Nixon: phản bạn, phản bội và “phản quốc”?

Trần Giao Thuỷ

“Hả, không. Chúa ơi, tôi không bao giờ lại đi xúi Sài Gòn đừng ngồi vào bàn đàm phán. Lạy Chúa chúng ta muốn họ qua Paris, chúng ta phải đưa họ sang Paris, nếu không sẽ không có hoà bình.” – Richard M. Nixon, ứng cử viên Tổng thống Mỹ, 1968.

Viết để nhớ về tất cả quân cán chính đã phục vụ và bảo vệ người dân miền Nam Việt Nam từ 1954 đến 1975.

Nixon đi buôn lậu với Việt Nam Cộng hoà cuối mùa bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1968

Tin Tổng thống Johnson không tái tranh cử. Nguồn: © CORBIS

1968 – Cách đây gần 50 năm, ngày 31 tháng 3, Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Baines Johnson lên đài truyền hình quốc gia công bố, “Tôi sẽ không muốn, và tôi sẽ không nhận, sự đề cử của đảng [Dân chủ] để tôi [ra tranh cử] một nhiệm kỳ nữa làm Tổng thống của đồng bào.”

Nhưng Johnson còn tuyên bố một điểm quan trọng khác: ông sẽ chấm dứt chiến tranh Việt Nam trước khi chấm dứt nhiệm kỳ. Từ khi đắc cử Tổng thống năm 1964, Johnson đã leo thang chiến tranh tại Việt Nam, đưa ra trận thêm 550,000 lính Mỹ và mở cuộc oanh tạc lớn chưa từng thấy ở miền Bắc Vệt Nam, Chiến dịch Sấm Rền (Operation Rolling Thunder).

Dù đã đổ nhiều xương máu, cuối cùng Johnson đã phải đi đến kết luận chiến thắng quân sự ở Việt Nam là chuyện không thực tế và đã ra lệnh ngưng oanh tạc trên 90% lãnh thổ Bắc Việt và hứa sẽ ngưng bỏ bom ở miền Bắc nếu Bắc Việt bày tỏ thiện chí muốn có hoà bình. Dù giới phê bình Chiến tranh Việt Nam nghi ngờ sáng kiến hoà bình của Johnson, nhưng tài liệu lịch sử đã chứng minh ông thực sự muốn có một lối cho Hoa Kỳ thoát ra khỏi cuộc chiến ở bên kia bờ Thái Bình Dương.

Lúc đó, một nhân vật không đảng phái, cố vấn cho đảng Cộng hoà, gọi cho ứng cử viên Tổng thống Nixon cho hay về một cuộc trao đổi đang xảy ra, nếu Johnson ngừng bỏ bom Bắc Việt thì Liên Xô hứa sẽ đưa Hà Nội vào bàn hội nghị, đàm phán để chấm dứt chiến tranh. Người báo động hoà bình cho Nixon tên là Henry Kissinger. Trước những gì triển vọng hoà bình ở Việt Nam có thể ảnh hưởng đến cuộc tranh cử đang diễn ra, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hoà, ở đoạn cuối cuộc vận động, rẩt lo sợ mất vị trí dẫn đầu, và vì thế đã ra lệnh cho thuộc cấp tìm mọi cách làm cho cuộc đàm phán hoà bình giữa Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội bế tắc.

31 tháng 10, năm ngày trước khi dân Mỹ đi bầu, chọn Tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ, Lyndon Baines Johnson, Tổng thống đương nhiệm, lên đài truyền hình công bố cho cả nước biết ông đã ra lệnh ngưng Chiến dịch Sấm Rền đúng ngày 1 tháng 11 – hoàn toàn ngừng bỏ bom ở Bắc Việt. Johnson đồng thời cho hay Hà Nội đồng ý sự có mặt của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà tại cuộc hoà đàm và Mỹ cũng công nhận “vai trò” của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (MTDTGPMN) dù hành động này “không liên quan đến sự công nhận Mặt trận Giải phóng [là một thực thể] dưới bất cứ hình thức nào”. Trước đây cả Bắc Việt và Việt Cộng đều không công nhận chính phủ Việt Nam Cộng hoà.

Ở Sài Gòn, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra thông cáo cho hay Mỹ đơn phương ngưng bỏ bom Bắc Việt.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, 1968. Nguồn: Brandes Autographs

Vài ngày trước đó, cũng ở Sài Gòn, Beverly Deepe, một phóng viên của tờ Christian Science Monitor (CSM) bắt được một tin đã có thể làm lịch sử thay đổi. Theo nguồn của Deepe, từ phía Việt Nam Cộng hoà, thì Ban vận động tranh cử của Richard Nixon đang hợp tác bí mật với chính phủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhằm cản trở cố gắng hoà đàm của Lyndon Johnson với Hà Nội.

Ngày 28 tháng 10 Deepe gởi mẩu tin sốc về cho ban biên tập của CSM và yêu cầu kiểm chứng “tin cho rằng [Đại sứ Việt Nam Cộng hoà ở Mỹ] Bùi Diễm, đã đánh điện cho Bộ Ngoại giao ở Sài Gòn hay về cuộc gặp gỡ với Ban vận động tranh cử của Nixon”.

Ở thời điểm này có ½ triệu lính Mỹ ở miền Nam, với hơn 30 ngàn người đã tử trận, cuộc đình chiến có thể giảm thiểu thương vong của người Mỹ cũng như người Việt. Nhưng hướng tiến đến hoà bình ngay lúc này cũng đồng nghĩa với việc Nixon sẽ thất cử vào này 5 tháng 11, 1968.

Lịch sử trước một ngã rẽ có thể thay đổi nhưng nó đã không xảy ra như thế. Xã hội Hoa Kỳ tiếp tục phân hoá, chia rẽ, người Mỹ và người Việt vẫn tiếp tục chết ở Việt Nam trong nhiều năm sau đó.

Deepe không nhận được hồi âm từ ban biên tập CSM ở Mỹ ngay cả sau khi chính phủ VNCH từ chối không tham dự hoà đàm ở Paris. Rốt cuộc, ngày 4 tháng 11 (giờ Sài Gòn) Deepe viết một bản tin để gởi về đăng ở Mỹ, bắt đầu bằng đoạn,

“Được biết sự ủng hộ chính trị từ phía ban vận động tranh cử của Richard Nixon là một yếu tố quan trọng trong quyết định ở phút cuối cùng của Tổng thống [Nguyễn Văn] Thiệu từ chối không gửi phái đoàn đến cuộc đàm phán hòa bình Paris ít nhất là cho đến khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã xong.”

Beverly Deepe
Ký giả Beverly Deepe phỏng vấn phụ nữ Việt Nam (1962). Nguồn: AP

Năm 2012, trong một email riêng gởi cho Robert Parry – ký giả điều tra của AP và Newsweek, sáng lập viên Hội Ký giả Độc lập, một cơ sở thông tin bất vụ lợi ở Mỹ – Deepe cho hay ban biên tập CSM đã cắt bỏ đoạn nói về nhóm của Nixon hợp tác với chính phủ ở Sài Gòn, làm cho đoạn dẫn của bản tin dịu lại trước khi cho đăng. Lý do? Vì ban biên tập đã không xác định được việc Bùi Diễm đã có liên lạc với nhóm của Nixon và đã báo cho Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hoà hay không.

Trong một hồ sơ đã giải mật, ở Thư viện Tổng tống LBJ ở Texas, mà Cố vấn An ninh Quốc gia, Walt Rostow, ghi dấu “Phong bì X” chính là nội dung câu chuyện phóng viên Beverly Deepe đã nghe được ở Sài Gòn.

Cùng lúc Deepe biết về chuyện đi đêm giữa nhóm của ứng cử viên Nixon với chính phủ VNCH ở Sài Gòn thì Tổng thống Johnson cũng được FBI báo cáo y như vậy – qua máy ghe đặt ở Toà Đại sứ VNCH tại Washington, D.C..

Ngày 29 tháng 10, Eugene Rostow (em của Walt Rostow), Thứ trưởng phụ trách Chính trị Vụ tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng nghe tin Nixon muốn thọc gậy bánh xe hoà bình của Johnson trong cuộc trao đổi trước bầu cử của giới tài chánh và ngân hàng thân cận với Nixon theo một nguồn tin từ Alexander Sachs, một nhân vật trong hôi đồng quản trị của Lehman Brothers, từ New York. Trong bản ghi nhớ, Eugene Rostow viết,

“…Họ sẽ xúi Sài Gòn làm khó dễ, và Hà Nội phải đợi. Một phần chiến lược của họ là người ta tin rằng một cuộc tấn công sẽ xảy ra sớm, và Mỹ sẽ phải chi tiêu rất nhiều (và phải chịu thêm nhiều thương vong) thực tế đó sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu. Hành động tấn công của Bắc Việt là một yếu tố nhất định trong suy nghĩ của họ về tương lai.”

Eugene Rostow

Nói cách khác, phe của Nixon trong giới tài chính đánh cuộc là cố gắng hoà bình của Johnson sẽ thất bại vì sự can thiệp của Nixon với VNCH.

Trong bản ghi nhớ thứ hai, 29/10/1968, Eugene Rostow viết “Nixon xúi Sài Gòn đưa thêm điều kiện và muốn Hà Nội đợi tới khi Nixon nhậm chức ‘ông ta sẽ chấp thuận tất cả và đổ lỗi cho Johnson.’” Như vậy, theo nguồn của Rostow cho hay, Nixon đang cố thuyết phục cả Sài Gòn lẫn Hà Nội trì hoãn cố gắng hoà đàm của Johnson để có lợi về sau.

Những tài liệu do Egene Rostow viết cuối tháng 10, 1968

17 đến 29 tháng 10, tin từ phía Ngoại giao Mỹ cho biết Sài Gòn có vẻ khó chịu với thay đổi của Hà Nội về việc ngưng oanh tạc miền Bắc và việc chính phủ Johnson có thể sẽ ngưng chiến dịch Sấm Rền. Đến tuần lễ cuối tháng 10, Mỹ và Hà Nội mới đạt được thoả thuận ngưng oanh tạc. Cho đến 28 tháng 10, dù khó chịu nhưng Tổng thống Thiệu đã nói với Đại sứ Ellsworth F. Bunker là ông vẫn đồng ý tiến hành việc ngưng bỏ bom Bắc Việt như đã đồng ý từ hai tuần trước.

Theo Ang Cheng Guan, Tổng thống Thiệu đã đồng ý tham gia hoà đàm từ nhiều tháng trước khi chấp nhận Bucharest – một địa điểm do Hà Nội đề nghị, nếu không được những thành phố trung lập ở châu Á, làm nơi hoà đàm từ giữa tháng 4, 1968.

Trong một bản ghi nhớ viết sau này (14/5/1974) Walt Rostow kể lại “sự không khoan nhượng bất ngờ của Thiệu” – không tham gia hoà đàm – qua thông tin từ Đại sứ Bunker tới Tổng thống Johnson trong phiên họp ngày 29 tháng 10, 1968.

Bản ghi nhớ của W. W. Rostow viết ngày 15 tháng 5, 1974.

Lại một Bà Rồng

Anna Chennault. Getty Images

Một nhân vật đã giữ vai trò rất quan trong trong chuyến buôn lậu tháng 10, 1968 của Nixon với chính phủ Việt Nam Cộng hoà là “Bà Rồng” (“Dragon Lady”), biệt danh Nixon gọi Anna Chennault; đây là một cố vấn cao cấp trong Ban vận động tranh cử Tổng thống của Nixon, dưới quyền trưởng ban vận động John N. Mitchell, sau này là Bộ trưởng Tư pháp của Nixon; Anna Chennault cũng là một đảng viên Cộng hoà có uy tín ở vùng Á Châu, một nhân vật ủng hộ Trung hoa Quốc gia và triệt để chống cộng. Một tay Chennault đã gây được 250.000 đô la cho quỹ vận động tranh cử năm 1968 cho Nixon.

Anna Cheneaul là ai? Chennault tên khai sinh là 陳香梅 (Chen Xiangmei) hay Trần Hương Mai, sinh năm 1925 tại Bắc Kinh. Tốt nghiệp đại học ban Trung Văn, ở đại học Lingnan (嶺南, Lĩnh Nam), Hong Kong năm 1944. Sau đó đi làm phóng viên chiến trường cho Trung ương Thông tấn xã tới năm 1948 đồng thời viết cho tờ nhật báo Hsin Ming ở Thượng Hải tới năm 1949. Năm 1947, Hương Mai lập gia đình với Thiếu tướng Claire Lee Chennault (1893-1958), Chỉ huy trưởng Phi đoàn “Phi Hổ” của Mỹ trong Đệ nhị Thế chiến ở Trung Hoa. Tại Hoa Kỳ Anna Chennault trở thanh một người châu Á uy tín trong đảng Cộng hoà, lãnh đạo Tập thể đảng viên Cộng hoà người châu Á, Chủ tịch Uỷ ban Cứu trợ người Tị nạn Trung Hoa (1962-1970), giúp thành lập hội Người Mỹ gốc Hoa năm 1973, và khuyến khích người Hoa hội nhập vào chính trường tại Mỹ.

Vợ chồng tướng Chennault là thành viên của khối Vận động cho Trung Hoa đã bôi nhọ Tổng thống Harry Truman và Đảng Dân chủ vì đã để Hoa Lục “rơi vào tay cộng sản” năm 1949. Khái niệm đảng Dân chủ nhu nhược đối với cộng sản, đảng Cộng hoà triệt để chống cộng có thể đã khai sinh từ chiến dịch tương đối có hiệu quả này. Ngoài “mất nước” Anna Chennault và chồng cũng đã mất tiền vì kế hoạch điều hành hãng “Hàng không Vận tải Dân sự” sau đổi tên là “Hàng Không Hoa Kỳ” – liên hệ với CIA – dưới triều của Tưởng Giới Thạch đổ bể khi hoạt động của công ty này đã bị buộc phải dời sang Đài Loan.

Anna Chennault là người tổ chức cuộc họp tại nhà trọ của Nixon ở New York với Đại sứ VNCH Bùi Diễm vào tháng Bẩy, 1968. Trong cuộc họp này Nixon nói với Bùi Diễm, Chennault là người “đại diện duy nhất” của ủy ban vận động tranh cử (của Nixon) đối với chính phủ ở Sài Gòn”. Cuộc họp ngày 12 tháng 7, 1968 có Nixon, Mitchell, Chennault và Bùi Diễm đều được xác nhận trong cuốn Hồi Ký của Chennault, The Education of Anna (1980) và cuốn In The Jaws Of History (1987) Bùi Diễm viết với David Chanoff.

Là người liên lạc của ban vận động tranh cử của Nixon với VNCH, Anna Chennault đã chuyển một loạt những tin nhắn đến Đại sứ Bùi Diếm, tới Tổng thống Thiệu cũng như những nhân vật quan trọng khác ở Sài Gòn hứa hẹn miền Nam sẽ được đối đãi tốt hơn khi Nixon thắng cử. Chennault nói với phía chính phủ VNCH, sáng kiến hoà bình của Johnson chỉ là trò bịp để Hubert Humphey thắng cử và Humphrey lại là người chống Mỹ hoá chiến tranh nghĩa là Mỹ sẽ rút khỏi Việt Nam nếu đảng Dân chủ thắng cử năm 1968. Chennault cũng nhấn mạnh là Nixon muốn Mỹ can thiệp trực tiếp nhiều hơn ở chiến trường. Đây là câu nói làm bùi tai Tổng thống Thiệu, vì không có viện trợ và ủng hộ của Mỹ, miền Nam khó có thể đương đầu với quân đội cộng sản Bắc Việt và Việt Cộng ở miền Nam.

Tổng thống Thiệu bất hợp tác, Tổng thống Johnson phản công, Bà Rồng vẫn tiếp tục lung lạc

Biết kế hoạch phá hoà đàm của phe Nixon qua tin từ Eugene Rostow và một nguồn khác cùng lúc biết tin Tổng thống Thiệu từ chối gởi phái đoàn VNCH sang Paris tham gia hoà đàm, Tổng thống Johnson ra lệnh cho nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia đặt máy nghe ở toà Đại sứ VNCH tại Washington và tình báo CIA đặt máy nghe ở văn phòng của Tổng thống Thiệu ở Sài Gòn.

Ngoài máy nghe của NSA ở Toà Đại sứ VNCH ở Hoa Thịnh Đốn, Johnson cũng ra lệnh cho FBI theo dõi Anna Chennault và ghi nhận tất cả mọi người xuất nhập Toà Đại sứ Việt Nam. Ngày 30 tháng 10, 1968 FBI báo cáo Bùi Diễm nói với Anna Chennault là “sắp có chuyện” và yêu cầu Chennault đến Toà Đại sứ. FBI cho biết Chennault đã đi gặp Bùi Diễm; cuộc họp dài 30 phút.

Máy nghe của NSA cũng ghi lại cuộc điện đàm của Đại sứ Bùi Diễm với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nói rằng càng trì hoã hoà đàm thì càng có lợi cho đảng Cộng hoà và Việt Nam Cộng hoà. Ông Đại sứ cũng nói với Tổng thống Thiệu là ông có liên lạc trực tiếp với người của đảng Cộng hoà. Dĩ nhiên người đó không ai khác hơn là Anna Chennault.

Áp lực để Nixon ngưng chuyện phá đám, 4g 09 phút chiều ngày 31 tháng 10, 1968 Tổng thống Johnson gọi cho TNS Everett Dirksen, nói ông đã biết âm mưu phá hoại của Nixon, và gián tiếp doạ sẽ lật tẩy hành động mà Johnson gọi là “phản quốc” của Nixon. Johnson còn cho là Nixon là phản bội vì ông đã cho Nixon biết tất cả chi tiết về cuộc hoà đàm cũng như ứng cử viên Humphey được biết, không hơn, không kém.

Johnson nói với lãnh đạo khối Cộng hoà ở Thượng viện là ông thực sự nghĩ rằng đó là trò bẩn thỉu khi người của Richard Nixon lại đi nhắn tin xúi bẩy cả hai phía VNCH và cộng sản Bắc Việt tẩy chay hoà đàm, và ông không nghĩ rằng người dân Mỹ sẽ chấp nhận hành động đó nếu họ biết được. Tổng thống Johnson cuối cùng đã nhắn với TNS Dirksen, “Ông ấy [Nixon] nên giữ bà Chennault và cái đám đó ngồi yên vài ngày đi.” Tối đó Tổng thống Johnson tuyên bố ngưng Chiến dịch Sấm Rền vào ngày hôm sau, 1/11/1968. Bắc Việt đồng ý hoà đàm.

Mật điện Walt Rostow gởi Tổng thống Johnson 2/11/1968

Dù Johnson đã cảnh cáo Dirksen, Anna Chennault vẫn không lui bước. Ngày 2 tháng 11, 1968 – Chỉ ba ngày trước ngày bầu cử, Chennault nhắn tin cho Bùi Diễm, “Trì hoãn đi, chúng tôi sẽ thắng. Trì hoãn đi ông ấy hiểu hết mọi chuyện. Ông ấy nói làm ơn nói với sếp của ông (Tổng thống Thiệu] cứ trì hoãn [đến sau bầu cử].” Anna nói sếp của bà vừa gọi từ New Mexico. Theo Walt Rostow thì “sếp” đó có thể là ứng cử viên phó Tổng thống Spiro Agnew đang vận động ở NM. Tối đó, Johnson lại điện thoại cho Dirksen, “Tôi biết Thiệu đã nói gì vơi họ [phe của Nixon]. Tụi tôi biết tin từ hai phía. Tôi không muốn đưa chuyện này vào cuộc vận động tranh cử. Họ không thể làm như vậy. Đó là phản quốc.”

TNS Dirksen nói, “Tôi biết.”

TT Johnson, “Chúng ta đã có 24 giờ tương đối hoà bình. Nếu Nixon kéo người miền Nam Việt Nam đứng ngoài cuộc hoà đàm thì đó là trách nhiệm của ông ấy. Cho đến nay, đó là lý do tại sao họ không có mặt [ở Paris]. Tôi đã có sự đồng ý của họ [chính phủ VNCH] cho đến khi chuyện này xẩy ra.”

TNS Dirksen, “Tôi phải liên lạc với ông ấy thôi.”

TT Johnson, “Họ dám liên lạc với một thế lực nước ngoài [Bắc Việt] ngay trong thời chiến. Đây là một cái lỗi tầy đình. Và tôi không muốn nói vậy. Ông phải nói với họ đừng có xía vào chuyện như vầy, và nếu họ không muống thấy nó lên báo trang nhất thì họ phải ngưng ngay lập tức.”

Cùng ngày 2/11, Tổng thống Thiệu rút lại thỏa thuận hoà đàm có MTDTGPMN ở Paris.

2 tháng 11, 1968 Nixon đã gọi nói chuyện trưc tiếp với Tổng thống Johnson vì sợ ông sẽ đưa vấn đề ra công luận. Nixon nói, “Tôi rất chắc về việc này. Theo chỗ tôi biết, những tin đồn rằng có ai đó đang phá hoại quan điểm của chính phủ Sài Gòn [về cuộc hoà đàm] là chuyện tuyệt đối không đáng tin chút nào hết.”

Với báo cáo của FBI và của những cơ quan tình báo khác trong tay, Tổng thống Johnson trả lời là ông rất mừng nghe Nixon cho biết như vậy. Nhân tiện ông muốn Nixon biết những gì đã xảy ra chung quanh sáng kiến hoà đàm. Bắt đầu từ lúc Việt Nam đã đồng ý đàm phán, rồi “có tin nhắn với Thiệu là với Nixon sẽ có lợi hơn. Tôi không nói là ông biết chuyện này. Tôi hy vọng nó như vậy.”

Sau đó Tổng thống Thiệu đã tuyên bố trước quốc hội VNCH là ông tẩy chay đàm phán; Cùng lúc, tại Mỹ Nixon tuyên bố là ông đã được bảo đảm là cuộc hoà đàm sẽ bắt đầu. Hai công bố đó đẩy Johnson vào thế hoặc giống như như một kẻ lừa đảo hay là người đã hoàn toàn mất kiểm soát trong cuộc hoà đàm.

Nixon, “Hả, không. Chúa ơi, tôi không bao giờ lại đi xúi Sài Gòn đừng ngồi vào bàn đàm phán. Lạy Chúa chúng ta muốn họ qua Paris, chúng ta phải đưa họ sang Paris, nếu không sẽ không có hoà bình.”

Nixon còn nhấn mạnh là ông sẽ làm tất cả những gì Tổng thống Johnson và Ngoại trưởng Dean Rusk muốn, kể cả việc chính ông sẽ đi Paris để giúp cuộc hoà đàm, Nixon nói, “Mình phải dẹp cuộc chiến tranh chết tiệt này. Đây là lúc chấm dứt cuộc chiến. Càng sớm càng tốt. Dẹp đi hết chuyện công của ai. Tin tôi đi.”

Được biết sau cuộc trao đổi Nixon rất vui sướng, tin rằng ông đã làm Johnson hết ngờ vực. Tuy vây, một Johnson khôn khéo đã không tin sự kêu oan của Nixon.

Nixon nói láo không nháy mắt và phủ nhận cho đến chết tất cả mọi vai trò của ông trong cuộc phá hoại hoà đàm.

4 tháng 11, 1968 – Một ngày trước bầu cử, Johnson nhận được báo cáo của FBI là Anna Chennault đã đến gặp Đại sứ VNCH.

Đặc sứ Mỹ William Averell Harriman và Đs VNCH tại Mỹ gặp nhau ở Toà Đại sứ Mỹ ở Paris (10/5/1968). Nguồn: UPI

Cùng ngày, Saville Davis của CSM hỏi Đại sứ Bùi Diễm về nguồn tin của Beverly Deepe về trò bẩn của đảng Cộng Hoà ảnh hưởng chính phủ ở Saigon, Bùi Diễm phủ nhận tin đó. Saville Davis liên lạc với Toà Bạch Ốc.

Tổng thống Johnson có ý định xác nhận nguồn tin của CSM nhưng các cố vấn của ông như Walt Rostow, Ngoại trưởng Dean Rusk và Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford đều đề nghị giữ im lặng. Clifford còn khuyến cáo nếu xác nhận hành động phá hoại của đảng Cộng hoà mà Nixon vẫn đắc cử thì Nixon sẽ khó mà lãnh đạo quốc gia. Không nhận được ý kiến của Toà Bạch Ốc, CSM quyết định không đăng đoạn tin có thể gây sốc mà chỉ đăng tin Tổng thống Thiệu đơn phương quyết định tẩy chay hoà đàm do Beverly Deepe biên soạn, với nguồn từ phía Việt Nam chứ không phải từ người Mỹ ở Sài Gòn.

Toà Bạch Ốc im lặng, CSM không đăng tin tròn vẹn vì không có bằng chứng chắc chắn Nixon là kẻ chủ mưu phá hoại.

Trong cuộc phỏng vấn với David Frost năm 1997, Nixon nói ông không làm điều gì để phá hoại cuộc hoà đàm của Tổng thống Johnson. Còn vụ Chennault can thiệp với VNCH? Nixon nói ông không hề cho phép thuộc cấp làm những việc đó.

“Về bà Chennault hoặc bất kỳ người nào khác, tôi không cho phép và tôi không biết gì về bất kỳ liên hệ nào với chính phủ Việt Nam vào thời điểm đó, hay xúi giục họ không tham gia.” Ngay cả sau khi vụ Watergate, Nixon vẫn nói, “Lương tâm tôi không cho phép làm điều đó.”

5 tháng 11, 1968 – Nixon thắng Humphrey khoảng ½ triệu phiếu, đắc cử Tổng thống nhưng ông, và thuộc hạ ở Sài Gòn vẫn tiếp tục ngăn chận cố gắng tìm đến hoà bình trước khi Johnson hết nhiệm kỳ. Dù thất vọng chua cay Johnson đã giữ bí mật sự phá hoại hoà đàm của Nixon. Năm 1969, trước khi rời Toà Bạch Ốc, Johnson đã gởi tất cả hồ sơ, tài liệu về thư viện Tổng thống LBJ ở Austin, Texas, trừ một tập tài liệu. Tổng thống Johnson đã giao hồ sơ Chennault lại cho Walt Rostow, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của mình, cất giữ.

(Xem Ken Hughes, Chasing Shadows: The Nixon Tapes, the Chennault Affair and the Origins of Watergate , The University of Virginia Press (2014).)

Tổng thống Richard Nixon tại cuộc họp báo ngày 17 tháng 11, 1973 tại Orlando, Florida. Nguồn: Associated Press Managing Editors Association – Orlando, Florida November 17, 1973

Khi là Tổng thống, Nixon đã leo thang chiến tranh, đưa chiến trường sang Cambodia và Laos khiến 22,000 lính Mỹ tử trận chưa kể đến số thương vong của thường dân ở ba nước Lào, Cam Bốt và Việt Nam trước khi ký kết Hiệp định Paris vào năm 1973.

30 tháng 4, 2008 – Trong cuộc phỏng vấn lịch sử truyền khấu giữa sử gia Timothy Naftali của Thư khố Quốc gia và Tom Charles Huston, phụ tá cố vấn và nhân viên phụ tá của Tổng thống Nixon (1969-1971) Huston cho biết

– Trưởng ban vận động tranh cử của Nixon, John N. Mitchell, trực tiếp can dự vào vụ phá hoại hoà đàm của Tổng thống Johnson.
– Dù không có bằng chứng Nixon trực tiếp chỉ đạo nhưng không thể nào Mitchell hay bất cứ ai dám tự ý hành động, Nixon phải có liên hệ trực tiếp.
– Huston không bao giờ được Haldeman nói chuyện về hồ sơ Chennault

2016 – Bằng chứng Nixon phản bạn, phản bội và “phản quốc”?

Cho đến cuối năm 2016 dù báo chí và nhiều tác giả nghiên cứu lịch sử thời Tổng thống Johnson và Nixon đã tốn biết bao giấy mực, chưa một ai trưng dẫn được bằng chứng là Nixon đã trực tiếp chỉ huy cuộc phá hoại hoà đàm 1968 của Tổng thống Johnson.

Ngày 31 tháng 12, 2016, trên The New York Times, tác giả John A. Farrell, viết bài “Sự Phản bội Việt Nam của Nixon”, và công bố bằng chứng Nixon đã phá hoại cuộc hoà đàm 1968 của Johnson.

Bằng chứng đó là tập ghi chú của H. R. Haldeman, đã thầm lặng xuất hiện từ 2007. Haldeman là phụ tá thân tín của Nixon trong cuộc vận động tranh cử và sau là Chánh Văn phòng  Toà Bạch Ốc của Tổng thống.

Ngày 22 tháng 10, 1968 Nixon ra lệnh cho Haldeman phá hoại sáng kiến hoà bình của Johnson.

Haldeman ghi, “! Keep Anna Chennault working on SVN.”Nói Anna Chennault làm việc với chính phủ Nam Việt Nam.

Nixon còn nói Haldeman cho Rose Mary Wood (thư ký riêng của Nixon) liên lạc với một nhân vật Trung Hoa quốc gia khác, thương gia Louis Kung và nhắn Kung “nói với ông ấy [Tổng thống Thiệu] trì hoãn”.

Ngoài ra Nixon cũng vận động với cả Tưởng Giới Thạch cũng như cho ứng cử viên phó Tổng thống Agnew hù doạ Giám đốc CIA Richard Helms phải tiết lộ thông tin nếu muốn giữ ghế với chính phủ mới.

Trong Hồi Ký, Nixon cho rằng ông đâu cần phải xúi dục, Tổng thống Thiệu cũng có đủ lý lẽ riêng để tẩy chay cuộc hoà đàm năm 1968.

Mặt khác, cũng có người cho rằng không thể có hoà bình ở Việt Nam năm 1968 thì không thể đổ lỗi cho Nixon đã phá hoại cuộc hoà đàm của Johnson. Jack Tory của RealClear Politics trích dẫn nhận xét của Nguyen Thi Lien-Hang, tác giả cuốn “Hanoi’s War” (2012) là Lê Duẩn “không muốn đàm phán cho đến mùa hè 1972” sau khi Mỹ và quân đội VNCH đập tan cuộc chiến dich Xuân Hè 1972 của Hà Nội. Trái lại, Ang Cheng Guan, trong “The 1968 Paris Peace Negotiations and the Vietnam War”, trích Hoàng Văn Hoan cho biết Hà Nội quyết định đàm phán với Mỹ sau khi Johnson công bố không ra tranh cử lần thứ 2, và giới hạn bỏ bom ở Bắc Việt. Đây là một quyết định của Lê Duẩn, không có đồng thuận, và không lấy ý kiến của Hồ Chí Minh khi ấy đang dưỡng bệnh ở Bắc Kinh chỉ và biết tin vào ngày 3 tháng 4, 1968. Ngày 28 tháng 4, Bắc Kinh, chứ không phải Hà Nội, đưa tin về bài phát biểu của Trường Chinh không những không nói đến cuộc hoà đàm mà còn nhấn mạnh phải tiếp tục chiến tranh giải phóng.

Hơn nữa, dù Nixon đã hay không xúi dục tẩy chay hoà đàm, trên thực tế Tổng thống Thiệu không muốn tham gia đàm phán 4 bên (Mỹ, VNCH, MTDTGPMN, Bắc Việt) vì chấp nhận đàm phán như thế nghĩa là công nhận MTDTGPMN là một thực thể chính trị chính đáng và có thể là một đối tác liên hiệp. Đây là điểm chính phủ VNCH kiên định khước từ trong suốt cuộc chiến với Lập trường bốn không: không chấp nhận, không thương lượng, không liên hiệp và không nhượng đất cho Cộng sản.

Nhận xét của giới nghiên cứu về “tài liệu Haldeman”

– Robert Dallek, một tác giả nhiều cuốn sách về Nixon, cho rằng tập ghi chú của Haldeman “xác định những nghi ngờ” là Nixon đã âm mưu phá hoại và phạm luật liên bang.

– Evan Thomas, tác giả cuốn “Being Nixon” nói, ông Farrell đã khám phá ra sự thật của câu chuyện được bàn tán từ nhiều năm qua.

– Ken Hughes, tác giả cuốn “Chasing Shadows” (2014) nói về câu chuyện phá hoại hoà đàm cho rằng nhà báo Farrell đã tìm thấy “khẩu súng còn bốc khói”, mấu chốt của Vụ Chennault, “Nixon đã pham tội để giành bằng được ghế Tổng thống.”

– Luke A. Nichter, một học giả ở Đại học Texas A&M, một người nghiên cứu rất kỹ những cuộn băng ghi âm của Nixon ở Toà Bạch Ốc nói ông thích cuốn “Richard Nixon: The Life” (28 March 2017) của Farrell nhưng không đồng ý với kết luận của tác giả về tập ghi chú của Haldeman. Nitcher cho rằng tài liệu Haldeman quá mỏng, không chứng minh thêm điều gì mới để có một kết luận lớn hơn.

– Tom Charles Huston, người phụ tá của Nixon đã điều tra về vụ Chennault nhiều năm trước viết trên “The Haldeman Notes” trên Facebook là khám phá của Farrell không hoàn toàn trả lời cho câu hỏi lịch sử. Nó, tài liệu Haldeman, củng cố suy luận nhưng không đưa được chúng ta đến một phán quyết cần thiết.”

– Tom Johnson, người ghi chép biên bản những phiên họp ở Tòa Bạch Ốc thời Johnson nghĩ rằng nếu Tổng thống tiết lộ mẩu tin gây sốc [Chennault hành động theo lệnh Nixon] lúc đó nó “sẽ gây thiệt hại lớn cho cuộc vận động của Nixon, và Humphrey sẽ trở thành Tổng thống”. Tom Johnson sau này là nhà phát hành tờ Los Angeles Times, rồi Giám đốc CNN.

– Sử gia Timothy Naftali, cựu giám đốc thư viện Nixon nói, tài liệu Haldeman đã “gỡ đi cái lá che đậy sự phủ nhận có vẻ khả tín”.

Tổng thống Nixon và Việt Nam

Tổng thống Richard M. Nixon. Nguồn” Pollitico

Chuyện Nixon có phản bội Johnson và “phản quốc” như Johnson nghĩ hay không thuộc quyền phát xét của người Mỹ và lịch sử Hoa Kỳ. Đối với người dân miền Nam Việt Nam, Nixon có phản bạn hay không? Nhìn lại những gì Nixon đã làm trong gần hai nhiệm kỳ Tổng thống khi chiến tranh đang xảy ra và chính sách bốn không của đồng minh Việt Nam, người đọc có thể thấy câu trả lời.

Cùng lúc Chennault hứa hẹn bí mật với Đại sứ Bùi Diễm, trong cuộc vận dộng tranh cử Nixon đã tuyên bố “Việt Nam hoá chiến tranh” tiến đến “Hoà bình trong Danh dự”,

“The nation’s objective should be to help the South Vietnamese fight the war and not fight it for them. If they do not assume the majority of the burden in their own defense, they cannot be saved.”

“Mục đích của Mỹ là giúp Việt Nam chiến đấu chứ không phải đánh cho họ. Nếu họ không nhận phần lớn trách nhiệm tự vệ, không ai có thể cứu Việt Nam.”

R. Nixon

Là một chính khách chống cộng triệt để của Mỹ trong thời Chiến tranh lạnh, Nixon là Tổng thống Mỹ đầu tiên gọi Trung Cộng là nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và đã họp thượng đỉnh với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai năm 1972 tại Bejing. Sau đó, Nixon giảm căng thẳng với Liên Xô, tạo thế chân vạc với hai nước lớn nhất trong khối cộng sản và là Tổng thống Mỹ đầu tiên viếng thăm Moskva. Tất cả những chính sách ngoại giao của Nixon, nhiều phần hơn ít, đều do kiến trúc sư “phù thuỷ” Kissinger vẽ kiểu.

Ở Việt Nam, Nixon dùng ảnh hưởng mới có với hai nước cộng sản đàn anh hầu áp lực Bắc Việt hoà đàm chấm dứt chiến tranh để lính Mỹ về nước.

Năm đầu tiên sau khi nhậm chức, Nixon đã cử Kissinger bí mật đi Paris gặp Xuân Thuỷ (4 tháng 8, 1969) bắt đầu loạt đàm phán dai dẳng suốt 27 tháng, phần lớn, 174 lần, là những cuộc họp không kết quả, nhưng đã kết thúc với Hiệp đinh Paris ký ngày 27 tháng 1, 1973.

Trưởng phái đoàn Mỹ, VNCH, MTDTGPMN và VNDCCH (1968 đến tháng 1, 1973)

Đàm phán bí mật: Henry Kissinger và Lê Đức Thọ (1970 đến tháng 1, 1973)

Đàm phán bí mật: Henry Kissinger và Lê Đức Thọ (1970 đến tháng 1, 1973), Nguồn: AFP

Đòi hỏi đầu tiên của Bắc Việt khi Nixon bắt đầu muốn đàm phán (20/12/1968) là Mỹ phải lật đổ chính phủ VNCH trước khi rút quân ra khỏi Việt Nam. Dĩ nhiên Nixon và Kissinger không thể nào chấp nhận đòi hỏi điên cuồng này của cộng sản Bắc Việt.

Song song Nixon cho lệnh mở Chiến dịch Thực đơn (Operation Menu), bí mật bỏ bom căn cứ và đường tiếp vận hậu cần của cộng sản Bắc Việt ở Cambodia (1969-1970) và ở Lào (1971).

Nixon bị áp lực lớn của khối phản chiến, và quốc hội đã đưa 72 và 35 nghị quyết đòi trong những năm 1971, 1972 đòi chính phủ phải rút quân khỏi Việt Nam để đổi lấy tù binh. Tới 29 tháng 8, 1972, Mỹ còn 27,000 quân nhân ở Việt Nam

Cả hai phía đều “vừa đánh vừa đàm”. Kissinger và Lê Đức Thọ vẫn đàm phán trong bí mật.

Đầu tháng 4, 1970 Kissinger đề nghị cả Mỹ và Bắc Việt cùng rút quân khỏi Việt Nam trong vòng 16 tháng. Dần lùi bước, đến 31 tháng 5, 1971, Kissinger nói với Lê Đức Thọ là Mỹ sẵn sàng đơn phương rút quân nếu Bắc Việt ngưng đưa quân xâm nhập miền Nam qua ngả Lào Và Cam Bốt, nghĩa là quân Bắc Việt, và quân Việt Cộng vẫn ở nguyên vị trí cũ ở miền Nam. Lùi thêm một lần nữa, ngày 16 tháng 8, 1971, Kissinger hứa Mỹ sẽ rút quân, nhưng không lật đổ chính phủ VNCH, nếu Bắc Việt thả tù binh. Hà Nội một lần nữa không chấp nhận đề nghị của Mỹ. 25 tháng 1, 1972, lần đầu tiên Nixon công bố về những cuộc họp bí mât giữa Kissinger và Lê Đức Thọ trong một bài phát biểu trên toàn quốc.

Kissinger cho Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh xem bài phát biểu của Nixon và cho họ biết Mỹ đã hết kiên nhẫn. Một điểm cần nhắc lại là khi đó Liên Xô ủng hộ một cuộc đình chiến ở Việt Nam trong khi Trung Cộng luôn thúc giục cộng sản Việt Nam tiếp tục chiến tranh. Vận động mặt ngoại giao với Liên Xô và Trung Cộng xem ra không đạt được nhiều kết quả như Mỹ chờ đợi. Tuy nhiên, Liên Xô vì ảnh hưởng tình hình chính trị ở [Đông] Đức, với khái niệm “Ostkpolitik” do Willy Brandt đề xướng và Hoà ước Miền Đông sau đó, đã khiến Liên Xô có vẻ hợp tác với Mỹ hơn Trung Cộng trong việc áp lực Bắc Việt ngồi vào bàn hội nghi.

Chiến dịch Lam Sơn 719 (8 tháng 2 đến 25 tháng 3 1971) được xem là kỳ thử thách khả năng chiến đấu độc lập của quân đội VNCH – với sự yểm trợ của Mỹ về hậu cần, pháo binh và không quân – cũng như để đánh giá hiệu quả của chính sách “Việt Nam hoá chiến tranh” của Nixon.

Bốn ký giả ảnh chiến trường: Larry Burrows, Henri Huet, Kent Potter, và Keisaburo Shimamoto bị bắn rơi theo trực thăng trên đường mòn Hồ Chí Minh ngày 10 tháng 2, 1971. Nguồn: OntheNet

Cuối tháng 3, cộng sản Bắc Việt tuyên bố toàn thắng trong Chiến dịch phản công ở Đường 9 Nam Lào, hạ sát 20.000 binh sĩ VNCH, bắt 1000 người khác làm tù binh, loại 3 trung đoàn và lữ đoàn cùng 13 tiểu đoàn bộ binh và pháo binh, 4 thiết đoàn xe bọc sắt, phá huỷ hơn 1.100 chiến xa, hơn 100 đại bác, và bán rơi hơn 500 máy bay trực thăng. Đây là một thành tích phóng đại quá đáng.

Đại tá Nguyễn Hữu An, tư lệnh sư đoàn 308 sau này viêt trong hồi ký là Tướng Giáp đã khoe với Bộ Chính trị đảng CSVN là “Quân đội NDVN đã chiến thắng vĩ đại trong một cuộc đọ sức dữ dội với tinh binh của nguỵ quân được Mỹ yểm trợ”. Ông An kết luận đây là một chiến thắng vô song đánh dấu sự phát triển độc lập và sáng tạo của quân đội Bắc Việt.

Phía VNCH và Mỹ cũng công bố chiến thắng ở Lào. Ngày quân lực VNCH đến Tchepone, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố Chiến dịch Lam Sơn 719 là “Chiến thắng lớn nhất từ trước tới nay… là một Điện Biên phủ về mặt tinh thần, chính trị và tâm lý”, tiêu diệt hơn 13.000 binh sĩ cộng sản Bắc Việt. Tổng thống Nixon cho rằng “Chiến dịch Lam Sơn 719 xẩy ra như đã định”, “quân đội VNCH chiến đấu một cách xuất sắc”. Tướng Abrams, trong một váo cáo, viết quân đội VNCH “đã thực hiện một cuộc hành quân khá là ‘quỷ tha ma bắt’ trong một môi trường phức tạp vì thời tiết xấu, địa hình xấu, và tất nhiên là quân số của địch, và đã hoàn thành tốt đẹp công tác của những người chiến sĩ.” Đánh giá Chiến dịc Lam Sơn 719 một cách tích cực, Tướng Abrams nói,

“Lam Sơn 719 là một mốc quan trọng trong sự phát triển của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Lần đầu tiên quân đội miền Nam đã có cuộc hành quân bằng nhiều sư đoàn chống lại đối phương hùng mạnh và quyết tâm. Quân lực VNCH hành quân không có cố vấn Mỹ, xâm nhập vào một khu vực đã bị địch kiểm soát từ nhiều năm, đã phải đối đầu với những thử thách gay go nhất từ trước đến nay và làm tròn nhiệm vụ chống lại kẻ thù xâm lược.”

Trả lời Howard K. Smith của đài ABC hôm 22 tháng 3, 1971, Nixon nói Lam Sơn 719 là “một thành công trọn vẹn… đã cắt 75% khối hậu cần đi qua đường mòn Hồ Chí Minh… là một chiến dịch đáng giá”. Sau chiến tranh Nixon vẫn cho là Chiến dịch Lam Sơn 719 đã đạt được mục tiêu. Trong Hồi ký, Nixon viết, “Kết quả sau cùng [Lam Sơn 719] là một thành công quân sự nhưng một thất bại tâm lý”, [tương tự như kết quả cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân 1968] vì cách đưa tin tiêu cực của giới truyền thông về cuộc rút lui của một số đơn vị quân đội VNCH. Ký giả Joe Galloway của UPI cho biết nhóm gián điệp cộng sản trong thượng tầng chỉ huy ở Sài Gòn đã cho Hà Nội biết cả tháng trước khi Lam Sơn 719 bắt đầu, nói

“Chiến dịch 719 là hành động điên khùng mà chúng ta [người Mỹ] đã làm, thuyết phục quân đội miền Nam đưa 40.000 binh sĩ vượt biên giới Lao tiến về Tchepone trong khi quân Bắc Việt đã biết trước họ sẽ tới.”

Joe Galloway

Một năm sau Lam Sơn 719, cộng sản Bắc Việt tiếp tục đánh lớn, mở Chiến dịch Xuân hè (Mùa hè đỏ lửa) 1972, bắt đầu ở mặt trận Trị Thiên vào cuối tháng 3, 1972 với 40.000 quân chính quy. Khi Cộng sản Bắc Việt tiếp tục tấn công ở mặt trận Bắc Tây Nguyên – Dakto, Tân Cảnh Kontum – với 20.000 quân, ngày 9 tháng 5, 1972, Nixon ra lệnh đặt mìn phong toả cảng Hải Phòng và oanh tạc đường tiếp vận từ Trung Cộng xuống phía Nam. Cùng lúc Nixon hứa rút quân trong vòng 4 tháng và không đòi Bắc Việt lui quân.

Chính sách ở mặt nối cũng như chìm của Nixon đều khó thuyêt phục được Tổng thống Thiệu chấp thuận tham dự hoà đàm. Kissinger dù vẫn liên lạc với Sài Gòn nhưng không tiết lộ hết những nhượng bộ của Mỹ với cộng sản. Ngày 17 tháng 8, 1972, Alexander Haig, phụ tá quân sự của Kissinger báo cáo với Tổng thống Thiệu về nội dung thoả ước sắp thành hình và trao thơ của Nixon hứa sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam sau chiến tranh. Nixon vừa thuyết phục vừa đe doạ cắt đứt viện trợ cho miền Nam nếu chính phủ VNCH không thuận với những điểm Kissinger và Lê Đức Thọ đã đồng ý.

Anna Chennault với TT Nixon và Henry Kissinger, 1972. Nguồn: www.radcliffe.harvard.edu

Ngày 7 tháng 11, 1972, Nixon tái đắc cử với hơn 60% số phiếu phổ thông. Từ đầu tháng 10 tới giữa tháng 11, 1972, Tổng thống Thiệu vẫn khéo léo trì hoãn chấp nhận thoả thuận của Kissger-Lê Đức Thọ, đồi hỏi phải có một số thay đổi.

Trong cuốn hồi ký “The Ends of Power”, sau vụ Watergate, H.R. Haldelman cũng cho biết Nixon đã cố tình dùng cả thuyết “người điên” như một cách để ép Bắc Việt ngồi vào bàn hội nghị.

“Sau một ngày dài viết bài phát biểu, hai chúng tôi [Nixon và Haldeman] đi dọc theo bờ biển mù mờ. Ông ấy nói,

“Tôi muốn Bắc Việt tin rằng tôi đã tới mức có thể làm bất cứ chuyện gì để ngăn chận chiến tranh. Mình sẽ để lộ cho họ hiểu rằng, ‘Trời ơi, mấy ông biết Nixon bị ám ảnh với chủ nghĩa Cộng sản tới mức nào rồi mà. Chúng tôi không can nổi ông ấy đâu – khi ông ấy nóng giận – và ông ấy lại có bàn tay kế bên cái nút hạt nhân.’ Và được như vậy thì, chỉ nội hai ngày, chính Hồ Chí Minh sẽ bay gấp qua Paris năn nỉ cầu hòa.””

H.R. Haldelman

Và người Mỹ đã thấy rõ Tổng tống Thiệu không muốn thoả hiệp và chỉ muốn thấy một cuộc toàn thắng. Kissinger tiếp tục mật đàm với Lê Đức Thọ để thoả mãn yêu cầu của Tổng thống Thiệu đồng thời lại phong toả Hải Phòng, 17 tháng 12, và oanh tạc miền Bắc từ 18 đến 29 tháng 12 để buộc Hà Nội rở lại bàn hội nghị. Ngày 9 tháng 1, 1972 Thọ và Kissinger ký lại bản thoả thuận – không khác gì bản đã có trước cuộc oanh tạc Giáng sinh. Tuần lễ từ 14 đến 21 Mỹ hết sức thuyết phục để Tổng thống Thiệu đồng ý; cuối cùng bốn bên đã ký kết Hiệp định Ba Lê ngày 27 tháng 1, 1973. Cuối tháng 3, 1973 quân đội Hoa Kỳ đã hoàn toàn rút ra khỏi Việt Nam. Trong thư đề ngày 14 tháng 11, 1972, gới Tổng thống Thiệu, Nixon viết,

“But far more important than what we say in the agreement on this issue is what we do in the event the enemy renews its aggression. You have my absolute assurance that if Hanoi fails to abide by the terms of this agreement it is my intention to take swift and severe retaliatory action.”

“Nhưng quan trọng hơn nhiều so với những gì chúng ta nói trong hiệp định về vấn đề này là những gì chúng tôi sẽ làm trong trường hợp kẻ thù lai xâm lăng. Tôi xin bảo đảm tuyệt đối với ông rằng nếu Hà Nội không tuân theo các điều khoản của hiệp định, dự định của tôi là sẽ có hành động trả đũa nhanh chóng và khắt khe.”

R. Nixon

Ngay sau ký kết, Hà Nội lập tức vi phạm thô bạo Hiệp định Ba Lê, tiếp tục đưa quân xâm nhập, tấn công miền Nam.

Tổng thống Nixon cũng khằng định trong báo cáo “Chính sách Ngoại giao của Hoa Kỳ cho những năm 1970: Định hình một nền Hoà bình Lâu bền” trước Quốc hội, là ông sẽ không khoan nhượng tất cả mọi vi phạm hiệp định Ba Lê của cộng sản Việt Nam. Một trong những hành động trả đũa Nixon dự tính là mở lại cuộc oanh trải thảm ở miền Bắc khi cộng sản Bắc Việt tấn công. Nhưng dự định này đã bị quốc hội Mỹ vô hiệu hoá sau khi biểu quyết hồi tháng 6, 1973 không cho phép Mỹ can thiệp bằng quân sự ở Đông Dương sau ngày 15 tháng 8. Ngay cả ở 6 tháng đầu năm 1973, có thể dùng “cái gậy” oanh tạc để răn đe Bắc Việt cũng bị Watergate che lấp, Mỹ chỉ bỏ bom cộng sản hai lần vào 22-23 tháng 3 và 16-17 tháng 4.

Tổng thống Thiệu nói về việc ông ký Hiệp định Ba Lê và tại sao ông từ chức (California, 1990).

Khả năng Mỹ trở lại chiến trường Việt Nam để răn đe cộng sản Bắc Việt hoàn toàn không còn nữa sau khi lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ với 2/3 số phiếu phủ quyết phủ quyết của Nixon để thông qua Đạo Luật Quyền lực Chiến tranh (War Power Act) giới hạn quyền hành pháp của Tổng tư lệnh (Tổng thống) trong tình trạng chiến tranh.

23 tháng 9, 1973, Kissinger trở thành Ngoại trưởng Mỹ; ngày 16 tháng 10, 1973 Lê Đức Thọ và Henry Kissinger được giải Nobe Hoà bình vì đã đạt được thoả thuận ngưng chiến. Lần đầu tiên trong lịch sử giải Nobel Hoà bình, hai thành viên của Uỷ ban Nobel, phản đối và từ chức. Lê Đức Thọ từ chối nhận giải vì không hợp “những tình cảm tiểu tư sản” loại này và bên địch đã vi phạm đình chiến. Kissinger, dù có nhiều do dự, đã nhận Nobel, lấy tiền thưởng cho quỹ học bổng giúp con em tử sĩ hoặc chiến binh Mỹ mất tích ở Việt Nam. Khi miền Nam rơi vào tay cộng sản Bắc Việt, Kissinger muốn trả lại giải Nobel Hoà bình 1973 nhưng không được Uỷ ban Nobel chấp nhận.

Vì vụ Watergate, Nixon phải từ chức vào tháng 8, 1974. Quốc hội Hoa Kỳ đã cắt giảm viện trợ năm 1974, khi đó viện trợ quân sự đã giảm gần một nửa. Những lá thư cam kết của Tổng thống Nixon gởi Tổng thống Thiệu không còn giá trị vì War Power Act 1973 đã trói tay Tổng thống Gerald Ford dù ông có muốn thực hiện lời hứa của Nixon đi nữa.


Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, ngày 21 tháng 4, 1975.

Kết quả không tránh được, quân cộng sản Bắc Việt chiếm toàn miền Nam Việt Nam ngày 30 tháng 4, 1975, chấm dứt nền Đệ nhị Cộng hoà. Khi người Mỹ sau cùng ở Toà Đại sứ Mỹ lên trực thăng bay ra biển, Kissnger thán, “chỉ còn lại một cảm giác trống vắng”.

Và theo Alistair Horne, một trong nhiều người viết tiểu sử của Kissinger thì thất bại của người Mỹ ở Việt Nam là “một thất vọng nổi cộm trong suốt cả đời của Kissinger – là nguồn ân hận vô tận. Nó đối với tôi là điểm u uất nhất trong kinh nghiệm chính quyền.” Trong Dự án phỏng vấn những Ngoại trưởng Hoa Kỳ của đại học Havard (2014), Kissinger nói, “Nếu mà Nixon còn tại chức, chúng tôi chắc chắn đã oanh tạc đường tiếp vận hậu cần của cộng sản Bắc Việt ở Cam Bốt và Lào.”

Cái “Nếu mà” của ông Kissinger chỉ là một trong một chuỗi dài những cái “nếu mà” của những người có trách nhiệm với lịch sử – những người đi làm lịch sử. Và chính họ cũng không thể trả lời cho hơn 100.000 gia đình chiến sĩ Việt Nam Cộng hoà đã tử thương ở những mặt trận sau cùng bảo vệ miền Nam, hay những người bị xử tử ngay sau đó hoặc dã chết dần mòn trong cái trại tù cộng sản sau 1975. Lịch sử không có chữ “nếu mà”.

Nửa triệu người miền Nam đã chết trong cuộc chạy trốn cộng sản sau tháng 4, 1975 hẳn đã gây ra nhiều nỗi trống vắng và u uất, thất vọng suốt đời, lớn gấp nhiều lần so với những cảm giác của ông Kissinger.

30 tháng 4, 1975 đến Sài Gòn, Bùi Tín, Đại tá cộng sản Bắc Việt nói,

“The war has ended today, and all Vietnamese are victors. Only the American imperialists are the vanquished.” (PBS, “The End of the Tunnel (1973-1975)”)

“Hôm nay chiến tranh đã chấm dứt, và tất cả dân Việt Nam là người chiến thắng. Chỉ có đế quốc Mỹ là kẻ bại trận.”

Bùi Tín

Tỷ André, một người miền Nam khuyết tật, mồ côi từ nhỏ nhận xét:

“It was a war in which there were no winners, only victims.” 

“Đó là một cuộc chiến không có người thắng cuộc, mà chỉ có nạn nhân.”

Ty André, Allen McMahon, “On my Brother’s Shoulders”, Wakerfield Press, South Australia, 1997, trang 217

Hai miền, hai văn hoá!

Hơn bốn mươi năm sau ngày chiến thắng, cộng sản Việt Nam vẫn không thống nhất được lòng người.

Những ngày cuối năm Bính Thân (tháng 1, 2017)

©2017-2023 DCVOnline


Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

Nguồn: Đăng lần đầu 11/01/2017

– Vietnam: A Television History; Interview with W. Averell (William Averell) Harriman, 1979, Open Vault, WGBH, 1/29/1979.
– Amy Belasco, Lynn J. Cunningham, Hannah Fischer and Larry A. Niksch, “Congressional Restrictions on U.S. Military Operations in Vietnam, Cambodia, Laos, Somalia, and Kosovo: Funding and Non-Funding Approaches”, Cogressional Research Service, January 16, 2007.
– Ang Cheng Guan, “The 1968 Paris Peace Negotiations and the Vietnam War”, Tamkang Journal of International Affairs (Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế Đạm Giang), Vol.10, No.4, April 2007, trang 133-176.
LBJ’s ‘X’ File on Nixon’s ‘Treason’. Robert Parry, Consortiumnews.com, March 3, 2012.
The Almost Scoop on Nixon’s ‘Treason’. Robert Parry, Consortiumnews.com, June 7, 2012.
– Timothy Naftali, “Tom Charles Huston Interview Transcription”, Thư viện và Viện bảo tàng Tổng thống Richard Nixon, https://www.nixonlibrary.gov/virtuallibrary/documents/histories/huston-2008-04-30.pdf, 30 April 2008 (Giải mật 3/7/2014)
The Lyndon Johnson tapes: Richard Nixon’s ‘treason’. By David Taylor, Politico.com, 2014
Yes, Nixon Scuttled the Vietnam Peace Talks | It’s been rumored for years. Now we have real proof. By John Aloysius Farrell, Poliyico Magazine, June 09, 2014
Fleshing Out Nixon’s Vietnam ‘Treason’. By James DiEugenio, ConsortiumNews.com, September 8, 2014
– James H. Willbanks, “A Raid Too Far”, Chapter 10: Assessing Lam Son 719, Texas A&M University Press College Station Copyright © 2014.
– Kissinger, Henry A., “Interview with American Secretaries of State Project” (SOSP). Harvard University, 6 Nov 2014., p11
Watergate reporter: Nixon is still tricky after all these years. By Carl Bernstein, The Washington Post, July 24, 2015.
Don’t Blame Nixon for Scuttled Peace Overture. Jack Torry, RealClear Politics, August 09, 2015.
Nixon’s Vietnam Treachery. John A. Farrell, The New York Tiimes, Sunday Review Dec. 31, 2016.
– James K. Sebenius, L. Alexander Green & Eugene B. Kogan, “Henry A. Kissinger as Negotiator: Background and Key Accomplishments”, Harvard Business School | Working Paper 15-040, November 24, 2014, v3.1 rev. December 12, 2016
– James K. Sebenius & Eugene B. Kogan, “Henry Kissinger’s Negotiation Campaign to End the Vietnam War”, Harvard Business School | Working Paper 17-053, December 12, 2016, v1.25
Nixon’s Vietnam Treachery. John A. Farrell. The New York Times, 31/12/2016.
Nixon Tried to Spoil Johnson’s Vietnam Peace Talks in ’68, Notes Show. Peter Baker, The New York Times, 2 tháng 1, 2017.
– The Richard M. Nixon National Security Files, 1969-1974 | Kissinger’s Secret Vietnam Negotiations
– Miller Center of Public Affairs, University of Virginia. “Richard Nixon: Foreign Affairs.” Accessed January 7, 2017. http://millercenter.org­/president/biography/nixon-foreign-affairs.

1 Comment on “Nixon: phản bạn, phản bội và “phản quốc”?

  1. CHIẾN TRANH VIỆT MỸ

    Bây giờ mọi việc qua rồi
    Cái gì phải trái phải ngồi mà suy
    Tuyên truyền còn ích lợi gì
    Mà cần chân xác mọi điều khách quan

    Chiến tranh thật nỗi kinh hoàng
    Vạn điều khốc liệt mới càng thương thay
    Bom rơi đạn nổ hàng ngày
    58.000 quân Mỹ bỏ thây sa trường

    Việt Nam càng lại bi thương
    Sa trường toàn nước hỏi đường chạy đâu
    Trước sau ba triệu con người
    Mong manh không phải cánh diều mà bay

    Tuyên truyền toàn chỉ mê say
    Kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia
    Tạo nên nước mắt đầm đìa
    Vì tin sái cổ trở thành thiêu thân

    Giờ thì đã rõ dần dần
    Những gì mờ tối cũng phần lộ ra
    Giữa bên cộng sản cộng hòa
    Hai bên Nam Bắc xót xa tận cùng

    Đầu tiên vì chống thực dân
    Rơi vào ý hệ dân tình nào hay
    Chỉ vì dân trí đâu sai
    Treo dê bán chó những ngày đã qua

    Chỉ hô đế quốc sa đà
    Ai dè ý hệ mới ra ngọn ngành
    Liên Xô Trung Quốc một bên
    Miền Nam theo Mỹ mới thành chuyện to

    Chỉ do ông Mác đưa đò
    Ngồi thuyền ai dám nhảy tùm xuống sông
    Chỉ khi đò mục bến bung
    Con thuyền chìm lỉm mới mong hòa bình

    Rõ ràng con tạo tài tình
    Bảy lăm phải tới mới thành chuyển ngang
    Nguyễn Hữu Thọ dẫu oang oang
    Cuối cùng Lê Duẩn lại càng rõ thêm

    Bác Hồ lăng tẩm xây nên
    Một thời bao cấp lềnh khênh u sầu
    Rồi Liên Xô đổ cái ào
    Hóa thành anh Mỹ chơi trò mánh mung

    Ba mươi năm nói lung tung
    Đánh nhau chí chóe phát khùng là đây
    Rồi thì lịch sử những ngày
    Đến toàn cầu hóa nào hay bây giờ

    Thực dân Pháp quả chỉ khờ
    Ham trò bám víu bây giờ hẳn đây
    Miền Nam cũng kiểu giả cầy
    Hi sinh xương máu loay hoay hóa thừa

    Diệm xưa từng đã đi rồi
    Thiệu xưa cũng đã một thời rồi dông
    Giữa trời sóng gió chập chùng
    Trần Văn Hương hỏi còn mong nỗi gì

    Đúng là lịch sử lâm ly
    Dương Văn Minh phải giơ tay đầu hàng
    Bây giờ ai chẳng cười tràn
    Dân mình hóa phải đầu hàng lẫn nhau

    Chẳng qua anh Mác nhiều râu
    Một lần nói tướng biết hầu mô tê
    Khiến làm thế giới não nề
    Chiến tranh ý hệ giết trăm triệu người

    Bây giờ dở khóc dở cười
    Mác mà Không Mác lại đời tầm vơ
    Cái tên còn chỉ vật vờ
    Ai dè chủ nghĩa bây giờ xanh ra

    Thành tư bản đỏ bao la
    Riêng hoài vô sản dân mình chứ ai
    Vài lời nói phiếm dông dài
    Trên đời thử hỏi biết ai đồng tình

    Hết đêm cũng đến bình minh
    Hết thời mác xít cũng thành trắng ra
    Hết cộng sản đến cộng hòa
    Rồng thiêng quay lại dân ta vui vầy

    Gì hơn dân chủ tự do
    Gì hơn khoa học cuộc đời khách quan
    Gì hơn phúc lợi mọi đàng
    Gì hơn tri thức mới càng vinh danh

    Việt Nam đất nước thanh bình
    Một thời mác xít tội tình làm sao
    Râu nhiều Mác chỉ tào lao
    Phỉnh toàn nhân loại lẽ nào không chê

    DIỄM NGÀN
    (12/01/17)