Cái mẹt

Hà Hoài

bien-quang-caoTôi xách mấy chồng cà-mèn ra sân, múc nước vào chậu rôì ngồi xuống rửa, trong bàn ăn bà Tư bỏ đũa xuống đi ra kiếm nước nước uống, lúc buớc lên nhà trên, bà dừng lại bảo tôi:

– Mày vào dẹp bàn an đi đã. Rửa bát chén rồi lên dẹp luôn cái phòng ở trên gác đi, mày mang màn chiếu xuống. Tao cho một ông thầy mướn rồi, chiều người ta dọn tới.

Nói xong bà kêu theo mấy con chó lên buồng và đóng cửa lại. Tôi tiếp tục làm. Một ông thầy đến thuê thế là tối nay tôi lại ngủ ở hiên nhà với mấy con chó. Khoảng năm giờ chiều cái ông thầy thuê nhà đó tới bằng xe xích lô máy; mấy con chó cắn vang cả lên tôi cản không nổi; Bà Tư càu nhàu mắng tôi và niềm nở đón người thuê nhà. Tôi trông thấy ông thầy mà ngờ ngợ như đã gặp ở đâu. Người hắn nhỏ nhắn, mặt xương xương với cái miệng rộng, tóc chải mượt, mang một đôi kính cận gọng đồi mồi; hắn nói giọng miền ngoài. Bà Tư cười cười nói nói giọng niềm nỡ nhìn vào mấy chồng sách của ông thầy:

– Trời, thầy nhiều sách quá. Nhỏ mày mang đỡ lên cho thầy đi.

Hắn ta nói:

– Có vài cuốn tôi mang theo, còn mấy tủ sách tôi phải gửi đằng trường đó bà, mang đến đây để vào đâu, tôi tính kiếm một cái biệt thự nhỏ, tôi ở tạm đây với bà ít lâu.

Bà Tư có vẻ tiếc, tôi ôm đỡ hắn một chồng sách lên thang gác; gian hắn thuê là gian cuối trong năm gian nhà của bà Tư cho thuê. Hắn tay xách va-ly theo tôi lên. Bà Tư mở cửa rồi giao chìa khóa cho hắn; bà tiếp tục ca ngợi gian phòng vì sự mát mẻ của cái cửa sổ bằng bốn khuôn mặt, cũng như những phương tiện như nước điện và nhất là cái cầu tiêu sạch sẽ vệ sinh; bà nói đến những người thuê nhà: Cô Thanh làm y-tá, cậu Nhâm cậu Hoạch là sinh viên trường thuốc, ông Trịnh là công chức, cậu Hoài là học sinh, toàn người tử tế đúng đắn cả; sau cùng bà Tư nói đến sự tử tế đôn hậu của vợ chồng mình, thôi thì đủ cả chẳng thiếu chút gì. Trước khi xuống thang bà Tư hỏi:

– Thế thầy ăn cơm ở đâu, tôi có thể nấu giúp cho mấy người ở đây cả. Tôi ngại lắm nhưng họ nhờ vì tiện, khi mưa gió ra tiệm phiền lắm thầy.

– Bà nấu cho tôi ăn thì gì bằng, vâng mai, từ mai bà nấu luôn cho tôi một thể.

Bà Tư đi xuống với vẻ vui mừng. Thế là tháng này bà có thêm được nghìn bạc tiền nhà  nữa và tôi mỗi bữa phải rửa thêm một chồng cà-mèn. Việc đầu tiên tôi phải tiếp xúc với hắn là việc loan truyền với hắn những điều bà Tư đã dặn; có thể nói đó là một phần luật lệ, nghi lễ dành cho người thuê nhà; công việc đó tôi đã làm nhiều lần: Điện chỉ được thắp tới 12 giờ khuya, đi cầu phải bỏ giấy vào thùng, đi đái phải dội nước, tắm vào buổi chiều, đi ở hành lang và cầu thang phải nhẹ, không làm ồn khi bà Tư cầu kinh, ra vào phải đóng cửa và kỵ nhất: không được mang gái chơi về hú hí. Khi nói đến điều cuối cùng này hắn cười hí hí tít cả đôi mắt lại: người ta là giáo sư ai làm việc bậy bạ ấy, mà nếu có thì cũng là chuyện riêng của người ta, chứ ngó bộ chủ nhà lúc hú hí với nhau thì ai nói. Nghe hắn nói tôi khoái quá tôi nghĩ: thằng cha này có học có khác ăn nói cấp tiến lắm. Hắn nhìn tôi từ đầu đến chân rồi buột miệng hỏi: mày đi ở cho người ta à? Tôi bảo: có sao? Hắn buồn phiền: trông mày không đến nỗi nào lại lựa chọn một việc làm hèn hạ như thế. Tôi cười: Xưa, ông dạy học ở ngoài Lệ phải không? Hắn trừng mắt ngạc nhiên: Sao mày biết? – Chú tôi ở Lệ – Tao dạy ở ngoài đó, nhưng tao chán rồi, bọn học sinh ngu độn hơn mày nhiều, thế mà mày lại đi ở. Tôi ra khỏi phòng hắn xuống nhà.

Tôi đã nhớ ra hắn rồi. Đúng là tôi đã gặp hắn ở Lệ. Khi tôi còn ở ngoài đó. Tôi đã bỏ Lệ vào Sàigòn hơn một năm nay, hồi đó mới đỗ được cái bằng tiểu học, dù đã 17 tuổi vì thủa nhỏ thất học, ở Lệ khó làm ăn tôi không thể làm gì khác là tìm về Sàigòn vừa đi làm vừa tìm cách học thêm. Hắn ta tôi gặp ở một truờng trung học tư khi tôi đến học đệ thất ở trường này; hắn dạy những lớp cao chứ không dạy tôi. Tôi học ở đó độ hơn hai tháng thì nghỉ. Thầy Mạnh – tên hắn – cả trường ai cũng biết, đứa nào cũng mong sao mau được học với thầy, ngay cái bảng quảng cáo ở cổng trường cũng đã đủ sức cám dỗ: một giáo sư ngoại hạng đã du học nhiều năm tại Pháp, Ý, Đức, Anh, Mỹ đã dày công nghiên cứu về giáo dục và văn chương. Có lần tôi đã đứng nghe trộm thầy Mạnh giảng bài, ông nói tôi chẳng hiểu gì hết, ông khoa chân múa tay, bọn học trò ngồi há miệng nghe rồi có lúc vỗ tay, cười khoái trá.

Nhưng cũng có một vài chuyện đồn đại về thầy Mạnh ở ngay trong đám học sinh – nhất là về một tai nạn trong vụ nghỉ hè: chúng kể rằng trong khi đoàn học sinh đi cắm trại, lúc xe lửa qua hầm tối bỗng nghe thấy ở toa dành cho nữ sinh có tiếng kêu thất thanh, vì hầm tối – đã có kẻ lợi dụng ôm cô hoa hậu của trường mà hôn ẩu – khi tàu ra khỏi người ta thấy thầy Mạnh đứng ở đó la lối: Đứa nào mất dạy, lưu manh đó… Nhưng ai là thủ phạm cái vụ phá trinh tiết người ta? Không ai tìm ra. Tụi học sinh bảo chính thầy Mạnh, vì không có ai ở gần, đám nam sinh ở cách một toa nữa kia. Người ta bảo thầy Mạnh không đứng đắn; lớp học riêng thầy Mạnh mở ở nhà dành cho nữ sinh đã không còn ai học; một là vì chính các cô sợ – người ta bảo đã có cô bị thầy làm thất thân – và cũng có cô vì cha mẹ sợ cho con mình mà bắt thôi.

Trước khi tôi nghỉ học ở Lệ, thầy Mạnh cũng đã đi khỏi trường, thông cáo nói thầy Mạnh đi ngoại quốc để thi tiến sĩ, cử nhân gì đó. Ông chú tôi lại nói khác; ông gọi thầy Mạnh là thằng ma cô; ông bảo: đáng lẽ nó vào tù rồi, nhưng vì hắn bà con gì đó với lão hiệu trưởng nên được che chở, nhưng sau cùng phải bắt hắn rời đi; hắn tán tỉnh cả vợ một đồng nghiệp, và ngủ với con gái người gác gian đến có mang; lão hiệu trưởng sợ xấu mặt phải đứng ra bỏ tiền điều đình cho đứa con gái lấy một người thợ hồ. Đứa con gái uất ức vì bị lường gạt đã tìm cách quyên sinh, nhưng may được cứu, khi tỉnh lại đã nói với ông chồng bất đắc dĩ rằng: mày là thợ hồ làm sao nuôi được con ông tiến sĩ. Kể lại chuyện này chú tôi đã cười ngất. Để kết luận chú nói: Tiến gì, có tiến sĩ giấy thì có, bịp, bịp…

Bây giờ tôi gặp lại hắn – hắn là hắn chứ không phải thầy Mạnh – tôi lấy làm ngạc nhiên sao bây giờ trông hắn có vẻ thất thế quá; hắn không đi ngoại quốc sao? Sự có mặt của hắn ở trong nhà này làm tôi bận thêm, bát chén nhiều hơn, cầu tiêu bẩn hơn; hắn bảo tôi sao đi làm việc hèn hạ thế này cũng phải. Nhưng tôi cũng không biết chọn một việc gì hơn, và tôi thấy tôi cũng chả đến nỗi – đây chỉ là một thời gian, hiện tôi cố học Anh Văn để đi làm thông dịch viên. Riêng đối với cái bọn người ở trong nhà này thì tôi khinh họ lắm. Dù tôi đi ở nhưng tôi có luân lý của bọn đi ở. Bọn kia bẩn thỉu vô số. Hai thằng sinh viên nói là học thuốc đó tôi biết quá, cha mẹ ở quê cho ra Sài Gòn học, nói học thuốc mà tôi thấy tối ngày rủ nhau đi chơi, hai đứa có một cái solex, chúng thường ngủ tới chín mười giờ trưa, tối đi tới khuya, nhiều đêm dẫn gái về nhà, bà chủ hỏi chúng nhận là em, chúng hát hỏng, gảy đàn, nói phét, đứng ở cửa sổ đái sang hàng xóm cho họ chửi vang lên. Cái cô Thanh làm y tá ở một mình, đã đứng tuổi nhưng ăn mặc đỏm dáng, nào áo hở cổ, nào đồ đầm, áo blue-jean. Tóc chải mỗi ngày mỗi kiểu, cô ta có một người em gái học ở Đà Lạt, và một thằng nhơn tình trẻ thỉnh thoảng lui tới; hai thằng sinh viên bảo đã nhìn qua vách thấy họ ôm ấp nhau. Còn ông Trịnh đi làm, tôi ngó bộ ông ta như nghiện ngập. Chỉ có anh chàng Hoài, học sinh tôi thấy khá, ít nói và không chơi với ai – còn về bà Tư, nói ra người ta có thể cho tôi là hạng ăn cháo đái bát, ít ra bà ta cũng đã tốt với tôi là cho tôi ở và tối đến cho tôi nghỉ để đi học. Bà Tư không có con với ông chồng hiện thời, cô con gái tên Nhàn là con riêng của chồng bà, còn bà Tư có một người con riêng lấy chồng Pháp – đâu là lính viễn chinh – đã theo chồng qua bên Algérie thỉnh thoảng bà có gửi nước mắm và gạo cho. Nhưng bà ta rất điêu và tàn ác dù mỗi ngày có tụng kinh, bà bắt tôi đền tiền từng chiếc chén sứt, tới chiếc đũa thất lạc, cái gì còn thừa thì đến phần tôi ăn.

Ông Giáo – tên gọi ở nhà chỉ thầy Mạnh – đến được hơn một tháng thì buổi sáng kia tôi thấy hắn mang về một cái mẹt vừa phải và ít sơn kẻ một cái biển: Dạy riêng triết và văn chương – giáo sư Mạnh, phụ trách, hắn nói với bà Tư để hắn mở lớp học ở ngay phòng hắn và tùy theo số học sinh hắn sẽ trả thêm tiền nhà, bà Tư nghe nói đến tiền hí hửng bằng lòng ngay, hắn khoe có bằng gì cao lắm – và có cả một cái bằng về khiêu vũ nữa, hắn nói:

– Mày phải biết lấy một cái bằng khiêu vũ còn khó bằng vạn cái bằng cử nhân tiến sĩ.

Mẹt quảng cáo. Nguồn: DCVOnline
Mẹt quảng cáo. Nguồn: DCVOnline

Tôi thấy hắn nói mà sợ luôn. Tôi đã giúp hắn treo cái mẹt ra ngoài cửa nhà, hắn đứng ngắm nghía xoa tay ra vẻ khoái lắm… khi bước xuống khỏi chiếc ghế đẩu hắn vỗ vai tôi:

– Tao sẽ cho mày làm học trò.

Tôi ngơ ngác:

– Tôi biết gì triết và văn chương mà học.
– Không biết nên mày phải học, sao ngu vậy, thế bây giờ mày học gì?
– Học Anh văn.
– Trời ơi, thật là dân thuộc địa, mày chủ tâm đi làm bồi sao?
– Không, Tây nó về nước rồi còn đâu mà làm bồi, tôi định đi làm thông dịch viên.
– Mày còn trẻ, ráng học tao mà làm lớn, nếu mồ mả nhà mày kha khá.

Tôi lặng thinh. Hắn có nhiều điều lạ tôi không thấy ở người khác, hắn làm ra vẻ thương tôi lắm, mỗi sáng đi mua cà phê giúp hắn, hắn cho một đồng; quần áo đưa thợ giặt lần nào hắn cũng cố bỏ sót trong túi mấy đồng cho tôi moi. Những cử chỉ, lời nói của hắn có lẽ đã lọt vào mắt con bà chủ. Hai thằng sinh viên có vẻ ghen, và cô y tá xem ra ức lắm.

Trong những câu chuyện hắn thường nói đến những điều ở nước Pháp, nước Mỹ.

– Biết thế này tôi ở bên đó lấy vợ đầm cho xong, chúng theo tôi cả đống, nhưng nghĩ mình là dân Việt Nam làm thế đâu được, lương tâm cắn rứt chứ. Chỉ có bọn vong bản, mất gốc, Việt gian mới làm thế được. Cái bọn đó phải chém đầu. Dân mình còn ngu dốt thế này, phải khai hóa dạy bảo chúng chứ, phải cho chúng biết thân phận con người ra sao, dân chủ tự do ra sao chứ, và phải giáo dục nghệ thuật nữa, như chuyện nhảy đầm đó, sao lại cấm, nó là nghệ thuật mà…

Hắn nói huyên thuyên đủ chuyện, tôi chỉ biết há mồm ra nghe. Hắn còn nói tới cả việc giáo dục sinh lý ở Tây trước khi con gái lấy chồng bố còn dạy cả cách ngủ với chồng. Tôi chẳng biết thực hư ra sao, chuyện ở tận bên Tây ai biết?

Hắn có một lối sống rất phong lưu, quần áo lúc nào cũng chỉnh tề; hắn nói hiện nay dạy cho một vài trường tư; hắn luôn luôn nói đến tụi con buôn, lái chữ lợi dụng học đường. Tôi thấy cái gì hắn cũng chửi cả. Nhưng cái chuyện hắn dở trò tán tỉnh cô Nhàn, con bà chủ, không qua mắt tôi; hắn đã rủ được cô ta đi coi ciné, tôi ngạc nhiên chuyện đó lắm, vì tôi nghĩ hắn là giáo sư sao lại đi tán một đứa con gái đã không đẹp thì chớ lại còn thất học. Cô nàng chỉ điểm trang suốt ngày giao du với tụi du côn, và bạn của mấy cô gánh nước, một hôm tôi hỏi:

– Cô Nhàn mê ông sao? Cô ấy hay đấy chứ?

Hắn nhăn mặt:
– Của giả mày ơi.

Cô ta hay đấy, “co” đẹp lắm.

– Thôi đi mày, trông vậy mà giả, ngực độn cao su. Bây giờ cái gì cũng giả, từ vú giả, thiếu tá giả, bằng giả… Mày ngu lắm. Mày tưởng bở hả, tao chán lắm.

Trời ơi, tôi không thể ngờ được chuyện đó. Tôi phục hắn là một người lương thiện, hiểu đời.

Thời gian trôi qua được mấy tháng, bỗng một sáng kia. Ông giáo sửa soạn dọn nhà đi một cách hấp tấp.

Nhưng khi ông vừa ra đến cửa thì bị ngăn lại. Cô Nhàn khóc lóc thảm thiết:

– Thằng mặt mẹt mày định đi đâu, mày không đi được, mày phải lấy tao.. Tất cả mọi người ngạc nhiên,

Vợ chồng ông Tư không hiểu gì hết:

– Trời ơi! Nó ngon ngọt dụ dỗ tôi; bây giờ tôi có mang nó bỏ tôi.

Mọi người lúc bấy giờ mới vỡ lẽ ra, bà Tư phụ với cô Nhàn giữ hắn ta lại, ông Tư lo kêu cảnh sát bắt hắn ta. Tôi sững sốt đến độ không hiểu gì hết. Có một ông hàng xóm nói với tôi:

– Thằng cha này tôi biết mà, tôi biết nó từ xưa. Nó hồi đó bị Tây bắt, nó luồn lọt thế nào đó với một ông cha sở giúp đỡ, rồi nó lại khéo léo xin đi tu; khi sang Pháp hắn bỏ tu đi ăn chơi ở bên đó, đến khi không được cha sở giúp nữa vì ông ta biết nó rồi. Nó đành trở về ở nhà, nó bậy bạ với một người làm của ông bác hắn, ông bác bắt nó phải cưới làm vợ, đã có được ba bốn đứa con gì đó. Nhưng nó không bao giờ nói đến vợ con hết, bỏ bê gia đình dù hắn dạy học có tiền, vì có bằng cấp cao, thật là một thằng lưu manh, có học như thế cũng bỏ đi.

Từ những câu đồn đại, tới cái việc trước mắt làm tôi ngẩn ngơ. Hóa ra tôi ngu thật. Tôi liền cố gắng theo dõi câu chuyện xem ra làm sao. Tôi không tin hắn ta ngủ với cô Nhàn – hắn là giáo sư mà, hắn đi Tây về chứ ít gì, tôi mua bánh mì vào tiếp tế cho hắn ở bót cảnh sát. Tôi thấy hắn bị giam chung với bọn gái điếm, ăn cắp mà thương hại. Tôi hỏi:

– Thực hư ra sao?
– Mày hỏi cái gì?
– Chuyện cô Nhàn?
– Mày lại nghi cho tao nữa à – hắn nói nhỏ vào tai tôi – con Nhàn nó ngủ với trăm thằng, nó có còn trinh đâu mà bảo tao, nếu con tao, tao nhận và cưới rồi.
– Sao người ta bảo ông có vợ và ba bốn con gì?
– Ai bảo mày thế?
– Người ta…
– Láo, láo, đâu có chuyện – đó là con rơi…Rồi mày coi pháp luật sẽ giải oan cho tao, tao sẽ kiện cho con mụ Tư mất cả cái nhà nếu nó không bãi nại ngay. Mày tốt lắm, cả xã hội này chỉ còn có mày tốt và hiểu tao.

Tôi cảm động khi nghe hắn nói thế. Tôi tiếp tục tiếp tế cho hắn – Nhưng rồi hắn không được tha như hắn nói, người ta khám phá ra rằng các bằng cấp của hắn là giả mạo, và hắn bị tống giam vào khám Chí Hòa.
Câu chuyện đi đến một kết thúc khiến tôi chẳng thể hiểu. Trong nhà bà Tư bàn tán xôn xao cả lên. Cô Nhàn khóc tỉ tê cả mấy ngày không thôi. Bà Tư cằn nhằn sỉ vả đủ điều; ông Tư buồn rầu nhìn đứa con gái chỉ còn nước uống la-de chửi đổng. Cô y tá vuốt cái bụng như lo lắng cho mình. Những người thuê nhà khác chụm lại cười nói bàn tán .

Bà Tư la tôi dọn căn nhà của hắn, đề bảng cho thuê, bà bảo:

– Mày hạ cái mẹt xuống nữa.

Tôi mang ghế đẩu ra nhưng tôi thấy trên hai mặt mẹt ai đã vô tình dán lên đó một tấm bích chương. Tôi nói với bà Tư là thôi để đó, vì có dán bích chương gỡ đi không tiện, để rồi lúc nào gỡ chẳng được.
Tôi ở thêm với bà Tư được ít lâu nữa rồi tôi đi xa; có người mướn tôi làm với tiền lương cũng khá; thời gian đi ở đã cho tôi nhiều điều hay ho để chung sống với mọi người. Tôi không dễ tin như xưa nữa, tôi sợ bị lường gạt lắm. Tôi thương bà Tư, cô Nhàn, tôi thương cả ông giáo sư giả kia, vì sao lại chọn con đường đó, đi ở mà sống như tôi có chết ai mà phải giả mạo đến nỗi vô tù.

Đi xa Sàigòn hơn một năm tôi mới có dịp về chơi. Tôi ghé lại thăm bà Tư, nhưng bà ta đã về quê rồi, nhà đó có chủ khác. Căn nhà phía ngoài là một tiệm thuốc gia truyền trị bệnh phong tình, sốt rét… Tôi ngạc nhiên thấy cái mẹt vẫn còn nguyên, nhưng trên đó đề: Trị 24 thứ trĩ. Tôi bật cười, có người đứng đó hỏi: Cái gì đó bác? Tôi nói: Không.

(Trích Văn Nghệ số 18 tháng 11/1962)

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Văn Miền Nam, Tập I, THƯ ẤN QUÁN 2009, Tủ Sách Di Sản Văn Chương Miền Nam, Trang 287-305.

1 Comment on “Cái mẹt

  1. THI CA VÀ VĂN HỌC

    Tôi không thích viết văn
    Có lẽ ít năng khiếu
    Nhưng lại hay làm thơ
    Vì làm thơ quá khỏe

    Bởi văn chương dài dòng
    Ngốn thì giờ nhiều quá
    Làm thơ lại nhàn hạ
    Phóng bút là ra ngay

    Tuy không thích viết văn
    Nhưng say mê khi đọc
    Văn chương tuy ngoằng ngoèo
    Nhưng lại đầy thú vị

    Nhưng văn hay là thơ
    Cũng nói về thế giới
    Cũng nói về con người
    Cũng nói về xã hội

    Tôi không thích văn chương
    Kiểu văn chương phù phiếm
    Toàn tình yêu nhăng nhít
    Nhưng khoái văn chương đời

    Văn chương đời hiện thực
    Cũng giống như thi ca
    Không viết về mây gió
    Không viết về lá hoa

    Bởi vì chuyện con người
    Luôn sâu như cái giếng
    Văn cũng như thơ
    Có bao giờ múc cạn

    Ấy văn chương là thế
    Giống thợ đẽo đã ngàn
    Hay giống nhà điêu khắc
    Luôn tạc tượng cuộc đời

    Chỉ văn ít súc tích
    Dẫu súc tích càng hay
    Nó khác thơ là vậy
    Vì thơ như bông hoa

    Bông hoa chỉ cần một
    Cũng đã rực rỡ rồi
    Không như văn dàn trãi
    To bự như cây sồi

    Tôi làm thơ là vậy
    Như ngắt một bông hoa
    Ngắt hoa thôi đủ thứ
    Tùy lúc thích vậy mà

    Ngắt hoa chẳng gì mệt
    Khác hơn người viết văn
    Phải xới đào cật lực
    Mới trồng được cây con

    Nhưng cây rồi cũng lớn
    Cũng được hoa trái thơm
    Còn làm thơ khỏe lạ
    Bứt là được hoa liền

    Quả cuộc đời là vậy
    Mỗi người ý thích riêng
    Hay cũng tùy năng lực
    Dẫu cuộc đời huyên thiên

    Mỗi người như loại cây
    Với thiên hình vạn trạng
    Không cây nào giống cây nào
    Cây cao hay cỏ thấp

    Có cây nào tự sinh
    Mà trời đất cho vậy
    Nhưng còn điều may mắn
    Do hoàn cảnh làm nên

    Cuộc sống thật bao la
    Bởi cây đời là vậy
    Nên trong thế giới này
    Đâu muốn chi được nấy

    Có kẻ muốn địa đàng
    Quả chỉ điều xằng bậy
    Biến đời thành địa ngục
    Thật cái ngu hiếm thấy

    Nên đời là khách quan
    Vô tư là thế đó
    Phải sống bằng con tim
    Và lý trí nhân bản

    Kiểu xây dựng địa đàng
    Như dã tràng xe cát
    Dầu xe cả ngàn năm
    Biển đời luôn xóa cả

    Sao không sống hồn nhiên
    Giống cỏ hoa đồng nội
    Sống gởi xong thác về
    Như ông bà thường nói

    Con người là nhân văn
    Là tinh thần vũ trụ
    Chiều cao của con người
    Là núi trong tâm khảm

    TIẾNG NGÀN
    (18/11/16)