Ngày Tết bàn chuyện tặng quà

Nguyễn Hoàng Mỹ Phương

Everlasting-love-tree-canvas-Vốn xã hội và vốn văn hóa tạo sẽ nên giá trị “thặng dư” hay “thâm hụt” qua thời gian thông qua tục lệ tặng quà, tất cả đều tùy thuộc vào lựa chọn hành xử của mỗi cá nhân.

“Khoản mất trắng vô ích” trong kinh tế quà tặng

Giả sử bạn tặng ai đó một món quà có giá 200 ngàn đồng nhưng vì người nhận không quá thích nó nên nếu là họ thì họ chỉ sẵn sàng trả 50 ngàn đồng cho món quà đó. Khi đó, có thể nói khoảng chênh lệch giữa số tiền chi cho món quà và cách thức người nhận đánh giá món quà là“khoản mất trắng vô ích”, và đây là một khoản mất mát cho người tặng, người nhận và cả nền kinh tế.

Ý tưởng này xuất phát từ một nghiên cứu “Khoản mất trắng vô ích của Giáng Sinh” (“The Deadweight Loss of Christmas”) xuất bản năm 1993 của nhà kinh tế Joel Waldfogel ở đại hokc Yale, người đã ước tính rằng khoản mất mát này từ khoảng 1/10 đến 1/3 giá trị món quà.

 “Khoản mất trắng vô ích” trong kinh tế lễ vật. Nguồn: Jason Welker
“Khoản mất trắng vô ích” trong kinh tế lễ vật. Nguồn: Jason Welker

Do đó, một số nhà kinh tế gợi ý rằng thay vì một món quà, chúng ta nên tặng tiền mặt. Nhưng tiền mặt thì có vẻ “thẳng thắn” quá. Thẻ quà tặng trông có vẻ tốt hơn, nhưng nhìn chung cũng không hiệu quả mấy vì có nhiều người không bao giờ sử dụng chúng. Chỉ cần nhìn vào các trang mạng kinh doanh thẻ quà tặng ở trong và ngoài nước, ta có thể thấy chúng thường được bán dưới mệnh giá.

Đến hẹn lại lên, tranh luận về nền kinh tế quà tặng lại trở nên ồn ào sôi nổi mỗi khi mùa mua sắm hàng năm ùa đến.

Vốn xã hội

Giáo sư Arjun Appadurai trong tuyển tập “Cuộc sống xã hội của đồ vật” (“The social life of things”) cho rằng chúng ta phải theo đuổi các đồ vật, theo ý nghĩa được khắc trong hình thức, cách sử dụng, quỹ đạo của chúng vì chỉ bằng cách phân tích những quỹ đạo này thì chúng ta mới có thể diễn giải các giao dịch và tính toán của con người đã làm sống động các đồ vật.

Triển lãm “Cuộc sống xã hội của đồ vật”, Viện bảo tàng Nhân loại học, University of Queenland. Nguồn: University of Queenland.
Triển lãm “Cuộc sống xã hội của đồ vật”, Viện bảo tàng Nhân loại học, University of Queenland. Nguồn: University of Queenland.

Những nền kinh tế quà tặng đã hiện hữu trong suốt lịch sử nhân loại. Các nghiên cứu đầu tiên của khái niệm này đến từ nhà nhân loại học Bronislaw Malinowski, cha đẻ của ngành nhân chủng học hiện đại, và nhà xã hội học Marcel Mauss, một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất về việc tặng quà với công trình nổi tiếng “Luận về biếu tặng” (“The Gift”).

Thiếu nữ đảo Trobriand trong ngày Hội Khoai (Nhưng mục đích chính không phải là khoai). Nguồn: Eric Lafforgue, Rita Willaert a.o. / Flickr, Google.
Thiếu nữ đảo Trobriand trong ngày Hội Khoai (Nhưng mục đích chính không phải là khoai). Nguồn: Eric Lafforgue, Rita Willaert a.o. / Flickr, Google.

Họ mô tả thổ dân ở các đảo Trobriand đã thực hiện những chuyến đi đầy nguy hiểm bằng xuồng xuyên hàng nghìn dặm giữa đại dương để trao đổi vòng tay và vòng cổ theo một chiều nhất định – các vòng tay lưu thông từ Tây sang Đông trong khi các vòng cổ từ Đông sang Tây. Các mặt hàng này, được gọi là vòng kula, tuy không sử dụng trong thực tế nhưng tầm quan trọng của chu trình này chính là được liên kết một cách bền vững với các đối tác có uy tín.

Chuỗi vỏ sò trang sức cánh tay – Nghệ thuật Kula. Nguồn: Shirley Campbell
Chuỗi vỏ sò trang sức cánh tay – Nghệ thuật Kula. Nguồn: Shirley Campbell

Những nền kinh tế quà tặng khác có thể bao gồm các mặt hàng hữu ích, chẳng hạn như bữa tiệc potlatch ở vùng ven biển Tây Bắc Thái Bình Dương ở Canada và Mỹ, được nhà nhân chủng học Franz Boas nghiên cứu vào cuối thế kỷ 19 và được Mauss đề cập trong “Luận về biếu tặng”.

Một potlatch là một lễ hội khổng lồ, thường tổ chức vào dịp sinh, tử, hoặc kết hôn, trong đó tập hợp toàn bộ bộ lạc, thậm chí nhiều bộ lạc láng giềng, nhằm trao đổi quà tặng và đôi khi phá hủy của cải nhằm mục đích phô trương. Trong thời gian cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, cả Mỹ và Canada đều cấm potlatch, vì người da trắng thấy rằng việc thực hành như vậy là không văn minh và gây lãng phí. Tuy đã được hợp pháp hóa một lần nữa sau Thế chiến thứ hai nhưng hiện nay potlatch không còn là sự kiện lớn như đã từng trong quá khứ.

Đối với những người tổ chức bữa tiệc, potlatch phục vụ cho các mục đích khác. Đây là cách cần thiết để thiết lập địa vị xã hội của một người, phân phối lại của cải trong cộng đồng, và, có thể, như Boas đã viết, đảm bảo rằng không có một người nào trong cộng đồng có quá nhiều của cải. Theo Mauss, thủ lĩnh người Trobriand hành động đến một mức khá xa theo cách của nhà tư bản biết tống hết tiền đi khi cần, để sau đó tạo ra lại vốn lưu động, hay nói cách khác, dựa trên uy tín gầy dựng qua cuộc tranh đua giữa các thủ lĩnh để rồi từ đó tạo ra nhiều của cải hơn.

Hình mô tả một điệu “nhảy Potlatch” Yup'ik, những cái bát lớn đựng thực phẩm giữa sàn sau đó sẽ được chia cho mọi người. Một vật trang trí hình chim
Hình mô tả một điệu “nhảy Potlatch” Yup’ik, những cái bát lớn đựng thực phẩm giữa sàn sau đó sẽ được chia cho mọi người. Một vật trang trí hình chim bay treo trên trần nhà. Nguồn: Minh họa của họa sĩ Yup’ik Milo Minock, c1965, được phép của Jean và Pete Kline, DBC-1.

Cho đi để rồi được người khác cho lại đã tạo ra một mối liên hệ giữa người với người bền chặt. Nhưng các quy tắc cho việc tặng quà thế nào và khi nào làm như vậy khác nhau giữa các nền văn hóa, và sự đáp trả trên một món quà có thể dưới nhiều hình thức khác nhau. Một tộc trưởng nhiều quyền lực cho một người nghèo một đàn gia súc có thể không mong đợi nhận được món quà “tương đương” trở lại, nhưng đạt được uy tín xã hội đối với người nhận quà (người mắc nợ). Và người Toraja ở Indonesia, địa vị đạt được từ các buổi lễ tặng quà thậm chí xác định quyền sở hữu đất đai.

Điều quan trọng để giữ cho chu kỳ món quà được tiếp tục, là một người nào đó luôn luôn mang ơn/mắc nợ người khác. Đáp trả một món quà ngay lập tức, hoặc đáp trả bằng thứ gì đó có giá trị chính xác với giá trị món quà, có thể được xem là kết thúc mối quan hệ xã hội.

Quay trở lại xã hội đương đại, nền kinh tế quà tặng đang nổi lên như một đối chọn cho tài sản trí tuệ khi các nghệ sĩ, nhạc sĩ, và các nhà phát triển mã nguồn mở phân phối tác phẩm sáng tạo của họ, không phải vì lợi nhuận tài chính mà có thể là nhằm nâng cao địa vị xã hội hoặc xác lập vai trò cộng đồng của họ.

Vốn văn hóa

Ngoài vốn xã hội (social capital), một khái niệm gắn liền với tên tuổi của giáo sư Robert Putnam tại Đại học Harvard, như được trình bày ở trên, có thể hiểu nôm na là mạng lưới gắn kết xã hội có vai trò quan trọng trong cuộc sống, còn có một thứ vốn khác ẩn trong hành động tặng quà, đó là vốn văn hóa (cultural capital) do giáo sư Pierre Bourdieu phát triển.

Quà Giáng sinh. Nguồn: OntheNet
Quà Giáng sinh. Nguồn: OntheNet

Có lẽ không ai trong chúng ta không biết đến sự tích bánh chưng, bánh dày được nghe kể từ thuở còn thơ. Mặc dù các hoàng tử khác mang nhiều món ngon vật lạ từ khắp tứ phương bốn bể nhưng người được vua Hùng Vương thứ 6 truyền lại ngôi vị lại là chàng hoàng tử thứ 18 mồ côi mẹ tên gọi Lang Liêu sống đời thanh đạm. Món quà chàng dâng cúng tổ tiên được làm từ các nguyên liệu được xem là rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày như gạo, đậu, thịt nhưng đã trở thành món ăn tượng trưng cho lòng hiếu kính của người con nhớ ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ cũng như chứa đầy tấm lòng đối quê hương đồng ruộng.

Tặng cái gì đó cho ai tức là tặng điều gì đó thuộc về bản thân mình, hay nói cách khác, việc tặng quà thể hiện văn hóa của người tặng bởi món quà có thể tượng trưng cho tư duy của người tặng tương quan với chính mình, người nhận, và mối quan hệ giữa họ với nhau. Tặng quà như một tiến trình giao tiếp mang tính biểu tượng mà các món quà vừa là thông điệp vừa phương tiện truyền đạt. Các thông điệp mạnh mẽ nhất là thông điệp “đắt đỏ” nhất, không phải hiểu đơn thuần một cách hạn hẹp là vô cùng tốn kém tiền bạc mà là có thể tốn công sức, thời gian cho món quà và thể hiện văn hóa của người tặng.
Việc tặng quà không chỉ thể hiện văn hóa của cá nhân mà còn của cả cộng đồng.

Nếu ở phương Đông như Việt Nam là Tết Nguyên đán thì ở phương Tây là lễ Giáng sinh. Theo nghiên cứu của nhiều nhà nhân chủng học, tục lệ trao quà chỉ mới xuất hiện vào thế kỷ 19, và bắt nguồn từ giới tư sản. Và theo hầu hết các nhà khoa học xã hội, những người đã viết về Giáng sinh, đều đồng ý rằng đây là một dịp kỷ niệm của gia đình, khẳng định bản sắc của người Mỹ là một thành viên trong vòng tròn gia đình và những người thân mà chính các món quà giúp xác định đường biên đó. Món quà Giáng sinh đứng ở vị trí quan trọng nhất không phải vì đó là vật có giá trị mà là nơi chứa điều gì đó đặc biệt về người tặng và lịch sử của mối quan hệ, do đó, những món quà lúc này không còn là một thứ hàng hóa thông thường nữa.Trong một nghiên cứu tiến hành tại một thành phố miền Trung Tây, khoảng 90% quà tặng được trao đổi nhân dịp Giáng sinh là giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Lễ Giáng sinh còn giúp làm tăng nhận thức của mọi người về bản sắc gia đình, để nhận thấy rằng gia đình ấm áp như thế nào và thế giới bên ngoài có thể lạnh giá như thế nào.

Mua sắm trong dịp Tết hay Giáng sinh là một nghi lễ hàng năm mà thông qua đó chúng ta chuyển đổi hàng hóa thành quà tặng. Thực hiện nghi lễ này chứng minh cho mọi người thấy chúng ta có thể tạo ra một thế giới của gia đình – một thế giới tràn đầy tình yêu thương – từ hàng hóa vật chất đang làm ngập lụt thế giới “ngoài kia”. Đây là khoảng thời gian mà người ta biến thế giới của tiền bạc thành thế giới của gia đình – khoảng thời gian tương phản giữa thế giới khách quan của hàng hóa và thế giới cá nhân của quà tặng.

Trao đổi quà tặng là hoạt động hoàn toàn mang tính xã hội và đó cũng chính là lý do vì sao truyền thống tặng quà được duy trì vì nó ẩn chứa các yếu tố xã hội, kinh tế, chính trị, tôn giáo, luân lý và cả sự mầu nhiệm. Theo giáo sư Appadurai thì hàng hóa (commodities), bao gồm cả quà tặng, là chìa khóa để hiểu xã hội đương đại, hay nói cách khác, bằng sự trao đổi các món quà tặng hữu hình đã giúp “hiện hình” cõi vô hình của các mối quan hệ giữa người với người trong một xã hội cụ thể cũng như các giá trị được tôn vinh thông qua tập tục lễ nghi văn hóa của xã hội đó.

“Giá trị (tình cảm) thặng dư” trong nền kinh tế quà tặng tạo nên từ vốn xã hội và vốn văn hóa

Trong nghiên cứu mới nhất, “Sentimental Value and Its Influence on Hedonic Adaptation ” phát hành tháng 11/2015 trên Tạp chí Tính cách và Tâm lý Xã hội, các chuyên gia về tiếp thị, Yang Yang thuộc Warrington College of Business Administration, Đại học Florida và Jeff Galak thuộc Đại học Carnegie Mellon, đã tìm ra bằng chứng của giá của những món quà Giáng sinh. Họ khẳng định điều mà chúng ta đã biết theo bản năng: con người gắn cảm xúc vào các món quà.

Để dễ hình dung, bạn hãy thử tưởng tượng về vật gì đó không có giá trị xét trên hệ quy chiếu vốn bằng tiền mà bạn không nỡ bỏ đi, chẳng hạn như cặp mắt kính gãy gọng cổ lỗ sỉ của ba hay bạn mang một máy nghe nhạc đến tiệm sửa đồ điện tử và nhận được lời tư vấn là nên mua cái mới thay vì sửa vì tiền sửa máy tương đương với việc mua máy mới nhiều tính năng hơn, có thể trong thâm tâm bạn tự nhủ “nhưng mà đối với tui, nó đáng để sửa lắm chứ”.
Trong một loạt các nghiên cứu đầy sáng tạo khi các tác giả này xem xét ý tưởng về giá trị tình cảm và lượng hóa giá trị vô hình này bằng cách yêu cầu mọi người nhớ lại cảm nhận về những lần mua hàng và được tặng quà, và lặp đi lặp lại các đánh giá qua thời gian, trong một số nghiên cứu trong vòng chín tháng.

Trong nhiều trường hợp, nghiên cứu cho thấy việc mua và tiêu thụ hàng hóa mang lại niềm vui tức thời và niềm vui đó dần biến mất ngay cả khi vật đó vẫn còn hữu ích. Nhưng điều này không xảy ra đối với những đồ vật mà ta có tình cảm. Qua thời gian, hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc ít hơn vào chức năng của đồ vật mà nhiều hơn vào sự gắn kết.

Một trong số các nghiên cứu tập trung vào các món quà mà người ta nhận được so với những thứ mà họ mua cho chính mình trong mùa Giáng sinh năm 2012. Trong vòng 45 ngày, những thứ mua cho chính mình hoàn toàn bằng tiền của mình thì mang lại hạnh phúc giảm dần. Nhưng đối với quà tặng thì không. Những người được tặng quà cho biết, nếu buộc phải bán chúng thì họ sẽ đòi hỏi mức giá tỷ lệ cao hơn đối với món quà hơn là đối với món mà họ tự mua. Do đó, không những không có khoản mất trắng vô ích mà ngược lại, có thể nói, giá của món quà có xu hướng tăng theo thời gian.
Các nghi lễ diễn hàng năm như Giáng sinh hay Tết Nguyên đán, hay các nghi lễ khác như đầy tháng, thôi nôi, lễ rửa tội, đám cưới… đều cung cấp phương tiện để chuyển đổi hàng hóa thông thường thành quà tặng nhằm thể hiện tình cảm của người tặng đối với người nhận, tức là chuyển đổi vốn kinh tế (economic capital) thành vốn xã hội (social capital) thông qua tập tục lễ nghi văn hóa (vốn văn hóa – social capital) và tạo nên “giá trị thặng dư” từ các loại vốn vô hình này.

Nền kinh tế quà tặng – nhóm chữ này có vẻ mâu thuẫn nhưng thật ra không có gì là mâu thuẫn cả. Có thể nói rằng thay vì tích lũy của cải vật chất, chúng ta có thể tham gia vào một nền kinh tế quà tặng và sử dụng nó để tích lũy của cải xã hội.

Tết Nguyên đán là dịp để các thành viên trong gia đình từ phương xa quay về kết nối, đoàn tụ và củng cố tình cảm gia đình hay ngược lại, biến thành nỗi lo quà cáp khiến có người tha phương làm ăn không dám quay trở về khi khó xoay sở đủ tiền bạc để mua các món quà hay có người thì chọn du lịch “trốn” Tết. Tết trước hết là ngày của gia đình, sau đó mới là xã hội. Thế nhưng, dịp Tết lại biến tướng thành cái lệ lẫn gánh nặng “chạy” quà cho sếp với đủ thể loại quà độc đẹp lạ, các địa phương đua nhau sử dụng tiền ngân sách tặng, thưởng lẫn nhau.

Quà tết thể hiện tình cảm và làm bằng sức lực của gười tặng. Nguồn: OntheNet
Quà tết thể hiện tình cảm và làm bằng sức lực của người tặng. Nguồn: OntheNet

Tất cả hoạt động của chúng ta vẽ nên hình dạng thế giới xã hội xung quanh, đồng thời, các hoạt động này cũng được hình thành bằng chính thế giới xã hội đó (structuration, Anthony Giddens). Vốn xã hội và vốn văn hóa tạo sẽ nên giá trị “thặng dư” hay “thâm hụt” qua thời gian thông qua tục lệ tặng quà, tất cả đều tùy thuộc vào lựa chọn hành xử của mỗi cá nhân.

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn:Bài do tác giả gởi. DCVOnline hiệu đính và minh họa.