Thân phận dư thừa của một người trí thức thiên tả, thành phần thứ ba (I)

Nguyễn Văn Lục

Ly Chanh TrungÔng ăn thóc nhà Chu mà chửi nhà Chu. Hoặc ông rập khuôn cái tinh thần: Nắng được lúc nào thì cứ nắng như trong một bài viết của cụ Phan Khôi chăng?

Lý Chánh Trung, Tố Hữu, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Đình Thi. Nguồn: OntheNet
Lý Chánh Trung, Tố Hữu, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Đình Thi. Nguồn: OntheNet

Bức hình trên đây chụp các ông Lý Chánh Trung, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi là những thành phần đại biểu của lực lượng thứ ba của miền Nam ra Bắc trong ngày 2 tháng chín năm 1975. Đây là một vinh dự có chọn lọc và cân nhắc đắn đo lý lịch, thành tích các vị được mời của lãnh đạo Đảng trước khi quyết định ai được mời ra Bắc.

Phần những người được mời đều cảm thấy đây là một vinh dự hiếm hoi cho họ. Bởi vì còn biết bao nhiêu thành viên trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (MTDTGPMN) đã không có mặt, đã không được vinh dự ấy.

Sự không có mặt của những Trương Như Tảng, Dương Quỳnh Hoa, Lữ Phương là có chủ đích của đảng. Chủ đích đó là loại trừ một số tham vọng của các thành viên MTDTGPMN như bà Dương Quỳnh Hoa muốn dành một vị trí đặc biệt cho miền Nam và đồng thời muốn triển hạn việc thống nhất đất nước. Vai trò trái đệm và bù nhìn của MTDTGPMN trước đây đã đến lúc cần chấm dứt vì sẽ là một chướng ngại vật cho tiến trình thống nhất đất nước. Nói cho cùng, đây là trò đểu cáng chính trị của Hà Nội, dựng lên lá bài MTDTGPMN để lừa bịp thế giới và khi chiếm xong miền Nam thì MTDTGPMN trở thành dư thừa và như một chướng ngại vật! Sự loại trừ phần đông các thành viên MTDTGPMN ra khỏi phái đoàn là một tính toán hiểu được. Việc thống nhất hai miền mà mời đại diện như bà bác sĩ Dương Quỳnh Hoa thì sẽ nát việc.

Thành phần dư thừa thứ nhất có tên là MTDTGPMN và sau đó có những người thấy rõ mặt trái của cộng sản và đã rời bỏ hàng ngũ Mặt trận Giải phóng như Trương Như Tảng, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa và chồng, cùng Lữ Phương.

Những kẻ còn ngồi lại, ngậm bồ hòn, im lặng, nhẫn nhục.

Nhưng dù sao thì cứ bề ngoài, phái đoàn miền Nam ra Bắc cũng được kể là tuần trăng mật giữa hai miền Nam Bắc, giữa các nhà chính trị, nhà văn miền Bắc và các thành phần trí thức thiên tả miền Nam.

Cái vấn đề là chúng ta thử xem tuần trăng mật ấy kéo dài được bao lâu hay rồi cũng giống như số phận sau này dành cho MTDTGPMN cũng như Câu lạc bộ những Người Kháng chiến Cũ?

Để tạo ra một cái không khí tưng bừng, ăn mừng ngày hội lớn, hầu hết những nhân vật tai mắt của cộng sản miền Bắc lúc bấy giờ đều có mặt. Người ta nhận ra sự có mặt đầy đủ các các thành phần lãnh đạo cộng sản tiêu biểu như các ông Tố Hữu, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Chính, Xuân Thủy, Hoàng Văn Hoan, Lê Thanh Nghị, Hoàng Tùng, thiếu tướng Tô Ký, đại tướng Võ Nguyên Giáp và chủ tịch Tôn Đức Thắng!

Họ cũng vận động một số nhà văn miền Bắc có uy tín hàng đầu có mặt như các ông Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Hải Triều, Nguyễn Công Hoan, Bảo Định Giang, Tô Hoài, Nguyễn Khắc Viện (chủ báo Le courrier du Viet Nam). Yên Thao và Hồ Đan Tâm, báo Hà Nội mới và giáo sư Phạm Huy Thông.

Về thành phần phái đoàn miền Nam, người tinh ý một chút sẽ thấy Trưởng đoàn miền Nam không phải Lý Chánh Trung hay ai khác. Cộng sản đã cài đặt người của họ là ông Sáu Tường, Nguyễn Vĩnh Nghiệp (người của đảng). Người Phó Trưởng Đoàn là ông Ba Ca, nguyên Bí thư tỉnh ủy Gia Định(1).

Điều này cho thấy mọi quyết định, mọi chương trình ra thăm viếng ngoài Bắc nhất nhất đều do Đảng sắp xếp và cài đặt tổ chức và kiểm soát.

Còn những thành viên khác thì toàn là những gương mặt tranh đấu, xuống đường rất quen thuộc của miền Nam trước 1975 như Lý Chánh Trung, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Ni sư Huỳnh Liên, Vũ Hạnh, bà Ngô Bá Thành, luật sư Trần Ngọc Liễng, thầu khoán Nguyễn Văn Hạnh, hòa thượng Thích Trí Thủ, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Hiếu Đằng, linh mục Nguyễn Huy Lịch, nghệ sĩ sân khấu Kim Cương(2).

Xin ghi lại đây những phát biểu đầy kịch tính của hai phái đoàn Sài Gòn và Hà Nội. Có những câu phát biểu rất ấn tượng, rất mủi lòng như thể thương nhớ bao nhiêu năm nay mới gặp lại:

Ba chục năm qua một phút này!

Mặc dầu Hồ Ngọc Nhuận cũng đã cố gắng che đấu nhiều sự thật chẳng nên nói ra, nhưng không thể che hết, do sơ hở vô tình đã để lộ nhiều khe hở. Chẳng hạn họ được ở khách sạn Giảng Võ, khách sạn ba sao nên tường vách đều thủng lỗ, vào ban đêm nghe gió mùa lọt qua cửa sổ vi vu giấc ngủ. Khách sạn ba sao nên ly tách chắc đều là ‘thứ tốt’ nên khách nhận một cái ly đều phải ký vào giấy mượn. Cái cung cách phục vụ ấy làm những người Sài Gòn lần đầu ra viếng thăm Hà Nội không thể không thấy lạ! Uống một ly nước phải ghi sổ vì sợ khách ăn cắp ly! Tình trạng ấy gián tiếp phơi bầy một cuộc sống nghèo nàn, khốn khổ.

Trong khi đó, các phái đoàn ngoại quốc lớn như Liên Xô, Trung cộng thì ở riêng, chỗ đặc biệt đâu đến nỗi ban đêm phải nằm nghe gió lùa vào vách tường?

Xin ghi lại vài nhận xét vắn vỏi từ sách của Hồ Ngọc Nhuận:

  • Linh mục Nguyễn Ngọc Lan được mời ăn hết tiệc lớn tiệc nhỏ, ông phát biểu: Đi đâu cũng tiệc là tiệc. Cuối cùng ông quyết định rủ Hồ Ngọc Nhuận đi ăn chui. Họ đi đến rã cẳng mà kiếm không ra một nhà hàng để ăn, vì đều là tiệm ăn quốc doanh hay công ty hợp doanh phải có giấy mới được vào. Cuối cùng may mắn gặp nhà văn Hải Triều đưa đến một ‘tiệm ăn chui’. Nó nằm ngay trong một quán nhà, có người ở, không bảng hiệu, kín đáo mà chỉ khách quen mới biết được. Đó là biểu tượng cho một Hà Nội chui. Cái gì cũng chui cả.

  • Hình ảnh người trí thức ‘Tìm về dân tộc’ Lý Chánh Trung, miệng ngậm tẩu thì đứng nghe anh Xuân Thủy đọc thơ. Một vinh dự lớn cho Lý Chánh Trung vì được nghe một nhà chính trị ngâm thơ! Tôi được biết sau chuyến đi thì mọi người đều phải có một bài báo cáo về chuyến đi khi trở về Sài gòn..một lần ở rạp Rex cũ do Ủy Ban Mặt Trận Dân Tộc Giải phóng khu Saigòn Gia Định tổ chức và một buổi nữa ở Đại Học.

Theo Lý Chánh Trung kể cho tôi nghe thì phái đoàn trong Nam ra đi đến đâu cũng được dân chúng túa ra đón tiếp nồng hậu. Ông được đi tham quan xã Như Quỳnh, cách Hà Nội 20 cây số, trên đường đi Hải Phòng, thuộc tỉnh Hưng Yên cũ. Ở đây, ông bị một chị trong hợp tác xã đột ngột hỏi:

– Có phải ông là giáo sư Lý Chánh Trung không?
– Thưa phải.
– Thế thì hân hạnh được gặp giáo sư vì tôi đã có đọc bài của giáo sư viết trước đây.

Lý Chánh Trung chắc là phải ngỡ ngàng thôi.

Khi về lại Hà Nội, cũng một lần cả đoàn đang đi thì có một thanh niên chạy vội lại hỏi to:

– Trong đoàn ai là giáo sư Lý Chánh Trung cho tôi gặp mặt.
– Lý Chánh Trung lại tách ra khỏi đoàn trả lời: Tôi đây, tôi là Lý Chánh Trung đây.
– Thưa giáo sư tôi kính phục giáo sư vì trước đây có được đọc bài của giáo sư.

Ông Lý Chánh Trung ngây thơ nhận xét, ngoài Bắc, dù có chiến tranh, nhưng trình độ văn hóa miền Bắc kể là cao hơn miền Nam nhiều lắm. Một người dân thường mà cũng có thể đọc bài viết của Lý Chánh Trung từ trong Nam gửi ra.

Nghe chuyện này của Lý Chánh Trung, tôi chỉ cười.

Vậy mà tôi được biết có lần Võ Văn Kiệt nhận xét cán bộ của ta biết đọc biết viết đã là may. Mấy người đã có cơ hội đọc Thép đã thôi tôi thế đấy, Rừng thẳm tuyết dày.

Lý Chánh Trung hãnh diện là phải, vì thế cộng sản mới thắng được đế quốc Mỹ.

Sau tháng 4, 1975 nghệ sí Sài Gòn, Năm Châu, Phùng Há, Thẩm Thúy Hằng, v.v. - xếp hàng chào mừng quân cộng sản Bắc Việt - kẻ thắng cuộc. Nguồn: OntheNet
Sau tháng 4, 1975 nghệ sí Sài Gòn, Năm Châu, Phùng Há, Thẩm Thúy Hằng, Bảy Nam, v.v. – xếp hàng chào mừng quân cộng sản Bắc Việt – kẻ thắng cuộc. Nguồn: OntheNet
  • Hình ảnh chị Kim Cương ngồi ngoan ngoãn nghe đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về vở kịch Lá Sầu Riêng của mình. Chắc là chị phải khóc thôi trước tấm lòng ưu ái của Đảng?
  • Cụ Tôn Đức Thắng giọng nói run run của ông Già Nam Bộ bị bỏ ngồi một xó nay phát biểu: một cuộc Bắc Nam xum họp một nhà cảm động và đầy đủ nhất. Muốn hiểu bộ mặt thật của ông già Nam Bộ thì phải đọc Nguyễn Văn Trấn mới được.
  • Ni sư Huỳnh Liên ngồi xếp bằng, nghiêm chỉnh nghe Tổng Bí Thư Lê Duẩn nói chuyện. Cuối cùng thì bà đứng lên thật thà phát biểu: “Ông nói gì từ nãy giờ tôi không hiểu!” Ông Lê Duẩn trả lời: “Chắc tại tôi nói tiếng Quảng Trị, lại nói lắp nữa!”
  • Phần Hồ Ngọc Nhuận được dẫn đi thăm một xã tiên tiến, điển hình là Như Quỳnh. Xã có 7000 dân thì có 700 bộ đội mới được giải ngũ về. Hồ Ngọc Nhuận nhận thấy nhà nào cũng có một cái chum làm bằng xi măng, nhưng không biết bên trong đựng cái gì. Hỏi ra thì nay người dân xã không còn đói ăn nên mỗi nhà có lúa để dành. Trong Nam chỉ có vựa lúa hay bồ lúa nên không thể ngờ ngoài Bắc đựng lúa vào một cái chum nhỏ, chứa vài chục kilô thóc. Khi về như khám phá ra điều gì mới, ông viết: Tôi khoái nhất là những chum đựng lúa. Sự khác biệt là trong Nam là cái bồ, ngoài Bắc là cái chum. Nói rồi ông cười ha hả(3).

Trước tấm thịnh tình đầy tình nghĩa anh em của miền Bắc, phía miền Nam cũng bắt buộc mỗi người phải lên phát biểu một lần để đáp lễ lại.

Ông Lê Hiếu Đằng là một trong những người trẻ ở trong Nam ra phát biểu hăng say nhất với nhan đề một bài viết, Những giây phút cảm động đó. Trong đó, ông viết:

“Những cái hôn thắm thiết, những bàn tay xiết chặt tưởng chừng như không muốn rời ra, những tràng cười thoải mái, cởi mở. Tất cả tạo nên một bầu không khí thắm đượm tình nghĩa đồng bào, đồng chí!”

Có lẽ Lê Hiếu Đằng là người thuộc bài nhanh nhất khi ông viết!

Quả thật, tuần trăng mật Nam-Bắc kéo dài chẳng dược bao lâu.

Linh mục Chân Tín vốn là Ủy Viên Trung Ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và phó chủ tịch Mặt trận thành phố. Vậy mà có lần cỡi xe Lambretta vẫy tay một người bạn, ông nói to: Tôi được giải phóng rồi. Có nghĩa, ông đã bị đuổi ra khỏi Mặt trận. Ông cũng lên tòa giảng yêu cầu đảng phải biết sám hối và cuồi cùng ông bị giam lỏng ở Cần Giờ.

Nguyễn Ngọc Lan với bài viết khi tham quan Hà Nội trên Đứng Dậy, Hà Nội tôi thế đó! Với bài viết gây ngộ nhận, nó đã làm tiêu ma sự nghiệp chính trị của ông, báo Đứng Dậy bị đình bản sau đó. Từ đó Nguyễn Ngọc Lan trở thành người viết đối lập với nhà nước cộng sản.

Hồ Ngọc Nhuận nay ra khỏi Mặt Trận Tổ quốc và viết lại như sau:

Và tôi nữa, sau 25 năm, khi đọc lại chính mình, tôi tìm thấy được bao nhiêu phần trăm của tôi hôm nay trong đó? Trong những gi mình viết, suy nghĩ, khẳng định năm xưa?(4)

Ông vốn là Phó chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc, ông đã xin từ chức và viết bài Phá Xiềng để ủng hộ luật sư Lê Hiếu Đằng.

Lê Hiếu Đằng cũng là Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và nhiều chức chức vụ chỉ có danh khác nữa – tuyền là những chức vụ hờ, chỉ có tiếng – khi ngã bệnh trước khi qua đời đã chính thức tuyên bố trên đài BBC, ngày 5-12-2013: tuyên bố công khai ra khỏi Đảng Cộng sản vì Quốc Hội chỉ là bù nhìn.

Và tiếp theo sau đó còn nhiều người đã nối đuôi nhau ra khỏi đảng mà danh sách mỗi ngày một dài như trường hợp các ông: Ngô Công Dức, Châu Tâm Luân, v.v.

Đã thế, ngay trong nhóm thiên tả miền Nam, người ta cũng thấy sự chia rẽ, đố kỵ trầm trọng. Lý Chánh Trung kỵ với Nguyễn Ngọc Lan và chắc hẳn trong chuyến ra Bắc, hai người đã không nhìn mặt nhau.

Dương Văn Ba (thứ hai từ trái), cựu dân biểu đối lập VNCH, Tổng Thư Ký Tòa Soạn báo Tin Sáng, Phó Giám Đốc Cimexcol Minh Hải, bị cáo đầu vụ trong oan án Cimexcol Minh Hải. Nguồn: OntheNet
Dương Văn Ba (thứ hai từ trái), cựu dân biểu đối lập VNCH, Tổng Thư Ký Tòa Soạn báo Tin Sáng, Phó Giám Đốc Cimexcol Minh Hải, bị cáo đầu trong vụ án Cimexcol Minh Hải. Nguồn: OntheNet

Giữa bộ ba Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Dương Văn Ba tưởng là tình thân như ruột thịt. Nhưng trong Hồi ký Những ngã rẽ Dương Văn Ba đã tố cáo Ngô Công Đức, làm báo Tin Sáng sau 1975 bao nhiêu bổng lộc hưởng một mình. Tiền bạc ê hề, ăn chơi cờ bạc, mua nhà mua cửa, bao gái đủ cỡ trong khi anh em tòa soạn sống lây lất. Tình cảnh đó đi đến chỗ mâu thuẫn kiện tụng. Và Đảng nhân cơ hội đó đóng cửa luôn tờ báo vào năm 1981 với lời ghi chú, Tờ báo đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử(5).

Thêm nữa, giữa Hồ Ngọc Nhuận và Lý Chánh Trung có mâu thuẫn mà người viết xin ghi lại trong nhật ký Đời của Hồ Ngọc Nhuận. Vốn trong sách của Lý Chánh Trung có cho in một bức hình chụp Hồ Ngọc Nhuận và Huỳnh Tấn Mẫm chụp trước tiền đình Hạ Viện trước 1975, với lời ghi chú đầy ác ý. Cũng theo Hồ Ngọc Nhuận, ông đã viết thư hỏi giáo sư Lý Chánh Trung, tác giả sách có ảnh, ai đã chụp ảnh, ai đã chú thích là hỏi khó giáo sư vậy thôi chứ ai mà không biết chỉ có trời mới biết(6). Chỉ rất tiếc là Hồ Ngọc Nhuận không cho biết nội dung lời chú thích dưới bức ảnh là gì?

Mặc dầu tiết lộ nửa kín nửa hở, người đọc cũng hiểu rằng, Lý Chánh Trung đã chơi xấu bạn bè, nhưng đến lúc bị cật vấn thì chối quanh, mặc dầu hình và chú thích được in trong sách của Lý Chánh Trung. Qua vụ Liên Trường và vụ này, tôi thiết nghĩ Lý Chánh Trung là người tâm địa nhỏ nhen và chơi không đẹp.

Nhưng xem ra trong số những thành phần thứ ba – trừ những thành phần cắc ké như dân biểu Kiều Mộng, Nguyễn Chức Sắc, Lê Tấn Trạng, Đinh Xuân Dũngvv.. có lẽ chỉ còn sót lại một người là Lý Chánh Trung, cố bám trụ, cố theo đảng tới cùng- mặc dầu, chức vụ cao nhất của ông cũng chỉ là được cho đắc cử vào một Quốc Hội bù nhìn và sau đó cho nghỉ hưu.

Nhận xét của tôi về chuyến công du Bắc Kỳ này của đám trí thức thiên tả Sài Gòn là rất quan trọng. Bởi vì đây là màn kịch cuối cùng mà cộng sản Bắc Việt muốn nhóm trí thức này phải đóng tuồng cảnh Nam Bắc thống nhất một nhà.

Điều thứ hai là hầu hết đám trí thức thiên tả này đều không biết dụng ý cũng như kịch bản do Hà Nội đạo diễn. Họ trở thành những tên hề ngớ ngẩn, bị lợi dụng và sau đó lần lượt trở thành những thành phần dư thừa, cùng lắm dùng làm cảnh cho chế độ.

Thật vậy, không một ai trong đám trí thức thiên tả, lực lượng thứ ba này được có một vai trò trong guồng máy cai trị của đảng. Hầu hết đều nắm những chức vụ hữu danh vô thực như đại biểu quốc hội bù nhìn và nhất là các chức vụ phó chủ tịch trong Mặt Trận tổ quốc. Một thứ Mặt trận bù nhìn cho một thứ dân chủ giả hiệu.

Riêng Lý Chánh Trung là đối tượng của bài viết này rất thiển cận chỉ nhắc nhở tới những vinh dự bịp mà họ dành cho ông. Ông không dám bày tỏ hoặc nhận xét gì về thực trạng xã hội miền Bắc trong chuyến thăm viếng này.

Bài viết này, với chủ đích rõ ràng là tìm hiểu con người Lý Chánh Trung trong suốt hành trình từ thời sinh viên đến lúc trở thành dân biểu quốc hội như một người trí thức tiêu biểu thuộc thành phần thiên tả- hay lực lượng thứ ba của miền Nam!

Trong một bài biên khảo nhan đề, 20 năm giới trí thức miền Nam, tôi đã có dịp đề cập đến trường hợp Lý ChánhTrung như một biểu tượng của trí thức thiên tả miền Nam trước 1975. Nhưng nay ông vào tuổi xế chiều mà thời gian còn lại cho ông không còn bao nhiêu nữa. Vinh danh và quyền lực của đảng cộng sản dành cho ông như chức tước đại biểu quốc hội bù nhìn cũng đã đến lúc trắng tay.

Ông trở thành kẻ hết thời hay thứ dư thừa dưới mắt người cộng sản. Số phận những người theo cộng sản thì phải nhận lấy những hậu quả tương tự. Điều chính yếu là bạn bè, đồng chí của ông đã quên ông.

Cuộc sống của ông hiện nay lúc cuối đời xem ra thanh bạch, đạm bạc mà nhiều phần là túng thiếu.

Còn nhớ vào những năm tháng ấy, sau 1975 – quyền lực trong tay cũng có – vậy mà Lý Chánh Trung cảm động và khoe một cách hãnh diện là vừa có học trò cho một bao gạo.

Đại biểu Quốc Hội leo đến chức phó chủ tịch Quốc Hội mà phải ngửa tay nhận một bao gạo bố thí của học trò thì hiện trạng đất nước ấy phải được hiểu là thế nào?

Bao gạo ấy đượm tình nghĩa thầy trò của người miền Nam, nhưng nó tố cáo một cách gián tiếp chế độ bất nhân ấy.

Làng Đại Học Thủ Đức - Gia Định 1965/66 - Nguồn ảnh: Dale Ellingson
Làng Đại Học Thủ Đức – Gia Định 1965/66 – Nguồn ảnh: Dale Ellingson

Cái còn lại như chứng tích duy nhất của nền Đệ Nhất Cộng hòa để lại cho ông là căn nhà của ông ở làng đại học Thủ Đức, số 17 đường Công Lý, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, Sài gòn. Chính nơi đây con cái ông lớn lên, được nuôi dưỡng ăn học và nay là cái mái che mưa nắng cho ông lúc tuổi xế chiều(7).

Sự đãi ngộ ấy có thể ông không bao giờ muốn nhìn nhận, có thể ông chỉ coi như một điều đương nhiên là như thế. Nay được biết ông lại bị bệnh lãng trí nặng, đi lang thang quên cả lối về nhà. Chắc nhiều bạn bè thương cảm và buồn cho ông.

Buồn thì đúng rồi.

Nhưng với tôi, tôi nghĩ nó lại là cơ may, là nguồn hạnh phúc cho riêng ông.

Nếu ông còn trí nhớ, còn biết vui buồn, còn biết phân biệt thị phi nhìn thấy cảnh đất nước rã nát như ngày hôm nay – như trường hợp luật sư Lê Hiếu Đằng – thì có khi đến chết ông cũng không nhắm mắt được.

Lý Chánh Trung hơn ai hết là một giáo sư triết hiểu sự mất trí nhớ đôi khi lại là là con đường giải thoát cho riêng ông.

Gần đây nhất, cậu con trai út Lý Trung Dũng, sinh năm 1970, phóng viên báo Tuổi Trẻ trước đây bị xe ô tô cán, sau nhiều năm chữa trị đã qua đời ngày 22 tháng 11-2013.

Cuộc sống vắn vỏi ấy kết thúc một cuộc đời-kết thúc cả cuộc đời tuổi trẻ đến phi lý- phải chăng Lý Trung Dũng như một con chiên làm vật hiến tế thay cho bố?

Tin chắc là ông buồn vô kể. Như một phần đời của ông không còn nữa. Tôi còn nhớ, đến thăm ông, tiếng kêu của Dũng ở trong nhà vọng ra ngoài phòng khách, ông làm như thản nhiên tiếp tục nói chuyện.

Khi buổi chiều ra về, lòng tôi chùng xuống một nỗi buồn. Trên tay cầm cuốn:Một thời bom đạn, một thời Hòa Bình8.

Đây là cuốn sách duy nhất được xuất bản sau 1975 của ông, một cuốn sách mà tự nó cho thấy cái hèn kém của một người trí thức thiên tả miền Nam. Bởi vì đó là cuốn sách hoàn toàn sai sự thật, đánh lận con đen và tự bôi nhọ chính mình.

Lý Chánh Trung trước 1975, khi viết thường luôn luôn kết án chế độ tư bản bóc lột, đã làm tha hóa con người. Theo ông, con người bị vong thân trở thành những công cụ. Đó là hình ảnh của những con sen, thằng ở, cô vũ nữ, anh bồi, anh tài xế. những người lao động là nạn nhận nằm trong mối tương quan: ông chủ-thằng ở.

Hoàn cảnh ấy so với người trí thức miền Nam trở thành công cụ cho chế độ cộng sản thì có khác gì? Nghĩ tới hoàn cảnh người trí thức miền Nam, miền Bắc – hoàn cảnh của một Lý Chánh Trung hiện nay thì cũng chỉ là một công cụ của chế độ? Nói huỵch tẹt là một thứ nô lệ tệ hơn nô lệ. Bảo sao thì phải nói vậy.

Có bao giờ Lý Chánh Trung nghĩ rằng chính ông hiện đang vong thân, tự đánh mất phẩm tính, nhân cách con người, trở thành những con vẹt biết nói?

Vì thế, tôi thiết nghĩ cần có một bài viết đầy đủ về ông – như một nhân chứng sáng giá nhất cũng như bi kịch nhất – của một trí thức miền Nam đã tự vong thân cho cộng sản và nếu không nói bây giờ thì còn có dịp nào để nói?

Một lần nữa, tôi muốn đi lại hành trình trí thức cũng như những hoạt động thời VNCH và thời sau 1975 của ông. Đó là hai thời kỳ, hai chặng đường của một người trí thức tiêu biểu của miền Nam.

Hai thời kỳ ấy, ông đã diễn dịch và phân định bằng hai biểu tượng là MộtThời đạn bom. Một thời Hòa Bình(9).
Một thời đạn bom được hiểu là một thời oan trái do bom đạn Mỹ gây ra. Và một thời Hòa Bình, thời sau 1975 mà dân chúng được hưởng tự do, an bình, hạnh phúc, ấm no.

Thật là mỉa mai quá. Thời bom đạn vì ai nên nỗi. Và thời Hòa Bình, hạnh phúc nơi mô? Hòa bình kiển nào, cho ai sau 1975?
Sự phân hai thời kỳ của Lý Chánh Trung đã giản dị hóa đến cùng cực thực tế đau buồn của cả hai thời kỳ. Nó chỉ còn là những tuyên truyền đầy cảm tính.

Cuộc chiến được tô vẽ nhưmột bên thật giầu, thật lớn, thật mạnh, một bên thật nghèo, thật nhỏ, thật yếu. Một bên thả bom, một bên hứng bom. Một bên đi giầy, một bên chân không, một bên mập lù, một bên ốm nhách. Một bên cỡi máy bay, một bên chạy bộ. Và cứ thế, trong năm năm trời, không bên nào thắng bên nào.

Và ông có một giấc mơ được huyễn hoặc:

“Trên đỉnh núi Sọ, trơ vơ một cây thập giá. Trên cây Thập giá, có một người bị đóng đinh đang hấp hối.. Chung quanh người bị đóng đinh vần vũ một bầy kên lông trắng, lông vàng với những cái cánh bao la che kín mặt trời..
Tôi đến dưới chân Thập giá, ngước mắt nhìn lên.
Người bị đóng đinh là dân tộc tôi.”(10)

Đọc những dòng trên, tôi có cảm tưởng Lý Chánh Trung chả thua gì một Tố Hữu ngoài Bắc.

Tôi không nói oan cho ông đâu. Những Lê Hiếu Đằng, những Hồ Ngọc Nhuận, những Lý Quý Chung cũng đã từng là những con vẹt biết nói tiếng người như thế cả. Nhưng một lúc nào đó, họ dám nói lên sự thật. Nói như Đào Hiếu thì đó là cái bi kịch của loại trí thức miền Nam thiên tả. Bi kịch muôn đời của kẻ làm tay sai?

Nhưng ít ra thì những người trên cũng hơn Lý Chánh Trung một bậc. Bởi vì cuối cùng họ cũng biết phản tỉnh!

Lý Quý Chung trong một dịp trả lời phỏng vấn của Alain Ruscio lập lại nhận xét của Ngô Công Đức, Giám đốc tờ Tin Sáng:

“Như phần đông những người bạn tôi ở đây, tôi đã sống nghiệm trải hai chế độ báo chí..Trước đây chúng tôi đã là những người thợ bửa củi, còn bây giờ, chúng tôi là những người thợ mộc. Thái độ đã hoàn toàn khác. Bây giờ chúng tôi lao mình vào việc xây dựng. Bây giờ tôi cảm thấy mình có ích cho xã hội hơn cho Việt Nam, cho dân tộc tôi, liên hệ gắn bó với dân tộc, trách nhiệm hơn.”(11)

Hãy cứ hỏi 700 tờ báo hiện nay ở VN họ là thợ bửa củi hay họ là thợ mộc?

Chính vì làm báo kiểu thợ mộc Lý Quý Chung mà khi giáo sư Trần Văn Giàu đến thăm tòa báo Tin Sáng lần đâu tiên đã đưa ra lời nhận xét khen mà mỉa mai như sau:

“Các anh làm báo cộng sản như… Cộng sản.”

Lần sau ông đến khen nhiều hơn:

“Các anh làm báo cộng sản hơn.. cộng sản.”(12)

Lời khen này nếu hiểu ra thì quả thực Trần Văn Giàu quá hiểu cộng sản cũng như quá hiểu những kẻ nịnh cộng sản.

Có nghĩa là các anh nịnh giỏi quá.

Vì thế, Hồ Ngọc Nhuận khi viết cuốn Hồi Ký Đời, đã ghi chú thêm: Chuyện về những người tù của tôi.

Những người tù ở đây là ai? Là Nguyễn Ngọc Lan, là Lê Hiếu Đằng, là Ngô Công Đức, là Dương Văn Ba, là Nguyễn Hữu Hiệp mặc dầu họ chưa đi tù một ngày nào trong chế độ mới.

Nói chung, đọc hết các sách của Lý Chánh Trung như Tìm Về Dân tộc, Tôn Giáo và Dân Tộc, Những Ngày Buồn Nôn. Tôi chỉ thấy những lời nguyền rủa và xưng tụng.

Nó thiếu vắng một nụ cười trong sáng của sự thật.

Để cho việc vẽ lại chân dung và diện mạo cũng như hành trình nhận thức hay hành trạng cuộc đời Lý Chánh Trung được đầy đủ, xin chia bài viết làm hai phần:

– Lý Chánh Trung trước 1975 – Thời đạn bom
– Lý Chánh Trung sau 1975 – Thời Hòa Bình

1. Cuộc đời hoạt động của ông trước 1975

Lý Chánh Trung và những người trí thức công giáo

Ông đã tự vẽ chân dung của mình là khi từ Bỉ về nước, ông đã về quê ở Vĩnh Bình và dạy cho một trường học là cơ sở của Cách mạng. Một thời gian ngắn sau ông lên Sài Gòn..Năm 1955, ông từ bỏ Vĩnh Bình- quê ông- và gia nhập vào trong nhóm trí thức công giáo Pax Romana với các quý ông như bs Nguyễn Văn Ái, lm Nguyễn Bình An( qua đời rất sớm vì bệnh cancer) bs Nguyễn Văn Thơ, luật sư Nguyễn Văn Huyền, các giáo sư Phạm Thị Tự, Nguyễn Văn Trung, Phó Bá Long, Trần Long, các chuyên viên như Lâm Võ Hoàng, Anh Tôn Trang, Võ Long Triều, Đoản Thanh Liêm, v.v.

Nhóm này đã tổ chức ‘Tuần lễ Hội Học công giáo’ và và cho ra ‘Tủ sách Đạo và Đời’.

Đây là giai đoạn hiền lành và trong sáng nhất của một người trí thức như ông. Nó tiêu biểu cho giới trí thức công giáo thành thị mà phần đông du học ở ngoại quốc về.

Sau đó do sáng kiến phần lớn của Nguyễn Đình Đầu để thể hiện tinh thần Công đồng Vatican 2, ông cùng với Nguyễn Văn Trung Nguyễn Đình Đầu, Anh Tôn Trang chủ trương tờ tuần báo Sống Đạo. Trụ sở tờ báo là mượn văn phòng xã hội của linh mục Parrel, trên đường Nguyễn Du, cạnh nhà thờ Đức Bà.

Tổ chức tờ báo có hai bộ phận. Bộ phận viết bài chủ lực là Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Nguyễn Đình Đầu, Anh Tôn Trang. Bộ phận phát hành do các anh em trong phong trào Thanh Sinh Công, do anh Phong trách nhiệm phân phối báo đi các giáo xứ.

Anh Phong đã ra đi rất sớm khi còn trẻ. Thật đáng tiếc một con người hoạt động xông xáo, lúc nào cũng vui vẻ nhanh nhẹn. Tinh thần của anh Phong là phục vụ. phục vụ cho xã hội, cho con người- và cũng là vâng theo Chúa của anh.

Sau đây, xin trích dẫn vài bài báo của Lý Chánh Trung đã được đăng trên Sống Đạo vào các tháng 7,8,9 năm 1962 như:

  • Thân Phận tôi đòi
  • Ông chủ xe hơi và cô thư ký
  • Hai giới thanh niên
  • Những gót chân non

Các bài viết của Lý Chánh Trung trong thời kỳ này đã có những ám ảnh mà chủ yếu đặt nặng vấn đề Công bằng Xã hội – một đề tài quen thuộc và được ông khai thác nhiều lần. Nó phản ánh một phần các tư tưởng xã hội của chủ nghĩa Mác Xít trong đó có các vấn đề Cần Lao, vấn đề Vong Thân, vấn đề Bạo động và vấn đề Tranh đấu giai cấp, vấn đề Bóc lột giữa chủ và thợ, v.v.

Những ý tưởng then chốt về công bằng xã hội sẽ là những bước mở đường cho Lý Chánh Trung một ngày không xa đến thực sự với cộng sản.

Nói như thế chỉ là hoàn cảnh đặc biệt dành cho Lý Chánh Trung thôi.. Những sinh viên nào ngồi trên ghế nhà trường đã bước qua cổng trường của Platon thì không có gì xa lạ với những chủ đề xã hội trên.

Không có điều gì nhất thiết bắt buộc một người trí thức có ý thức thiên tả thì sẽ đi theo cộng sản!

Tôi còn nhớ, lúc bấy giờ Báo Sống Đạo bán rất chạy, gây được tiếng vang lớn. Ai cũng hăng say tin tưởng từ anh em viết bài chủ lực, đến các sinh viên và đến anh em phụ trách phát báo.

Phản ứng của độc giả thì nhiều – đủ loại khen chê tức giận cũng có, đôi khi cấm bán báo nữa. Đó là phản ứng phải có trong một xã hội đang bắt đầu mở ra trước những trào lưu tư tưởng phương Tây xâm nhập vào Việt Nam.

Phần Lý Chánh Trung được anh em đề nghị làm chủ bút.

Nhưng ông thừa biết, bọn trí thức Bắc Kỳ công giáo làm hết mọi chuyện: -Từ sáng kiến cũng do họ – tổ chức do họ – phương tiện vật chất do họ tự liệu – viết cũng do họ. Nhưng họ vẫn đẩy ông ra làm người đứng đầu. Sau này cũng thế khi làm tờ Hành Trình, ông vẫn giữ vai trò chủ bút. Nguyễn Văn Trung vai chủ nhiệm.

Việc thì người khác làm, danh xưng thì ông nhận(13). Điều đó cho thấy yếu tố miền trong nhiều trường hợp trở thành yếu tố căn bản cho mọi hoạt động chính trị, văn hóa và cả tôn giáo.

Lý Chánh Trung đã thừa hưởng một cách tự nhiên các điều kiện thuận lợi ấy của một người trí thức gốc miền Nam.

Và nhóm trí thức nàycũng đã tổ chức được một tuần lễ Hội học xã hội dưới nhan đề: Lương tâm công giáo và công bằng xã hội vào năm 1963, do nhóm Trí thức công giáo Sài Gòn.

Điều hành và tổ chức cũng do tụi công giáo Bắc Kỳ làm hết. Nhưng bài thuyết trình khai mạc cũng dành cái vinh dự đó cho ông. Với sự góp mặt của Lý Chánh Trung, Trần Văn Toàn, Trần Long, Anh Tôn Trang, Võ Long Triều, Mai Văn Lễ, Lm Nguyễn Bình An, Nguyễn Văn Trung.

Lý Chánh Trung với bài tham luận khai mạc: Sự phát triển của ý niệm Công Bằng trong lịch sử. Nguyễn Văn Trung là người kết thúc tuần lễ hội thảo với: Trách nhiệm hiện tại của người công giáo(14).

Xin lưu ý là trong tuần lễ Hội thảo này, ban tổ chức đã chỉ mời giới chức lãnh đạo tôn giáo như TGM Nguyễn Văn Bình, cả Khâm sứ tòa Thánh. Nhưng đã không mời đại diện chính quyền như các ông Trần Kim Tuyến hay Ngô Đình Nhu.

Điều đó muốn nói lên tính cách độc lập của buổi Hội thảo. Tách biệt giữa tôn giáo và chính trị.

Và họ củng thừa biết rằng, dù có mời, ông Ngô Đình Nhu cũng không đi dự vì ông không muốn dính dáng vào sinh hoạt của tôn giáo.

Giữa ông Diệm, ông Hồ, Lý Chánh Trung chọn ai? Một chọn lựa chính trị?

Ông đặc biệt ác cảm với ông Diệm ngay từ lần đầu gặp gỡ khi còn là sinh viên ở Bỉ. Ông kể lại có gặp ông Diệm một lần khi ông nảy đến thăm sinh viên. Ông tỏ ra thất vọng vì ông Diệm thân Mỹ và không am hiểu hết về các vấn đề xã hội.

Trong một bài viết, ông còn tỏ ra bất công và miệt thị ông Diệm một cách nặng nề. Mặc dầu khi về Việt Nam, ông cũng đã được trọng dụng hơn ai hết trong guồng máy giáo dục miền Nam. Ông cũng như ông anh ruột Lý Chánh Đức trở thành những công chức cao cấp trong ngành giáo dục với vị trí giám đốc và Tổng Thư ký Bộ Giáo Dục, rồi giáo sư đại học, có nhà ở khu làng đại học Thủ Đức và đây là những nhận xét đầy miệt thị của ông trước cái chết của ông Diệm:

Nhưng từ đó mà cho rằng chế độ ông Diệm là một thời đại hoàng kim và chỉ cần bắt chước ông Diệm là có thể giải quyết những vấn đề đất nước, như một số tay chân bộ hạ của ông đang tuyên bố rùm beng thì thật là lố bịch và vô liêm sỉ.

Những người đang hò hét khóc lóc chung quanh cái tên ông Diệm như một bầy quạ trên một xác chết.

Và nếu họ không còn chút tự trọng, xin họ dầu sao cũng thương dùm ông Diệm. Tội nghiệp ông! Tôi ứa nước mắt mà viết câu này, xin họ hiểu cho(15).

Nhưng đối với ông Hồ Chí Minh thì ông tỏ ra cung kính hết mực như trong một bài viết của ông nhan đề: Nói chuyện với người đã khuất, nhân dịp Hồ Chí Minh qua đời(16). Ông viết:

Cho nên tôi không tiếc mà cũng không trách cụ Hồ đã lựa chọn con đường cộng sản. Tôi chỉ khâm phục Cụ đã trung thành tuyệt đối với sự lựa chọn của mình. Tôi không thể đi theo con đường của Cụ, nhưng tôi có thể noi gương Cụ để đi tận cùng con đường của tôi, con đường mà tôi đã lựa chọn trước lương tâm tôi, như Cụ đã làm 50 năm trước. 50 năm trước, với sự thành công của Cách Mạng tháng 10, với nhân cách và tài năng vô song của Lê Nin, với cái bầu khí huynh đệ, chí tình, hăng say và tin tưởng trong một đệ tam Quốc tế vừa thành lập với một điểm tựa vững chắc, chủ nghĩa cộng sản đã hiện ra tước mắt Cụ như là con đường duy nhất để giải phóng dân tộc và giải phóng con người.

Những đoạn văn viết như thế này, nếu có dịp đọc lại thấy ngượng- ngượng cho cả người viết lẫn người đọc.

Ông viết như thế mà nhiều người không thù oán ông và chính thể của nền Đệ Nhị Công Hòa cũng để ông yên.

Ông vẫn được làm Đổng lý Văn phòng Bộ Giáo Dục. Đi làm vẫn có tài xế đưa đón.

Ông ăn thóc nhà Chu mà chửi nhà Chu. Hoặc ông rập khuôn cái tinh thần: Nắng được lúc nào thì cứ nắng như trong một bài viết của cụ Phan Khôi chăng?

Nhưng người cộng sản đọc thì đánh giá ông là người cộng sản không có thẻ đảng. Một lời khen hay một lời cảnh cáo?

Thế nhưng, trong cả hai chế độ Đệ Nhất và Đệ Nhị miền Nam, ông đều tạo cho mình một chỗ đứng cao và không phe phái nào oán ghét cả. Và từ chỗ đó, ông là người người miền Nam duy nhất có thể thỏa hiệp, đồng hành với nhiều phía ở ngoài chính quyền. Từ cấp tiến tới khuynh tả rồi cuối cùng tới cộng sản, từ công giáo tới Phật giáo, từ phe cánh miền Nam tới thành phần lực lượng thứ ba thiên tả.

Chỗ nào có chống đối là có ông.

(Còn tiếp)

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


DCVOnline biên tập và minh họa

(1) Hồ Ngọc Nhuận ghi lầm, Ba Ka, không phải “Ba Ca”, tên thật là  Phạm Khải, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định 1953-1954
(2) Một số chi tiết trong phần này là căn cứ vào Hồi Ký Đời của Hổ Ngọc Nhuận, người có mặt trong đoàn đại biểu miền Nam ra Bắc.
(3) Hồ Ngọc Nhuận, Đời, trang 294
(4) 
Hồ Ngọc Nhuận, Ibid, trang 295
(5) Hồi Ký Những ngã rẽ, Dương Văn Ba, chương 14. Nội bộ báo Tin Sáng rạn nứt. Tin Sáng chấm dứt vai trò lịch sử
(6) Hồ Ngọc Nhuận, Ibid., trang 296
(7) Làng Đại Học Thủ Đức được thành lập là do một dự án của ông Ngô Đình Nhu muốn đưa một số phân khoa Đại học lên Thủ Đức như một thứ Campus của Tây Phương. Nhưng chỉ mới xây dựng bước đầu làng Đại Học cho các giáo sư thì ông bị thảm sát năm 1963. Chương trình tốt đẹp ấy giống như nhiều chương trình xã hội khác bị bỏ dở. Khu đất làng Đại Học là do đất mua lại của nông dân với giá rẻ. Các giáo sư được cho vay một số tiền rồi được tùy ý xây cất theo ý thích của mỗi người.
(8) Lý Chánh Trung, Một thời đạn bom, Một thời Hòa Bình. Nxb Đồng Nai. Đây là cuốn sách được xuất bản sau 1975 được chính quyền cộng sản cho xuất bản cùng với cuốn Hồi Ký của Lý Quý Chung. Các cuốn Hồi Ký khác của Dương Văn Ba và Hồ Ngọc Nhuận bị cấm xuất bản. Nhưng Hồ Ngọc Nhuận vẫn cho in chui, dưới dạng photocopy. Tôi có được một ấn bản này.
(9) Nội dung cuốn sách chắc được xào nấu kỹ càng chỉ có hai mặt: Chê và khen. Chê miền Nam trước 1975 và khen chế độ XHCN sau 1975 với nhiều phần sai sự thật, lấp liêm, bất công nếu không nói là xuyên tạc.
(10) Lý Chánh Trung, Những ngày buồn nôn, Bầy kên kên và cây thập giá, trang 160
(11) Alain Ruscio, Vivre au Viet Nam, trang 177
(12) Hồ Ngọc Nhuận, Ibid., bản thảo, trang 73
(13) Tờ Hành Trình, tuy chỉ xuất bản được mười số, Nhưng lại gây tiếng vang nhiều nhất. Một bản tin của A.F.P, ngày 12-11-1965 đã đưa tin như sau: Son dernier reproduit un article de revue littéraire mensuelle ‘Itinéraire’ qui semble etr le porte-parole des milieux univertsitaires et intellectuels. (Số ra cuối cùng của tờ báo – chỉ tờ sinh viên Huế – đã in lại một bài bài báo Hành Trình, một tờ báo được coi như phát ngôn viên cho giới Đại Học và trí thức).
(14) Trích Tuần Lễ Hội Học 1963. Nhóm Trí thức công giáo sài Gòn. Lương Tâm Công Giáo và Công Bằng Xã Hội, dưới sự bảo trợ của Tổng Giám Mục giáo khu Sài Giòn, nxb Nam Sơn
(15) Lý Chánh Trung, Những ngày buồn nôn, tạp chí Đất Nước, số 112, trang 138; chủ nhiệm Nguyễn Văn Trung, chủ bút Lý Chánh Trung, Tổng thư ký tòa soạn, Thế Nguyên, tòa soạn, 291 Lý Thái Tổ, Sài gòn
(16) Lý Chánh Trung, Ibid., Nói chuyện với người đã khuất, ngày 21-9-1969, trang 15