Khủng bố ở Saigon Nhỏ – P8

Trần Giao Thuỷ

chongcong_Là báo của người tị nạn cộng sản nên thường thì đa số ký giả đều chia sẻ niềm uất hận đối với chế độ độc tài và mơ có một cuộc cách mạng để được quay về sống ở quê hương. Người tị nạn thiếu cái “căn cước” chống cộng có thể còn khổ hơn Ki-tô hữu bị rút phép thông công.

Xem P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9P10P11, Kết

Phản ứng của báo giới Việt ngữ ở Hoa Kỳ trước những vụ ám sát ký giả

Ở những năm đầu thập niên 1980, để đáp ứng cầu thông tin, quảng cáo thương mại, sinh hoạt của một cộng đồng non trẻ gồm những người tị nạn cộng sản thế hệ thứ nhất, báo chí tiếng Việt ở Hoa Kỳ nói chung, tại vùng quận Cam nói riêng, trung tâm phát hành báo chí lớn nhất ngoài Việt Nam, có 24 tờ báo và 6 tạp chí, báo nhiều như sao trên trời: Người Việt, Viet Press, Hồn Việt, Sài Gòn Nhỏ, v.v.

Là báo của người tị nạn cộng sản nên thường thì đa số ký giả đều chia sẻ niềm uất hận đối với chế độ độc tài và mơ có một cuộc cách mạng để được quay về sống ở quê hương.

Trong khung cảnh đó, dù là thương nhân hay chính khách, đội cái nón cối hay bị chụp cái mũ “cộng sản” chẳng khác gì khai phá sản, hay đi làm người lưu vong lần thứ nhì ngay trong xã hội người lưu vong, hoặc bi thảm hơn nữa là bị sách nhiễu, đe doạ, hành hung và ám sát. Người tị nạn thiếu cái “căn cước” chống cộng có thể còn khổ hơn Ki-tô hữu bị rút phép thông công.


CNN, tháng Hai 1999

Nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, chuyện chụp mũ “cộng sản” trong cộng đồng người gốc Việt có thể đã trở thành cái nếp văn hoá? Kiện nhau ra toà vì cái nón “cộng sản” không phải chỉ có chuyện Người Việt và Sài Gòn Nhỏ mới đây. Nó là chuyện đời thường, đã xẩy ra từ những năm 1980.

Vài thí dụ

  • Năm 1980 báo Người Việt đã phải bồi thường ông Hồng, vì không chứng minh được căn cước Việt Cộng của viên cựu sĩ quan quân đội VNCH này như bài đã đăng trên báo Người Việt.(24) Nguyên đơn, ông Hồng, là bố vợ của Trần Trường, người 19 năm sau “nổi tiếng” vì được 10000 người biểu tình phản đối vụ treo hình Hồ Chí Minh và cở đỏ sao vàng trong tiệm video Hi-Tek của ông.
  • Ông Hoàng Ngọc Phan Hà Thúc Đạo, báo Dân Tộc kiện ông Lê Cự Phách Du Tử Lê, báo Tay Phải đã chụp mũ ông là cộng sản. Ông Hà Thúc Đạo đã “tha” ông Du Tử Lê khi có sự can thiệp của ông Nguyễn Ngọc Linh.(25)
  • Tháng 8, 1986, ông Đỗ Ngọc Yến, Giám đốc phát hành tờ Người Việt đã kiện ông Võ Đông Thanh, giám đốc phát hành báo Nghệ sĩ vì đã đăng bài cho rằng ông Yến là người ủng hộ cộng sản hay là “kẻ đồng hành” với cộng sản khiến ông trở thành đối tượng bị sách nhiễu, có thể bị nguy hại đến an toàn bản thân. Ông Yến đòi bồi thường thiệt hại 5,1 triệu USD.(26)
  • Tháng 10, 2011, bà Ngô Thị Hiền, Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam, và ông Ngô Ngọc Hùng, đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại phải bồi thường 1 triệu USD cho ông Hoài Thanh, Vân Nam cựu chủ nhiệm tuần báo Ðại Chúng tại Maryland vì đã vu cáo ông là cộng sản.
  • Ông Michael Đỗ (Đỗ Văn Phúc) chụp mũ Việt Cộng cho ký giả Nancy Bùi, Triều Giang bị kiện và toà xử vì “phỉ báng, mạ lỵ, vu khống, gây tổn hại tinh thần và vật chất” nên phải bồi thường 1,9 USD. Vụ án kéo dài 3 năm, kết thúc vào tháng 10, 2011.(27)

Trong suốt thời gian 5 nhà báo bị ám sát cùng với những vụ sách nhiễu, bạo động hăm doạ ký giả khác, những cơ sở truyền thông,  báo chí Việt ngữ, những hãng tin Quốc Gia Thông Tấn Xã của ông Nguyễn Ngọc Bích, CBA News của ký giả Chữ Bá Anh, và báo chí tiếng Việt nói chung, dường như có một đôi lần lên tiếng nhưng rồi tất cả đã đi vào quên lãng, bị đông lạnh.

30 tháng 5, 1986, trong một thông cáo chung, một số nhà báo ở Houston gồm các ông Nguyễn Ngọc Linh, (Ngày Nay), bà Hoàng Minh Thuý (Xây Dựng), ông Nguyễn Thịnh (Dân Việt), ông Phan Hữu Tào đã than phiền với công luận về một chiến dịch bạo động và đe doạ, sách nhiễu báo chí. Họ đã yêu cầu nhân viên công lực xem xét điều tra về những vụ đàn áp báo chí đó.(28)

Năm 1987, sau khi ông Phạm Văn Tập chết ngộp khi toà soạn báo Mai bị đốt cháy, ký giả Nguyễn Tú A, Viet Press, lên tiếng kêu gọi các nhà báo Việt Nam góp sức giúp cho các ký giả mới định cư và vợ con nhà văn Hoài Điệp Tử vẫn còn kẹt ở Sài Gòn. Theo ông Nguyễn Tú A thì bà Hoàng Dược Thảo là người đã viết bài cho rằng ông có ý định cướp tờ báo Mai.(29)

13 tháng 8, 1987, một ngày sau khi một số báo Việt ngữ nhận được thư của VNDCHQĐ-VOECRN, họ đã ngưng chương trình tang lễ long trọng và việc trân trọng đưa tin nhà báo Hoài Điệp Tử bị ám sát. Chủ nhiệm tờ Người Việt, ông Đỗ Ngọc Yến nói,

“Tất cả chủ báo trong cộng đồng người Việt đã chuẩn bị đưa tin lớn về ông ấy (Phạm Văn Tập), và chúng tôi cũng muốn bày tỏ nỗi đau buồn bằng cách có một buổi lễ chính thức. Nhưng nay đã nhận được lá thư [của VNDCHQĐ] chương trình của chúng tôi phải thay đổi. Chúng tôi phải đợi một thời gian.”(30)

Năm 1989 khi ông Đỗ Trọng Nhân bị ám sát, ngay trên tờ Văn Nghệ Tiền Phong số 335, từ 1 đến 15 tháng 1 năm 1990 cũng chỉ đăng mẩu tin ngắn ở trang 14:

Tư Thù Hay Khủng Bố? Một Nhân Viên ban Kỹ Thuật Của VNTP Bị Ám Sát

… Ông Đỗ Trọng Nhân 56 tuổi, một cựu Trung Tá trong QLVNCH, là nhân viên ban kỹ thuật của tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong đã bị bắn chết vào sáng ngày 21-11-1989, ông Đỗ Trọng Nhân đã nằm chết gục trên băng ghế trước của chiếc xe Datsun 1980 với nhiều vết đạn ở phần trên thân thể. Tuy nhiên, ông Nhân chỉ là một nhân viên kỹ thuật giữ nhiệm vụ nhỏ bé trong tòa soạn (layout), nên ông ta khó có thể là mục tiêu của bất cứ tổ chức khủng bố, dù tàn bạo và ngu xuẩn tới đâu.”

24 tháng 9, 1990, sau vụ nhà báo Lê Triết và vợ ông bị ám sát, 25 nhà báo Việt Nam đã đồng ký tên trong một bản tuyên bố tố cáo hành động khủng bố, sách nhiễu đe doạ và ám sát ký giả bất kể vì lý do nào. Báo giới Việt ngữ đã kêu gọi nhà chức trách điều tra những vụ ám sát 4 ký giả và tim cách bảo vệ nhà báo trong tương lai. Ông Nguyễn Đạt Thịnh, Chủ bút tuần báo Diều Hâu nói,

“Người của báo giới Việt Nam đã bị giết. Và … chính phủ đã không tìm ra thủ phạm. Chúng tôi yêu cầu nhà chức trách để ý tới nhiều hơn về loại khủng bố nhắm vào ký giả người Việt Nam này.”(31)

Tờ Văn Nghệ Tiền Phong số 369 năm 1990 ở trang 19 đã đăng thông báo thưởng 20.000 USD cho người cung cấp thông tin giúp cơ quan an ninh tìm ra hung thủ giết ông Lê Triết và bà Đặng Trần Thị Tuyết.

Thông báo của VNTP. Nguồn Văn nghệ Tiền Phong/Đỗ Đức Thống
Thông báo của VNTP. Nguồn Văn nghệ Tiền Phong/Đỗ Đức Thống

Đáng lưu ý là phản ứng của báo giới Việt ngữ ở Mỹ khi Dương Trọng Lâm bị ám sát ở San Francisco. Tờ báo Tin Quê Hương đã hoan nghênh việc ông Lâm bị bắn chết như sau,

“Cộng đồng người Việt vùng Vịnh rất hài lòng với việc trừ khử Dương Trọng Lâm.”(32)

Những viên đạn đồng làm ngòi bút, bàn máy chữ đông lạnh trong cơn hôn mê

15 năm sống trong một đất nước tự do vào bậc nhất trên thế giới, làng báo Việt Nam không đủ sức đứng lên bảo vệ quyền tự do ngôn luận, bênh vực đồng nghiệp, bảo vệ chính mình. Tại sao?

Những nhà báo tị nạn dù đã trở thành công dân Mỹ vẫn phải ứng xử vẫn như còn ở Việt Nam. Thứ nhất, họ không được Hiến pháp Mỹ bảo vệ như những nhà báo viết tiếng Anh ở Mỹ. Thứ hai, những nhóm cực đoan dùng thủ đoạn khủng bố, sách nhiễu không khác gì đặc công cộng sản đã khủng bố nhà báo ở Sài Gòn trong những năm 1960. Một tài liệu nghiên cứu của Mỹ phát hành hồi tháng 5, 1966 đã trình bày chi tiết về chiến thuật khủng bố của Việt Cộng. Điển hình là vụ đặt bom ở toà soạn báo Chính Luận và vụ khủng bố Chủ nhiệm Đặng Văn Sung, ám sát Tổng thư ký ký giả Từ Chung Vũ Nhất Huy.

Chính Luận, một tờ báo có ảnh hưởng lớn với bạn đọc ở Sài Gòn, là một tờ báo chống cộng nhưng cũng không ngần ngại chỉ trích chính phủ miền Nam hay chính phủ Mỹ khi không chia sẻ quan điểm và chính sách của chính quyền. Chủ nhiệm Đặng Văn Sung nói về tờ Chính Luận như sau:

Nguồn: OntheNet
Nguồn: OntheNet

“Mục đích của tờ báo là để thông tin. Thứ đến là trình bầy những quan điểm soi đường. Chúng tôi muốn độc giả biết tất cả sự thật trong và ngoài nước. Chúng tôi muốn giúp bạn đọc quên đi quá khứ, gây được tác động với những tổ chức chính trị mới, và đứng về phía người dân, nói với chính quyền những điều người dân đang nghĩ và nói cho người dân biết chính phủ đang nghĩ những gì.”

Tờ Chính Luận đã thành công. Ông Sung và ký giả Từ Chung đã thành công đưa tên của chính mình vào danh sách tử hình của cộng sản. Tháng Sáu, năm 1965, Việt cộng gởi thư cảnh cáo, lên án ông Đặng Văn Sung, ký giả từ Chung và tờ Chính Luận “làm tay sai cho quan thầy đế quốc Mỹ” và đe doạ sẽ xử tử cả hai nhà báo. Tác giả bức thư là Võ Công Minh, Chỉ huy Chi đội 628, Lực lượng Giải phóng Quân, Khu Sài Gòn – Gia Định.

Trung tuần tháng 12 năm 1965, Việt cộng gửi tối hậu thư cho Chủ nhiệm Đặng Văn Sung và ký giả Từ Chung của tờ Chính Luận, cho biết sẽ giệt trừ hai “con chiên ghẻ”.

Bs. Đặng Văn Sung và ký giả Từ Chung đăng lá thư của Việt Cộng và lá thư trả lời trên báo, cho biết tờ Chính luận chỉ phục vụ cho một ông chủ đó là sự thật. Tờ Chính Luận nhận chỉ trích từ mọi phía là bằng chứng minh định điều này. Nhưng chỉ có cộng sản mới vượt qua lằn ranh chỉ trích, đã đe doạ bằng khủng bố và tử hình. Cộng sản tuyên bố rằng tờ Chính Luận chỉ có thể chiến đấu với Cộng sản trên mặt trận chính trị và ý thức hệ. Và dĩ nhiên là tờ báo không có khả năng tự vệ trước những đòn khủng bố của Việt cộng. Lá thư trả lời kết luận:

“Chúng tôi yêu quý cuộc sống thượng đế đã ban cho vì tất cả con người đều muốn sống. Nhưng chúng tôi sẽ nhìn thằng vào nòng súng của bọn giết người chống chúng tôi và nói rằng, ‘Các ông có thể giết chúng tôi, nhưng tinh thần của chúng tôi sẽ sống mãi.’”(31)

Ngày 30 tháng 12, 1965 bọn khủng bố Việt Cộng đã bắn bốn phát đạn giết chết ký giả Từ Chung ngay khi ông vừa bước xuống xe ở trước của nhà. Hai tên khủng bố đã tẩu thoát bằng xe gắn máy.(33)

Theo Trần Bạch Đằng, trong cuốn “Trui rèn trong lủa đô” (1985) thì tên đặc công bắn chết ký giả Từ Chung và bắn nhà báo Chu Tử của báo Sóng Thần ngày 16 tháng 4, 1966 là Huỳnh Văn Long, anh hùng với huân chương thành tích hạng ba của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự kiện này cũng đã được ghi trong tài liệu Mỹ bắt được của Việt Công và đã dịch sanh tiếng Anh, “Captured Documents (CDEC): Report of Viet Cong Plan of Assassination and Terrorist Action in Saigon City, 15 May 1967”.

Tháng 9, 1969, tờ Chính Luận viết bài “bôi xấu” lãnh tụ cộng sản Bắc Việt khi Hồ Chí Minh chết. Thành đoàn cộng sản ở Sài Gòn đã gởi Ba Giai và Ba Trung đem cặp da đã gài mìn đến để trên quầy báo ở toà soạn. Trụ sở báo Chính Luận bị hư hại nặng.(34)

Thập niên 1960 ở Sài Gòn có những Võ Công Minh, Huỳnh Văn Long, có chi đội 628, có Ba Giai, Ba Trung, có biệt động thành, v.v. Những năm 1980 ký giả gốc Việt ở Mỹ lại phải đương đầu với những “Nguyễn Văn Hưng”(35), “Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng” VNDCHQĐ, VOECRN, K-9 và những con người, những tổ chức thật núp sau lưng những bí danh khủng bố đó.

So với những chiến thuật trong “Khủng bố là Vũ khí kích động chính trị” (“Terror as a Weapon of Political Agitation”) của Thomas Perry Thornton người ta thấy chiến thuật của VNDCHQĐ, VOECRN, K-9 dùng ở Mỹ không khác gì chiến thuật khủng bố Việt cộng đã sử dụng trong thập niên 1960 ở Việt Nam. Họ đều dùng khủng bố để đạt những mục đích sau đây:

  1. Nuôi dưỡng tinh thần của bộ hạ trong băng đảng đồng thời đe doạ đối phương. Khi có thể, bọn khủng bố đã để thư ngay lại hiện trường xác nhận họ là sát thủ; nếu không thuận tiện, bọn khủng bố sẽ công bố qua ngả báo chí. Đây là chiến thuật VOECRN đã dùng trong 4 trên 5 vụ ám sát ký giả gốc Việt ở Hoa Kỳ.
  2. Quảng cáo cho băng đảng. Đây là việc mà Kropotkin gọi là “hành động tuyên truyền” (the propaganda of the Deed), cách quảng cáo băng đảng hữu hiệu và rẻ tiền nhất.
  3. Quấy rối và cô lập về mặt tâm lý từng cá nhân nhằm gây ra sự sợ hãi, lo lắng và tuyệt vọng trong cộng đồng. Từ đó người Việt tị nạn sẽ mất niềm tin vào xã hội tự do, chính quyền sở tại. Họ trở thành một xã hội bất lực của những nạn nhân chỉ biết “làm thinh” để giữ lấy thân mình.
  4. Loại trừ tất cả mọi tiếng nói của những lực lượng đối lập. Với VOECRN những lực lượng đó chính yếu là những nhà báo đã những đặt vấn đề có thể làm bể “nồi cơm” của băng đảng. Kế đến mới là những nhà báo “thân cộng” hay “cộng tác với cộng sản”. Giết những nhà báo như vậy còn đáp ứng mục tiêu quảng cáo cho những nhãn hiệu “chống cộng”, “diệt cộng”, “hưng quốc” cho tổ chức băng đảng của họ.(36)

Tuy nhiên cũng có trường hợp chiến thuật khủng bố của Việt Cộng đã thất bại lớn ở miền Nam. Đó là khi Việt Cộng khủng bố đồng bào thiểu số ở cao nguyên vào mùa hè 1962. Lúc đó vì không đủ lương thực Việt Cộng đã cướp thực phẩm của người miền thượng du, ép họ nuôi ăn và ủng hộ quân du kích. Để trả lời, đồng bào miền thượng đã ứng xử theo một nếp văn hoá rất tự nhiên. Họ đã bỏ bản thượng xuống đồng bằng. Cuộc di cư của gần 300.000 đồng bào miền núi là một thất bại ê chề của chiến thuật khủng bố của Việt Cộng.(37)

Nhưng với đồng bào người Mỹ gốc Việt ở California, ở Texas, ở Virginia thì sao? Tất nhiên, họ không thể vượt biên giới di cư lên Canada hay xuống Mexico để trốn bọn khủng bố. Vả lại ở Montreal VOECRN cũng đã ném bom xăng vào trụ sở của các công ty làm ăn với Việt Cộng rồi.

(Xem tiếp P9)

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


(24) Lê Vũ –Nguyễn Tú A, “Nguyễn Tú A: Báo Người Việt kiện Đào nương Hoàng Dược Thảo (1)” – VTubeHD.com, Viet Weekly, Dec 9, 2014. Web <https://www.youtube.com/>, 1/12/2015
(25) Lê Vũ –Nguyễn Tú A, Ibid.
(26) John Spano , “Vietnamese Paper in County Sues Competitor for Libel”, The Los angeles Times, August 13, 1986. Web <http://articles.latimes.com/>, 1/12/2015
(27) Lữ Giang, “Chụp mũ hết thời”, DCVOnline, 20 tháng 5, 2013. Web <http://dcvonline.net/>, 1/12/2015.
(28) CPJ, Ibid., trang 22-3
(29) Lê Vũ –Nguyễn Tú A, “Nguyễn Tú A: Báo Người Việt kiện Đào nương Hoàng Dược Thảo (2)” – VTubeHD.com, Viet Weekly, Dec 11, 2014. Web <https://www.youtube.com/>, 1/12/2015
(30) David Reyes, “Official Funeral for Publisher Canceled: Fearful Vietnamese Plan a Quiet Goodby to Pham” , Los Angeles Times, August 14, 1987. Web <http://articles.latimes.com>, 1/12/2015.
(31) Sonni Efron, “25 Vietnamese Journalists in County Denounce Killing of Columnist, Wife” , Los Angeles Times, September 25, 1990. Web <http://articles.latimes.com>, 1/12/2015.
(32) Steve Grossman, “Vietnamese Death Squads in America? A Casebook”, Asia Insights no. 2, Asia Resources Center, Washington, D.C.,1986.
(33) “A Study: Viet Cong Use of Terror”, US Mission in Vietnam, May, 1966, Saigon, Vietnam. USAID, trang 24-25. Web <http://pdf.usaid.gov/pdf_docs/PNADX570.pdf>
(34) Nguyễn Văn Lục, Tản mạn 18 giờ với nhà báo Uyên Thao, tác giả “Giấy bút lầm than” (2), Đàn Chim Việt (DCVOnline.net), 11 tháng 11, 2011.
(35) Viên Linh, “Hoài Điệp Tử (1942 – 1987), nhà văn nhà báo chết trong ngọn lửa Bolsa”, Khởi Hành, số 191, tháng 9, 2012. Web <https://litviet.wordpress.com> 1/12/2015.
(36) “A Study: Viet Cong Use of Terror”, Ibid., trang 26-27.
(37) “A Study: Viet Cong Use of Terror”, Ibid., trang 28-29.