Sử học, đọc vài cuốn (Kết)

Nguyễn Văn Lục

sudia26Thứ nhất, số lượng tài liệu do gs Nguyễn Thế Anh để lại tương đối nhiều hơn điều tôi dự tưởng. Có lẽ cũng đã đến lúc cần phải làm sưu tập đầy đủ.

Sử học, đọc vài cuốn của giáo sư Nguyễn Thế Anh

(Tiếp theo P1)

Thứ hai, cũng cần nêu bật những chủ đề chính mà ông Nguyễn Thế Anh từng quan tâm và biên soạn.

Dựa vào một tác phẩm của một sử gia người Pháp, chúng tôi xin tóm lược một cách khái quát hành trình viết của gs Nguyễn Thế Anh trong chừng mực có thể.

Nguồn:  Les Indes savantes (2008)
Nguồn: Les Indes savantes (2008)

Cuốn sách của sử gia Philippe Papin biên soạn nhan đề “Parcours d’un historien du Viêt Nam: recueil des articles écrits par Nguyễn Thế Anh. Les Indes savantes 2008.” (Hành trình của một sử gia Việt Nam, Tuyển tập những bài viết của Nguyễn Thế Anh. NXB Les Indes savantes phát hành năm 2008 )

Sách dày hơn 1000 trang. Tôi nghĩ nó tạm đầy đủ. Cuốn sách đã giúp cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về các bài biên khảo Sử của gs Nguyễn Thế Anh. Nhờ cuốn sách này, người đọc có thể nắm được khá chính xác các chủ đề chính của Nguyễn Thế Anh.

Cái lợi thế duy nhất và chắc chắn của tác giả Nguyễn Thế Anh là các tài liệu của ông viết về Nhà Nguyễn Việt Nam phần lớn đều bằng tiếng Pháp. Cái lợi thế ấy đã làm nên sự nghiệp nghiên cứu của ông mà người khác muốn cũng không có được

Nhiều cuốn sách nghiên cứu Sử, nếu chỉ viết bằng tiếng Việt, sẽ khó được người ngoại quốc lưu tâm cho đủ, nhất là vào các năm 1960, 70, 80. Chúng đã không được người nước ngoài biết tới vì viết bằng tiếng Việt. Vì viết bằng tiếng Pháp nên ông Nguyễn Thế Anh được người ngoại quốc đọc và biết đến ông ngay từ lúc khởi nghiệp. Và ông lại được Cựu giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) tại Hà Nội, thông thạo tiếng Việt, biên tập cho quyển “Tuyển tập những bài viết của Nguyễn Thế Anh”.

Philippe Papin (bìa phải) giới thiệu cuốn sách mới nhất của ông với sự hiện diện của ông Nguyễn Thế Anh. Nguồn: http://alasweb.free.fr/
Philippe Papin (bìa phải) giới thiệu cuốn sách mới nhất của ông với sự hiện diện của ông Nguyễn Thế Anh. Nguồn: http://alasweb.free.fr/

Trong khi ngược lại, chính người Việt Nam, nhất là một số sử gia trong nước, hầu như thiếu có cơ hội [và khả năng?] tiếp cận với dòng sử Việt viết bằng tiếng Pháp của ông, nên hầu như it ai quan tâm và biết đến Nguyễn Thế Anh.

Nhưng ngoài ra, người Tây Phương cũng quên một điều, một điều không kém quan trọng, là cái phần bất lợi về phía Nguyễn Thế Anh về ngôn ngữ cũng không phải là không có.

Ông thiếu khả năng đọc các tài liệu bằng tiếng Tàu nên thiếu hẳn một mảng tài liệu quan trọng về tài liệu của nhà Thanh có liên quan đến thời kỳ Tây Sơn cũng như triều đình nhà Nguyễn.

Điều này, người ta chỉ thực sự nhận thức được một cách rõ ràng khi một số tài liệu nguyên bản gốc bằng chữ Hán được bạch hóa. Và sau đó, cần đánh giá lại toàn bộ các bài viết của một số tác gia viết sử Việt liên quan đến nhà Thanh.

Không biết chữ Hán cổ, không đọc được tài liệu của sử nhà Thanh, người đọc sử chỉ biết được một phần mà phần đó chưa chắc đã là thật.

Các bài khảo cứu của ông Nguyễn Thế Anh hẳn là chưa đầy đủ về bốn mặt sau đây:

  1. Không xử dụng sử liệu của Tàu đời nhà Thanh.
  2. Không xử dựng đúng mức các châu bản triều Nguyễn đã được dịch ra tiếng Việt từ năm 1959 do Đại Học Huế thực hiện, qua các đời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.
  3. Hoàn toàn không xử dựng các ‘Lá thư Thừa sai Ba Lê’ vốn là một bộ mặt khác với thực dân Pháp, một thứ nhân chứng tại chỗ, cũng cần được lưu tâm.
  4. Về mặt học thuật, tôi không nhận được một cách minh nhiên hay tiềm ẩn về sử quan hay quan điểm của tác giả. Và đây là điều làm tôi thất vọng nhiều nhất.

Chúng tôi hiểu hoàn cảnh của tác giả, và nhiều người viết sử không biết chữ Hán cổ.

Hầu hết các sử gia Tây Phương, chính yếu là người Pháp, thì cũng chẳng ông nào biết chữ Hán. Thậm chí, sống ở Việt Nam, tiếp cận văn hóa Việt Nam, nhưng chữ Việt chỉ biết nói dăm ba câu. Những bài nghiên cứa của họ có thể có giá trị ở thế kỷ trước khi Sử học chưa phát triển ở Việt Nam? Nay nhìn lại, tôi không muốn đọc lại các tác giả Pháp đã một thời viết về Việt Nam những năm 1945, 1960.

Cũ, nghèo nàn, thiếu cập nhật tư liệu là những yếu tố làm cho các tác phẩm về sử bị bỏ qua. Đọc Nguyễn Thế Anh đôi lúc cũng không tránh khỏi sự so sánh xa gần đến các sử gia Pháp cùng thời. Ông viết như Tây viết. Trong khi ngày nay, các sử giả Mỹ khi nghiên cứu sử Việt Nam thì trước hết họ học chữ Việt, chữ Hán cổ cho vững trước khi bước vào nghiên cứu.

Nghiên cứu Phật giáo thì phải học Phạn Ngữ trước đã.

Mặc dầu như vậy, một sử gia có uy tín của Mỹ, Ông Keith W. Taylor cùng Frederic Mantienne đã biên tập một số luận văn vinh danh ông Nguyễn Thế Anh qua cuốn “Monde du Viet Nam – Vietnam World, a book of essays to honor Professor Nguyen The Anh”, Editors: Frederic Mantienne và Keith Taylor (Paris: Les Indes Savantes, 2008).

© INDES SAVANTES 2008
© INDES SAVANTES 2008

Đây là một cuốn sách vinh danh gs Nguyễn Thế Anh có nhiều người góp mặt. Hẳn là một vinh dự cho cá nhân ông Nguyễn Thế Anh.

Trong lời giới thiệu tác phẩm, sử gia Keith W. Taylor, cũng là một tên tuổi lớn, đã nhận định các công trình khảo cứu dòng Sử Việt của Nguyễn Thế Anh sẽ góp phần cho các sử giả Việt Nam một nguồn tài liệu vừa phong phú, vừa có tính cách mới mẻ (modern), vừa có tư tưởng hàn lâm (academic thoughts), trải rộng ra nhiều loại đề tài mà không mang tính cách giáo điều (form of dogma).

Nhưng cả cuốc sách chỉ có một bài duy nhất của giáo sư Trịnh Văn Thảo đi sát và giới thiệu tới những tác phẩm của gs Nguyễn Thế Anh như một cách giới thiệu trong bài của ông, “Lire Nguyen The Anh. À la recherche d,une monarchie perdue.”(5) (Đọc Nguyễn Thế Anh. Đi tìm một đế chế đã mất.)

Chẳng hạn một trong những đề tài nghiên cứu chính của Nguyễn Thế Anh là việc tìm hiểu nhà Nguyễn, Gia Long. Quan điểm của ông không phải là chủ trương bài ngoại bằng cách đề cao những anh hùng chống đối bằng bạo lực. Nhưng ông đã chọn lựa một thái độ tích cực mở ra thế giới bên ngoài bằng một thái độ ôn hòa chờ đợi những giải pháp thương lượng và cải tiến. Có lẽ đây là quan điêm tôi thấy được khi đọc Nguyễn Thế Anh.

Quan điểm này cũng được Bruce M. Lockhart viết một bài nhan đềVue d’ensemble sur l’étude des Nguyen depuis 1954.(6)

Ông cho rằng triều đình Gia Long và những người kế nhiệm đã chịu nhiều sự phê phán nặng nề nhưng lại thiếu những nghiên cứu nghiêm chỉnh. Và ngay cả các tác giả Tây Phương thì cũng có khuynh hướng đề cao việc chống Pháp như một giải pháp như không có giải pháp nào khác.

Quan điểm chính trị ấy trong việc nhìn lại triều Nguyễn của ông hẳn là đối lập hoàn toàn với cái nhìn của người viết sử thuộc chế độ Cộng sản Việt Nam. Họ bài xích triều đình nhà Nguyễn là bán nước, đề cao Tây Sơn là anh hùng và vì thế nhà Nguyễn bị loại trừ ra khỏi mọi loại bài viết,

Nhận xét về tác phẩm của Nguyễn Thế Anh, trong loạt bài “Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long”, ở Chương I, Nhu cầu viết lại lịch sử thời Pháp thuộc, Thuỵ Khuê viết,

“Nguyễn Thế Anh trong Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ (Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1970), dùng phương pháp nghiên cứu khoa học hơn, đã đưa ra những khám phá mới, tuy nhiên trong cuốn sách này, ông vẫn chỉ dựa vào tài liệu Pháp. Đến cuốn Monarchie et fait colonial au Việt nam (1875-1925) Le crépuscule d’un ordre traditionnel [Nền quân chủ và vấn đề thuộc địa ở Việt Nam (1875-1925) Ngày tàn của trật tự truyền thống] (L’Harmattan, Paris 1992), ông đã có một thái độ quân bình hơn.”

Riêng về sử gia Keith W. Taylor đã có những dòng trân trọng đối với một sử gia Việt Nam. Ông viết(7):

“He pioneered the study of the Nguyen dynasty long before it became fashionable to do so. This was the only major Vietnamese dynasty not based in Hanoi; it was a ‘southern’ dynasty that could not be accommodated in a Hanoi centric historiography except as a type of disloyalty to the nation, and, thusly categorized, it was considered unworthy of study. By researching this dynasty, Nguyen The Anh did not simply indicate resistance to the romanticized xenophobic heroics of revolutionary nationalism, and he did not merely open intellectual space for other ways of conceptualizing a Vietnamese historiography, but he offered a positive content to this option, a Vietnam engaged with outside world rather than reactive and embattled, a Vietnam that had the intellectual confidence to accept and work through the inevitable confusion of rapid change and negotiated reform rather than giving in to the revolutionary temptation to set everything right with great spasms of violence.”

Hoặc nói như tác giả Trịnh Xuân Thảo nói về trường hợp Nguyễn Thế Anh trong một bài viết nhan đềÀ la recherche d’une monarchie perdue. (Đi tìm một thể chế quân chủ đã mất).

Về trường hợp ông Keith Taylor, phải nhìn nhận là ông đã có một ‘quan điểm nhìn lại’ việc biên khảo của mình về sử học. Chẳng những thế, ông có một thái độ thay đổi về lối viết sử ở Hà Nội.  K.W. Taylor không dùng loại sử như đã dùng cách đây hơn 30 năm khi ông còn là một sinh viên.

Trong phần giới thiệu cuốn “Voices from the Second Republic of South Vietnam (1967–1975)” do Keith. W. Taylor biên tập, Southeast Asia Program, Cornell University. Itheca. Newyork, phát hành năm 2014, trang web của Cornell viết

Nguồn:  www.cornellpress.cornell.edu
Nguồn: www.cornellpress.cornell.edu

“Việt Nam Cộng hòa (Miền Nam Việt Nam) thường được xem như là một thực thể thống nhất trong suốt hai mươi năm (1955-1975) với Hoa Kỳ là đồng minh chính. Tuy nhiên, chính trị trong nước trong thời gian đó theo một quỹ đạo năng động từ chủ nghĩa độc đoán sang hỗn loạn đến một thử nghiệm tương đối ổn định nền dân chủ đại nghị. Những ấn tượng rập khuôn về miền Nam Việt Nam xuất hiện trong hầu hết các tác phẩm, trong giới hàn lâm lẫn đại chúng, thường tập trung vào hai giai đoạn đầu, vẽ nên một bức biếm họa của sự tham nhũng, nền chuyên chính không ổn định và bỏ qua những gì đã đạt được trong suốt tám năm cuối.

Các bài viết trong cuốn “Tiếng nói của nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng hòa (1967-1975) là của những người đã chiến đấu để xây dựng một cấu trúc hiến định của một chính phủ đại diện cho dân trong cuộc chiến sinh tồn với một nhà nước độc tài toàn trị. Những người đã cam kết thực hiện một Việt Nam tương lai không Cộng sản Việt đặt hy vọng của họ vào nền Đệ Nhị Cộng hòa, chiến đấu vì nó, và làm việc cho sự thành công của nó. Cuốn sách này là một bước trong việc làm sáng tỏ những câu chuyện của họ.”

Khi đã coi miền Nam như một thực thể chính trị thống nhất, pháp định, thì việc cộng sản miền Bắc đánh chiếm miền Việt Nam Cộng hoà đương nhiên được các tác giả coi là một cuộc xâm lăng.

Keith W. Taylor đã có những tiếp xúc với những nhân vật chính trị miền Nam trước 1975 như một trao đổi, tham khảo. Riêng về lãnh vực sử học, ông có những đánh giá cao về những sử gia miền Nam như Nguyễn Phương, Tạ Chí Đại Trường. Cho nên, tôi không lấy làm ngạc nhiên lắm khi ông đứng ra đồng biên tập một cuốn sách vinh danh một sử gia miền Nam là gs Nguyễn Thế Anh.

Tuy nhiên trong cuốn sách “Monde du Viet Nam – Vietnam World, a book of essays to honor Professor Nguyen The Anh” này, các sử gia không nhất thiết là viết lại hoặc đề cao các công trình của Nguyễn Thế Anh. Có thể viết cùng đề tài với Nguyễn Thế Anh, nhưng họ khai triển theo cách nhìn của họ.

Như trường hợp Geoff Wade cũng viết về dân tộc Chàm, nhưng lại chuyên khảo về một khía cạnh, như trong bài của ông, tựa đề “The Ming Shi Account of Champa”(8) Một bài viết chuyên đề sâu sắc, phong phú và không dễ để đọc.

Một bài viết khác làcủa Frederic Mantienne, người đồng biên tập cuốn sách Monde du Viet Nam, nhan đề, “Les sources imprimées sur le Dai Viet en France au XVIII siècle” (Những nguồn tài liệu đã được in tại Pháp về Đại Việt vào thế kỷ 18).

Tôi rất thích bài biên khảo này, ví nó giúp hướng dẫn, giới thiệu các tài liệu vào thế kỷ 18 do người Pháp biên soạn, nhờ đó hiểu được xã hội Đại Việt như thế nào. Chẳng hạn các tác giả như Samuel Baron, Richard (abbé), Alexandre De Rhodes, Jean Baptiste Tavernier, Turpin, Pierre Poivre, John Barrow, Chapman, v.v. không kể các thư của thừa sai Ba Lê.

Thật là thích thú và mở tầm mắt khi đọc những cuốn hồi ký như của Piere Poivre (Voyages d’un philosophe ou observations sur les moeurs et les arts des peuples de l’Afrique, de l’Asie et de l’Amérique), John Barrow (A Voyage to Cochinchina, in the Years 1792 and 1793), Alexandre De Rhodes, Samuel Baron vì đây mới là đất nước con người mình, tổ tiên gần gũi đích thực của mình.

Nguồn: Cambridge University Press
Nguồn: Cambridge University Press

Thay vì chiêng trống lễ bái trước bàn thờ tổ Hùng Vương, xì xụp lạy một hình tượng vốn chỉ là một thứ bái vật được dựng nên như một thứ thần tượng ảo,phục vụ mục đích chính trị. Lịch sử một dân tộc, với đất nước và con người, đã gọi là dân tộc là toàn dân, thì việc lễ bái một vài thần tượng ảo, phải chăng là toàn dân?

Đất nước chúng ta, tổ tiên ông bà chúng ta là những hình tượng sống động do các nhà thám hiểm thế kỷ 18 đã viết lại. Đó mới là đất nước con người Việt Nam thật.

Đi xa hơn nữa, đã gọi là lịch sử một dân tộc nhưng  không thấy dân tộc đâu cả; chỉ cho tôi dân tộc ở chỗ nào. Chỉ thấy lịch sử các triều đại, chỉ thấy vua chúa tranh dành nhau hết đời này sang đời khác – lịch sử các triều vua có phải là lịch sử dân tộc không?

Và ngày hôm nay, Tổ quốc bỗng dưng mọc cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” và lịch sử đất nước là lịch sử của Nguyễn Xuân Phúc, của em Nguyễn Thị Ngân, một sinh viên văn khoa học môn sử địa vào thập niên 1970.

Vì thế, hãy đi tìm đọc các tác giả thế kỷ 18 để biết sông núi, rừng biển của chúng ta như thế nào. Và nhất là hiểu biết đời sống của cha ông chúng ta chưa ra khỏi đời sống ăn lông ở lỗ, ngu dốt và lạc hậu ra sao.

Và đấy mới thực sự là lịch sử đất nước con người Việt Nam.

Cũng quan trọng không kém bài viết của giáo sư Philippe Langlet, nguyên giáo sư đại học sư phạm Saigon, nhan đề, “Lecture de deux rapports dans les archives du règne Tu Duc (1866)”.

Tài liệu này được các chuyên viên lưu trữ tài liệu từ Paul Boudet, đến Ngô Đình Nhu thay thế đã phân loại và xếp loại tài liệu.

Nhưng phải đợi đến năm 1959, Đại Học Huế được lệnh tiếp tục công việc Khi đó Châu bản triều nguyễn chỉ còn hơn 600 tập so với 735 tập có trướn năm 1959. Đại Học Huế đã thành lập một Ban dịch thuật với sự hợp tác của Ủy Ban Nghiên cứu Đông Phương của Đài Loan, đại học Harvard Yenching và sự chỉ đạo trực tiếp của giáo sư Chen Chin Ho (tên tiếng Việt là Trần Kình Hòa), đại học Hong Kong. Các tài liệu này sau đó, ông Nhu cho chuyển hết về Đà Lạt vi khí hậu thich hợp cho việc bảo trì tài liệu.

Nhờ công trình dịch thuật này của Đại Học Huế mà ngày nay còn có được các Châu Bản Triều Gia Long, 1802, 1819, Minh Mạng, triều Tự Đức.

Đây là một công trình văn hóa đáng trân trọng mà không thể đi vào chi tiết hơn nữa.

Quả thực, triều Nguyễn trở thành trung tâm điểm cho nhưng bài biên khảo của Nguyễn Thế Anh. Xin tóm tắt một số đề tài đã được ông biên soạn như sau:

  • Về mối liên hệ với Trung Hoa về biên giới từ đầu thế kỷ 19 đến năm 1874.
  • Về mối liên hệ giữa người Xiêm La từ giữa thế kỷ 19 theo tài liệu chính thức của Việt Nam như Đại Nam Thực lục chính biên.
  • Về mối liên hệ giữa nước Anh với Việt Nam vào năm 1805 qua phái bộ Anh J. W. Roberts.
  • Về chính sách ngoại giao của triều đình vào những năm đầu thế kỷ 19.
  • Các vấn đề kinh tế và xã hội tại Việt Nam vào giữa thế kỷ 19.
  • Quan niệm về thể chế quân chủ có tính cách linh thiêng theo quan niệm cổ truyền của người Việt Nam.(9)
  • Về sự kháng cự của người Việt Nam chống lại sự bành trướng của Trung Hoa.
  • Về người Trung Hoa di cư sang sống tại đồng bằng sông Cửu Long và chính sách của triều đình Huế với cộng đồng người Hoa.
  • Về công việc Nam tiến như việc đồng hóa người Chàm (Assimilation du Champa) trong suốt nhiều thế kỷ.

Đề tài này cũng đã có nhiều tác giả viết, như: Sự thôn thuộc và khai thác đất Tầm Phong Long của Nguyễn Văn Hầu. Nam tiến Việt Nam của Nguyễn Đăng Thục. Lịch sử cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam của Phù Lang Trương Tấn Phát. Đây là một tập tài liệu khá dài và công phu.(10) Sau này, Sơn Nam dù không phải sử gia cũng tiếp nối viết: “Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam”, xuất bản năm 1973.

Vài dòng về lịch sử Nam tiến của triều nhà Nguyễn (Chúa Nguyễn)

Nếu được phép chọn lựa và đánh giá lịch sử thì tôi xin chọn cuộc Nam tiến là những giai đoạn vẻ vang và đẹp nhất lịch sửcủa dân tộc Việt Nam. Giữa chống xâm lăng, giữ gìn bờ cõi và mở cuộc Nam tiến ra khỏi sức ép của kẻ thù phương Bắc thì cái lịch sử hào hùng nhất, âm thầm nhất, đẹp đẽ nhất là cuộc Nam tiến.

Cuộc Nam tiến ấy, dựa trên chính sách đồng hóa là chính. Sau sự xụp đổ của Vijaya, Vương quốc Chàm hầu như bị loại ra khỏi vòng sinh mệnh của họ và cam phận ẩn náu nơi những vùng đất chật hẹp, cằn cỗi chướng khí.

Và nhà Nguyễn đã tuần tự sát nhập các vùng đất xưa thuộc Chàm như Phú Yên vào năm 1611. Khánh Hòa năm 1653. Và Bình Thuận năm 1693. Tất cả thời gian để tiến hành việc đồng kéo dài gần một thế kỷ. Và rồi từ đó hướng về phía Tây.

Do có sự xào xáo, tranh dành nội bộ của vương quốc Campuchia mà nhà Nguyễn chụp được cơ hội thâu tóm được Sài Gòn năm 1698. Vĩnh Long và Châu Đốc năm 1759.(11)

Nhìn lại còn nỗi vui mừng nào hơn thế nữa! Sài Gòn nay là của ta. Hà Nội hiện nay đã làm được gì để giữ lấy những mảnh đất cha ông để lại?

Tuy nhiên, triều đình Huế có những chính sách đường lối thay đổi tùy theo từng giai đoạn về sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam.

Gia Long có chính sách cởi mở với người Pháp. Nhưng đến Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức thì có đường lối bảo thủ và cứng rắn hơn với người Pháp cho đến lúc người Pháp chính thức lập chế độ bảo hộ ở Việt Nam.

Về thời gian trước khi nhà Nguyễn khởi nghiệp thì đã có một số sách của người Tây phương viết về Việt Nam như một tìm hiểu và với nhiều thiện cảm như,

  • Nguồn: Harvard University Asia Center (December 15, 1988)
    Nguồn: Harvard University Asia Center (December 15, 1988)

    “Vietnam and the Chinese Model, A Comparative Study of Nguyen and Ch’ing Civil Government in the First Half of the Nineteenth Century”, của Alexander Woodside do Harvard University Press xuất bản năm 1988

  • “L’Empire vietnamien: face à la France et à la Chine, 1847-1885” của Yoshiharu Tsuboi do L’Harmattan, Paris xuất bản lần thứ 6, năm 1987.
Nguồn:  Paris : L'Harmattan, c1987
Nguồn: Paris : L’Harmattan, c1987

Nhất là những cuốn sau đây phân tích, tìm hiểu trực tiếp thái độ của triều đình nhà Nguyễn với người Pháp như:

“The Vietnamese Response to French Intervention, 1862-1874” của Mark W. McLeod do nhà xuất bản Praeger ấn hành (ấn bản đâu tiên, 1991)

Và cuốn của giáo sư Philippe Langlet, giáo sư Đại Học Sư Phạm Sàigon trước 1975, nhan đề “L’ancienne historiographie d’Etat au Vietnam” do Ecole Francaise Extreme Orient ấn hành năm 1990

Từ đây, người viết có một số câu hỏi và vấn đề đặt ra với gs Nguyễn Thế Anh là:

  • Ông quan niệm và đánh giá thế nào giữa triều đại Gia Long và các triều đại kế tiếp?

Trong cuốn “Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ” (Lửa Thiêng xuất bản, 1971 ở Chợ Lớn và sau này nhà xuất bản Văn học phát hành ở Hà Nội năm 2008) ông bàn nhiều đến những diễn biến chính trị và chính sách của người Pháp tại Việt Nam. Về chính sách của người Pháp thì nhiều tài liệu đã nói tới rồi. Nhưng điều mà nhiều người mong đợi, nhất là người ngoại quốc, là họ muốn tìm hiểu thái độ, cách ứng xử của triều đình Huế trước việc người Pháp bắt đầu chính sách đô hộ thời Tự Đức. Cho nên triều Tự Đức có một vị thế quan trọng nhất trong giai đoạn này.

  • Ứng xử của triều đình với người Pháp ra sao?

Nhưng muốn biết được điều này, muốn nắm được tài liệu nguồn, ông cần có trong tay các châu bản triều Nguyễn, điều mà tôi được biết, ông không có cơ hội được tiếp cận. Hoăc nó chưa được đại học Huế dịch ra từ Hán Văn sang tiếng Việt.

Chỉ biết năm 1973 ông mới viết luận văn nhan đề “Le rôle des “châu-ban” dans les recherches sur l’histoire moderne du vietnam” trình bầy ở tại Đại hội Quốc tế làn thứ mười chín của các nhà Đông phương học, tại paris ngày 20 Tháng Bảy.

  • Như thế có quá trễ không?

Hoặc ông không mấy quan tâm cho đủ. Và trong trường hợp tiếp cận các tài liệu châu bản, ông vẫn có thể thêm vào cuốn sách Việt Nam thời Pháp Đô hộ. Ông vẫn dùng tài liệu của Pháp mà nhiều hơn là trình bày thái độ và chính sách của triều đình Huế như thế nào.

Theo tôi, cuốn sách “Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ” không đem lại điều chi mới lạ. Cái công của ông là sao chép lại các tài liệu của Pháp.

Vì thế, sau này có điều kiện thuận lợi hơn, những tác giả trẻ như Pierre Brocheux và Daniel Hémery đac viết “Indochina : an ambiguous colonization, 1858-1954” do University of California Press xuất bản năm 2009 ở Berkeley. Tôi nhận thức được họ đã vượt xa Nguyễn Thế Anh về mặt xử dụng tài liệu, về các con số, các bảng thống kê. Sau 50 chục năm, cuốn sách của Nguyễn Thế Anh trở thành lỗi thời. Cuốn “Indochina : an ambiguous colonization, 1858-1954” đã đưa ra từng con số về khai thác cà phê, cao su, ruộng đất, khai thác đồn điền, thương mại xuất cảng, nhập cảng, số nhân công, số xuất cảng hàng năm, tiền lời cho ngân sách. Họ cũng đề cập đầy đủ đến các công trình xây dựng đường phố, dinh thự, cầu đường, hoả xa. Các chương trình y tế công cộng, đào tạo, trường học, trường nghề.

Về các công trình xây dựng của Pháp tại Việt Nam, do tự ái dân tộc, tôi nhận thấy không một sử gia Việt Nam nào đề cập tới một cách đầy đủ.

Ngay cả cuốn sách được coi là quan trọng nhất của ông là cuốn “Monarchie et fait colonial au Viêt-Nam, 1875-1925 : le crépuscule d’un ordre traditionnel” (“Chế độ quân chủ và thuộc địa ở Việt Nam, 1875-1925: hoàng hôn của một trật tự truyền thống”).Với một tựa đề rõ ràng như thế, nhưng nó cũng không giúp gì nhiều hơn để có thể đánh giá và tìm hiểu triều đình nhà Nguyễn.

Ông Nguyễn Thế Anh cũng như một số tác giả Tây phương thường chú trọng nhiều tới những hậu quả chính trị, kinh tế cũng như xã hội của chế độ thuộc địa trên Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Anh cũng có một quan điểm trung dung, nhìn thấy tính cách phức tạp và hoàn cảnh lưỡng nan của triều đình Huế. Ông không đánh giá, phê phán một cách gắt gao các vua nhà Nguyễn.

Ông không làm cái điều mà người cộng sản một cách giản lược coi triều đình nhà Nguyễn chỉ là thứ công cụ hay chữ dùng của phía cộng sản là Bù Nhìn (fantoches) của chủ nghĩa thực dân.

Nói như người cộng sản thì dễ quá!

Xin xem thêm bài “La conception de la monarchie divine dans le Viêt Nam traditionnel”(12). Theo Nguyễn Thế Anh, các vua nhà Nguyễn, kể từ Tự Đức đã phần lớn bám vào học thuyết Khổng Tử, như một thái độ vừa chính trị và tôn giáo, theo phương cách hành xử của người quân tử, từ đó để giải quyết các khủng hoảng chính trị. Dĩ nhiên những nguyên tắc này đã thất bại. Nhưng các vua nhà Nguyễn vẫn tin chắc vào tính cách chính đáng của chế độ, nhìn ra được mối tương quan lực lượng chênh lệch và đánh giá dựa trên những giá trị tôn giáo chính trị vẫn được ngàn đời duy trì và tôn trọng.

Vì thế, có thể không nên vội vàng có sự phủ nhận và phê phán thái độ thụ động hầu như ù lì bất động của vua quan nhà Nguyễn, hoặc họ vẫn có một ngưỡng vọng trông chờ vào một giải pháp Trung Hoa vốn có do thói quen. Hoặc phê phán nặng nề triều đình Huế là phản cách mạng, kẻ đầu hàng hèn nhát, như cách đánh giá của Hà Nội thông qua Trần văn Giàu.

Và quan trọng hơn cả như một thứ kết luận về phần này là cũng như phần đông các sử gia của dòng sử chính thống, ông chỉ nói tới triều đại nhà Nguyễn và không có một dòng nào cho con người Việt Nam, những người dân chịu đựng tầng tầng lớp gánh nặng lịch sử đè nặng trên số phận của họ!

Cái bất công và khốn nạn nhất của lịch sử là để nói về đất nước và con người mà lại không có con người ở trong đó.

Giới thiệu Châu bản triều Nguyễn

Một trang Châu bản (tiếng Việt) triều Nguyễn. Cục Lưu trữ Quốc gia I.
Tờ tâu của Tổng lý đại thần Phạm Quỳnh (năm 1939) có châu phê của vua Bảo Đại. Nguồn: TT Lưu trữ Quốc gia I.

Việc giới thiệu Châu bản triều Nguyễn thời Duy Tân của ông Nguyễn Thế Anh cho thấy sự thiếu tiếp cận loại tài liệu quý giá này. Tôi nhận thấy hầu hết người viết sử Việt Nam của miền Nam cho đến năm 1975 hầu như nhiều người không biết đến loại tài liệu này. Tiêu biểu như Nguyễn Khắc Ngữ, Tạ Chí Đại Trường. Cho đến hiện nay, sau 40 năm, tôi cũng không thấy các sử gia miền Bắc xử dụng loại tài liệu này, trừ Phan Huy Lê.

Châu Bản triều Nguyễn được coi là di sản quý giá còn để lại sau 143 năm trị vị của triều đình nhà Nguyễn cho đến hết thời Bảo Đại.

Biết bao nhiêu văn bản? Biết bao nhiêu quyết đinh, biết bao chính sách, bao nhiêu Chiếu, Biểu? Đồng ý là có sự mất mát quá nhiều các châu bản này nay còn giữ lại không được bao nhiêu. Ví dụ, các tập châu bản từ triều Kiến Phúc đến Bảo Đại thì thất lạc hoàn toàn.

Cái công lớn ấy dành cho Đại Học Huế. Người có công nhiều phải kể đến giáo sư Trần Kình Hòa như nói ở trên.

Nói chung thì Châu bản có hai phần: phần tấu hay Sớ của các quan dâng lên triều đình. Và phần trách nhiệm của nhà vua là đưa ra những Sắc, Dụ hay Chiếu chỉ.

Thật ra cũng ít có ai có dịp được đọc các tấu chương này. Không phổ biến làm sao biết được? Nhờ đọc các Châu bản này, người ta có thể biết trực tiếp sinh hoạt triều chính cũng như chính sách của nhà vua như thế nào.

Một bài khảo cứu nhan đề “Chính phủ Nam triều và các nhà Cách Mạng Việt Nam qua các châu bản những năm 1910-1913” của Nguyễn Thế Anh, đã được đăng trên Văn Lang, số 3, tháng 6, 1992, pp 79, 112 và sau đó lại cho đăng trên Nghiên cứu Huế, I, 1998, pp 276, 298.

Bản chúng tôi xử dụng ở đây trích trong “Parcours d’un historien du Viêt Nam : Recueil des articles écrits par Nguyên Thê Anh” (2008), trang 453.

Theo lời giới thiệu của gs Nguyễn Thế Anh:

Nguồn:  Nxb Văn hoá Thông tin
Nguồn: Nxb Văn hoá Thông tin

“Hiện nay các châu bản này được cất giấu ở một nơi mà không phải bất cứ ai cũng có quyền lui tới. Thiết nghĩ việc tham khảo tài liệu lịch sử không chỉ dành cho một thiểu số có đặc quyền, tôi xin đem đăng lại mấy tài liệu sau đây, đã ghi chép ngày còn có cơ hội ra vào các văn khố tại quốc nội.”(13)

[DCVOnline: Hiện nay, Châu bản triều Nguyễn đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Số 18 đường Trung Yên 1, phường Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội. Một số thủ tục phải qua để đọc tài liệu ngay phòng đọc của Trung tâm Lư trữ Quốc gia. (Ban hành kèm theo Quyết định số 744/QĐ-BNV ngày 11 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước CHXCNVN)]

Trong các châu bản dưới thời Duy Tân

Có việc cấm các ấn phẩm như: (Châu bản triều Duy Tân, tập 30, tờ 95).Việt Nam vong quốc sử (Phan Bội Châu soạn năm 1905), Việt Nam Quốc sử khảo (cũng của Phan Bội Châu soạn nam 1908), Viễn Hải quy hồng (Nguyễn Thượng Hiền soạn 1908 tại Đông Kinh được gửi về nước), v.v.

Bắt các đồng chí của Phan Bội Châu tại Nghệ Tĩnh, tập 30, tờ 15, 22 Họ bị bắt và đem ra xét sử và tùy theo tội trạng bị đi đầy. Danh sách những người bị bắt khá dài.
Đề nghị của Tôn Nhân Phủ về Cường Để (Châu bản triều Duy Tân, tập 34, tờ 157, 158. Xin chép lại nguyên văn:

“Ngày 25 tháng chạp, năm Duy Tân thứ 7 ( 20, 1, 1914). Phụ chinh phủ thần đẳng tấu. Nay tiếp Tôn Nhân Phủ (cơ quan liên hệ đến các chi phái trong hoàng tộc) tư rằng: tiếp thần Phủ tư nói, ngày 26 tháng 9 (25, 10, 1913) tiếp thư của Khâm sứ tòa viết: Ngày 5 tháng 9 t.l năm nay, tòa án Hà nội, hội đồng kết nghĩ các người Trung Kỳ can tội (Xử khiếm diện tử hình Phan Bội Châu và Cường Để) trong bản án có chép: tên Cường Để, người hoàng phái ở Kinh, 1, can tội mưu phản Quốc Gia, hoặc xui khiến nhân dân cự chiến quan quân về tình hình mưu phản, hiện đã xảy ra một việc để toan mưu phản. 2, can khích biến lương dân hoặc nhiễu loạn chính trị. 3, can mưu phản, thương tổn đến tài sản của người. 4, can ngầm chúc sử giết người ở tỉnh Thái Bình, ngày 12, 4 t.l năm nay, và tỉnh Hà Nội, ngày 26, 4 t.l năm nay. Cùng sắm khí giới cho bọn sát nhân hai tỉnh ấy, vì tên ấy biết bọn sát nhân hai tỉnh ấy cần dùng khí cụ ấy. Vậy tên ấy nghĩ nên xử. Kính thư nhờ thần phủ chuyển tư tỉnh quan nguyên quán của phạm nhân ấy tri biện”(14)

Vài nhận xét

Nhờ những tài liệu nguồn đáng quý này mà người ta hiểu được cách ứng xử của vua quan nhà Nguyễn. Khi có những chỉ dụ cấm đạo chỉ là cái cớ để chạy tội bất lực. Không thể đối đầu trực tiếp với người Pháp thì dùng giáo dân như một vật tế thần. Việc cấm đạo vì thế không giảỉ quyết được gì mà chỉ làm cho mối liên lạc Pháp, Việt thêm căng thẳng.

Cũng một lẽ tương tự, những người như vua Duy Tân hẳn không ai dám nghi ngờ về tấm lòng của ông với đất nước. Nhưng cũng đành can tâm ra lệnh bắt giam và tù đầy những đồng chí của Phan Bội Châu. Và cuối cùng chiều theo người Pháp tuyên án tử hình khiếm diện Cường Để và Phan Bội Châu.

Đó là hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan mà chính phủ Nam Triều phải đương đầu, chịu nhục trước người Pháp.

Không biết có nên so sánh hoàn cảnh của Duy Tân với tập đoàn chính quyền ở Hà nội bây giờ có gì giống và khác nhau trước họa xâm lăng? Thay vì đối đầu với cường quyền thì lại cứ đè đâu dân ra mà gõ. Bắt tù tội, đánh đập những người đi biểu tinh chống Tàu!

Phải chăng lịch sử lại có dịp tái diễn lại kịch bản của hơn 200 năm về trước?

Những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng hay triết lý như một giải pháp chính trị

Gs Nguyễn Thế Anh có dành khoảng hơn 20 bài biên khảo liên quan đến các tôn giáo, mà chủ yếu là Nho giáo và Phật giáo. Ông không có chủ đích bàn thảo về lý thuyết đạo thuần túy.

Nhưng đặt các giá trị tôn giáo đó trong bối cảnh xã hội, nhất là trong bối cảnh chính trị như một giải pháp, một đường lối. Câu hỏi được đặt ra có thể nào giải quyết một vấn đề chính trị bằng một giải pháp tôn giáo hay đạo đức?

Và xem ra ông muốn dọ dẫm đưa ra những bài toán thử: liệu tôn giáo, nhất là nho giáo có thể tạo ra một giải pháp để giải quyết cho nhưng bế tắc hay thất bại, điển hình như triều đình Huế và cả xã hội cộng sản hiện nay?

Và tham vọng ấy còn đi xa hơn nữa, ông đến Hà Nội diễn thuyết và đề nghị dùng Khổng giáo như một giải pháp cho bế tắc của người cộng sản hiện nay. Thật không có gì không tưởng và ngây ngô cho bằng. Có thể nào một trí thức từ bên Tây về dậy ‘đĩ vén váy’. Nói ai nghe? Khoan nói đến việc áp dụng như thế nào.

Đối với triều đình Huế, ông cho rằng Tự Đức là người có những cố gắng phục hưng nho học dưới triều đại của ông. Đó là bài tham luận nhan đề “Efforts to update Confucian principles of government under the reign of Tự Ðức”, Nguyễn Thế Anh, Ecole Pratique des Hautes Etudes, Paris-Sorbonne, đọc ở Hà Nội vào tháng 11, 2007.(15)

Tự Đức vẫn coi Trung Hoa như một mẫu mực văn hóa, đạo đức và phăt triển dựa trên lý thuyết của Khổng Tử.

Bằng chứng là đứng trước thiên tai, lụt lội, đói kém, mất mùa và sự đe dọa của người Pháp không lúc nào yên. Tự Đức cho mình lãnh tất cả những trách nhiệm ấy và đặt vào số Trời, Thiên mệnh, vào sự giao hòa giữa trời, đất.

Và Tự Đức hành xử theo đúng ý trời. Câu chuyện ấy kết cục là một thất bại thảm hại.

Ở đây, chỉ xin liệt kê ra một vài bài viết khác của gs Nguyễn Thế Anh như:

  1. Confucius et le confucianisme(16),
  2. Le Viêt-Nam entre Confucianisme et Modernité(17),
  3. Monarchie confuceenne et défi occidental: le cas du Viêt Nam à partir de 1874(18).

Nhận xét thứ nhất của tôi là ông quá câu nệ, lý giải dài dòng về đạo Nho từ thời khai sinh và trình bầy một số nguyên tắc của đạo ấy trên bình diện lý thuyết. Nó là những tham luận vô bổ, nói xong để quên và không rút ra được bài học hay giải pháp gì.

Nó vừa có vẻ lý thuyết, vừa có vẻ không tưởng. Những biện luận của ông hầu hết đều không đi đến đâu, không giải quyết được gì. Một thứ bàn xuông không cò đầu mà cũng không có kết luận.

Đáng lẽ, ông nên đặt ra những nguyên tắc cụ thể, những bài tóan thực tiễn vế sự thất bại và tại sao thất bại.

Trên thực tiễn, nước Tàu cũng gặp đại nạn và bất lực thì Tự Đức có lý do gì bám víu vào cái đạo “hủ nho” ấy?

Nguồn: OntheNet
Nguồn: OntheNet

Người đọc tác giả cũng không làm cách nào biết chắc được, phải chăng ông coi những nguyên tắc nho giáo như một mẫu mực cần thiết?

Vì thế, người ta không có thể trông chờ vào bất cứ một chút hy vọng, một chút ánh sáng, một sự chọn lựa cụ thể nào trước những thử thách của thời cuộc dưới ngòi bút của Nguyễn Thế Anh. Cùng lắm đây là một trình bầy mang tính hàn lâm, đưa tới giải pháp không giải pháp nào cả.

Quả thực, tác giả là một người nghiên cứu nhưng không thể là một người đưa ra kế hoạch.

Về bài “L’engagement politique du Bouddhisme au Sud, Viet Nam dans les années soixante”.(15) Bài viết này, theo tôi, ông viết với nhiều thiên kiến và chủ quan và thiếu căn bản thực tế.

Hầu như ông muốn chứng minh rằng cuộc vận động chính trị năm 1963 là của Phật giáo và đây cũng là sức mạnh của Phật giáo. Ông không hề một chữ nhắc đến vai trò của người Mỹ hay những thế lực khác cũng như tác động trực tiếp của các tướng lãnh.

Sự thách thức và cuộc đọ sức giữa Phật giáo và chính quyền miền Nam mà đằng sau là người Mỹ và những thế lực khác cho thấy sức mạnh của Phật giáo nằm ở chỗ nào khi kết thúc vai trò của Trí Quang lúc bị Nguyễn Cao Kỳ giam lỏng tại dưỡng đường Duy Tân?

Nhất là trong hoàn cảnh ngày hôm nay của đất nước cho thấy cái khái niệm Phật giáo đồng hành với dân tộc là một khái niệm không thực, trống rỗng! Đồng hành với ai và như thế nào khi đất nước đang nghiêng ngửa mà người ta không nhận thấy một tiêng nói chính thức cất lên từ phía Phật giáo? Sự im lặng ấy có ý nghĩa gì?

Vài dòng cuối về giáo sư Nguyễn Thế Anh

Nếu chỉ nhìn ông như một người viết sử tận tâm và chăm chút cả một đời người thì chỗ đứng ấy không ai phủ nhận được. Nhiều sử gia nay vẫn dành cho ông một chỗ đứng quan trọng trong dòng Sử Việt.

Tuy nhiên, điều mà tôi cho rằng ông đã không đi xa được, không viết chạm đáy, ở chỗ ông tránh né mọi đối đầu, không có sụ phê phán tới nơi tói chốn.

Hai đề tài mà ông viết nhiều là triều đình Nguyễn và chế độ thực dân Pháp đều ở trong tầm nhận xét ở trên.

Ông thiếu một sử quan trong những vấn đề liên quan đến vận mệnh đất nước. Có thể, ông chỉ muốn giữ vai trò viết sử kinh viện bằng cách mượn những tài liệu có sẵn, sắp xếp lại mà vắng bóng tác giả.

Vì thế, bản thân tôi đọc ông với hy vọng thu tập được những kiến thức sở đăc của ông thì thật không có là bao. Thật đáng tiếc!

Trước 1975, tôi chưa có cơ hội đọc gs Nguyễn Thế Anh, nhưng có nghe nosi về ông. Ra đến hải ngoại cũng không cơ hội nếu không được biết gs Trần Anh Tuấn, một học trò thân cận của gs Nguyên Thế Anh.

Điều đó cũng nói lên sự tiếp cận với sách vở không dễ dàng gì. Tuy nhiên, yếu tố quyết định viêt bài về gs Nguyễn Thế Anh là do được đọc hai cuốn, một là “Monde du Viet Nam – Viet Nam World – Hommage à Nguyễn Thế Anh” có lời giới thiệu của gs Keith W. Taylor. Nhưng cuốn sách thứ hai, của Philippe Papin, “Discours d’un historien du Viet Nam. Recueil des articles écrits par Nguyễn Thế Anh” (2008) mới thực sự đưa tôi vào thế giới sử của gs Nguyễn Thế Anh.

Nó nhiều và đa dạng hơn tôi tưởng. Nó có đủ loại đề tài, đủ mọi vấn đề liên quan đến Việt Nam và các nước láng giềng. Cách riêng một số bài liên quan đến Hồ Chí Minh và cộng sản Việt Nam mà tôi cho là lỗi thời và không muốn nhắc tới ở đây.

Tôi viết chỉ với tư cách một người đọc hơn là người phê bình, và ngay từ tựa đề đã ghi rõ: “Sử đọc vài cuốn”, bài viết mang tính giới thiệu hơn là phê bình, một công việc ngoài thẩm quyền của người viêt.

Nói chung, tôi đọc không mấy thich thú.

Tuy nhiên như lời giới thiệu trong một lần Marcus Durand của trang “Association des Anciens du Lycée Albert Sarraut” (ALASWEB) phỏng vấn giáo sư Philippe Papin, người kế vị gs Nguyễn Thế Anh vào năm 2002 trả lời:

“Cet hommage est plus que mérité, vous le savez, puisque le professeur Nguyen Thê Anh demeure le plus grand spécialiste du Vietnam en France, et que chacun de ses articles a fait date. La jeune génération, dont je fais partie, se devait de marquer sa gratitude envers un aîné dont la contribution a été décisive.”

Lược dịch:

“Sự vinh danh này còn hơn cả vinh dự, như ông đã biết đấy, bởi vì giáo sư Nguyễn Thế Anh là một nhà chuyên khoa về Việt Nam ở bên Pháp, và mỗi một đề tài của ông viết ra đã chứng tỏ nó đánh dấu một giai đoạn quan trọng sử học. Thế hệ trẻ trong đó có tôi có bổn phận phải tỏ lòng biết ơn đối với những đóng góp, mà sự đóng góp ấy là không chối cãi được, của một người đàn anh.”

Tôi nghĩ, theo lối viết văn hoa và tế vi quen thuộc của văn hóa Pháp, của gs Papin viết về gs Nguyễn Thế Anh là một nhận xét không cho phép bất cứ ai có một lời khen nào có thể chen vào được nữa. Đó là cái nhất của cái nhất. Kể từ nay, tại Pháp Quốc, thủ đô văn hóa của Pháp, gs Nguyễn Thế Anh có địa vị vững chãi mà bất cứ thế hệ trẻ nào ở Pháp muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam thì không thể không có cái nhìn quy chiếu váo cuốn tuyển tập này.

Đây là một công trình sưu tập đầy đủ nhất về công trinh biên khảo của gs Nguyễn Thế Anh tư thập niên 1956-2008.

Công trình sưu khảo hơn nửa thế kỷ tìm tòi tài liệu, lặng lẽ, âm thầm, một mình, cần cù và thông minh, so sánh đối chiếu, cân nhắc và chọn lựa, của một trí thức miền Nam tại Sài Gòn và sau này tiếp tục ở Paris.

Nó có những sai sót không tránh được như tôi đã trình bày trong bài. Nhưng như tôi thường quan niệm: lịch sử không bao giờ là cũ. Các thế hệ sau đã có người dọn đường là gs Nguyễn Thế Anh và họ sẽ tiếp tục con đường mà mỗi thế hệ đặt ra cho họ.

Phần tôi viết đã xong. Xin một lời trân trọng đến với giáo sư Nguyễn Thế Anh và các học trò của ông. Tôi cùng lắm chỉ là một người đọc sách.

© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline biên tập, phụ chú và minh hoạ.

(5) Editors: Frederic Mantienne và Keith Taylor, “Monde du Viet Nam – Vietnam World, a book of essays to honor Professor Nguyen The Anh, (Paris: Les Indes Savantes, 2008), Trinh Văn Thảo,“Lire Nguyen The Anh. À la recherche d,une monarchie perdue”,  trang 27.
(6) Frederic Mantienne và Keith Taylor, Ibid., Bruce M. Lockhart, “Vue d’ensemble sur l’étude dé Nguyễn depuis 1954”, trang13.
(7) Frederic Manrienne và Keith W.Taylor, Ibid., trang 7.
(8) Frederic Manrienne và Keith W.Taylor, Ibid., Geof Wade, “The Ming Shi account of Champa”, trang 41.
(9) Những tựa đề bài viết của Nguyễn Thế Anh được trích dịch từ cuốn “Parcours d’un historien du Vietnam, Recueil des articles écrits par Nguyên Thê Anh” do Philippe Papin biên tập, Nxb Indes savantes.
(10) Cả ba tác giả trên vừa nêu trên đều đăng trên Tập san Sử địa, số đặc biệt: “Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam”, số 19, 20. năm 1970.
(11) Xem thêm Lê Thành Khoi, “Histoire de l’Asie du Sud-Est”, Paris, Presses Universitaires de France, 1959, trang 54.
(12) Philippe Papin, “Parcours d’un historien du Vietnam, Recueil des articles écrits par Nguyên Thê Anh”, trang 271, đã đăng ở Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, Année 1997, Volume 84, Numéro 1, pp. 147-157.
(13) Philippe Papin, Ibid., trang 453.
(14) Phillipe Papin, Ibid., trang 474-475.
(15) Phillipe Papin, Ibid., trang 814.
(16) Nguyen The Anh, “Confucius et le confucianisme”, đăng trong Nguyen The Anh, Confucius et le confucianisme, đăng trong Institut de Science et de Théologie des Religions Toulouse N.2 1998, pp 81, 102
(17) Nguyễn Thế Anh, “Le Viêt -Nam entre Confucianisme et Modernité”, trong Institut d’Orientalisme, Académie des Sciences de l’URRS, 1993, pp194, 221
(18) Philippe Papin, Ibid., Monarchie confucéene et défi occidental: le cas de Viêt-Nam à partir de 1874, pp 823

1 Comment on “Sử học, đọc vài cuốn (Kết)

  1. TRIẾT HỌC VỀ LỊCH SỬ

    Triết học về lịch sử là triết lý về lịch sử. Nhưng triết lý ở đây lại chính là triết học và khoa học về lịch sử. Triết học là khoa học về tư duy, còn khoa học là khoa học về dữ liệu và sự kiện. Có nghĩa dữ liệu chỉ là một phần của sự kiện, nhưng những sự kiện lại là những canh cửi dệt nên thực tại. Sử học như vậy có đối tượng là những thực tại đã lùi về quá khứ. Như vậy chính khoa học về lịch sử và cả triết học về lịch sử góp phần khai quật, làm sáng tỏ các ý nghĩa hay bản chất của lịch sử đã qua mà không phải gì khác.

    Có nghĩa lịch sử hiểu theo nghĩa sử học luôn luôn là một hệ thống mà là một hệ thống đã thuộc về quá khứ. Hệ thống đó kết nên bởi những con người và những sự kiện, đó như tấm vải làm nền của lịch sử. Trên tấm vải đó có những đường ngang sợi dọc, thậm chí có cả những cái gút lớn của nó, như là những dấu mốc nổi bật hay là những sự cố quan trọng. Lịch sử như vậy là một dòng chảy từ quá khứ về quá khứ, tức từ những quá khứ lâu hơn hay xa hơn đến các quá khứ gần hơn hay mới hơn. Triều nhà Nguyễn chẳng hạn, không phải tự nó có độc lập, mà nó bắt nguồn từ triều Tây
    Sơn, cả Trinh Nguyễn phân tranh và triều Lê trước đó. Cũng có nghĩa lịch sử của triều Nguyễn chứa đựng mọi cái gì trọng yếu thuộc về nó, và nó cũng là khởi nguồn cho mọi cái gì trọng yếu của những triều đại sẽ xuất hiện sau nó.

    Thế nên nghiên cứu lịch sử hay sử học phải nghiên cứu từ phần hữu hình đến phần vô hình. Phần hữu hình là mọi biến cố, mọi sự kiện xảy ra có tính quyết định và quan trọng trong đời sống thực tế. Phần vô hình hay phần trừu tượng, là phần đời sống tinh thần, phần tư duy nhận thức và tư tưởng ý thức của những con người, xã hội hay các nhân vật lịch sử nổi bật từng có mặt trong thời đại đó. Có nghĩa phần đời sống kinh tế xã hội, phần văn minh văn hóa, phần tư duy, ý thức, nhận thức của những con người thời đó đều quan trọng cả và đều tác động hỗ tương hoặc tương liên với nhau cả. Như thế cũng có nghĩa quan điểm duy tâm hay duy vật cũng đều thiếu sót, mà chính quan điểm khoa học và thực tại về lịch sử mới là quan điểm đúng đắn, bao quát và toàn diện nhất.

    Tất nhiên mọi con người trong một thời đại cũng đều qua đi hết. Bởi lịch sử chỉ như một dòng sông chảy, nó không còn để lại bất kỳ tính chất nào của khúc sông đã trôi qua đó cả. Cái để lại chỉ còn là những dữ liệu, những vật thể nào đó còn lại mà chưa bị tiêu tán đi. Bởi vậy nghiên cứu quá khứ lịch sử là nghiên cứu những dữ liệu nào đó còn sót lại, còn lưu lại mà không thể nào đòi hỏi được hơn như thế. Nói chung đó là những tài liệu sách vỡ mọi mặt còn được giữ lại, trong dân gian, xã hội, cũng như trong những tàng khố nào đó của một đất nước. Mục lục Châu bản triều Nguyễn chẳng hạn, đó là một trong những nguồn sử liệu quý để nghiên cứu về giai đoạn lịch sử triều Nguyễn một cách chính thức kết hợp cùng nhiều nguồn dữ liệu khác kể cả văn học viết và văn học dân gian.

    Thế nhưng dữ liệu hay sử liệu thực chất cũng chỉ mới là bước đầu. Chính trí tuệ hay ý thức, tư duy của nhà viết sử, nhà nghiên cứu sử học mới thật sự là ý nghĩa quan trọng. Bởi dữ liệu có nhiều lớp đã đành, phải biết phăng vào lớp nào là lớp cơ sở nhất và lớp nào chỉ là lớp thứ cấp, để nhìn xuyên suốt chúng, hệ thống chúng, đánh giá chúng, kết luận về chúng, đó mới thật sự là tài năng hay giá trị của nhà nghiên cứu. Nên cái nhìn bao quát lẫn cái nhìn sâu sắc, tinh tế, tỉ mỉ, đều là ý nghĩa của thái độ thông minh, thận trọng, trọn vẹn hay đầy đủ của người viết sử và người nghiên cứu lịch sử. Đó cũng là khía cạnh của quan điểm lịch sử hay khía cạnh sử quan mà nhà viết sử, nhà nghiên cứu lịch sử luôn cần phải có. Có nghĩa sử quan ở đây phải là quan điểm nhận thức độc lập, tự do, tự trách nhiệm, tự sáng suốt của nhà viết sử, nhà nghiên cứu. Nhất thiết nó không phải là quan điểm sử học hay sử quan kiểu duy vật máy móc, nô lệ giáo điều và ngốc nghếch kiểu nhưng kẻ như Trần Văn Giàu cũng tự mệnh danh hay được số người tôn xưng như nhà sử học. Cái gọi là quan điểm sử quan của Trần Văn Giàu thật sự chỉ là quan điểm sử quan duy vật về lịch sử theo quan điểm mác xít kiểu Trần Đức Thảo cũng từng một thời lún sâu vào trong đó mà ai cũng biết.

    Có nghĩa sử học tự nó phải là khoa học độc lập, nó không thể là con đòi của chính trị một cách dốt nát và ngu xuẩn mà thường những người làm sử trong bất kỳ chế độ cộng sản nào cũng hay có và bắt buộc phải có. Bởi chính trị chỉ là cái nhất thời trước măt, mang tính giai đoạn, trong khi đó sử học là khoa học khảo sát quá khứ xã hội để phục vụ mục đích lâu dài mọi mặt của xã hội, nên nếu biến sử học thành con vẹt, thành đầy tớ của chính trị trước mắt đều là loại dốt nát, phi trí thức, loại bán đứng lịch sử, bán đứng xã hội, bán đững nhân văn, chỉ là loại đầy tớ tầm thường mà không gì khác, không có lợi gì cho chân lý khách quan, cho mọi ý lợi dài lâu hay trường cửu của xã hội và con người gì cả. Từ đó cũng thử trở lại ở đây vài dòng về cái gọi là sử quan duy vật do Mác đề xướng và bất kỳ những cán bộ sử học hay những con người mệnh danh là nghiên cứu sử học, những nhà sử học ở những nước cộng sản nào cũng vậy đều theo hay buộc phải theo sát nút.

    Quan điểm nền tảng và thực chất của Mác là quan điểm duy vật. Tức chỉ đứng trên lập trường vật chất hiểu theo nghĩa đen đầy đủ và trần trụi nhất. Nếu như thế thì cũng chẳng lấy làm gì quan trọng, vì đó là quan điểm hay quan niệm riêng tư của mỗi người. Như Mác lại lắp ghép biện chứng luận duy tâm của Hegel vào quan điểm duy vật của mình một cách khiên cưỡng, dốt nát, để từ đo phong lên là quan điểm biện chứng duy vật và quan điểm biện chứng về lịch sử là điều trớ trêu không thể nào không nói. Bởi nếu nhìn vật chất theo khái niệm vật lý học mà bảo biện chứng thì thật là ngu có tầm cỡ. Còn nếu nhìn vật chất theo quan điểm kinh tế của xã hội rồi bảo hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc thì thực chất cũng chẳng phải là không dốt nát. Bởi trong toán học người ta vẫn nói có điều kiện cần mà chưa hẳn là điều kiện đủ. Kinh tế là cần thiết và quyết định thật, nhưng ngoài kinh tế vật chất còn có tư duy tư tưởng ý thứ tinh thần của con người trong xã hội. Chính quan điểm vật hóa tinh thần con người cũng chỉ là vật chất theo nghĩa tầm thường của Mác đã tạo ra mọi sự nhiễu loạn và hỏa mù trong học thuyết của ông ta chỉ có thể mê hoặc được những người mê tín. Bởi căn cơ chính là kẻ mê tín vào biện chứng luận của Hegel thì đó vẽ rắn thêm chân mọi loại kiểu vẽ thêm vảy cho rắn để thành rồng mà ai cũng rõ. Như vậy thì từ duy vật biện chứng là là sự huyễn tưởng thì làm sao không dẫn đến cái gọi là duy vật lịch sử chẳng là huyễn tưởng, làm sao chẳng dẫn đến quan điểm về các hình thái xã hội chẳng là ngụy biện và quan điểm về xã hội công sản khoa học trong tương lai chẳng là không tưởng, huyền hoặc và ngụy biện. Nói như thế để thấy rằng cái gọi là sử quan hay sử quan duy vật của những người làm sử, nghiên cứu sử trong mọi xã hội cộng sản chỉ đều xạo xự có ý thức hay không có ý thức, nó chỉ như một thứ chiêu bài thấp kém vì phải làm theo lệnh, nên cuối cùng phản lại sử học, thủ tiêu sử học chân chính, chẳng còn ích lợi hay giá trị gì cho ai hay cho lịch sử xã họi nói chung cả.

    Vậy nên tóm lại, lịch sử và sử học cũng chỉ là hai mặt của một vấn đề hay hai bộ phận của một sự thống nhất. Lịch sử là cái diễn biến khách quan từ hiện tại trở thành quá khứ qua thời gian. Nhưng khách quan ở đây không có nghĩa là nằm ngoài mọi chủ quan của con người, khách quan chỉ có nghĩa có khi nó vượt lên hay vượt ra ngoài tầm kiểm soát của mọi người trong hiện tại thế thôi. Các chế độ xã hội độc tài chính là thực tại chủ quan nhưng biến thành khách quan giả hình kiểu như thế. Bởi trong chế độ độc tài, nhất là chế độ độc tài toàn trị theo kiểu ý thức hệ, trong đó không ai có tự do cả, kể cả những người tạo ra nó, mà nó chỉ như kiểu một quán tính khách quan, thì lịch sử nó tạo thành cũng chẳng có bất kỳ ý nghĩa gì khách quan cả. Bởi khách quan là điều gì đúng sự thật, đúng chân lý tự thân của nó, nên đó mới đích thực là lịch sử chân thực, là sử học chân thực, là nhiệm vụ nghiên cứu lịch sử theo kiểu chân thực. Có nghĩa lịch sử thực chất không phải lịch sử của các triều đại mà là lịch sử của toàn xã hội về mọi mặt đã thuộc về quá khứ. Các triều đại, các ông vua, các sự kiện nổi bật thật ra chỉ là những dấu mốc biên niên, chẳng mang linh hồn hay ý nghĩa gì chân thực cả. Nhưng chính thực tế xã hội trong đó, thực tế những cá nhân con người cụ thể tồn tại trong đó mới chính là chất liệu, là bản thân, là linh hồn của chính các giai đoạn lịch sử quá khứ. Nhưng bất kỳ cái gì muốn cụ thể đều phải có vật đựng, có hình thức tối thiểu nào đó của nó. Nhưng thực chất vật đựng hay hình thức bề ngoài đều không phải bản thân của chất liệu hàm chứa trong chính nó. Đó cũng chính là ý nghĩa của quan điểm sử quan khoa học đích thực và khách quan nhất. Tức là nghiên cứu lịch sử cũng chẳng khác gì nhà sinh học nghiên cứu tế bào sống, phải thấy được chính cái động lực, cái sự sống tàng ẩn trong đó mà không phải chỉ thấy có cấu trúc hình thức bề ngoài của chính tế bào sống đó. Nên đúng ra lịch sử chỉ là lịch sử của con người và xã hội qua các dấu mốc bề ngoài của các thời đại, nhưng các dấu mộc đó chỉ cần mà chưa đủ, vì linh hồn của lịch sử không phải chỉ ở các dấu mốc vô nghĩa đó tuy chúng đều là những vật thể cụ thể thường vẫn hay được dễ dàng lưu lại nhất. Biết lịch sử là để biết hiện tại và để đoán nhận ra tương lai trong chừng mực nào đó, nên nếu sử học mà không trung thực, nó chỉ là sự phản bội chính đời sống, nó là sự phản động thực chất và thực sự. Sử học cần luôn là một khoa học khách quan đúng đắn và chân xác để giúp cho xã hội, dân tộc cũng như đất nước nào đó tự biết mình đúng mức trong hiện tại và hướng tới tương lai một cách đúng đắn và hiệu quả, đó chính là ý nghĩa của việc ôn cố tri tân mà người xưa hoàn toàn sáng suốt cách đây nhiều ngàn năm đã từng nói. Sử học là biểu thị cho tinh thần ý thức độc lập tự do của mỗi dân tộc, không có sử học đúng nghĩa cũng không thể có tinh thần hoặc giá trị này hay ngược lại cũng thế. Đó là ý nghĩa và giá trị muôn đời của sử học như chính nó cũng là một bộ phận không thể thiếu của cả bản thân lịch sử cũng là ý nghĩa hoàn toàn như thế.

    THƯỢNG NGÀN
    (16/9/16)