chúng ta nhận được từ thế giới Ả Rập. Mọi con mắt đang tập trung vào Nhà nước Hồi giáo (Islamic State). Sau những khủng bố kinh hoàng của Taliban và al Qaeda, thế giới bị sốc khi nhìn thấy một phiên bản thậm chí còn cực đoan và man rợ hơn của quyền lực Hồi giáo đang thể hiện bạo lực khủng bố. Nhưng nhiều người trở nên cực đoan hơn, hay những sự cực đoan trở nên cực đoan hơn? Không còn nghi ngờ gì một số người Ai Cập đã trở nên cực đoan hơn kể từ khi có cuộc đàn áp khối Huynh đệ Hồi giáo. Một số tân binh của khối Huynh đệ có thể đã tham gia với Nhà nước Hồi giáo hay các nhóm Hồi giáo khác.

Nhưng quan trọng hơn nhiều là những gì đang xảy ra trong đa số thầm lặng của Ai Cập. Ở đây, xu hướng ngược lại trở nên rõ ràng: càng ngày ít tài xê xe taxi bầy Kinh Qur’an trong xe của họ. Phụ nữ gỡ bỏ Hijabs. Và thế hệ cách mạng trẻ cầu nguyện ít thường xuyên hơn. Nhà bình luận Ai Cập Rana Allam đã viết là cô đã bị sốc như thế nào khi cô con gái “12 tuổi đột nhiên bắt đầu coi thường những tộc trưởng (Sheikhs)” và cậu con trai 13 tuổi của bạn cô ấy không đi nhà thờ Hồi giáo nữa “vì các lãnh tụ Hồi giáo tiếp tục phỉ báng phụ nữ không dùng mạng che mặt và cậu bé không thể chấp nhận bất kỳ lời lăng mạ nào với mẹ của mình nữa.” Hầu hết chỉ lên án về việc chính trị được rao giảng tại nhiều nhà thờ Hồi giáo. Những người khác còn đi xa hơn và đến ve vãn chủ nghĩa vô thần.

Không có các cuộc thăm dò đáng tin cậy nào về các khuynh hướng này. Một tổ chức tôn giáo tại Cairo cho rằng có chính xác 2.293 người vô thần trong thế giới Ả Rập, 866 người trong số đó sống ở Ai Cập. Nhưng nhà báo Moroccan Ahmed Benchemsi đã tìm thấy trên Facebook thôi thôi đã có “hơn 250 nhóm, với số thành viên khác nhau, từ một vài cá nhân đến hơn 11.000 người”. Không có thống kê bao nhiêu phụ nữ đã bỏ hijab hoặc có bao nhiêu người đã công khai sống như người đồng tính, lưỡng tính hay thay đổi giới tính (LGBT). Tạm thời, chúng tôi chỉ có thể dựa trên những câu chuyện cá nhân có thể làtiêu biểu của những gì đang diễn ra ở Ai Cập.

Một trong những câu chuyện như thế kể về một gia đình bảo thủ tại thành phố Port Said. Hai chị em trong độ tuổi ba mươi, chỉ sau khi Tổng thống Morsi bị lật đổ, Marwa và Heba mới biết rằng những cuốn sách họ đã đọc được thời niên thiếu đều do khối Huynh đệ Hồi giáo in và phát tán. Bị sốc khi hiểu điều này, Marwa và Heba bắt đầu suy nghĩ lại thế giới quan của họ và sau cùng đã đặt những câu hỏi về nền tảng của tôn giáo. Marwa nói,

“Chỉ sau khi Morsi bị hạ bệ, tôi mới biết rằng Hassan al–Banna [người sáng lập của Brotherhood Hồi giáo] đã viết lời tựa cho cuốn sách Sống theo dòng Sunni. Tôi đã lớn lên với cuốn sách này. Bây giờ tôi bắt đầu nghi ngờ tất cả mọi thứ.”

Mạng che mặt của hai chị em ngày trở nên thời trang hơn, ít bảo thủ. Sau đó, họ bỏ luôn hijab.

Amira, 28 tuổi, đã có một câu chuyện nhiều riêng tư, ít chính trị hơn. Cô ấy nói với tôi rằng cô bắt đầu đeo khăn trùm đầu ở tuổi 12 vì muốn tránh lôi cuốn tội lỗi. Cha mẹ cô thuộc tầng lớp thượng lưu không thể chấp nhận điều này, vì vậy cô đã đến sống với ông bà. Mười hai năm sau, cha mẹ cô đã trở nên bảo thủ hơn. Nhưng Amira đã thôi không còn đeo khăn che mặt nữa, và muốn “cảm thấy gió bay trong tóc”.

Donia, 35 tuổi, đã quyết định bỏ Hijab ngay sau cuộc cách mạng năm 2011. Sau lần bơi đầu tiên không đội hijab, cô nói, “Tôi có thể cảm nhận được nước ở khắp thân mình – quả là một sự giải thoát. Đó là cảm giác được giải thoát thứ hai sau sau sự sụp đổ của Mubarak.”

Thanh niên thiếu nữ Ai Cập hiện nay đang đưa cuộc cách mạng thầm lặng này vào các mạng thông xã hội. Grindr, là một app hẹn hò dành cho người đồng tính nam nữ; Wapa thu hút cộng đồng LGBT như cơn bão lớn. Hàng ngàn người đồng tính sẵn sàng đưa tên và hình ảnh của họ vào mạng xã hội để tìm gặp nhau. Chúng tôi đã thử nghiệm bằng cách tham gia dùng các ứng dụng hẹn hò này – hộp thư của chúng tôi đã đầy ắp chỉ trong vòng một tuần.

Islam, một người đàn ông đồng tính vừa công khai nói, “Tôi cảm thấy như cuối cùng đã tìm thấy bản thân mình. Tôi được chấp nhận, và tôi rất cảm ơn, đặc biệt là với những người phụ nữ bạncủa tôi.” Có những người bạn đồng tính thậm chí còn trở thành thời thượng trong giới phụ nữ, đặc biệt là trong số những người thời còn trẻ đã xem bộ phim Sex and the City của Mỹ.

Houda, một người quản lý tiếp thị 30 tuổi, đã tìm được một cách để sống đời của một người đồng tính ngay cả sau khi bị đẩy vào cuộc hôn nhân. Bà nói, “Cuối cùng tôi đã yêu. Bạn gái tôi hiểu, và chồng tôi chấp nhận. Đúng là anh ấy thắp sáng đường cho tôi đi khi tôi sắp tự hủy mình.”

Ahmed, một người đàn ông đồng tính 34 tuổi, công khai hóa năm 2011. Ông đấu tranh với gia đình và với việc họ từ chối không chấp nhận sự cởi mở về bản sắc tính dục của ông. Có lúc, thậm chí ông đã xin tị nạn tình dục ở châu Âu, nhưng là người đấu tranh, và tin vào tự do, ông đã quyết định ở lại Ai Cập – và sau cùng trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng. Cuối cùng, gia đình ông đã chấp nhận Ahmed và lối sống của ông.

Chế độ Ai Cập không thích trào lưu mới này. Chính phủ và những người ủng hộ có thể là kẻ thù bất cộng đái thiên với khối Huynh đệ Hồi giáo. Tuy nhiên, họ thấy mình là người giám hộ của xã hội Hồi giáo bảo thủ và đang làm mọi thứ có thể để ngăn chặn một sự thay đổi mà họ xem như đã đi quá xa.

Tại Alexandria, một lực lượng cảnh sát đặc nhiệm đã được thành lập để bắt giữ những người vô thần. Ngày 10 Tháng Giêng, Karim al–Banna, một sinh viên 21 tuổi, đã bị kết án ba năm tù vì tuyên bố trên Facebook rằng ông là một người vô thần. Cuối tháng Mười hai, sau khi được một ký giả truyền hình nổi tiếng đưa tin, cảnh sát đã bắt giữ 26 người đàn ông trong một nhà tắm và cáo buộc họ trụy lạc. Những người này đã được tha bổng sau khi cuộc khám hậu môn chứng minh họ không có hoạt động tình dục đồng tính. Cũng trong tháng đó, cảnh sát đã đóng cửa một quán bar ở trung tâm thành phố Cairo vì “đó là nơi chứa chấp người vô thần.”

Những vụ đàn áp – cũng như những câu chuyện giải phóng cá nhân – chỉ là một vài trong số nhiều. Nhưng chúng chứng minh những gì đang xảy ra ở Ai Cập. Đó là một trận chiến giữa chế độ bảo thủ dùng các công cụ cũ của chế độ độc tài và những người trẻ, thế hệ cách mạng dùng những mạng xã hội và các phương tiện mới. Một trận chiến giữa một xã hội đã từng có quyền nói mọi người phải sống như thế nào và một thế hệ muốn tự định đoạt cuộc sống và tương lai.

Tại châu Âu, đeo khăn che mặt được coi là nổi loạn, trong khi ở Ai Cập, hành động nổi loạn là gỡ bỏ nó đi. Không phải cứ đeo mạng che mặt khiến người ta bảo thủ – cũng như không phải gỡ bỏ mạng che mặt làm cho người ta tiến bộ. Hành động thay đổi và cuộc nổi loạn mới làm nên khác biệt. Cuộc cách mạng năm 2011 của Ai Cập có thể đã không thành công trên nhiều mặt, đặc biệt là về chính trị. Nhưng nó đã thành công trong việc thuyết phục thế hệ trẻ rằng có thể có tự do nếu họ thực sự muốn có – ít nhất là trong tâm trí của người dân và trong cuộc sống cá nhân của họ.

Thế hệ của những người dưới 25 tuổi không phải là một nhóm nhỏ – đó là 50 phần trăm dân số Ai Cập. Đây là thế hệ đã làm cuộc cách mạng năm 2011 xảy ra. Và bây giờ, theo một cách khác, thế hệ này một lần nữa đang chuyển đổi đất nước. Cho đến nay đây là một cuộc cách mạng xã hội thầm lặng – nhưng về dài, nó có thể dẫn đến một sự thay đổi sâu sắc hơn bất cứ tiên đoán nào.

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Egypt’s Quiet Social Revolution. By Koert Debeuf, Ayman Abdelmeguid, Foreign Policy, June 18, 2015.