Một thiếu nữ Mỹ vận động thay đổi luật để bảo vệ phụ nữ

Đào Trường Phúc

no“Nếu một nạn nhân bị tấn công tình dục phải can đảm cùng mình mới mong đòi được công lý, thì chắc chắn là hệ thống pháp luật của chúng ta đang có vấn đề.” — Jeanne Shaheen.

Cô gái gốc Việt vận động luật mới để bảo vệ các phụ nữ bị tấn công tình dục
Amanda Nguyen. Nguồn: A. Nguyen gởi cho giới truyền thông.
Amanda Nguyen. Nguồn: A. Nguyen gởi cho giới truyền thông.

Ngày 24 tháng 5 năm 2016, tạp chí Elle đăng bài phóng sự của nữ ký giả Mattie Kahn với tựa đề “The Senate Just Passed The First-Ever Sexual Assault Survivors’ Protection” (Lần đầu tiên Thượng Viện thông qua Dự luật bảo vệ các nạn nhân sống sót sau khi bị tấn công tình dục). Với sự hỗ trợ của các Nghị Sĩ thuộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, Dự luật được biểu quyết với tỷ lệ 89 phiếu thuận, không có phiếu chống. Sau khi chuyển sang Hạ Viện để các Dân Biểu cứu xét và biểu quyết (dự trù vào ngày 27 tháng 7), Dự luật sẽ được đệ trình Tòa Bạch Ốc để Tổng Thống Obama ký ban hành.

Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi thì chỉ vài tháng nữa, Đạo luật mang tên “The Sexual Assault Survivors’ Rights Act” sẽ chính thức ra đời, để đặt nền móng pháp lý đầu tiên trong việc bảo vệ quyền lợi cho các phụ nữ nạn nhân của những vụ tấn công tình dục trên đất nước Hoa Kỳ.

Kết quả đầu tiên của cuộc vận động

Một cách vắn tắt, mục tiêu cuộc vận động cho Đạo luật là để bảo đảm rằng, các phụ nữ sống sót sau khi bị tấn công tình dục được quyền biết kết quả xét nghiệm pháp y (forensic tests) của Cảnh sát đối với bộ lưu trữ những chứng cứ liên quan đến vụ hiếp dâm mà họ là nạn nhân (rape kit); ngoài ra cơ quan công lực sẽ không được phép tiêu hủy các bộ lưu trữ này mà phải bảo vệ suốt trong thời gian mà thủ phạm từng vụ hiếp dâm có thể bị truy tố (thời gian này được quy định theo luật của mỗi tiểu bang).

Tác giả của Dự luật “The Sexual Assault Survivors’ Rights Act” là Thượng Nghị Sĩ Jeanne Shaheen (Đảng Dân Chủ, tiểu bang New Hampshire). Bà Shaheen cho biết người đã mở đầu cuộc vận động để thúc đẩy bà viết Dự luật là một thiếu nữ 24 tuổi.

Theo bài phóng sự của ký giả Mattie Kahn thì thiếu nữ nói trên, cô Amanda Nguyễn, là nạn nhân sống sót của một vụ tấn công tình dục hồi năm 2013, và cho đến bây giờ cứ mỗi 6 tháng cô vẫn phải tiếp tục làm đơn để xin cơ quan công lực tại tiểu bang Massachusetts đừng tiêu hủy các hồ sơ chứng cứ liên quan đến vụ hiếp dâm (vì theo luật Massachusetts, phòng thí nghiệm của Cảnh sát chỉ giữ hồ sơ trong 6 tháng, sau đó họ sẽ tiêu hủy). Chính vì thấy luật lệ hiện hành rất bất công đối với các nạn nhân bị tấn công tình dục, vì tạo ra một lỗ hổng rất lớn khiến các thủ phạm dễ dàng thoát lưới pháp luật, nên Amanda Nguyễn đã quyết định lập tổ chức bất vụ lợi mang tên “Rise”. Cô mở chiến dịch vận động toàn quốc kể từ tháng 2-2016, kêu gọi tất cả những nạn nhân đồng cảnh ngộ trên khắp nước Mỹ cùng lên tiếng đòi hỏi các nhà Lập pháp đưa ra luật mới của Liên bang hầu bảo vệ quyền lợi cho những phụ nữ nạn nhân. Được tung ra trên mạng xã hội và đưa lên trang mạng Change.org, chiến dịch của Amanda Nguyễn chưa đầy 3 tháng trời đã thu thập được trên 100,000 chữ ký ủng hộ.

Cuộc vận động của Amanda nguyễn

Ký giả Mattie Kahn viết tiếp trên tạp chí Elle:

“Đối với Amanda Nguyễn, mặc dù cuộc chiến chưa ngã ngũ nhưng cô rất phấn khởi về chiến thắng mới nhất này. Cô tâm sự, “tôi nhớ mãi cảm giác cô đơn và sợ hãi của mình khi bước ra khỏi bệnh viện trong cái đêm kinh hoàng đó, nên giờ đây tôi vô cùng cảm kích khi thấy các vị Nghị Sĩ đáp ứng lời kêu gọi của chúng tôi.”

Cô nói thêm, “đây là bằng chứng để thấy rằng một nhóm thiện nguyện viên chưa từng quen biết nhau vẫn có thể cùng ngồi lại với nhau và góp công góp sức để tạo nên sự thay đổi.”

Sau ngày Dự luật được thông qua ở Thượng Viện (24 tháng 5), thỉnh nguyện thư của tổ chức Rise trên trang mạng Change.org vẫn tiếp tục thu thập thêm chữ ký ủng hộ từ khắp nơi. Tính đến ngày 6 tháng 6, con số chữ ký đã lên tới 107,503.

Amanda Nguyễn viết lời nhắn trên Change.org để cám ơn những người đã vào ký tên trên thỉnh nguyện thư, dưới tựa đề “Các bạn ơi, chúng ta đã làm nên lịch sử” (Petition Update: We Just Made History!) Cô nhấn mạnh: “Đạo luật mới sẽ mang lại quyền lợi cho 25 triệu người Mỹ, đó là nhờ tiếng nói của các bạn.”

Trong số những thỉnh nguyện thư từng được khởi xướng trên trang mạng Change.org, có thể nói thỉnh nguyện thư trong chiến dịch vận động của Amanda Nguyễn đã đón nhận sự ủng hộ nồng nhiệt nhất và đạt tới thành quả sớm nhất. Chỉ trong vòng vài tháng, kể từ tháng Hai năm nay, những cơ quan ngôn luận lớn nhất trong truyền thông dòng chính như New York Times, Boston Globe, Guardian, Christian Science Monitor v.v., đều đã có bài viết về cô thiếu nữ 24 tuổi và cuộc vận động của tổ chức “Rise”.

Theo các bài viết của nữ ký giả Molly Redden trên The Guardian (US edition. 23/2/2016) và Phụ tá giám đốc Jonathan Perri (Change.org) trên Huffington Post (08/3/2016), Amanda Nguyễn tốt nghiệp Đại học Harvard, làm việc cho cơ quan NASA một thời gian rồi trở thành một viên chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Cô hiện là tùy viên của Bộ Ngoại giao, làm việc tại Tòa Bạch Ốc.

Amanda Nguyễn là nạn nhân của một vụ tấn công tình dục hồi năm 2013. Khoảng thời gian sau đó đối với cô là cả một cơn ác mộng tiếp tục kéo dài. Bởi vì, mặc dù luật tiểu bang Massachusetts dành cho các nạn nhân 15 năm để quyết định có tiếp tục vụ kiện hay không, nhưng cô lại nhận được ở bệnh viện một tờ thông báo (pamphlet) nói rằng, nếu cô không “làm đơn xin gia hạn”, thì sau 6 tháng chính quyền sẽ tiêu hủy bộ lưu trữ những chứng cứ liên quan đến vụ hiếp dâm.

Những luật lệ phức tạp, thiếu rõ ràng, và đầy bất công đối với các nạn nhân như thế đã khiến Amanda Nguyễn phải hết sức vất vả và căng thẳng. Cô tâm sự với ký giả Molly Redden: “Hệ thống pháp lý này khiến cho tôi ngày nào cũng phải sống lại với tâm trạng của ngày mình bị hiếp dâm”. Đó chính là lý do khiến cô quyết định thành lập tổ chức “Rise” và khởi đầu cuộc vận động để đòi hỏi sự thay đổi hiện trạng. Cô nói trong cuộc phỏng vấn trên báo The Guardian và Christian Science Monitor:

“Tôi phải lựa chọn hoặc là chấp nhận sự bất công hoặc là viết lại luật lệ. Tôi chọn cách viết lại luật lệ, vì tôi không phải là nạn nhân duy nhất của những luật lệ bất công ấy.”

Thỉnh nguyện thư của Amanda Nguyễn trên trang mạng Change.org được viết trong tinh thần như thế, với tựa đề “Urge Congress to Support Common Sense Rape Survivor Rights”.

“Không” nghĩa là KHÔNG. Nguồn: AFP/Getty Images
“Không” nghĩa là KHÔNG. Nguồn: AFP/Getty Images

Và sự kiên quyết của Amanda Nguyễn, cùng với hàng chục ngàn chữ ký ủng hộ trong những tuần lễ đầu tiên, chính là động lực thúc đẩy Thượng Nghị Sĩ Jeanne Shaheen nhập cuộc. Ngày 2 tháng 3 năm 2016, bà Shaheen trình bày quan điểm trên tờ The Guardian qua bài viết tựa để “Sexual Assaults Are Grossly Under-Reported. I Want To Change That”, với những đoạn như sau:

“Nếu một nạn nhân bị tấn công tình dục phải can đảm cùng mình mới mong đòi được công lý, thì chắc chắn là hệ thống pháp luật của chúng ta đang có vấn đề. Hiện nay, hầu hết các nạn nhân sống sót sau khi bị tấn công tình dục đều chọn thái độ giữ im lặng. Cũng chính do vậy mà tấn công tình dục trở thành một trong những tội phạm ít bị phanh phui và ít bị trừng phạt nhất. Đó chẳng qua là vì, căn cứ theo thống kê của Bộ Tư Pháp, có tới gần 70 phần trăm các vụ tấn công đã không hề được nạn nhân báo cáo với Cảnh sát, và chỉ có một tỷ lệ nhỏ các thủ phạm cưỡng dâm bị tống vào tù. Những thủ tục pháp lý đối với các nạn nhân rõ ràng là đầy bất công và cần phải thay đổi. Xin nhớ rằng những tội ác bạo lực không phải chỉ nhắm vào nạn nhân, mà còn là nhắm vào toàn thể xã hội. Chúng ta đều muốn đưa bọn tội phạm ra trước công lý. Nhưng hiện nay, các luật lệ bất cập của chúng ta đã chỉ làm khó cho nạn nhân, làm khó cơ quan công lực, và làm khó công tố viên, trong khi lại tạo lỗ hổng để bọn tội phạm dễ dàng thoát lưới pháp luật. Đã đến lúc chúng ta cải tổ các thủ tục và luật lệ ấy, để những nạn nhân không còn phải giữ im lặng, để họ có thể bước ra khỏi bóng tối và cất lên tiếng nói đòi hỏi công bằng và công lý.”

Hơn ba tháng sau đó, ngày 24 tháng 5 năm 2016, khi đưa Dự luật “The Sexual Assault Survivors’ Act” ra biểu quyết trước Thượng Viện, Thượng Nghị Sĩ Shaheen đã dành phần chót của bài thuyết trình để nói với các nạn nhân:

“Việc các bạn đòi hỏi quyền lợi là hoàn toàn chính đáng. Chúng tôi rất quan tâm đến các bạn. Và nếu các bạn đã cất lên tiếng nói thì chúng tôi phải ủng hộ các bạn, để chúng ta cùng nhau tạo lập một hệ thống pháp lý nhằm bảo vệ danh dự cho các bạn”.

(Tác giả tổng hợp thông tin từ các trang mạng, The Guardian, Elle, Huffington Post, Christian Science Monitor, Change.org)

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh họa và chú thích

(1) “Meet the 24-year-old who could change how the US handles sexual assaults”, http://www.theguardian.com/society/2016/feb/23/sexual-assault-survivors-rape-kits-us-senate-bill-white-house
(2) Tổ chức “Rise”, http://www.risenow.us/campaigns/
(3) “Navigating the broken system was worse than the rape itself”
Amanda Nguyen is taking the fight for sexual violence survivors’ civil rights all the way to the White House. Neesha Arter 02.04.16, http://nytlive.nytimes.com/womenintheworld/2016/02/04/amanda-nguyen-is-taking-the-fight-for-sexual-violence-survivors-civil-rights-all-the-way-to-the-white-house/
(4) Meet the 24-Year-Old Who Could Dramatically Change U.S. Sexual Assault Law
Amanda Nguyen is on a mission to fix a broken system. Mattie Kahn, Feb. 29, 2016. http://www.elle.com/culture/career-politics/news/a34359/sexual-assault-survivors-rights-bill-senate/
(5) Who Is Amanda Nguyen? She’s Fighting For The Rights of Sexual Assault Survivors, Erin Corbett, Feb. 23, 2016, Bustle.com, http://www.bustle.com/articles/143741-who-is-amanda-nguyen-shes-fighting-for-the-rights-of-sexual-assault-survivors
(6) Sexual Assault Survivors are Using Comedy to Change Laws, Jonathan Perri
Associate Director of Campaigns at Change.org. Huffinton Post.http://www.huffingtonpost.com/jonathan-perri/post_11185_b_9404152.html?utm_source=change_org&utm_medium=petition