Tillerson, Trump và Biển Đông

Amitai Etzioni | DCVOnline

“Thế giới bây giờ nên làm quen với một Tổng thống và chính quyền nói trước và (có thể sẽ) nghĩ sau.”

Những phản ứng với tuyên bố của Ngoại trưởng (khi mới được đề cử) Rex Tillerson và Toà Bạch Ốc, rằng Hoa Kỳ sẽ chặn không cho Trung Quốc ra vào những hòn đảo nhân tạo họ đã đắp trong vùng biển phía Nam Trung Quốc (Biển Đông), cho thấy những khó khăn giới lãnh đạo nước ngoài và giới bình luận đã gặp khi phải điều chỉnh với chính phủ Trump.

WASHINGTON, DC – JANUARY 11 | Rex Tillerson, trước  Thượng viện Hoa Kỳ. Nguồn:  Alex Wong/Getty Images

“Chúng ta sẽ gởi cho Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rẳng, trước nhất, việc xây đắp đảo phải ngừng và, thứ hai, TQ sẽ không được phép ra vào những hòn đảo đó.” – Rex Tillerson ngày 11/1/2017 trong buổi điều trần để được cứu xét làm Ngoại trưởng ở Thượng viện Hoa Kỳ.

Trong những phản ứng đó có thể kể một bài bình luận trên tờ báo của nhà nước Trung Quốc, China Daily:

“Những tuyên bố như vậy không đáng được xem là có giá trị vì đó chỉ là một đống hỗn độn của sự ngây thơ, thiển cận, định kiến cũ, và sự tưởng tượng chính trị không thực tế. Nếu ông thực hiện những điều đã tuyên bố trong thế giới thực, thì sẽ là thảm hoạ.”

Tờ báo diều hâu hơn Global Times cảnh cáo,

“Tillerson có ngon thì nên tăng cường chiến lược hạt nhân nếu ông muốn buộc quốc gia có sức mạnh hạt nhân lớn rút khỏi lãnh thổ của mình.”

Những tuyên bố đó cho thấy rằng những người tuyên bố hay đối tượng của họ vẫn nghĩ rằng chúng ta vẫn còn ở trong một thế giới, ở đó một tuyên bố của Toà Bạch Ốc hay của Bộ trưởng Ngoại giao phản ảnh một chính sách đã được soạn thảo trước, và là kết quả của những cuộc thảo luận kỹ càng với từ ngữ cẩn thận. Thay vào đó, thế giới bây giờ nên làm quen với một Tổng thống và chính phủ hay nói trước và (có thể sẽ) nghĩ sau. Tổng thống Donald Trump đã xây dựng được một kỷ lục những lời tuyên bố phản ảnh tình cảm nhất thời hoặc những bất mãn vì sự tưởng tượng [“alternative facts”], chứ không có những chính sách rõ ràng.

Hơn nữa, những lời tuyên bố loại đó đều được viết trên đá,… nước đông lạnh. Vì thế ngay sau khi mặt trời mọc, chúng đều tan đi và có thể sẽ được thay thế không chỉ đơn thuần với một số sửa đổi mà có thể bằng một tuyên bố hoàn toàn khác. Thí dụ, ngày trước Trump chỉ trích của cộng đồng tình báo Mỹ và cáo buộc họ đứng đằng sau một chiến dịch bôi nhọ chống lại ông. Ngày hôm sau, ông tuyên bố rằng sự rạn nứt giữa ông và CIA là do các phương tiện truyền thông “bất lương” bịa đặt. Trong gần suốt cuộc vận động, và ngay cả sau cuộc bầu cử, ông chỉ trích chiến tranh Iraq. Sau đó, trong bài phát biểu với CIA, sau khi nói Mỹ nên chiếm lấy dầu của Iraq, Trump nói “có lẽ chúng ta sẽ có một cơ hội khác”. Vào một dịp khác, ông nói rằng Nhật Bản, Nam Hàn và Saudi Arabia nên được phép phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng chỉ vài phút sau, ông nói: “vấn đề lớn nhất, với tôi, trên thế giới, là vũ khí hạt nhân, và sự phát triển của nó.” Vì thế không ai ngạc nhiên nếu Trump ngày mai nói rằng Trung Quốc có thể giữ lấy tất cả những đảo họ muốn vì bảo vệ những quần đảo ở Biển Đông Mỹ sẽ tốn phí quá nhiều hoặc vì một số suy nghĩ, lý do ngẫu nhiên nào khác.

Ngôn ngữ ngoại giao của Trump bền vững như chữ viết trên đá (nước đông lạnh). Hôm mới đắc cử: “Chính sách “Một Trung Quốc” cũng là một chủ đề đàm phán cùng với các vấn đề khác như thương mại và chính sách tiền tệ.” Nay thì ….

Một điểm cần lưu ý thêm rằng các phụ tá về chính sách đối ngoại quan trọng mà Trump bổ nhiệm không đồng ý với ông và cũng không đồng ý với nhau về các vấn đề chính. Mỹ có nên giảm những vướng mắc và cam kết ở nước ngoài để tập trung vào giải quyết những vấn đề ở Mỹ trước hay sẽ đưa ra những cam kết mới, mở rộng các cam kết hiện tại của Mỹ ở nước ngoài? Trong trường hợp sau, Hoa Kỳ nên coi những hòn đảo ở Biển Đông như thể chúng là vùng lãnh thổ của đồng minh của Hoa Kỳ bị Trung Quốc chiếm lấy, và những quần đảo đó có tầm quan trọng quân sự lớn, hoặc chúng chẳng có chút quan trọng nào đáng quan tâm? Cho đến khi nhóm cố vấn chính sách ngoại giao của Trump gặp nhau và có cơ hội để xem họ có thể đồng ý về ít nhất là những đường nét chính của những chính sách mà họ sẽ đề ra, thì tốt nhất người ta không nên tin những lời tuyên bố ngang tàng ban đầu không gì khác hơn những ngôn từ cường điệu rằng “chúng tôi sẽ năng nổ nhiều hơn [cựu Tổng thống Mỹ Barack] Obama.”

Khi những nhân vật chính yếu ngồi lại với nhau, họ sẽ đối diện với những sự kiện sau đây: Quần đảo chính đang được thảo luận là Trường Sa, cũng được nhiều quốc gia khác tuyên bố có chủ quyền, trong đó có Philippines, đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Thường trực. Tòa án phán quyết rằng những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc chỉ nên được coi là những bãi đá cạn ở mực triều thấp theo Luật Biển, và vì vậy mà Trung Quốc không có quyền lãnh hải như họ tuyên bố. Tuy nhiên, kể từ đó Philippines đã bầu tổng thống mới, Rodrigo Duterte. Ông Duterte đã thỏa thuận với Trung Quốc để tàu thuyền đánh cá Philippines được phép hoạt động xung quanh vùng biển đang tranh chấp. Như vậy thì Hoa Kỳ có nên dùng sức mạnh của mình để tranh đấu cho chủ quyền mà Philippines không còn tuyên bố nữa hay không? Và làm thế nào này đạt được điều này? Trung Quốc đang gửi ngư dân chứ không phải tàu chiến xuống Biển Đông. Mỹ sẽ chặn bắt và đưa họ về giam giữ ở Guantanamo chăng? Hay Mỹ sẽ bắn vào ngư thuyền của Trung Quốc?

Theo cái nhìn của tôi thì những quần đảo đó có giá trị quân sự rất ít. Chúng giống như con tàu sân bay bị hỏng, mắc cạn trên bãi và như đám vịt đang đang ngồi và sẽ bị xóa sổ trong vài phút trong trường hợp xẩy ra chiến tranh. Tetsuo Kotani, chuyên gia về An ninh Hàng hải tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, lưu ý rằng ngay cả với những căn cứ phòng thủ chống tàu biển, căn cứ quân sự trên những hòn đảo đang tranh chấp chẳng khác gì những khả năng quân sự Trung Quốc đã có ở đảo Hải Nam: “Về cơ bản, họ chỉ gửi một thông điệp chính trị. Tôi không biết những những người lính TQ đang ở đó có thể làm gì khác hơn.”

Còn một cách khác để nhìn thế giới theo con mắt của Trump. Nó được gọi là thuyết chiến tranh của người điên. Theo đó, nếu một bên ứng xử phi lý, thì những bên bình tĩnh chững chạc hơn sẽ nhượng bộ. Ngoài ra còn có đồng ý đáng kể là với một “chính sách” như vậy có rất nhiều rủi ro. Sớm hay muộn, một bên sẽ không khoan nhượng và một cuộc đụng độ sẽ xẩy ra.

Cứ cho rằng hiện nay TQ không sẵn sàn đối đầu với Mỹ về mặt quân sự đi. Do đó, Trung Quốc nhiều phần sẽ không kháng cự nếu chính quyền của Trump thực sự gửi tàu chiến của Mỹ để ngăn chặn không cho Trung Quốc vào ra ở những quần đảo đang tranh chấp. Tuy nhiên, TQ có những cách khác để đánh lại, dễ nhất là gián tiếp giúp đỡ Bắc Hàn phát triển hoả tiễn và vũ khí hạt nhân.

Tranh chấp ở Biển Đông. Nguồn: Reuteurs, CNN, TNYT

Một số người hy vọng rằng, một khi đội ngũ lập chính sách ngoại Trump bắt đầu gặp nhau, họ sẽ nhận ra rằng lợi ích cốt lõi của Mỹ không nằm trong việc đối phó với những tranh chấp ở những quần đảo ở biển Đông, mà là hợp tác với Trung Quốc để hạn chế sự tích tụ vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn, về biến đổi khí hậu, và chiến binh thánh chiến, cũng như để xây dựng một thế giới ổn định và phát triển kinh tế.

Về tác giả | Amitai Etzioni là một giáo sư đại học khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học George Washington. Cuốn sách của ông, “Chính sách đối ngoại: Tư duy vượt giới hạn” (Foreign Policy: Thinking Outside the Box), gần đây đã được Routledge — Chatham House xuất bản trong tập “Insights”

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Tillerson, Trump and the South China Sea. By Amitai Etzioni, The Diplomat, January 28, 2017.