Tham vọng viết lại lịch sử Việt Nam: Trường hợp Thụy Khuê (7b)

Nguyễn Văn Lục

vua_gialongMột vài dẫn chứng trên đây không đủ cho phép bà Thụy Khuê gán ghép cho Tạ Chí Đại Trường cóp nhặt và chịu ảnh hưởng của một số sử gia Tây phương trên toàn bộ cuốn sách của ông.

Nhìn lại sử Việt | Tham vọng viết lại lịch sử Việt Nam: Trường hợp Thụy Khuê (7b)

(Tiếp theo phần 7a)

Bá Đa Lộc. Nguồn: Tao-Kim-Hai, “L'indochine Francaise depuis Pigneau De Behaine”, 1939
Bá Đa Lộc. Nguồn: Tao-Kim-Hai, “L’indochine Francaise depuis Pigneau De Behaine”, 1939

Việc truy tìm sự kiện lịch sử trở thành khó khăn, bởi vì sự kiện lịch sử không phải bao giờ cũng là cái xuất hiện mà là cái không lộ diện, cái che dấu, cái động lực ngầm. Chẳng hạn nói “Phò Lê, Diệt Trịnh” đã chắc gì đúng như thế! Hay chỉ là cái cớ “chính nghĩa” để che đậy mưu đồ không nói ra.

Người viết sử đôi khi phải đi con đường vòng, tìm lại cái nẻo khuất để hiểu tại sao sự việc nó lại như thế, tại sao tác giả lại viết như thế và tại sao không viết như thế.

Lịch sử là đi tìm cái tại sao, cái nguyên do, cái không lộ diện.

Về điểm này, tôi có những nhận định trái với bà Thụy Khuê về cách viết của ông Tạ Chí Đại Trường(11)

Trở lại những lá thư của Nguyễn Ánh viết bày tỏ tâm sự với Bá Đa Lộc. Những lá thư ấy với lối hành văn cổ không mấy dễ đọc.

Những lá thư ấy đã được cố đạo Cadière sưu tập được và chú giải.

Công thu tập tài liệu đứng về mặt sử liệu là công khó nhất, không dễ mấy ai cũng làm được!

Tạ Chí Đại Trường viết,

“Đáng chú ý hơn, chính là thư của Nguyễn Ánh viết ra trong lúc còn lưu vong hoặc mới tái tạo cơ đồ, chưa vững vàng bề thế, khiến chúng ta thấy rõ con người ông hơn, con người mà các sử quan tả bằng những sáo ngữ với những hình ảnh ý niệm dành cho các bậc vua chúa Đông phương ‘thông duệ túc thành’ ‘phước mạng đế vương’ đến qua sông có cá sấu đưa đi, giặc đuổi có cây ngã chặn đường phía sau.

Đọc thư, chúng ta thông cảm với một thường nhân lênh đênh lao khổ thốt lời chua chát với số mệnh đắng cay, một người bạn thành thực chí tình, một người cha thương nhớ con xa cách trong khi day dứt chưa làm tròn bổn phận với dòng họ, tổ tiên.

Chính tính chất có liên lạc mật thiết với cá nhân một nhân vật lịch sử quan trọng này mà sử liệu đưa ra có thể liệt vào hàng quan trọng.”(12)

Đó, công việc mà Tạ Chí Đại Trường đã thực hiện, phải chăng là công việc của sử gia?

Hãy đọc thêm hai tài liệu.

1. Bài chí viết bằng chữ Nôm ở lăng Bá Đa Lộc, do Đốc học Nguyễn Gia Cát soạn và Hữu tham tri bộ binh Lê Quang Định viết chữ, dựng bia vào tháng 8 năm Canh Thân 1800 theo lệnh của Nguyễn Ánh:

“- Đức Thầy vốn người nước Đại Pháp, tên Bi Nhu, hiệu Bá Đa Lộc, tu học đạo Thiên Chúa giáo từ nhỏ nhưng mọi kinh điển thánh hiền Trung Quốc đều thông thạo. Thuở trẻ đến nước ta, gặp lúc có nhiều nội loạn, đức thầy nhận lời làm quốc khách, đem tài năng ra thi thố, khuông phò giữa buổi nghiêng ngửa hiểm nguy. Lại vâng trọng trách giao phó xuất ngoại cầu viện binh, đi về vất vả nhọc nhằn gần kiệt lực. Suốt hơn 20 năm bày kế sách tham mưu, góp ý kiến bình định, thành tích xây dựng vẻ vang ấy rất xứng đáng lưu truyền hậu thế. Vận nước dần dần được khôi phục, phần lớn đếu nhờ công lao của đức thầy.

– Năm Kỷ Mùi (1799), khi theo quân ra đánh phủ Quy Nhơn, đức thầy mất ngày 11/9 (âm lịch) tại cửa biển Thi Nại, hưởng thọ 57 tuổi. Tháng 10 được phong tặng Thái tử Thái phó quận công, an táng ở nhà nguyện cũ của đức thầy tại phía bắc thành Gia Định. Nhân thế mới làm bài chí.

Dựng bia ngày lành tháng 8 năm Canh Thân (1800).
Đốc học Hoa Xuyên hầu Nguyễn Gia Cát vâng mệnh soạn.
Hữu tham tri bộ binh Định Thành hầu Lê Quang Định vâng mệnh viết.”

(Nguồn: Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết, “Bài Văn Bia ở Lăng Đức Cha Cả Bá Đa Lộc”)

2. Bài văn tế Bá Đa Lộc của vua Gia Long trích lại trong bài về “Cuộc giảng-diễn về hai bài văn tế của Quan Thượng Giáo dục Phạm Quỳnh” đăng trên Phụ trương Báo Tràng An, số 70, trang 1, 29 tháng Mười, 1935.

Nguồn: Thư viện Quốc Gia Việt Nam | DCVOnline
Nguồn: Thư viện Quốc Gia Việt Nam | DCVOnline
Bởi Gia Long – 1799 document. Reproduction in Mantienne "Monseigneur Pigneau de Behaine"., Phạm vi công cộng, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=4812406
Điếu văn của Gia Long – 1799 document. Reproduction in Mantienne “Monseigneur Pigneau de Behaine”, Phạm vi công cộng, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=4812406

Trong bài “gỉang-diễn về hai bài văn tế” Phạm Quỳnh cũng đã dẫn Charles B. Maybon, ông viết,

“Nhà sử học Maybon có nói, ‘Trong mười năm ở xứ Nam kỳ, Đức cha vừa là Binh-bộ và Ngoại giao bộ Thượng thơ của Đức Gia-Long. Mọi việc hành động của ngài đều đã có bàn bạc trước với Đức cha cả những thơ từ của ngài gởi cho các quan thủ hiến Phi-luật-Tân, Macao, Bengale, cho vua Hồng-mao, vua Đan-mạch cũng vậy, đều do tay Đức cha thảo cả.”

Không thấy bà Thuỵ Khuê gọi Phạm Quỳnh là “Quan Thượng Giáo dục ‘thuộc địa’ hay ‘thực dân’” trong bài khảo sát của bà.

Còn vua Gia Long, với lời lẽ trong văn tế Bá Đa Lộc như trên, ông là cái gì? “Vua thuộc địa” hay “Vua của thực dân”?

Và nếu bà Thụy Khuê đọc kỹ những lá thư đó và những tài liệu thượng dẫn có lẽ bà sẽ có một quan điểm nhìn trung thực và chia sẻ hơn về Bá Đa Lộc. Và điều quan trọng, bà mới hiểu được mối liên hệ giữa hai người hầu như có chung một số phận? Tại sao Nguyễn Ánh không viết những lá thư này cho một người khác như Lê Văn Duyệt?

Công việc này, theo thiển ý, sử gia Tạ Chí Đại Trường trong “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam” của ông đã lý giải được nhiều điều bên lề, tưởng như vô tích sự như cuộc cãi vã giữa De Conway và Bá Đa Lộc ở Pondichéry.

Qua cuộc đấu trí ấy, tôi đánh giá được một điều quan trọng: tài trí và sự biến báo của Bá Đa Lộc trong những tình trạng tưởng như tuyệt vọng. Tôi cũng hiểu được tình thế lúc bấy giờ chưa hẳn ngã ngũ, còn năm bè bẩy mối, đã có mầm mống của sự loại trừ dần — như một cuộc đào thải tự nhiên để chỉ còn lại hai đối thủ cho hồi chung cuộc. Đó là Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh.

Sự chọn lựa và quyết định lúc đầu của Bá Đa Lộc có thể chỉ là do hoàn cảnh ngẫu nhiên. Nhưng lúc ở Pondichéry thì không còn hẳn là như vậy.

Cán cân quyền lực nghiêng về phía nào tùy thuộc vào con bài tẩy của họ là ai? Bá Đa Lộc là lẽ tất thắng với kẻ nào sử dụng được ông.

Vì thế, khi đọc nhận xét của bà Thụy Khuê đánh thấp vai trò Bá Đa Lộc, tôi cho là một sự đánh giá hời hợt khi nhận xét về người và sự việc.

Không phải vô lý mà Tạ Chí Đại Trường đánh giá cao con người Bá Đa Lộc.

Theo Tạ Chí Đại Trường, mối quan hệ giữa họ phải như thế nào, phải đặc biệt để Nguyễn Ánh bày tỏ tâm sự của mình, những tâm sự thầm kín nhất, phải là người ở trong vòng thân tín nhất.

Đôi khi Bá Đa Lộc phải là chỗ tựa của Nguyễn Ánh.

Bá Đa Lộc đâu có phải thuộc loại hoạn quan, tối ngày quỳ dưới trướng vâng dạ bảo vâng, túc trực bên cạnh vua để phỉnh phờ!

Có một trăm loại quan đó cũng chẳng ích lợi gì cho sự nghiệp thống nhất đất nước của Nguyễn Ánh cả.

Cho nên đánh giá cái công của Bá Đa Lộc đối với Nguyễn Ánh không phải chỉ vỏn vẹn là mấy chiếc tầu đồng, mấy khẩu đại bác. Cái đó cũng tốt. Nhưng chỉ nghĩ đến sự giúp đỡ vật chất giữa Bá đa Lộc và Nguyễn Ánh thì hạn hẹp quá.

Sự giúp đỡ vật chất của Bá Da Lộc chưa đủ xây dựng một sự nghiệp lâu dài cho Nguyễn Ánh.

Công lớn nhất của Bá Đa Lộc là biết đưa ý kiến, biết can đảm có lời khuyên can, biết mở mắt cho Nguyễn Ánh ngay cả cách sử sự ở đời, biết sử dụng kỹ thuật trong việc đóng tầu đồng, biết việc xây thành kiên cố, biết việc huấn luyện binh sĩ, biết dùng các loại thuốc nổ.

Nhưng điều này đã được Borrow diễn tả đầy đủ.

Bản thân Bá Đa Lộc là một nhà tu hành, ngay việc xử dụng một cây súng hẳn cũng chưa hề biết.

Trên:  Chiến thuyền Ville de Paris in Rochefort, 1764 Nguồn: Tác giả nặn danh - Europeana, domaine public, Public Domain, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=20944788. Dưới:  Chiến thuyền của cướp biển Tầu đầu thế kỷ 19 ở Quảng Đông. Nguồn: http://www.greendragonsociety.com/. Cướp biển Trung Hoa là một phần lực lượng của Tây Sơn.
Trên: Chiến thuyền Ville de Paris in Rochefort, 1764 Nguồn: Tác giả nặn danh – Europeana, domaine public, Public Domain, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=20944788.
Dưới: Chiến thuyền của cướp biển Tầu đầu thế kỷ 19 ở Quảng Đông. Nguồn: http://www.greendragonsociety.com/.
Cướp biển Trung Hoa là một phần lực lượng của Tây Sơn.

Vấn đề là ông biết cung cấp các tài liệu – ai dịch là chuyện nhỏ – dịch các tài liệu về cách đóng tầu, cách xây thành trì như các thành Gia Định, Diên Khánh; chuyện còn lại, ai xây, xây thế nào – đôi khi chỉ cần xây một thành mẫu đầu tiên. Các thành sau cứ thế mà bắt chước, đâu còn là câu chuyện khó khăn nữa?

Vấn đề đặt ra đối với tôi ai xây cũng không mấy quan trọng, nhưng ai là người đưa ra bản hoạ đồ xây cất, ai là người vẽ họa đồ? Và hơn thế nữa là tìm hiểu xem các thành ấy có khác với các thành cũ không?

Nó khác ở chỗ nào? Trên thực địa, tại sao quân Tây Sơn do Trần Quang Diệu vây hãm mãi mà không phá được thành Diên Khánh?

Nhưng điều thứ hai không kém quan trọng là phải có một Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh là một vị vua hiểu biết, thông minh, trì chí, chịu khó học hỏi, tìm tòi thêm.

Đã có một Bá Đa Lộc thì phải có một Nguyễn Ánh. Thiếu một trong hai là chuyện không thành.

Nguyễn Ánh chịu học hỏi, mua tàu cũ của Tây Ban Nha, mang về, tháo ra từng mânh, học cách lắp ráp, cách thiết kế, cách vận hành. Có hàng trăm chi tiết kỹ thuật phải nhờ đến sự chỉ dẫn của đám chuyên viên người Pháp.

Đã có nhiều đoạn văn mô tả lại chân dung Gia Long như trong Sử Ký Đại Nam Việt, của Shinoken Seishi, của Chaigneau, của Le Labousse và của Barrow. Tất cả nói chung đều đã được bà Thụy Khuê trích dẫn đầy đủ. Các tài liệu ấy đều đưa ra những lời khen ngợi về tài trí, đức độ, sự khôn ngoan của Nguyễn Ánh.

So với địch thủ số một của ông là Tây Sơn Nguyễn Huệ, lúc đương thời nào đã có mấy ai viết được như thế về Tây Sơn? Người ta biết Tây Sơn ở mặt nổi như tài dùng binh, một thiên tài quân sự. Và Đống Đa là tuyệt đỉnh của Tây Sơn.

Một người lãnh đạo đất nước chắc cần nhiều đức tính hơn thế nữa. Phải trí dũng song toàn. Một trong những đức tính tôi cho là rất quan trọng: Nguyễn Ánh là người biết nghe theo lời khuyên của Bá Đa Lộc.

Ông bớt tàn bạo, hẳn là do lời khuyên của Bá Đa Lộc? Không chỉ biết cai trị bằng roi kiếm mà bằng phủ dụ như Labousse viết:

“Ông có đủ tất cả các đức tính của lương tâm lẫn trí tuệ. Ông có lòng tri ân, hào hiệp, tinh tế về điểm danh dự; anh hùng trong nghịch cảnh, chịu đựng thất bại với lòng can đảm xứng đáng với vị hiền nhân [chỉ Bá Đa Lộc] đã rèn luyện ông.”(13)

Hiện nay, đoạn văn mà Barrow mô tả chân dung Nguyễn Ánh, theo tôi, được coi là đầy đủ, chi tiết và có thể là xác thực hơn cả. Về điểm này cũng cần nhìn nhận, chương 6, viết về chân dung vua Gia Long của bà Thụy Khuê là được hơn cả.

Lý do rất đơn giản. Khen gia Long thì bà để yên. Nhưng khen Bá Đa Lộc thì ráng mà nghe bà chửi.

Và chúng tôi xin mạn phép bà trích lại một vài đoạn.

“Từ năm 1790, năm Gia Long về lại Nam Kỳ, tới 1800, chỉ có hai năm không đánh nhau là 1797 và 1798, cũng chính là hai năm quan trọng nhất dưới triều đại của ông, cho tới nay đầy bão tố. Dưới sự trợ lực của giám mục Adran, mà ông tham vấn như một người thông bác, ông đã làm hết sức để đất nước tiến triển: lập xưởng làm thuốc súng ở Fen-tan (Hội An) (thuộc đất Chàm trên bản đồ), mở mang đường, trồng cây, trồng mía, trồng trầu cau đã bị chiến tranh tàn phá, khuyến khích việc nuôi tằm, dệt lụa, lập xưởng điều chế nhựa thông, hắc ín, chế tạo hàng nghìn súng hỏa mai, khai mỏ sắt và xây lò nung. Lập quân đội chính quy và lập trường võ bị, với các huấn luyện viên người Âu luyện tập cho các sĩ quan cách bắn và phóng pháo. Adran còn dịch sang chữ Hán một bản nghiên cứu chiến lược để dùng trong quân đội.

Trong hai năm này, nhà vua đã cho đóng ít nhất 300 chiến thuyền có đại bác hoặc ghe chèo, 5 thuyền ba cột buồm, một chiến hạm theo lối Tây Phương. Ông sáng chế ra một chiến thuật mời cho thủy binh và dạy sĩ quan hải quân biết đùng dấu hiệu. Một trong những người Anh mà tôi đã nói ở trên, cho biết đã nhìn thấy ở Sài gòn năm 1800, một hạm đội gồm 1200 thuyền buồm do chính ông điều khiển, nhổ neo và tiến trên sông với một trật tự thật đẹp, chia làm ba đoàn, thẳng hàng tiếp chiến, mở đóng hàng ngũ và thi hành tất cả những thao tác theo đúng hiệu lệnh.

Trong khoảng thời bình này ông còn sửa đổi cả luật pháp nữa, và chắc chắn có bàn tay giám mục giúp sức. Ông bỏ những hình phạt tàn ác vẫn được áp dụng cho tới đó..Ông lập trường công, bắt trẻ con từ 4 tưởi trở lên phải đi học. Ông xác định lãi xuất hợp pháp cho ngành thương mại, xây cầu trên sông, làm cầu phao, đặt phao nổi trên biển báo hiệu những nơi nguy hiểm có đá ngầm, thanh tra các hải cảng và những vịnh chính, gửi nhiều phái viên về các rừng núi miền Tây, nơi có người Mèo và người Lào sinh sống trong tình trạng bán khai để dẫn họ về với đời sống văn minh hơn, những người miền núi này mà người Tàu vẫn gọi một cách hạ thấp là ‘người có đuôi’, mặc dầu, có thể, tiền nhân của họ ngày trước đã xây dựng nên nền văn minh của đế quốc hiện thời.

Để có một ý niệm về hoạt động thiên tài của ông, chỉ cần xem những tình huống mà ông đã trải qua: mới đầu chỉ có một chiến hạm, mà trong vòng không đến 10 năm, đã có một hạm đội 1200 chiến thuyền, trong đó có ba tầu kiến trúc Tây Phương, khoảng 20 thuyền buồm lớn theo kiểu Trung Quốc hoàn toàn trang bị võ khí, chỗ còn lại là tầu chuyên chở có trang bị súng đại bác.

Đối với người ngoại quốc, ông rất tử tế và ân cần. Ông quý mến những sĩ quan Pháp giúp ông, đối xử với họ lịch sự, thân tình và rất tốt. Không bao giờ ông đi săn hay dự một cuộc vui nào mà không mời một người trong bọn họ tham dự. Ông tuyên bố công khai lòng kính trọng của ông đối với các tôn chỉ của đạo Thiên Chúa, ông dung đạo chúa như các đạo khác trong nước (…) Nhờ giám mục Adran dịch một mục từ trong Bách Khoa toàn thư sang chữ Hán, ông biết được khoa học và nghệ thuật Tây Phương, đặc biệt ông chú trọng đến thuật hàng hải và thuật đóng tầu. Người ta đồn, điều này không được phép nói ra, ràng để kết nối lý thuyết kiến trúc tầu với thực hành, ông đã mua một chiến hạm Bồ, rồi tháo ra từng mảnh, từng tấm ván một, bắt chước đúng kích thước đó mà làm lại, cho đến khi ông thay thế tất cả các bộ phận bằng những mảnh mới làm để hoàn thành một chiếc tầu mới.

Nghị lực trí thức của ông ngang bằng với khí phách và hoạt động thể xác. Chính ông chủ động sự bùng lên mọi mặt của đát nước, chính ông quản đốc các hải cảng và các công binh xưởng, chính ông là giám đóc xây dựng những xưởng đóng tầu, chính ông chỉ huy các kỹ sư trong tất cả mọi công việc, không có gì thực hiện, không có gì chấp hành mà không hỏi ý kiến và nhận lệnh của ông. Không ai chế tạo một bộ phận nào mà không hỏi ông; không ai lắp một khẩu súng đại bác nào mà không có lệnh của ông. Không những ông trông coi từng chi tiêt nhỏ, mà còn phải làm trước mặt ông.

Để diều khiển tất cả công việc của mình một cách vững vàng, ông đặt ra một thời khóa biểu cố định. Và kỷ luật. Sáng dạy 6 giờ, tắm nước lạnh, 7 giờ các quan vào chầu, mở tất cả cong văn đến từ hôm qua, ông truyền lệnh cho các thư ký ghi chép, sau đó, ông ra xưởng tầu thủy ( xưởng chu sư) duyệt lại tất cả những gì đẫ làm xong lúc ông vắng mặt, rồi ông tự chèo thuyền đi khắp bến cảng, kiểm soát các chiến hạm, đặc biệt chú trọng đến súng đại bác, ông đi thăm lò đúc súng, đúc đủ loại đại bác ngay tại công binh xưởng (cục chế tạo).”(14)

Bà Thụy Khuê chỉ sốc nổi chăm chăm tìm tòi xem trong sách vở do sử quan nhà Nguyễn viết để lại chứng minh được rằng việc đóng tầu thuyền từ A tới Z đều do quan lại nhà Nguyễn đóng cả. Bà chỉ chú trọng đến những chi tiết nhỏ mà không dám đối diện sự thực.

Bà có thể dám cả quyết rằng không có Bá Đa Lộc thì Nguyễn Ánh cũng vẫn làm nên sự nghiệp hay không?

Bà có thể quả quyết điều gì làm nên sức mạnh Gia Long để có thể thắng được một người được coi là anh hùng đã thắng đại quân Thanh?

Điều gì khác biệt giữa Nguyễn Ánh và Gia Long? Cái mạnh và cái yếu của họ? Về điểm này, sách Tạ Chí Đại Trường đã phân tích, lý giải một cách lý thú đến nơi đến chốn.

Điều gì là yếu tố quyết định cho sự thắng lợi chung cuộc giữa hai đối thủ?

Cụ thể hơn bà có thể nào phân biệt được một chiếc thuyền buồm và một chiếc tầu đồng với hàng trăm chi tiết kỹ thuật khác nhau? Và nếu một ai đó chỉ cho bà biết mọi chi tiết kỹ thuật giữa hai loại thuyền, bà hẳn sẽ đỏ mặt vì thấy mình hung hăng quá, chủ quan và hãnh tiến dân tộc!

Từ tầu buồm sang tầu đồng là một khoảng cách kỹ thuật chẳng khác gì từ trái đất lên mặt trăng bà Thụy Khuê ạ.

Bà chịu ảnh hưởng ông Nguyễn Quốc Trị — giờ phút này mà còn mang kế sách trị nước “hòa để thủ, thủ để mưu chiến” của cụ Nguyễn Văn Tường ra để đương đầu với người Pháp? Chẳng biết có điên hay không?

Cho nên, tôi không thể nào chia sẻ với quan điểm của bà coi bộ sử “Nguyễn Văn Tường” của Nguyễn Quốc Trị là: “một công trình nghiên cứu thận trọng và chi tiết, mở đầu cho một khuynh hướng tìm lại, viết lại, đọc lại lịch sử Việt Nam.”

Và tôi càng không tin khi bà cho rằng,

“Nhưng những gì ông đem ra ánh sáng cũng đủ khơi mào cho một khuynh hướng nghiên cứu lại lịch sử, trung thực và đào sâu hơn, để trả lại giá trị cho đại thần Nguyễn Văn Tường và triều đại nhà Nguyễn, nhất là vua Tự Đức, trong suốt thời kỳ trị vị, đã tìm mọi cách chống lại sự xâm lăng của người Pháp.”(15)

Bà có thể nào biện luận về vấn đề thắng thua, về sự thành bại giữa hai người? Theo cách của ông Nguyễn Quốc Trị đặt ra: “Sự giúp đỡ của Bá Đa Lộc có quyết định sự nghiệp của Nguyễn Ánh không?”

Theo tôi, đề tài và câu hỏi của Nguyễn Quốc Trị đưa ra đó là một câu hỏi thừa nếu không ngớ ngẩn.

Nếu bà cứ một mực phủ nhận vai trò của Bá Đa Lộc và coi đó là sự vinh danh quá lố của thừa sai Ba Lê và bọn sĩ quan Pháp nhiều tên chỉ là hạng trốn lính, binh nhì!

Bà sẽ phải cắt nghĩa thế nào là kể từ khi Bá Đa Lộc trờ về từ Pondichéry thì quân đội Nguyễn Ánh mặc dầu đã chiếm được Sài Gòn. Nhưng chưa hẳn có dấu hiệu tất thắng một cách chung cuộc.

Và sau đó với sự góp công sức của Bá Đa Lộc và bọn Pháp đánh thuê, Nguyễn Ánh đã từ thế thủ đổi sang thế công, nhất là qua chiến thắng Tây Sơn ở trận thủy chiến Thị Nại?

Cũng tương tự như vậy khi tìm hiểu chế độ thực dân, nếu ta hiểu được rộng rãi các chế độ ấy trên toàn thế giới, hiểu được trào lưu lịch sử, người viết sử sẽ có một quan điểm nhìn thông thoáng hơn và nhất là ‘biết điều’ hơn.

Một sự kiện lịch sử như chế độ thực dân xẩy ra mỗi nơi, mỗi thời, mỗi khác.

Các nước Phi Châu ngoài việc bị khai thác sức lao động, từ đó còn tạo ra một chế độ buôn người, một hình thức của chế độ nô lệ còn sót lại! Xin xem thêm cuốn film “Bois d’ébène” để hiểu thêm về lịch sử chế độ nô lệ giữa Pháp và các nước Phi Châu.

Tại sao điều ấy lại không xẩy ra ở Việt Nam?

Nhưng mặt khác, người Pháp đã dễ dàng thu dụng lính thợ Việt Nam cho chiến tranh thế giới thứ nhất mà tổng cộng con số lên đến 92.411 người. Trong số đó, Tạ Chí Đại Trường ghi lại là nhiều người tình nguyện, ‘đi xa một lần cho biết’.(16)

Tại sao đi lính cho Pháp mà sẵn sàng tình nguyện đi một lần cho biết? Và tôi thách thức bà Thụy Khuê có thể cho biết tâm trạng những người đi lính cho Tây Sơn lúc bấy giờ như thế nào? Có bao nhiêu người tình nguyện? Có bao nhiêu người bị bắt lính? Và thành phần những binh lính ấy thuộc loại gì? Có bao nhiêu băng đảng thành phần du thủ du thực? Có bao nhiêu quân cướp biển Tầu? Có bao nhiêu lính được coi là chính quy?

Tôi cũng cắc cớ hỏi bà Thụy Khuê có thể cắt nghĩa thế nào cho hợp tình hợp lý, có một sự khác biệt gì giữa một số người Thiên Chúa Giáo theo Tây và được coi là nối giáo cho giặc, phải xử tử và những người tình nguyện sang Pháp đi làm lính thợ, lính đánh thuê, họ phải được gọi là gì và hình phạt cho họ phải là gì thưa bà Thụy Khuê?

Như đã viết trong các bài trước, tôi nghĩ rằng người Thiên Chúa giáo nghèo nàn được đối xử như một thứ lê dân không đủ tư cách để bán nước. Phần lớn họ, không phải theo Tây mà theo các cố Tây!

Theo Tây là về mặt chính trị như đi lính cho Tây, theo cố Tây là về mặt tín ngưỡng! Lựa chọn nào là trọng tội?

Họ là nạn nhân của một thể chế chính trị giữa kẻ đi cai trị và kẻ bị trị.

Trên: Người Việt đi lính cho Pháp trong WWI. Dưới: Giáo dân miền Bawsctreen đường di cư vào Nam 1954. Nguồn: Tổng hợp
Trên: Người Việt đi lính cho Pháp trong WWI. Dưới: Giáo dân miền Bắc trên đường di cư vào Nam 1954. Nguồn: Tổng hợp

 

Chẳng những thế, việc đi lính cho Tây còn biến thành một phong trào được cổ động rầm rộ trên báo chí Nam Phong của Phạm Quỳnh với câu, “Rồng Nam phun bạc đánh đổ, một mai Đại Pháp thắng trận, dân ta ắt có phần.”

Phải nghĩ thế nào về trường hợp Phạm Quỳnh?

Chưa kể những số tiền quyên góp được gửi về Pháp, trong đó Nam Kỳ đóng góp nhiều nhất với 15,716.941, 65 quan Pháp. Bắc Kỳ chả thua kém gì với số tiền: 15.305.390, 65 quan Pháp.(17)

Chúng ta cần tìm hiểu tại sao thái độ hoàn toàn ‘phản quốc’ này sử sách không có lời phê phán?

Một chi tiết nữa tôi mong mọi người lưu ý là người Pháp cũng chinh phục các nước Phi Châu, nhưng họ đã không để lại những công trình xây cất, nhà cửa, bảo tàng viện, cầu đường, đường xe hỏa như người ta thấy ở Việt Nam!

Chúng ta cần tìm hiểu tại sao chứ!

Cũng chỉ Việt Nam là nước duy nhất có sự sáng chế ra chữ Quốc Ngữ trong khi tại các nước Phi Châu họ nói tiếng Pháp thay cho tiếng mẹ đẻ.

Chế độ thuộc địa tự nó ai cũng hiểu rằng đó là sự bóc lột giữa người với người. Nhưng chúng ta sẽ không lấy gì làm lạ, nếu ta hiểu được một số quy luật lịch sử.

Điều mà sử gia Nguyễn Phương gọi là cái “Đà Lịch sử”. Cái đà ấy cuốn hút theo nó như một dòng cuồng lưu không phải chỉ trong phạm vi hạn hẹp của một quốc gia mà của toàn thế giới.

Từ đó, lịch sử nhân loại mới đóng chốt vào các thời kỳ nô lệ, thời kỳ phong kiến, thời kỳ thực dân, v.v.

Cơn lũ thuộc địa ấy mang cái tính chất mà bây giờ ta quen dùng là tính Toàn cầu hóa. Có muốn tránh, muốn chống lại cũng không được. Có những yếu tố khách quan của quy luật toàn cầu hóa là sức mạnh của kỹ thuật, của trào lưu tư tưởng Tây phương. Và những yếu tố chủ quan là tinh thần của kẻ bị áp bức như tình dân tộc, tình yêu nước. Hai yếu tố đó có dịp cọ sát, tạo ra xung đột mà sự thắng thua tùy thuộc rất nhiều yếu tố khác ở hiện trường.

Sự sống còn, sự phát triển hay trì trệ, sự ngưng đọng hay sự trổi vượt lên là tùy thuộc vào cách ứng xử của từng quốc gia, tùng vùng, của từng người lãnh đạo.

Thua được gì thì vẫn là một bài học đắt giá được thể hiện bằng hai câu ca dao sau đây:

“Đưa nhau đến bến Thần phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”

Hai câu trên ứng vào chuyện trai gái, về tình yêu lứa đôi nếu phải duyên số thì hợp mà nếu không phải thì tan.

Nhưng khi áp dụng vào số phận một đất nước thì chữ khéo và chữ vụng là tùy thuộc vào người lãnh đạo. Lãnh đạo nước ta là một triều đình đã tồn tại cả ngàn năm, chẳng những đã không còn duyên mà lại vụng, bất tài, bất lực, tự chôn vùi — báo hiệu một thời đã hết! Sự biện hộ dù sắc sảo cách nào nào thì cũng không thể nào làm sống lại một cái xác chết trên đà mục rữa.

Nếu cần trách điều gì thì chỉ nên trách cái điều mà Phan Thanh Giản, sau khi đi xứ sang Pháp vào năm 1863 trở về nói không ai thèm nghe, không ai tin, ông viết:

“Since the day when, sent as ambassador to the capital of France, I saw Western civilization at work, I could not avoid a feeling of admiration coupled with fear. Upon returning to my country, I exhorted my compatriots to wake up, to emerge from the torpor in which they had been immersed for so long. Alas! In spite of my effort to convince them none of them believed the truth of my words.”(18)

“Kể từ cái ngày mà tôi được gửi đi làm Chánh sứ tại thủ đô nước Pháp, Tôi đã được chứng kiến tận mắt nền văn minh Tây phương, tôi không thể nào tránh được cái tâm trạng khâm phục cộng với sự sợ hãi. Khi trở về xứ sở của tôi, tôi thúc giục các người đồng hương của tôi phải mở mắt ra, phải thức tỉnh sau những năm tháng mê muội. Than ôi, mặc những cố gắng của tôi muốn thuyết phục họ, không một người nào trong đám họ tin vào sự thực những lời nói của tôi.”

Chủ nghĩa thực dân là chính sách của một chính quyền, của một quân đội viễn chinh hùng mạnh, nhằm chinh phục và đảo lộn trật tự thế giới bằng sức mạnh.

Đối với Việt Nam, nó thể hiện cụ thể một cách dứt khoát qua một lá thư của toàn quyền Paul Bert gửi cho ông Trương Vĩnh Ký vào ngày 29 tháng sáu năm 1886 như sau:

“Yes, no matters what happens, a European nation will enter Annam in order to take on a controlling influence there. It will not last, I am sure of that, but it is necessary to go through it: Annam cannot escape this fate.”(19)

“Vâng, bất cứ điều gì xẩy ra chăng nữa, thì một nước Âu châu cũng sẽ vào Việt Nam để nắm lấy quyền kiểm soát ở đó. Điều đó trương tồn, tôi tin chắc như thế. Nhưng đó là điều không thể tránh được: Annam không thể nào thoát được số phận này.”

Nếu ta hiểu thêm nữa việc xâm chiếm Việt Nam nằm trong bối cảnh cuộc nha phiến chiến tranh năm 1856-60 trong đó Trung Hoa không còn khả năng để bảo trợ cho Việt Nam được nữa. Thêm vào đó sự cạnh tranh ráo riết dành thuộc địa giữa Pháp và Anh đã bắt buộc Pháp phải quyết định dành thắng lợi trong việc bành trướng thế lực của mình vào thế kỷ 19 tại Việt Nam.

Kết luận phần một

Người viết đã có cơ hội đọc hầu hết các sử gia nêu trên. Mỗi vị cũng có những khuyết điểm không tránh được khi viết sử.

Nhưng cứ công tâm mà nói, không có vị nào có một thái độ “theo Tây”, “về hùa” như trường hợp Phạm Quỳnh. Mà bà Thụy Khuê gọi là “sử quan thuộc địa”.

Dùng tài liệu của Pháp là một lẽ. Phê phán chính sách sai lầm của Triều đình Huế trong việc cấm đạo và chính sách không mở cửa với Tây Phương là một lẽ khác. Nhưng cho dù họ có phê phán triều đình Huế đi nữa thì cũng không đủ lý do xếp họ là sử gia thực dân.

Đọc họ, cho dù muốn chứng minh họ viết ngả theo sử gia theo thực dân cũng không phải dễ. Người ta đã không thể nhận ra những tín hiệu cho phép xếp loại họ là những người viết sử theo Tây.

Một trong những người viết sử vốn không xa lạ gì với bà Thụy Khuê là ông Nguyễn Xuân Thọ với tác phẩm “Bước mở đầu của sự thiết lập Hệ thống thuộc địa Pháp tại Việt Nam, 1858-1897” đã đưa ra nhận xét về con người củaTự Đức như sau:

“Tự Đức vẫn duy trì ý định; năm sau lại báo cho Tổng Đốc Quảng Tây biết đã đến lúc mang cống vật, bốn năm một lần sang tặng Hoàng đế Tàu và hỏi xem lúc nào sứ đoàn Việt Nam có thể được đón?”

Ở một đoạn ngay sau đó, ông Nguyễn Xuân Thọ viết tiếp:

“Rốt cuộc nhà vua không còn biết biết xử trí như thế nào. Quá yếu đuối, nhà vua không còn lấy một chút nghị lực nào để đứng vững nữa. Bên cạnh nhà vua, toàn là những hàng quan lại hèn kém, khiến nhà vua mất cả phương hướng chính trị, tuy nhiên vẫn cứ khăng khăng muốn thu hồi các tỉnh đã mất. (20)

Câu nhận xét chót là trong bấy nhiêu năm dưới triều Nguyễn, không một ông vua nào đi ra khỏi khuôn viên của kinh thành Huế để thăm dân cho biết sự tình. Họ suốt đời ở trong hoàng cung!

Việc xếp loại của bà Thụy Khuê vì thế thật hồ đồ và tôi tin chắc sẽ có những người khác phản bác quan điểm của bà.

Trong cái hoàn cảnh lúc bấy giờ, Hội thừa sai Ba Lê do Giám mục Pallu và Delamotte-Lambert thành lập năm 1658 là một thế lực mới, bên cạnh giới tu sĩ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vốn có mặt từ trước ở Bắc Kỳ.

Nó cũng tạo ra những phân rẽ sâu sắc giữa đôi bên về mặt chính trị, văn hóa và ngay cả bản sắc tôn giáo.

Các khu vực do các thừa sai Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha quản nhiệm thường chú trọng đến mặt rước sách, lễ lạc rườm rà. Nó có tính cách cổ điển và bảo thủ trong việc sống đạo.

Nó khác với các cộng đoàn do thừa sai Pháp đảm nhận. Lễ nghi giản dị hơn, có nếp sống văn minh hơn, sự thông thoáng trong kinh hạt, sự cởi mở và ít gò bó trong lề luật.

Sự khác biệt giữa đôi bên đôi khi công khai trở thành sự bêu riếu giữa hai lối sống đạo.

Và dĩ nhiên, các nhà truyền giáo Tây Ban Nha tỏ ra ‘thờ ơ’ trước các vấn đề chính trị của người Pháp đang thi hành ở Bắc Kỳ, nếu không nói là có sự chống đối với nhà cầm quyền Pháp.

Và cho đến năm 1902 thì sự có mặt của thừa sai Tây Ban Nha trở thành một thiểu số không đáng kể.

Trong khi đó, các linh mục thừa sai Ba Lê mỗi ngày thêm đông và thêm vững mạnh. Từ con số vài chục người đã tăng lên thành vài trăm người.

Người ta hiểu được trong cái tinh thần ấy, những người đại diện cho họ như giám mục Puginier cũng làm áp lực thúc dục công cuộc bành trướng thuộc địa, bởi vì công việc truyền giáo đã không mấy thành công tại Trung Hoa cũng như tại Thái Lan. Có một ích lợi chung giữa việc truyền giáo và sự hiện diện của người Pháp tại Bắc Kỳ và Nam Kỳ: Đó là sự bảo đảm an ninh, được tự do đi lại và truyền đạo!

Các nhà truyền giáo hẳn đã nhìn thấy một sự chấp nhận được giữa thẩm quyền đạo giáo và thẩm quyền dân sự với tư cách một công dân người Pháp và không thấy có sự mâu thuẫn gì nếu nhân danh một người Pháp để có thể bảo vệ các quyền lợi tôn giáo của họ.

Nhưng đứng về phía người Việt chống lại chính sách thực dân Pháp thì đây là cơ hội tốt nhất để cùng một lúc chống lại hai kẻ thù của Việt Nam.

Nhưng về mặt con người, ai cũng có một quê hương, nơi chốn mà họ đã sinh ra với xóm làng và những kỷ niệm đầu đời làm sao quên dược. Tôi đọc lại hành trình sang Pháp của Bá Đa Lộc với bao nhiêu tâm tư và ước vọng. Sau khi hoàn tất công việc, ông đã dành khoảng một tuần lễ về thăm mẹ ông ở một vùng quê. Họ chỉ biết ôm nhau mà khóc.

Sự hy sinh vì một lý tưởng tưởng chừng không bao giờ có cơ hội thăm lại quê hương cũng là điều hiểu được với tư cách một người công dân. Một thừa sai, dù có yêu mến Việt Nam bao nhiêu đi nữa, cốt lõi, cái căn cước của họ vẫn là người Pháp.

Điều trớ trêu là chính tại mẫu quốc, nhà thờ và chính quyền là hai thế lực đối đầu trong tư thế loại trừ, tách giáo hội ra khỏi thế quyền trong tinh thần chống giáo trị thì tại một nơi nghèo nàn hẻo lánh như Việt Nam, họ như thể những đồng minh sống chết có nhau.

Hiểu được điều này thì sẽ hiểu rằng do những lợi ích của đôi bên mà họ trở thành những người bạn nhất thời.

(Còn tiếp phần 7c)

© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline minh hoạ.

(11) Tạ Chí Đại Trường có thói quen biện giải quanh co, chi ly sự việc, lôi kéo sự chú ý của người đọc vào một chi tiết tầm thường nào đó bị bỏ quên. Ông rất chú trọng đến những chi tiết bên lề rồi kết luận như thế như thế một cách khá thuyết phục, tước bỏ những định kiến có sẵn vốn xem ra đã rõ ràng. Đọc ông không dễ. Và nhiều khi phải nhẹ tay với phần sử liệu qua ông đã bị nhào nặn, biến một vật thô ở nguyên trạng thành nghệ phẩm.
Ông rất chú trọng đến tài liệu. Nhưng cái mâu thuẫn nơi ông là xử dụng tài liệu mà như thể không xử dụng, ông thường không trích dẫn nguồn mà đôi khi chính độc giả phải tìm lấy.
Chẳng hạn, ông đã trích dẫn 14 lá thư của Nguyễn Ánh gửi Bá Đa Lộc lúc còn lưu vong. Dưới mắt ông, phải đọc thư của chính Nguyễn Ánh mới hiểu con người thực của Nguyễn Ánh. Vì thế, khi bà Thụy Khuê cho rằng Bá Đa Lộc ít khi gặp Nguyến Ánh, mỗi năm gặp đôi ba lần nên chẳng giúp gi thực sự Nguyễn Ánh cả.
(12) Tạ Chí Đại Trường, “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam, Từ 1771 đến 1802”, nxb Nhã Nam và nxb Trí Thức, trang 360.
(13) Thụy Khuê, Ibid., Chương 6, Chân dung Gia Long.
(14) Thụy Khuê, Ibid., Chương 6, phần Barrow nhận xét về Nguyễn Ánh Gia Long.
(15) Thụy Khuê, Ibid., Chương 1, Bộ sử Nguyễn Văn Tường của Nguyễn Quốc Trị.
(16) Tạ Chí Đại Trường, “Người lính thuộc địa Nam Kỳ (1861-1945)”
(17) Tạ Chí Đại Trường, Ibid., trang 182.
(18) Lê Thanh Tường, “Un patriot annamite admirateur de la France: Esai sủ la vie de Phan Thanh Giản, vi-roi de Cochinchine”. (Hanoi, 1938, p. 92. Trích lại trong Pierre Brocheux & Daniel Hemery, “Indochina, an ambiguous colonization, 1858-1954”, trang 13.
(19) Paul Bert, Resident General of France, letters to the Catholic scholar
(20) Nguyễn Xuân Thọ, “Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp tại Việt Nam 1855-1897”. trang 282-287.

2 Comments on “Tham vọng viết lại lịch sử Việt Nam: Trường hợp Thụy Khuê (7b)

  1. QUAN ĐIỂM KHÁCH QUAN VỀ LỊCH SỬ : TRƯỜNG HỢP NGUYỄN ÁNH VÀ NGUYỄN HUỆ

    Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ đều là người có máu mặt hay là giai tầng trên của xã hội lúc đó. Nguyễn Ánh thuộc thân tộc chúa Nguyễn đàng trong. Nguyễn Huệ thuộc gia đình phú hào tại địa hạt Tây Sơn, Bình Định. Cả hai đều cùng họ Nguyễn, cùng kiểu giai cấp, nhưng chiến đấu một mất một còn với nhau. Kiểu không đội trời chung như thế, bên nào chiến thắng đều khiến bên kia bị diệt. Cuối cùng nhà Nguyễn Gia Long chiến thắng và nhà Tây Sơn phải bị diệt. Sự phục thù và trả thù của Nguyễn Ánh khi lên ngôi đối với gia đình, thân tộc Nguyễn Huệ, cũng là do cái gốc trước kia tam kiệt Tây Sơn đã từng gây mối thù phá gia diệt tộc đối với Nguyễn Ánh. Ở đây chỉ nói đến chuyện thù nhà mà không nói đến chuyện nợ nước, dù cho Nguyễn Ánh có coi Tây Sơn là giặc ngụy, vì không có dòng dõi chính thống của gia tộc chúa Nguyễn bị phong trào nổi dậy của Tây Sơn lật đổ lúc đó.

    Như thế vấn đề đặt ra giữa hai người đó ai là người yêu nước hay ai là người anh hùng ? Trước hết người ta có thể thấy ngay Nguyễn Anh từ ban đầu đã nhờ đến quân Xiêm la, nhờ đến nước Pháp để chống lại Nguyễn Huệ. Trong khi đó Nguyễn Huệ lại anh dũng phá tan hai mươi vạn quân Mãn Thanh xâm phạm cõi bờ đất nước. Tuy vậy, Gia Long sau khi thành công diệt được nhà Tây Sơn, lại xây dựng được đất nước Việt Nam thống nhất từ Bắc chí Nam, trở thành một triều đại hùng mạnh, phát đạt nhất trong khu vực lúc bấy giờ. Có nghĩa xét về điểm mạnh điểm yếu của cả hai về mặt lịch sử và mặt chính trị đều không thể chỉ thiên về một bên nào cả.

    Thật thế, Nguyễn Ánh khi nghĩ về gia tộc, khi nghĩ đến thù nhà, cũng không có nghĩa ông ta không có một nhãn quan về đất nước nào cả. Ngược lại, khi Nguyễn Huệ đại phá quân xâm lược phương Bắc, không phải không nghĩ đến an nguy của triều đại hay của chính bản thân mình. Chỉ có điều là Nguyễn Ánh muốn đạt được mục đích và sự thành công bằng mọi cách. Trong khi đó Nguyễn Huệ muốn bảo vệ giang sơn và sự nghiệp của mình cũng bằng mọi cách trừ ra cách đầu hàng nước ngoài kiểu Mạc Đăng Dung, Hồ Quý Lý, hay còn tệ hơn nữa là Lê Chiêu Thống.

    Nói như vậy cũng để thấy chính cái gì bên trong, cái tâm thức hay ý muốn sâu xa nơi con người mới là ý nghĩa hay giá trị quyết định chính yếu. Ngược lại cái gì bên ngoài như hoàn cảnh hay kết quả thành đạt nào đó chỉ là cái hiện tượng nhiều khi chưa chắc đã phản ảnh ý nghĩa chân thực. Đó là điều mà người dân nước ta hay kết luận chung nhất : được làm vua, thua là giặc. Tuy vậy còn điều khác cần nói, cũng thì hoàn cảnh như nhau, điều kiện ban đầu như nhau, sao người này lại có chí lớn hơn người kia. Cũng vậy, có khi còn cùng là năng lực hay tài năng như nhau, tại sao người này thành công còn người khác lại thất bại. Đây chẳng qua do nguyên nhân hoàn cảnh khách quan hay sự may mắn hoặc không may mắn theo chủ quan, đó là điều người mình cho là cái số. Có người có số làm vua, dù có bỏ vào cối mà quết cũng không thể chết được và cuối cùng đạt đến thành công. Có người có số làm giặc, từ giặc nhỏ đến giặc lớn, bởi thường chỉ làm hại người khác mà ít khi giúp ích gì cho ai được cả.

    Như vậy rõ ràng không thể xét về mặt giai cấp xuất thân thuần túy, mà trong lịch sử phải xét về nhiều mặt hết sức khác nhau. Chỉ nhìn về giai cấp là chỉ nhìn theo sự dốt nát. Chính tài năng bản thân, hoàn cảnh bản thân, ý thức và ý chí bản thân, mới là ý nghĩa phân biệt con người lẫn nhau, và mọi sự thành công hay thất bại của họ cũng không đi ra ngoài những phương diện đó, mặc dầu chính hoàn cảnh xã hội cũng là môi trường tạo nên tất cả.

    Vậy thì khi viết về lịch sử, khi nhận xét và quan điểm về lịch sử, không thể không nói tới ý nghĩa ban đầu cũng như kết quả sau chót mà những nhân vật lịch sử đã làm được gì cho xã hội. Tức sự thành công trong sự nghiệp bản thân riêng chưa phải là ý nghĩa vấn đề, mà chính sự nghiệp chung mang lại được gì cho đất nước và xã hội mới là điều đáng nói nhất. Chẳng hạn thử đặt câu hỏi, nếu Nguyễn Ánh bị thất bại trước Nguyễn Huệ, như vậy sự nghiệp của nhà Tây Sơn có được tiếp tục phát huy rực rỡ sau này giống như triều đại Gia Long hay không ? Nói nôm na, nếu không có sự phá hoại, không có nạn “giặc” của Nguyễn Ánh hay Tây Sơn, thì liệu đối phương của họ ra sao, có được thành công hoàn toàn tốt đẹp như ý đối với sự nghiệp chung của đất nước hay không mới là điều đáng nói nhất.

    Nên cuối cùng gút lại, lịch sử là chủ quan hay khách quan mới chính là điều tinh vi và thú vị nhất. Khách quan có nghĩa vượt lên trên mọi chủ đích cá nhân. Chủ quan có nghĩa lịch sử chỉ do ý chí những cá nhân lỗi lạc hay may mắn nhất nào đó quyết định. Bởi vì khi Nguyễn Ánh hoặc Nguyễn Huệ thành công lên làm vua xây dựng nên được triều đại hay thời đại của mình, chưa chắc đó đã là những bậc tài năng duy nhất trong thời đại của họ. Chẳng qua họ có hoàn cảnh thuận lợi hơn, được may mắn nhiều hơn những người khác ở cùng với trường hợp như họ. Vì không đơn độc cá nhân nào làm nên lịch sử cả, nhưng đó là thành quả của nhiều người, nhiều người đi theo họ, hợp tác với họ, hoặc chỉ là nhiều người bị buộc cưỡng bức theo họ, do họ điều động hoặc bó buộc. Những người chỉ huy, những người lãnh đạo chẳng qua chỉ là những yếu tố mặt nổi bên ngoài, vì khi đã lên vị trí cầm đầu rồi, chỉ có người tài năng hơn họ mới vượt qua được họ, còn những người chỉ đi theo sau họ, bao giờ cũng chỉ tôn họ như là chỉ huy hay lãnh tụ. Sự xếp hàng dọc đi lên trong lịch sử, như vậy vừa có ý nghĩa chủ quan vừa có ý nghĩa khách quan. Ý nghĩa khách quan là tài năng, điều kiện và hoàn cảnh riêng của bản thân những con người đó. Ý nghĩa chủ quan là ai đến trước thì choáng chỗ hơn người khác, chưa nói tới việc dùng thủ đoạn, mánh lới để nắm đầu thiên hạ và không ai chịu tự nguyện nhường nhau cho ai cả.

    Vậy nói chung lại, thực chất lịch sử chẳng có gì thần thánh cả, và mọi nhân vật lịch sử cũng chẳng có gì thần thánh cả. Bởi không phải thần thánh làm nên lịch sử loài người mà đều chính là những con người làm nên lịch sử loài người. Nói cụ thể hơn, chính số tinh hoa lẫn cả số đông làm nên lịch sử. Không có số nổi trội cũng không thể có lịch sử. Không có số đông làm công cụ để sử dụng cũng không thể có lịch sử. Cho nên quan điểm lịch sử theo cách niềm tin thần bí nào đó, hoặc quan điểm lịch sử theo kiểu đấu tranh giai cấp hay sử quan duy vật đều ngu dốt và phi thực tế. Nói khác đi lịch sử là toàn bộ những cai gì phát sinh ra do từ hiện tại khi nó đã trở thành quá khứ, và có hàng vạn nguyên nhân tạo nên thế thôi. Nhưng hàng vận nguyên nhân cũng phải có những nguyên nhân cốt lõi nào đó chi phối tổng thể nhất, điều đó trở thành quan điểm duy vật hoặc duy tâm về lịch sử. Thế nhưng giữa vật và tâm thì cái nào quyết định ? Đương nhiên vật quyết định tâm một cách tương đối, nhưng chính tâm quyết định vật một cách tuyệt đối. Bởi người ta sống và suy nghĩ là tùy theo hoàn cảnh. Thế nhưng khi đã chết rồi thì cũng không còn ai suy nghĩ nữa cả. Vậy nói vật có trước tâm chỉ là sự ngu dốt. Nhưng nói tâm có trước vật thì lại quá mông lung trừu tượng. Dù sao chăng nữa vấn đề không phải là trừu tượng hay cụ thể mà lại chính là cái đúng. Bởi cái đúng vẫn luôn là cái sau cùng nhất. Mà cái đúng là gì nếu không phải khoa học và triết học. Bởi mọi cái người ta tưởng đúng trong đời thực chất chỉ là cảm tính. Chính khoa học và triết học mới luôn luôn lý tính nếu không nói là thuần lý thật sự. Thuần lý không phải trong tính cách trừu tượng mà là trong tính cách lô-gích và hợp khách quan. Điều đó có nghĩa không phải chỉ kinh tế hay vật chất mới quyết định phát triển xã hội và lịch sử mà chính là trí thức và trí tuệ thật sự mới làm nên được điều đó. Tư đó cũng để thấy rằng quan điểm duy vật hay sử quan duy vật của Mác chỉ là quan điểm thiển cận, tầm thường. Chỉ có quan điểm khách quan khoa học và triết học mới thật sự bao quát, toàn diện và đúng đắn nhất. Đó cũng chính là điều mà người ta thường nói chân lý chỉ có thể tiếp cận mà không thể cưỡng đoạt, chiếm đoạt hay xuyên tạc được. Thói quen thần thánh hóa tập thể, thần thánh hóa giai cấp, thần thánh hóa lãnh tụ đã từng xảy ra nhiều nơi trong thực tế đó không ngoài là những di hại tồi tệ nhất mà chính học thuyết Mác đã từng chụp phủ lên toàn thể nhân loại trong một thời đã qua trong quá khứ lịch sử ở mỗi nước có liên quan hay toàn thế giới nói chung.

    ĐẠI NGÀN
    (03/5/16)

    • Ông NVL có biết bà TK có xuất bản bộ sách phê bình văn học(sic) mang tên Sóng Từ Trường? TK thích đụng đến “vấn đề lớn” nhưng thiếu sở học căn bản. Không bao giờ có Magnetic Filed Wave, chỉ có Electromaganetic Filed Wave. Ông NVL nên nói chuyện với đầu gối, sướng hơn !