Tập hợp Dân chủ Đa Nguyên lật đổ lãnh đạo cũ

DCVOnline

ngkChiếm quyền kiểm soát phương tiện truyền thông, xoá bỏ cơ cấu lãnh đạo nhất nguyên của tổ chức, và bất tín nhiệm Nguyễn Gia Kiểng (hình bên).

Trang báo điện tử Thông Luận
Trang báo điện tử Thông Luận

PARIS | Sau 16 ngày hai trang báo điện tử Thông Luận và Blog Thông Luận không còn thuộc sự kiểm soát của ban lãnh đạo Tập hợp Dân chủ Đa nguyên (THDCĐN), ngày 11 tháng 12, 2106 ông Nguyễn Gia Kiểng, ký tên là “Thường trực ban lãnh đạo”, qua Facebook thông báo

“kể từ ngày 28 tháng 11-2016 báo điện tử Thông Luận www.ethongluan.org và Blog Thông Luận https://ethongluan01.blogspot.com đã bị kẻ gian cướp đoạt với sự đồng lõa của người phụ trách kỹ thuật.”

Ông Kiểng cũng cho biết đây là một cuộc đánh phá có chuẩn bị từ lâu và xa gần cho rằng có bàn tay của cộng sản, “Chế độ cộng sản đã sử dụng một vài người trong THDCĐN mà họ đã mua chuộc hoặc khống chế được,…”

Ông Nguyễn Gia Kiểng gọi việc chiếm quyền kiểm soát hai trang báo điện tử Thông Luận và Blog Thông Luận là “hành vi đạo tặc” và đang tìm cách lấy lại hai trang báo / blog nêu trên đồng thời cho biết đã lập Blog Thông Luận mới ở https://thongluan2016.blogspot.fr/ và sẽ thiết lập lại trang báo điện tử Thông Luận.

Một ngày sau thông báo của ông Nguyễn Gia Kiểng trên Facebook, ngày 12 tháng 12, 2016, Tam Huynh, một thành viên THDCĐN ở Paris đã cho đăng tải bản “Tuyên bố bất tín nhiệm Thường Trực Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên” soạn từ ngày 1 tháng 12, 2016. Bản “tuyên bố” này cũng được đăng trên báo điện tử Thông Luận vào cùng ngày.

Bản tuyên bố đã dẫn nhiều lý do đi đến việc bất tín nhiệm ông Nguyễn Gia Kiểng trong vai trò “Thường trực ban lãnh đạo”.

Suốt 34 năm hoạt động, Tập hợp Dân chủ Đa nguyên đã tổ chức (lãnh đạo) theo cơ cấu nhất nguyên. Vai trò này đã được những thành viên bất tín nhiệm ông Kiểng “xoá bỏ” và thay bằng một vai trò “điều hợp tổ chức trong mô hình tản quyền”. Bản tuyên bố bất tín nhiệm ông Nguyễn Gia Kiểng có 5 chữ ký “đại diện cho nhiều thành viên – thuộc mọi thế hệ” theo thứ tự, “Nguyễn Vũ (Hoa Kỳ), Lê Kim Vân (Canada), Bùi Đắc Lộc (Hoa Kỳ), Phan Bá Việt (Hòa Lan), Nguyễn Gia Thưởng (Bỉ)”.

Ngày 12, tháng 12, 2016, thông báo trên ethongluan.org

  • ghi nhận đóng góp của ông Nguyễn Gia Kiểng trong 5 nhiệm kỳ vừa qua trên cương vị người lãnh đạo THDCĐN
  • không chịu trách nhiệm về bất kỳ lời nói hay hành động nào của ông Nguyễn Gia Kiểng nhân danh THDCĐN kể từ ngày 12 tháng 12, 2016 [và có lẽ cũng là cách rút lại lời mời ông Kiểng làm “cố vấn danh dự như trong “tuyên bố” ngày 1/12/2016].
  • mở rộng cửa đón nhận tất cả những ai muốn bước vào hay trở lại căn nhà Dân chủ Đa nguyên…

Và thông báo thành phần ban điều hợp lâm thời THDCĐN gồm: Trưởng ban, Nguyễn Vũ; Phụ trách Đối Nội, Lê Thị Kim Vân; Phụ trách Đối Nội, Nguyễn Hoàng Mơ; Phụ trách Phân bộ và Kế hoạch, Bùi Đắc Lộc; Phụ trách Phân bộ và Kế hoạch, Phan Bá Việt; Phụ trách Kỹ thuật Truyền thông, Nguyễn Gia Thưởng.

Trong thư công khai “tuyên bố” bất tín nhiệm ông Nguyễn Gia Kiểng, Tam Huynh viết,

“Ông đã bất chấp mọi thiệt hại về nhân sự trong tổ chức để chỉ nhằm mục đích chiếm vị thế của một nhà tư tưởng tài ba nhất Việt Nam và là người sáng lập duy nhất ra Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.”

Theo một thành viên THDCĐN đã trao đổi với DCVOnline thì ngoài những lý do đã trưng dẫn trong bản “tuyên bố” thì nội bộ THDCĐN bắt đầu bất ổn vì bất đồng với việc ông Nguyễn Gia Kiểng bổ nhiệm V.H. làm phụ tá đặc trách quốc nội. Thành viên của THDCĐN ở Sài Gòn cũng như ở hải ngoại đã không chấp thuận quyết định này của ông Kiểng. Ngoài ra thành viên Tập hợp còn có một lá thư của Nguyễn Gia Kiểng viết – Đây là một nhân tố quan trọng đưa đến sự kiện lật đổ cơ cấu lãnh đạo nhất nguyên.

Được biết hai thành viên vẫn là chí hữu của ông Nguyễn Gia Kiểng là N.V.H và V.H.

Ngoài hai cơ sở thông tin điện tử e Thông Luận và Blog Thông Luận, ban điều hành lâm thời THDCĐN cũng đã kiểm soát “Total”, mạng thông tin nội bộ dành riêng cho thành viên của tổ chức này.

  • 28 tháng 11, 2016: e Thông Luận, Blog Thông Luận, mạng Total không còn trong sự kiểm soát của thường trực ban lãnh đạo THDCĐN.
  • 11 tháng 12, 2016: thường trực ban lãnh đạo THDCĐN ra thông báo trên Facebook cho biết phương tiện truyền thông “đã bị kẻ gian cướp đoạt với sự đồng lõa của người phụ trách kỹ thuật.”
  • 12 tháng 12, 2016: Tam Huyh, thành viên THDCĐN, công bố “tuyên bố” bất tín nhiệm thường trực ban lãnh đạo THDCĐN – đã soạn từ ngày 1 tháng 12, 2014. Cùng ngày trên e Thông Luận đã công bố thành phần Ban Điều hợp Lâm thời THDCĐN.

Từ 1982 đến 2016, 34 năm hoạt động, sau nhiều cố gắng hụt nhằm thay đổi cơ cấu lãnh đạo và những mất mát lớn về nhân sự, đầu tháng 12, 2016 thành viên Tập hợp đã chiếm quyền kiểm soát phương tiện truyền thông, xoá bỏ cơ cấu lãnh đạo nhất nguyên của tổ chức, và bất tín nhiệm Nguyễn Gia Kiểng.

THDCĐN lật đổ cơ cấu tổ chức nhất nguyên của tổ chức chính trị mang tên Đa Nguyên và hy vọng “… cùng nhau thực hiện giấc mơ dân chủ hóa Việt Nam.”

© DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”.

1 Comment on “Tập hợp Dân chủ Đa Nguyên lật đổ lãnh đạo cũ

  1. CÁI NGHỊCH LÝ CỦA DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN

    Cứ cách lô-gích mà nói dân chủ không thể không đi đôi với tự do. Không thể có cái này mà lại có cái kia. Cả hai là một hay hai trong một cũng là như thế. Vậy nhưng tổ hợp đó lại đi cùng đa nguyên. Đa nguyên có nghĩa là có nhiều phương hướng, nhiều nguồn gốc khác nhau, miễn là hướng nào hay nguồn phát sinh ra nào cũng đều tốt, cũng đều ích lợi và cần thiết. Như vậy cũng có nghĩa dân chủ tự do không thể một chiều hay một nguồn, bởi nếu thế cũng chẳng còn gì tự do dân chủ nữa. Cái cả ba trong một này là hoàn toàn khách quan, hoàn toàn khoa học, tức hoàn toàn hợp lý, dù ai nói ngã nói nghiêng, nghi ngờ hay chê bai ra sao cũng đều không làm khác đi mọi bản chất tốt đẹp tự nhiên và khách quan của nó được.

    Song điều nghịch lý quan trọng ở đây cần được nói ra. Đó là muốn bảo về cho được cả ba ý nghĩa và giá trị trong một như trên, liệu có cần độc đoán độc tài hay không. Tức khi cái cả ba trong một đó bị đe dọa, bị thủ tiêu như thế nào đó cách nguy hiểm và phi lý, liệu người ta có cần đến giải pháp độc tài nhất định để bảo vệ nó không ? Nhưng nếu thế cũng lại lấy độc trị độc liệu có hợp lý, hữu ích hay chỉ hoàn toàn nghịch lý và tự triệt tiêu nó. Có người có thể nghĩ đến liều lượng của giải pháp đó. Cũng giống như bác sĩ kê toa thuốc, yếu liều lượng thì không trị được bệnh, quá liều lượng lại giết chết con bệnh, còn đúng liều lượng là tài năng cân nhắc của bác sĩ. Song bác sĩ nào lại bảo đảm mình không chủ quan, nên cái nghịch lý của việc cho thuốc men, nhất là thuốc độc trị độc, hay dùng độc tài để bảo vệ tự do dân chủ cũng là như thế. Tuy nhiên bác sĩ hoặc chỉ cứu một người hoặc chỉ làm chết một người, song giải pháp chính trị xã hội lại hoàn toàn khác, nó có thể cứu hay làm chết toàn xã hội về nhiều mặt khác nhau.

    Nên nói cho cùng, ý nghĩa của tự do dân chủ và đa nguyên chỉ là ý nghĩa khoa học, khách quan, ý nghĩa nguyên tắc mà không phải ý nghĩa sở thích hay cảm tính, thị hiếu gì cả. Không thể dùng độc tài để bảo vệ tự do dân chủ, đó thực chất chỉ là ngụy biện, phỉnh gạt những người không hiểu biết hay chỉ để ngụy tín chính mình. Bởi khi sử dụng sự độc tài đã tức khắc tiêu diệt mọi tự do dân chủ đa nguyên từ trừng nước, từ trong nguyên lý của nó rồi, còn gì mà thực hành hay bảo vệ dân chủ tự do đa nguyên được nữa. Cái nghịch lý luôn luôn tự nó là nghịch lý mà không thể nào hay bao giờ là cái gì khác. Chỉ có cái thuận lý duy nhất, đó là luôn luôn phải dùng dân chủ tự do và đa nguyên để bảo vệ dân chủ tự do cùng đa nguyên mới luôn luôn là điều đúng đắn nhất. Thà chịu hi sinh sự độc tài nào đó có lợi cho mình mà luôn luôn bảo vệ được mọi tự do dân chủ cho mọi người và cho toàn xã hội mới con đường cao cả, ý nghĩa và đúng đắn nhất.

    Bởi vậy sự điển hình trong lịch sử nhân loại từ trước đến nay chính là điển hình của học thuyết Mác. Học thuyết Mác ban đầu hay từ khởi đầu luôn xiển dương mọi quyền tự do dân chủ của con người và của xã hội. Mọi lý tưởng, giá trị và ý nghĩa tốt đẹp nhất của con người và xã hội luôn luôn được Mác đề cập và nâng bổng lên, đó là điều hấp dẫn mọi người nhất, đặc biệt là giai tầng trí thức từ trước đến sau mà ai cũng biết. Nhưng khốn thay cái cái luận sau cùng của toàn bộ học thuyết Mác là sự chuyên chính, nó làm phá hủy mọi cái gì tốt đẹp hay lý tưởng của học thuyết ông ta. Đó là điều gây bé cái lầm của mọi người tôn xưng và mê đắm học thuyết Mác là như thế. Bởi cuối cùng do Mác chỉ thòng một câu kết thúc là chuyên chính vô sản, thế là toàn bộ nội dung nhân văn ngay từ đầu nơi học thuyệt ông ta đã bị khóa chặt, đã bị chôn chặt, đã bị triệt tiêu hết ráo. Chính Mác là người đã tự hại lý thuyết của mình và hại nguyên xã hội mà không ai khác. Cho nên cái nghịch lý nó quan trọng là như thế. Triết học đúng nghĩa và khoa học đúng nghĩa đều không bao giờ chấp nhận mọi sự nghịch lý trong lý .

    Vì mọi sự nghịch lý bao giờ cũng đồng nghĩa với sự phi lô-gích, mà phi lô-gich thì còn đâu lý luận rành mạch, đúng đắn cùng ý nghĩa và giá trị khoa học khách quan nào nữa. Chính sự cẩu thả, sự ngờ nghệch tức là sự ngu dốt, ngu tối về mặt triết học lẫn mặt khoa học khách quan về chân lý lịch sử xã hội của học thuyết Mác là như thế. Không ai thả cái xấu bản năng con người tự nhiên ra để dùng nó xây dựng được xã hội lý tưởng cho con người. Đó chẳng khác gì thả cọp về rừng để nhằm cứu vớt mọi người trong rừng một cách lành lặn nhất, quả đó là cái ngu tột trời của học thuyết Mác. Tính cách ngụy biện về mặt khoa học, mặt lịch sử của học thuyết nói cho cùng hay tự trung cũng chỉ là một điều hoàn toàn đơn giản, khách quan nhưng lại hoàn toàn hết sức quan trọng và quyết định quả chỉ chính là như thế.

    THƯỢNG NGÀN
    (19/12/16)