Đi tìm Bùi Viện

Trần Giao Thủy

trinh-pho_bui_clan_memorial_hall_

Tại sao tấm hình ghi “Bùi Viện, 1839-1878, (ảnh thờ tại từ đường họ Bùi, làng Trình Phố, Thái Bình)” lại là một tài liệu có vấn đề?

Câu chuyện làng văn: Đi tìm Bùi công gặp ông bác sĩ

Đường Bùi Viện. Nguồn: Sithzam Art
Đường Bùi Viện Sài Gòn. Nguồn: Sithzam Art

“Chuyện Bùi Viện đi Mỹ, lịch sử hay ngụy biện Chủ nghĩa Dân tộc?” đăng trên DCVOnline từ tháng 6, 2012 là một bài viết về Bùi Viện, một viên quan nhà Nguyễn đời Tự Đức, và vấn đề tại sao người viết sử Việt Nam lại hư cấu câu chuyện ông đi Mỹ hai lần: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có Phan Trần Chúc, 194x-6, Việt Nam Cộng hoà và Việt Nam hải ngoại có Thái Văn Kiểm, 1962, 1970, 1978.

Bài này, phần chính là để làm sáng tỏ về nhân dạng, hình ảnh của Bùi Viện.

Ảnh minh hoạ trong bài viết năm 2012 chỉ có mỗi tấm hình ở Sài Gòn mang tên ông đó là hình đường Bùi Viện. Sách sử phổ thông viết rất ít về vị quan này và dĩ nhiên không có cuốn sách nào trước năm 1975 ở cả miền Bắc và miền Nam hay của tác giả nước ngoài có in hình ông Bùi Viện. Lý do? Một, đơn giản, là Bùi Viện (1837-1878) sinh vào giữa thế kỷ XIX khi kỹ thuật nhiếp ảnh mới khai sinh (collodion process 1950). Hai là, quan hệ giữa Việt Nam và các nước phương Tây thời đó chưa chặt chẽ. Ba là, Bùi Viện không có duyên gặp nhiếp ảnh gia quốc tế hay ở những người đã đến Việt Nam. Hoàng đế Việt Nam thời đó là Tự Đức cũng không có tấm ảnh nào chụp bằng kỹ thuật nhiếp ảnh. Như đã biết ông Bùi Viện cũng không có hình nào chụp ở Mỹ hay ở Yokohama hoặc ở Hong Kong.

Một bài viết khác cùng tác giả, “Đoàn sứ giả Việt Nam tại Paris năm 1863”, cũng đăng ở DCVOnline vào tháng 6, 2012 cho thấy hình ảnh của một số quan viên triều Dực Tông (Tự Đức) chụp ở Paris vào năm 1863 – Đó là những tấm ảnh đầu tiên của người Việt Nam do Jacques-Philippe Potteau thực hiện, tuy không nhiều và vẫn còn khuyết điểm, đã giúp cho người đọc hình dung được một cách chân thực hơn về nhân dạng, ngoại hình và trang phục của quan, lính, văn nhân, võ tướng Việt Nam ở cuối thế kỷ thứ XIX.

Tại Việt Nam, những nhiếp ảnh gia người Pháp tiên phong đã để lại một nguồn tài liệu lịch sử vô giá về văn hoá, đời sống, di tích, và con người trên toàn lãnh thổ Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX. Đó là những tác phẩm của Émile Gsell (1838-1879), Gustave Ernest Trumelet-Faber (1852-1916), Charles-Édouard Hocquard (1853-1911), Aurélien Pestel (1855-1897), Firmin-André Salles (1860-1929), Pierre Dieulefils (1862-1937), v.v.

Bạn đọc có thể tham khảo thêm ở cuốn “Les premiers photographes au Việt-Nam” của nhiều tác giả do Académie des sciences d’outre-mer phát hành vào tháng 12, 2015.(1)

Hình do Hippolyte Arnoux & Emile Gsell chụp.   Từ trái, hàng trên (p40): Người Annam gánh than củi; PetrusTrương Vĩnh Ký;  Ba Thương, Đốc phủ sứ tại Saigon. Từ trái, hàng dưới (p42): Phu nữ Annam; Phan Thanh Giản, Kinh lược sứ Nam kỳ sau cùng; Người Tieng (phía Bắc Nam phần). Hippolyte Arnoux & Emile Gsell (1838-1879),  Voyage de l'Égypte à l'Indochine (1880) trang 40 và 42. Nguồn: http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b84515897
Hình do Hippolyte Arnoux & Émile Gsell chụp. Từ trái, hàng trên (p40): Người Annam gánh than củi; Petrus Trương Vĩnh Ký; Ba Thương, Đốc phủ sứ tại Saigon. Từ trái, hàng dưới (p42): Phu nữ Annam; Phan Thanh Giản, Kinh lược sứ Nam kỳ sau cùng; Người Stieng (phía Bắc Nam kỳ). Hippolyte Arnoux & Emile Gsell (1838-1879), Voyage de l’Égypte à l’Indochine (1880) trang 40 và 42. Nguồn: http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b84515897

Trong những nhiếp ảnh gia Pháp có tác phẩm tại Việt nam thì Émile Gsell (1838-1879) là người cùng thời với Bùi Viện. Tuy nhiên Gsell chỉ có mặt ở Đông Dương trong khoảng 1858, 20 tuổi, đến lúc mất tại Sài Gòn vào năm 1879 khi 41 tuổi. Gsell có một số ảnh chụp ở Việt Nam từ năm 1866, bắt đầu từ Sài Gòn. Đến 1875 Gsell mới có ảnh chụp ở Huế, và từ tháng 11, 1876 đến tháng 1, 1877 Gsell mới có ảnh chụp miền Bắc Việt Nam(2).  81 trang, 184 tấm hình trong cuốn Voyage de l’Égypte à l’Indochine (1880) của  Hippolyte Arnoux & Emile Gsell đã số hoá và lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Pháp chỉ có 3 tấm ảnh người Việt Nam có ghi tên: 1. Petrus Trương Vĩnh Ký, 2. Ba Thương, Đốc phủ sứ tại Saigon, ở trang 40, và 3. Phan Thanh Giản, Kinh lược sứ Nam kỳ sau cùng, trang 42.

Những nhiếp ảnh gia khác đều thuộc thế hệ sau Émile Gsell và Bùi Viện, và chỉ đến Việt Nam sau đó: 1884, Charles-Édouard Hocquard(3), Firmin-André Salles(4); 1885, Aurélien Pestel(5); 1988, Gustave Ernest Trumelet-Faber(6), và Pierre Dieulefils.

Hình Pierre Dieulefils chụp ở miền Bắc. Nguồn: http://www.sothebys.com/
Hình Pierre Dieulefils chụp ở miền Bắc. Nguồn: http://www.sothebys.com/

Cùng thời với Gsell còn có John Thomson (1837-1921), người Tô Cách Lan (Scotland), một trong những nhiếp ảnh gia, nhà địa lý học đầu tiên ghi lại cuộc du hành sang Đông Á. Ông có một số ảnh chụp ở Sài Gòn năm 1867 hiện đã được số hoá và lưu trữ tại Thư viện Wellcome, tại London, Anh Quốc.

River-bridge, Saigon. Nguồn: Wellcome Library, London. Wellcome Images images@wellcome.ac.uk http://wellcomeimages.org Saigon, Cochin China [Vietnam]. Photograph by John Thomson, 1867. 1867 By: J. ThomsonPublished: 1867. Copyrighted work available under Creative Commons Attribution only licence CC BY 4.0 http://creativecommons.org/licenses/by/4.0/
River-bridge, Saigon.
Nguồn: Wellcome Library, London. Wellcome Images
[email protected]
http://wellcomeimages.org
Saigon, Cochin China [Vietnam]. Photograph by John Thomson, 1867.
1867 By: J. ThomsonPublished: 1867.
Copyrighted work available under Creative Commons Attribution only licence CC BY 4.0 http://creativecommons.org/licenses/by/4.0/

Một số hình Việt Nam ở cuối thế XIX khác của “Héliog Dujardin” là những hình in bằng kỹ thuật photogravure do Louis Dujardin thực hiện từ những tấm ảnh do những nhiếp ảnh gia khác đã chụp.

Phố Hàng Bông Hà Nội. Ảnh in photogravure của Héliog Dujardin. Nguồn: Louis Salaun, "L'Indochine",  Paris : Impr. Nationale, 1903.
Phố Hàng Bông Hà Nội. Ảnh in photogravure của Héliog Dujardin. Nguồn: Louis Salaun, “L’Indochine”, Paris : Impr. Nationale, 1903.

Như thế đi tìm hình ảnh của Bùi Viện, dù với công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, cũng không phải là việc dễ làm.

Dùng Google để tìm “Bùi Viện” người ta thấy ngay kết quả đầu tiên là trang của Bách Khoa Toàn thư mở (Wikipedia.org), trong đó tấm ảnh duy nhất là “Bảng di tích Từ đường họ Bùi ở Trình Phố”, và ghi chú “Trong từ đường có thờ Bùi Viện. Ông là đời thứ tám của họ Bùi Trình Phố”. Tuy nhiên, không có hình ông Bùi Viện ở trang này.

Bảng di tích Từ đường họ Bùi ở Trình Phố. Trong từ đường có thờ Bùi Viện. Ông là đời thứ tám của họ Bùi Trình Phố. Nguồn: Codobai – Tác phẩm do chính người tải lên tạo ra, CC-BY-SA 4.0, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=42352574
Bảng di tích Từ đường họ Bùi ở Trình Phố. Trong từ đường có thờ Bùi Viện. Ông là đời thứ tám của họ Bùi Trình Phố. Nguồn: Codobai – Tác phẩm do chính người tải lên tạo ra, CC-BY-SA 4.0, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=42352574

Những kết quả sau đó phần rất lớn là hình ảnh sinh hoạt trên đường Bùi Viện Sài Gòn; tuy nhiên cũng có một vài tấm hình của một viên quan Việt Nam mặc triều phục, ngồi trên ghế cạnh bàn ba chân trên có để một bình hoa. Một tấm khác cũng là hình vị quan đó ghép cạnh hình Tổng thống Ulysses Grant của Mỹ. Tất cả những trang mạng (đều bằng tiếng Việt) trưng bày hình viên quan đó đều ghi tên là ông là Bùi Viện, nhưng không ghi xuất xứ hay/và tác giả. Đặc biệt, tại “Cổng Thông tin Điện tử Ban Liên lạc Cộng đồng Họ Bùi Việt Nam” đăng hai bài viết về Bùi Viện. Một là “Ước mơ lớn của Bùi Viện”, 1/1/2016, của Từ Khôi – Daidoanket.vn và hai là “Ai là sứ giả Việt đầu tiên vượt trùng khơi đến Hoa Kỳ?”, 1/11/2015, của Trần Hoà, báo Kiến Thức. Cả hai bài đều có tẩm ảnh của vị quan ngồi cạnh bình bông và chú “Bùi Viện (1838-1879)” hay “Chân dung Bùi Viện”.

Nguồn: Cổng thông tin Họ Bùi
Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử Ban Liên lạc Cộng đồng Họ Bùi Việt Nam

Riêng tác giả Trần Hoà cho biết đã về xã An Ninh, tên hiện nay của làng Trình Phố (Tiền Hải, Thái Bình) và gặp ông Bùi Luật, “người giữ việc nhang khói ở từ đường họ Bùi, cũng là khu lưu niệm của quan Bùi Viện đang nắm giữ khá nhiều tư liệu cổ.” Tác giả đính kèm hình chụp ông Bùi Luật và những tư liệu về Bùi Viện.

 Ông Bùi Luật và những tư liệu về Bùi Viện.. Nguồn: Trần Hoà, báo Kiến Thức
Ông Bùi Luật và những tư liệu về Bùi Viện. Nguồn: Trần Hoà, báo Kiến Thức

Bài viết trên DCVOnline hay những trang báo, diễn đàn khác thường được cắt & dán lại ở nhiều nơi khác nhau; trong thời đại tự do thông tin và tự do cắt dán, một số nhỏ bài đăng lại có ghi xuất xứ, nhưng phần lớn thì không. Có khi còn tệ hơn nữa, như trường hợp những bài in trên tạp chí (báo giấy) cũng bị đưa vào báo mạng, đổi tên tác giả, cắt xén, thay kết luận như trường hợp của Nguyễn Văn Lục/Nguyễn Thuỵ Hinh với diễn đàn Nam Kỳ Lục Tỉnh(7). Tiêu chuẩn phát hành, và tôn trọng tác quyền của những trang mạng, những diễn đàn tiếng Việt thường khác xa với tiêu chuẩn của những trang báo, diễn đàn của người phương Tây; do đó người viết cũng không ngạc nhiên khi thấy hình ông quan ngồi cạnh bàn có bình bông, được cho là hình của ông Bùi Viện, xuất hiện ở nhiều trang web tiếng Việt.

Tuy nhiên, tình cờ, mới đây người viết đọc một bài viết từ 2002 của một tác giả đã có nhiều bài luận văn nghiên cứu về lịch sử đăng trên tạp chí “Nghiên cứu và Phát triển” của Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, những trang web như gio-o.com, damau.org ở hải ngoại, và cũng đã có một số tác phẩm phát hành ở Việt Nam như “Thanh-Việt nghị hòa. Tiến trình công nhận triều đại Quang Trung” (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2015), “Việt Thanh Chiến Dịch” (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2016).

Đó là bài “Bùi Viện 裴援 (1839-1878) & Cuộc Cải cách Hải quân” của tác giả Nguyễn Duy Chính. Luận văn này cũng được đề cập đến ở phần “Liên kết ngoài” trên trang Bách khoa Toàn thư mở viết về Bùi Viện.

Ở trang thứ ba của luận văn 41 trang đó là tấm hình của một vị quan ngồi ghế cạnh bàn ba chân có để một bình hoa và những vật dụng khác. Dưới tấm hình là 3 hàng chữ “Bùi Viện, 1839-1878, (ảnh thờ tại từ đường họ Bùi, làng Trình Phố, Thái Bình)”

Nguồn: Nguyễn Duy Chính, “Bùi Viện 裴援 (1839-1878) & Cuộc Cải cách Hải quân”, 2002

Đó cũng chính là tấm hình đã xuất hiện ở những trang mạng tiếng Việt nói trên. Nhưng tấm ảnh và luận văn của Nguyễn Duy Chính có những điểm khiến người viết phải ngừng lại và suy nghĩ, không như khi đọc bài trên các trang mạng có hình “ông Bùi Viện”.

Thứ nhất, người viết tin rằng tác giả là một người làm việc cẩn thận, nghiêm túc; kế đến, ở trang thứ hai của luận văn, ông ghi “Ðể cho em và các con, N.D.C.”; thứ ba tác giả ghi xuất xứ tấm hình là “từ đường họ Bùi, làng Trình Phố, Thái Bình”

Hai điểm sau cho thấy luận văn “Bùi Viện 裴援 (1839-1878) & Cuộc Cải cách Hải quân” là một công trình quan trọng, có giá trị đặc biệt đối với tác giả và gia đình của ông. Và vì thế người viết tin là tác giả phải có lý do thuyết phục để đưa tấm ảnh của vị quan lớn triều Nguyễn vào khung và chú là hình của ông Bùi Viện.

Một trong những lý do đó có thể là xuất xứ của tấm hình, “từ đường họ Bùi, làng Trình Phố, Thái Bình”. Con cháu của ông Bùi Viện để ảnh thờ tổ tiên trong từ đường thì ắt phải là ảnh thật? Thường thì thế, nếu đó là chuyện thế kỷ XX hay sau khi tự chụp ảnh số (selfie) đã trở thành chuyện bình thường trong đời sống người dân Việt Nam. Nhưng trường hợp và ở thời của Bùi Viện thì chưa hẳn như thế. Ở Lời nói đầu, tác giả đã viết,

“Trở ngại chủ quan là người viết là không có điều kiện để truy nguyên những nơi có thể còn giữ một số văn bản liên quan đến Bùi Viện ở Huế, cũng chưa thể trực tiếp về làng Trình Phố để làm công việc sưu tầm và thu thập dữ kiện.”

Nếu như vậy ảnh thờ ông Bùi Viện ở từ đường họ Bùi, làng Trình Phố, Thái Bình mà tác dùng trong luận văn có thể chỉ là thông tin từ họ Bùi làng Trình Phố và không phải là điều mắt thấy hay đã truy nguyên cặn kẽ hoặc là dữ kiện do chính tác giả sưu tập.

Tuy nhiên đọc “Bùi Viện 裴援 (1839-1878) & Cuộc Cải cách Hải quân” người ta thấy tác giả nhiều phần tin rằng Bùi Viện là một vị quan to triều Nguyễn dù ông cũng đã nhận thấy rằng,

“Ngay cả tài liệu ghi lại trong Gia Phả Họ Bùi mà chúng tôi đối chiếu cũng có giới hạn. Một số sự kiện chép lại từ sách báo không được tra cứu kỹ lưỡng […] cùng những truyện kể của các cụ truyền lại, nhưng không có gì để kiểm chứng. […] ít phần tài liệu lịch sử nên cũng không sử dụng được bao nhiêu.” (Lời nói đầu).

Ở phần B, “Vai trò của Hải quân trong việc bảo vệ đất nước”, tiểu mục, 2b, “Tổ chức”, tác giả trích dẫn Phan Trần Chúc(8), “Bùi Viện được giao cho chức Tuần Tải Nha Chánh Quản Ðốc kiêm Tham Biện Thương Chính” và khai triển thêm ở cước chú như sau:

“Phan Trần Chúc cho rằng chức này tương đương với Tổng Trưởng bộ Hải Quân kiêm Hàng Hải và Thương Mại nhưng e rằng không chính xác. Cũng trong lời phê của vua Tự Ðức có bảo ông phải bàn với Bố Chánh Thanh Hóa rồi hợp tấu lên nhà vua. Bố Chánh (coi việc hành chánh của một tỉnh) triều Nguyễn hàm Chánh Tam Phẩm, như vậy có lẽ chức vụ của Bùi công cũng tương đương, nghĩa là khoảng nhị hay tam phẩm. Vả lại trong tổ chức dưới quyền ông, cao nhất là tứ phẩm nên có lẽ ông cũng chỉ hơn một chút.”

Tóm lại, tác giả Nguyễn Duy Chính cho rằng Bùi Viện là một vị quan nhị phẩm hay tam phẩm. Và nhị hay tam phẩm đều là những trật quan to của triều Nguyễn. Đây có thể là một lý do khác, bên cạnh thông tin từ họ Bùi ở Trình Phố, khiến ông đã dùng hình vị quan ngồi ghế cạnh bàn ba chân trên có để vật dụng và bình hoa như hình của ông Bùi Viện.

Khi Bùi Viện đỗ Cử nhân (17/22) ân khoa Mậu Thìn 1868 ở Trường Nam Định thì quan Chủ khảo(9) không ai khác hơn là Bố chính Nghệ An Nguỵ Khắc Đản (1817–1873); Năm 1863, 5 năm trước đó, quan Án Sát Nguỵ Khắc Đản, phó tỉnh, trách nhiệm về hình luật và trạm dịch, Quảng Nam(10) là Bồi sứ trong Sứ đoàn Việt Nam sang Paris với Phan Thanh Giản. Đi sứ về, 1864, ông mới được thăng làm Bố Chính Nghệ An, phó tỉnh, phụ trách việc hộ – thuế má, dinh điền, lính tráng và truyền đạt các chính sách, chủ trương của triều đình. Án sát là văn quan trật Tòng tam phẩm. Bố chính là văn quan trật Chánh tam phẩm(11). Đến cuối đời, Nguỵ Khắc Đản mới lên đến trật Tòng nhị phẩm (Tham Tri Bộ Hộ) rồi Chánh nhị phẩm (Thượng thư Bộ Bịnh, Bộ Công). Đệ nhất giáp tiến sĩ xuất thân, khoa Bính Dần 1856, Thám Hoa Nguỵ Khắc Đản, lập nhiều công trạng dưới triều Tự Đức đến khi qua đời mới là quan Chánh nhị phẩm văn giai(12).

Án sát Nguỵ Khác Đản, Bồi sứ , Đoà Sứ giả Việt Nam tại Paris 1863. Nguồn:  Jacques-Philippe Potteau
Quan Án sát Quảng Nam, Nguỵ Khác Đản, Bồi sứ , Đoàn Sứ giả Việt Nam tại Paris 1863. Tác giả: Jacques-Philippe Potteau

Ông Bùi Viện đỗ Cử nhân năm 1868, trong 10 năm ông đã làm nên công trạng gì để có thể là văn quan trật nhị phẩm hay tam phẩm?

Vũ Ngự Chiêu, trong phần 2, Thực chăng Bùi Viện tới Mỹ? của bài “Nguyễn Ái Quốc: Người Việt Đầu Tiên Đến Mỹ?”(13) đã trả lời câu hỏi nêu trên bằng 2 tài liệu lịch sử, Nguyễn Triều Châu Bản, Tự Đức [CBTĐ], và Đại Nam Thực Lục Chính Biên [ĐNTLCB].

Dẫn ĐNTLCB, IV, 30: 175-176, 227 , tác giả viết về chức quan của Bùi Viện như sau:

“Sử nhà Nguyễn ghi rõ Bùi Viện đang mang hàm “Biên tu [7-1, chánh thất phẩm] lãnh trước tác [6-1, chánh lục phẩm]” khi được bổ làm Chánh quản đốc Nha tuần tải” năm 1877.

“Bùi Viện chỉ đậu Cử Nhân trường Nam Định, ân khoa năm 1868, nên hoạn lộ khởi đầu với hàm chánh bát phẩm (8:1), rồi ít năm sau mới lên tới biên tu.”

ĐNTLCB lại chép “Bùi Viện để thiếu rất nhiều; em là Bùi Bổng phải nhận lĩnh chở thuê để khấu trừ.” (Tháng Chạp Mậu Dần – 12/1878-1/1879)

CBTĐ ghi “Ngày 14/9/1878, bộ Hộ trình việc Bùi Viện can tội hối lộ nên không được xét thưởng. Ngày 19/2/1879, bộ Hộ trình việc Bùi Viện vay 100 lạng bạc từ kho Nam Định, bị khiển trách. Trong ba năm 1878-1880, bộ Hộ nhiều lần trình việc các tàu thuyền do Bùi Viện và Bùi Bổng [Phụng] thuê chở hàng hóa đâm phải đá ngầm bị đắm và phải đền bù hàng hóa bị hư hỏng, thiếu hụt.”

Và Vũ Ngự Chiêu kết luận, “Bùi Viện lại bị trách phạt nhiều lần, không được thăng thưởng, cách nào lên tới “tham tri” [2:2, tòng nhị phẩm] (tương đương chức Thứ trưởng hiện nay) để phụ trách việc thương chính [khác với tuần tải] miền Bắc?”

Tác giả chứng minh Bùi Viện không thể là Tham tri là để phản biện Nguyễn Quốc Thắng & Nguyễn Bá Thế ghi trong Từ Ðiển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam là, sau khi được gặp Tổng thống Ulysses S. Grant (1873) về nước Bùi Viện được Tự Đức bổ làm Tham Tri.

Mới là văn quan trật Chánh bát phẩm (sau khi đỗ Cử nhân), “đi Mỹ về” bỗng được thăng trật Tòng nhị phẩm là điều không thể xảy ra. Xin xem lại hoạn lộ của quan Nguỵ Khắc Đản.

Mặt khác, về chức quan “Tham Biện Thương Chính”, Đỗ Văn Ninh, trong “Từ điển Chức Quan Việt Nam”, viết,

“1610. Thừa Biện | Chức quan thời Nguyễn. Ở cấp Bộ, Viện, tỉnh được Trưởng quan trao việc một thời gian, chỉ thừa hành. Khác với Tham Biện có thể tham gia bàn việc. […] Trật Chánh ngũ phẩm văn giai.” (trang 819-20).

Như thế, Tham Biện là một chức quan văn giai, có thể ở trật Chánh ngũ phẩm hay Tòng tứ phẩm?

Tóm lại biện luận cách nào đi nữa, nếu không có một sử liệu nào khác xác minh Bùi Viện là văn quan tam phẩm trở lên dưới triều Tự Đức, thì tấm hình ghi chú “Bùi Viện, 1839-1878, (ảnh thờ tại từ đường họ Bùi, làng Trình Phố, Thái Bình)” là một tài liệu có vấn đề.

Tại sao tấm hình ghi “Bùi Viện, 1839-1878, (ảnh thờ tại từ đường họ Bùi, làng Trình Phố, Thái Bình)” lại là một tài liệu có vấn đề?

Dù là ảnh trắng đen, nếu hiểu về quy chế triều phục của bá quan văn võ Triều Nguyễn năm 1845, người xem ảnh có thể nhận ngay ra vị quan ngồi ghế cạnh bàn có bình bông là một quan văn triều Nguyễn, trật tam phẩm trở lên vì ông trong phẩm phục đại triều, đội mũ phốc đầu tròn và mặc áo (mãng) bào, chân mang hài, tay cầm hốt.

Ảnh của Bùi Thụy Đào Nguyên (2012). DCVOnline phụ chú.
Ảnh của Bùi Thụy Đào Nguyên (2012). TGT phụ chú.

Xem kỹ hơn nữa, dù là ảnh trắng đen và cánh chuồn không rõ chi tiết, người ta thấy phía trước mũ phốc đầu tròn của vị văn quan có 1 bác sơn (vàng), 2 khoá giản (vàng), 1 hoa (vàng), và 2 giao long (vàng) là tập hợp trang sức mũ phốc đầu của quan chánh nhị phẩm hay chánh tam phẩm văn giai. Nếu sau mũ có hai hoa (vàng) thì đó là mũ của quan văn Chánh nhị phẩm, nếu chỉ có một hoa (vàng) thì đó là mũ của Chánh tam phẩm văn giai.(14)

Một cách khác, có thể giúp xác định được tấm hình vị quan (chánh nhị phẩm hay chánh tam phẩm văn giai) có thể là hình của Bùi Viện hay không: đi tìm xem nó được chụp khi nào và tác giả là ai.

Sử dụng kỹ thuật tìm hình của Google người ta sẽ thấy gần 200 trang tiếng Việt, Pháp, Hoa, Anh đều có tấm ảnh vị quan trong câu chuyện. Phải gạn lọc mới có thể để tìm đến những trang có tương đối đủ thông tin về tấm ảnh cũng như xuất xứ của nó.

Trang hình ảnh và tài liệu “Nguyễn Tấn Lộc” http://nguyentl.free.fr/ có lẽ là xuất xứ của những tấm ảnh đã được cắt và dán lại ở những trang khác. Ở đây, trang “Nguyễn Tấn Lộc”, người xem sẽ thấy nhiều hình ảnh của những vị quan triều Nguyễn ở trang 6, dưới tiểu đề “Les portraits (1884-1885)” trong tiểu mục Les photos du Docteur Hocquard ou le Vietnam en 1884-1885, ở trang “Images d’autrefois”, trong đó có tấm ảnh của viên quan trong câu chuyện.

Tác giả của những tấm hình đó là Bác sĩ Charles-Édouard Hocquard. Ông chụp những tấm ảnh đó trong khoảng 1884-1885, triều vua Hàm Nghi.

Bác sĩ Charles-Édouard Hocquard. Nguồn: Charles-édouard Hocquard, "Une campagne au Tonkin: Partie 2" (French Edition) (French). Adamant Media Corporation – Mar 22 2002
Bác sĩ Charles-Édouard Hocquard. Nguồn: Charles-édouard Hocquard, “Une campagne au Tonkin: Partie 2” (French Edition) (French). Adamant Media Corporation – Mar 22, 2002

Theo thông tin của trang “Nguyễn Tấn Lộc”, tất cả những hình ảnh của Charles-Édouard Hocquard lưu trữ tại đây là đóng góp của ông Trần Quang Đông ở Na Uy. Hơn nữa, toàn bộ ảnh của Bác sĩ quân y Pháp Charles-Edouard Hocquard đã được Centre des Archives d’Outre-Mer à Aix-en-Provence phát hành dưới dạng CD-ROM.

Như thế, vị quan đội mũ phốc đầu tròn, mặc áo bào, chân mang hài, tay cầm hốt — phẩm phục đại triều của văn quan Triều Nguyễn — ngồi bên cạnh bàn ba chân có bình hoa và một số vật dụng không thể nào là ông Bùi Viện. Tấm ảnh đó là một trong những tác phẩm của Charles-Édouard Hocquard chụp ở Việt Nam trong khoảng 1884-1985, đời vua Hàm Nghi, mà Bùi Viện thì đã qua đời năm 1878, 6-7 năm trước đó, đời vua Tự Đức.

Mặt khác, xem ảnh ba vị quan triều Nguyễn dưới đây, người ta khó có thể kết luận vị quan văn XYZ trạc tuổi quan văn Hồ Văn Nhuận, 42 tuổi, hay quan văn Trần Tế, 39 tuổi. Từ đó có thêm câu hỏi, tại sao người ta chọn hình vị quan văn XYZ và cho đó là hình của Bùi Viện, qua đời ở độ tứ tuần, dưới triều Tự Đức?

Ba vị quan văn triều Nguyễn (Tự Đức  & Duy Tân). Nguồn:  Jacques-Philippe Potteau và Charles-Édouard Hocquard
Ba vị quan văn triều Nguyễn (Tự Đức & Hàm Nghi). Nguồn: Jacques-Philippe Potteau và Charles-Édouard Hocquard

Và so sánh hình 4 vị quan văn ở Huếvà Bắc Kỳ trong bộ ảnh của Bác sĩ Hocquard dưới đây, người ta có thể có câu trả lời tại sao hình vị quan XYZ lại được chọn làm hình của Bùi Viện.

Hình của B.s. Charles-Édouard Hocquard chụp ở Huế và Bắc Kỳ trong khoảng 1884-1885.
Hình của B.s. Charles-Édouard Hocquard chụp ở Huế và Bắc Kỳ trong khoảng 1884-1885.

Dưới đây là tấm ảnh vị quan văn (tam phẩm / nhị phẩm) triều Nguyễn trong phẩm phục đại triều do Docteur Charles-Édouard Hocquard chụp ở Tonkin (Bắc Kỳ) trong khoảng năm 1884-1885. Ảnh số gốc tên là “Mandarin annamite en costume de cérémonie”, số mã FRANOM27 049FI 08N182, có chữ ký “D. Hocquard”  ở khung hình. Ảnh do B.s. Charles-Édouard Hocquard chụp hiện lưu trữ tại Thư viện số của Archives nationales d’outre-mer, 29, chemin du moulin de Testas, 13090 AIX-EN-PROVENCE, FRANCE, telephone: 00 33 (0)4-42-93-38-50, e-mail: [email protected]  http://anom.archivesnationales.culture.gouv.fr/

Nguồn:  http://anom.archivesnationales.culture.gouv.fr/
Nguồn: http://anom.archivesnationales.culture.gouv.fr/
madarin_hoquard_1884-85a

Vì vậy, tất cả những nhận xét, phân tích về phẩm trật, chức quan của Bùi Viện cũng như về quy chế triều phục của bá quan văn võ Triều Nguyễn hay so sánh ngoại hình và tuổi tác ở phần trên chỉ có tính hàn lâm.

Người viết tin rằng hậu sinh chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết mặt ông Bùi Viện.

Dưới đây là một đoạn trao đổi, hơn bốn năm trước, giữa tác giả “Chuyện Bùi Viện đi Mỹ, lịch sử hay ngụy biện Chủ nghĩa Dân tộc?” và VTT, người phụ trách trang “tranlucsaigon”.

Nguồn: tranlucsaigon
Nguồn: tranlucsaigon

Đi tìm Bùi Viện tuy không gặp được mặt ông nhưng người viết hy vọng câu chuyện làng văn này sẽ góp được một phần nhỏ cho giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam, và ít nhiều cũng là sự trân trọng với tất cả hậu duệ của Bùi Viện, nhất là những người đang giữ trách nhiệm thờ phụng ông ở làng Trình Phố, nay là xã An Ninh, Tiền Hải, Thái Bình.

Tháng 10, 2016.

© DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài và hình do tác giả gởi. DCVOnline hiệu đính.
(1) “Les premiers photographes au Việt-Nam”, Les carnets de Philippe Truong, 13 December 2015. https://goo.gl/cHQAwG
(2) John Hannavy (Editor), “Encyclopedia of nineteenth-century photography”: A-I, index, Volume 1, Routledge; 1 edition (Aug. 24 2007), trang 1318-9 và Émile Gsell, Wikipedia.org, https://goo.gl/IdQ3kI
(3) Charles-Edouard Hocquard (1853−1911), “Une campagne au Tonkin” (A campaign in Tonkin), L. Hachette, Paris, CE 1892
(4) “Salles, Firmin André, 1860-1929 et le docteur Baurac – Indochine et autres, 1884-1899”, Des Photographes en Indochine, dir. Philippe Franchini et Jérôme Ghesquière, Paris, Marval/RMN, 2001, https://goo.gl/UVFvyo
(5) Achives nationales d’outre-mer, “Aurélien Pestel’s Indochina”. https://goo.gl/PKA4Fm
(6) “Trumelet-Faber, général Gustave Ernest 1852-1916, Indochine, 1888-1891”, Des photographes en Indochine, dir. Philippe Franchini et Jérôme Ghesquière, Paris, Marval/RMN, 2001, https://goo.gl/ojo9D4.
(7) Nguyễn Văn Lục, “Nguyễn Thuỵ Hinh là ai?”, © DCVOnline, Septemeber 6, 2016.
(8) Nguyễn Duy Chính trích lại Phan, Trần Chúc, “Bùi Viện với Chính Phủ Mỹ – Lịch sử ngoại giao triều Tự Ðức”. Paris: Ðông Nam Á, 1985. (chụp lại bản Chính Ký, Hà Nội 1953).
(9) Cao Xuân Dục, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thuỵ Lãm dịch Cao Tự Thanh hiệu đính, “Quốc Triều Hương Khoa Lục”, NXB T.p. Hồ Chí Minh, 1983, trang 397-9.
(10) Trần Giao Thủy, “Đoàn Sứ giả Việt Nam tại Paris năm 1863”, © DCVOnline, 6 tháng 6, 2012.
(11) Đỗ Văn Ninh, “Từ điển Chức Quan Việt Nam”, NXB Thanh Niên, 2005, trang 101-2, 129-30)
(12) Ngụy Khắc Đản, Bách khoa Toàn thư mở trích lại Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam chính biên liệt truyện”. Nhà xuất bản Văn Học, 2004. https://goo.gl/401KIY
(13) Vũ Ngự Chiêu, “Nguyễn Ái Quốc: Người Việt Ðầu Tiên Ðến Mỹ?” Hợp Lưu số 93 (2/2007) và số 94 (4/2007).
(14) Trần Quang Đức, “Ngàn năm Áo Mũ”, NXB Nhã Nam, 2013, trang 311-4 và Phụ lục “Quy chế triều phục của bá quan văn võ Triều Nguyễn năm 1845” (theo Hội điển).
(15) Archives nationales d’outre-mer, AIX-EN-PROVENCE, FRANCE, http://anom.archivesnationales.culture.gouv.fr/

2 Comments on “Đi tìm Bùi Viện

  1. BÙI VIỆN

    Danh thơm để lại vạn lời
    Tấm lòng Bùi Viện sáng ngời trời Nam
    Một lòng vì nước vì dân
    Con tim nồng cháy dốc tâm vì đời

    Bôn ba vạn dặm trùng khơi
    Phụng vua tới Mỹ một lần đầu tiên
    Để xem cho biết nhãn tiền
    Biết người phát triển hơn mình ra sao

    Không hay vận nước lao đao
    Dịp may chưa đến lẽ nào khác đi
    Tới xong về cũng ích gì
    Thấy suông nào giúp được chi nước nhà

    Nhưng lòng quãng đại bao la
    Phải đành ôm mộng xót xa ngàn trùng
    Canh tân hụt mất một lần
    Nước mình thua sút vạn phần từ đây

    Biển xa muôn dặm bao ngày
    Hóa thành tâm sự gởi mây bạt ngàn
    Chí cao đành phải lỡ làng
    Chỉ hiềm ai biết lòng vàng còn luôn

    Thế nên khi tỏ ngọn nguồn
    Muôn đời hậu thế luôn theo Người
    Một lòng son sắt vì đời
    Núi sông còn mãi chí người hùng anh

    NGÀN KHƠI
    (06/10/16)