Những thay đổi trong truyền thống Phật giáo do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo

Merak Spielman | Trà Mi

camchuongCài hoa lên áo là một tập tục vay mượn 50 năm trước của Nhật Bản, thêu dệt vào nghi lễ của ngày tưởng nhớ tổ tiên; nhưng đến nay, dù bông cẩm chướng đã biến thành hoa hồng, một số người cường điệu gọi đó là “truyền thống lâu đời của Phật giáo Việt Nam”, hay là “…nét văn hóa truyền thống có ý nghĩa nhân văn sâu sắc” ,…

Những cuộc đụng độ đầu tiên giữa hai tôn giáo / triết học, Phật giáo và Nho giáo, để tồn tại và phát triển trong thời hậu Hán Trung Hoa đánh dấu sự khởi đầu của quá trình tiến hóa đáng kể cho cả hai học thuyết. Nho giáo, mất uy tín sau sự sụp đổ của nhà Hán, vẫn là cơ sở đạo đức của dân chúng Trung Hoa. Phật giáo, phần lớn là một tôn giáo xa lạ và khó hiểu, đã phải hội thu một chút văn hóa Trung Quốc để tồn tại. Phật giáo đã mất một thời gian đáng kể trong tiến trình này; tu sĩ Phật giáo đã sống ở Trung Quốc nhiều thế kỷ mới thiết lập được nền móng tôn giáo của họ. Cuối cùng, trong thời “vàng son” của nhà Đường, Phật giáo là đức tin phổ biến nhất Trung Hoa. Đến giai đoạn này Phật giáo đã biến thân khá rõ ràng với nhiều sắc nét văn hoá địa phương. Điều này đã được thực hiện bằng sự nhấn mạnh (và thường xuyên xen kẽ) những tư tưởng đạo đức Nho giáo vào văn học kinh điển truyền thống Phật giáo và sự sửa đổi trong những bản dịch của kinh phật để thu hút độc giả Trung Hoa.

Phật giáo, dù tinh vi hơn so với bất kỳ hệ thống đức tin nào ở Trung Hoa vào thời khởi điểm, dường như đối với giới bình dân ở đây  thì nó có vẻ như là một giáo phái bí ẩn của Lão (Đạo) giáo hơn là một tôn giáo nghiêm túc khác. Giới truyền giáo Phật giáo nhanh chóng nhận ra rằng sự miễn cưỡng của tín hữu bắt nguồn từ một thực tế là Phật giáo hoàn toàn thiếu sự nhấn mạnh về một giá trị cổ điển mà người Trung Hoa xem là chuyện sống còn. Ví dụ tốt nhất của thiếu sót trong kinh điển Phật giáo là sự vắng mặt của lòng hiếu thảo, nó không được đề cập đến như một trong các chính đề. Lướt qua Luận ngữ người ta thấy ngay gần như hoàn toàn ngược lại – thật khó tìm được một chương nào không đề cập đến lòng hiếu thảo, nếu không trực tiếp thì cũng gián tiếp. Đối với người Trung Hoa thời đó, mối quan hệ quan trọng nhất trên thế giới là mối quan hệ với cha mẹ của họ. Phật giáo phát triển trong một vùng đất nơi mà giai cấp của một người quan trọng hơn cha mẹ của người ta, chỉ có một vài câu chuyện riêng lẻ với chủ đề (hiếu thảo) này. Những thí dụ lẻ loi, chẳng hạn như truyện (kinh) Bổn Sanh (Jātaka tales), mà nói về tiền kiếp của Phật Thích Ca, những câu chuyện về một người con yêu thương cha mẹ mù đã khiến ông mặc da hoẵng để vào rừng lấy sữa hươu tươi cho cha mẹ dùng; Bổn Sinh Kinh nhanh chóng được dịch và phát tán. Trong câu chuyện đặc biệt này, một lãnh chúa vô tình bắn trúng một cậu bé trong một cuộc đi săn; và để chuộc lỗi đã thề đưa cha mẹ của cậu bé về chăm sóc. Cha mẹ cậu bé quá đau khổ đã thốt nên lời kinh của Chân lý, kèm theo lời cầu nguyện khiến Đế Thích Thiên (Śakra, 帝釋天) xúc động, đã phải giáng trần và cứu cậu bé hồi sinh.(Ch’en, 20)

Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi a ti địa ngục.  Nguồn: By unknown artist(Life time: 19th century) - Original publication: not publishedImmediate source:http://academic.reed.edu/hellscrolls/scrolls/Aseries/A10/A10c.html, PD-US, https://en.wikipedia.org/w/index.php?curid=44727949
Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi a tị địa ngục. Nguồn: By unknown artist(Life time: 19th century) – Original publication: not publishedImmediate source:http://academic.reed.edu/hellscrolls/scrolls/Aseries/A10/A10c.html, PD-US, https://en.wikipedia.org/w/index.php?curid=44727949

Một kinh Phật truyền thống thích hợp với văn hoá Trung Hoa là Phật thuyết Báo ân Phụng bồn Kinh (Yu-lan-p’en-ching, Ullambana Sutra, 佛說報恩奉盆經), kể chuyện người con tên Mục Kiền Liên khi trở thành A-la-hán (toàn nhân) sau khi ông chết, muốn báo hiếu tình yêu cha mẹ đã dành cho mình. Ông hoảng hốt khi thấy mẹ đã bị đày xuống a tị địa ngục vì lòng tham của bà kiếp trước (mà bà đã giấu không cho Mục Kiền Liên biết). Thay mặt mẹ mình, Mục Kiền Liên xin được tha tội với chính Đức Phật. Đức Phật dạy Mục Kiền Liên phải chuẩn bị một bữa tiệc lớn gồm hàng trăm món ngon, và vào ngày rằm tháng bẩy âm lịch để dâng lễ cho các tu sĩ của mười phương đại diện cho tổ tiên của mình (đặc biệt là người mẹ của mình). Mục Kiền Liên đã thực hiện lời Phật dạy, và mẹ ông đã được giải thoát khỏi a tị địa ngục. (Ch’en, 26)

Những câu chuyện như trên ít người ở Ấn Độ biết đến do chúng không phổ biến, nhưng lại được người dân Trung Hoa rất yêu chuộng. Người dân cũng như tu sĩ Phật giáo ở Trung Hoa nhận biết rõ rằng kinh điển Phật giáo truyền thống đã không cung cấp đủ những câu chuyện về lòng hiếu thảo để cạnh tranh ảnh hưởng với Khổng/Nho giáo. Nhiều kinh Phật giáo đã bắt đầu lưu hành, một cách đáng ngờ, dường như không có bản chính ở Ấn Độ trước khi có “bản dịch” sang Trung văn. Những pho kinh giả mạo đã giúp thu hẹp khoảng cách đáng kể giữa Phật giáo và văn hoá Trung Hoa. Một trong những kinh sách giả mạo nổi tiếng nhất là Fu-mu en-chung ching (Phụ mẫu Ân trọng Kinh). Pho Kinh này xuất hiện dưới vô số hình thức và tựa đề, và có vẻ gần giống như một chương trong Luận Ngữ.

Sutra; 大報父母恩重經 Đại báo phụ mẫu ân trọng kinh. Nguồn: eap.bl.uk
Sutra; 大報父母恩重經 Đại báo phụ mẫu ân trọng kinh. Nguồn: eap.bl.uk

“Đây là lời Phật: …còn như con gái, trong lúc bình sinh, nhiều lần sinh nở, nuôi nấng con thơ, tổn bao khí huyết, mỗi một kỳ sinh, máu đặc trong mình, chảy ra sáu đấu, mỗi người con bú, tám thùng bốn đấu, sữa ở trong mình, giảm mất tinh-anh, …

Tôi nghe Phật nói, thương xót vô cùng, như dao cắt ruột; nước mắt chứa chan, hai hàng châu lệ, mà bạch Phật rằng:

Lạy đức Thế-Tôn, công ơn cha mẹ, như Non như Bể, thăm thẳm nghìn trùng, lấy gì báo đáp, cúi xin Đức Phật, rủ lòng thương sót, dạy bảo cho hay.”

(Trích “Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng  Kinh”

Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân tiếp tục mô tả một Phật tử tốt phải là người cho cha mẹ biết rằng mình yêu cha mẹ. Mặc dù kinh này, và những bộ kinh khác, là giả mạo, chúng vẫn trở thành một phần kinh điển của Phật Giáo Trung Hoa. Đây là một trong những cách quan trọng, mà tư tưởng và thực hành của Nho giáo trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của Phật giáo tại đây.

Một cách khác mà Phật giáo đã tinh tế thay đổi trong nỗ lực để trở thành hấp dẫn hơn với người Trung Hoa là sự thích nghi của năm Tây Lạp (Silas hoặc Hồng y giới luật) của Phật giáo cho phù hợp với Ngũ thường của Nho giáo. Đó là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Năm Hồng y giới luật: không nói dối, ăn cắp, giết người, ngoại tình, và uống rượu say. Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín là lòng từ tâm của con người, sự công bình, phép tắc, kiến ​​thức, và lòng tin. Mối tương quan giữa hai bộ giá trị này được mô tả trong một bộ kinh do người Trung Hoa sáng tác, Đề vị Ba lợi Kinh (Ti-wei Po-li-chin, 提謂波利經): Không sát sinh được ghép với lòng từ tâm của con người, không ăn cắp được ghép với sự công bình, không phạm tội ngoại tình được kết hợp với kiến thức, không uống rượu say được ghép với lễ nghi, và không nói dối được ghép với chữ tín.

Trí Nghĩ (Chih-I), một học giả Trung Hoa thậm chí gắn ngũ hành Trung Hoa (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ) với năm Tây Lạp (Silas), tiếp tục thêu dệt Phật giáo vào nền văn hóa Nho giáo Trung Hoa, và ngược lại. (Ch’en, 59)

Một cách lớn hơn nữa mà Phật giáo đã được sửa đổi là ngay ở trong bản dịch của các bộ Kinh. Đây là một vấn đề đáng ngại hơn người ta nghĩ. Trước hết, tiếng Phạn và Trung văn hoàn toàn khác nhau, và nhiều từ ngữ Trung Hoa khác nhau dường như chỉ là một đối với người dịch thuật nước ngoài nhưng nhưng lại mang những ý nghĩa rất khác đối với người Trung Hoa. Ngoài ra, các bộ kinh tiếng Phạn, bản gốc, khá thực tế, ngắn gọn trình bày những gì đã xảy ra và tại sao và những điều gì có thể học được, bằng ngôn ngữ rất ít kiểu cách và bóng bẩy. Một bản dịch trực tiếp những kinh điển Ấn Độ như vậy chắc chắn sẽ không thể hấp dẫn với người dân Trung Hoa vốn yêu chuộng chi tiết và ẩn dụ. Ngoài ra, Trung văn còn thiếu từ có sẵn để mô tả khái niệm Phật giáo, vì vậy “dharma” (pháp) thường trở thành “Đạo” và “nirvana” (cõi niết bàn) trở thành Vô Vi (Wu-Wei, 無爲) vì không có cách nào khác để để diễn đạt những khái niệm tâm linh này. Ngoài ra, các bộ kinh đã được sửa đổi để nhấn mạnh việc kiềm chế vai trò của phụ nữ chứ không phải để họ ở một vị trí được tôn trọng hơn một chút trong xã hội Ấn Độ. (Wright, 35-37)

Do sức hấp dẫn của Phật giáo tăng lên trong quần chúng Trung Hoa, và cũng do tình trạng suy yếu của Nho giáo sau sự sụp đổ của nhà Hán, Phật giáo đã trở thành niềm tin thống trị trong suốt thời kỳ Lục Triều [Đông Ngô (222–280); Đông Tấn (317-420); Lưu Tống (420–479); Nam Tề (479–502); Lương (502–557); Trần (557–589)]. Khi Nhà Tuỳ thống nhất Trung Hoa năm 581 Phật giáo đã trở thành phổ biến, và từ khi Nhà Đường cai trị 617, trên thực tế, nó đã trở thành một quốc giáo. (Schirokaur, 114-115)

Gần như biến mất tại Ấn Độ, tiến hóa của của Phật giáo ở Trung Hoa là điều vô cùng quan trọng. Không nơi nào khác trên trái đất mà truyền thống Phật giáo lại được được một nền văn hóa văn minh hùng mạnh chuyên chở. Những thay đổi mà truyền thống Nho giáo áp đặt, dù vô tình đến đâu, về mặt tôn giáo đã sửa đổi hầu như tất cả các giáo phái của Phật giáo, và là điểm rất quan trọng để chúng ta hiểu đạo Phật như là một tôn giáo ngày nay.

Trà Mi

Việt Nam chịu ảnh hưởng văn hoá của Trung Hoa là điểu bất khả tranh luận. Về mặt Phật giáo, phái Đại thừa ở Việt Nam cũng không khác gì ở Trung Hoa. Nguyên thuỷ, câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi a tị địa ngục của Ấn Độ, sang Trung Hoa, nó được nhấn mạnh vì lòng hiếu thảo với Mẹ là dịp lập đàn dâng lễ cho tu sĩ mười phương đại diện cho tổ tiên rồi trở thành Tết Trung Nguyên; sang đến Việt Nam, Tết Trung Nguyên biến thể thành lễ Vu Lan, ngày báo hiếu cha mẹ, và dần dà được coi như ngày của mẹ.

Hoa Cẩm chướng bên trong.  Ngoài bìa: hoa hồng!
Hoa Cẩm chướng bên trong. Ngoài bìa: hoa hồng!

Mới hơn 50 năm trước Nhất Hạnh với đoản văn, “bông hồng cài áo”, viết năm 1962 tại Medford bên Mỹ, do Lá Bối xuất bản ở Saigon được Phạm Thế Mỹ quần chúng hoá bằng bài hát cùng tựa đề phát hành khoảng 1965-66 ở miền Nam khiến phật tử Việt Nam hôm nay có thói quen cài hoa hồng (rose) đỏ, trắng trong dịp lễ Vu Lan. Mấy ai biết được trong câu chuyện Nhất Hạnh kể lại tập quán cài hoa của người Nhật Bản, trong “bông hồng cài áo”, thì đó là hoa cẩm chướng (carnation) chứ chẳng phải hoa hồng (rose).

Nguồn: Lá Bối, 1962
Nguồn: Lá Bối, 1962

Cài hoa lên áo là một tập tục vay mượn 50 năm trước của Nhật Bản được thêu dệt vào nghi lễ của ngày tưởng nhớ tổ tiên; nhưng đến nay, dù bông cẩm chướng đã biến thành hoa hồng, một số người cường điệu gọi đó là “truyền thống lâu đời của Phật giáo Việt Nam”, hay là “…nét văn hóa truyền thống có ý nghĩa nhân văn sâu sắc” để tỏ lòng hiếu thảo với mẹ.

Trong cái gọi là “truyền thống lâu đời của Phật giáo Việt Nam” hẳn nhiên cũng có những bộ kinh tiếng Việt dịch lại từ Trung văn như “Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh” và những bộ kinh khác mà người ta không ai tìm được bản gốc bằng tiếng Phạn hay Pali.

© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Merak Spielman, “Changes in the Buddhist Tradition due to the Influences of Confucian Thought”, Eastern Religions, November 12, 2000

Tài liệu tham khảo:

  • Banerjee, Anukul C. Studies in Chinese Buddhism. Calcutta: Firma KLM (P) Ltd., 1977.
  • Ch’u Chai and Winberg Chai in Confucianism, Woodbury, New York: Barron’s Educational Series, 1973.
  • Kenneth K. S. Ch’en, The Chinese Transformation of Buddhism (Princeton: Princeton University Press, 1973).
  • Schirokauer, Conrad. A Brief History of Chinese and Japonese Civilizations, 2nd ed. New York: Harcourt Brace Jovanovitch College Publishers, 1989.
  • Wright, Arthur F. Buddhism in Chinese History. Stanford: Stanford university Press, 1959.

1 Comment on “Những thay đổi trong truyền thống Phật giáo do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo

  1. LUÂN LÝ, TÔN GIÁO VÀ TRIẾT HỌC

    Luân lý là mối ràng buộc quan hệ đạo đức trong thế giới loài người. Mối ràng buộc đó trước tiên trong xã hội, cụ thể trong từng cộng đồng các quốc gia, dân tộc. Bởi vậy luân lý thường gắn với đời sống, với hoàn cảnh kinh tế, sinh hoạt thực tế, cụ thể của một đất nước. Ý nghĩa của luân lý là ý nghĩa của tình cảm, của lý trí, của nhận thức thực tiển trong thực tại đời sống đó.

    Có thể nói luân lý là nền tảng đầu tiên và thiết yếu trong đời sống xã hội. Cá nhân gắn với gia đình, với cộng đồng, đó là ý nghĩa trước hết của luân lý. Nói khác đi luân lý cũng chính là đạo đức, đó là đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội. Đạo đức là điều gì tốt đẹp, luân lý là những nguyên tắc để ràng buộc, để nuôi dưỡng những điều tốt đẹp giữa con người trong xã hội. Mối quan hệ anh em, mối quan hệ vợ chồng, mối quan hệ cha mẹ con cái, mối quan hệ lân lý trong cộng đồng, đó đều là những nguyên tắc ổn định, những nội dung bó buộc hay trường cửu, tức thường xuyên trong đời sống. Luân lý là cái gì cụ thể, thiết thực trong đời sống cá nhân và xã hội không thể không có, nó cũng gắn liền với những phẩm chất, bổn phận và trách nhiệm đạo đức trong mối tương quan gia đình, thân tốc, xóm giềng mà xã hội và con người không thể không có.

    Trong khi đó tôn giáo thì mang ý nghĩa khác. Tôn giáo chủ yếu ở bình diện cá nhân mà không phải ở bình diện xã hội. Bình diện xã hội nếu có trong tôn giáo, đó chẳng qua sự cộng hợp các bình diện cá nhân lại với nhau, không hề có bình diện xã hội riêng rẻ hoặc độc lập. Bởi tôn giáo chủ yếu ở niềm tin về sự giải thoát hay sự cứu rỗi, đó là hai ý nghĩa tiêu biểu trong đạo Phật va đạo Kytô mà ai cũng rõ. Có nghĩa tôn giáo là một sự cảm quan riêng, một yêu cầu cá thể riêng, mà bình diện xã hội thật ra chỉ là một hình thức tổ chức biểu kiến bên ngoài. Các giáo hội thực chất không phải mục đích tối hậu của tôn giáo, nó là công cụ để thực hiện tôn giáo, mục đích của tôn giáo chính là yêu cầu cảm thức, đức tin, và sự thực hiện nghi lễ hay niềm tin nơi mỗi cá nhân. Ý nghĩa của tôn giáo như vậy không thuộc lý trí mà thuộc lòng tin, nói cách khác lý trí là lý trí của lòng tin và cho lòng tin mà không phải lý trí kiểu thực tế đơn thuần như trong luân lý đạo đức.

    Tiến hơn một bước, ý nghĩa của triết học là ý nghĩa lý trí của cá nhân, nó không liên quan gì đến luân lý đạo đức hay tôn giáo. Có nghĩa nó vượt lên trên tất cả những cái đó, vượt ra ngoài tất cả những cái đó, cũng có nghĩa nó không hoàn toàn phụ thuộc gì vào các khoa học, mà thậm chí nó còn vượt lên, hay vượt ra ngoài tất cả những phạm vi đó. Nói cụ thể, triết học chỉ là ý nghĩa của vấn đề nhận thức hay tri thức. Nguyên nhân sâu xa hay mục đích tối hậu nhất của triết chỉ thuần túy là sự tò mò. Sự tò mò giải đáp về yêu cầu tri thức tối hậu hay bao quát và sâu thẳm nhất thế thôi. Nói như thế triết học không hề mâu thuẫn hay không hề tách biệt với mọi phạm vi trên, triết học chỉ vượt ra ngoài và vượt lên trên tất cả chúng thế thôi. Nhà triết học hay người làm triết học đích thực không hề từ bỏ thế giới về mọi mặt, không hề quay lưng lại với thế giới về mọi mặt, chỉ không dừng lại trong đó, chỉ không thuần túy bằng lòng ở trong đó mà chỉ nhằm vượt lên và vượt ra ngoài cả chúng vậy thôi. Có điều căn cốt nhất của triết học là thuần túy tư duy mà không thể bằng lòng đơn thuần với niềm tin như trong tôn giáo. Khổng tử, Thích Ca, Lão tử, Trang tử, hay mọi nhà triết học phương Tây đều là những triết gia, tức đều là những nhà tư duy. Nên nếu ý nghĩa của khoa học là mọi đối tượng cụ thể hay vật chất, thì ý nghĩa của đối tượng triết học chỉ là tư duy thế thôi. Tư duy là công cụ duy nhất để phát hiện ra mọi sự và kể cả phát hiện ra trong chính nó, đó là nhiệm vụ và niềm say mê trường cửu, xuyên suốt nhất của triết học.

    Tất nhiên triết học dầu sao cũng không phải hoàn toàn biệt lập hay thoát ly ra khỏi mọi hoàn cảnh hay điều kiện lịch sử và xã hội. Nhưng đó chỉ là cái nền tảng riêng mà không phải là bản chất hay mục đích chung của triết học. Đó là ý nghĩa tại sao chỉ có một chân giá trị hay chân lý triết học chung trên toàn thế giơi, nhưng trong lịch sử quá khứ đã từng có triết học phương Đông, triết học phương Tây, triết học Trung Hoa, triết học Ấn độ, triết học cổ đại, triết học trung đại, triết học hiện đại v.v… như điều hoàn toàn dễ thấy. Thậm chí có cả triết học của Khổng tử, triết học của Mạnh tử, triết học của Liệt tử, triết học của Lão tử, triết học của Trang tử, triết học của Platon, triết học của Aristote, triết học thời tiền Socrate chẳng hạn.

    Điều đó cũng có nghĩa khi đạo Phật Ấn độ vào Trung Quốc hay vào Việt Nam hoặc các nước Á châu khác, nó đã phần nào bị Trung Hoa hóa, Việt Nam hóa và từng nước khác có ít nhiều làm thay đổi diện mạo khởi thủy của nó. Đại thừa của Phật giáo Trung Hoa chính là trường hợp tiêu biểu như thế, và Phật giáo Việt Nam cũng phần lớn hướng vào Đại thừa hơn là hướng vào Nam tông hay Phật giáo nguyên thủy như các nươc nằm ở phía nam của mình. Phật giáo Đại thừa chính là một góp phần đáng kể của tư tưởng Phật giáo Trung hoa vào tư tưởng Phật giáo Ấn độ. Tính cách tri thức hay thậm chí trí thức cao trong đạo Phật chủ yếu có thể tìm thấy trong Đại thừa Trung hoa hay Đại thừa Việt Nam mà Phật hoàng Trần Nhân Tông là một ví dụ.

    Còn nếu nói một cách hình tượng, năng lực trí tuệ của thế giới con người cũng tựa như một khối chóp hình nón, phần dưới đáy là phần luân lý đạo đức, phần trên đó là phần khoa học kỹ thuật, phần trên nữa là phần tôn giáo, cuối cùng phần trên cao nhất là phần của tư duy triết học. Dĩ nhiên sự cân bằng của khối hình chóp nón đó là do những phần dưới cùng quyết định, phần tôn giáo và triết học chỉ là phần tâm thức mang tính ý thức và tri thức về trừu tượng nhiều hơn về cái cụ thể. Tuy vậy nếu tôn giáo chỉ là niềm tin, thì mọi đối tượng trong đời sống đều có thể trở nên đối tượng của triết học. Triết học là kiểu tư duy hệ thống toàn diện và hoàn chỉnh nhất, ý nghĩa của nó là như thế. Tuy thế, Mác là người duy nhất trong thế giới triết học lại chủ trương duy vật và vô thần. Vô thần tức không tin tưởng vào bất kỳ ý nghĩa siêu việt nào, còn duy vật chỉ quan niệm duy có vật chất còn ngoài ra không có gì khác. Có nghĩa mọi ý nghĩa về tinh thần, ý thức của con người Mác đều cho đó là thượng tầng kiến trúc của hạ tầng kinh tế xã hội. Học thuyết Mác chỉ là sự nghèo nàn và bế tắt, bởi vì chỉ quan niệm, chỉ tin như thế thì mọi điều đều còn có gì để nói nữa. Học thuyết Mác bởi vậy thực chất chỉ đi vào ngõ cụt. Nhưng tệ hại nhất mọi tính nông cạn và chủ quan đó lại đưa lại chủ trương độc tài. Vậy học thuyết Mác vô hình chung và thực tế đã trở thành một học thuyết nguy hại nhất trong xã hội loài người. Bởi nó làm cho mọi khía cạnh của con người cũng như của xã hội đều trở thành tầm thường, con người và xã hội đều bị vật hóa một cách thô lậu, nghèo nàn và nông cạn, cho dù có nhân danh hay núp bóng dưới bao nhiêu danh từ hay từ ngữ hào nhoáng nhưng huyễn tưởng thì cũng thế thôi. Mác quan niệm tôn giáo chỉ là thứ thuốc phiện ru ngủ quần chúng, gây cho quần chúng ảo tưởng đời sau không có thật. Cả triết học Mác cũng cho đó chỉ là ý thức hệ kiểu tư sản. Mác hô hào thực hiện triết học bằng cách thực hiện chủ nghĩa cộng sản là xã hội không giai cấp, xã hội vô sản, triệt tiêu giai cấp cũng là triệt tiêu đấu tranh giai cấp, và đó là điều mà Mác gọi là triết học được thực hiện. Mác nói những triết gia xưa nay chỉ ngồi giải thích thế giới, nhưng vấn đề là biến đổi nó. Đó là biến đổi theo cách của Mác. Thật là thứ ngôn ngữ ngụy biện, quẹo quặt, cả vũ lấp miệng em, hoàn toàn chủ quan, võ đoán, hợm hĩnh và tầm thường không thể nào nói hết.

    Thật ra không phải ai cũng có thể làm triết học được. Điều đó cũng chẳng khác gì không phải ai cũng sáng tác thơ, soạn nhạc hay làm hội họa một cách tài năng nếu quả không có tài năng. Triết học không những đòi hỏi một phương pháp luận tư duy chuyên biệt, triết học cũng còn yêu cầu tinh thần khám phá trong ý nghĩa sáng tạo về mặt tư duy mà không phải ai cũng có thể làm được. Điều đó cũng chẳng khác gì tài năng trong toán học. Có những vấn đề toán học mà nếu chỉ là người tầm thường thì không bao giờ thấy ra được cách lý giải. Giải những vấn đề trong toán học không phải chỉ có bộ nhớ mà là phải vận dụng những tư duy khai phá hoàn toàn mới mẽ. Nhưng đối tượng của toán học chỉ là những đối tượng trừu tượng trong cụ thể. Trái lại đối tượng cua triết học lại hoàn toàn là những đối tượng cụ thể trong trừu tượng. Bởi vậy tư duy toán học dầu tinh tế, trội vượt bao nhiêu cũng không thể nào hay không bao giờ biến được thành tư duy triết học nếu thật sự đó không phải là nhà triết học.

    Đấy triết học hoàn toàn khác với tôn giáo, khác với mọi khoa học thực nghiệm, kể cả khác với toán học, hay khác cả với văn chương nghệ thuật chính là như vậy. Trước kia ở Miền Nam có Phạm Công Thiện, mới chân ướt chân ráo bước vào triết học theo kiểu cửa ngách không theo lối đào tạo chính quy, nhưng ồm ào một thời huênh hoang và được nhiều người theo dệt như là một nhà tư tưởng thiên tài, một chân tài thi ca vĩ đại. Thật ra ông ta chỉ có cốp nhặt của người khác để làm cho mình. Và những cách hòa mù như vậy đều không phải mục đích đích, ý nghĩa hay giá trị đứng đắn trong triết học thật sự. Kiểu Phạm Công Thiện thực chất chỉ là kiểu văn nghệ du kích, thiếu đàng hoàng, như lại tự ảo tưởng hay là cố tình gây ảo tưởng lừa dối đối với người khác. Đúng ra thơ thiền mà Phạm Công Thiện thường sử dụng cũng chẳng phải điều gì mới mẽ hoặc sáng tạo cả. Nó đã có trong đạo Phật, nhất là trong trường phái Đại thừa hay trong Thiền học riêng biệt đã từ rất xưa. Bài thơ nói về đài kính của một vị thiền sư nổi danh ngày xưa thì trong đạo Phật ai cũng biết. Nên dùng ý nghĩa thơ thiền để sáng tác trong lãnh vực thi ca là chuyện khác, còn bắt chước kiểu thơ thiền để chẳng nói lên được điều gì đáng giá mà chỉ là cách cuồng chữ một cách tào lao đó vẫn là căn bệnh trầm kha thường thấy nơi người tự cho mình là thiên tài triết học Phạm Công Thiện.

    Còn một trường hợp tiêu biểu đáng nói khác cũng không ai hơn Trần Đức Thảo. Thay vì nhà triết học chân chính và thực chất phải có tư duy riêng của mình, con đường khám phá chân lý mới riêng của mình. Đằng này Trần Đức Thảo chỉ có thói quen hay mục đích sử dụng lại tư duy cùng những quan niệm của Mác. Thảo phê bình, tranh luận với người khác, kể cả phê phán Hiện tượng luận của Husserl cũng không đi ra ngoài thủ pháp của chính con đường đó. Đây là điều thật đáng tiếc đối với người không phải không có tài năng như Trần Đức Thảo. Đến nỗi vào cuối đời mình, khi đã trở lại Paris và để lại cho đời Những Lời Trăng Trối, ông Thảo còn ôm mộng phải hoàn thành một tác phẩm hướng dẫn cách mạng cộng sản mới một cách hoàn thiện nhằm phục vụ cho đời. Thật là cả một điều tếu táo của ông Trần Đức Thảo. Điều đó cũng chẳng khác gì trước đó mấy năm Lữ Phương từng huênh hoang người duy nhất hiểu đúng đắn tư tưởng Mác không thể nào là Trường Chinh hay Lê Duẩn mà chỉ có Lữ Phương mới đúng. Nói như vậy chỉ để thấy rằng dân tộc Việt Nam nói chung không phải kém tài năng gì so với nhiều dân tộc khác, đực biệt tư duy khoa học, toán học, từng nổi tiếng nhiều trên thế giới, hay biết đâu sau này kể cả triết học. Song một số người Việt Nam đặc thù xưa nay vẫn mang một thứ bệnh, đó là thứ bệnh tầm thường kiểu Phạm Công Thiện, Trần Đức Thảo, hay Lữ Phương. Nó chỉ nói lên tâm lý chạy theo, tâm lý học đòi, thậm chí tâm lý nô lệ người khác, hoàn toàn trái với ý nghĩa tự tin và tự lập trong khoa học và trong triết học mà bất kỳ người đứng đắn, đàng hoàng nào đều luôn phải có.

    Vậy nên nói tóm lại, luân lý, tôn giáo, triết học vẫn luôn là những ý nghĩa cơ bản và thường xuyên nhất trong đời sống con người hay xã hội con người, và tự cổ chí kim nó vẫn luôn luôn như vậy. Không có luân lý đạo đức, đời sống xã hội con người cũng khó bao giờ bền vững hay trường cửu. Không có tôn giáo thực chất xã hội con người vẫn rất dễ dàng nhiễu loạn hay mất định hướng. Còn thiếu triết học thì thật sự con người chỉ còn rơi vào chỗ tầm thường. Tức chỉ có thân xác hưởng thụ vật chất, còn ý nghĩa tinh thần hay trí tuệ kiểu tư duy thì hầu hoàn toàn không có. Bởi vậy không thể coi thường luân lý đạo đức hay coi truyền thống luân lý đạo đức nào đó đã có từ xa xưa là lạc hậu. Kiểu tư tưởng cách mạng đoản từng một thời hoàn toàn ấu trĩ và ngu dốt là như thế. Ý nghĩa của đấu tố trong cải cách ruộng đất từng một thời say sưa là như thế. Mao Trạch Đông hô hào hạ bệ Khổng tử, còn ở Việt Nam bao nhiêu di tích văn thánh bị biến thành kho cất rơm rạ hay cả chuồng trâu bò đã phổ biến một thời thì ai cũng biết. Mác hô tôn giáo là thuốc phiện rồi cuối cùng chủ nghĩa Mác trở thành thuốc phiện thì cũng có gì đâu mà lạ. Cho nên nếu dân tộc Trung Hoa từ ngàn xưa vẫn thiên về luân lý đạo đức nhiều hơn thiên về tư duy triết học kiểu thuần lý như phương Tây cũng không lấy gì làm lạ. Ngay như đạo Phật ở Ấn độ vẫn có nhiều tư tưởng thuần lý hơn hẳn ý nghĩa thuần thực dụng của đạo Khổng Mạnh cũng là như vậy. Còn Việt Nam rất tiếc từ ngàn xưa vẫn chịu ảnh hưởng quá nhiều của loại cảm tính thực dụng của người Trung Quốc nên tư duy thuần lý cũng ít phát triển. Đó là lý do dân tộc ta không phải dân tộc thiểu năng gì về trí tuệ, nhưng tư duy toán học và tư duy khoa học thực nghiệm nói chung ít phát triển, nhưng lại phát triển nhiều kiểu văn học hay nghệ thuật cũng là điều không lấy gì làm tự hào lắm. Ngay chính tinh thần khoa bảng, từ chương, hay chuộng hình thức bề ngoài là điều mà những nhà ái quốc cách mạng trước đây trong đó có Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu vẫn luôn luôn khổ tâm hết sức. Vậy thì tư duy khoa học, thực dụng, hay tư duy triết học sáng suốt không phải không thật sự có tiềm năng ở nước ta mà còn hoàn toàn ngược lại. Chỉ có điều ý thức từ chương, tinh thần nô lệ do những thời gian bị trị bởi ngoại bang đã mang đến những thói xấu nào đó cho dân tộc, đất nước ta như tinh thần mù quáng, thiển cận, tính cách vụ lợi, ích kỷ, tầm thường, thấp kém riêng ở những số cá nhân nào đó thật là điều ngoại lệ nhưng trở thành phổ biến và cũng hoàn toàn trở thành đáng tiếc.

    THƯỢNG NGÀN
    (21/7/16)