Khủng bố ở Saigon Nhỏ – Phần 4

Joanne Omang | Trà Mi

hcm61Nhóm người tị nạn Việt Nam tại Hoa Kỳ, thôi thúc vì chủ nghĩa dân tộc, và tin tức từ trong nước và vì ảo tưởng, đang tổ chức và tập dợt với hy vọng cuối cùng sẽ lật đổ được chính quyền cộng sản Việt Nam.

Những Saigon Nhỏ ở Mỹ nuôi hy vọng đánh bại Hà Nội

Xem P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9P10P11, Kết

Hình minh hoạ Mặt Trận ở Ubon, Thái Lan. Nguồn propublica.org
Hình minh hoạ Mặt Trận ở Ubon, Thái Lan. Nguồn ProPublica.org

Trong những khu “Saigon Nhỏ” trên khắp nước Mỹ, nơi có chừng 400.000 người tị nạn định cư sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, hàng chục nhóm cạnh tranh nhau nổi lên để quyên góp tiền và yểm trợ cho kháng chiến. Mặc dù mục tiêu và nguồn gốc của họ khác nhau rất nhiều, nhưng tất cả đều nói rằng chế độ Hà Nội đang mục nát, viện trợ của Liên Xô đang suy yếu và đối kháng thụ động lan tràn cùng những cuộc phá hoại trong nước khiến không thể tránh khỏi một cuộc tổng nổi dậy [ở Việt Nam].

Một số người tị nạn Việt Nam không đồng ý với cuộc vận động hoặc từ chối đóng góp tiền đã bị đe doạ và bị dán nhãn là gián điệp cộng sản trong một cộng đồng chống cộng, đồng nghĩa với việc bị khai trừ. Ít nhất hai người đã chết được cho là có liên quan đến các cuộc tranh chấp giữa các phe nhóm.

Nếu không thì phần lớn nó chỉ là một cuộc khẩu chiến.

Người hoạt động Lê Thị Anh ở Cheverly nói ví von kiểu Việt Nam, “Những cỗ máy chiến tranh của cộng sản giống như một cái cây lớn.” Bà nói tiếp, “Nó có gốc ở Việt Nam nhưng cành lá tại Lào và Campuchia” những nơi mà các chính phủ bị Việt Nam kiểm soát đang cầm quyền. “Cuộc kháng chiến như con sâu ăn vào rễ cây, và kháng chiến tại Lào và Campuchia giống như tằm ăn lá.”

Các người hoạt động Việt Nam nói rằng họ không muốn giúp đỡ của Mỹ, ít nhất là chưa phải vào lục này. Ngô Vương Toại, nhà xuất bản của một tạp chí tiếng Việt, Diễn đàn Tự do ở Arlington nói,

“Chúng tôi đã cố thử một lần rồi, nhưng không thành công. Trước tiên, chúng tôi phải chứng minh là có thể tự làm một cái gì đó, và sau đó chúng tôi có thể yêu cầu giúp đỡ.”

Nhưng giới chỉ trích, kể cả một số người Việt Nam, nói rằng các cố gắng đó có thể nhận được sự khích lệ âm thầm của Mỹ và rằng Mỹ có thể để vũ khí hạng nhẹ đi qua Trung Quốc đến căn cứ kháng chiến ở Campuchia, mà nhóm người Việt nói họ có liên hệ. Giới lãnh đạo người tị nạn cũng tuyên bố đã gởi nhóm biệt kích từ Hoa Kỳ để quấy rối chính quyền Việt Nam tại Campuchia và Lào để mở ác cuộc tấn công du kích ở Việt Nam.

Giới lãnh đạo phe tị nạn Việt Nam có xu hướng trả lời một cách bí ẩn khi được hỏi về sự tham gia của Mỹ và nguồn tài trợ. Hồi tháng trước, cựu Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ nói với khán giả ở Tokyo là,

“Đông Dương không phải là một ưu tiên cao của Tổng thống Reagan hiện nay. Nhưng tôi đảm bảo với bạn rằng họ lắng nghe về cuộc kháng chiến của chúng tôi với nhiều thiện cảm.”

Ông Kỳ, hiện là chủ một tiệm bán rượu ở Huntington Beach, California Cho biết những người tị nạn đang được tập luyện tại các công viên quốc gia của Mỹ chuẩn bị cho cho cuộc đấu tranh vũ trang. Phản kháng ở trong nước rất mạnh, ông Kỳ nói, vì thế không cần đến sự trợ giúp của quân nước ngoài. Ông Kỳ nói,

“Với 75-80 phần trăm người dân chống lại chế độ, chúng tôi không cần bạn. Hãy cho tôi súng, và chúng tôi sẽ đá văng chúng.”


30/4/2005, trên truyền hình VTV1, ông Nguyễn Cao Kỳ lên án “lũ côn đồ…lường gạt”

Nhưng người lãnh đạo của một nhóm chính ở Mỹ, cựu Đại tá quân đội Việt Cộng hoà Phạm Văn Liễu, phủ nhận không có bất kỳ cuộc huấn luyện quân sự nào đã diễn ra trên đất Mỹ và nói Kỳ “không đại diện cho bất cứ ai.” Ông Liễu mỉm cười cho biết,

“Chúng tôi không có viện trợ cụ thể nhưng hỗ trợ tinh thần rất tốt của những người bạn Mỹ của chúng tôi.” Ông nói thêm rằng tiền của tổ chức có được là từ 6 USD lệ phí thành viên hàng năm và từ “đóng góp cá nhân.”

Chuyên gia về Việt Nam trong Bộ Ngoại giao Mỹ phủ nhận Hoa Kỳ tham gia hoặc khuyến khích cho các nỗ lực kháng chiến của người tị nạn, và nói thêm rằng với nhiều thế kỷ xung đột văn hóa khiến những người tị nạn Việt Nam không chắc rằng có liên minh thực sự tại Campuchia hoặc Lào. Họ nói rằng phong trào kháng chiến ở đây và ở Việt Nam có thể là điều phiền toái nhưng chưa thể làm chính quyền Hà Nội phải cau mày.

Một số nhà phê bình đi xa hơn nữa. Ngô Vĩnh Long, một giáo sư sử gốc Việt sinh sống tại Boston, người thường xuyên trình bày các quan điểm Hà Nội trong các cuộc tranh luận nói,

“Toàn bộ đều là một trò lừa bịp. Nó phục vụ các mục đích khác.”

Mục đích thực, ông Long nói, “là để lấy được tiền từ những người tị nạn và đe dọa họ” như thế chính phủ Mỹ có thể “dùng câu chuyện đáng buồn của họ và nói rằng lần tới nhân dân Mỹ không nên can thiệp” vào việc tiến hành một cuộc chiến tranh.

Long, 37 tuổi, đã hai lần bị tấn công bằng bom xăng trong những cuộc nói chuyện năm ngoái và đã bị một người Việt hành hung trong thang máy và gọi Long là một tên đồ tễ cộng sản. Là một sinh viên phản chiến nổi bật tại Harvard vào giữa những năm 1960, Long vẫn giữ liên lạc với Việt Nam. Ông đã về Việt Nam vào năm 1980.

Cuộc kháng chiến, ông nói,

“cho phép những người suy nghĩ hẹp hòi tại Việt Nam với một tâm lý hầm hố để hợp lý hóa nhũng chính sách của họ…. Kết quả là đẩy mọi thứ tới gần một hướng phi dân chủ hơn.”

Ông đồng ý rằng điều kiện kinh tế ở Việt Nam là thê thảm nhưng phủ nhận những tuyên bố của nhóm lãnh đạo kháng chiến là chính phủ đã mất tất cả mọi sự ủng hộ [của dân].

Nhưng Liễu và những người quốc gia khác nói rằng thân nhân và bạn bè ở Việt Nam liên tục viết về các cuộc tấn công du kích và những nỗ lực phá hoại và các cuộc đình công trong các nhà máy và tại các nông trại đang lan tràn. Ông Liễu nói về chính phủ [cộng sản Việt Nam],

“Họ đang bị cô lập. Họ chỉ quan tâm tới nước Nga, và Nga có quá nhiều vấn đề tiếp tục đổ 3 đến 6 triệu USD vào Việt Nam mỗi ngày.”

Ông cho biết, tinh thần binh sĩ thấp và tỷ lệ đào ngũ cao, và tuyên bố rằng ông đã nhìn thấy 400 đài binh Việt Nam đã chạy trốn sang Campuchia khi ông có mặt ở đó hồi tháng Tư năm ngoái. Ông Liễu nói tiếp,

“Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ đánh bại họ trong 3 đến 5 năm, chắc chắn trước khi kết thúc thập niên này.”

Liễu nói sự thất bại sẽ đến không phải bằng cuộc xâm lăng nhưng bằng “một cuộc nổi dậy của quần chúng của người Việt Nam” được các nhóm bên ngoài như Mặt trận của ông khuyến khích hỗ trợ. “Chúng tôi đã có rất nhiều súng.”

Báo chí tiếng Việt đã tăng lên nhanh chóng tại đây, truyền tải những quan điểm như vậy với những những người muốn nghe chúng. Người tị nạn không tin vào nnững bản tin ngượcchiều từ người bên ngoài cho biết rằng những người bất đồng chính kiến bị bóp nghẹt tại Việt Nam. Có ít nhất hai chục tờ báo nhỏ, rộn ràng với những bài thơ, các bài ca yêu nước, những lời thiết tha kêu gọi lên đường và thề sẽ lấy lại quê hương.

Một ấn bản gần đây của tờ Việt Báo, tạp chí bán nguyệt san do linh mục Trần Duy Nhất xuất bản ở Arlington, đăng những bài cảm tính hồi tưởng về Sài Gòn, thành phố không bao giờ được gọi bằng tên mới là Thành phố Hồ Chí Minh; một bài tiểu luận hô hào người tị nạn để tự xét mình, và một bài hát có tựa đề, “Hãy đến Việt Nam và tôi sẽ cho bạn thấy Tại sao tôi buồn.” Toại nói đó là một tác phẩm tiểu thuyết hóa đời sống của người tù nhân trong một “trại cải tạo” và “như một tài liệu của Alexander Solzhenitsyn.”

Năm 1977, 102 sĩ quan cao cấp VNCH hình thành Lực lượng Dân Quân Hải ngoại (LLDQHN) tại California, nhóm đầu tiên và được kính nể nhất, nếu không phải là nhóm kháng chiến lớn nhất có trụ sở tại Mỹ.

Theo bán nguyệt san Cờ Vàng của LLDQHN, mục đích của tổ chức là “bằng một cuộc cách mạng bạo lực phối hợp với các chiến dịch chính trị và ngoại giao nhằm tiêu diệt và quét sạch chế độ hiện tại của những người cộng sản Việt Nam tàn bạo.”

Cựu Đại tá Phạm Văn Liễu chụp khoảng 1996 (1027-2010)
Cựu Đại tá Phạm Văn Liễu, hình chụp khoảng 1996 (1927-2010)

Nhưng hành động không đi đôi với lời nói, theo Liễu, Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam là tổ chức lớn nhất, có 50 chi nhánh ở Mỹ và ở nước ngoài. Ông nói,

“Các tướng lĩnh đã có cơ hội để bảo vệ đất nước và họ đã không làm. Một số người trong Lực lượng Dân Quân dừng lại nửa đường đến mục tiêu.”

Lực lượng Dân Quân trục xuất ông Liễu, và Chủ tịch Mặt trận, cựu đô đốc Hoàng Cơ Minh, và bốn người khác khỏi hàng ngũ của LLDQHN vào cuối năm 1981, gọi họ là những kẻ phản bội chỉ muốn vinh thân phì gia.

Hoàng Cơ Minh sau đó đã trở thành người lãnh đạo kháng chiến nổi nhất. Ông đã gặp gỡ các chính trị gia Nhật Bản năm ngoái và có những bài phát biểu thường được ông Liễu trích dẫn trong các cuộc họp biểu dương khí thế.

Theo những người ủng hộ Hoàng Cơ Minh thì các cuộc tụ họp như vậy đã diễn ra năm ngoái ở Mỹ tại San Jose và Anaheim, Calif., Houston, Denver, Dallas, Portland, Ore., Rome (Ý), Marseilles (Pháp) và ở các thành phố ở Tây Đức và Đan Mạch,

Một trong những người đó, Nguyễn X. của Arlington, người yêu cầu không thể nói rõ hơn, cho biết mỗi cuộc biểu tình đã thu hút 2.000 đến 5.000 người Việt, hầu hết mặc áo sơ mi màu nâu và quần khaki của tổ chức, để cổ vũ cờ vàng ba sọc đỏ của người quốc gia.

Báo Kháng Chiên.
Đại Hội Đồng Tâm ở San Jose, ngày 4/6/1983 với khoảng 3.000 người dự. Nguồn: Báo Kháng Chiên.

Ông cho biết những ủng hộ “hải ngoại” xưng là Ủy ban Yểm trợ Kháng chiến Việt Nam và có 100.000 thành viên trên toàn thế giới.

Các cuộc biểu tình thường có một bộ phim cho thấy Hoàng Cơ Minh và binh lính quần áo ngụy trang, đeo súng và vác thực phẩm băng rừng. Ông Nguyễn X. cho biết ông Hoàng Cơ Minh đã đi vào Việt Nam hồi tháng Tám, năm 1981, với 200 du kích của Mặt trận, tấn công vào lãnh thổ Việt Nam và làm việc với những lực lượng bí mật ở đó. Trích đoạn từ bộ phim đã được CBS News chiếu lại hồi tháng Ba.

Khánh chiến quân ở Ubon, Thái Lan. Nguồn: ProPublica/Đỗ Thông Minh
Kháng chiến quân của Mặt Trận ở Ubon, Thái Lan. Nguồn: ProPublica/Đỗ Thông Minh

Các lực lượng bí mật gồm các tín đồ Hòa Hảo, một giáo phái Phật giáo cải cách chống cộng ở đồng bằng sông Cửu Long; một nhóm Phật giáo thiểu số là Cao Đài và một nhóm người Thượng tên viết tắt là FULRO [“Front Uni de Lutte des Races Opprimées”, hay “Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức”].

Nhóm người tị nạn cũng cho là họ “đàm phán với” một liên minh mỏng manh ba bên đối lập tại Campuchia gồm cựu hoàng Norodom Sihanouk và nhóm Moulinaka nhỏ xíu của ông, với thành phần tàn dư của Khmer Đỏ Pol Pot, và Mặt trận nhân dân Khmer Giải phóng Quốc gia của cựu Thủ tướng Son Sann.

Nhiều chuyên gia phân tích khác nhau đồng ý rằng bất kỳ thoả ước nào giữa Campuchia và những người tị nạn Việt sẽ không đưng vững chút nào nếu thực sự tồn tại và sẽ chỉ dựa hoàn toàn vào nhu cầu của Sihanouk muốn phô trương sức mạnh quân sự để tăng cường vị trí của Sihanoulk với Khmer Đỏ. Ông Nguyễn X., nhún vai, cho biết,

“Rồi sao? Họ lợi dụng chúng tôi, chúng tôi lợi dụng lại họ.”

Bất kỳ đề cập nào đến sự giúp đỡ của Trung Quốc, gần đây đã xâm lăng Việt Nam vào năm 1979, làm cho tất cả các nhóm người tị nạn hồi hộp.

“Chúng tôi không muốn nói chuyện đó vào lúc này,” Liễu nói. Trung Quốc cai trị Việt Nam 1000 năm, và với rất nhiều người tị nạn, viện trợ từ nguồn đó có thể chỉ đơn thuần là thay thế một đảng cộng sản đang cai trị bằng một đảng cộng sản khác.

Tuy nhiên, đại diện một số nhóm kháng chiến khác khẳng định rằng hơn 20.000 người tị nạn Việt gốc Trung Quốc đang được huấn luyện quân sự tại các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, phía nam Trung Quốc. Nguyễn X. cho biết, “Đó là sự thật; họ đang ở đó nhưng họ không phải là người của chúng tôi.”

Ông Nguyễn X. tiếp tục, nỗ lực của người tị nạn không phải là quân sự mà là chính trị. ông nói

“Họ thực sự là những đội tuyên truyền vũ trang, không có nghĩa là để gây thiệt hại đáng kể nhưng nhằm các tác động chính trị và hậu quả. Họ chỉ chiến đấu khi bị bắt.”

Đoàn Võ trang Kháng chiến tỉnh Đồng Tháp phục kích đánh tan hàng một trung đội Việt cộng: giặc để lại 3 xác chết, 7 khẩu AK, một B-41 và nhiều thứ quân dụng khác. Nguồn: Báo Kháng Chiến Số 50, Tháng 4-86, trang 4
Đoàn Võ trang Kháng chiến tỉnh Đồng Tháp phục kích đánh tan hàng một trung đội Việt cộng: giặc để lại 3 xác chết, 7 khẩu AK, một B-41 và nhiều thứ quân dụng khác. Nguồn: Báo Kháng Chiến Số 50, Tháng 4-86, trang 4

Tuy nhiên, những người chỉ trích ông Hoàng Cơ Minh, tự hỏi có bao giờ ông Minh thực sự qua biên giới Thái Lan chưa, nhắc đến một bản tin nói ông bị bắt ở Bangkok vì vi phạm giao thông trong thời gian ông Minh được cho là đã ở Việt Nam.

Cựu Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh (1935-1987). Căn cứ của Mặt trận ở Ubon, đông bắc Thái Lan, gần vùng viên giới Campuchia và Lào.
Cựu Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh (1935-1987). Căn cứ của Mặt trận ở Ubon, đông bắc Thái Lan, gần vùng viên giới Campuchia và Lào.

Đinh Thạch Bích, một trong những người chỉ trích, cho biết một nhân viên FBI đã gọi hỏi ông về chiến thuật gây quỹ của Hoàng Cơ Minh. FBI không bình luận về việc này.

Ben Lee, một viên sĩ quan thuộc Lực lượng đặc nhiệm về người châu Á của Cục Cảnh sát Los Angeles, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng một số băng đảng Việt Nam thường “tống tiền thẳng thừng” không có mục đích chính trị, chiến thuật của Mặt Trận tinh vi hơn. Lee nói,

“Những gì họ làm là bôi nhọ cá nhân trong là cộng đồng [người Việt]”, nói rằng những người từ chối đóng góp [cho Mặt Trận] là những người thân cộng sản. “Điều này dẫn đến việc họ trở thành những người bị ruồng bỏ.”

Hai nhà báo Việt Nam quan trọng của cộng đồng tị nạn đã bị giết chết, mặc dù cảnh sát cho biết rằng cả hai đã có nhiều kẻ thù và hai vụ giết người này có thể không có liên quan đến vấn đề này.

Dương Trọng Lâm, 25 tuổi, người đã xuất bản tờ báo (Cái Đìngh Làng) ủng hộ Hà Nội tại California, bị “Việt Nam Diệt cộng Hưng quốc Đảng”, một tổ chức chống cộng trước đó chưa ai biết đến, bắn chết vào tháng Bảy, năm 1981, tại San Francisco. Tháng tám vừa qua, Nguyễn Đạm Phong, chủ biên của một tờ báo Tự Do ở Houston, bị bắn tại nhà riêng. Cả hai vụ ám sát đều không có kết luận.

Lê Thị Anh, 55 tuổi, một người hoạt động cộng đồng lâu năm, cho biết cuộc cãi nhau bất tận giữa các nhóm người tị nạn phải dừng lại nếu muốn chế độ hiện nay ở Việt Nam sụp đổ. Bà là một trong ba người được chọn vào bí thư đoàn phối hợp tại một cuộc họp thượng đỉnh có mặt 78 người lãnh đạo đoàn thể ở đây trong những ngày ngày 4 đến 6 tháng 12 vừa rồi theo lời mời của cựu dân biểu Don Bailey (D-Pa.)

Bailey, người đã công tác ở Việt Nam, thúc giục họ phải “đặt mục tiêu và liệt kê các nguyên tắc chung” trong việc lật đổ Hà Nội, nhưng những mục tiêu và nguyên tắc chung đó vẫn chưa xuất hiện. Bà Lê Thị Anh nói

“Sự chia rẽ trong giới lãnh đạo hay ý tưởng, tập trung vào việc giúp đỡ các thuyền nhân hay giúp đỡ các cuộc kháng chiến, cũng tuỳ theo tôn giáo, vùng miền. Mỗi người Việt Nam đều có một nhãn hiệu…. Không ai dám đứng lên triệu tập một cuộc họp vì e ngại các nhóm khác sẽ không đến.”

Trong số các tổ chức lớn nhất tham gia đều là nhóm của những người cựu sĩ quan, Lực lượng quân nhân; Liên minh Dân chủ, có trụ sở tại Boston; Hòa Hảo ở Việt Nam, và các lực lượng Hải ngoại Giải phóng Việt Nam, mà lãnh đạo là Võ Đại Tôn, đã bị bắt năm 1981 tại Việt Nam. Ông được coi là một anh hùng yêu nước.

Nhóm của Hoàng Cơ Minh là nhóm lớn nhất trong số các nhóm đã không tham dự. Nguyễn X. cho biết, “Người cộng sản luôn luôn cố gắng vẽ chúng tôi là những con rối của Mỹ, và đó là một phần lý do tại sao chúng tôi đã không đi họp.”

Nhưng bà Lê Thị Anh đang chuẩn bị cho một phiên họp khác trong tháng Tư, tại đó các phe nhóm sẽ cố gắng một lần nữa để lựa chọn người lãnh đạo và thống nhất hành động. Bà cho biết “một chính phủ ở Đông Nam Á” đã đồng ý tài trợ cho một đài phát thanh để phát sóng tuyên truyền vào Việt Nam và có thể còn nhiều nỗ lực chung khác nữa.

“Chúng tôi không có chính phủ liên minh ở đây như họ làm tại Lào và Campuchia. Và chúng tôi không thể hình thành một chính phủ gồm nhiều đoàn thể. Chúng ta phải thấy sự giải phóng Việt Nam trong bối cảnh của sự giải phóng của những nước đó [Lào và Campuchia]. Không ai trong chúng tôi có thể làm điều đó một mình.”

 

Trong hai bài viết ngày 18 Tháng 5 năm 1982, và ngày 16 tháng 1 năm 1983, The Washington Post đề cập tới Ngô Vĩnh Long, một sử gia Việt Nam sinh sống tại Boston. Các bài viết đó, dù sao đi nữa cũng không có nghĩa cho rằng Long là một đại diện của chính phủ hiện nay của Việt Nam hay ông là người phát ngôn chính sách hay quan điểm của chính phủ đó.

Đọc tiếp phần 5

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: ‘Little Saigons’ in U.S. Foster Hopes of Toppling Hanoi. By Joanne Omang và Washington Post Staff Writer; Katharine Macdonald góp phần nghiên cứu cho bản tin này. Ngày 16 tháng 1 năm 1983.