Đọc “Nhận Định Sự Thật” của Huỳnh Thục Vy

Trịnh Bình An

truthĐọc Huỳnh Thục Vy mà khen thì chẳng khác gì khen phò mã tốt áo.

Huỳnh Thục Vy, “Nhận Định Sự Thật - Tự Do & Nhân Quyền”. Nguồn: Việt Thức.
Huỳnh Thục Vy, “Nhận Định Sự Thật – Tự Do & Nhân Quyền”. Nguồn: Việt Thức.

Nhưng tôi vẫn muốn khen. Khen như một sự đồng ý, như một cái bắt tay, như một nụ cười – “Vy, you rock!”

Cái gì làm những bài viết của cô nổi bật?

Có thể dùng ba tĩnh từ để diễn tả: sắc sảo, vững chãi, rõ ràng.

Tôi đọc không ít các bài viết của Huỳnh Thục Vy ngay từ khi những bài viết của cô có mặt trên các trang báo điện tử . Nhưng chỉ đến khi đọc cuốn sách “Nhận Định Sự Thật – Tự Do & Nhân Quyền” tôi mới thấy những đặc điểm trên sáng rõ hẳn lên. Có thể vì tôi thuộc loại cũ rich ưa nhìn mặt chữ đen trên giấy ngà, hoặc cũng có thể do cuốn sách in thật đẹp, bìa cứng trang trọng với chữ cỡ to, hợp với con mắt quá mệt vì nhìn màn hình suốt ngày.

Không còn nghi ngờ gì nữa, một ngày nào đó, Việt Nam sẽ có một lý thuyết gia đúng nghĩa của nó. Sự vững chãi trong lý luận của Vy, theo tôi, hẳn đã bắt đầu từ niềm đam mê luận lý như lời cô từng nói: “Tôi tin sự bàn luận nghiêm túc về lý thuyết sẽ đặt nền tảng cho những thực hành trong tương lai.” (trích Huỳnh Thục Vy, “Bàn Về Sự Dũng Cảm”)

Huỳnh Thục Vy học Luật theo sự khuyến khích của người cha. Ông Huỳnh Ngọc Tuấn là một người phản kháng. Cộng sản đã bắt giam ông nhưng không khuất phục được ông, trái lại, ông Tuấn vẫn tiếp tục tranh đấu, không những thế, còn truyền ngọn lửa bất khuất cho các con ông là Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếu.

Đọc bài viết của Vy, thường người ta chỉ “ngậm mà nghe”.

Hãy thử đọc đoạn phân tích về sự sợ hãi dưới đây:

“Con người mang nhiều nỗi sợ hãi từ tiềm thức nên sợ hãi là bản năng, là phản ứng vô điều kiện của chúng ta trước những tình huống bất lợi. Sợ hãi gần như hiện hữu trước cả khi chúng ta có nhận thức về thế giới ngoại tại.

Sợ hãi chỉ chuyển từ dạng thô thiển sang vi tế song hành với sự trưởng thành về nhận thức của chúng ta mà thôi. Nghĩa là, hầu hết các nỗi sợ hãi không biến mất khi con người ta trưởng thành mà chỉ chuyển từ dạng “trẻ con” sang dạng “người lớn”; ví dụ như, trẻ con thì sợ bóng tối, đến khi lớn lên thì không sợ bóng tối nữa mà chuyển sang sợ nghèo, sợ thất bại.

Một số nỗi sợ hãi cố hữu sẽ giữ nguyên, về bản chất, dù ta có lớn bao nhiêu tuổi chăng nữa; ví dụ như, lúc trẻ chúng ta sợ bị cha mẹ bỏ một mình, đến lớn chúng ta sợ bị bạn bè, cộng đồng bỏ rơi, sợ cô đơn. Có thể nói, nó làm ta mỏi trí nghĩ khi nói về sự sợ hãi, vì bàn về sợ hãi cũng khó khăn và không manh mối tương tự như bàn về tiềm thức con người.”

Đoạn văn trên tôi ngắt ra, thêm xuống hàng để đọc cho… dễ. Chỉ có vậy nhưng cho thấy một điều thú vị rằng tôi – một người tự hào suy nghĩ không ít – đã không theo nổi dòng suy tưởng liền mạch của Vy, tôi phải đọc – dừng – đọc tiếp. Điều này cho thấy Vy có khả năng suy tưởng và liên tưởng hơn người.

Hồi nhỏ, tôi chúa sợ ma nhưng rất thích đọc truyện ma. Tối ngủ, không dám quay lưng ra ngoài mùng vì sợ ma… chụp. Bữa nào nhà có khách, hai bà chị cùng ngủ chung, đêm đó thiệt khỏe vì có hai “hộ pháp” trấn hai bên, con ma nào mà dám tới bắt? Lớn lên, tôi có người bạn trai (đúng ra là đàn ông vì đã trên bốn bó) vẫn còn sợ ma. Có lần anh chàng dặn dò trước: “Phim này ghê lắm. Tui phải mở đèn đó.” Tôi nghe dọa cũng ớn, để đèn sáng. Té ra, phim chẳng có gì. Sang ngày, tôi nẹt hắn một trận: “Có bi nhiu cùng sợ. Làm uổng cái đèn.” Vậy đó, chưa chắc lớn lên đã hết sợ ma, Vy ơi.

Nói chĩa ngang một chút để thấy rằng những đề tài Huỳnh Thục Vy đưa ra đều rất cổ điển nhưng rất thú vị, nói hoài không hết. Nên Vy có lý khi giới hạn các đề tài trong bối cảnh Việt Nam hiện nay với mục đích đưa ra những sự thật cần thấy để thúc đẩy cuộc đấu tranh.

Nhưng vẫn có câu hỏi: Đọc Huỳnh Thục Vy như thế nào cho lý thú nhất?

Nhà văn Mặc Đỗ có một truyện ngắn tên “Trăng Đỏ”. Ở đó có một người đàn bà đòi gặp một người đàn ông hoàn toàn xa lạ đến một quán rượu để nói chuyện công việc. Nhưng khi hai người ngồi vào bàn, cô không nói gì tới công việc, trái lại, chỉ đề nghị được “uống theo” – “ông uống cái gì, tôi uống cái đó, coi ai đổ trước.”

Tôi cũng đề nghị bạn nên “đọc theo” Huỳnh Thục Vy.

Vy nghĩ cái gì – Tôi nghĩ cái đó – Coi ai “mỏi trí” trước.

Bây giờ, xin quay lại cuốn sách “Nhận Định Sự Thật – Tự Do & Nhân Quyền”.

Sách gồm 35 tiểu luận, đề cập đến những vấn đề chính trị, thời sự hiện nay của Việt Nam và thế giới.

Có thể chia các tiểu luận của Huỳnh Thục Vy thành bốn loại chính:

Thứ nhất – so sánh và nhận định. Tìm hiểu hoàn cảnh của các nước trên thế giới và sau đó so sánh với tình hình Việt Nam. Tiêu biểu như các bài viết “Liêm sỉ ở đâu khi so sánh Nhân Quyền Anh-Việt”, “Người Mỹ nói đến ‘đấu tranh giai cấp’”, “Tại sao là Miến Điện mà không phải Việt Nam”,…

Thứ hai – mô tả và nhận định. Qua quan sát và chiêm nghiệm, mô tả một vấn đề thực tế, để rồi đưa ra những nhận định về vấn đề đó. Tiêu biểu như các bài viết: “Dân chủ: Giá trị Nhân bản”, “Bàn về dân trí”, “Xã hội dân sự và hiện tình Việt Nam”,…

Thứ ba – thắc mắc và giải quyết. Bắt đầu bằng một câu hỏi, kết thúc bằng câu trả lời. Tiêu biểu như: “An Toàn hay Tự Do?”, “Khôn Ngoan Đến Mức Độ Nào?”, “Con Vua thì lại làm Vua?”…

Thứ tư – tâm tư và mơ ước. “Tôi vô tình học Luật”, “Tâm tư hôm nay mới trải”, “Tâm tư nhân ngày Lễ Tạ ơn”,…

Nếu ta thấy một Huỳnh Thục Vy vững chãi, thông minh, qua những dòng chữ sắc mạnh, không khoan nhượng vạch mặt chế độ Cộng Sản, ta cũng sẽ thấy một Huỳnh Thục Vy trầm ngâm, ưu tư về định mệnh dân tộc mà cô cũng là một sinh vật nhỏ bé nằm trong, cùng chịu mọi áp lực và ảnh hưởng.

Nếu giở bất kỳ một trang nào của “Nhận Định Sự Thật”, bạn cũng sẽ tìm thấy một điều đặc biệt, đáng suy nghĩ. Bạn có thể đồng ý hay không đồng ý với tác giả, nhưng bạn hẳn sẽ đồng ý với tôi rằng những dòng chữ ấy đã xuất phát từ một tấm chân tình.

Rồi sẽ có lúc tôi tranh cãi với Vy về “Nghĩa và Lợi”, về Nho Học, tôi sẽ nói Vy nên đọc Chu Dịch của cụ Phan Bội Châu để thông cảm hơn Khổng Tử, như chính tôi đã phải đọc “Kẻ Bị Khai Trừ” mới biết thương, biết kính luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Nhưng vào lúc này, tôi thấy mình cần đọc và học từ Vy, học cách dùng chữ giản dị mà chính xác, học cách trình bày ngắn gọn mà thuyết phục của Huỳnh Thục Vy, và hơn thế, tôi còn cần tự soi mình qua những tâm tình của Vy với cuộc sống.

Trong cuốn phim tài liệu “Thảm Họa Bắc Thuộc”, Huỳnh Thục Vy kiêm tốn cho rằng cô rất vui mừng được đóng góp một phần sức nhỏ cho công cuộc đấu tranh vì Tự do và Nhân Quyền cho Việt Nam. Hiện nay, cô và gia đình vẫn thường xuyên bị đảng cầm quyền đe dọa và trấn áp, những “sức nhỏ” của Huỳnh Thục Vy tỏ ra là những cú đấm thôi sơn bắt cả một hệ thống đầy quyền lực phải khiếp sợ.

Những người Việt Nam yêu nước, xin hãy tiếp tay cho những sức nhỏ của Huỳnh Thục Vy.

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ.