Những kẻ bị quên lãng ở Sainte-Livrade

Nguyễn Văn Lục

Sau Hiệp định Genève ký kết ngày 20/7/1954, những đơn vị quân đội Pháp ở Bắc Việt đã được rút vào Sài Gòn. Nhưng cho mãi đến tháng tư, năm 1956, quân đội Pháp mới cuốn cờ rút hết khỏi Sài Gòn.

Trong đám lính Pháp hồi hương có khoảng 30.000 binh sĩ chính quy.

Les oubliés d’Indochine du Camp de Sainte-Livrade. Nguồn: Michel Bui

Bên cạnh đó còn có một số người Pháp gốc Đông Dương. Họ có thể là những binh lính, công chức hoặc nhà buôn hoặc các bà góa có chồng Pháp hoặc các bà có chồng Pháp bị bỏ rơi. Cộng chung gồm 467 người lớn và 754 trẻ con.

Những người này không thể hội nhập dễ dàng vào nước Pháp được. Vì thế họ được chính quyền Pháp cho ở trong những căn trại nhà binh bỏ trống. Vào ngày 7 tháng 10 năm 1955, thị trưởng Maurice Picard ở Lot-et-Garonne tìm thấy ở xã Sainte-Livrade-sur-lot, cách vùng Agen chừng 40 kilô mét có 36 căn doanh trại, mỗi căn dài 50 mét bỏ hoang từ hồi sau thế chiến thứ hai.

Thế là chính phủ Pháp biến doanh trại bỏ hoang này thành Trung tâm tiếp đón các người Pháp gốc Đông Dương. (Centre d’accueil des Francais d’Indochine — CAFI). Trung tâm có thể tiếp nhận được 2000 người. Đa số họ là người Việt, còn lại một số nhỏ là người Lào và Cao Mên. Họ xuất thân từ mọi tầng lớp xã hội của chế độ thuộc địa cũ. Người ta cũng thấy trong đám họ một người thuộc hoàng phái của triều đình Annam từ thế kỷ 16, công chúa Xuân-Tư.

Những doanh trại bỏ hoang này ở tình trạng tồi tàn, cửa siêu vẹo, tường vôi tróc sơn, mối mọt, ẩm mốc. Cửa kính cái còn cái mất được thay thế bằng những miếng nhựa. Cống rãnh hư hỏng lầy lội. Chung quanh có những hàng rào kẽm gai, dấu tích của doanh trại nhà binh đế lại. Cỏ mọc rậm rạp khắp nơi cần phải dọn dẹp. Gạch lát sàn nhà bong ra để trơ nền đất ẩm..Trần nhà bằng cát tông và có khóang amiang (abestos) ở dưới mái nhà. Nhưng quan trọng hơn cả là hệ thống cống rãnh hư hỏng. Người ta còn đọc được một phúc trình của bác sĩ Yann Daoulas trông coi trại vào năm 1961 như sau: “Plus d’un millier d’individus croupissent dans la boue, les immondices” (Hơn một ngàn con người ở chen chúc nhau trong bùn lầy và rác rưởi).

Thật khó tưởng tưởng tượng là có thể có một số người đã ở đây trong những căn nhà đổ nát này trong nhiều năm trời.

Đó là trường hợp anh Patrick Fernand đã từng sinh ra trong khu trại binh này và nay anh là chủ tịch Hiệp hội những kẻ thường trú và bạn của Trung tâm tiếp đón những người Pháp gốc Đông Dương. (ARAC). Và anh chỉ cho chúng tôi căn nhà mà bố mẹ anh cũng như em của anh hiện còn đang ở đó. Trong căn nhà này, lò sưởi bằng củi cháy ngùn ngụt để chống cái lạnh từ bên ngoài lùa vào. Các căn phòng chật hẹp được ngăn bằng những tấm vách tạm bợ. Trên tưởng, có treo một bức hình một người phụ nữ Á Đông xinh đẹp. Anh Patrick Fernand chỉ tay lên bức hình nói: Mẹ tôi đấy. Bà để răng đen theo cách phụ nữ Á Đông xưa.

Vậy mà câu chuyện xưa trải qua nay đã 58 năm trôi qua. Lúc đầu, mỗi gia đình được cho ở với một diện tích ba bốn phòng nhỏ trang bị sơ sài, một vài đồ dùng trong bếp, khăn trải giường và mỗi người được phát hai chăn. Những người này không phải trả tiền thuê nhà. Nhưng họ sẽ bị đuổi ra khỏi doanh trại nếu có dấu hiệu họ giàu có như có xe hơi, có TV, máy giặt hay tủ lạnh. Theo quy định của trại, có những thứ trên thì không thích hợp ở trong những căn nhà xã hội do nhà nước phải trả chi phí.

Quản lý trại có một giám đốc trại xuất thân từ thời thuộc địa, một thư ký, bốn nhân viên bảo trì, một bác sĩ và hai trợ tá xã hội.

Ở đây cũng có mở một trường học vào ngày 8-10-1956 và tiếp đón 356 học sinh trong 10 lớp. Francois Boccheciampe còn nhớ lại: “Bỗng chốc, phải học nói tiếng Pháp mà thoạt đầu không hiểu gì. Không có chọn lựa nào khác. Nhưng cũng là cách tốt nhất để chúng tôi có thể hội nhập vào xã hội.”

Ngoài đồng ruộng, còn có những người phụ nữ đội nón

Cuộc sống chung đụng giữa 1200 người ngoại quốc trong một khu làng có 3700 dân cư ngụ lúc đầu không dễ dàng gì. Nhưng rồi, các sổ hộ tịch cho thấy đã có nhiều đám cưới giữa đám người Đông Dương này với dân vùng Livradais. Các cuộc hôn nhân dị chủng này chứng tỏ sự hội nhập thật có kết quả nhanh chóng. Trẻ con trong khu doanh trại cũng có trình độ học vấn như trẻ con trong làng càng đẩy nhanh tiến trình hội nhập.

Nhưng dù có thiện chí mau chóng hội nhập, những người Đông Dương này cũng không có lý do gì phủ nhận cái văn hóa của họ. Từ khi đến đây, ở một góc nhỏ địa lý vùng Tây Nam nước Pháp tỏa ra một mùi hương thơm Á Châu. Trong các căn nhà ở doanh trại cũ, người ta cũng thấy treo một tấm gương với nhiều mảnh nhỏ ghép lại treo lủng lẳng trước mỗi cửa nhà mà theo sự tin tưởng của mấy người này là để xua đuổi tà ma.

Trước cửa mỗi nhà thường trồng mấy luống rau muống, rau bạc hà, mấy luống hành.

Theo lời kể của Patrick Fernand, những người làm ruộng còn trồng những rau trái đặc sản Á Đông để đem bán cho hai cửa tiệm Á Đông trong trại.

Và mọi chuyện diễn ra như thế không có một biến chuyển lớn nào trong trung tâm qua 8 đời chính phủ liên tiếp mà không một ai có trách nhiệm quan tâm đến số phận những người dân Đông Dương tại Saint-Livrade. Và cho đến những năm cuối 1970, trong trại hầu như không có gì đổi khác như hồi 1956.

Năm 1981, chính quyền thị xã mua lại các lô đất, nhưng do thiếu phương tiện nên chỉ có thể sửa chữa khẩn cấp để chống lại sự hư nát của các nhà doanh trại..

Anh Patrick Fernand giải thích: Các bậc cha mẹ của chúng tôi bỏ lại tất cả của cải để sang đây. Và họ đã không đòi hỏi cũng như than phiền bất cứ điều gì. Họ bắt tay vào làm việc, đàn ông thì làm trong các xưởng đóng đồ hộp trong vùng, hoặc làm thợ đóng giầy ngay trong trại. Phần phụ nữ đi làm công việc hái lượm tùy theo mùa như đi hái mận, hái dâu và nhất là đậu ha ri cô ve. Trong các trang trại, người ta quen với hình ảnh đội nón làm việc tiêu biểu cho giới nhà nông trên các đồng ruộng. Và người dân địa phương hẳn nhiên là thích thú với tiền nhân công rẻ, lại dễ bảo, trả tiền mặt chẳng thuế má gì.

Với thời gian

Với thời gian, các người lớn tuổi chết dần mòn. Giới trẻ mới lớn lên cũng ra đi lập nghiệp nơi khác. Saint-Livrade chìm vào sự quên lãng. Năm 2005, có một dự án do cơ quan quốc gia tái thiết đô thị (ANRY): Tái xây dựng lại khoảng 100 đơn vị gia cư để dành cho khoảng 60 người cuối cùng còn sót lại. Hầu hết là phụ nữ. Nhưng khi mà những chiếc xe ủi đất chuẩn bị tiến hành việc san bằng các căn nhà cũ hư hỏng, thị xã bất ngờ phải đối đầu với một vấn đề ngoài mong đợi: Các “má” gọi theo cách thân thương các người phụ nữ thế hệ ban đầu lại không muốn rời những căn nhà cũ kỹ xưa kia. Theo thị trưởng Claire Pasut, chỉ cần dọn ra khỏi căn nhà cũ và dọn vào căn nhà mới cách khoảng 20 mét để sống trong những căn nhà mới đủ tiện nghi, nhưng với các “má” thì đó là một cuộc bứng gốc rễ một lần nữa. Mà ngay cả những trẻ con từng sống ở Cafi, mặc dầu đã bỏ ra đi làm ăn ở nơi khác, chúng cũng từ chối không chấp nhận việc san bằng nơi đây với đầy những kỷ niệm. Thị trưởng cho rằng: “việc giữ lại những căn chung cư này là điều không thể, các căn chung cư đã trở thành quá nguy hiểm.”

Các sự kiện xảy ra sau đó cho thấy ý kiến của ông thị trưởng là có lý. Năm 2005, ngày lễ Saint-Sylvestre, Liliane Andréas, 87 tuổi, đã bị chết cháy trong căn hộ do chảo dầu chiên bốc cháy. Số người chết có thể nhiều hơn thế nhiều nếu những người hàng xóm của bà có mặt tại nhà bữa đó.

Chính quyền địa phương quyết định tiến hành việc dọn các người còn lại sang các căn hộ mới, nhưng không quên bảo tồn những dấu tích của doanh trại cũ. Để thực hiện được điều này, họ đã đề cử một ủy ban khoa học do Martine-Dalas, chuyên viên bảo tồn các di sản quốc gia cầm đầu, quy tụ các nhà sử học, các nhà xã hội học và các nhà thiết kế đô thị. Sau khi tham khảo thêm Hiệp hội như ARAC và CEP (Coordination des Eurasiens de Paris) quy tụ những người đã từng sống ở CAFI. Họ cũng tuyển dụng một chuyên viên về văn khố để thu tập các tài liệu ký ức về CAFI, chẳng hạn các tài liệu về hành chánh, các hình ảnh cá nhân của các người đã từng sống ở đây và các chứng nhân cũ. Bốn căn hộ doanh trại cũng như nhà thờ và chùa cũng đã được lưu giữ lại.

Hằng năm, người ta vẫn tiếp tục tổ chức ngày tết cổ truyền tại Sainte-Livrade và múa lân trên các phố cũ của doanh trại dành cho người Đông Dương trước đây.


Que Huong/Terre Natale, Extraits : documentaire 26 minutes sur les rapatriés d’Indochine vivant dans le camp de St-Livrade sur lot, Co-realisé avec Delphine Bole/Emmanuel Dejoux en 2004, 3Is production

Le CAFI : Les oubliés d’Indochine du Camp de Sainte-Livrade
Published on Jun 17, 2014, La Roseraie des Cultures – 7ème édition – Exposition
© DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Lược dịch bài Les oubliés de Sainte-Livrade, của Cyril Guinet trong tạp chí GéoHistoire, số tháng ba-tư năm 2014, trang 112-115.
Đọc thêm: Le site des Rapatriés français d’indochine.

1 Comment on “Những kẻ bị quên lãng ở Sainte-Livrade

  1. TỪ THỰC DÂN TỚI THUỘC ĐỊA

    Thực dân nó ở bên Tây
    Đi tìm thuộc địa ở trời phương Nam
    Khi thua nó rút vội vàng
    Cóc cần bao kẻ lang thang lạc loài

    Dù sao họ cũng con người
    Sống tùy hoàn cảnh có gì đâu khinh
    Tại sao người của nước mình
    Lại thành đào tẩu theo chân của người

    Hai lần đâu phải đáng cười
    Kể chung nhiều triệu dân ta chạy tràn
    Lần đầu là Pháp chạy làng
    Lần sau là Mỹ lên đàng rút quân

    Hai lần nước mắt rưng rưng
    Biết bao người Việt bỏ quê hương mình
    Dân thường đâu phải tội tình
    Mà người gây cảnh thực tình tội thay

    Trải qua tháng rộng ngày dài
    Bây giờ mới thấy dở hay ở đời
    Thực dân tội ác đầy trời
    Nhưng mà ai đó tội đồ có không

    Khác chi nước lớn nước ròng
    Dòng sông đời chảy vẫn luôn rác rều
    Khiến dân thành phải lêu têu
    Bên này bên khác thảy lèo vậy thôi

    PHIẾM NGÀN
    (03/02/17)