Em không phải là hạng gái nhơ nhớp thấp hèn (P3)

Trần Giao Thủy

hoteltgt6Trong dự án nghiên cứu của tác giả, đa số khách và gái đi khách ít nhất đều có cố gắng giữ mối quan hệ như tình nhân cách xa, nhưng chỉ có một số nhỏ có thể giữ được quan hệ vượt không gian, thời gian, và nhiều rào cản quốc gia – cấm đoán việc di cư.

(Tiếp theo P1, P2)

Khu “Tây ba lô” ở Tp HCM . Nguồn: Màn hình YouTube.
Khu “Tây ba lô” ở Tp HCM . Nguồn: Màn hình YouTube.

Khu “Tây ba lô” ở Tp HCM nổi tiếng trong giới du lịch tiết kiệm. Dọc đường phố trong khu này là các tiệm bán đồ kỷ niệm, khác sạn mini, văn phòng du lịch, nhà hàng, quán cà phê và bar dành cho người nước ngoài. Đa số các chủ tiệm ở khu này đều biết nói chút tiếng Anh.

Tại đây tác giả đã quan sát, thu gặt dữ liệu như người trong cuộc tại bẩy trong số hai mươi lăm quán bar trong khu vực này. Khách mua dâm, mà tác giả đã gặp, tại đây tuổi từ hai mươi hai đến sáu mươi lăm, tất cả là người Mỹ da trắng, người châu Âu, hay người Úc. Những du khách da trắng trong khu mại dâm bậc trung coi họ là những người du lịch sành sõi biết tận dụng khu mại dâm ở các nước Thế giới Thứ ba. Họ có khuynh hướng ở trong các khách sạn nhỏ, nếm mùi Việt Nam “thực”. Adam, môt du khách Mỹ từ Houston, Texas – nói:

“Tôi muốn thấy một Việt Nam thực, không phải Việt Nam dành cho du khách. Tôi muốn thưởng thức thức ăn địa phương, nói chuyện với người Việt Nam, và nhìn xem người Việt Nam sống thực sự ra sao. Đa số những gia đình ở đây sống bằng một hay hai trăm đô-la mỗi tháng. Tôi không đến đây để lui tới các khách sạn chỉ dọn thức ăn phương Tây, và để nhìn người da trắng.”

Gái đi khách bậc trung phục vụ cho những đàn ông như Adam; họ cống hiến cho khách nhiều hơn là chỉ giao hoan. Họ là những người hướng dẫn du lịch, người môi giới văn hóa, hiến cho đàn ông những kinh nghiệm “thực” của các nước Thế giới Thứ ba.

Tác giả cho rằng các phụ nữ mại dâm bậc trung khai thác thị trường tình dục bằng cách phát triển quan hệ với đàn ông hải ngoại và thực hành “chủ nghĩa vượt phạm vi quốc gia từ gốc” như Smith và Guarnizo đã đề cập đến.

Dĩ nhiên những phụ nữ đi khách bậc trung này chắc chắn có đổi sex lấy tiền, nhưng họ còn biết dùng vốn văn hóa để vờ yêu nhằm cống hiến cho khách làng chơi một số những dịch vụ khác. Câu chuyện sau đây minh họa những cô gái mại dâm vượt phạm vi quốc gia sành sõi làm thế nào để thiết lập và giữ bền quan hệ tình dục bằng khả năng Anh ngữ cũng như thân hình của họ.

Tác giả và Linh gặp và biết nhau từ tháng Sáu 2006 và giữ liên lạc đến tháng Tám 2007. Linh làm việc ở quán bar Pink Star, trong khu “Tây ba lô” ở Quận Nhất. Gần 1m68, Linh cao hơn đa số phụ nữ Việt Nam và còn có thân mình thon với đôi chân dài. Linh luôn mặc áo đầm bó sát màu hồng hay đen làm nổi bật đôi chân mình. Cũng như nhiều phụ nữ mại dâm trong khu vực bậc trung này, Linh đầu tư hơn ngàn đô-la để sửa đổi một số bộ phận trên cơ thể như nâng vú, xâm lông mày, bơm botox trên trán, hút mỡ bụng cho thêm eo.

Váy bó sát, chân dài. Nguồn ảnh: OntheNet
Váy bó sát, chân dài. Nguồn ảnh: OntheNet

Khi gần như tất cả phụ nữ mại dâm bậc thấp là dân quê lên tỉnh thì những gái đi khách như Linh thường là con nhà – nghèo theo tiêu chuẩn đô thị – ở thành phố nhưng vẫn khá giả hơn gia đình của những phụ nữ mại dâm bậc thấp. Họ, những gái đi khách bậc trung, biết những vùng phục vụ những người da trắng nước ngoài muốn tìm kinh nghiệm Việt Nam thực sự, và tất cả đều biết nói chút tiếng Anh. Tất cả những phụ nữ này làm việc tại những quán bar địa phương, trá hình là chiêu đãi viên. Tuy nhiên, họ không lãnh lương chiêu đãi viên, mà chỉ kiếm sống bằng tiền tip và qua những quan hệ tình dục với khách hàng. Những phụ nữ này học tiếng Anh bằng cách nói chuyện với đàn ông ngoại quốc trong quán bar; nhiều tham vọng hơn, một số khác còn ghi tên theo học các lớp Anh văn. Đầu tư vào việc chỉnh sửa thân hình và khả năng Anh ngữ đã giúp Linh mở đường và đặt quan hệ với người da trắng với tiềm năng kinh tế từ các nước tiên tiến.

Vào một buổi chiều, một người khách từ New York, tên Jeff, trạc hơn năm mươi tuổi vào ngồi ở quán Pink Star. Jeff mặc quần kaki ngắn, áo sơ mi ngắn tay, chân mang dép. Jeff đang mướt mồ hôi. và Linh bước đến lấy khăn ướt lau mặt cho Jeff, một việc Linh thường làm để tỏ ra mình chăm sóc khách. Hai người ngồi nói chuyện vãn bất chấp tiếng Anh bập bẹ của Linh. Họ trao đổi những câu hỏi bình thường như “Anh từ đâu đến?” “Anh ở đây bao lâu?” “Anh làm nghề gì?” “Anh bao nhiêu tuổi?” “Gia đình anh ở đâu?” Sau năm chầu rượu, Linh xà vào, thúc vào người Jeff, và nói, “Anh đưa em về nhà với anh.” Jeff cười, nói, “Okay.” Sau đó Linh nói, “Anh trả em trăm đô-la chứ?” Jeff lại cười, “Nhiều thế… Anh trả em năm mươi thôi.” Họ mỉm cười với nhau trong im lặng; vài phút sau Linh nói “Được rồi, sáu mươi.” Họ đứng dậy bước đi khỏi quán Pink Star.

Sáng hôm sau Linh gọi rủ tác giả cùng đi vườn chơi với Linh và con gái. Sau vài giờ tản bộ ở vườn chơi, họ ngồi xuống ăn trưa trong khi con gái Linh chợp mắt. Linh kể với tác giả rằng việc làm ở Pink Star chỉ là cơ hội để Linh gặp khách người nước ngoài. Khi biết khách sẽ ở lại Việt Nam một thời gian ngắn, Linh hỏi thẳng xem họ có muốn ngủ với Linh giá từ năm mươi đến bảy mươi đô-la một đêm không. Tuy nhiên, với những khách sẽ ở lại Việt Nam một thời gian lâu hơn Linh sẽ cố gắng phát triển quan hệ lâu dài đôi khi trở thành quan hệ bồ bịch phức tạp.

Hầu hết phụ nữ mại đam bậc trung đề có nhiều “bồ” một lúc. Trả lời câu hỏi nếu đã yêu người khách nào chưa, Linh nói:

“Khi mới vào nghề, em còn trẻ và không khôn lắm. Em đã yêu rất dễ rồi thương đau khi việc không thành. Bây giờ, em không để cho mình yêu nữa. Em nghĩ rằng tình yêu của em sẽ có thể đến với người đàn ông chăm lo cho em tốt nhất tại Việt Nam hay ở xứ khác. Em muốn đổi đời trước và sau đó mới yêu.”

Trong cả hai loại, quan hệ ngắn hạn và quan hệ lâu dài, Linh đều cố gắng làm cho những người đàn ông đó gởi tiền về sau khi rời Việt Nam. Linh cũng có nhiều nhân tình một lúc, nếu người này không muốn đưa Linh đi [khỏi Việt Nam] thì đã có người khác có thể làm việc đó.

Một quán bar khu “Tây ba lô” Tp HCM. Nguồn ảnh: OntheNet
Một quán bar khu “Tây ba lô” Tp HCM. Nguồn ảnh: OntheNet

Sau khi rời vườn chơi của trẻ, Linh đã nhờ tác giả giúp dịch điện thư đầu trong một loạt hàng trăm email giữa Linh và James, một thương gia người Úc, sáu mươi bảy tuổi đã là chủ công ty trước khi nghỉ hưu. Linh gặp James vào tháng Mười Hai, 2005 tại quán Pink Star khi James sang Việt Nam nghỉ hè. Hai người, ban đầu, liên lạc bằng text chat trên điện thoại di động; sau đó Linh đổi sang email vì text chat quá tốn kém.

Trong những điện thư tác giả giúp dịch cho Linh, trong khoảng tháng Sáu 2006 đến tháng Ba 2007, Linh đã vẽ lên nhiều màn kịch khủng hoảng. Thí dụ, Linh kể chuyện cha sắp chết, món nợ phải trả cho mafia nếu còn muốn sống, chuyện có thể mất nhà, ước muốn mở quán cà phê, thêm vào đó là ba trăm đô-la mỗi tháng để đi học Anh văn và trường dạy thẩm mỹ. Qua những emai loại này, đến tháng Tám 2006, Linh đã nhận được khoảng bảy trăm đô-la từ ba “người tình” nước ngoài, hai ở Úc, và một từ Mỹ. Linh thuyết phục cả ba người đó họ đều là những người đàn ông duy nhất trong đời Linh. Linh thực sự đã đi học Anh văn và học phí của một khóa đó lại do ba người đàn ông gời về chi trả. Với ngoại tệ rủng rỉnh, Linh có tiền đi sửa sắc đẹp hay mua thêm quần áo đẹp hơn, sắm điện thoại di động hiện đại hơn. Đàn bà như Linh đã tư bản hóa mối liên lạc toàn cầu bằng cách đặt ra hàng loạt chuyện hư cấu về cuộc đời của họ tại Tp HCM.

Hôm đó, tác giả đã gặp James trên Yahoo Mesenger. Linh giới thiệu với James tác giả là một người nghiên cứu về quan hệ vượt phạm vi quốc gia. Một điều ngạc nhiên là James lại tỏ ra quan tâm đến dự án nghiên cứu của tác giả. Cả hai đã giữ liên lạc qua emai, chat trên mạng, và thư qua bưu điện hơn sáu mươi lần trong khoảng tháng Bảy 2006 đến tháng Tám 2007. Vào tháng Tám 2007, tác giả đã gặp mặt James ở một quán cà phê tại Quận Nhất. Người đàn ông sau mươi bảy tuổi người Úc đã quyết định làm “Tây ba lô” suốt quãng đời còn lại.

Trong những lần trò chuyện, James mô tả về Linh như sau.

“Cô ấy là một người lương thiện, cứng cỏi, chính trực. Cô biết không, Linh mới học tới lớp sáu, nhưng biết nói tiếng Anh khá thông thạo. Chúng tôi trao đổi với nhau về nhiều chuyện. Tôi yêu Linh nhiều lắm và tôi muốn sự tốt lành nhất cho Linh. Cô ấy là một phụ nữ tinh nhanh, thông minh sống ở một nước nghèo không có được nhiều cơ hội. Tôi muốn giúp Linh mở thương vụ riêng, tự lập, không phải đi làm ở quán bar nữa.”

Qua những điện thư trao đổi, James không hề nói tới chuyện lấy tiền mua khoái lạc mà coi quan hệ vói Linh là tình yêu thực sự. James khẳng định mình yêu Linh và tin rằng Linh yêu mình thực sự. James tin chắc rằng chính James sẽ là người “cứu” Linh ra khỏi cuộc đời cô gái bán bar.

Tất cả những đức tính James gắn cho Linh như lương thiện, cần cù, liêm chính đã khuyến khích James gởi một số tiền lớn cho Linh mà không đặt câu hỏi về những câu chuyện cần tiền Linh đã kể. James thông cảm với Linh vì, như James nói, “là một đàn ông ở nước tiên tiến với quá nhiều đặc quyền, tôi cảm thấy giúp người là điều quan trọng.”

Quan hệ khách-gái đi khách ở khu mại dâm bậc trung diễn ra ở nhiều nơi như tại quán bar, tiệm cà phê, nhà hàng, khách sạn, và trên mạng Internet. Những quan hệ loại này có thể ngắn hạn như chuyện bán sex lấy đô-la hay những quan hệ dài hạn. Tác giả gọi hoạt động mại dâm loại này là “làm việc quan hệ riêng tư” vì cả hai bên, khách và gái đi khách, đều chia sẻ với nhau những câu chuyện về cuộc đời riêng của họ (dù thực hay không thực). Trong đa số các cuộc gặp gỡ giữa khách và gái đi khách, ngay từ đầu, giá cả đã rõ ràng cho dịch vụ tình dục. Tuy nhiên, khi quan hệ đôi bên phát triển, sự quan tâm riêng tư và phục dịch tình dục trở nên tròng chéo một cách phức tạp với quan hệ kinh tế. Khi những quan hệ này chuyển từ khách-gái đi khách sang nhân tình-nhân tình, gái đi khách không tiếp tục dùng bao cao su là một hình thức bày tỏ sự chăm sóc người tình. Về mặt khách mua dâm, những dịch vụ nào đáng hậu đáp bằng tiền hay tặng vật là điểm không rõ ràng lắm. James thường mua quần áo, nữ trang cho Linh; tuy nhiên, một phần rất lớn những sự giúp đỡ vật chất cuả James cho Linh là gởi tiền như là để đưa Linh ra khỏi sự nghèo đói.

Tác giả gặp lại Linh vào tháng Tám, 2009 tại Tp HCM để tìm hiểu xem đời Linh đã thay đổi thế nào. Linh và James lấy nhau vào năm 2007, Linh đã có chiếu khán xuất cảnh đi Úc sau một năm rưỡi chờ đợi. Trong bữa tiệc tiễn đưa, tác giả hỏi, “Chị có yêu James không?” Trả lời, bằng tiếng Việt trộn lẫn tiếng Anh như Linh thường thực tập để chuẩn bị xuất ngoại:

“Tụi em đã trải qua bao nhiêu là khó khăn và anh ấy làm hết sức để em có được visa. Dạ, bây giờ thì em yêu anh ấy. Trong đời này hên xui thôi, em cảm thấy rất may mắn.”

Trong dự án nghiên cứu của tác giả, đa số khách và gái đi khách ít nhất đều có cố gắng giữ mối quan hệ như tình nhân cách xa, nhưng chỉ có một số nhỏ có thể giữ được quan hệ vượt không gian, thời gian, và nhiều rào cản quốc gia – cấm đoán việc di cư. Tính đến tháng Sáu, 2009 chỉ có năm trên ba mươi mốt phụ nữ trong nghiên cứu của tác giả đã có giấy xuất cảnh đi lập gia đình. Mười sáu ngươi khác tiếp tục làm việc ở những quán bar hay về quê lấy chồng. Tác giả không liên lạc được với 10 người còn lại.

Mối quan hệ của Linh và James cho thấy gái đi khách bậc trung, trong khi hành nghề, đã qua lại hai vùng kinh tế và tình cảm một cách có ý thức. Tác giả cho rằng chính sự không cân bằng kinh tế-xã hội – và cả những thảo luận đạo đức về vấn đề này – đã làm cho đường biên giới kinh tế-tình cảm có nhiều lỗ hổng. Linh và James ban đầu gặp nhau như gái đi khách-khách, Linh cùng lúc đã có nhiều nhân tình đến khi có giấy xuất cảnh, và cuối cùng Linh đã yêu James. Cái nhãn “nghèo” của nước Việt Nam cho phép Linh và những phụ nữ cùng cảnh ngộ, đóng vai nạn nhân của sự đói nghèo trên thế giới, gây được sự cảm thông, và nhận được tiền giúp đỡ đều đặn từ vài người đàn ông nước ngoài như James. Biết nói tiếng Anh, thông thạo đường đi trong không gian lạ, đóng được vai người hướng dẫn du lịch, và đưa cả tình yêu và sự cảm thông đến với khách là những nhân tố đã gầy dựng và giữ được mối quan hệ xuyên quốc gia loại này. Có nhiều tình nhân một lúc là điều kiện cho phép Linh chọn lựa người mình sẽ phục vụ và chọn lựa cả nước nào Linh muốn di cư đến sinh sống trong tương lai. Tương tự, James dựa vào những bất bình về sự không công bằng kinh tế-xã hội toàn cầu để giải thích cho việc Linh đi vào đường mại dâm. James và những người đàn ông như ông đã biết tận dụng những khả năng về quan hệ và tình dục tại một quốc gia đang phát triển như Việt Nam ở đó họ biết tiền có thể mua cả hai, nhiều tình dục hơn và giúp được những phụ nữ họ xét là đáng được giúp đỡ.

Những câu chuyện giữa những người đàn ông và đàn bà như James và Linh đã chứng minh những phụ nữ tưởng như hoàn toàn bất lực có thể khai thác được những hệ thống áp bức trên toàn cầu và tại bản xứ bằng cách tư bản hóa được những liên hệ vượt phạm vi quốc gia và hoạt động tình dục có quan hệ với niềm hy vọng sẽ di cư sang sống ở một quốc gia khác có nhiều cơ hội hơn, và nếu “may mắn” họ còn có thể biết yêu.

(Còn tiếp)

© 2012-2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Bài đăng lần đầu 23/5/2012. DCVOnline minh hoạ.

1 Comment on “Em không phải là hạng gái nhơ nhớp thấp hèn (P3)

  1. VẤN NẠN XÃ HỘI

    Có ba vấn nạn xã hội quan trọng luôn luôn có : nạn thất nghiệp, nạn phạm pháp, nạn mãi dâm. Ngày nay cả các nước phương Tây lẫn các nước phương Đông, nhất là các nước thuộc thế giới thứ ba hay các nước đang phát triển đều không thoát khỏi được các vấn đề này.

    Bài phóng sự của tác giả cho thấy đó là một thiện chí tìm hiểu thực tế hiện nay tại Việt Nam, đặc biệt tại Saigon như khu Tây ba lô chẳng hạn. Đây là ý nghĩa của điều tra khoa học hay xã hội học. Biết là việc đầu tiên để quan tâm chú ý, sửa chửa, cải thiện, còn làm được tới đâu, kết quả ra sao lại là chuyện khác.

    Nhớ hồi 1945 cách mạng tháng 8 mới khởi, đi đâu cũng nghe người ta tuyên truyền về một xã hội tốt đẹp, không còn trộm cắp, phạm pháp, không còn nhà tù, chỉ có nhà thương và trường học, chỉ có cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Đến sau năm 1975 người ta lại rùm beng lên án mọi tệ nạn xã hội như xì ke hút xách, mấy trăm ngàn đĩ điếm chính là tàn dư của chế độ Mỹ Ngụy còn lại, sẽ đẹp bỏ được tất cả, xã hội sẽ là xã hội đồng đều không giai cấp, xã hội giải phóng tất cả mọi bất công áp bức.

    Song tất cả mọi điều đó cuối cùng lại cũng chỉ thành là những ước mơ, những ảo tưởng, những tuyên truyền ngây thơ hay cố ý với các mục tiêu nhất định. Sự thật luôn không hoàn toàn đi với các suy nghĩ của con người, khách quan vẫn là khách quan, chủ quan vẫn là chủ quan, thực tế xã hội vẫn luôn là thực tế xã hội và bao giờ vẫn có những vấn nạn riêng của nó. Nên biết đúng biết khách quan mới luôn là chìa khóa ít nhiều giải quyết thực tại, mơ hão viễn vông đều chỉ là sự ngây ngô, lừa dối hay sự dốt nát. Mọi sự ảo tưởng xã hội đều không bao giờ mang lại kết quả gì, chỉ có các đầu óc thiện chí, khoa học, khách quan, tích cực mới có thể mang lại được mọi điều gì có ích cho xã hội và tất cả mọi người.

    Nên nói tới vấn đề công ăn việc làm hay vấn đề thất nghiệp trong xã hội là nói đến ý nghĩa phát triển kinh tế, đồng thời cũng nói đến ý nghĩa tâm lý xã hội. Nói đến nạn phạm pháp, mại dâm cũng thế. Kinh tế vẫn luôn là cái cốt lõi, nhưng tâm lý xã hội hay nền tảng của giáo dục nhân văn cũng là là ý nghĩa quan trọng không kém. Không thể có cái này mà thiếu cái kia, hay không chỉ có một trong hai cái mà đủ.

    Nhưng nói đến phát triển kinh tế không phải chỉ theo cảm tính, thị hiếu, kinh nghiệm thông thường mà đủ hay có thể hiệu quả mà ý nghĩa chính là trên nền tảng cơ sở phát triển khoa học kỹ thuật, nền tảng xã hội là văn hóa và giáo dục. Phát triển kinh tế bằng mọi giá, đó chỉ là ảo tưởng và tai hại. Phát triển kinh tế kiểu ý thức hệ, hi sinh quá nhiều mặt mà lợi ích chẳng bao nhiêu hay ngược lại nhiều ý nghĩa nhân văn. Còn giáo dục và văn hóa cũng thế, ý nghĩa vẫn luôn là trên nền tảng khoa học, khách quan, trung thực, không phải chỉ là sự tuyên truyền bề ngoài, nhồi nhét giả tạo, thậm chí chỉ là sự dụ hoặc hay thậm chí dối trá.

    Bởi thế khoa học, tư tưởng, đạo đức vẫn là các yếu tố hay ý nghĩa tối thiết yếu cho mọi vấn đề xã hội hay mọi vấn nạn xã hội. Vì tính cách của khoa học luôn chính xác, khách quan, hiệu quả, có hệ thống, có giá trị chân xác. Ý nghĩa của tư duy hay tư tưởng là bản chất bao quát, đầy đủ, toàn diện, tuy không hoàn toàn cụ thể nhưng lại có thể rơi vào chỗ lập luận đúng hay sai, đạt chân lý hay chỉ phản sự thật, chân lý. Tính cách của mọi ý thức hệ sai trái là tính cách phi chân lý hay phản chân lý như thế. Chỉ có những tư duy triết học đúng đắn, khách quan, chừng mực, mới thật sự là những tư duy triết học hữu ích, tiếp cận chân lý, đồng dạng và thuận chiều với ý nghĩa khoa học thật sự.

    Thực tế hay thực tiển là thước đo chân lý, nhưng phải hiểu đúng, không thể hiểu sai, hiểu thiếu sót, hay hiểu theo cách ngụy biện, gian dối, tà ý về điều đó. Cũng thì một câu nói mà hiểu trật hay có ý đồ ngụy biện, gian giảo đều mang lại các hệ lụy trái ngược. Thực tiển đó phải là kết quả tốt đẹp, khách quan, tự nhiên, không phải thực tiển ngụy tạo, giả dối, ép uổng nào đó. Chân lý cũng là chân lý trên nền tảng khoa học, triết học đúng đắn, không phải chân lý theo kiểu chủ quan, cảm tính, hạn hẹp, ngụy biện, giả tạo, lừa dối, ảo tưởng, không tưởng thực sự. Kiểu Mao Trạch Đông hay nói thực tiển là thước đo của chân lý là kiểu nói gian xảo kiểu như thế, và mọi đồ đệ của Mao cũng đều chịp theo cách gian giảo và ngụy tín như thế.

    Cho nên thực tiển là thực tiển con người, thực tiển xã hội. Đó là thực tiển nhân văn, thực tiển phát triển mọi mặt đích thực mà không phải chỉ là những sự trình diễn bề ngoài giả dối nào đó nhất định. Mọi sự giả dối trong xã hội đều nguy hại vì giả tạo. Nó chỉ phỉnh gạt được mọi người cách nhất thời mà không bao giờ lâu bền hay có thực chất. Bởi vậy mọi sự tuyên truyền chính trị giả tạo đều là sự đầu độc nhân quần một cách tởm lợm, nguy hại mà không gì khác. Văn hóa phải đi đôi với khách quan, với khoa học, với thực chất chính là như thế. Nên phải biết bản chất xã hội, bản chất con người một cách đúng đắn, đó mới là ý nghĩa khoa học, ý nghĩa hiệu lực, không phải ý nghĩa kiểu không tưởng hay ảo tưởng trong các loại ý thức hệ giả tạo.

    Trong con người và xã hội luôn luôn có ý nghĩa bản năng, đó là điều không thể tránh được, bởi bản năng là từ thiên nhiên mà ra, từ yêu cầu khách quan của quy luật tồn tại và phát triển mà có, không thể bao giờ triệt tiêu được, cho dù tiến hóa hay phát triển tới đâu cũng thế. Trong các bản năng đó có bản năng tính dục và bản năng cạnh tranh là hai bản năng quan trọng nhất. Bởi tính dục là yêu cầu truyền giống, yêu cầu chủng loại. Cạnh tranh là yêu cầu sinh tồn, yêu cầu phát triển. Thế nên tính dục chỉ tốt xấu về mặt đạo đức xã hội, bản thân, không tốt xấu về mặt bản chất thiên nhiên hay tự nhiên của nó. Thước đo của đạo đức luôn là thước đo từ xã hội, từ phẩm chất bản thân, từ văn hóa nói chung, không phải là thước đo chủ quan bất nhất nào đó mà mọi người đều có thể có được. Cạnh tranh cũng vây. Cạnh tranh hợp đạo đức hay không trái đạo đức là cạnh tranh tốt. Cạnh tranh phi đạo đức, phản đạo đức là cạnh tranh phi nhân. Mác lên án xã hội tư sản, xã hội tư bản là chỉ có cạnh tranh, nhưng Mác chỉ nhìn ra khía cạnh tiêu cực mà không nhìn thấy mọi khía cạnh tích cực của nó. Nên quan niệm kinh tế tập thể kiểu máy móc, quan niệm kinh tế kiểu xã hội vô sản, kinh tế xã hội kiểu không tưởng, đó không những là sự dại dột mà còn là sự ngu dốt của Mác. Cải thiện, cải biến xã hội tư bản theo chiều hướng hoàn hoàn thiện hơn, tốt hơn, ý nghĩa hơn, hiệu lực hơn, tốt đẹp hơn, đó là một thử thách. Nhưng tiêu diệt xã hội tư sản, xã hội tư bản theo cách thị hiếu riêng, không những chẳng bao giờ làm được vì trái với lẽ tự nhiên khách quan mà con gây bao nhiêu tệ hại và hi sinh vạn lần vô ích.

    Do đó cạnh tranh tích cực là cạnh tranh xây dựng xã hội. Cạnh tranh tiêu cực là cạnh tranh phá hoại, hủy hoại xã hội. Cạnh tranh theo hai khía cạnh này luôn luôn có mặt ở khắp nơi, mọi thời, mọi lãnh vực, địa hạt, nhưng tựu trung chỉ đều có hai ý nghĩa như thế. Xã hội cộng sản của Mác nhằm hủy hoại cạnh tranh chính đáng, tự nhiên, nhưng lại đẻ ra những loại cạnh tranh ngược chiều khác, đó là cạnh tranh quyền lực, cạnh tranh lợi ích, cạnh tranh giả tạo, giả dối. Điều đó cho thấy tại sao hiệu lực thật của phát triển luôn luôn bị khựng lại, bị teo tóp về mọi, trong nhiều lãnh vực. Có nghĩa xã hội và con người chẳng khác dòng nước, chẳng khác mọi cây cỏ sống thực. Chặn giả tạo điều này nó sẽ chảy theo giả tạo điều khác, chặn giả tạo điều này nó sẽ phát triển giả tạo theo chiều khác. Cái thiển cận, ngu dốt, giả tạo trong lý thuyết của Mác khiến làm xã hội giả tạo và èo uột theo mọi dạng chính là như thế. Phát triển kinh tế là phát triển do tài nguyên tự có, do nổ lực cạnh tranh sống còn, do hàm lượng của trí óc, do phát triển khoa học kỹ thuật, do điều kiện xã hội thuận lợi hỗ trợ, do giáo dục dẫn hướng, không phải là những mơ mộng hão huyền, ngụy tạo, giả dối hay không thực tế.

    Nên phát triển kinh tế không luôn luôn chưa đủ. Sự bảo về môi trường, sự công bằng xã hội đều luôn là những yếu tố không thể thiếu. Bảo vệ môi trường là yếu tố sống còn của chủng loài. Sự công bằng xã hội không phải sự cào bằng kiểu máy móc giả tạo theo cách toán học mà là tạo điều kiện phát triển đồng đều cho mọi cá nhân, mọi tài năng một cách hiệu quả và tích cực nhất. Quan điểm đấu tranh giai cấp ngu xuẩn của Mác đã làm thiệt hại bao nhiêu tài năng của xã hội, tức cũng là thiệt hại toàn xã hội. Nó là sự đi ngược lại chính yêu cầu hạnh phúc của cá nhân, vì sự triệt tiêu mọi cơ hội phát triển đồng đều. Cuối cùng mọi lợi lộc xã hội chỉ rơi vào tay thiểu số có khi kém tài năng, kém phát triển, đó là sự thiệt hại chung nhất mà cả một xã hội đều phải gánh chịu. Tính cách phi khoa học, phản khoa học, phản thực tế xã hội mà học thuyết Mác vì mọi ảo tưởng, mọi ngụy tín đã tạo ra là như thế. Con người không phải ai cũng siêng năng, tích cực trong xã hội. Nên cơ hội phát triển đồng đều là yếu tố tốt nhất cho mọi tài năng, mọi thiện chí tích cực phát triển. Trái lại mọi xã hội độc tài đều chủ quan, đều giả tạo, nó luôn luôn hạn chế hoặc triệt tiêu cơ hội phát triển đồng đều của số đông, của toàn xã hội, mà chỉ nhằm bảo vệ nhóm thiểu số, đó không chỉ là bất công mà còn phi nhân, phi xã hội trong chính cuộc sống xã hội. Như vậy cũng có nghĩa tạo công ăn việc làm cho tất cả mọi người tùy năng lực, tài năng của họ, chính là yếu tố thiết yếu và thước đo hàng đầu của ý nghĩa phát triển kinh tế xã hội. Không quyết tâm đạt điều đó được tối đa nhất đều chỉ là tiêu cực hay bất lực trong mọi công cuộc phát triển xã hội thật sự.

    Trở lại vấn đề đĩ điếm. Đây là vấn đề muôn đời không bao giờ hết, đĩ điếm nam cũng như nữ, chỉ là đĩ điếm nữ mang tính cách đa phần và thường xuyên hơn. Đó là hậu quả của ý nghĩa bản năng và ý nghĩa sự nghèo khó kinh tế, sự thất nghiệp. Bản năng tính dục là điều không bao giờ hết hay triệt tiêu được trong xã hội. Ý nghĩa của thất nghiệp cũng không bao giờ loại bỏ được một cách tuyệt đối trong xã hội. Như vậy nạn đĩ điếm thật ra luôn tồn tại. Vấn đề chỉ là cải thiện nó, tìm lối ra tương đối hiệu quả và khách quan cho nó, không thể đạo đức giả, ảo tưởng giả tạo vậy thôi. Đây là ý nghĩa cần nhìn khách quan theo nhãn quan khoa học, nhãn quan triết học, không thể chỉ kiểu cảm tính hay kiểu đạo đức giả tạo. Dĩ nhiên đây là một tệ nạn cá nhân cũng như xã hội, nhưng phải làm sai giải quyết nó theo cách tương đối nhất, không thể bao giờ tuyệt đối. Bởi ai cũng thấy trong tệ nạn này có sự suy đồi về đạo đức xã hội, về nhân phẩm cá nhân, về những hậu quả sức khỏe, giống nòi, nói chung về y tế, về văn hóa, về nhân văn, đó đều là những ý nghĩa đáng nói nhất. Tình dục là yếu tố tự nhiên, bởi vì nó đến từ bản năng, không ai lẫn tránh được, nm nam cũng như nữ, nhưng vấn đề là thực hành nó ra sao đó mới là ý nghĩa đạo đức cá nhân lẫn đạo đức xã hội. Nói khác ý nghĩa tâm lý, ý nghĩa kinh tế chính là ý nghĩa cốt lõi của nạn đi điếm. Khi nào xã hội có yêu cầu, xã hội có đáp ứng, thế là ý nghĩa của thị trường phải và được đặt ra, ý nghĩa của đĩ điếm cũng thế. Thanh niên mới lớn hay người độc thân, dù nam hay nữ đều có yêu cầu tự nhiên về tình duc. Nhưng cái khắc chế không phải tự bản thân họ mà chỉ yêu cầu đạo đức xã hội và ý nghĩa cân nhắc của bản thân. Đó là nền tảng duy nhất về mặt tâm lý, ý thức, hay mặt tâm lý học và đạo đức học thuần túy. Thế nhưng quyết định thứ đến chính là ý nghĩa nghề nghiệp hay công ăn việc làm. Sự nghèo khó về kinh tế khiến một số nữ giới rơi vào cảnh bất nhân này. Còn tâm lý ăn bánh trả tiền chỉ là tâm lý tự nhiên của con người, nhất là đàn ông. Thiên nhiên dùng tình dục để nhân giống loài người, song thiên nhiên cũng dùng xã hội để thăng hoa tình dục thành tình yêu đối lứa, tình cảm khác phái. Ngay thiên nhiên có khi cũng không hoàn chỉnh như trường hợp đồng giới tính, thế thì thử hỏi cá nhân con người và xã hội có bao giờ tuyệt đối hòn chỉnh được. Nên nạn đĩ điếm chỉ là sự lạm dụng đáng thương nào đó trong xã hội. Nó chỉ có lợi dụng để thỏa mãn bản năng tự nhiên, thỏa mãn yêu cầu kinh tế, không bao giờ là tình yêu theo đúng nghĩa hay tính cách nhân văn, văn hóa theo đúng nghĩa. Bởi khi có được tình yêu đúng nghĩa, nó liền thoát ra, giải phóng khỏi chốn lầu xanh, đĩ điếm như trường hợp nàng Kiều và Từ Hải, để đi đến một tình yêu mang tính nhân văn, thăng hoa nào đó.

    Nói chung lại, mọi vấn nạn xã hội đều chỉ là vấn nạn về con người và về xã hội. Vấn nạn là những tình thế đặt ra để cần giải quyết. Nhưng không phải trong xã hội mọi người ai cũng thích giải quyết những vấn đề xã hội, những vấn nạn xã hội. Giới bình dân hay mọi người bình dân, bình thường đều luôn luôn thế. Đó thường xuyên là ý thức tầm thường của xã hội. Chỉ duy những phần tử tinh hoa trong xã hội như nhà khoa học, nhà triết học, nhà chính trị chân chính mới thường hay quan tâm, suy nghĩ hay nhằm giải quyết trước tiên nhất về các vấn đề chung này. Cho cho nên khuynh hướng bình đân, chủ nghĩa bình dân trong chính trị xã hội vẫn chưa hẳn là những khuynh hướng tốt, quan niệm tốt. Chính ý thức về những lực lượng tinh hoa trong xã hội mới là điều tốt. Nhưng chỉ khi nào một cơ chế xã hội tự do dân chủ đúng nghĩa mới đi gần lại những hiệu quả tinh hoa của xã hội, trái lại những cơ chế độc tài thì chẳng dễ dàng gì được thế. Bởi vì con người hay xã hội luôn luôn có những bản năng không lành mạnh, như bản năng quyền lực, bản năng ích kỷ, bản năng lợi dụng tình huống, bản năng mánh lới, giả trá, những cái đó đều phi nhân văn xã hội, phi chính trị chân chính. Nên vì thế xã hội, chính trị, và có khi cả kinh tế cũng luôn luôn có hai mặt, mặt tiêu cực và mặt tích cực. Mặt tiêu cực là mặt ăn bám, lợi dụng xã hội. Mặt tích cực là mặt xây dựng, đóng góp, cải thiện xã hội trong phương diện này hay phương diện khác. Nên đám đông thường chỉ tâm lý hùa theo, mặt quyền lực cũng như mặt quan điểm hay dư luận xã hội, đó là điều mà chính trị phi chân chính, chính trị độc tài độc đoán luôn luôn hay thường hay lợi dụng được. Nên nếu chính trị là thống sói, chính trị trên đầu súng theo cách họ Mao nói, chính trị đó chỉ chân chính khi bản thân nó là chân chính. Nhưng nếu bản thân nó là phi chân chính, phi khách quan, đó là đại họa cho xã hội và cho lịch sử nói chung. Đó là chưa nói súng ống hay vũ khí, vũ lực, bạo lực đều luôn chỉ là những công cụ phi nhân. Chỉ có giáo dục đúng nghĩa, khoa học đúng nghĩa, nhận thức đúng nghĩa, đó mới thật sự là những giá trị nhân văn tuyệt đối của lịch sử muôn đời của xã hội loài người thế thôi.

    ĐẠI NGÀN
    (18/8/16)