Điện đàm của Donald Trump với Tổng thống Đài Loan có nghĩa gì?

Lexington, Simi Valley, CA | DCVOnline

chinaus_taiwanNgười ta đang nhặng xị lên về một nhân vật sắp đứng đầu hệ thống điều hành một quốc gia hùng mạnh nhất trên trái đất, một người quyết định bốc đồng và có vẻ như không hiểu được tầm quan trọng của những hành động đó.

DOnal J. Trump, TT đắc cử Mỹ và Thái Anh Văn, Tổng thống nước Cộng hoà Trung Hoa. Nguồn: AFP.
DOnal J. Trump, TT đắc cử Mỹ và Thái Anh Văn, Tổng thống nước Cộng hoà Trung Hoa. Nguồn: AFP.

Bất chấp lý luận hay tuyên bố của những kẻ biện giải cho sự cai trị độc đảng, có rất nhiều lý do tuyệt vời tại sao Mỹ cần thắt chặt quan hệ với Đài Loan, hòn đảo thân thiện và năng động của 25 triệu người dân cho thấy rằng, dân chủ và văn hóa Trung Quốc có thể cùng tồn tại. Có một lý do rất đau đớn và nghiêm trọng tại sao bất kỳ tiến trình thắt chặt thêm mối quan hệ đó vẫn không thể có được chuyện Mỹ quay sang công nhận Đài Loan là một nước độc lập có chủ quyền, ít nhất trong khi Hoa Lục vẫn do những người quyết liệt theo chủ nghĩa dân tộc độc tài cai trị (mặc dù họ mang danh nghĩa Cộng sản).

Vấn đề là Trung Quốc với quyết tâm tuyệt đối coi Đài Loan chỉ là một tỉnh ly khai, một ngày nào đó phải được đoàn tụ với đại lục, nếu cần, bằng vũ lực. Ở một thế giới khác thì tính độc lập của Đài Loan chỉ là vấn đề công bằng và lẽ bình thường: hòn đảo này chưa bao giờ bị chính quyền cộng sản ở Bắc Kinh kiểm soát, và người dân ở đây ngày càng gắn bó với một bản sắc Đài Loan đặc biệt, nhất là đối với những thế hệ trẻ. Nhưng đó không phải là thế giới này. Tệ hơn nữa, các quan chức và tướng lãnh Cộng sản không phải cô đơn phản đối sự độc lập của Đài Loan. Một phần nhờ vào mấy chục năm nhồi nhét và thực sự thấm nhuần chủ nghĩa dân tộc, bắt đầu từ lớp mẫu giáo, công chúng Trung Quốc phản ứng dữ dội với bất cứ hành động nào của cường quốc nước ngoài đang đe dọa những gì mà sử sách và giới truyền thông nhà nước gọi là sự “toàn vẹn lãnh thổ” của Trung Quốc – nó thường được so sánh với sự nhục nhã ở cuối thời của đế quốc Trung Hoa khi bị các cường quốc bên ngoài chiếm giữ Hồng Kông hay Macao. Nói cách khác, giới lãnh đạo cộng sản TQ bày tỏ quan điểm của họ đồng thời tuân theo dư luận quần chúng khi họ bắt nạt và dằn vặt đối tác nước ngoài phải cô lập Đài Loan bàng vô số cách rất bẽ mặt, thường xuyên diễn tập quân sự mô phỏng một cuộc xâm lăng băng đường biển hoặc dựng giàn hoả tiễn của họ xoay về eo biển Đài Loan.

Trong bối cảnh như vậy nên người ta không khỏi ngạc nhiên khi Tổng thống đắc cử Donald Trump đã bỏ tập quán ngoại giao có từ 37 năm qua, nhận điện thoại chúc mừng của Tổng thống dân cử Đài Loan Thái Anh Văn, 蔡英文Tsai Ing-wen. Rồi sau đó, để biện minh cho hành động này, Donald Trump đã tweet, “Tổng thống Đài Loan GỌI TÔI hôm nay để chúc mừng tôi đắc cử Tổng thống.”

Không, ngay cả Ronald Reagan, một người bạn đặc biệt của Đài Loan, cũng chưa khi nào nói chuyện trực tiếp với nhà lãnh đạo của hòn đảo này khi ông đắc cử Tổng thống. Kể từ khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính quyền Đài Loan vào năm 1979, tất cả Tổng thống Mỹ từ khi đó đã chấp nhận một viễn tưởng ngoại giao là chỉ có “Một Trung Quốc”, và rằng hai chính phủ ở Hoa Lục và Đài Loan đều muốn giành cái hào quang có chủ quyền cai trị quốc gia thống nhất đó. Ngay cả Thái Anh Văn, bà đã không sử dụng danh hiệu chính thức là “Tổng thống của Đài Loan”, nhưng gọi mình là Tổng thống của nước Cộng hòa Trung Hoa, khiến bà trở thành người thừa kế hợp pháp của giới lãnh đạo Quốc Dân Đảng đã bỏ lục địa trốn sang Đài Loan vào năm 1949 sau khi thua Mao Trạch Đông và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (cộng sản cai trị) trong một cuộc nội chiến. Nó có thể là một hư cấu để giữ thể diện, nhưng nó cũng đã tiết kiệm được nhiều mạng sống. Nguyên nhân khả dĩ nhất để có thể có một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn luôn luôn là một cuộc khủng hoảng liên quan đến Đài Loan. Năm 1995 và 1996 chính quyền Hoa Lục tiến hành thí nghiệm hoả tiễn hăm dọa sau khi Mỹ cấp chiếu khán cho Tổng thống Đài Loan lúc đó để ông có thể sang nói chuyện tại Đại học Cornell; khi đó Bill Clinton đã phải gửi tàu chiến tới khu vực để biểu dương lực lượng.

Đồng minh của ông Trump đã khen ông dám đương đầu với một Trung Quốc hay bắt nạt bằng cách châm ngòi một khủng hoảng ngoại giao mini ngay cả trước khi ông nhậm chức vào tháng Giêng năm tới, để rộng đường đối đầu với Bắc Kinh một khi ông đã nhậm chức, và bắt đầu mặc cả các vấn đề như: thương mại và việc Trung Quốc giúp đỡ chương trình nguyên tử của Bắc Hàn. Trong khi đó tin từ một diễn đàn quốc phòng và an ninh tại Thư viện Reagan ở California vào thứ Bảy, tác giả đã gặp một nhân vật cao cấp phe diều hâu trong chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa thời George W. Bush; người này đã nói rằng dù các đồng nghiệp trong giới ngoại giao của ông đã “bị bắt bẻ muôn chiều” về vụ Đài Loan gọi điện thoại, ông không thấy có vấn đề gì với Tổng thống mới đắc cử giữ một đối thủ như Trung Quốc “lúc nào cũng phải ở thể đề phòng”. Cạnh đó, nhân vật diều hầu nói trên nhận xét một cách chính xác, phản ứng chính thức của Trung Quốc cho đến nay rõ ràng là rất dè dặt, với Bộ trưởng Ngoại giao, Wang Yi, đổ lỗi cho giới lãnh đạo Đài Loan, cho cuộc gọi điện thoại chỉ là một “tiểu xảo”.

Ngày 3 tháng 12 tờ Nhật báo Trung Quốc, một tờ báo tiếng Anh do Hội đồng Nhà nước xuất bản và được dùng để gửi thông điệp tới thế giới bên ngoài, đưa thêm vài hàng trịch thượng đối với ông Trump, với một bài xã luận với tựa đề: “Không cần giải thích nhiều về cú điện thoại giữa Thái Anh Văn và Trump” và nhận định,

“Đối với Trump và nhóm chuyển giao quyền lực, nó không cho thấy gì hết ngoài sự thiếu kinh nghiệm của Trump và của nhóm chuyển giao quyền lực của ông trong việc đối phó với các vấn đề đối ngoại.”

Như vậy, có phải những người ủng hộ trump đã đúng khi coi cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn một nước cờ hay? Tôi đã đến thăm nhiều lần và tôi rất thích Đài Loan, nhưng tôi ngờ rằng ông Trump và nhóm của ông đang gần như chắc chắn dựng Đài Loan lên rồi sẽ cho Đài Loan đổ xuống. Nó như thế bởi vì, nếu bị buộc phải lựa chọn giữa quan hệ hòa bình với Trung Quốc và tình bạn với Đài Loan, không thể có bất kỳ tổng thống Mỹ nào sẽ chọn Đài Loan. Và chắc chắn sẽ như vậy. Trung Quốc sẽ buộc Tổng thống Trump phải lựa chọn. Lúc đó Trump sẽ buông rơi Đài Loan như một cái bánh bao nóng.

Liệu Tổng thống mới đắc cử hiểu được điều này không? Không ai có thể biết được. Tweets của ông kể từ khi có cuộc điện thoại với Đài Loan mang một giai điệu khá cáu kỉnh, như thể phàn nàn rằng sự nóng giận của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan là không hợp lý. Trong một tweet, ông viết: “Thú vị thật, Mỹ bán cho Đài Loan hàng tỷ đô la những thiết bị quân sự nhưng tôi không nên nhận một cuộc gọi chúc mừng.” Ông đúng, Trung Quốc không hợp lý. Nhưng đôi khi ngôn từ trong chính sách đối ngoại phản ảnh thực tế hoà hoãn và cam kết. Cứ thử hỏi giới chức Mỹ về ngôn ngữ chính xác mà họ sử dụng để mô tả tình trạng của Jerusalem, hoặc sự khác biệt giữa chính quyền Palestine và một nhà nước (Palestine) xem.

Một số đã kết luận rằng ông Trump đã bị một nhóm nhỏ các nhà tư vấn phò Đài Loan xúi dục nhận cuộc gọi điện thoại của bà Thái Anh Văn. Báo chí ở Đài Loan nêu tên một trong những cố vấn đó là Stephen Yates, một cựu phó cố vấn an ninh quốc gia cho cựu Phó Tổng thống Dick Cheney. Ông Yates đã phủ nhận việc xếp đặt cuộc gọi điện thoại, nhưng đã ủng hộ ứng xử đó trong một bài bình luận trực tuyến với Fox News. Trong lời bình luận đó, ông Yates đã có nhiều tuyên bố. Ông viết, một, việc Bà Tsai là Tổng thống của Đài Loan, là “một thực tế hiển nhiên đối với người dân thường ở Mỹ, Đài Loan và Trung Quốc, nhưng lại là cái mà giới ngoại giao thích giả vờ là nó không phải như vậy.” Mặc dù tấn công những chính sách đối ngoại là điều khác được ưa chuộng, nhưng điều này là vô nghĩa. Người Mỹ trung bình không có quan điểm vững chắc về tình trạng pháp lý của Đài Loan. Công dân Đài Loan và Trung Quốc trung bình, mặt khác, đều có quan điểm về câu hỏi đó, nhưng họ cũng biết rằng một tuyên bố độc lập chính thức [của Đài Loan] có thể gây ra một cuộc chiến tranh.

Ông Yates viết tiếp,

“Thực tế là một cuộc điện đàm lịch sự đơn giản như vậy thôi đã gây ra rất nhiều lo lắng và khấu đầu trước nghi thức cũ cho thấy chính sách ngoại giao giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc đã trở thành vô lý đến thế nào. Nếu ứng xử lịch sự với một nước bạn dân chủ và dám nói sự thật ít nhiều về Đài Loan lại thực sự có thể đe dọa hòa bình ở Thái Bình Dương, như giới chuyên gia lo ngại, thì chúng ta cần phải đánh giá lại chính sách quốc phòng của mình để tìm được một cái gì đó tốt hơn.”

Phát biểu đó nghe giống như một chiên thuật làm thế nào Mỹ có thể thay đổi chính sách đối với Trung Quốc bằng hậu thuẫn quân sự. Đây có phải là những gì ông Trump đang suy nghĩ hay không? Gần như chắc chắn là không. Có đúng là ông Trump đã nghe theo lời khuyên của ông Yates và một số người khác ủng hộ cuộc đối đầu với Trung Quốc (John Bolton, cựu đại sứ tại Liên Hiệp Quốc, là một nhân vật khác cũng đã được báo chí nêu tên). Không ai biết được, vì tiến trình giao chuyển quyền lực của ông Trump là một cái hộp đen. Không giống như tất cả các Tổng tống đắc cử hiện đại, ông Trump hầu như đã xa lánh các cấu trúc của chính phủ. Ông đã gọi điện thoại đến các nhà lãnh đạo nước ngoài từ văn phòng của ông ở Manhattan, và một vài lần, bằng điện thoại di động, dựa vào các thông dịch viên chính phủ nước ngoài và nhân viên tốc ký, chứ không dùng hệ thống nhuần nhuyễn đã có của Bộ Ngoại giao. Thật khó để biết những ai là cố vấn chính sách đối ngoại của Trump – rất nhiều người đã được nêu tên coi là đã cố vấn cho Trump, nhưng trong các cuộc phỏng vấn những “Khổng Minh” đó nhận rằng họ đã hầu như chưa bao giờ gặp Tổng thống đắc cử.

Có vẻ quá nhiều phiền phức chỉ vì một cuộc gọi điện thoại. Thực sự nó phiền như vậy. Nhưng nó cũng phiền lắm chứ. Người ta đang nhặng xị lên về một nhân vật sắp đứng đầu hệ thống điều hành một quốc gia hùng mạnh nhất trên trái đất, một người quyết định bốc đồng và có vẻ như không hiểu được tầm quan trọng của những hành động đó.

© DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: How to read Donald Trump’s call with Taiwan’s president., 8:30 BY Lexington | Simi Valley, CA, The Economist, Dec 4th 2016.