Thẩm phán Tối cao Pháp viện Mỹ cổ xúy Bình đẳng, Tự do báo chí ở Việt Nam

Lien Hoang (VOA) | DCVOnline dịch

Ginsburg_Những cuộc viếng thăm cao cấp của cả hai bên trong năm nay, vào dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ bình thường, cho thấy hai nước cựu thù thời chiến đã có quan hệ thân thiết hơn bao giờ hết.

Thẩm phán Tối cao Pháp Viện Mỹ Ruth Bader Ginsburg nói chuyện với các thành viên của Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á Sáng kiến ​​tại thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: VOA
Thẩm phán Tối cao Pháp Viện Mỹ Ruth Bader Ginsburg nói chuyện với các thành viên của Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á Sáng kiến ​​tại thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: VOA

Tp. Hồ Chí Minh — Thẩm phán Tối cao Pháp viện Mỹ Ruth Bader Ginsburg trong tuần này cho biết, vì công bằng xã hội, Việt Nam cần có thẩm phán và các nhà báo không phải quan tâm đến việc bị trả đũa khi phải luận giải, đưa tin về những vấn đề nhạy cảm; Thẩm phán Ginsburg dẫn chứng tiến bộ ở Mỹ như một ví dụ tốt.

Ginsburg, một người suốt đời chủ trương bình đẳng chủng tộc và giới tính, nói với khán giả tại thành phố Hồ Chí Minh về “những ngày xưa không tốt” khi hệ thống tư pháp Mỹ đã không bảo vệ (quyền) phụ nữ.

Khi còn là một sinh viên luật tại Harvard, Ginsburg đi học trong một tòa nhà không có phòng vệ sinh cho phụ nữ. Khi là một giáo sư Luật tại đại học Columbia, lương hưu trí của bà ít hơn so với các đồng nghiệp đàn ông. Ginsburg đã tranh đấu san bằng những bất công đó và những bất bình đẳng khác trong xã hội, nhiều vụ đã được giải quyết ở tòa án. Nhưng mọi thứ đã tiến bộ hơn xưa, thẩm phán Ginsburg nói, phụ nữ chiếm 50 % số luật sư của Mỹ hiện nay, so với 3 % trong năm những năm 1950.

Thẩm phán Ginsburg, 82 tuổi, nói tiếp, “Tôi đã già”, và cười với đám đông. “Khi đi học luật, chúng tôi không có luật chống phân biệt đối xử.”

Ginsburg cho rằng, những bất công đó cũng áp dụng đối với người Mỹ da đen, những đã phải đi học tại những trường học“hết sức bất bình đẳng” cho đến khi vụ án giữa Brown với Hội đồng Giáo dục đã đặt ngoài vòng pháp luật việc phân biệt chủng tộc vào năm 1954.

Nhưng Việt Nam, một cựu thuộc địa của Pháp, vận hành bằng Bộ luật Napoleon, thay vì sử dụng kết quả các vụ án để lập tiền lệ pháp lý. Là một nước độc đảng, Việt Nam cũng thiếu sự phân chia quyền lực giữa ba ngành của chính phủ, do đó phán quyết của thẩm phán được coi là đã được định trước.

Tự do báo chí là một mối quan tâm

Việt Nam cũng không có đệ tứ quyền độc lập, khi đa số tổng biên tập của những tờ báo nói chung là người được đảng cộng sản chỉ định. Ginsburg nói đến các phương tiện truyền thông sau khi một khán giả nói với bà, “Nhiều cán bộ chính phủ thường ăn cắp tiền từ các dự án.” Những người tham dự được yêu cầu thảo luận về các vấn đề cấp bách nhất của Việt Nam, và khán giá đó nói rằng nước ông cần minh bạch hơn để nhổ tận gốc nạn tham nhũng.

Thẩm phán Ginsbug trả lời bằng một câu hỏi tu từ,

“Để đạt được những đáp án đó, nếu bạn có một nền báo chí tự do thì nó không lợi ích hay sao?Nếu các nhà báo, phóng viên báo chí, phóng viên truyền hình có thể truyền thông một cách tự do mà không phải lo lắng về phản ứng của chính phủ?”

Ginsburg đã nói chuyện với các thành viên của Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (Young Southeast Asian Leaders Initiative, YSEALI), một chương trình của Mỹ để phát triển kỹ năng và các mối quan hệ trong khu vực. Thẩm phán Ginsburg đã trả lời đủ loại câu hỏi về luật pháp và công bằng xã hội từ khán giả. Một thành viên YSEALI hỏi, liệu Tổng thống Mỹ đã vi phạm hiến pháp khi điều động quân đội mà không có tuyên bố chiến tranh từ quốc hội.

Ginsburg trả lời, “Nếu quốc hội không muốn tổng thống không thực hiện những gì ông đang làm, họ có thể biểu quyết theo hướng khác, nhưng họ không làm thế. Họ bằng lòng để cho tổng thống theo đuổi những gì ông đang theo đuổi.”

Thẩm phán Ginsburg nói thêm, “Quốc hội dường như thích để tổng thống phải chịu trách nhiệm.”

Theo một tuyên bố từ Tòa Đại sứ Mỹ thì thẩm phán Ginsburg đến Thành phố Hồ Chí Minh từ Hà Nội, sau đã gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình, và “những học giả về chế độ pháp trị”. Tòa án cao nhất của Việt Nam vừa được cải tổ vào tháng Bảy vừa qua chỉ gồm 15 đại biểu và thẩm phán, chứ không còn là 158 thẩm phán như trước.

Khi được hỏi làm thế nào Việt Nam để có thể cải thiện hệ thống pháp luật, Ginsburg nói mỗi quốc gia cần thẩm phán độc lập. Những người sáng lập nước Mỹ đã bổ nhiệm những thẩm phán tối cao với nhiệm kỳ cả đời, và nghiêm cấm quốc hội không được trừ lương của họ. Ginsburg nói điều đó có nghĩa là thẩm phán không phải “sợ” mất việc làm hoặc sợ mất tiền lương của họ khi ban hành những “quyết định không được ưa chuộng”.

Chuyến đi Việt Nam của thẩm phán Ginsburg là một phần của cuộc đàm thoại ngoại giao ngày càng tăng gần đây giữa Hà Nội và Washington. Những cuộc viếng thăm cao cấp của cả hai bên trong năm nay, vào dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ bình thường, cho thấy hai nước cựu thù thời chiến đã có quan hệ thân thiết hơn bao giờ hết.

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: US Supreme Court Justice Promotes Equality, Free Press in Vietnam. Lien Hoang, VOA News, August 15, 2015.

1 Comment on “Thẩm phán Tối cao Pháp viện Mỹ cổ xúy Bình đẳng, Tự do báo chí ở Việt Nam

  1. Chính sách ngoại giao của Hoa Ky là kiểu “con thò lò” 6 mặt, hay “già nặn dắn buông”…. anh nào nghe theo chú SAM mà “ngây ngô như ngỗng ỉa” thì có ngày “mất mạng”… còn chính sách ngoại giao của Việt cộng là kiểu “nhất ly, nhì lì” hay nói cách khác “cạo đầu ăn vạ” nếu không được thì “đẹp trai không bang chai mặt”..hai khứa này đúng là “mạt cưa, mướp đắng”… chính nhân quân tử kiểu VNCH thì chỉ có “từ thua chí thua”….và bảo nhau “tự an ủi : vì thời thế, thế thời phải thế”….