Nhận định về ba vai trò của Bảo Đại: Vua, Cố vấn tối cao, và Quốc trưởng (p7)

Nguyễn Văn Lục

Tôi nhận xét là trong giai đoạn từ 1947 trở đi, ông Bảo Đại mới bày tỏ một sự quan tâm đặc biệt đến chính trị mà trước đây ôngi xem ra lơ là. Sự lơ là trước đây cho thấy, ông hiểu được vai trò bù nhìn mà người Pháp đặt để cho ông lúc làm vua.

Tìm hiểu con người Bảo Đại qua cuốn Hồi ký của ông

(Tiếp theo p1, p2, p3, p4p5, p6)

Con đường lên làm Quốc Trưởng của Bảo Đại

Khi vai trò chính trị của ông có đổi khác cho thấy sự quan tâm đến những vấn đề thời sự chính trị, tình hình Việt Nam và ngay tình hình trên thế giới của Bảo Đại có sự thay đổi.

Sở dĩ có vấn đề đó là khi đó Bảo Đại là nơi mà đủ mọi lãnh tụ thuộc đủ mọi khuynh hướng chính trị tìm đến ông, tiếp súc, trao đổi và cũng không thiếu các đề nghị để ông nắm giữ các vai trò chính trị. Chính thức, ông vẫn cho mọi người thấy là ông không ham quyền hành. Nhưng các phần tử quốc gia đến với ông đều bày tỏ ý muốn của họ mong muốn ông một lần nữa ra nắm vận mệnh đất nước. Ông bày tỏ chỉ khi nào toàn thể quốc dân mong muốn ông ra lại thì ông sẵn sàng. Nhưng nếu chỉ có một nhóm người thì chưa phải là một xứ sở, cho nên cần có cả một quốc dân đại hội mời gọi tôi.

Theo tôi, càng có sự mâu thuẫn không tương nhượng được giữa Hồ Chí Minh và người Pháp thì giải pháp Bảo Đại càng sáng giá.

Chúng ta chỉ cần xem lại những lời tuyên bố của Hồ Chí Minh trong nỗ lực đi tìm một giải |pháp cho bài toán Việt Nam sẽ thấy rõ.

“Ngày 8 tháng bảy, năm 1947, nghĩa là chiến tranh giữa đôi bên đã xảy ra gần một năm, Hồ Chí Minh vẫn chủ trương:

‘Mục đích đầu tiên của Việt Nam nếu chấm dứt được chiến tranh là xóa đói và sự ngu dốt, và chúng tôi muốn gia tăng sản xuất. Và muốn đạt được điều ấy, chúng tôi cần vốn, chuyên viên kỹ thuật và lao động. Dân tộc Việt Nam sẽ cung cấp chuyên viên kỹ thuật và lao động cộng với cung cấp nguyên liệu, nhưng chúng tôi sẵn sàng đón nhận vốn tư bản từ Pháp và ngoại quốc trong mưu cầu lợi ích chung của đôi bên.”

Cụ thể và rõ rệt hơn nữa, vào tháng 3, năm 1947, Hồ Chí Minh kêu gọi chính quyền Pháp và nhân dân Pháp như sau:

“Một lần nữa, chúng tôi long trọng tuyên bố nhân dân Việt Nam ước mong thống nhất và độc lập trong Liên Hiệp Pháp và chúng tôi sẵn sàng tôn trọng quyền lợi kinh tế cũng như văn hóa của người Pháp ở đây..Nếu nước Pháp chấm dứt ngay sự thù địch và nhờ thế cứu được nhiều sinh linh cũng như tài sản của dân chúng. Và nhờ thế lấy lại được sự tin tưởng và thân hữu giữa đôi bên.” (Message de Paix adressé par le Président Ho Chi Minh au Peuple et au Gouvernement Francais. P11. Trich lại trong Ellen J. Hammer, The Struggle for Indochina, trang 203-204.)

Những cố gắng ấy cũng như sau này của người Pháp gửi giáo sư Paul Mus một mình đi vào bộ tham mưu của Việt Minh, ở về phía Bắc Hà Nội cũng không đạt được kết quả cụ thể gì.

Và cuộc chiến tranh tiếp diễn. Một phần vì một số đông người Pháp cũng như người Việt trong vùng Pháp chiếm đóng không muốn thương thuyết tay đôi, trực tiếp với Việt Minh. Phần khác, Bộ trưởng bộ chiến tranh của Pháp là ông Paul Coste-Floret, sau chuyến viếng thăm Việt Nam về tin tưởng rằng cần phải gửi sang Việt Nam một số quân lính vào khoảng 500.000 người thay vì 115.000 như hiện có. Người Pháp vẫn làm chủ các thành thị và sự đi lại giao thương vẫn tốt đẹp.

Chính vì thế, họ nghĩ cần đi tìm một nhà lãnh đạo khác, thiết lập một chính phủ có thể đương đầu với cộng sản. Giải Pháp về sự trở lại chính trường của Bảo Đại mỗi ngày thêm rõ rệt và uy tín của Bảo Đại ngày một tăng lên.

Vào cuối những năm 1946 cho đến năm 1947-1948, mối liên hệ giữa Pháp-Việt Minh càng trở nên xấu và vô phương giải quyết, vai trò Bảo Đại càng được nhắc nhở tới nhiều. Giải pháp của Pháp đưa thủ tướng Nguyễn Văn Hinh làm thủ tướng bù nhìn tại miền Nam Việt Nam là một trò hề chính trị đưa đến vụ tự tử oan nghiệt của vị thủ tướng này.

Thay đổi quan trọng nhất của Bảo Đại là vào ngày 21 tháng 3, 1947, từ trong chiến khu, Hồ Chí Minh gửi một thư cho người Pháp như đã trích dẫn ở trên. Được một nhà báo thuộc cơ quan United Press hỏi, ngài cố vấn sẽ giữ vai trò gì trong việc thương thuyết với người Pháp.

Nhân dịp này, Bảo Đại đã trả lời: “Không tôi sẽ không thương thuyết với người Pháp với tư cách cố vấn tối cao.”

Từ đó, Bảo Đại phủ nhận chính thức cái chức vụ do Hồ Chí Minh ban cho. Phần khác, vì nay có một phong trào “Mặt trận Thống nhất Quốc Gia” do các lãnh đạo Cao Đài, Hòa Hảo, đảng dân chủ xã hội vừa lập ra một mặt trận “Mặt trận Quốc Gia chống Phát Xít”. Mặt trận này tôn xưng Bảo Đại là lãnh tụ của Mặt Trận.

Một trong những lãnh tụ gần gũi với Bảo Đại, đặc ủy viên của Bảo Đại khi ở Hồng Kông về Sài Gòn, ông Trần Văn Tuyên cũng tuyên bố:

“Cựu hoàng không phải là cố vấn tối cao của chính phủ Hồ Chí Minh. Ngài sẽ ân cần thỏa thuận cho Việt Minh tham gia ý kiến trong cuộc thương thuyết với nước Pháp do Người hướng dẫn miễn là Việt Minh phải thành thật và đừng tự coi mình hơn các đảng phái khác. (..) Nếu mai đây, nước Pháp thương thuyết với Hồ Chí Minh thì tất cả những người Quốc gia sẽ nhất tề nổi dậy chống cả Pháp lẫn Hồ Chí Minh.” (Nghiêm Kế Tổ, ibid., trang 110)

Thay đổi quan trọng thứ hai là việc thay thế Thierry d’Argenlieu bằng Bollaert. Thay đổi này có ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai chính trị của Bảo Đại. Bollaert trong dịp này đã tuyên bố:

“Nước Pháp sẽ duy trì sự có mặt của mình trong Liên Hiệp Đông Dương. Đấy là trọng tâm chính sách của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn được tiếp xúc với mọi đại diện của mọi đảng phái đến với chúng tôi. Tôi nói mọi đảng phái và chúng tôi không nhìn nhận bất cứ một đảng phái có độc quyền để đại diện cho dân tộc Việt Nam.” (Le Monde, may, 1947, trích lại trong Ellen Hammer, ibid., trang 209.)

Chính vì thế, Bollaert đã cho người tiếp xúc với Bảo Đại từ tháng ba, 1947 tại Hồng Kông. Trong số ấy, có những thành phần lãnh đạo của VNQDĐ và Đồng Minh Hội.

Và cho đến mùa hè năm 1947, nhiều người Việt Nam đã sẵn sàng và hoan hỉ coi Bảo Đại như một người đại diện chính thức của họ để đối đầu với Việt Minh.

Phải chăng đây là giai đoạn sáng giá nhất trong cuộc đời làm chính trị của Bảo Đại?

Ông tuyên bố sẽ không về Việt Nam trừ khi nhân dân Việt Nam muốn ông trở về. Cuối năm 1947, Bà Hoàng Hậu và con cái đã có mặt tại Pháp. Thế giá Bảo Đại càng cao. Các vị trong hoàng tộc như giáo sư Bửu Hội từng có chút tiếng tăm ở bên Pháp đã gặp bà Hoàng và sẵn sàng quy tụ thành phần Quốc gia sau lưng Bảo Đại. Nhưng người có thế giá hơn cả là Hoàng thân Bửu Lộc, một nhà ngoại giao kỳ, họ hàng thân thích với cả Bửu Hội và Bảo Đại sau này trở thành người cố vấn, cánh tay mặt của Bảo Đại.

Về phía người Mỹ, có ông William C. Bullit, cựu đại sứ Mỹ tại Pháp đã từng viếng thăm Đông Dương vào năm 1947 cũng như từng gặp Bảo Đại ở Hồng Kông. Sau này lại có dịp gặp lại Bảo Đại ở Genève (1948). Ông là người có tiếng nói được người Pháp kính nể. Ông cũng là người có chủ trương ủng hộ Bảo Đại và được coi như thể đó là chính sách của người Mỹ tại Đông Dương và được đa số các thành phần người Quốc gia tán đồng.

Một mặt ông làm áp lực để phía người Pháp nhượng bộ hơn nữa các đòi hỏi của Bảo Đại. Một mặt ông khuyến khích Bảo Đại phải đòi cho được độc lập.

Phía Việt Nam, một mặt trận Liên Hiệp quốc đân được thành lập vào mùa hè năm 1947 kêu gọi mọi thành phần đảng phái, tôn giáo, các nhóm xã hội đoàn kết dưới quyền Bảo Đại. Họ thúc đẩy cựu hoàng nhận lãnh vai trò lãnh đạo phong trào tranh đấu cho một Việt Nam thống nhất và độc lập để chống lại điều mà họ gọi là sự khủng bố đỏ.

Họ cũng không hoàn toàn tán thưởng về lời tuyên bố của Bolllaert tại Hà Đông kêu gọi thương thuyết với mọi đảng phái.

Phần bảo Đại, có thể ví ông như một tay đánh bạc trong khi một đám chính khách ngồi chầu rìa và những tay đứng ngoài cá cược với nhau về cơ may được thua. Mọi người hình như ai cũng biết rõ lá bài ông định chơi và điểm yếu cũng như điểm mạnh của ông. Nhưng người ta tự hỏi, liệu ông có đủ bản lĩnh để chơi canh bài này không hay sẽ để cho người Pháp hay cả Việt Minh lợi dụng?

Nhưng Bảo Đại hơn ai hết hiểu rõ vai trò của mình, một vai trò không ai thay thế được và chỉ mình giữ con bài tẩy.

Bảo Đại viết trong Hồ ký của mình như sau:

“Người ta thường nghĩ rằng trong tay tôi chẳng có gì nhiều, ngay cả tính đại diện của tôi cũng cần phải bàn cãi. Nói như thế là coi nhẹ một yếu tố chính yếu, ở chỗ ngay từ nhỏ, tôi đã đại diện chính thống cho một triều đại, là Đấng Thiên tử, là Con Trời, được Trời trao sứ mệnh trị vị thần dân. Có lẽ chỉ mình tôi nhận thấy tính đại diện chính thống này. Nó không thể được coi như một luận cứ trong một đàm phán ngoại giao, cũng không thể viện ra ngay từ đầu. Tuy nhiên nó vẫn hiện hữu, mạnh mẽ hơn mọi bất cứ luận cứ nào. Chắc chắn là những ai không phải là người Việt Nam thì không cảm nhận được điều đó mà người ta cũng không thể thuyết phục được ai cả. Khi tôi phản ứng hay tỏ thái độ, những người đối thoại với tôi không thể hiểu được, họ chỉ đưa lý lẽ giữa con người với nhau, ngang tầm với họ, hợp với trình độ của họ.” (S.M. Bao Daï, ibid., trang 207)

Nhưng chính ở chỗ tự tin như thế, phải chăng Bảo Đại đã bỏ mất cơ hội cứu vãn Việt Nam?

Trong một số báo l’Hístoire, họ đã dành để viết về chủ đề: Le Vietnam depuis 2000 ans. Tác giả Chirstopher Goscha, trong bài nhan đề: Bao Đai, Monarque colonial đã nhận xét như sau về Bảo Đại:

“Toutefois, au lieu de presser les Français d’accorder une véritable indépendance, Bao Dai se retire à Dalat, fuit les tournées impériales, rejette l’idée qu’être vu de son peuple peut s’avérer un moyen d’efficacité gouvernementale. Ce refus obstiné contrarie aussi bien les Français que les nationalistes qui le croyaient capable de retourner contre les Français et les communistes l’artillerie symbolique de la royauté. Sa vie de « playboy » inspirait peu d’espoir. C’est à partir de ce moment que Bao Dai est resté gravé dans les mémoires sous les traits d’un pantin colonial.” (L’Histoire, Le Viet Nam depuis 2000 ans. Jan 7, 2014. Bao Dai, monarque colonial, texte traduit de l’anglais par Agathe Larcher-Gosha. Christopher Goscha, trang 39.)

“Tuy nhiên, thay vì gây sức ép với người Pháp để dành được một nền độc lập chân chính. Bảo Đại rút lui về Đà Lạt, tránh các buổi đi thăm chính thức của hoàng gia, thường không muốn xuất hiện trước dân chúng, một trong những phương tiện hữu hiệu của người cầm quyền. Điều đó cũng gây bực dọc cho những người Pháp cũng như những nguời Quốc Gia vì họ tin rằng ông có thể đối đầu được với cả cộng sản và người Pháp chỉ nhờ vào cái tước vị hoàng gia của mình. Cuộc sống “ăn chơi” của ông đã cho thấy đem lại rất ít hy vọng. Và kể từ lúc đó, hình ảnh Bảo Đại ăn sâu vào ký ức mọi người, ông chỉ là một con rối chính trị của chế độ thuộc địa.”

Người Pháp chọn giải pháp Bảo Đại

Có thể nói, người có vai trò quan trọng trong việc hồi hương của Bảo Đại về nước là ông Nguyễn Văn Xuân. Nguyễn Văn Xuân từ Pháp trở về Saigon vào tháng 9 năm 1947. Ông được kể là một trong những người Việt Nam giữ chức vụ cao nhất trong quân đội Pháp. Từ đại tá thăng lên tướng trong quân đội Pháp. Ông là người chủ trương Nam Kỳ tự trị tách ra khỏi Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Khi về Việt Nam, chính phủ Lê Văn Hoạch thay thế thủ tướng Nguyễn văn Thinh tỏ ra bất lực không được sự ủng hộ của dân chúng và nhất là thất bại trong việc giữ gìn an ninh chung.

Chính phủ Lê Văn Hoạch bắt buộc từ chức và Nguyễn Văn Xuân được một số nhà chính trị ủng hộ để thành lập một chính phủ thứ ba vào đầu thang 10, 1947.

“Trong suốt năm 1948, Nguyễn Văn Xuân đã đi khắp các nơi tìm kiếm sự ủng hộ của nhiều lãnh tụ trong việc ủng hộ Bảo Đại về nước. Kết quả là vào tháng năm, 1947, Nguyễn Văn Xuân đã có thể quy tụ được mọi thành phần phe phái khác nhau có một buổi họp tại Sài Gòn. Có 11 người từ Bắc Kỳ, 7 từ Trung Kỳ và 20 người từ Nam Kỳ. Trong số ấy có những người như Lê Văn Hoạch, giáo chủ Cao Đài Phạm Công Tắc và ông Trần Quang Vinh cũng là Cao Đàì.” (Ellen Hammer, Ibid., trang 221)

Thật ra thì những người trên ủng hộ Bảo Đại hơn là Nguyễn Văn Xuân. Tuy nhiên, ông này đã đưa ra một lá thư của Bảo Đại ủng hộ việc thành lập một chỉnh phủ lâm thời. Nhờ lá thư của Bảo Đại, Nguyễn Văn Xuân đã đạt được số phiếu ủng hộ thành lập chính phủ là 37 phiếu thuận, và một phiếu trắng.

Sau đó, Nguyễn Văn Xuân đã đi Hồng Kông trình diện Bảo Đại. Vào tháng sáu, Nguyễn Văn Xuân Đã ra Hà Nội cùng với Trần Văn Hữu tuyên bố thành lập một chính phụ trung ương lâm thời.

Trong Nam, người phản đối Nguyễn văn Xuân là Nguyễn Phan Long. Ông này cho rằng chính phủ Nguyễn văn Xuân không có khả năng về quyền lực cũng như về uy tín để có thể tái lập hòa bình.

Thật vậy, nhiều người đã từ chối lời mời gia nhập nội các của chính phủ Nguyễn Văn Xuân. Ông gặp nhiều khoa khăn trong việc tìm người gia nhập chính phủ. Vì thế, chính phủ của Nguyễn Văn Xuân thiếu tính đại diện hay tính quần chúng và có rất ít thực quyền.

Phần Bảo Đại, ông cũng không hẳn hoàn toàn tin tưởng vào chính phủ Nguyễn Văn Xuân và phát ngôn viên của Bảo Đại cho hay Bảo Đại sẽ không về nước khi nào Việt Nam chưa được người Pháp trao trả độc lập.

Bảo Đại quyết định rời Hồng Kông

Hoàng đế Bảo Đại, Cao ủy Bollaert, Tướng Nguyễn Văn Xuân, Trần Văn Hữu. Hàng thứ hai Tướng Blaizot, Đô đốc Battet và Tướng Boyer de la Tour. Tháng 12 năm 1947 trên tàu Duguay Trouin trên Vịnh Hạ Long.

Sau khi đạt được một tuyên bố chung ký kết ngày 5 tháng 6, tại vịnh Hạ Long giữa ông Emile Bollaert, Cao Ủy Pháp ở Đông Dương và tướng Nguyễn Văn Xuân, thủ tướng lâm thời của Quốc gia Việt Nam [Thủ tướng Cộng hòa tự trị Nam Kỳ, 8 tháng 10, 1947 – 27 tháng 5, 1948], với sự hiện diện của Bảo Đại ngày 5 tháng 6, năm 1948.

Thật ra Bản Tuyên bố chung này không đem lại một nội dung nào mới mẻ như Bảo Đại mong muốn và dư luận khắp nơi tỏ ra chống đối.

Việt Minh lợi dụng dịp này tố cáo đó là một sự phản bội. Không ai bị lừa vì đó chỉ là thứ độc lập trên giấy tờ. Độc lập thật sự chỉ khi nào không còn bóng dáng người lính Pháp nào trên đất Việt Nam.

Bộ máy tuyên truyền của cộng sản qua nhân vật Trần Huy Liệu tố cáo chính phủ Nguyễn Văn Xuân là chính phủ bù nhìn, rơi vào bẫy của Pháp

Ngoài Nguyễn Văn Xuân, phía Việt Nam còn có các ông Nghiêm Xuân Thiện, Đặng Hữu Chí, Phan Văn Giáo, Nguyễn Khoa Toàn, Đinh Xuân Quảng, Trần Văn Hữu, Lê Văn Hoạch..

Sau dịp ký kết này, Bảo Đại coi như một sứ mạng đã hoàn tất và quyết định rời khỏi Hồng Kông sang Pháp gặp lại gia đình. Ông nhìn nhận Bản Tuyên Bố Chung chưa hoàn hảo, nhưng đã có ghi một cách chính thức chữ Thống Nhất và chữ Độc Lập trong đó.

Máy bay đã bay qua Huế rồi ghé Bangkok. Từ đó chuyển sang hãng máy bay để đi tói Rangoon, Calcultta, New Delhi, Le Caire, Tripoli, Tunis và đến phi trường Bourget.

Trước kết quả dở dang của Bản tuyên bố chung, Bảo Đại đã giao công việc soạn thảo một văn bản mới do các ông Nguyễn Mạnh Đôn, Bửu Lộc, Nguyễn Đắc Khê, Nguyễn Quốc Định tiếp túc công việc giao tiếp với Pháp để đi đến một thỏa thuận bền vững hơn.

Người Pháp lại một lần nữa yêu cầu Bảo Đại trở về Sài Gòn. Bảo Đại đã từ chối và cho hay: Je ne rentrerai pas au Viet Nam les mains vides. (Tôi không trở lại Sài gòn với hai bàn tay không.)

Bollaert lại tìm cách tiếp xúc với Bảo Đại. Bảo Đại từ chối và nhất định không chịu quay trở về sài Gòn. Và Bảo Dại viết về buổi tiếp xúc thất bại của Bollaert như sau:

“Je le regarde partir. C’est un homme abattu qui se retire” (Tôi nhìn ông ta ra về. Đó là một con người hoàn toàn thất bại đã rút lui) (S.M. Bao Daï, ibid., trang 211)

1949 — Tiến tới một giải pháp cho Việt Nam

1948 Emile Bollaert et Léon Pignon à Saïgon F. NADAL Dessin de presse
“I put the instructions in the big suitcase and powers in this small package” — “Tôi cất những chỉ thị trong chiếc va ly lớn và các quyền hạn trong cái túi nhỏ này” —  “J’ai mis les consignes dans la grosse valise et les pouvoirs dans ce petit paquet “. Encre de chine sur papier dessin
SIGNATURE: Monogrammé FN

Hai ngày sau khi từ giã Bảo Đại, Bollaert từ chức vào tháng 10-1948, Léon Pignon lên thay Bollaert trong vai trò Cao Ủy Pháp ở Đông Dương. Bảo Đại về Cannes nghỉ. Người kế nhiệm Bollaert lại lục tục đến Cannes để xin yết kiến Bảo Đại. Kết quả không thay đổi gì. Tiếp theo là nhiều nhân vật Pháp cũng lục tục kéo đến gặp như Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Coster-Floret, rồi bác sĩ Henri Queuille, rồi đại tướng Guillain de Bénouville, ông Terenoire, cánh tay mặt của tướng De Gaulle.

Tuy nhiên, tất cả các cuộc thương thuyết trao đổi đều thất bại, vì thái độ cứng rắn của tướng De Gaulle. Đối với De Gaulle, mảnh đất Nam Kỳ vốn là đất thuộc địa của Pháp từ năm 1864. Đó là điểm mà không thể nào làm lay chuyển quan điểm chính trị của De Gaulle được.

Cái nút tháo gỡ tình trạng bế tắc này tùy thuộc chủ yếu vào tình hình chính trị bên Trung Quốc. Mao Trạch Đông đã chính thức công khai có mặt ở Bắc Kinh ngày 22 tháng giêng năm 1949. Theo Bảo Đại, sau đó, diễn tiến cuộc đàm phán tiến triển rất nhanh như sau:

“Người Pháp lo sợ sự đe dọa trực tiếp của cộng sản Tàu đã tức tốc thành lập một ủy ban hỗn hợp vào ngày 12 tháng ha năm 1949 để nhanh chóng có thể đi đến một thỏa thuận ở vịnh Hạ Long.

Về phía người Pháp, Ủy ban này do Herzog cầm đầu và có các vị như ông Marolles, de Per eyra, de Raymond, Risterrucci, thiếu tá Ploix với 5 chuyên viên gồm: Ông Gonon, phụ trách về vấn đề tài chánh, Anziani, phụ trách vấn đề kinh tế, ông Terre phụ trách về kế hoạch, Dannaud về vấn đế văn hóa và đại tá Bresbisson về vấn đề quân sự.

Về phía Việt Nam có ông Bửu Lộc, luật sư tốt nghiệp ở Paris lãnh đạo phái đoàn Việt Nam, bao gồm luật sư Nguyễn Đắc Khê, bác sĩ Phan Huy Đán và các ông Trương Công Cừu, Nguyễn Quốc Định, Đinh Xuân Quảng và bác sĩ Nguyễn Mạnh Đôn.

Ngày 13, chủ tịch Trần văn Hữu cũng đến Paris đại diện cho chính phủ Nguyễn Văn Xuân.

Và đến ngày 28 tháng 2, các chuyên gia đã soạn thảo xong bản phúc trình. Đến ngay 3-3, tất cả mọi người đều có mặt ở điện Élysée tại văn phòng của tổng thông Vincent Auriol để trao đổi chữ ký.” (S.M. Bao Daï, ibid., trang 217-218)

Đây là một trang sử lớn đã vượt qua. Tổng thống Vincent Auriol cầu chúc mọi người sẽ đoàn kêt lại chung quanh Bảo Đại. Những vị đại diện Việt Nam lúc này bao gồm hoàng thân Vĩnh Cẩn, Bửu Lộc, Trần Văn Hữu và Nguyễn Mạnh Đôn.

Kể từ nay, hiệp ước này sẽ thay thế tất cả các văn kiện đã được ký kết trước đây bởi các vị tiên đế.

Sau đó, có cuộc trao đổi chữ ký của ba văn kiện chính thức.

Với các văn kiện này, nước Pháp nhìn nhận một nước Việt Nam thống nhất và độc lập. Chính quyền Việt Nam là một quốc gia độc lập, có nền ngoại giao riêng trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp, có quân đội riêng, có nền hành chánh, tài chánh riêng, có chủ quyền pháp lý riêng, chỉ trừ các công dân Pháp thì có một tòa án hỗn hợp để xét xử.

“Thủ tục để đạt được Hiệp Định này thật khó khăn vì chính phủ Pháp có một Quốc Hội địa phương tại Nam Kỳ gồm cả đại diện Pháp và Việt Nam. Kết quả bỏ phiếu lần đầu là 25 phiếu chống sát nhập và 25 phiếu thuận.

Nghe tin xấu này, Bảo Đại đã hủy bỏ chuyến bay không về nước nữa.

Chính phủ Pháp phải cấp tốc gửi Pignon sang Sài Gòn. Đến ngày 23 tháng tư, Quốc Hội địa phương họp để bầu lại. Kết quả lần này có 45 phiếu thuận cho sát nhập Nam Kỳ về cho Việt Nam và chỉ có 5 phiếu chống. Với thành quả đó coi như chính phủ Pháp đã trao trả độc lập cho Việt Nam và đất nước từ nay được thống nhất. Sau đó Bảo Đại quyết định đáp máy bay về nước sau 3 năm xa cách. Ông về ở Đà Lạt thay vì Sài gòn.”  (Nguyễn Văn Lục, Kỷ niệm 59 năm ngày ký Hiệp Định Élysées ký kết giữa pháp và Bảo Đại. Tạp Chí Tân Văn, số 11, 2008, trang 10)

Bảo Đại và Tổng thống Vincent Auriol của Pháp ký Hiệp định Elysee. Như một phần của thỏa thuận của Pháp cam kết giúp đỡ trong việc xây dựng một đội quân quốc gia chống cộng sản (9 tháng 3, 1949, Điện Élysées, Paris)

Sau bao nhiêu thử thách và thương lượng mới đạt được kết quả mong đợi. Bảo Đại quyết định rời Pháp về Việt Nam trên chiếc máy bay DC4 mà chính phủ Pháp dành sẵn cho ông.

Dưới mắt Bảo Đại thì đây là văn kiện mở đường cho một giai đoạn thu hồi độc lập cũng như một nền hòa bình vĩnh viễn cho Việt Nam. Thể thức này nó cũng tương tự như tình trạng các nước láng giềng ở Đông Nam Á như Phi Luật Tân, Miến Điện và Ấn Độ..

Nếu so sánh với các văn kiện do Hồ Chí Minh đã ký kết với người Pháp vào năm 1946 như tại Hội Nghị Đà Lạt ngày 12-5-1946 và Hội Nghị Fontainebleau. Hội nghị Fontainebleau tự giải tán vào 12-9-12946, Hồ Chí Minh phải đến nhà Bộ trưởng Moutet vào buổi tối vội vã ký một tạm ước, đăc biệt không đả động gì đến chính phủ Nam Kỳ tự trị thì hiển nhiên có sự tiến bộ rõ rệt mà chính quyền Việt Minh cho đến thời điểm này đã đổ bao xương máu cũng chưa đạt được.

Tôi đặt ra vấn đề ở đây, xét về mặt chính trị, ai còn cho rằng chỉ có cộng sản mới có công dành được độc lập, thống nhất đất nước bằng chiến tranh thì nên nhìn lại giải pháp Bảo Đại. Một giải pháp mặc dù có tính giai đoạn của bước đầu, nhưng nó hứa hẹn một giải pháp toàn diện mà điều quan trọng hơn cả là không tốn hao sinh mạng người dân.

Thật vậy, chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới đã tiêu phí trên 100 triệu dân từ một thế kỷ nay nhằm tiêu diệt các “thế lực phản động” như tư bản, phong kiến, thực dân. Riêng Mao Trạch Đông trách nhiệm về cái chết của 70 triệu người dân Trung Hoa như lời nhận định của Jung Chang và Jon Halliday trong “Mao: The Unknow Story”, xuất bản năm 2005 như sau:

“Mao Tse-tung, who for decades held absolute power over the lives of one-quarter of the world’s population, was responsible for well over 70 million deaths in peacetime, more than any other twentieth century leader.” (Trích trong báo Los Angeles Times, April 13, 2008)

Tham vọng bá quyền của cộng sản Việt Nam đã không lý gì đến thành tựu của Hiệp Định Élysée và tiếp tục hy sinh hàng trăm ngàn người dân vô tội để đạt được một thỏa thuận chia đôi đất nước với Hiệp Định Genève.

Giữa Hiệp định Genève và Hiệp định Élysées, ngày nay ta có thể đánh giá và chọn lựa một giải pháp nào tốt đẹp nhất cho Việt Nam.

Đứng trên lập trường dân tộc, ai đem lại độc lập thống nhất thì đều có công với đất nước. Vậy thì việc cộng sản từ chối giải pháp Bảo Đại và tiếp tục cuộc chiến tranh nhân danh ý thức hệ cộng sản là có tội với lịch sử, với đất nước.

Cho đến lúc này, công cuộc giải thực quả thực không cần đến một cuộc chiến nồi da xáo thịt đẫm máu như nó đã xảy ra. Xu hướng mang tính thời đại cho thấy đa phần các quốc gia bị đô hộ đã dành lại độc lập mà không cần đến một cuộc chiến tranh như đã xảy ra cho Việt Nam.

Hôm nay, tôi muốn nhắc lại ba ngày lịch sử mà phần lớn người Việt đã quên hoặc không biết tới. Một lần nữa, xin giới thiệu những tài liệu liên quan đến biến cố chính trị này để mọi người hiểu rằng đã có lúc lịch sử dân tộc thống nhất và độc lập trong tầm tay mà chúng ta đã để vuột khỏi. Lịch sử không có những chữ nếu, nhưng lịch sử Việt Nam thì đầy những chữ nếu như thế. Nếu người Pháp có thiện chí trong những cuộc thương lượng từ 1945-1946. Nếu chủ trương chống lại chủ nghĩa thực dân của TT Roosevelt vẫn được thực hiện. Nếu De Gaulle đã kinh nghiệm nỗi nhục bị Đức Phát Xít dày xéo quê hương ông và ông sẵn sàng buông tha các thuộc địa như Việt Nam. Nếu Hồ Chí Minh không theo cộng sản Tầu cũng như Nga Xô. Nếu Bảo Đại có lòng và xả thân với đất nước.

“Về phía Việt Minh cộng sản, ngày 26 tháng tư, Bộ đội Việt Minh phải vận dụng mọi phương tiện để tấn công các tầu bè, bắn các máy bay. Mỗi tỉnh thành đều phải rút thăm, một tỉnh 4 người, ai may mắn trúng thăm họp thành một ủy ban tình nguyện gọi là “uỷ ban ám sát” đột nhập vào Sài Gòn để ám sát Bảo Đại..Ngay tại Sài gòn thì cấm chợ, cấm buôn bán, đóng cửa ở trong nhà, cấm mua bán, cấm ra ngoài, cấm mua báo chí.” (Daniel Grandclément, ibid., trang 308-309)

Tất cả những biện pháp tuyên truyền của Việt Minh đều vô hiệu, ra ngoài mọi dự liệu của họ. Ba tên khủng bố định ném lứu đạn vào xe của Bảo Đại thì đã bị bắt trước đó. Số người dân đi đón Bảo Đại không bao nhiêu lúc đầu, vì sợ bị Việt Minh trả thù.

Phần Bảo Đại đã gửi một điện tín như sau cho bà Nam Phương: “Excellence tournée à Sài Gòn. Accueil très sympathique.” (Chuyến trở về tốt đẹp. Cuộc đón tiếp rất nồng hậu)

Tôi xin ghi lại đây quang cảnh Sài gòn lúc bấy giờ trong ngày lễ ký kết Hiệp định. Ở giữa, như thường lệ, người ta có đặt một bàn thờ tổ quốc ghi như sau: Chính giữa ghi Thống nhất Việt Nam. Bên trái ghi Kỳ công cựu hoàng Bảo Đại. Bên phải ghi: 13-14-15 tháng sáu dương lịch 1949.

Biểu tình ủng hộ bảo Đại. Nguồn: Goscha, Christopher, La Guerre d’Indochine 1945-1956, UQAM – Université du Québec à Montréal

“Thành phố Sài gòn được sống những ngày hội tưng bừng mừng Độc Lập và Thống Nhất. Ngay từ sáng sớm, phi trường Tân Sơn Nhất náo nhiệt với các xe hơi nối đuôi nhau đưa các nhân vật Pháp Việt, nhân viên chính phủ và báo chí Việt-Pháp ngoại quốc đến phi trường.

Trên đường Sài gòn-Tân Sơn Nhứt, người ta thấy nhiều khải hoàn môn đã được dựng lên với nhiều khẩu hiệu: “Bảo Đại, ngươn thủ V.N”, “Toàn dân Nam Việt chào mừng vị cứu tinh”, “Hoan nghênh tinh thần dân chủ của cựu hoàng”. “Việt Nam độc lập muôn năm.” (Nguyễn văn Lục, ibid., trang 15)

“9 giờ 30, các tóan lính danh dự đã giàn sẵn, và gồm các bộ binh của không quân, Bắc Phi, vệ binh Nam phần, lính nhảy dù và quân cơ giới.

10 giờ 5 phút, Tổng trấn Trần Văn Hữu và ủy viên cộng hòa De Latour dượt qua các toán binh hầu, kế đến lượt các đại tướng Revers và Blaizot.

Các nhân vật Việt và Pháp: nhân viên chánh phủ Trung Ương, Nam Phần Việt Nam, các vị cố vấn liên bang, các đại tướng chỉ huy hải lục không quân Pháp ở Viễn Đông đều có mặt đông đủ, đứng dài theo mé phi trường theo thứ tự. Điều đáng để ý nhất là các lãnh sự ngoại quốc ở Sài gòn cũng có mặt như: Anh, Mỹ, Trung Hoa, Hòa Lan vv.. đều đến đông đủ. Phải chăng là điềm báo hiệu các cường quốc ngoại bang sẵn có cảm tình với tân quốc gia Việt Nam và đã gián tiếp nhìn nhận.

Trong lúc mọi người đang trò chuyện thì thoạt trên không trung hiện ra chiếc phi cơ riêng của cựu hoàng, hiệu Beechcraft, 2 động cơ, sơn cờ Việt Nam. Hai bên có khu trục Spitfire hộ tống. Lúc ấy trước 10 giờ vài phút. Sau khi bay ngang những toán binh đang giàng hầu, phi cơ cựu hoàng từ từ đáp xuống sân bay.

Khi Cựu Hoàng đến trước quốc kỳ Việt Pháp, ban nhạc liền đánh bản Đăng-Đàn-Cung và quốc thiều Việt-Pháp. Trong lúc ấy, đại bác bắn 21 tiếng để chào mừng Cựu Hoàng. Sau khi dượt qua các toán binh danh dự gồm có bộ binh, thủy quân, lính Bắc Phi, cộng hòa vệ binh và lính nhảy dù cùng quân cơ giới. Cựu Hoàng đi ngang qua các lãnh sự ngoại quốc, các chỉ huy quân sự tối cao của quân đội Pháp, nhân viên chánh phủ Việt Nam và phái đoàn các hội nghị N.P. công chức. Xong Ngài đứng trước sân để xem các toán quân danh dự biểu diễn ngang để chào Ngài.

10 giờ 30, Cựu hoàng cùng Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân ngồi chiếc xe mui trần về Dinh.” (Nguyễn Văn Lục, ibid., trang16)

Ngày hôm sau là lễ trao đổi văn kiện tại Thị sảnh Sài Gòn. Có khoảng 25.000 người dân đứng trước tòa Thị sảnh để đón tiếp Cựu Hoàng. Người ta nhìn thấy có nhiều khẩu hiệu viết bằng chữ son trên vải trắng như: Triệt để thi hành Hiệp Ước 8-3-49. Dân Mạnh, nước mạnh. Đoàn kết sống, chia rẽ chết. Độc Lập, hòa bình, tự do cơm áo. Hoan nghinh cựu hoàng Bảo Đại.

Cựu Hoàng và và ông Thượng sứ trao đổi văn kiện và đọc diễn văn chào mừng. Trao đổi văn kiện xong, đại diện hai dân tộc Việt-Pháp xiết chặt tay nhau. |Cao ủy cũng bắt tay thủ tướng Xuân, người đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thương thuyết.

Cựu Hoàng và Cao Ủy ra bao lơn chứng kiến lễ thượng cờ Việt Nam, súng đại bác bắn chào. Sau đó, Cao Ủy ra xe trở về Dinh. Cựu Hoàng ra trước bao lơn ngỏ lời kêu gọi quốc dân Việt Nam.

Riêng cá nhân Bảo Đại, ông cho rằng ông đã làm xong một nhiệm vụ lịch sử vì đã thương thuyết lấy lại sự thống nhất cho Việt Nam.

Vài dòng kết luận

Nếu nói cho công bằng thì sở dĩ Bảo Đại đạt được thỏa ước đem lại sự thống nhất cho Việt Nam là do tình thế lúng túng của người Pháp lúc bấy giờ trước sự đe dọa có sự can thiệp của Mao Trạch Đông vào Việt Nam. Người Pháp sợ bóng ma cộng sản Tàu hơn là cộng sản Việt Nam. Sự lo sợ ấy thật chính đáng bởi vì kể từ đầu năm 1949, quân đội cộng sản của Võ Nguyên Giáp đã chuyển từ thế du kích, phòng thủ sang trận địa chiến, đối đầu trực diện với quân đội Pháp.

Có một sự kiện quan trọng lịch sử là từ lúc nào, ai là người đề xướng để Bảo Đại trở thành Quốc Trưởng Việt Nam? Thắc mắc này cần được giải đáp theo các tài liệu lịch sử mà chúng ta có được.

Trong các văn kiện chính thức về phía Việt Minh, họ vẫn gọi ông bảo Đại là cố vấn tối cao dù ông đã vắng mặt khỏi Việt Nam sang lưu vong bên Tàu và Hồng Kông.

Chỉ đến lúc Bảo Đại quyết định hồi hương để ký văn kiện với Pháp thì Việt Minh dứt khoát đổi giọng. Tại Nam Kỳ, một chiến dịch bôi nhọ Bảo Đại một cách rầm rộ và còn kết án tử hình Bảo Đại khi ông quyết định về nước. Tòa án quân sự Liên Khu III tuyên án tử hình Bảo Đại về tội bán nước, chiếc đầu Bảo Đại được định giá là 100.000 theo thời giá tháng 8 năm 1949. Một năm sau, do đồng tiền mất giá chăng? Số tiền thưởng nay được tăng lên 300.000 đồng..

Bên cạnh đó, như thói quen thường làm của Việt Minh, có những câu vè được tung ra và sau này Mật thám của Tây còn lưu trữ được cho đến ngày nay như sau:

“Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về
Nguyễn về để đóng vai hề tay sai..
Gái đẹp cùng với rượu Tây
Quốc Trưởng mê gái liếm giầy thực dân
Khi nào súng nổ đâu đây
Bù nhìn Bảo Đại tan thây có ngày.”
(CAOM, Lưu trữ bộ Pháp Quốc hải ngoại, SPCE, (Phòng báo chí quân đội viễn chinh), năm 1949. Trích lại trong Daniel, Ibid., trang 330)

Việt Minh viết sẵn các câu vè dán trên các ô tô, khách sạn, các cửa hàng, cá chợ búa và chỉ trong một ngày, hầu như toàn thể dân Sài gòn nhận được những câu thơ đại loại như sau mà người viết bài này mong nó được giữ lại như một chứng liệu lịch sử:

“Hỏi rằng ai đã long trọng thề trước dân chúng: “Ta thà làm công dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ.”
– Đó chính là Bảo Đại.

Ai đã nhận nhiệm vụ làm cố vấn tối cao cho chính phủ VNDCCH rồi lại bỏ trốn ra nước ngoài tha hồ ăn chơi trác táng?
– Đó cũng chính là bảo Đại.

Ai là người đã ngửa tay nhận tiền của Mỹ và Pháp để sống ăn chơi, trụy lạc và để trả ơn quan thầy, đã hèn mạt quỳ gối ký hiệp định vịnh Hạ Long và Hiệp định Auriol?
– Cũng chính là Bảo Đại.

Nối nghiệp bán nước của cha ông dòng họ, một tên vua lấy sống trụy lạc trong vũng bùn nay lại ngửa tay nhận tiền của kẻ thù để sằn lòng làm tay sai cho chúng để tàn sát đồng bào, còn tự coi minh là cứu tinh của tổ quốc!

Tên vua đó phải bị toàn dân Việt Nam lên án.

Đả đảo tên vua phản bội Bảo Đại
Đả đảo tên vua bán nước Bảo Đại
Đả đảo tên vua mất gốc.
Đả đảo tên vua rước voi về dầy mả tổ.”
(Trich CAOM, SPCE, 376, année 1949. Trích Daniel Grandclément, ibid., trang 308)

Về tước hiệu Quốc Trưởng

Về phía các tài liệu, các văn kiện chính thức được ký kết giữa Pháp và Việt Nam đều dùng tước hiệu quen thuộc là: Hoàng Đế Bảo Đại. Ngay tại buổi lễ đón tiếp Bảo Đại tại Sài Gòn, vào năm 1949, danh xưng chính thức được dùng vẫn là Hoàng Đế Bảo Đại.

Trong Công điệp của Tổng thống Cộng hòa Pháp quốc gửi Hoàng Đế Việt Nam về vấn đề thống nhất và độc lập nước Việt Nam được ghi như sau:

“Paris, ngày 8 tháng 3 năm 1949.
Tổng Thống Cộng Hòa Pháp Quốc
Chủ tịch Liên Hiệp Pháp,
Kính tâu Hoàng Đế Bảo Đại
Tâu Hoàng Thượng.”

Nhưng chỉ đến khi chính thức thành lập Thành phần chính phủ Việt Nam theo giải pháp Bảo Đại thì thấy đã có một sự thay đổi được ghi như sau:

“Quốc Trưởng kiêm Thủ tướng: Đức Bảo Đại
Phó Thủ tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng: Trung tướng Nguyễn Văn Xuân.”

Xét như trên thì chức danh Quốc Trưởng chỉ thực sự được xử dụng khi thành lập chính phủ. Ngoài chức vụ Quốc Trưởng, Bảo Đại còn kiêm nhiệm thêm chức vụ Thủ tướng nữa.

Điều trình bày trên giúp làm sáng tỏ chức danh Quốc trưởng của Bảo Đại mà nhiều phần do chính ông chọn lựa và tự phong không có ai khác như Quốc Hội vv.

Kể từ ngày thành lập chính phủ Nguyễn văn Xuân, Bảo Đại nắm vai trò chủ yếu vừa là Quốc Trưởng, vừa là Thủ tướng chính phủ.

Tiếc thay, Bảo Đại trên thực tế đã không bao giờ trực tiếp điêu hành chính phủ trong vai trò Thủ tướng. Và như thường lệ, ông đã rút lên ĐàLạt để đi săn bắn, cờ bạc và gái để mặc cho Nguyễn Văn Xuân một mình muốn làm gì thì làm.

Chúng ta sẽ có dịp tim hiểu xem trong vai trò Quốc Trưởng và Thủ tướng chính phủ?

(Còn tiếp)

© DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


DCVOnline biên tập và minh hoạ.

1 Comment on “Nhận định về ba vai trò của Bảo Đại: Vua, Cố vấn tối cao, và Quốc trưởng (p7)

  1. KẸT GIỎ VIỆT NAM

    Việt Nam kẹt giỏ từ triều Nguyễn
    Khi Pháp mới qua đã thấy rồi
    Công nghệ phương Tây đang phát triển
    Nước nhà thi phú chỉ hoài chơi

    Kinh tế biết gì thời buổi ấy
    Chỉ lo buôn bán ở bề ngoài
    Nông nghiệp cối xoay gà ăn quẩn
    Cùng như văn hóa kiểu đồ xưa

    Thực dân nó đến không cần biết
    Ý nghĩa thâm sâu với những gì
    Chỉ nhìn nông cạn như giặc lạ
    Kết quả mất luôn cả Nam kỳ

    Văn hóa phương Tây nào dự trước
    Chỉ ham văn hóa kiểu từ Tàu
    Cuối cùng nước mất dân ca thán
    Thử hỏi lỗi này bởi ở đâu ?

    Thực dân chẳng khác tằm ăn lá
    Đất nước mất dần chỉ trước sau
    Kết cục cuối cùng là nô lệ
    Trăm năm không biết sẽ về đâu

    Nhưng rồi thế giới thật nhiệm mầu
    Nổ ra Thế chiến quả không lâu
    Phe Trục cuối cùng đành thất bại
    Cục diện về sau đã đổi màu

    Thực dân như vậy cũng cáo chung
    Thuộc địa đứng lên mở được còng
    Bao nước giờ đây thành độc lập
    Bởi nhờ lịch sử đã sang trang

    Chỉ tội Việt Nam qua bước ngoặt
    Thực dân không bỏ lại quay về
    Liên Hiệp chỉ là hình thức mới
    Bù nhìn chính phủ chẳng do dân

    Lại thêm xuất hiện kiểu nhập nhằng
    Phong trào mác xít tự Liên Xô
    Sau này bành trướng sang Trung Quốc
    Thế giới đương nhiên tự đào mồ

    Việt Nam kẹt giỏ nữa từ đây
    Bên đỏ bên xanh với những ngày
    Bảo Đại quay liên minh với Pháp
    Ông Hồ ngã hẳn phía Liên Xô

    Chiến tranh tất phải đến ào ào
    Mỹ cũng nhảy vào chỉ tự nhiên
    Cục thế giữa lằn ranh xanh đỏ
    Dễ gì thế giới được thần tiên

    Kết quả đau thương bao thế hệ
    Trải qua ba thập kỷ âu sầu
    Khói lửa trùm lên toàn đất nước
    Hận thù liên tục mãi không thôi

    Bây giờ thì mọi sự cũng rồi
    Liên Xô cũng sập Pháp cũng lùi
    Chuyện ấy từ lâu thành quá khứ
    Ông Hồ, Bảo Đại cũng còn đâu

    Nên thôi nói nữa chỉ dông dài
    Vắn tắt vài lời có thế thôi
    Gần cả trăm năm không mở miệng
    Dân ta chẳng có lúc nào vui

    Nói ra thêm nữa chỉ bùi ngùi
    Ca ngợi hoài luôn chẳng giống người
    Nói thẳng bị quy là phản động
    Thôi thì sự thật chỉ đành thôi

    Bảo Đại vẫn luôn cứ con rồng
    Nhưng rồng bật ngữa quả vô song
    Từng quăng bảo kiếm và ấn tín
    Mục đích cuộc đời chỉ thú săn

    Săn hươu săn gái rõ vô ngần
    Vua biết gì đâu đến thần dân
    Cuộc đời vô vị là như vậy
    Chỉ khiến toàn dân mãi chết trân

    Nhưng rồi lịch sử cũng dần qua
    Trăm năm gác lại bóng chiều tà
    Sự nghiệp bốn trăm năm triều Nguyễn
    Ai làm kết cục lại xót xa

    NGÀN THƯƠNG
    (29/01/17)