Trường hợp Xiêm La (5a)

Nguyễn Văn Lục

thailandKinh nghiệm cá nhân của tôi cho thấy rằng một trong những nhận thức sai lầm của tuổi trẻ, chính là những đánh giá sai lầm về chính trị, những phán đoán sai lầm về chiến tranh.

Sử Việt nhìn lại

Một bài học cho triều đình Nhà Nguyễn và cho cộng sản Hà Nội hiện nay

Như nhiều người trẻ, tôi cho rằng chiến tranh là điều cần thiết để dành được độc lập dân tộc. Mặc dù chiến tranh tự nó là điều tồi tệ dù nó được mặc kiểu áo nào.

Hà Nội đủ khôn ngoan hiểu được điều đó và đã khéo léo tuyên truyền: giải pháp duy nhất tiến đến việc giải phóng đất nước là toàn đân phải kháng chiến chống Pháp. Vì đã không ai làm được điều đó – đảng phái Quốc Gia tỏ ra bất lực. Kết cục là chỉ có Việt Minh đã làm được!

Ngày nay nhìn lại, tôi cảm thấy như mình bị lừa. Và có thể cả dân tộc tôi cũng bị lừa!

Cú lừa đảo ấy lớn lắm. Hàng triệu người đã gục ngã cho sự lừa đảo ấy mà vẫn không biết mình bị lừa.

Nhiều khi lời nói là thừa mà ta vẫn thấy cần thiết.

Sáng nay, tôi lại có dịp đọc lối kể chuyện của Tưởng Năng Tiến. Câu chuyện Cái Lon, Chiêc Nón & Nùi giẻ rách. Tôi lưu ý câu chuyện kể ở phần chót về ông Nguyễn Chánh Nhường – một cựu chiến binh – quê quán xã Quỳnh Lâm, lớn lên theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, ông xung phong lên đường nhập ngũ. Năm 1974, sau một thời gian bặt tin tức, gia đình ông chết lặng khi nhận được giấy báo tử của đơn vị gửi về. Gia đình ông được phát bằng Tổ Quốc ghi công số DE 145 được giữ trang trọng tại nhà ông anh Cả Nguyễn Chánh Nghiệm.

Vào ngày 10/4/2014, 40 năm sau, ông bỗng lù lù xuất hiện, một người đàn ông ăn mặc rách rưới, dáng vẻ tiều tụy xuất hiện trước cửa nhà.

Bà Hường, Phó chủ tịch Ủy Ban Nhân dân xã phát biểu:

“Chúng tôi chưa thăm, tặng quà ông Nhường, nhưng có kế hoạch tặng quà và đề xuất UBND huyện tặng quà cho ông trong dịp tết nguyên đán Ất Mùi.”

Câu chuyện về ông Nguyễn Chánh Nhường tiêu biểu cho hàng triệu thanh niên đã bị lừa mà cho đến ngày hôm nay họ vẫn không biết mình bị lừa. Ngày nay, thân thể đã không còn nguyên vẹn. Sự trở về của họ như một vật thừa thãi làm thêm ‘rách việc’, thà họ chết mất tích cho xong!

Hàng triệu thanh niên đã hăng say theo tiếng gọi lên đường. Kháng chiến chống Pháp hào hùng!

Hồn thiêng của họ nay vất vưởng nơi đâu!

Fidel Castro. Nguồn: Claudia Daut/Reuters
Fidel Castro. Nguồn: Claudia Daut/Reuters

Tôi cũng chợt nhớ đến một cuốn sách của nhà báo Mỹ Tad Szuc khi viết về một người cộng sản tận bên Cuba, ông Castro. Một đất nước Cuba nhỏ bé chưa tới 10 triệu dân mà phần lớn là nông dân. Và lịch sử đất nước ấy chưa bao giờ có lấy một người anh hùng! Một người thôi cũng không có. Pauvre nation qui n’a pas de héros. (Thật tội nghiệp cho một dân tộc không có lấy một người anh hùng)

Ngày hôm nay, đất nước Cuba đã có một người anh hùng tên là Fidel Castro Ruz.(1) Mặc dầu ông là người lãnh đạo chạy theo chủ thuyết cộng sản. Nhưng tôi đánh giá cao con người, sự hy sinh cho chính nghĩa dân tộc của Fidel Castro.

Ông hơn hẳn bất cứ nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam nào – hơn cả ông Hồ, vì ông là người cộng sản có lý tưởng xã hội thật sự. Sau khi có cuộc cải cách ruộng đất, tất cả đất đai của tư nhân bị quốc hữu hóa. Mẹ ông cũng như anh em của F. Castro đã nhượng lại tất cả đất đai của gia đình cho chính quyền gồm 780 mẫu đất và 1000 mẫu mà gia đình thuê lại của các chủ đất gốc người Mỹ. Theo quy định thì gia đình có quyền giữ lại 400 mẫu coi như Finca của gia đình. Nhưng ngay cả 400 mẫu đất này cũng được gia đình ưu ái trao lại cho chính quyền.(2)

Nguồn: công ty nghiên cứu dư luận Bendixen & Amandi quốc tế khảo sát 1.200 người Cuba
Nguồn: Kết quả cuộc thăm dò 1.200 người Cubacông ty nghiên cứu dư luận Bendixen & Amandi International. The Washington Post hợp tác đưa tin.

Mặc dầu nay đất nước Cuba còn nghèo và chậm phát triển, nhưng do người lãnh đạo biết hy sinh, sống thanh bạch, có lý tưởng xã hội, dân tộc Cuba vẫn giữ được nếp sống đạo đức cổ truyền – với một thứ tôn giáo của thời Trung Cổ gốc gác Tây Ban Nha còn sót lại. Một điều mà người ta không thể tìm thấy nơi bất cứ chính quyền cộng sản nào khác.

Có thể nói, chủ thuyết cộng sản khi du nhập vào Cuba có mang tính lãng mạn của một Machiavelli và một Karl Marx mang bộ mặt người.

Nhưng nay thì tôi tội nghiệp cho đất nước mình lại có quá nhiều anh hùng! Thật ra chúng ta đã xuất cảng lao động sang các nước láng giềng. Sao không xuất cảng anh hùng ta vốn thừa thãi?

Nhưng ta lại thiếu vắng những người tử tế.

Cái điều bi quan nhất của một người cầm bút ở hải ngoại như tôi là Việt Nam ngày nay vắng bóng những người tử tế.

Sau 1954 thì nhiều sự thật được phơi bày ra.

Ngày nay, người ta hiểu rằng tập đoàn cộng sản chỉ dựa vào Tầu, vào Liên Xô để chiến thắng Pháp. Và sau này, họ chỉ cho thấy họ là những con buôn chính trị sẵn sàng làm tay sai cho Tầu.

Gần đây, tôi lại có dịp được đọc một cuốn sách khá đồ sộ , dày 1125 trang trong đó đề cập đến tất cả các chế độ cộng sản trên toàn thế giới. Cuốn sách củng cố thêm cho những hiểu biết của tôi về cộng sản.

Nó nêu bật được những nét lớn của các chế độ cộng sản dù là Nga hay Tầu, dù là Đông Âu, dù là Bắc Hàn hay Cam Bốt hay Việt Nam.

Chúng đều có chung một điểm: dùng bạo lực như một mục đích tối hậu.

Thierry Wolton, tác giả cuốn sách mới đây nhất của ông, Une Histoire mondiale du Communisme T02 Les victimes(3) đã trình bày và tố cáo các tội ác của cộng sản trên toàn thế giới mà người dân vô tội chỉ là nạn nhân của họ.

Theo tác giả, người cộng sản đã tự tạo ra một thứ gọi là Impératif de la guerre. Một thứ mệnh lệnh chiến đấu tới cùng, dù sông có thể cạn, núi có thể mòn.

Làm sao lại có thứ mệnh lệnh điên khùng đến như thế, để làm gì và để được gì?

Tiếp đến người cộng sản nhất thiết phải tìm kiếm ra kẻ thù.

Đây là sự thật. La Fabrique des ennemis. Ngay cả việc phải tạo ra kẻ thù nếu chưa có.

Nghĩa là phải có chiến tranh, phải có khuynh đảo, có lật đổ, thanh trừng mà họ gọi là bạo lực cách mạng.

Tiếp nối theo, đó là một thứ Prophylaxie des Purges. Danh sách các kẻ phải bị thanh trừng mỗi ngày mỗi dài. Tôi còn nhớ trước đây, người ta tìm thấy danh sách 6 triệu người người Đức trong sổ đen sau khi hai miền thống nhất.

Nhìn lại Việt Nam, trước chiến tranh Đông Dương, kẻ thù của cộng sản là các đảng phái Quôc gia qua vụ ám hại người ở phố Ôn Như Hầu.

Hầu hết những người Quốc gia chết trong thời kỳ khủng bố trắng nay không còn ai biết đến họ nữa.

Một số tên tuổi những người còn sống sót lại nay đếm không quá chục người. Xin nhắc đến một vài tên tuổi đã không còn nữa – nhắc đến như một lời tri ân họ. Quý ông Nguyễn Phan Long, Nguyễn Văn Sâm, Trần Thanh Đạt, Trần Văn Lý, Cao Văn Chiểu, Lương Văn Phúc, Nguyễn Bá Chính, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long, Nguyễn Hải Thần, Ngô Đình Diệm.

Ngay các ông Trùm, ông Chánh trong các xứ đạo cũng bí mật bị bắt đi, bị tù đầy trong nhiều năm trời hoặc chết rũ tù tại các trại tù như Lý Bá Sơ.

Nghiêm Kế Tổ đã mô tả lại các cuộc thanh toán lẫn nhau như sau:

“Trong bí mật, Việt Nam Quốc dân Đảng tổ chức trinh sát đối đầu với bộ phận do thám Việt Minh. Rồi các vụ bắt cóc lẫn nhau bắt đầu một cách kinh khủng. Những vụ ám sát giữa người Quốc gia và người Quôc tế thi nhau tiếp diễn trong bóng tối, Khủng bố đối với khủng bố.”(4)4

Nhà báo Nguyễn Kỳ Nam viết trong Hồi Ký của ông về tính cách khuynh đảo chính trị, cướp chính quyền của cộng sản như sau:

“Ngủ một đêm, sáng ngày đồng bào Thủ Đô thức dậy lấy làm ngạc niên trông thấy khắp nẻo đường treo đầy biểu ngữ

Chánh quyền Về Việt Minh.

Không một ai hiểu gì ráo!

Chính các lãnh tụ tham gia trong Mặt Trận Quốc Cia Thống Nhất cũng ngẩn ngơ..

Họ hỏi với nhau:

Việt Minh là ai?

Ai cho phép Việt Minh nắm chính quyền, mà bảo rằng chính quyền về Việt Minh?”(5)

Đấy là tất cả cái hoàn cảnh đầy kịch tính đưa Việt Minh lên nắm chính quyền! Một cuộc ăn cướp có tính toán, có tổ chức học được từ Liên Xô mang về áp dụng.

Trong Nam, Việt Minh khủng bố một số trí thức Quốc Gia như bác sĩ Thinh, Đốc phủ Tâm, bác sĩ Nguyễn Văn Tùng, v.v. Bên cạnh đó, những kẻ thù trực tiếp không ai khác là các đồng chí đệ tứ quốc tế như Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Trần Văn Thạch. Riêng Trần Văn Thạch (1905-1945). Xin đọc thêm tác giả Trần Mỹ Châu, con gái ông Trần Văn Thạch trong tác phẩm “Trần Văn Thạch (1905-1945) Cây bút chống bạo quyền áp bức”. Bà viết về cha mình và những người đồng chí của cha như sau:

“Cả một tầng lớp nhân sĩ, trí thức yêu nước bị giết chết ở tuổi trung niên, ở tuổi còn nhiều tiềm lực đóng góp cho đất nước. Hậu quả thảm khốc của một chính sách độc quyền lãnh đạo trong tay những người với bản chất độc tài,. Hung bạo, tư tưởng cực đoan.(6)

Việt Minh đã áp dụng chính sác bằng một danh từ tương đối nhẹ nhàng hơn là thanh trừng: Chỉnh huấn (Rectification) để rèn đúc cán bộ và loại trừ những thành phần phản động.

Nguồn:
Nguồn: Trần Mỹ Châu & Phan Thị Trọng Tuyến

Đối với người cộng sản, ngoài bạo lực, không có con đường nào khác. Không hòa giải, không dung nhượng, hoặc là bạn hoặc là kẻ thù. Và khi nói đến một cuộc cách mạng có nghĩa sẽ có một cuộc đổ máu, một cuộc chém giết không khoan nhượng.

Biết bao nhiêu người dân vô tội đã chết oan trong hai cuộc chiến này!

Lenin vì thế đề cao vai trò của Robespierre trong cuộc cách mạng Pháp.

Mao Trạch Đông, vào năm 1927, khi còn là một cán bộ cộng sản trẻ từng tuyên bố: Một cuộc cách mạng không phải là một bữa tiệc (La révolution n’est pas un diner de Gala). Mao còn nói thêm: Mỗi cuộc cách mạng là một cuộc lật đổ, một hành vi bạo lực trong đó một giai cấp triệt hạ một giai cấp khác. Vì thế chiến tranh là một phương tiện tranh đấu cao cả nhất để giải quyết mâu thuẫn giữa các dân tộc.

Cứ thử làm một con tính xem đã có biết bao nhiêu cuộc đổ máu dành chính quyền của các đảng cộng sản tại Albany, tại Bulgary, tại Hungary, tại Poland, tại Romania, tại Tiệp Khắc, tại Đông Đức, tại Nam Tư (Yugoslavia)? Con số tính ra hằng triệu người đã gục ngã!

La violence est indissociable des régimes communistes. (Bạo lực chính là bản chất của các chế độ cộng sản.)

Tại Việt Nam, Trần Đăng Ninh tạo ra một thứ Terreur de Masse (Khủng bố quần chúng). Phần Hồ Chí Minh đề cao Homme nouveau (Con người Mới) chẳng qua chỉ là một thứ trá hình của bạo lực như phong trào Grande Terreur (đại khủng bố) của Stalin năm 1930, phong trào Cent fleurs (Trăm hoa) của Mao Trạch Đông năm 1957!

Lịch sử của các đảng cộng sản là lịch sử của bạo động, chém giết, khủng bố và lưu đầy. Càng đọc càng thấy rùng mình ghê sợ!

Họ phải biết tạo ra kẻ thù! Kẻ thù của họ sẽ mang nhiều tên khác nhau: Việt gian, phong kiến, phản động, giai cấp, tiểu tư sản. bọn lính đánh thuê, bọn đế quốc, bọn ngụy quân, ngụy quyền.

Sau 1954, Việt Minh cài cán bộ ở lại miền Nam để tiếp tục quấy phá, dựng ra MTDTGPMN như một thứ trò hề bịp bợm rồi đổ cho Mỹ xâm lăng miền Nam. Mỹ có quyền lợi gì để chiếm miền Nam?

Phải gọi Mỹ là quân xâm lược thì mới có lý do giải phóng miền Nam được.

Bắc Hàn hiện nay luôn luôn tìm cách gây hấn với Nam Hàn để biện minh cho chế độ bất nhân.

Phải tạo ra bầu khí chiến tranh liên tục! Tầu cộng và Việt cộng hiện nay có lúc nào yên. Hòa bình có nghĩa là chuẩn bị chiến tranh!

Nay thì người cộng sản có bao nhiêu kẻ thù? Và còn lại ai là bạn của họ? Ai cũng là diễn biến hòa bình! Lúc nào cũng có một thứ chiến tranh thường trực trong nước-ngoài nước. Une guerre civile, permanente. Nào là phản động, nào tôn giáo, nào bọn phá hoại, bọn bất đồng chính kiến… để có thể bắt bớ, tù đầy.

Công an cả triệu người lúc nhúc trong nhà, ngoài phố. Đó là một đất nước mất an ninh thường trực, lúc nào người dân cũng có thể bị bắt.

Tôi còn nhớ kỷ niệm in sâu trong đời tôi khi mới đến đất nước Canada. Tôi không thấy một người lính trong cả năm trời. Không thấy bóng dáng một chiếc xe nhà binh. Không thấy công an áo vàng.

Tôi viết bài này để dâng tặng tất cả đồng bào tôi, những người lính cả hai miền, những người mẹ, người chị, tất cả những ai đã hy sinh hay đã chết vì chế độ cộng sản, và những ai còn đang tiếp tục là nạn nhân của chúng ngày hôm nay, và ngày mai và mong đất nước mau thoát ra khỏi chế độ bất nhân ấy.

Ngày nay, tôi chẳng những nghi ngờ mà còn không tin vào bất cứ những giải pháp nào mà cộng sản đã áp dụng ở Việt Nam trước kháng chiến, trong kháng chiến và sau kháng chiến.

Trong chiến tranh, họ là những kẻ điên cuồng. Trong hòa bình họ là những kẻ đại ngu đốt.

Có nhiều con đường để giải phóng đất nước ra khỏi ách thống trị của ngoại bang như tôi sẽ trình bầy đầy đủ sau đây.

Tùy hoàn cảnh mỗi nước mà người ta chọn ra được con đường tốt nhất. Có nước chậm, có nước mau chóng.

Nhưng giới hạn được sự chết chóc vẫn là điều tối ưu.

Có hơn 100 nước nhược tiểu – từ Phi Châu, Mỹ Châu La Tinh, các nước Ả Rập, các nước trong vùng Đông Nam Á, bị gót giầy của thực dân đế quốc giày xéo.

Họ đã làm thế nào để dành lại được độc lập dân tộc? Đó là câu hỏi then chốt nhất cần có câu trả lời thỏa đáng.

Bằng một giá nào? Đó là câu hỏi thứ hai cũng là đối trọng của bài viết này.

Sau đây, xin tóm lược một số chọn lựa của một số nước tiêu biểu. Có những nước khác như Phi Châu, Mỹ Châu La Tinh và một số nước không liên kết, họ chẳng làm gì cả, ngay cả chẳng có kháng chiến. Độc lập đến với họ chẳng tốn kém máu xương gì cả!

Ấn Độ và chủ trương đấu tranh bất bạo động

Cuộc vận động đòi độc lập ở Ấn độ từ đầu thế kỷ 20 với khuynh hướng cực đoan của những người lãnh đạo như 3 ông Lal, Bal, Pal (phong trào Swadesh, tẩy chay hàng nhập cảng, dùng hàng nội địa) và Aurobindo Ghosh trong một thời gian ngắn. Đến năm 1915, một luật sư vóc dáng người gầy yếu, bé nhỏ từ Nam Phi trở về Ấn để đấu tranh dành lại độc lập từ tay nguời Anh. Ông phát động một phong trào phản đối dựa trên đạo lý để chống lại sự áp bức. Phong trào chủ trương không tuân hành các luật lệ do người Anh áp đặt và chấp nhận bị trả thù. Phong trào đã lan ra trên toàn quốc và được nhiều lãnh tụ chính trị khác ủng hộ. Phong trào càng trở nên sức mạnh khi Gandhi phát động phong trào chống thuế muối (Marche du Sel / Salt March) vào năm 1930. Sau thập niên 1930 phong trào đòi đọc lập chịu ảnh hưởng khuynh hướng xã hội vì sự trỗi dậy và phát triển của đảng Cộng sản Ấn Độ. Liên đoàn Hồi giáo trên toàn cõi Ấn Độ là một chính đảng thành lập từ 1906 sau đó đòi thành lập một quốc gia riêng biệt gọi là Pakistan. Kết quả cũng những phong trào đó dẫn đến Đạo luật về Độc lập của Ấn Độ năm 1947, Indian Independence Act 1947, chấm dứt quyền bá chủ ở Ấn Độ và hình thành quốc gia Pakistan. India vẫn thuộc Khối Thịnh vượng chung (thuộc Anh) cho đến năm 1950 khi Hiến pháp Ấn Độ trở thành có hiệu lực. Pakistan vẫn thuộc Anh cho đến 1956 khi có hiến pháp cộng hòa đầu tiên. Đến năm 1971, Đông Pakistan tuyên bố độc lập thành nước Cộng hòa Nhân dân Bangladesh.

Gandhi 1918. Nguồn: By Unknown - Brown, Judith. Gandhi: Prisoner of Hope, Yale University Press, New Haven, 1989, p. 116., Public Domain, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=1976550
Gandhi 1918. Nguồn: By Unknown – Brown, Judith. Gandhi: Prisoner of Hope, Yale University Press, New Haven, 1989, p. 116., Public Domain, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=1976550

Năm 1950, Ấn Độ độc lập. Có thể nói, Ấn Độ là một trong những nước sớm nhất dành được độc lập. Số phận 350 triệu dân Ấn chỉ do một người lãnh đạo mà sức mạnh tinh thần của họ đủ đương đầu với sức mạnh của súng đạn.

Nhưng đồng thời do sự khác biêt về tôn giáo, nên quốc gia Hồi giáo Pakistan đã được thành lập. Ngày 15 tháng 8, 1947 khi Ấn Độ trở thành quốc gia dân chủ có quyền tự quyết. Vì có bạo động giữa người Ấn Độ giáo, Hồi giáo và người Skihs khiến Thủ tướng Nehru phải mời Đô đốc Anh Louis Mountbatten ở lại tiếp tục vai trò Toàn Quyền Ấn Độ. Ngày 26 tháng Giêng 1950, nước Cộng hoa Ấn Độ chính thức chào đời.

30 tháng giêng 1948. Gandhi bị một người Ấn Độ giáo quá khích ám sát.

Chủ trương bất bạo động là trường hợp thành công duy nhất chỉ có thể xảy ra ở Ấn Độ dưới sự cai trị của người Anh.

Nhật và lá bài canh tân đất nước

Lúc đầu, người Nhật cũng áp dụng chính sách đóng cửa. Nhưng dưới áp lực nặng nề của Hạm Đội Mỹ, Nhật đã nhượng bộ Tây Phương vì uy thế kỹ thuật cao của họ. Hoàng Đế Minh Trị (Meiji) một mặt nhất thời nhượng bộ chiều theo những áp lực đòi hỏi của Mỹ muốn vào buôn bán, rồi đình chỉ việc cấm đạo.

Minh Trị Thiên Hoàng. Nguồn: OntheNet
Minh Trị Thiên Hoàng. Nguồn: OntheNet

Sau khi nhượng bộ Mỹ rồi lần lượt nhượng bộ Anh, Pháp, Hòa Lan.

Mặt khác, Nhật Hoàng xúc tiến việc canh tân kỹ nghệ, cóp nhặt các kỹ thuật của Tây Phương cố gắng theo đuổi kịp các nước Tây Phương, rồi vượt qua họ. Đó là chính sách benchmarking mà nhiều người hiểu lầm là sự cóp nhặt (Copiage).

30 năm sau. Nước Nhật trở thành một nước kỹ nghệ tiên tiến hàng đầu.(7)

Con đường canh tân xứ sở dựa trên tinh thần Võ Sĩ Đạo, biết hy sinh vì đại cuộc, biết đặt cá nhân vào việc phụng sự đất nước và làm thế nào đi đến chỗ tự lực, tự cường.

Con đường phát triển chính là con đường giải phóng dân tộc lý tưởng khỏi mọi áp đặt của ngoại bang. Ta mạnh thì ta không phải quỳ gối trước mặt người khác.

Một trong những yếu tố giúp cho nước Nhật thành công và hai nước Tầu-Việt Nam thì gặp thất bại là yếu tố văn hóa.

Muốn phân biệt giữa văn hóa Nhật văn hóa Tầu-Việt Nam thì đây trọng văn khinh võ là dấu hiệu khác biệt. Xin đọc thêm cuốn sách nhan đề Pages oubliées sur Japon đã của tác giả André Leroi-Gourham đã có nhiều năm sống trên đất Nhật.(8)

Theo tác giả, người Việt cũng như người Tầu chỉ trọng những người có chữ nghĩa. Văn hóa thi cử chọn người có chút chữ nghĩa và thường coi thường quan võ, như phường trộm cướp, đạo tặc.

Người có chữ nghĩa thánh hiền được coi là hạng người quân tử đạt được sụ toàn thiện mặc dầu chi thuộc lòng vài câu đoạn trong tứ thư và ngũ kinh.

Trái lại, văn hóa Nhật ngay từ thời kỳ đồ đá mới đã biết trọng người quân nhân. Giới quân đội không thuần túy cậy vào sức mạnh bắp thịt mà còn tinh thần gan dạ, can đảm, không sợ gian nguy, ngay cả đối với cái chết.

Phong cách người chiến binh trong lúc đối đầu với hiểm nguy đã đành mà còn trong cả phong các khi ngồi đàm đạo, uống trà, đọc sách nữa.

Võ sí đạo Nhật Bản (1860s). Nguồn:  Felice Beato
Võ sí đạo Nhật Bản (1860s). Nguồn: Felice Beato

Người Nhật chọn thứ văn hóa theo tinh thần Võ Sĩ Đạo để ứng xử, còn người Tầu và Việt Nam chọn văn hóa Khổng Nho làm bảng chỉ đường.

Một đằng thực tế, một đằng lý thuyết xuông.

Tinh thần Võ sĩ đạo gốc gác là những người biết xử dụng gươm đao, dám liều mình chết, dám hy sinh, dám nhận trách nhiệm, có tinh thần, có kỷ luật cao.

Thật ra đó là sự tổng hợp sức mạnh của cơ bắp cộng với sức mạnh tinh thần.

Khi đụng đầu với thực tế, với đế quốc thực dân, người ta mới thấy hết được sự bất tài, sự hèn kém của giới quan lại chỉ nói mà không làm. Và người ta chỉ thực sự hiểu được giới nho sĩ, giới quan lại trong triều đình Nhà Thanh cũng như nhà Nguyễn khi tiếp xúc vói Tây Phương.

Giải pháp không giải pháp là của triều đình nhà Thanh bên Tầu và của triều đình Nhà Nguyễn ở Việt Nam.

Một giải pháp thụ động-chờ thời-phong kiến hủ lậu như bế quan tỏa cảng, cấm đạo dựa trên tinh thần ái quốc không đúng chỗ đến chỗ thất bại không tránh được.

Giải pháp mở cửa như trường hợp nước Xiêm La, Singapore.

Thái Lan và Singapore đón nhận sự giao lưu chẳng những về kinh tế, chính trị, tôn giáo và văn hóa của phương Tây mà còn sẵn sàng hợp tác với họ vốn dĩ làm sao cân bằng được các thế lực chính trị lúc nào cũng sẵn sàng nuốt chửng mình. Tìm kiếm ra được một giải pháp là một chuyện, nhưng thực hiện được lại còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như có nhà lãnh đạo giỏi, có tài đức, hy sinh cho đại cuộc. Cộng thêm sự thức tỉnh của người dân với óc cầu tiến, chịu học hỏi, chịu cải tiến, dân chủ hóa đất nước và canh tân đất nước nữa.

Cũng vì lẽ đó, Xiêm La là nước duy nhất đã đưa ra được một chính sách ngoại giao thành công ngoạn mục nhất, độc lập – ít nhất trên mặt lý thuyết – để không bị bất cứ nước nào đô hộ.(9)

Thủ tướng Lý Quang Diệu- một trong những lãnh đạo uy tín nhất vùng Đông Nam Á-một nước chỉ có hơn ba triệu dân mà đa số là người gốc Tầu – đã tách ra khỏi Mã Lai, đã đứng vững trước các thế lực như Tầu, Anh, Nhật, v.v. Mặc dầu vậy, ông đã phải nhìn nhận như sau về nước Xiêm La:

“The Thai foreign ministry recruited their brightest and best, educated in British, European, and Latin America universities. It was their glamor services, highly paid and much respected because of their foreign travels at a time when travel was rare. Their domestic administrators did not match the quality of their foreign services officers. They needed their best to fend off encroachments by the British from Burma and by the French from Indochina. Thailand is the only Southeast Asian country that has never been colonized.”(10)

(Bộ trưởng ngoại giao Thái đã tuyển chọn những nhân viên sáng giá và suất sắc nhất được đào tạo ở các đại học ở Anh, Âu Châu và Mỹ Châu La Tinh. Đó là các công tác thích thú của họ, được trả lương hậu hĩnh và được trọng nể, bởi vì các công việc ấy đòi hỏi phải đi ra ngoại quốc vào cái thời còn hiếm người được đi ra nước ngoài. Những người quản trị trong nước đã không so sánh với khả năng chuyên môn của các chuyên viên ngoại giao của họ. Người ta rất cần khả năng của họ để có thể ngăn chặn sự xâm nhập của người Anh từ Miến Điện và người Pháp từ Đông Dương. Vì thế, nước Thái Lan là nước duy nhất tại vùng Đông Nam Á đã chưa hề bao giờ bị đô hộ.)

Giải pháp tồi tệ nhất nhất là dùng lá bài dân tộc chủ nghĩa trực diện với kẻ thù

Bài học của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản cho thấy, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có cuộc chiến tranh dành độc lập kéo dài trên một phần tư thế kỷ và hàng triệu người đã hy sinh một cách oan uổng.

Nay, xin triển khai một số tiền đề tiêu biểu nhất

1. Tiền đề thứ nhất, Xiêm La áp dụng chính sách ngoại giao mở cửa.

Lịch sử cho thấy vào năm 1855, Napoléon III đã gửi sang các nước Á Châu một người đại diện cho nước Pháp là Montigny để thương lượng các thỏa ước về thương mại với ba nước Á Châu là: Nước Xiêm La, Việt Nam và Cao Mên.

Phái đoàn của Montigny đã không đạt được bất cứ thỏa thuận gì về phía Việt Nam tại Đà Nẵng.

Và cuối cùng thì nước Pháp đã dùng đến giải pháp quân sự bằng cách gửi đô đốc Rigault De Genouilly tiến vào cảng Đà Nẵng ngày 31 tháng 8 năm 1858. Ngày mồng hai tháng 9, Đà Nẵng thất thủ. Nhưng vì chiến thuyền của Rigault không thể tiến ra Huế được, ông quyết định tiến thẳng vào Saigon. Và ngày 18 tháng 1 năm 1859, Sài Gòn thất thủ vào tay quân đội Pháp. Napoléon III quyết định lập một chính quyền vĩnh viễn tại đây do người Pháp làm chủ.(11)11

Saigon chính thức mất vào tay người Pháp. Trong khi đó, Thái Lan thì không.

Tuy nhiên, về mặt ngoại giao, để đi đến một thỏa thuận được ký kết giữa đôi bên giữa Pháp-Thái đã phải kéo dài trong nhiều năm trời trong các giai đoạn từ 1863-1870, rồi cuối cùng Hiệp ước ngày 23 tháng 3, năm 1907.

Trong Hiệp ước này Xiêm La phải cam kết hoàn trả Battambang và AngKor cho Cam Bốt. Nhưng dù thế nào đi nữa, sự có mặt của người Anh bên cạnh đã không cho phép người Pháp tấn công, xâm chiếm Xiêm La như trong trường hợp Việt Nam.

Chính sách mở cửa của nước Xiêm La đón nhận tất cả các phái bộ ngoại quốc một cách niềm nở, ẩn nhẫn bằng ‘một nụ cười’ (Le pays du sourire-Xứ sở của những nụ cười).

Ngay từ năm 1809, khi chế độ thực dân chưa thực sự cắm rễ sâu ở khu vực Đông Nam Á Châu thì nhà vua Rama II đã có những bước đầu nối kết ngoại giao với các nước Tây Phương rồi.

Quốc Vương Thái Lan Buddhaloetla (Rama II) 1809-1824. Nguồn: chiangmai-mail.com
Quốc Vương Thái Lan Buddhaloetla (Rama II)
1809-1824. Nguồn: chiangmai-mail.com

Thời điểm này, 1809, trùng hợp với việc thống nhất Việt Nam của Nguyễn Ánh, Gia Long. Nguyễn Ánh, Gia Long đã chuẩn bị như thế nào để đương đầu với các thế lực ngoại bang như Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Hòa Lan?

Ý thức được một nền ngoại giao dựa trên sự giao hảo, sự mềm dẻo khéo léo nói ra tưởng là điều dễ, nhưng thật ra là khó lắm, đòi hỏi kiên trì, kiên tâm và hy sinh.

Nước Tầu sở dĩ bị liệt cường sâu xé cũng chỉ vì không học ra bài học của Xiêm La. Việt Nam chỉ học theo đuôi ông thầy Tầu càng tỏ ra lú lẫn chẳng thua kém gì.

Tiếp nối con đường ngoại giao bằng sự mở cửa, các vua Rama IV (1851-1868) và Rama V (1868-1910) đã chống đỡ lại các cường quốc như Anh Pháp bằng một lập trường mềm dẻo, nếu cần nhượng bộ một phần đất đã chiếm được của lân bang để bảo toàn được chủ quyền. Người ta ví chính sách ngoại giao của Xiêm La giống như hình ảnh một cây tre, gió chiều nào thì ngả theo chiều đó.

Đồng thời vẫn phải mau chóng canh tân xứ sở cho bằng người.

Bản thân nhà vua Rama IV, vua Mongkut, cố học hỏi thêm để nói được tiếng Anh. Nhà vua còn mời các giáo sĩ Thiên Chúa giáo vào triều để tranh luận về triết học và khoa học. Cho tự do truyền đạo. Mặc dầu vậy, rất ít người đã theo đạo Thiên Chúa giáo.

Quốc Vương Mongkut (Rama IV) 1851-1868
Quốc Vương Mongkut
(Rama IV) 1851-1868

Gia Long và sau này Minh Mạng có chịu khó học hỏi để nói thông thạo tiếng Pháp?

Và nước Xiêm La có thể hãnh diện vì không hề có một tu sĩ Thiên Chúa nào đã phải chết vì đạo.

Chẳng những thế, họ còn cho tá túc những người công giáo Nhật, Việt Nam bị cấm đoán vì đức tin và hấp dẫn tất cả các sắc tộc vì lối sông êm đềm của nước này.

Mặc dù được tự do giảng đạo, nhưng đã có rất ít người Xiêm theo đạo Thiên Chúa giáo. Phải chăng đạo Phật truyền từ Ấn Độ vào theo Nam Tông (Đại Thừa) trong nhiều thế kỷ đủ thấm nhuần để cho người dân thấy đủ và thấy không cần thiết theo đạo nào khác? Các vị sư khất thực được gọi một cách kính nể là Luang por – cha đáng kính.

Luang Por Liem Ṭhitadhammo, Nguồn: amaravati.org
Luang Por Liem Ṭhitadhammo, Nguồn: amaravati.org

Rút cục, thật trớ trêu là các nhà truyền giáo chỉ làm công việc truyền giáo cho những người Bắc Kỳ và Nam Kỳ chạy trốn khỏi nước họ sang đây?

Sau này, Andrien Launay, nhà viết sử truyền giáo cũng phải nhìn nhận: “Nước Xiêm là một nước có một chính sách khoan dung rất rộng rãi về tôn giáo và chính trị.”(12)

Vua Xiêm đã biết xử dụng các thừa sai làm trung gian để giao dịch với Giáo hoàng và các nước Phương Tây. Họ còn cấp đất cho xây nhà thờ. Cũng theo Andrien Launay, khi Giám mục Lambert De La Motte muốn quay trở lại Việt Nam. Nhà vua Xiêm đã giữ lại để có thể thiết lập quan hệ thân hữu với Louis XIV.

Từ năm 1860, nhà vua đã mời nhiều cố vấn ngoại quốc vào triều để đưa ra giải pháp tiến bộ cải thiện đất nước.

Nhưng phải đợi đến người kế vị ông – vua con Chulalongkorn đã áp dụng chế độ tản quyền cho các địa phương, học hỏi chế độ hành chánh của nước Anh, đi thăm các nước như Singapore, Mã Lai, Ấn Độ, Miến Điện để học hỏi kinh nghiệm.

Nhà vua 18 tuổi này đã can đảm hủy bỏ chế độ nô lệ phong kiến. Học hỏi tinh thần dân chủ của người Tây Phương, nhà vua bỏ lệ phải quỳ lạy vua trước cung đình.

Vì không chịu học hỏi, triều đình nhà Thanh bên Tầu đã bắt lỗi sứ thần nước Anh đã không quỳ lạy và gây ra một scandal ngoại giao ảnh hưởng tới quan hệ giữa hai nước!

Nhà vua rập theo người Anh, lập một đội quân phòng thủ gồm 4400 người được huấn luyện bởi người Tây Phương và trang bị vũ khí hiện đại.

Mặc dầu vậy, ông vẫn lo sợ người Pháp nên đã thỏa thuận nhường lại một phần đất của Lào trao trả lại cho Pháp như Vientian, Luang Prabang. Về phía Cam Bốt, ông trả lại các vùng Siem Reap, Sisophon và Battambang cho Cam Bốt. Sự nhượng bộ này tránh cho nước Xiêm khỏi bị Pháp đô hộ. Nhưng cũng để lại lòng tự ái dân tộc, sự nhục nhã đối với người Pháp.(13)13

Dưới thời vua Rama VIII, liên kết chặt chẽ với Nhật. 1965-1975, ủng hộ cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba, giữa Mỹ-cộng sản Hà Nội.

(Còn tiếp)

© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline hiệu đính và minh họa.
(1)  Tad Szulc, Castro – 30 ans de pouvoir absolu, trang 608
(2) Tad Szulc, Ibid., trang 19
(3) Thierry Wolton, “Une Histoire mondiale du Communisme T.02 Les Victimes”, février 2016, nxb Grasset, trang 21
(4) Nghiêm Kế Tổ, “Việt Nam máu lửa, trang 19
(5) Nguyễn Kỳ Nam, “Hồi ký 1925-1964”, trang 51
(6) Trần Mỹ Châu, Phan Thị Trọng Tuyến, “Trần Văn Thạch (1905-1945) Cây bút chống bạo quyền áp bức”, trang 126
(7) Daniel, “Le Renouveau de L’Asie”, trang 5-6
(8) André Le roi-Gourham, “Pages oubliées sur le Japon”, Jérôme Millon (30 octobre 2003), trang 208
(9) Đúng, Thái Lan chưa hề bị đô hộ nhưng không hẳn là một nước tự chủ (sovereign) vì Ngân hàng Quốc gia của Thái Lan trước đây do người ngoại quốc quản trị. Trích Le Minh Khai dẫn lại từ The Straits Times (22 November 1924, pg. 3)

“The appointment of Sir Edward Cook as Financial Adviser to the Government of Siam is in accordance with the established policy of that Government to look to Great Britain for some of its most important advisory officers, says the Pioneer [a newspaper in British-controlled India].

“Americans, French and Danish officers are also to be found in the Siamese Service. Thus Danish instructors train the provincial gendarmerie and there is an American Adviser in Foreign Affairs. In addition, a British Judicial Adviser and a French Legislative Adviser, with legal advisers of different nationalities, are developing the administration of justice in the Siamese Courts. British Forest officers are largely employed in the forests and English is the language of commerce, while the Siamese State Bank which was formerly managed by a German, is now managed by an Englishman.”

(10) Lee Kuan Yew, “From third World to First”, Harper Business, trang 294
(11) Xem Indochine, des territoires et des hommes 1859-1956, Bai viet của Nguyen The Anh, France-Indochine, un siecle de rapports politiques et culturels, trang 25
(12) Launay A, Histoire de la Mision de Siam 1662-1811, Pái 1920, trang 2..9.. Đây chỉ còn là môt bản Photocopy, sách hiện không còn nữa.
(13) Arnaud Dubus, Thailande, trang 64-66

1 Comment on “Trường hợp Xiêm La (5a)

  1. CHIẾN TRANH GIẢI PHÓNG VÀ CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG

    Trái đất tròn nên rồi mọi sự cũng quy về một mối.

    Tuy vậy lịch sử là cái gì đã qua, nhiều khi chẳng đặng đừng, mà nhiều khi cũng làm ngao ngán lòng người vì những lệ lụy gây nên của nó.

    Mặc dầu thuốc súng, bánh xe, la bàn cùng nhiều thứ khác có thể đã xuất hiện trước nhất ở phương Đông, nhưng phải công nhận chính khoa học kỹ thuật mọi mặt có quy củ nhất là được phát triển và truyền bá từ phương Tây, kể cả nhiều lý thuyết về lịch sử và xã hội của họ.
    Chủ nghĩa thực dân do vậy cũng đã khởi đầu từ phương Tây, do hoàn cảnh và yêu cầu phát triển kinh tế quy mô xảy ra ban đầu ở đó. Rồi thì chính chủ nghĩa quốc tế vô sản mác xít cũng lại từ chính các xứ ấy mà ra.
    Nên có thể nói chính làn sóng phương Tây mọi mặt đã đè bẹp phương Đồng ngay từ đầu, và kể đến bây giờ vẫn còn nhiều nước phương Đông vẫn còn chịu tính cách như thế.
    Điều này không phải tùy hoàn cảnh mỗi nước, mà còn tùy cả dân tộc tính ở mỗi nơi như vậy. Chẳng hạn Nhật bản là một điển hình về tâm lý chủ động, nên họ đã bứt và vượt lên được hoàn cảnh lúc bấy giờ. Trái lại Trung Quốc, Việt Nam do cá tính thụ động nhiều mặt, nên dùy muốn dù không đã không thoát ra khỏi được các hệ lụy do từ phương Tây mang đến.
    Trong khi đó Thái Lan và một số nước Á châu khác, cho dù cũng bản chất thụ động, song cá tính nhu mì hơn, nên họ lựa chon được con đường hòa bình có kết quả mà cũng chẳng ai bắt nạt hay khống chế hoàn toàn được họ.
    Cho nên phải nói chính tâm lý người lãnh đạo và tâm lý người dân đều luôn là những yếu tố quyết định nhất. Nếu người lãnh đạo nhất thời mù quáng như thế nào đó, người dân tất nhiên cũng chịu gò bó theo, cả hai đằng đều đưa lại những hậu quả chung mà thường không ai đổ lỗi hoàn toàn cho ai được.
    Nô lệ vào ý thức phương Tây mặt này hay mặt khác một cách thụ động và mù quáng mà không nhận thức ra được điều đó, đó chính là sự thất bại ngay từ đầu mà một số nước phương Đông đã lãnh đủ trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng Việt Nam còn tệ hơn cả Trung Quốc là trước khi xỏ mũi bởi phương Tây lại từng bị xỏ mũi bởi chính sự ảo tưởng về nước Tàu. Điều đó không những ngày xưa mà cả ngày nay vẫn còn thấy rõ.
    Nói chung lại chính ý thức độc lập mọi mặt mới cứu vãn được cho các dân tộc. Ngược lại nếu chỉ là ý thức nô lệ mà cứ tưởng hay tự cho là ý thức độc lập thì dù qua bao nhiêu kinh nghiệm đắng cay cũng không hề rút ra được bài học nào cả. Nhận thức độc lập, ý thức độc lập, tự duy độc lập mới điều thiết yếu nhất làm cho mỗi dân tộc tránh được các rủi ro từ ngoài và đi lên phát triển. Chừng nào mọi người trong nước đó còn chưa nhận thức ra được điều đó, còn chưa ý thức ra được điều đó, quả chỉ từ thua đến thua thế thôi.
    Bởi vậy chiến tranh giải phóng đất nước dù sao cũng không thể rủi ro như chiến tranh cách mạng. VÌ đó chỉ là yêu cầu thực tế mà không thể mơ hồ. Trái lại nếu đồng hóa giữa chiến tranh giải phóng với chiến tranh cách mạng, nhầm lẫn hay lạm dung nó, điều đó chỉ mang lại những rủi ro càng lớn và nhiều khi vô phương cứu chữa. Nên mọi sự sáng suốt là do ngay từ buổi đầu. Vì nếu tránh được chiến tranh xâm lước thì cũng chẳng cần gì đến chiến tranh giải phóng như đã có nhiều nước từng thực hiện như thế. Còn nếu cuối cùng mơ hồ, mù quáng, đánh đồng giữa chiến tranh giải phóng và chiến tranh cách mạng, thì chính sự mơ hồ làm bế tắt tất cả. Và nếu bế tắt càng lâu mà vẫn không nhận thức ra được, không chịu nhận thức hay chỉ cố chấp tới cùng, đó lại chính là điều bất hạnh cho xã hội đó hơn bao giờ hết.
    ĐẠI NGÀN
    (06/4/16)